Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHỮNG TRANG VĂN KHÔNG CHỈ CỦA MỘT THỜI...

Đặng Văn Sinh
Thứ ba ngày 17 tháng 11 năm 2020 8:48 AM



(Vài dòng cảm nghĩ về cuộc thi truyện ngắn của tạp chí “Nhà văn và Tác phẩm” 2018-2020)

Đặng Văn Sinh

Cuộc thi truyện ngắn (2018-2020) của tạp chí “Nhà văn và Tác phẩm” vừa kết thúc đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng độc giả. Lần đầu tiên, trong vòng ba mươi năm, văn đàn Việt lại tuyển được những truyện ngắn sáng giá, có thể sánh với “Quả chùy đồng tóc bện”, “Cuộc cờ lều Ngọa Vân” của Trần Hạ Tháp, “Kẻ sát nhân lương thiện” của Lại Văn Long hay “Cơn mưa hoa mận trắng” của Phạm Duy Nghĩa mà tuần báo Văn nghệ đã vinh danh qua các cuộc thi cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI.

Khác với trước đây, quy chế dự thi của tạp chí khá cởi mở, không hạn chế về số lượng, đề tài và trang viết, Hội đồng Chung khảo lại xét giải theo chùm truyện nên cuộc thi đã thu hút được nhiều cây bút tài năng, thể hiện được nhiều phong cách văn chương và sự tìm tòi sáng tạo.

Cùng với việc bình xét giải, sau khi có được kết quả, tạp chí “Nhà văn và Tác phẩm” đã nhanh chóng cho ra mắt bạn đọc tập sách “Họ xứng đáng được hy vọng” gồm 27 truyện của 19 tác giả lọt vào vòng chung khảo do nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành cuối tháng bảy năm 2020. Sách in khổ lớn 16 x 20cm, dày 430 trang, nhà văn Văn Chinh viết lời giới thiệu.

Có thể xem, đây là một cuốn sách quý, bởi lẽ nó là sự kết tinh quá trình lao động miệt mài của những bộ óc tài năng, là tiếng nói bằng hình tượng thẩm mỹ của những văn nghệ sĩ xuất phát từ tinh thần công dân và lòng yêu nước cao cả.

Với “Xác đá”, Phan Đức Lộc xuất hiện như một hiện tượng giữa làng văn bởi sự khám phá mới mẻ những ẩn ức trong sâu thẳm tâm hồn dưới dạng đối lập giữa hai thế giới trong cùng một bản thể. Câu chuyện mang dáng dấp sử thi vùng Tây Bắc liên quan đến nghi lễ hiến trinh của những cô gái trẻ trong một cộng đồng dân cư vẫn còn duy trì những tập tục dã man thời nguyên thủy. “Xác đá” không phải huyền thoại mà như một truyện cổ tích có yếu tố thần kỳ phản ảnh thiết chế văn hóa sắc tộc được những kẻ cầm đầu lợi dụng nhằm duy trì quyền cai trị lâu dài về mặt tinh thần. Phan Đức Lộc đã nhìn ra bản chất phi nhân tính của luật tục được nhân danh thần quyền, nên từ điểm nhìn này, tác giả xây dựng cấu trúc truyện như một hành động “giải thiêng” mà nhân vật sắm vai “kể” chính là Len, cô gái đẹp mang trái tim đàn ông, trong đầu lúc nào cũng nhen nhóm tư tưởng “nổi loạn”.

Như một sự trùng hợp, giữa Len và thần Vĩnh Cửu giống như hai hình tướng của một bản thể được biểu đạt bằng hành động phá phách bạo liệt của người con gái vị thành niên và ngôn ngữ phản ứng câm lặng của pho tượng đá. Thần Vĩnh Cửu sử dụng đến mười tám ngữ đoạn để khẳng định, mình chỉ là một xác đá vô hồn bị sự mê muội của dân làng lợi dụng, còn Len, cô gái tỉnh táo nhất trong làng đã dũng cảm đập vỡ sinh thực khí của vị tối linh thần rồi nhảy xuống vực Luông, thà chết chứ không chịu hiến trinh.

