Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

HÔI KÝ NGUYÊN NGỌC; LÀM BÁO VĂN NGHỆ (kỳ 2)

Nguyên Ngọc
Thứ tư ngày 11 tháng 11 năm 2020 9:19 AM
(Ảnh: 1. Nhật Tuấn, 2. Nguyễn Huy Thiệp, 3. Phạm Thị Hoài)
Nam Sơn
. Nhắn
Nguyễn Hồng Hưng
vào đọc nhé!
Tờ báo có uy tín. Nhiều người oan ức đến nhờ báo lên tiếng, mang cả bài đã viết đến yêu cầu đăng… Sức ép ấy rất lớn, không dễ cưỡng lại.
Song tôi nghĩ vấn đề không phải là kể lể mãi thực trạng. Kể bao giờ cho hết. Hai bài báo sắc sảo của Phùng Gia Lộc và Trần Khắc đã đủ để trình bày cơ bản cái thực trạng ấy rồi.
Cần phải nhìn thẳng, thấy rõ thực trạng, nhưng không phải thấy để mà thấy. Thấy là để cố gắng giải quyết nó.
Và để may ra có cơ góp phần giải quyết, cần phải đi một bước nữa, một bước khác: tìm vào cho đến căn nguyên của tình hình.
Tôi nói suy nghĩ ấy với các phóng viên. Chúng ta có những người cầm bút thật thông minh và nhạy cảm. Họ cảm nhận vấn đề và chuyển cách nhìn, cách viết nhanh, tinh, sắc sảo.
Đọc lại kỹ, sẽ thấy từ sau Người đàn bà quỳ, phóng sự trên báo Văn Nghệ có chuyển hướng rõ rệt. Nó quyết liệt hơn, nhưng quyết liệt một cách khác: nó cố gắng chạm đến đáy của vấn đề.
Tiếng đất của Hoàng Hữu Các là một ví dụ. Tôi cho rằng đó là một phóng sự loại hay nhất tôi tìm được suốt thời kỳ tôi làm báo. Chẳng phải vô tình mà nó trở lại chuyện cải cách ruộng đất và chuyện Bí thư Kim Ngọc ở Vĩnh Phú mấy chục năm trước. Có một cái gì đó không ổn, căn bản hơn, trong những quan điểm và cách giải quyết những vấn đề nông thôn của chúng ta ngay từ đầu. Bà vợ ông Kim Ngọc kiên quyết đem dán văn bản kỷ luật Bí thư Kim Ngọc do tự tay ông Trường Chinh ký lên ngay trên bàn thờ ông giữa nhà, mấy anh lãnh đạo tỉnh phải đến nằn nì lạy mãi bà mới chịu gỡ xuống.
Người biết làm giàu của Trần Huy Quang là một ví dụ khác.
Phóng sự này được tổ chức rất công phu. Một chuyến đi Vĩnh Phú, cùng Nguyễn Khải, tôi tình cờ về xã Thổ Tang, quê Nguyễn Thái Học và Vũ Hồng Khanh.
Thật ra cũng không hoàn toàn tình cờ. Một hôm anh Ngọ Bí thư Vĩnh Phú, sau này về làm Bí thư Thanh Hóa thay Hà Trọng Hòa, trong một buổi tối tâm sự với Nguyễn Khải và tôi, băn khoăn hỏi:
– Mình làm nông nghiệp suốt ba mươi năm nay, đeo đuổi với nông dân gần trọn đời rồi còn gì. Rõ ràng đời sống người nông dân bây giờ khá hẳn hơn trước rất nhiều, Đảng đã đem lại cho nông dân nhiều chứ. Cứ vào từng nhà mà xem: nhà ngói đàng hoàng, tủ ly là phổ biến, xe cub, ti-vi không ít… Nhưng tại sao tâm trạng người nông dân vẫn không yên? Quan hệ của họ với Đảng vẫn lãng đãng thế nào ấy. Tinh thần con người không ổn định. Tại sao?
Khải và tôi im lặng một lúc, rồi tôi nói: Lẽ ra đấy là câu chúng tôi phải hỏi anh chứ, sao anh lại hỏi chúng tôi.
Mãi rất lâu, rồi tự anh ấy trả lời:
– Có lẽ là ở chỗ vấn đề sở hữu, các ông ạ. Cái sở hữu, sở hữu ruộng đất là ghê gớm lắm. Hôm nay anh giao cho tôi, ngày mai anh lấy lại như chơi. Vậy thì tôi không thể yên tâm được. Quan hệ giữa tôi với anh đương nhiên cứ hờ hững… Phải không?
Sau này vào Sài Gòn, đến thăm anh Hồ Nghinh, người Bí thư huyền thoại một thời chống Mỹ Quảng Đà nay đã nghỉ hưu, anh Nghinh cũng lại nói với tôi chính khúc mắc đó. Anh chỉ cái cốc trên bàn – chúng tôi đang cùng uống bia – bảo:
– Cái cốc này ông Nghinh dùng và cái cốc này của ông Nghinh là hai điều hết sức khác nhau. Cái cốc này ông Nghinh dùng thì dùng xong ông có thể bỏ đấy, mặc kệ. Còn cái cốc này của ông Nghinh thì dùng xong, ông sẽ lau chùi cẩn thận, cất kỹ vô tủ… Vấn đề là rứa đó. Có hiểu ra được không?
Vậy đó, vấn đề đã được nói ra từ lúc ấy, ngày càng thấy là vấn đề số một, sinh tử. Quyền sở hữu và quyền sử dụng. Cái gọi là “sở hữu toàn dân”, chẳng bao giờ có cái “toàn dân” nào hết. Ai cho anh đại diện cho cái gọi là toàn dân để chiếm lấy cái cốc của ông Nghinh bất cứ lúc nào anh thích? Anh cướp thôi. Đấy mới thật là “cướp chính quyền”! Cướp quyền của nhân dân, của nông dân. Nói hờ hững như anh Ngọ còn là quá lịch sự, quá nương nhẹ…
Tôi về Thổ Tang một lần. Rồi hai lần. Ba lần. Ra đây chính là cái phủ Vĩnh Tường, “trăm năm ông phủ Vĩnh Tường ôi” của Hồ Xuân Hương ngày nào. Gặp anh Khen, Bí thư Đảng ủy, một con người rất Thổ Tang, ít nói, chắc nịch, mà năng động đến có thể táo tợn. Ngày 30 tháng 4-1975 xe tăng ta vào Sài Gòn, có dân Thổ Tang theo sát sau, họ mang vào bán cho dân Sài Gòn vô số ảnh cụ Hồ, cờ xanh đỏ của Mặt trận và cờ đỏ sao vàng, trong khi toàn ngành văn hóa đồ sộ chưa kịp làm gì hết… Tôi còn quen anh Quán, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Lạc. Anh dẫn tôi đi gặp bà Loan, một bà nông dân ghê gớm, người săn quắt lại, đi đứng, ăn nói khôn khéo, dứt khoát, mạnh mẽ như một người chỉ huy quân sự; trong nhà lúc nào cũng rủng rỉnh hàng chục tấn thóc, có máy xay riêng, có máy kéo riêng, đang định mua cả ô-tô tải nữa, bao thầu hàng mấy chục mẫu ruộng, thuê mướn mỗi ngày hàng mấy chục nhân công. Quán hỏi tôi:
– Theo anh, bà ấy có kết nạp vào Đảng được không?Thành phần bóc lột cơ mà, kết nạp thế nào?
Bấy giờ anh Quán đang định chủ trương cho đấu thầu ruộng đất.
Mấy tháng sau, anh viết cho tôi một lá thư: “Hóa ra đấu thầu cũng là sa trường, ông Ngọc ạ!…”.
Tôi biết anh Quán vốn quê gốc Mê Linh, con nhà nho, bố làm thầy thuốc. Anh đã đi Sài Gòn, mua thủ sẵn một cái máy xay bột loại nhỏ, ở Hà Nội gọi là “xay bột trẻ em”. Là kế phòng thân, nhỡ khi bị cách chức sẽ về xay bột, làm thuốc tễ mà sống…
Con người trăn trở. Đất ruộng trăn trở.
Lần thứ tư lên Vĩnh Lạc, Thổ Tang, tôi kéo Trần Huy Quang theo, chỉ cho anh: Đấy, cuộc sống đang trăn trở tìm đường đấy.
