Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NẾU NHƯ KHÔNG CÓ…

Nguyễn Ngọc Dương
Chủ nhật ngày 15 tháng 11 năm 2020 10:09 AM
Giáo sư Trần Đức Thảo là một Trí thức sáng giá của Việt Nam trên thế giới. Ông sinh ngày 26/9/1917 tại Thái Bình và mất ngày 24/4/1993 tại Paris, thủ đô Cộng hòa Pháp trong lúc đang công tác nghiên cứu khoa học do Ban Bí thư Đảng CSVN cử đi năm 1991.
GS Cù Huy Chử cho biết: “Trần Đức Thảo năm 50 là hoàn thành luận án Tiến sĩ. Nhưng cái luận án Tiến sĩ đăng ký ban đầu là nghiên cứu hiện tượng học của bức xạ, nhưng Luận án Trần Đức Thảo chuẩn bị trình bầy lại là ‘Hiện tượng học đi đến Chủ nghĩa Duy vật biện chứng’. Vì vậy cho nên Trường Đại học Sorbonne không nhận cho Trần Đức Thảo bảo vệ luận án mà nói là phải cắt cái phần Chủ nghĩa Marx (chủ nghĩa Duy vật biện chứng) mà chỉ trình bầy phần bức xạ không thì họ sẽ để cho ông ấy bảo vệ. Và có những cái hứa hẹn rằng là cái luận án chắc chắn là xuất sắc”.
“Năm 1946 thì Trần Đức Thảo gặp Bác Hồ. Và khi đó gần như là làm thư ký riêng cho Bác tại Pháp cùng một số người, thì Trần Đức Thảo xin Bác đi về nước cùng Trần Đại Nghĩa thì Bác khuyên Trần Đức Thảo nên ở lại tiếp tục học tập, nghiên cứu khoa học. Đặc biệt là liên hệ chặt chẽ với trí thức Pháp nhất là trí thức trong Đảng Cộng sản Pháp, thì Trần Đức Thảo được giới trí thức Pháp, đặc biệt là trí thức Cộng sản Pháp coi như là Nhà Triết học hàng đầu của Triết học Pháp”, vẫn theo GS Cù Huy Chử.
Trước đó, tháng 12/1944, từ một chí sĩ yêu nước, Trần Đức Thảo bắt đầu hoạt động đấu tranh Giải phóng dân tộc. Ông viết truyền đơn và họp báo ủng hộ Việt Minh và Chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trên tờ báo Le Monde, khi một nhà báo hỏi, người Đông Dương sẽ làm gì khi quân đội viễn chinh của Pháp tới? Trần Đức Thảo đã trả lời: “Phải nổ súng!”. Vì thế tháng Chạp năm 1945 Trần Đức Thảo bị Chính phủ Pháp bỏ tù.
Cống hiến cho đất nước âm thầm và nhẫn nại, ông dành trọn nửa đời mình đi theo Cách mạng và hết lòng vì sự phát triển của Đất nước, của con người. Khối lượng tác phẩm của ông thật đồ sộ, bao gồm gần 200 tác phẩm tiếng Pháp, tiếng Đức và tiếng Việt, khoảng 2 vạn 6 nghìn trang…
Toàn bộ hoạt động sáng tạo của Giáo sư Trần Đức Thảo đã khẳng định ông là một nhà trí thức yêu nước sâu săc, một nhà khoa học lỗi lạc. Trần Đức Thảo đã nói trong tiến trình của mình, tôi đã được dẫn đến Chủ nghĩa Marx bằng hai con đường, một là cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc dẫn tới chủ nghĩa xã hội; một mặt khác, nghiên cứu triết học và lịch sử đã chỉ cho tôi thấy rằng, chủ nghĩa Marx – Lenin mới cung cấp giải pháp đúng đắn cho những vấn đề chung của lý thuyết khoa học.
GS Võ Quý cho hay: “Có một điều là tôi rất thích thú là bởi vì tuy rằng nói là các nhà khoa học, nhưng mà chúng tôi rất thân với nhau. Tôi lấy một ví dụ thôi, có nhiều ví dụ, tôi lấy ông Trần Đức Thảo, cũng có một lúc ông ấy rất “khó khăn”… như chúng ta đã biết rồi!... Nhưng ông ấy là một nhà Triết học, một nhà khoa học nổi tiếng, ông không hề có than phiền … Lúc ông ấy “khó khăn” nhất, ông vẫn làm việc hết sức say sưa. Tôi thì cũng được thân thiết với tất cả mọi người nhất là đối với ông Trần Đức Thảo. Cái thời ấy, ông ấy sống có vẻ cô đơn…”.