Bối cảnh câu chuyện phát triển bởi một không gian mở gắn liền với vô số sự kiện trong sinh hoạt đời thường của cư dân miền sơn cước. Về mặt bố cục, mạch truyện được tác giả dẫn dắt khá linh hoạt. Xen kẽ với cảnh chú Hạc và Len cưỡi ngựa băng rừng truy tìm con hổ trắng, cảnh hai người tắm suối, cảnh cô gái mất trinh bị hình phạt quăng xuống vực, là những lời độc thoại nội tâm của thần Vĩnh Cửu vô cùng hấp dẫn.

Về hình tướng, thần Vĩnh Cửu chỉ là thực thể vô tri. Nhưng có lẽ vì “giáng sinh” vào hang đá âm u không biết đã bao đời, lại được đám chúng sinh mê muội thờ cúng trong một không gian chập chờn, ma quái của ngọn đèn mỡ rắn cùng với nghi lễ hiến trinh man rợ, nên phiến quái thạch trở thành linh thiêng chăng? Vậy thì, xét đến cùng, pho tượng là xác đá hay có cả hồn phách khi mà thần Vĩnh Cửu rất không ưa đám con gái ngay cả lúc họ hiến trinh, nhưng lại tỏ ra thích thú cử chỉ vuốt ve của thằng Ngà như là quan hệ yêu đương đồng giới? Đến đây ta có thể nói, “Xác đá” là một khối mâu thuẫn. Nó vừa là một bán thần lại vừa mang tâm ma của một bản thể trừu tượng khó giải mã...

Ở phần kết, tuy nhuốm màu bi kịch, nhưng người đọc vẫn nhận ra, vị thần Vĩnh Cửu sau khi được giải phóng khỏi thân phận tù nhân nơi hang tối đã kịp nhảy xuống vực sâu cứu cô gái dũng cảm cho dù thân mình tan nát. Luật tục bị bãi bỏ đồng nghĩa với việc thần Vĩnh Cửu chỉ còn là xác đá. Hành động tự “giải thiêng” đó cũng chính là tư tưởng thẩm mỹ của thiên truyện.

Khác với “Xác đá”, “Chiếc khoen đồng” của Phạm Lưu Vũ được bố cục khung văn bản cố định hoàn toàn theo phong cách liêu trai. Nói cách khác “Chiếc khoen đồng” là một truyện ma đúng nghĩa nhưng lại để minh họa cho tư tưởng Phật. Đó là “tính” và “tướng” trong mối quan hệ với bản thể bởi sự vô thường của nó. Phạm Lưu Vũ rất giỏi về nghệ thuật viết truyện ma, thậm chí truyện ma của ông đã được nâng cấp lên hàng “thi pháp”. Truyện xoay quanh quả ấn quận công thập ngũ điểm được đúc thành chiếc khoen đồng và quá trình lưu lạc của nó rồi lại trở về chốn cũ với bao nhiêu tình tiết biến hóa ly kỳ làm người đọc háo hức theo dõi, đọc cho đến tận cùng. Là bởi, cách viết của Phạm Lưu Vũ chịu ảnh hưởng khá nhiều từ cấu trúc văn bản, mô hình câu của Bồ Tùng Linh, rất phù hợp với tâm lý tiếp nhận của người phương Đông chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa nên tạo được hiệu ứng thẩm mỹ cao. Phải thừa nhận, tác giả dẫn dắt mạch truyện rất có bài bản từ lúc ông khách lạ đến nhà Phan Tất Đắc dò tìm quả ấn cổ cho đến khi anh em Dần Sàng đánh đáo làm chiếc khoen đồng bay xuống ao, rồi đến cuộc chu du qua mấy kiếp luân hồi... Truyện bịa mà cứ như thật, chứng tỏ người viết có cái nhìn thấu thị với một tư duy sắc sảo về thế giới siêu hình. Hành trình của chiếc khoen đồng giống như hành trình của vạn vật trong vũ trụ được ông khách lạ đúc kết thành tư tưởng “... kiếp người là vô thường, thì vật cũng vô thường. Nay nó là cái này, mai nó sẽ biến thành cái khác, thì việc ấy cũng chẳng có gì lạ...”.