Một tuần sau Quang trở về, giao cho tôi phóng sự Người biết làm giàu. Viết về chính cái bà nông dân ghê gớm nọ. Bà hỏi những người làm ruộng thuê cho bà, không sợ bà bóc lột à? Họ trả lời, lạy bà cứ bóc lột con đi, để con còn có miếng ăn mà sống…
Đọc lại mà xem, thiên phóng sự ấy có lẽ đã chạm đến chính những vấn đề chúng ta đang bàn cãi, thảo luận, tranh luận ráo riết ngay hôm nay. Không chỉ về nông thôn, về ruộng đất. Cả về cái gọi là chủ nghĩa xã hội. Và không phải chỉ chúng ta, ở mỗi nước ta…
Để giữ thể tài chủ lực là phóng sự và giữ liên tục đề tài nông thôn, chúng tôi tiếp tục một loạt bài, như Cơn sốt vàng ở Hiệp Đức của Trinh Đường, Con đường có máu chảyvà Trở lại những cánh rừng của Trần Quang Quý, Nỗi oan khuất của cây dâu của Quách Vinh, Hành trình NPK của Trương Điện Thắng, Tiếng kêu cứu của một vùng văn hóa của Võ Văn Trực, Đêm trắng của Hoàng Hữu Các, Làng giáo có gì vui và Anh hùng khi đã sa cơ của Hoàng Minh Tường, Thủ tục làm người còn sống của Minh Chuyên… Từ chuyện nông thôn tất yếu đã lan dần sang chuyện văn hóa, giáo dục, môi trường, tính bao quát xã hội được mở rộng hơn…
Khoảng giữa năm 1988, anh Đào Duy Tùng ủy viên Bộ Chính trị phụ trách tư tưởng và anh Trần Trọng Tân Trưởng ban Văn hóa Tư tưởng đến làm việc với báo Văn Nghệ. Ấy là lúc tình hình báo đã khá căng thẳng. Các anh nhận xét báo nói về tiêu cực nhiều quá, mảng đen tối xã hội đậm quá. Mà nói về những điểm sáng, những nhân tố tích cực ít quá.
Tôi trình bày với hai anh quan niệm của tôi. Theo tôi trong văn học không làm gì có tác phẩm gọi là viết về cái tiêu cực, tác phẩm viết về cái tích cực. Nó chỉ viết về cuộc sống đang vận động, cố gắng phanh phui quy luật bên trong của sự vận động ấy. Ngay Lời khai của bị can, Người đàn bà quỳ… là viết cái tiêu cực hay cái tích cực? Ông Chẩn, người lao động rất tài năng, ngoan cố chống lại mọi cơ chế kiềm hãm ông sáng tạo ra của cải thật tốt cho xã hội và làm giàu cho chính ông, “người đàn bà quỳ” một mình vượt phăng hết mọi cánh cửa quyết đi tìm lẽ công bằng… là tích cực quá đi chứ! Báo Văn Nghệ không chủ trương nói về cái tiêu cực, nó cố gắng góp tiếng nói, báo chí và văn học, cho sự giải phóng sức sáng tạo trong xã hội, như Đại hội VI của Đảng đã mở đường…
Anh Trần Trọng Tân nói, có ý răn dạy chúng tôi: Làm báo là làm chính trị, làm chính trị thì phải nhạy cảm chính trị, mà nhạy cảm chính trị trước hết là phải nhạy cảm với kẻ thù… Tôi trả lời ngay: Tôi có chỗ đồng ý với anh, có chỗ không đấy. Tôi cũng biết làm báo là làm chính trị và phải nhạy cảm chính trị, nhưng tôi hiểu khác anh, nhạy cảm chính trị trước hết là nhạy cảm với đau khổ của nhân dân, kẻ nào làm khổ dân tôi căm ghét hơn mọi kẻ thù, đó mới thật sự là kẻ thù…
Anh Đào Duy Tùng hòa giải: Tôi thấy ý kiến hai anh không khác nhau, chỉ là cách diễn đạt… Tôi nói, nhẹ giọng hơn một chút: Xin lỗi anh, khác căn bản đấy anh ạ…
Ra về, anh Tùng dặn:
– Tôi đồng tình với phương hướng chung của báo. Nhưng nhắc các anh, nhắc anh Ngọc, các anh còn nhiều sơ hở trong biên tập. Phải cẩn thận, chú ý hơn.
Chúng tôi đề nghị cho phép đưa nội dung buổi làm việc này lên mặt báo. Anh Tùng bảo:
– Hôm nay mới là ý kiến riêng của tôi. Để chúng tôi còn trao đổi thêm với Ban Thư ký Hội.
Tôi hiểu.
Quan hệ giữa báo với Ban Thư ký căng thẳng hơn nhiều. Trong một cuộc kiểm điểm về sau này tôi có nói: Chúng tôi, và riêng tôi, đã đối lập tờ báo với Ban Thư ký Hội.
Có thể trong một lúc xúc động, tôi nói hơi quá một chút. Nhưng về đại thể thì đúng như vậy.
Nguyên nhân: báo chủ trương vào cuộc, vào cuộc ngày càng sâu, và cũng ngày càng hiểm nguy hơn.
Còn Ban Thư ký Hội, ngày ấy, thì sợ, và một mực chủ trương tránh gió.
Tôi làm báo lắm điều vụng về, sơ hở, làm mất lòng nhiều người, trong đó có nhiều người vai vế. Điều ấy làm nặng nề thêm mối quan hệ. Nhưng đó không phải là cái chính. Khéo léo, mềm mỏng hơn, có thể sẽ đỡ căng thẳng đôi chút. Song cũng chỉ là đôi chút. Sự khác nhau là khá cơ bản, để cuối cùng tất yếu không tránh được đổ vỡ. Đáng tiếc, nhưng tất yếu. Biết làm sao!
Tôi không ân hận gì. Sự trả giá của riêng tôi là vừa phải. Dẫu sao, đây mới là một trận, đường còn dài…
Mảng phóng sự đương nhiên chỉ là một phần tờ báo, nhưng là phần rất quan trọng thời kỳ ấy. Nó tuyên bố rành mạch định hướng xã hội của tờ báo. Cũng có thể còn hơn một chút nữa: chính nó tham gia mở đường cho một loạt tiểu thuyết ngồn ngộn tính hiện thực xã hội sẽ nở rộ sau đó chẳng bao lâu.
***
Phóng sự-văn học là một tìm tòi đúng và đầy hiệu quả của báo Văn Nghệ trong tình hình bấy giờ. Song về lâu dài dẫu sao báo Văn Nghệ vẫn phải là tờ báo của sáng tác và những vấn đề của sáng tác văn học.
Tất nhiên phải nói về Nguyễn Huy Thiệp với báo Văn Nghệ.
Tôi không có vinh dự đăng truyện ngắn Tướng về hưu của anh, như tôi đã nói ở trên. Nhưng đọc, tôi nhận ra đây là một tài năng không bình thường chút nào. Tôi chăm chú theo dõi. Thậm chí có hơi lo.
Một đêm, ở căn phòng vốn là phòng của anh Thanh Tịnh tại 4 Lý Nam Đế, Nguyễn Khải và tôi lẩm cẩm trao đổi với nhau: E rằng cái thằng này viết xong Tướng về hưu hoặc là nó tịt luôn, hoặc là nó… chết mất. Tinh hoa phát tiết hết ra ngoài rồi còn gì!
Ít lâu sau tôi nhận được của Nguyễn Huy Thiệp truyện Muối của rừng. Tôi đăng ngay, và mừng quá. Hóa ra sức anh chàng này thật ghê. Vẫn là Thiệp đấy, nhưng đồng thời lại hoàn toàn khác. Hiếm có một cây bút mới đầu đã đa dạng như vậy. Nguyễn Khải bảo còn hay hơn cả Tướng về hưu. Có thể đúng. Truyện, theo tôi, viết rất mượt nhưng đặt một vấn đề rất dữ: kiêu ngạo và kết quả thê thảm của kiêu ngạo ấy ở con người trước thiên nhiên, tạo hóa.
Đến số Tết 1988, chúng tôi đăng tiếp Con gái thủy thần của anh. Lại một mặt khác, rất lạ, của tài năng này.
Mãi đến lúc ấy tôi vẫn chưa biết mặt Nguyễn Huy Thiệp. Anh rất ít đến tòa soạn. Lâu lâu mới tạt qua đưa một bài, cho tổ Văn, toàn những hôm tôi không có mặt ở báo.
Một bữa, vào đầu 1988, tôi đang dẫn con gái tôi đi ngắm sách ở cửa hàng ngoại văn, quốc văn Tràng Tiền, phố sách Đinh Lễ, loanh quanh Bờ Hồ, rồi tạt vào vườn hoa Chí Linh, thì thấy hai người thanh niên đang đi xe đạp phía trước Ngân hàng Trung ương bỗng dừng lại, dắt xe đi về phía bố con tôi. Một người cao, trắng trẻo, đeo kính trắng, trông có vẻ thư sinh. Một người thấp, nhỏ con, hơi gầy và đen, khắc khổ, có thể đoán là dân ngoại thành, làm nghề thủ công gì đó.
Anh “thanh niên ngoại thành” ấy hỏi:
– Anh có phải là anh Ngọc?… Em là Thiệp đây.
Nguyễn Huy Thiệp?
– Còn đây là Hưng, bạn em, làm điêu khắc.
Tôi gặp và quen Nguyễn Huy Thiệp như vậy.
Từ đấy thỉnh thoảng Thiệp đến nhà tôi chơi, bao giờ cũng ngồi ở chiếc ghế xa-lông tồi tàn đặt ở cái góc tối nhất trong phòng khách chật bó của tôi. Anh lẳng lặng ngồi hút thuốc và uống nước trà, rất ít nói, hầu như không bao giờ nói chuyện văn chương. Cũng có hôm cả Thiệp và Hưng cùng đến, Hưng đèo tôi, Thiệp thong thả đạp xe bên cạnh, lang thang qua các phố, ghé lại một hàng quán nào đó bên vỉa hè, uống chén chè và ăn vài cái kẹo vừng. Hoặc có bữa Thiệp mang đến cho con gái tôi vài quyển sách giáo khoa mới in. Anh đang làm việc ở Nhà xuất bản Giáo Dục. Tôi hỏi:
– Biên tập à?