Cái mà ông Giáo sư Võ quý nói, “cũng có một lúc ông ấy rất “khó khăn” như chúng ta đã biết rồi! Và “cái thời ấy, ông ấy sống có vẻ cô đơn”, có những chi tiết như sau:
Từ năm 1957 – 1958, Giáo sư Trần Đức Thảo đã bị kết án dính líu đến phong trào Nhân văn Giai phẩm khi công bố hai bài báo có bàn đến một số vấn đề về tự do, dân chủ. Đó là bi kịch chung của những Trí thức có tư duy độc lập.
Sau vụ Nhân văn Giai phẩm, theo gợi ý của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Phạm Văn Đồng và ông Trường Chinh đã bàn với Ban tổ chức Trung ương và Bộ trưởng Bộ giáo dục Nguyễn Văn Huyên bố trí Trần Đức Thảo về công tác tại NXB Sự Thật, để ông tiếp tục nghiên cứu triết học, có điều kiện liên hệ trao đổi khoa học với các nhà triết học các nước, đặc biệt là các nhà triết học Pháp. Từ đây công việc chủ yếu của Trần Đức Thảo là nghiên cứu dịch thuật các tác phẩm kinh điển chủ nghĩa Marx-Lenin, viết các tác phẩm khoa học, để xuất bản tại Pháp và một số nước khác.
Ông bị cho thôi chức Phó Giám đốc trường ĐHSP Hà Nội, chức Trưởng khoa Lịch sử chung cho cả ĐHSP và ĐHTH Hà Nội và không được tiếp tục giảng dạy ở đây. Ông bị hạn chế liên hệ với người khác, bị cô lập…
Thái Vũ kể: “việc gặp thầy Trần Đức Thảo từ nước Pháp tư bản trở về là rất dễ bị quy tội như bên Trung Quốc trong Đại Cách mạng Văn hoá. Gặp thầy lủi thủi đạp chiếc xe đạp mini cọc cạch cũng đành làm ngơ, nhiều khi không dám nhìn”.
Trong quyển sách hồi ký nguyên văn bằng tiếng Pháp của Trương Như Tảng có nhắc tới Thạc sĩ Trần Đức Thảo (tr.300): “Ông không bị tù hay hành hạ thân xác, nhưng công an bao vây, cô lập ông không cho ai tiếp xúc… Nếu ông Thảo tiếp xúc với ai, chẳng hạn một người bạn trên đường phố, thì người đó sẽ bị bắt giữ để điều tra. Bề ngoài xem ra triết gia sống cuộc đời bình thường. Nhưng thực tế ông sống như Robinson Crusoe, hoàn toàn cô độc, mặc dầu có nhiều người ở xung quanh. Ngay họ hàng thân thích cũng không được phép nói chuyện với ông. Đối với một trí thức như vậy là một sự tra tấn dã man.”.
Tuy nhiên sau khi ông mất, Đảng Nhà nước đã vinh danh ông:
Ngày 1/9/2000, Trần Đức Thảo được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh với tác phẩm “Tìm cội nguồn ý thức và ngôn ngữ”. Và năm 2020, tên ông đã được đặt cho con đường thuộc khu ký túc xá Đại học Văn hóa có độ dài 356 m ở Quận 9, thành phố Hồ Chí Minh. Ở chốn Suối vàng, chắc Trần Đức Thảo đã có thể siêu thoát về nơi “thế giới người hiền”.
Đọc lại vài nét chấm phá về cuộc đời của Giáo sư Trần Đức Thảo, tôi vẫn ám ảnh và lẩn thẩn nghĩ rằng, nếu như không có tư tưởng Mao Trạch Đông “vĩ đại” và chế độ Trung Quốc cộng sản thì chắc rằng Việt Nam không có cuộc Cải cách ruộng đất mà đối với Trí thức phải “đào tận gốc, trốc tận rễ”…, để lại vết sẹo khó liền da của Lịch sử hiện đại. Và nếu như vậy thì cũng không xảy ra vụ Nhân văn Giai phẩm gây nên thảm khốc cho nhiều Trí thức sáng giá như Trần Đức Thảo… Bởi cho đến nay thế giới vẫn truyền tai nhau câu “trí thức không bằng cục phân” của ông Mao Trạch Đông, người sáng lập chế độ cộng sản Trung Quốc.
Nếu như không có…
Nhưng cuộc đời này không có chữ “nếu”. Không mấy ai không biết đến câu nói nổi tiếng của người Pháp, chỉ cần một chữ nếu, người ta có thể bỏ túi cả thành phố Paris.
Tài liệu tham khảo:
“Chuyện nhà B6” của Đài THVN https://www.youtube.com/watch...)
Và Trần Đức Thảo Wikipedia.