Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

THAM LUẬN CỦA NHÀ THƠ BÙI HOÀNG TÁM

Bùi Hoàng Tám
Thứ năm ngày 19 tháng 11 năm 2020 4:27 PM




Tham luận gửi Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ X.

Kính thưa các vị khách quý!

Kính thưa Đại hội!

Bản tham luận của tôi có tên là “Vài góp ý về vai trò, trách nhiệm của Đoàn Chủ tịch tại Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ X”.

Thưa đại hội, là một nhà báo chuyên nghiệp, từng dự nhiều đại hội các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, tôi nhận thấy một trong những thành công quan trọng nhất của Đại hội là bầu được một Ban chấp hành gồm những cá nhân ưu tú, mang tính đại diện cao. Trong đó, vai trò và trách nhiệm rất lớn thuộc về Đoàn chủ tịch điều hành đại hội.

Trước khi điểm lại danh sách Ban chấp hành nhiệm kỳ IX, xin lưu ý là đối với tất cả các tổ chức mà lãnh đạo thông qua bầu cử, đều có qui định về cơ cấu đại diện. Từ cơ quan cao nhất của Nhà nước là Quốc hội hay cơ quan cao nhất của Đảng là BCH Trung ương đều có qui định về vấn đề này như độ tuổi, giới tính, dân tộc… Trong qui định của Đảng về nhân sự Đại hội 13 sắp diễn ra, vấn đề này cũng được qui định rất kỹ.

Với tiêu chí đánh giá thành công nói trên, nhìn vào danh sách Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa IX, không thể nói khác, đó không phải là đại hội thành công như lãnh đạo Hội Nhà văn từng nhận xét. Lý do, đó là chưa bầu đủ những nhà văn ưu tú mang tính đại diện cao. Xin nhắc lại để làm bài học cho lần đại hội này.

Với nhân sự BCH Hội nhà văn Việt Nam khóa IX, có thể khái quát như sau:

Thứ nhất, tất cả 6 vị trong BCH đều là người đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Thứ hai, đều là nam giới. Thứ ba, đều dân tộc Kinh Thứ tư, đều ở độ tuổi trên dưới 60 (nhiều vị ở trên tuổi “thất thập cổ lai hi”) và thứ 5, trong số 6 UVBCH, có tới 5 vị xuất thân từ Tạp chí VNQĐ (đây không phải điều gì vì các nhà văn này đều đủ tiêu chuẩn, song nó làm mất đi tính đại diện cần có).

Trong khi đất nước ta trải dài từ Hà Giang đến Cà Mau, có tới 63 tỉnh thành, cá nhân tôi không tin sự ưu tú của nền văn học nước nhà chỉ có ở Hà Nội dù Hà Nội là Thủ đô, là nghìn năm văn hiến, là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa… của cả nước.

Tôi cũng không tin TP HCM, một trung tâm kinh tế, văn hóa với dân số gần chục triệu người lại không có nổi một ai tiêu biểu, đủ tiêu chuẩn vào Ban chấp hành để sau đó phải “bổ sung” cho… phải lẽ.

Tôi không tin cả một Miền Tây rộng lớn, cả một Tây Nguyên hùng vĩ với nhiều nền văn hóa của hàng chục dân tộc khác nhau không có một nhà văn tiêu biểu đủ tiêu chuẩn?

Tôi cũng không tin cả một dải miền Trung với hàng chục tỉnh và các vùng Tây Bắc, Việt Bắc, Đông Bắc, Đồng bằng Bắc bộ… cũng không có một nhà văn nào đủ tiêu chuẩn vào BCH?

Tôi cũng không tin trong 54 dân tộc anh em trên đất nước này không có một ai đủ tiêu chuẩn đại diện cho nhà văn các dân tộc ngoài người dân tộc Kinh?

Tôi càng không tin trong số hàng trăm nhà văn nữ đầy tài năng đang ngày đêm miệt mài sáng tác cũng không có một ai đủ tiêu chuẩn, để BCH toàn là nam giới.

Tôi cũng không tin nền văn học nước nhà lại không có nổi một nhà văn đại diện cho thế hệ trẻ…

Tôi nghĩ, có lẽ không chỉ tôi mà rất nhiều nhà văn đi dự đại hội đều hi vọng sẽ có người đại diện cho quê hương mình, cho dân tộc, cho giới tính, độ tuổi của mình...

Với tư cách cá nhân, tôi thật sự ái ngại khi biết Đảng bộ và Nhân dân TP HCM đã bỏ tiền bạc, công sức đến gặp gỡ các nhà văn đại biểu trước khi đi dự Đại hội với những lời chúc tốt đẹp để rồi khi trở về, họ “trắng tay”, phải chờ một “vé vớt” của BCH sau Đại hội.

Tôi nghĩ sự ái ngại này không chỉ đối với các nhà văn TP HCM mà là tâm trạng của tất cả các nhà văn từ mọi địa phương về dự Đại hội tại Thủ đô Hà Nội.

Trong khi đó, thành thật là nhiều khi tôi có cảm giác những phiên họp BCH Hội Nhà văn VN khóa IX không khác với họp BCH Hội Nhà văn Hà Nội.

Và tôi còn nghĩ, nếu như vắng Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều thì cuộc họp Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam na ná như cuộc họp giao ban hàng tuần của Tạp chí VNQĐ mà thành phần 4/5 bác đã nghỉ hưu.

Tóm lại, nhìn vào danh sách BCH khóa IX, khó có thể nói Đại hội IX thành công tốt đẹp.

Vậy lỗi tại ai và ai phải chịu trách nhiệm? Tất nhiên, lỗi thuộc về Đại hội IX, về Đoàn Chủ tịch điều hành và trách nhiệm người đứng đầu thuộc về ông Chủ tịch.

Tiếc thay cho đến nay, hình như chưa ai nhận thấy trách nhiệm này?

Để tránh lặp lại tình trạng trên, tôi xin kiến nghị:

1 – Thực hiện đúng qui định về nhân sự của Bộ Chính trị về cơ cấu độ tuổi, kiên quyết không để các đảng viên quá tuổi tham gia danh sách ứng cử BCH.

2 - Giữ nguyên số lượng UV BCH đã thống nhất từ khi biểu quyết, không “tùy hứng” thay đổi số lượng này. (Tôi không hiểu vì sao sau khi Đại hội IX đã quyết định bầu 15 UV BCH thì khi mới bầu được 6 vị, Đoàn Chủ tịch lại “xin ý kiến đại hội có bầu thêm hay không?” mà không bầu tiếp vòng hai…).

3 – Đối với các đại biểu, tôi xin đề nghị bằng tinh thần trách nhiệm với đại hội, hãy nghiên cứu thật nghiêm túc để lựa chọn những nhà văn ưu tú, mang tính đại diện cao để từ đó có một BCH thật sự xứng đáng.

Tôi xin kết thúc tham luận này qua lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:

“Nhân chi sơ tính bản thiện chứ không phải Nhân chi sơ tính cục bộ”.

Xin trân trọng cảm ơn!

Hà Nội, ngày 19.11.2020

Nhà thơ Bùi Hoàng Tám