Anh bảo:
– Không. Trình bày mỹ thuật.
– Cụ thể là trình bày cái gì?
Anh cười, nụ cười bao giờ cũng buồn, hơi cười gằn, pha chút mỉa mai: hóa ra cái gọi là trình bày mỹ thuật của Thiệp là kẻ chữ mấy cái bìa sách và can lại những tranh vẽ con cua, con cá, thân thể người ta…, loại tranh vẽ thật thà ngây ngô con cái chúng ta hằng ngày vẫn được học để “hình dung ra thế giới”. Chỉ tiêu công tác của Thiệp là mỗi buổi sáng phải can đủ ba bức tranh mỹ thuật như vậy; buổi chiều ngồi nhà viết. Hoặc đi làm thêm kiếm tiền.
– Làm gì?
Hưng và Thiệp nhận trang trí nội thất cho bất cứ nơi nào thuê, bấy giờ thiếu gì. Các cửa hàng mậu dịch, các quán giải khát, trăm nghìn thứ đại lý, đại diện xà phòng, kem đánh răng, bột giặt, nước hoa… Hưng vẽ, Thiệp tô màu…
Con người đã làm chấn động đời sống văn học ta, ít ra cũng trong mấy năm trời, là như vậy đấy. Đố ai nhận ra được Thiệp giữa đám người lao động đủ loại hỗn độn bát nháo hằng ngày giữa đường. Đôi lúc tôi đã có ý nghĩ, chắc là lẩm cẩm rồi: hay anh thuộc một loài người khác, ở đâu đó không biết, cải trang, hóa hình, sống chen chúc giữa cõi đời này của chúng ta, để theo dõi quan sát cái thế giới người ngộ nghĩnh và khá lôi thôi này của chúng ta.
Anh như một kẻ đứng ngoài cuộc, vô can, “vô trách nhiệm” nữa, không vướng víu như chúng ta bởi trăm thứ ràng buộc, quá khứ, hiện tại. Cứ nhìn thật kỹ đôi mắt anh mà xem, hơi đen tối thế nào ấy, hơi giễu cợt, ranh ma làm sao ấy. Cả khuôn mặt nữa: có gì đó tăm tối, quá giản dị một cách không bình thường.
Chẳng lẽ Nguyễn Huy Thiệp cũng là một người cầm bút, một người viết văn bình thường như anh, như tôi, như bao nhiêu người cầm bút ta vẫn gặp?
Đọc văn anh mà xem. Tục tĩu đến mức nhầy nhụa. Thanh cao hết mực thanh cao, anh Hoàng Ngọc Hiến gọi là thăng hoa. Phanh phui, mổ xẻ sự đời, tâm địa con người đến tàn nhẫn, không thương tiếc. Mà khi dắt ta vào cõi mờ ảo thì cũng đến tận cùng sương khói.
Có lần Thiệp kể cho tôi nghe câu chuyện này, không biết có thật không: một dạo ở bệnh viện Bạch Mai, khoa tâm thần, có một người đàn bà bỗng dưng tự xưng là nàng Vinh Hoa, nhân vật kỳ ảo trong truyện ngắn Phẩm tiết từng gây rất nhiều tai tiếng của Thiệp. Chị múa hát, ăn nói, đi lại, hành động hệt như Vinh Hoa. Người ta đến xem rất đông. Nghe tin, Thiệp cũng tò mò đến xem. Thoạt trông thấy Thiệp – mà chắc chắn chị chưa hề gặp bao giờ – đột nhiên chị tái mặt, sững người, hoảng sợ, mất tiệt hết “ma lực”…, và sau đó hoàn toàn trở lại bình thường! Thiệp cũng sợ quá, vội lủi đi ngay.
Tôi có cảm giác những cái Nguyễn Huy Thiệp viết, anh vừa viết rất ý thức, rất tự giác – ít cây bút nào tỉnh táo đến lạnh lùng, tàn khốc như anh –, lại vừa như bị “ma ám”, có lẽ.
Trong văn của anh, nhiều đoạn có thể chép nguyên làm mẫu tuyệt vời cho các sách giáo khoa dạy văn, ngay cả ở cấp 1, cấp 2 – như đoạn thả diều trong Những bài học nông thôn chẳng hạn. Đọc, bỗng nhớ Người gieo hạt (Le semeur) của Victor Hugo. Lại có đoạn, có truyện, chắc không bậc phụ huynh nào dám để cho con cái mình, dẫu đến tuổi mười lăm, mười sáu mó tới.
Từ giữa 1988, tôi đăng liên tiếp ba truyện ngắn thường được gọi, một cách không đúng, là những “truyện ngắn lịch sử” của Nguyễn Huy Thiệp: Kiếm sắc, Vàng lửa, rồi Phẩm tiết.
Một lần nữa tôi lại nói “tôi” chứ không phải “chúng tôi” để nói rằng tôi chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc báo Văn Nghệ đã giới thiệu với độc giả mấy tác phẩm rồi sẽ gây cả một vụ xì-căng-đan văn học ấy.
Cuộc cãi vã trở nên sôi nổi, ầm ỹ, lan ra cả ngoài văn học. Có người nhân danh nhà sử học chửi nó xuyên tạc lịch sử. Có người, từ góc độ chính trị lên án nó bôi nhọ anh hùng dân tộc, hạ bệ thần tượng lịch sử, cứ đà này rồi chẳng bao lâu sẽ đi đến hạ bệ cả những thần tượng đương đại. Có người mắng nó tục tĩu đến hôi thối, lợm giọng…
Người bênh vực Thiệp cũng nhiều, và cũng từ nhiều góc độ, cố gắng giải thích mấy truyện ngắn này. Một nhà sử học có tên tuổi cam đoan rằng ông có đầy đủ cứ liệu lịch sử tin cậy để chứng minh cho hình tượng Nguyễn Huệ đúng như Nguyễn Huy Thiệp đã viết. Nhiều nhà lý luận phê bình khác phân tích ý nghĩa thẩm mỹ cao siêu ẩn dụ trong mấy tác phẩm nọ…
Tôi thì tôi có dịp được chứng kiến một cuộc trao đổi về chính mấy truyện ngắn ấy ở Viện Văn học, có mặt cả Nguyễn Huy Thiệp. Cũng như mọi lần, Thiệp ngồi một góc, im lặng, thậm chí có vẻ lơ đãng chẳng muốn nghe. Chừng anh đang mải nghĩ chuyện gì đó khác, hoàn toàn khác. Chuyện làm ăn chẳng hạn. Chẳng là dạo ấy anh đang tính toán một nghề kiếm sống nào đó khác, khá hơn cái nghề trình bày mỹ thuật bất đắc dĩ kia. Anh đang tính cùng Hưng mở một cái cửa hàng chuyên sơn xì xe đạp, xe ô-tô…
Anh Huệ Chi, chắc là để cố “moi” Thiệp, hỏi:
– Đề nghị anh Thiệp cho biết trong mấy truyện vừa rồi của anh, chỗ nào anh căn cứ trên tư liệu lịch sử có thật, chỗ nào anh bịa thêm?
Thiệp đứng dậy, ngơ ngác một chút, rồi trả lời gọn lỏn:
– Tôi chẳng bịa gì cả.
Anh ngồi xuống, im lặng một lát, rồi nói tiếp:
– Chừng mươi năm sau nữa, nhớ lại những chuyện nói hôm nay, chắc tất cả chúng ta sẽ thấy buồn cười.
Từ đó đến cuối buổi anh chẳng nói gì thêm nữa.
Tôi vốn hay dại dột, một lần đến nói chuyện với câu lạc bộ các cụ về hưu ở Đống Đa (các cụ lại hết sức quan tâm đến văn nghệ), tôi lỡ mồm nói:
– Tôi nghe nhạc Beethoven chẳng hạn, tôi chẳng hiểu gì cả, thực tình nhiều khi cũng chẳng thấy hay. Muốn thưởng thức âm nhạc, phải học, học từ a b c của nhạc. Văn học có cái tai họa, nó được diễn đạt bằng ngôn ngữ thông thường, lời ăn tiếng nói hằng ngày của mọi người. Nên ai cũng tưởng cứ đọc là hiểu. Để đọc văn học cũng phải học cái “xôn-phe” của nó, như phải học để biết nghe và hiểu nhạc…
Tôi bị một bà cụ, chắc từng là một cán bộ có cỡ và nghe đâu đã đỗ đến bằng diplôme thời xưa, mắng cho một trận sa sả: Tôi khinh người quá! Nhiều người khác trong hội trường cũng la ó rất dữ.
Hôm ấy có anh Mộng Quỳnh (về sau anh đã tự tử ở sông Hồng). Mộng Quỳnh kéo tôi ra ngoài, an ủi:
– Từ nay về sau anh chớ bao giờ đến những nơi như thế này nữa. Hôm nay anh chỉ cần nhớ một điều này thôi: Ít ra, có tôi hiểu anh.
Tôi nói với anh Mộng Quỳnh:
– Nhưng chính tôi cũng chưa hoàn toàn hiểu Nguyễn Huy Thiệp, anh ạ.
– Đúng thôi, hiểu ngay thế nào được.
Anh ân cần tiễn tôi ra về.
Quả thật, Nguyễn Huy Thiệp là một hiện tượng lạ, có lẽ cứ còn phải đọc và tìm hiểu nữa. Chỉ có điều tôi thật tình ngạc nhiên sao anh xuất hiện sớm thế, như một báo trước thật sớm, khi trong đại trà văn học ta đang cố rứt ra khỏi cái trớn trơn tru cũ, hì hục, cặm cụi, hăng hái xông vào cái hiện thực thô nhám của cuộc đời hơn, hì hục mô tả nó cho thực, cho đậm. Anh dự báo một cái gì đó còn rất manh nha.
Còn đối với hôm nay, ít nhất Nguyễn Huy Thiệp đã làm được một điều này: Anh khiến tất cả những người cầm bút chúng ta, dù muốn hay không, dù yêu hay ghét anh, đều cảm thấy rất rõ rằng mình không thể tiếp tục viết như trước nữa.
Trung Trung Đỉnh, một cây bút trẻ tinh và rất nhạy cảm tâm sự với tôi: Sau khi đọc Những bài học nông thôn, anh quyết định hoặc phải viết khác hẳn đi, hoặc… bỏ nghề.
Nguyễn Khải, cái hôm tôi đưa cho anh đọc Tướng về hưu cũng bảo:
– Mình sẵn sàng vứt hết tất cả những cái trước nay của mình, để chỉ mong viết được một cái như thế này.
Tất nhiên rồi Nguyễn Khải chẳng vứt gì cả. Trung Trung Đỉnh vẫn tiếp tục viết.
Dễ gì “vứt”, và dễ gì một phát thay đổi.
Nhưng sự chấn động có thể tạo nên bước ngoặt do Nguyễn Huy Thiệp gây ra là có thật.
Báo Văn Nghệ “kiên trì” Nguyễn Huy Thiệp suốt một năm rưỡi ấy là đích đáng. Nếu không thì nó còn là tờ báo của Hội Nhà văn cái nỗi gì!
Và hóa ra, ngay từ đầu, báo Văn Nghệ không chỉ mở cửa cho văn học đi vào đời sống bằng thể loại phóng sự-văn học, trực tiếp, sắc nhọn như một con dao giải phẫu lợi hại; nó còn cùng lúc mở đường bằng sáng tác hư cấu, mới thật là “nghề riêng” của nó, và mới đi tới được cốt lõi, lâu bền.
***
Ở trên tôi có nói tôi làm báo Văn Nghệ có đúng một năm rưỡi gần như không hơn không kém một ngày và thấy như thế là vừa, không thể và cũng không nên hơn. Ấy là, vì dù không phải là người sắc sảo về chính trị, ngay từ đầu tôi đã cảm thấy, dù còn khá mơ hồ, Đổi Mới sẽ dở dang thôi, chưa thể triệt để được đâu, còn phải lận đận, quyết liệt nhiều phen, có khi còn khó hơn, may ra… Mà ở ta hình như mọi thứ đều thế, chẳng có cái gì cho đến cùng… Chính anh Hồ Nghinh đã nói với tôi điều đó hôm anh bảo Đặng Thanh Tịnh đưa tôi đến chỗ anh chơi tại nhà con rể anh ở Sài Gòn và dặn Tịnh để ông Ngọc ở lại ăn cơm trưa với mình, tức là anh có chuyện muốn nói với tôi suốt ngày.
Thôi, để tôi kể luôn chuyện anh nói hôm đó vậy, về hậu trường Đại hội VI của Đảng. Khi anh Nghinh rời Quảng Đà ra Hà Nội, gặp ông Trường Chinh, chỉ cần tiếp xúc vài hôm, ông Trường Chinh đã hỏi: Thế lâu nay anh ở đâu? Tại sao bây giờ anh mới đến đây?… Tôi cũng từng có dịp gặp ông Trường Chinh, khi tôi ở Quốc hội, làm ở Thư ký đoàn, ông ở Chủ tịch đoàn, gần như ngày nào cũng gặp nhau, ông thường gọi làm việc. Tôi hiểu ông là một người tốt, khi sai thì chân thành sai, lại có quyền lực lớn trong tay, vì vậy ngoan cố đến cùng với cái sai mà ông tin là đúng đến tuyệt đối; nhưng khi được một loạt anh em ở gần quanh, trong đó có anh Nghinh, chỉ ra thực tế đời sống, thậm chí dắt ông đi xem tận nơi, cũng khó nhọc lắm để ông thay đổi, song đã thật sự nhận ra, thì ông bảo: Chết, tôi sai rồi, phải làm khác thôi… Và ông chân thành làm khác… Duy có điều, như anh Nghinh nói với tôi trong buổi cơm trưa tâm sự: Bọn mình cũng có cái dở, chỉ tập trung lo làm đường lối, trong khi Lê Đức Thọ lặng lẽ làm nhân sự. Và nhân vật này là tay mưu thâm có tiếng, và có tài nữa, từng đối mặt mắng chan chát Kissinger ở Paris…
Đại hội VI của Đảng họp trù bị từ ngày 5 đến 14/12/1986, Đại hội chính thức từ ngày15 đến 18/12/1986. Mà ai cũng biết Đại hội trù bị, hay vậy, mới là Đại hội chính thức, mọi việc đều giải quyết xong ở đấy, Đại hội gọi là chính thức chỉ là biểu diễn lại để quốc tế và báo chí coi cho đẹp thôi. Điều lệ Đảng quy định rõ ràng Đại hội toàn quốc là cơ quan cao nhất của Đảng, khi Đại hội đang họp, tức bắt đầu Đại hội trù bị, thì không còn Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị nữa. Mọi đại sự quốc gia do Chủ tịch đoàn Đại hội quyết định. Anh em bao quanh ông Trường Chinh đã cảnh giác tác động của Lê Đức Thọ đến ông trong những ngày Đại hội trù bị, bèn thay nhau gác tại nhà ông về đêm. Nhưng rồi lại chủ quan, 6 giờ sáng thì rút. Đúng lúc đó, ông Phạm Văn Đồng, do Lê Đức Thọ xui, sang mời ông Trường Chinh đi họp Bộ Chính trị. Bộ Chính trị còn đâu mà họp. Nhưng ông già Trường Chinh, đã tám mươi tuổi, lại vừa ngủ dậy lơ mơ, lọ mọ theo sang họp. Con người suốt đời nổi tiếng nguyên tắc đến cứng nhắc ấy lại bị dụ vào một vụ rất vô nguyên tắc.
Một bản tuyên bố từ chức của cả ba ông Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ soạn sẵn đâu đó được đưa ra trong cuộc họp vô nguyên tắc ấy. Nghe nói cả chuyện có ông khóc kêu gọi cần làm việc này vì đại sự đoàn kết của Đảng. Ông Trường Chinh đặt bút ký luôn. Về kể lại, anh em hỡi ôi, ông khóc: Tôi sai rồi! Tôi sai rồi!… Kế hoạch ông Trường Chinh làm Tổng Bí thư nửa nhiệm kỳ để bảo đảm thực hiện đường lối mới, rồi sẽ tìm người thay, vậy là hỏng. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh NVL xuất hiện trong tình thế đó…
Tôi xin lỗi đã nói chuyện chính trị dông dài, chỉ muốn bày tỏ khi “nắm lấy tờ báo để vực dậy cái hội đang ngủ gục” như Nguyễn Minh Châu giục, tôi đã linh cảm Đổi Mới sẽ dở dang thôi. Còn giả như tình thế cho phép giữ được tờ báo lâu dài hơn, tôi cũng từng nghĩ đến đi xa hơn. Nông dân, nông thôn, nông nghiệp vẫn là chuyện lớn, căn cốt của xã hội, và còn phức tạp căng thẳng chừng nào còn giữ cái đất đai sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện gì gì đó, thực chất là mafia-Nhà nước câu kết với các nhóm lợi ích dưới cái tên đẹp đẽ thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa… Nhưng nếu còn tiếp tục làm báo đến năm sau, 1989, và lâu hơn nữa, vừa tiếp tục chuyện nông thôn, tôi tính sẽ chuyển trọng tâm sang một câu chuyện mới, khác, còn căn bản, lâu dài, khó khăn hơn.
Nhưng chuyện có đường lối mới mà nhân sự thì vẫn cũ, hay lừng khừng, chỉ là một cái cớ để tôi nghĩ Đổi Mới sẽ còn dở dang. Còn có điều khác, có thể sâu xa hơn.
Từ khá lâu, tôi đã nghĩ về sự chuyên chế, về các chế độ chuyên chế, toàn trị. Không hề là câu chuyện đơn giản và dễ. Không phải cứ chuyên chế, toàn trị thì tất mọi thứ chẳng ra gì và tàn lụi ngay. Không đâu, một chế độ, một triều đại chuyên chế, cả đến cực điểm, có thể tạo nên sức mạnh cực lớn, thậm chí cả một thời kỳ thịnh vượng của đất nước và dân tộc. Stalin là một ví dụ hùng hồn. Không có Stalin, tài năng và cả nền độc tài man dã của ông, thì hẳn không thể thắng Hitler, cũng không thể có công cuộc phục hồi thần kỳ sau chiến tranh, đưa Liên Xô thành siêu cường thế giới. Tất nhiên còn có lòng yêu nước và chủ nghĩa anh hùng của nhân dân, còn có tính chất Nga đặc biệt của người Nga, nhưng chính chế độ chuyên chế kia đã tập họp và tận dụng, phát huy đến cao nhất các yếu tố đó…
Lịch sử nước ta không ngoại lệ. Thời Lê Thánh Tông là thời chuyên chế theo mô hình Tống Nho hoàn chỉnh và triệt để nhất trong lịch sử quân chủ Việt Nam. Tư tưởng Phật giáo kết hợp với văn hóa bản địa được giữ chặt ở làng tự trị, từng tạo sức mạnh hàng nghìn năm chống ngoại xâm, chống đồng hóa vừa tàn bạo vừa nham hiểm của Trung Hoa, đến đây hầu như mất hút. Không còn hài hòa tam giáo đồng nguyên uyển chuyển và đẹp đẽ. Chuyên chế Lê Thánh Tông không chỉ tạo nên sức mạnh cực lớn, cơ bản thanh toán Chiêm Thành, tạo đà mở rộng giang sơn về phương Nam, mà còn làm nên thịnh vượng chưa từng có, cả về văn hóa… Là quy luật chăng?… Song lại còn một quy luật khác đi kèm: Ngay sau cực thịnh bằng chuyên chế ấy, là sụp đổ, hỗn loạn. Ngay sau cực thịnh Lê Thánh Tông là nhà Mạc đoạt ngôi, rồi xã hội kỳ quặc Vua Lê-Chúa Trịnh, khởi nghĩa nông dân, giặc giã tràn lan, rồi chiến tranh Nam Bắc phân tranh mà chỉ riêng thời tạm hưu chiến đã dài đến trăm năm…
Có phải có điều gì đó rất tương tự ở ta ngay sau “chiến thắng huy hoàng” năm 1975. Đã chọn con đường bạo lực để giải quyết vấn đề dân tộc, tất phải làm nó với chuyên chế cao độ, tập họp được quần chúng và tạo nên sức mạnh khổng lồ. Đồng thời cũng tất yếu chịu quy luật kép vừa nói trên: xuống cấp, khủng hoảng nặng nề về văn hóa xã hội tiếp liền ngay sau đại thắng. Hết sức đột ngột đến tưởng bất ngờ. Mà thật ra là tất yếu. Thay vì một phục hưng hùng tráng như mong đợi, lại là tan rã. Mọi mối quan hệ xã hội, giữa người với người, bỗng dưng một phát rã rời.
Đổi mới 1986 không đủ sâu để giải quyết một thực trạng xã hội có nguồn gốc căn cốt đi theo những quy luật tất yếu đến vậy.
Và trong văn học, cũng bất ngờ mà nghĩ lại là tất yếu, xuất hiện hiện tượng văn học phi lý, tưởng chỉ có ở phương Tây và cũng đã cũ rồi. Nguyễn Huy Thiệp là minh chứng, tuy các sáng tác của Thiệp từng được hiểu, khen hay chê, theo nhiều hướng khác.
Thật ra các nhà văn của chúng ta không hề xoàng, có người đã không chờ đợi sự chuyển động của tôi, và của báo Văn Nghệ. Ngay giữa năm 1988 đã xuất hiện một cuốn tiểu thuyết quan trọng, rủi thay mà cũng “may” thay, cái đám vốn chuyên nghề chỉ điểm ngày nay ta gọi là dư luận viên hay lực lượng 47 từ hồi ấy cũng đã đông nhung nhúc, không hiểu thế nào lại làm ăn kém cỏi đến mức mất cảnh giác bỏ lọt lưới một vụ quan trọng: cuốn tiểu thuyết đặc sắc Đi về nơi hoang dã của Nhật Tuấn, một nhà văn sau đó đã mất sớm đột ngột, và hình như ngày nay không còn nhiều người nhớ đến tên. “Nơi hoang dã” của Nhật Tuấn là một tọa độ hết sức quan trọng, được ghi trên một bản đồ địa chất tuyệt mật, và được giao cho một đội kỹ thuật, không rõ là kỹ thuật gì, phải tìm đến cho kỳ được. Hành trình vô cùng gian nan, nguy hiểm, đến cả đội trưởng vô cùng kiên định và dũng cảm phải bỏ mạng, đội trưởng mới lập tức lên thay, vẫn trung thành, kiên cường một mực… cứ thế họ đi, họ đi, vượt qua tất cả, bất chấp mọi hy sinh… Cuối cùng ít người còn sống sót đến được cái tọa độ bí hiểm và cực kỳ quan trọng ấy… Và tìm ra… ở đấy không có gì cả!
Tôi có gặp Nhật Tuấn sau khi đọc Đi về nơi hoang dã, tỏ ý định viết bài khen tác phẩm xuất thần của anh, anh chắp tay lạy tôi rối rít: Chớ, chớ, anh ơi, chúng nó đã lơ là bỏ lọt lưới, em lạy anh, anh mà khen, chúng nó hiểu ra, sẽ đánh em chết mất! Còn đánh chết bởi xấu hổ vì tội bỏ lọt lưới nữa, chuyên nghề chỉ điểm mà ngu đến thế là cùng, sờ sờ ra thế mà mù không nhìn thấy. Rất nhiều khả năng đám chỉ điểm ấy chưa hề nghe nói đến chuyện “văn học phi lý”…
Tháng 7 năm 1988, báo Văn Nghệ đăng truyện ngắn Năm ngày của Phạm Thị Hoài. Lập tức vấp phản ứng gay gắt của Ban Chấp hành Hội Nhà văn (cần nói ngay để tránh hiểu lầm và đỡ phải nói lại nhiều lần: không phải Ban Chấp hành nói chung vì Đại hội Nhà văn lần thứ III đã làm một việc kỳ quặc: bầu ra một Ban Chấp hành ô hợp đến trên 40 người, trong đó có cả tôi; việc đang nói đây chủ yếu liên quan đến Ban Thư ký, hay còn gọi là Ban Thường vụ, đứng đầu là Nguyễn Đình Thi và Chính Hữu). Tôi nghĩ Nguyễn Đình Thi thì hiểu, anh vốn rất thông minh và là nghệ sĩ tài hoa, nhưng hình như anh có mặc cảm về chủ trương thay đổi thế hệ lãnh đạo Hội của ông Tố Hữu, cộng thêm với nỗi sợ vẫn ám ảnh trong giới trí thức qua bao nhiêu vụ đàn áp tàn bạo. Còn Chính Hữu thì là điển hình của kiểu người, cũng là trí thức, bị giáo điều hóa đến có thể tàn bạo khi cần… Chắc rồi tôi còn phải trở lại với hiện tượng này một dịp nào đó, bởi tầm quan trọng của nó.
Trước hết Năm ngày là truyện sex. Tôi vẫn thường thấy các vị vừa nhắc đến trên vui đùa cợt nhả về sex trong sinh hoạt bình thường hằng ngày, lắm khi khá thô, và chính tôi cũng đôi lần rụt rè tham gia. Nhưng đến khi đụng tới sex trong văn chương thì lập tức họ trở thành những nhà đạo đức nghiêm khắc. Họ hoảng hốt báo động như chạm phải hủi. Họ la ó: Năm ngày hạ thấp nhân cách con người. Tôi có đọc một người phê bình ký tên là Trần Đạo. Anh viết: “Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đặt vấn đề cơ bản đúng khi tố cáo truyện Năm ngày hạ thấp nhân cách con người… Ðúng, không thể đề cập tới đề tài này mà không đụng tới phẩm chất của con người, ý nghĩa của cuộc sống. Còn (nói) hạ thấp thì hơi tối nghĩa. Người ta có thể hạ thấp mức nước sông Hồng, độ cưỡng hãm nghệ sĩ, một cái đầu, hạ thấp bất cứ cái gì có thừa, hay ít nhất là có. Làm sao hạ thấp được cái gì không có? Ngược lại, người ta có thể đòi hỏi cái gì còn thiếu, chưa có nhưng cần phải có. Truyện Năm ngày khơi sự thiếu thốn đó, sự đòi hỏi đó. Chính sự đòi hỏi đó là cái gai trong mắt những quan đạo thầy đời”. Nghĩa là qua Năm ngày, Phạm Thị Hoài và việc Văn Nghệ cho đăng truyện ngắn này không hề “hạ thấp nhân cách con người” như Ban Chấp hành Hội Nhà văn – mà Trần Đạo gọi là “những quan đạo thầy đời” – hung hăng lên án. Ngược lại, với tinh thần trách nhiệm rất cao, nó thẳng thừng chỉ ra tình trạng thiếu thốn nhân cách đến thê thảm và đòi hỏi cấp bách khôi phục tính người của xã hội.
Năm ngày kể chuyện một cặp đôi đã quyết định chia tay, nhưng còn phải nán ở cạnh nhau năm ngày trong khi chờ đợi chị dọn dẹp cho xong các thứ để ra đi. Ban ngày chị dửng dưng xa lạ lạnh tanh đến mức không hề, không muốn, không thể nhìn thẳng vào anh. Mỗi khi phải quay về phía anh, chị cứ như nhìn một vật gì đâu đó ở bên kia, sau lưng anh, một cái phất trần chẳng hạn. Nhưng khi đêm đến, bóng tối ập xuống, phải nằm cạnh nhau, sau một chút chần chừ, khi bắt đầu từ anh, lần sau là chủ động của chính chị, họ lại lao vào nhau, hộc tốc, cuống cuồng, ngấu nghiến như hai con vật cuồng dại và hoàn toàn vô tri, làm cái việc mà con người gọi bằng từ đẹp nhất là “yêu” mà không còn chút tính người nào hết. Hoàn toàn một con đực một con cái. Còn thua cả con đực con cái, bởi con vật làm cái việc vì bản năng sinh tồn tự nhiên và chính đáng đó giữa ban ngày ban mặt; còn họ thì chỉ khi đêm xuống, trong tối mịt, không còn nhìn thấy mặt người, không còn con người… Phạm Thị Hoài là một tác giả rất tinh, chị viết rằng đến đêm thứ tư anh ấy đã định không tắt mà cứ để đèn sáng khi hai người sẽ lao vào nhau, có thể còn nhìn vào mắt nhau mong còn tìm thấy chút nào của con người còn lại chăng, nhưng rồi như bản năng anh lại đưa tay bấm tắt công tắc… Cú dự dịnh níu lại cuối cùng đã không thể thực hiện. Đã mất sạch hết rồi…
Chắc chắn đây không phải lần đầu tiên văn học Việt Nam chạm đến chuyện sex, nhưng cũng có lẽ chưa bao giờ báo động về suy thoái xã hội và lời kêu cứu bằng con đường này trong văn học lại thống thiết đến vậy.
Ở báo Văn Nghệ thời bấy giờ chúng tôi có một người Thư ký tòa soạn hết sức chuyên nghiệp, anh Phạm Hữu Nhuận. Cho đến nay, có lẽ anh là người duy nhất lưu trữ trọn toàn bộ các số báo của chúng tôi trong một năm rưỡi rất đặc biệt ấy. Tôi có nhờ anh tra cứu lại: báo Văn Nghệ thời chúng tôi chỉ đăng được hai truyện ngắn của Phạm Thị Hoài, trước khi tôi mất việc. Truyện thứ hai của Phạm Thị Hoài đăng trên Văn Nghệ tên là Trong cơn mưa nói về nỗi cô đơn đến tê tái của một cuộc chờ đợi vô vọng người yêu không đến, chỉ vì, anh nghĩ một mình “Giọt mưa cuối cùng rơi vào khoảng 2 giờ đêm. Những đêm mưa lành lạnh thế này các thiếu nữ thường ngủ say lắm”.
Chỉ đăng được hai truyện ngắn của Phạm Thị Hoài đối với tôi là một nuối tiếc. Bởi vì giá còn được làm tiếp mấy năm sau, tờ báo, hay đúng hơn cả nền văn học, hẳn phải chuyển tập trung chủ yếu và cao độ vào yêu cầu sinh tử phục hưng dân tộc, mà phục hưng văn hóa, làm lại con người cùng trăm nghìn mối quan hệ người của họ, là cốt lõi, như tôi đã nhận ra một cách còn lơ mơ và diễn đạt khá lúng túng, rối rắm từ Đề dẫn 1979. Sẽ khó khăn, sẽ quyết liệt, sẽ phải sâu sắc và giỏi giang cao tay hơn rất nhiều. Và nếu có được một đoạn đường đi tiếp như vậy, một cây bút như Phạm Thị Hoài chắc chắn sẽ là chủ lực.
Phạm Thị Hoài là một trong không nhiều lắm những người cầm bút nhận ra trách nhiệm sâu sắc trước nguy cơ đánh mất con người trong xã hội. Báo Văn Nghệ phải dừng lại cuối năm 1988 với chỉ hai bài báo động của chị, nhưng chị còn đi xa hơn rất nhiều với một loạt truyện ngắn, tiểu thuyết, tản văn ngày càng sắc sảo hơn.
Phạm Thị Hoài là cây bút rất giàu có và điêu luyện về ngôn từ, nghệ thuật điều khiển và biểu diễn ngôn từ, lắm khi đến khiến ta ngợp, nhất là trong các tản văn của chị. Văn chị rất hay, và cho tôi nói luôn điều này: đã là văn chương thì phải hay. Tôi biết có người trách tôi hay chê một số người viết “không có văn”. Tôi xin giữ quan niệm của tôi. Không có văn, văn không hay, thì cái gọi là ý tứ có đúng đắn, cao siêu đến đâu cũng vô nghĩa, thậm chí có hại. Người ta đến với văn chương là đến với nghệ thuật ngôn từ, và đạo đức văn chương đưa lại cho con người còn đến từ và qua vẻ đẹp do sự tinh nhuệ của ngôn từ. Không gì có hại bằng việc khiến người đọc quen với văn chương dở, quen với cái tầm thường, là môi trường của cái xấu và cái ác. Viết hay là nghĩa vụ đạo đức của người cầm bút. Có điều lạ, khác với Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài được đào tạo ở nước ngoài, sống nhiều và nay hầu như sống hoàn toàn ở nước ngoài, vậy mà chị là cây bút tinh nhất tiếng Việt, cả tiếng Việt hiện đại, cập nhật và sống động.
Còn một điều nữa cần nói thêm về Phạm Thị Hoài: Tôi nhận ra ở chị xu hướng ngày càng tập trung hơn vào sự xuống cấp ở giới trí thức, sẽ là một câu chuyện rất quan trọng. Tôi nghĩ đến cả giới trí thức văn nghệ sĩ. Chẳng hạn câu hỏi: Có phải phần khá đông các nhà văn tên tuổi trước năm 1945, đi theo cách mạng và kháng chiến, đều viết không bằng trước? Vì sao? Nếu thật thế, sẽ là chuyện rất nghiêm trang…
Tôi không còn được ở báo Văn Nghệ để cùng mọi người tiếp tục suy nghĩ và lên tiếng về những câu hỏi quan trọng và hấp dẫn như vậy. Nhưng hẳn sẽ còn những cách khác, trong điều kiện khác.
***
Cách quản lý báo chí ở ta rất vui, hay nói theo kiểu miền Nam, rất ngộ. Có lần, một chị ở Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, thuộc bộ phận hình như chuyên theo dõi và chỉ đạo báo chí đến chỗ chúng tôi, yêu cầu gặp Tổng Biên tập, đặt câu hỏi có ý tra vấn chúng tôi xác định chức năng của báo Văn Nghệ là gì, đối tượng của báo là ai. Tôi ngạc nhiên đến hơi ngớ ra mất một lúc, rồi mới nói: Chức năng của chúng tôi là làm báo chị ạ, điều ấy thì chị biết rồi, và tôi hiểu báo nào cũng có thể nói đến mọi chuyện trên đời, mọi điều liên quan đến xã hội và con người, mọi điều người đọc quan tâm, không hạn chế bất cứ chuyện gì. Đối tượng của chúng tôi là mọi người, bởi chúng tôi nghĩ có ai lại bị cấm tiệt không được đọc được biết những gì một tờ báo văn học nói tới… Bây giờ thì đến lượt hình như chị lại hơi ngớ ra. Nên tôi nói thêm, vì là tờ báo của Hội Nhà văn cho nên tất nhiên chúng tôi có phần bàn đến những vấn đề của nghề văn và của người cầm bút… Không thấy chị hỏi thêm gì, cũng không thấy chị viết gì vào sổ tay ghi chép mang theo, và chị ra về cũng vui vẻ…
Thực ra, những điều tôi nói với chị cán bộ của Ban Tư tưởng Văn hóa đến kiểm tra chúng tôi là nói một cách chân thật và nghiêm trang, bởi vì, nghĩ mà xem, có gì trên đời lại nằm ngoài quan tâm của người nghệ sĩ, kể cả chính trị mà người ta thường ngỡ mới là cái bao trùm tất cả. Đấy cũng là chuyện phải bàn.
Ở báo có Ban Văn, Ban Thơ, Ban Nghệ thuật, và cũng có một ban gọi là Ban Lý luận-Phê bình, tên hơi buồn cười nếu thiếu một chữ “và” ở giữa, Ban này do chị Thiếu Mai, một người nhỏ nhắn, rất nhẹ nhàng và tinh tế phụ trách.
Chắc nhiều người biết giai thoại về việc cụ Nguyễn Tuân đe khi chết tuyệt đối không được chôn một nhà phê bình cạnh cụ. Quan hệ giữa họ thường chẳng mấy mặn mà. Riêng tôi, tôi có những nhà lý luận uyên bác (đôi khi kèm luôn cả phê bình) là bạn thân, các anh Nguyễn Đăng Mạnh, Lã Nguyên, Trương Đăng Dung, Trần Đình Sử, Phạm Xuân Nguyên…, các chị đều rất đẹp ở Viện Văn học, và nhiều người khác nữa, nhưng xin nói thật, đối với công việc rất nghiêm túc của các anh chị, thái độ của tôi là kính nhi viễn chi, tôi thường đọc không hiểu hết, thậm chí có khi hầu như chẳng hiểu gì. Vậy mà chính tôi lại là người cũng khá chăm dịch lý luận văn học nước ngoài, tôi đã lui cui dịch Jean-Paul Sartre, Roland Barthes (lại chọn dịch cuốn Độ không của lối viết, cuốn sách mỏng nhất và nổi tiếng khó hiểu nhất của ông), tôi cũng đã hăng hái dịch hầu hết các tiểu luận của Milan Kundera (trong khi không dịch tiểu thuyết nào của ông). Bởi tôi hiểu tầm quan trọng của lý luận và phê bình đối với đời sống văn học, với sáng tác văn học và cả với người sáng tác văn học. Chỉ có điều nên hiểu tầm quan trọng ấy diễn ra như thế nào trong thực tế.
Theo tôi, sáng tác mới mẻ, tân thời, đột phá có trước chứ không phải sau lý luận văn học cao siêu. Và chẳng có nhà văn nào đi học cho thật thấm nhuần lý thuyết về chủ nghĩa hậu hiện đại để rồi về ngồi viết ra một cuốn tiểu thuyết hậu hiện đại. Do bao nhiêu tác động từ vô số điều anh biết và không biết, anh sống hạnh phúc và đau khổ, thất bại và thành công, lên voi rồi xuống chó, bị cuộc đời của thế giới thời này dần cho nát nhừ ra…, anh ta bỗng nhìn ra cuộc đời một cách khác trước và viết khác trước, theo cái kiểu mà nhà lý luận sẽ tổng kết lại, “lý luận hóa” nó ra và bảo là nó thuộc chủ nghĩa hậu hiện đại, thường khi thoạt đầu khiến chính anh là tác giả ngớ ra, rồi sau đó mới vênh vang tự hào vì sự cách tân của mình dù chưa hết kinh ngạc…
Rồi sẽ đến lượt tổng kết uyên thâm của các nhà lý luận ảnh hưởng trở lại người viết; nhưng ảnh hưởng đó không hề trực tiếp. Những người làm công việc dịch thuật đều biết thường gặp khó khi cần dịch tên một tác phẩm mà mình chưa đọc biết nội dung. Dịch danh mục các tác phẩm của Roland Barthes tôi gặp tên cuốn Le système de la mode tôi chưa hề đọc. Mode có nghĩa thông thường là thời trang, là “mốt”… Nghĩ chẳng lẽ một nhà lý luận lớn như Barthes lại đi bàn chuyện thời trang tầm thường, tôi bèn dịch mò thành một cái tên oai hơn: Hệ thống của dạng thức. Mãi sau mới biết nhầm to, hóa ra Barthes đã viết một cuốn sách rất nghiêm túc và sâu sắc để nói về thời trang thật. Và thời trang không hề là chuyện nhỏ. Ta đã bao lần xem biểu diễn thời trang, hoặc may mắn trực tiếp hoặc qua tivi, được ngắm các nàng siêu mẫu mặc áo váy vừa thật mới thật đẹp… vừa lắm khi thật kỳ quái. Không cô gái nào ra đường lại mặc đúng y như thế, cả phố sẽ đổ ra xem như xem người lạ ở hành tinh nào mới đến. Vậy mà nghệ thuật thời trang, biểu diễn thời trang lại rất quan trọng và được tôn thờ trong đời sống. Bởi nó làm thay đổi và nâng thị hiếu thẩm mỹ lên, tạo ra một khí quyển thẩm mỹ mới của xã hội, bằng cách đặc trưng của nghệ thuật là làm quá lên, thậm xưng lên, để rồi trong đời sống thật hằng ngày trang phục được điều chỉnh một cách vừa phải theo hướng mới, mà ta gọi là “tân thời”, đẹp dần lên. Lý luận văn học uyên bác và mới mẻ ảnh hưởng lên nhà văn, tôi nghĩ, theo đúng cách như vậy… Vả chăng Milan Kundera, vừa là nhà tiểu thuyết rất lớn vừa là nhà lý luận lớn về tiểu thuyết, có lần nói và tôi hoàn toàn đồng ý với ông, ông bảo mỗi nhà tiểu thuyết khi viết đều có hệ thống lý thuyết về tiểu thuyết của riêng mình, chẳng ai giống ai, đều riêng biệt và độc đáo; nghĩa là, nói theo cách nào đó, lý thuyết về tiểu thuyết được đẻ ra cùng lúc với từng cuốn tiểu thuyết cụ thể, nó rất đa dạng, phong phú và mềm.
Tôi đã trao đổi với chị Thiếu Mai những tâm sự và suy nghĩ đó, bước đầu thống nhất với nhau một số điều. Báo Văn Nghệ sẽ không đi vào những vấn đề lý luận quá hàn lâm, dành phần đó nhờ chẳng hạn tạp chí chuyên ngành rất nghiêm túc của Viện Văn học. Tôi định trước mắt sẽ từng bước đề cập đến ba mối quan hệ tôi cho là rất quan trọng, song lại còn khá vướng víu ở ta: quan hệ giữa văn học và chính trị, quan hệ giữa văn học và hiện thực, và thứ ba: về vai trò xã hội của nhà văn. Để viết về những chuyện này, tất nhiên tôi muốn tìm một người có am hiểu sâu và chắc, đồng thời lại gần và hiểu, đồng cảm với công việc sáng tác thật và cụ thể của nhà văn, tự mình chừng nào đó cũng là một nghệ sĩ sáng tạo. Tôi nói người hiểu công việc sáng tác thật và cụ thể, bởi vì cho đến nay tôi vẫn nghĩ công việc sáng tạo nghệ thuật mãi mãi là một công việc thủ công, người nghệ sĩ thực thụ là một người thợ thủ công, anh ta nặn ra các bình hoa cái thì méo bên này cái thì méo bên kia, nên cái bình của anh mới độc nhất và quý. Người sành chơi bình hoa là chơi như thế. Người thưởng thức văn học cũng vậy. Còn vì sao mỗi cái bình lại méo một kiểu như vậy thì có trăm nghìn lý do vừa hữu thức vừa vô thức, vừa có thể cắt nghĩa được một cách khoa học vừa không. Konstatin Paustovski trong tác phẩm Bông hồng vàng nổi tiếng của ông (được anh Vũ Thư Hiên dịch rất tuyệt ra tiếng Việt) ở chương “Những cái tưởng chừng như vặt vãnh” kể rằng Puskin chỉ thích viết và viết hay về mùa thu, còn Lev Tolstoi tin rằng bên trong mỗi nhà văn đều có một nhà phê bình và ông cần nhà phê bình ấy khi viết, nên ông chỉ viết vào buổi sáng, không viết về chiều và đêm vì khi đó nhà phê bình của ông đã đi ngủ rồi. Paustovski còn kể có hôm ông ngồi viết bên của sổ, thấy Gaidar cứ lẩn quẩn đi qua đi lại, lúc đầu còn lửng lơ, ra vẻ rất ung dung và tự nhiên, sau mỗi lúc lại bước tới gần hơn, còn thỉnh thoảng huýt sáo, đằng hắng hay giả vờ ho vài tiếng để ông bạn chú ý, nhưng ông bạn biết quá rồi mà vẫn cố tình lờ đi, cuối cùng Gaidar không chịu được nữa, tự ý xông vào bắt chuyện. Paustovski hỏi: – Này thôi, cậu nói đi, cậu cần gì? – Tớ cần cậu nghe xem tớ đã nghĩ ra được một câu hay đến như thế nào. – Câu gì? – Cậu nghe đây: “Ông già đau khổ, thật đau khổ, hành khách nói”. Được không? – Làm sao tớ biết được. Còn phải xem câu ấy đứng ở chỗ nào và liên quan đến cái gì nữa chứ. Gaidar nổi khùng: “Liên quan đến cái gì, liên quan đến cái gì à? Liên quan đến cái cần phải liên quan chứ còn liên quan đến cái gì nữa…”Và ông đùng đùng bỏ đi… Đấy, công việc thật và cụ thể của nhà văn là như thế đấy. Tôi còn nhớ có lần đọc ở đâu đó rằng một nhà soạn nhạc nổi tiếng, hình như chính Beethoven thì phải, mỗi khi sáng tác phải ngâm hai bàn chân vào chậu nước ấm thì mới viết được. Còn Tchekov thì bao giờ cũng kê tờ giấy lên bục cửa sổ mà viết. Có trời hiểu vì sao.
Tôi có một anh bạn nhà văn Nga rất thân tên là Marian Tkachev, chỉ cần nghe tên thì biết là gốc Do Thái, Do Thái Nga. Một hôm anh rủ tôi đến nhà chơi, và dẫn tôi vào khoe cái bàn viết của anh. Một cái bàn bệ vệ, chạm trổ rất phức tạp, mặt bàn lót một lớp nhung mượt màu xanh nước biển. Thú thật tôi kinh ngạc. Tôi không thể hình dung làm sao có thể ngồi một cái bàn sang trọng quý tộc đến thế mà viết được? Tôi thì tôi chịu, tôi thích một cái bàn thật mộc nhưng thật rộng trên đó tôi tha hồ bày bừa mọi thứ trong một trật tự rất lộn xộn không ai được sắp xếp lại bởi vì chỉ có tôi nhắm mắt quơ tay là đúng có ngay cái mình cần. Tôi nói “có ngay”, bởi vì chỉ chậm một chút cái ý vừa nảy ra rất hay đã biến tiệt mất rồi.
Ông bạn Marian của tôi có cái thú đặc biệt rất thích sưu tầm đủ các loại mũ. Một lần tôi sang Mông Cổ, đúng đợt rét dữ âm 40 độ, các bạn Mông Cổ tìm được cho tôi một cái mũ bằng lông lạc đà, ấm tuyệt mà cũng đẹp tuyệt. Về Moskova ai thấy cũng trầm trồ. Tất nhiên tôi tặng lại Marian, không ngờ lại gây tai họa cho anh. Dân Nga không hiểu sao lại rất ghét Do Thái. Gặp Marian trong thang máy chung cư, một đám thanh niên Nga bỗng xông vào đánh anh một trận thừa sống thiếu chết, chắc chỉ vì một thằng Do Thái bẩn thỉu lại dám có một cái mũ sang và đẹp đến thế. Chị vợ anh kể với tôi, những ngày nằm liệt giường anh vẫn khư khư ôm cái mũ không rời, và bây giờ mỗi lần ngồi vào bàn viết rất sang trọng, anh lại đội cái mũ ấy, thế là viết hay hơn…
Vâng, tôi thì tôi tin chính “những cái tưởng chừng vặt vãnh” như thế theo cách gọi của Paustovski, lại thường ảnh hưởng rất nhiều đến sáng tạo của người nghệ sĩ, hầu như không thể hiểu vì sao. Nó chính là đời sống thật, cụ thể, sinh động của lao động nghệ thuật. Là những gì thật sự diễn ra khi những gì còn rất mơ hồ đâu đó bên trong người viết bắt đầu hiện hình thành các con chữ, nối nhau thành các từ thôi thúc, chen chúc, va đập vào nhau trên trang giấy, vang lên một cách lạ trong anh, đồng thời lại tách khỏi chính anh, và kỳ vậy, bắt đầu cuộc sống độc lập của nó, bất chấp mọi ý chí của anh. Chứ nói gì đến ý chí của lãnh đạo, tức của chính trị.Vậy những thứ vặt vãnh không tên ấy ở đâu trong lý luận văn học uyên bác và nghiêm trang?
Tôi cần một người vừa có tri thức lý luận văn học nghệ thuật vững chắc, chặt chẽ, khó bị các nhà hàn lâm bắt bẻ, lại vừa thấu hiểu và yêu những vặt vãnh như vậy của nghề. Tôi tìm thấy một người như vậy ở anh Lê Ngọc Trà, dù mới chỉ đọc qua một số bài viết của anh, chưa hề găp mặt. Lúc này anh anh Trà đang làm tiến sĩ ở Moskva. Phải nói chị Thiếu Mai là người làm phê bình rất nhạy cảm, chị hăng hái đồng ý ngay với lựa chọn của tôi. Tôi đề nghị anh Trà bắt đầu bằng quan hệ giữa văn học và chính trị, và cũng báo trước sẽ đi tiếp đến quan hệ giữa văn học và hiện thực. Anh Trà trả lời, bằng thư, bảo anh chọn vấn đề như thế là đúng quá rồi, nhưng mà khó đấy anh nhé. Tôi bảo khó mình mới phải làm cho được chứ…
Thật ra văn nghệ với chính trị đã va nhau rất sớm ở ta (và cuộc va đó không chỉ sẽ còn kéo rất dài mà có vẻ ngày càng căng hơn trong thực tế cho tới tận hôm nay). Ngay từ hội nghị văn nghệ Việt Bắc năm 1951 (hay đúng hơn là triển lãm nghệ thuật ở Việt Bắc năm 1951), chính Tô Ngọc Vân, họa sĩ tài năng nhất hồi bấy giờ và là người đã để lại những ký họa vô cùng sinh động về các nhân vật kháng chiến in dấu cả một thời, đã đứng lên phản đối văn nghệ tuyên truyền. Tất nhiên ông bị la ó kịch liệt, kể cả của các nhà văn nổi tiếng cùng thời. Và chắc cũng vì sự kiện này mà có bức thư của chính cụ Hồ gửi đến gọi là thăm hỏi các họa sĩ. Cụ viết: “… Chắc có người nghĩ: Cụ Hồ đưa nghệ thuật vào chính trị. Đúng lắm. Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”. Cụ nói rõ phải ở trong nhé, chứ không phải có thể bên cạnh hay cùng hàng, là bạn bè song song cùng đi. Ông Lenin còn nói trắng ra hơn: Văn học à, chỉ là một bánh xe nhỏ trong guồng máy đồ sộ của cách mạng. Tô Ngọc Vân, người nghệ sĩ đầu tiên muốn phân biệt văn nghệ với chính trị bị một vố thua to. Mấy năm sau chính anh là nghệ sĩ duy nhất hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ…
Vừa rồi anh Lê Hoài Nguyên tức Thái Kế Toại, nguyên đại tá công an, trong một bài viết về nhạc sĩ Tử Phác, có kể một đoạn ngắn: “Tháng 4 năm 1955 ông (Tử Phác) cùng sáu bạn chiến đấu khác trong quân đội là Đỗ Nhuận, Trần Dần, Hoàng Cầm, Trần Công, Trúc Lâm, Hoàng Tích Linh đệ trình Dự thảo đề nghị cho một chính sách văn hóa lên Tổng cục Chính trị yêu cầu tự do sáng tác, trả quyền lãnh đạo văn nghệ về tay văn nghệ sĩ, bãi bỏ hệ thống chính trị viên trong các đoàn văn công quân đội, sửa đổi chính sách văn nghệ trong quân đội”.
Theo tôi, đây mới thật sự là mở đầu, hóa ra rất sớm, của cái mà về sau sẽ được gọi là phong trào Nhân văn Giai phẩm. Tôi đi tập kết trên chuyến tàu cuối cùng, tàu Kilinsky của Ba Lan, đổ bộ lên Sầm Sơn đúng ngày 19-5-1955, đến 19-8-1955 mới được gọi về Hà Nội, ở Tổng cục Chính trị, để viết truyện anh hùng quân đội. Nghĩ lại, tôi nhận ra mấy điều: Yêu cầu tách chính trị ra khỏi văn nghệ, hoặc ít nhất không để văn nghệ hoàn toàn là công cụ của chính trị thống soái, bùng lên le lói trong phát biểu còn rất e dè và lẻ loi của họa sĩ tài hoa bậc nhất Tô Ngọc Vân ngay từ 1951 giữa chiến tranh, là cảm nhận chung được nín nhịn lại của hầu như toàn giới văn học nghệ thuật, đến cả một nhạc sĩ có tên tuổi lớn và rất chính thống như Đỗ Nhuận (về sau sẽ lảng ra và biến mất khỏi Nhân văn Giai phẩm). Nó lại bắt nguồn đầu tiên từ trong quân đội, là nơi được quản lý chặt chẽ nhất về tư tưởng. Bọn chúng tôi, khoảng 20 người từ các sư đoàn được rút lên trại sáng tác về anh hùng quân đội đều là lính mới tò te lần đầu về thủ đô, chưa biết gì và cũng chưa dám hó hé gì về đề xuất táo bạo của các bậc đàn anh ấy, trừ Phùng Quán nhạy cảm, hăng hái và dũng cảm hơn cả. Nhưng hậu quả của vụ “Đệ trình Dự thảo đề nghị cho một chính sách văn hóa lên Tổng cục Chính trị yêu cầu tự do sáng tác” được anh Lê Hoài Nguyên nhắc đến ấy, thì chúng tôi cũng được hưởng trọn. Một hôm, đâu khoảng tháng 10 hay tháng 11-1955, tất cả cán bộ ở cơ quan văn nghệ quân đội được triệu tập lên hội trường lớn của Tổng cục Chính trị để nghe ông Nguyễn Chí Thanh, Chủ nhiệm Tổng cục, phang cho một trận tơi bời. Theo chỗ tôi nhớ thì nội dung chính của ông là toàn bộ quan điểm văn nghệ Diên An của ông Mao Trạch Đông bên Tàu. Chỉ có một chỗ hơi lạ: Bản gọi là “đệ trình” được gửi từ tháng 4, mà phải mất 6-7 tháng sau ông Nguyễn Chí Thanh mới chính thức làm trận lôi đình này. Nghĩa là ở cấp cao người ta đã để khá nhiều thời gian bàn bạc đánh giá sự vụ này và tính toán cách xử lý.
Kết luận là một vụ nổi loạn rất nguy hiểm, cần đàn áp rộng rãi, kiên quyết và lâu dài. Theo chỗ tôi được biết, vụ đàn áp Nhân văn Giai phẩm, ông Nguyễn Chí Thanh là người phát hiện ra đầu tiên, người tổng chỉ huy là ủy viên Bộ Chính trị Hoàng Văn Hoan, Tố Hữu là người trực tiếp thi hành.