Quan niệm “vô thường” đương nhiên là một trong những triết lý phổ biến của nhà Phật nhưng ở câu chuyện lại không phản ánh quan hệ nhân quả, bởi nó còn chịu sự chi phối của thi pháp liêu trai. Cái hay của thiên truyện là, Phạm Lưu Vũ đã khéo léo kết hợp được cả hai tư tưởng siêu hình để đúc kết thành một chuỗi sự kiện mang tính đặc thù lắm lúc làm người đọc sởn da gà bởi sự biến hóa khôn lường của các nhân vật Dần, Sàng, Kỳ Phong, Như Thủy, con bò, con chó, bọn ăn trộm cũng như sự hoán đổi hai mảnh đất nghịch qua lời phán của lão thầy bói nửa mùa mà lại thành sự thật.

Nếu đọc kỹ “Chiếc khoen đồng”, ta còn nhận ra một điều, Phật tính trong trong tư duy hình tượng của tác giả khá đậm đặc. Tôi được biết, Phạm Lưu Vũ khá am hiểu về giáo lý nhà Phật và đọc nhiều kinh Phật, vì thế, cho dù câu chuyện thấm đẫm tinh thần liêu trai, trong hệ thống nhân vật của ông vẫn có đến hai người đi tu theo phương châm khổ hạnh là Dần và Kỳ Phong.

Truyện gây ấn tượng mạnh, để lại dư ba khiến người đọc phải trăn trở, suy ngẫm về kiếp người trong cõi nhân sinh nhưng trong bố cục tác giả lại sử dụng nhiều đầu mối tạo nên một thiên la địa võng những chi tiết tình tiết làm loãng nội hàm văn bản. Hơn nữa, hành trình của chiếc khoen đồng cứ như có sự sắp đặt từ trước của người viết khiến người đọc nhận ra không phải sự trùng hợp ngẫu nhiên.

Nếu “Chiếc khoen đồng” thể hiện một cách ảo diệu “thi pháp ma”, thì ngược lại, ở “Giọt lệ Nam Xương” Phạm Lưu Vũ lại nhuần nhuyễn công nghệ vận dụng “thi pháp thần”. Có thể xem, tác giả là một kho từ điển sống về thế giới và đẳng cấp các vị thần của văn hóa Trung Hoa cổ đại. Tất cả các vị thần trong câu chuyện “tân cổ tích” này, dù là Tăng Trường thiên vương, Vô Vị chân nhân hay Nam Đàn sứ giả tọa định trên núi Tu Di hoặc Tản Viên sơn đều chỉ có một mục đích duy nhất là “đản sinh” trạng vật Phùng Thanh Hòa giúp Nam Việt đế cầm quân đánh giặc. Nhằm tôn vinh một nhân vật lịch sử nửa hư nửa thực có ghi vài dòng trong chính sử, tác giả sáng tạo ra một thiên truyện “bịa như thật” bằng ngôn ngữ nửa cổ tích nửa thần thoại dẫn dụ người đọc vào mê cung của thế giới siêu hình. Tuy nhiên, có lẽ vì say sưa với “thi pháp thần”, tác giả dành quá nhiều thời lượng kể về phả hệ và hành trạng các đấng thần linh khiến cho câu chuyện mất cân đối, nội dung bị pha loãng.

Nguyễn Hải Yến có ba truyện được vào chung khảo là “Hoa gạo đáy hồ”, “Cửa sông thiên đường” và “Bồ kết về đồng”. Ba truyện này đều gây ấn tượng khá mạnh, sau đó đã được đưa vào tập, xuất bản cùng dịp tạp chí “Nhà văn và Tác phẩm” trao giải nhất cho hai truyện đầu.

Cả ba truyện đều được viết bởi một phong cách khác lạ chưa từng thấy trong lịch sử văn học Việt Nam mấy chục năm gần đây. Nói rõ hơn, truyện ngắn Nguyễn Hải Yến đã có sự thay đổi hệ hình thẩm mỹ tuy vẫn giữ cái “khung văn bản” truyền thống mà một trong số đó là diễn ngôn về nhân tình thế thái dưới dạng huyền thoại. Biến cái thực thành huyền thoại hay “huyền thoại hóa” các sự kiện liên quan đến đời sống xã hội rồi sử dụng lớp ngôn từ mông lung huyền ảo làm phương tiện chuyển tải sẽ tăng chiều kích không gian và thời gian, đạt đến giới hạn thẩm mỹ cao mà vẫn giữ nguyên giá trị tư tưởng. Hiện tượng nước ngập sâu lòng hồ thủy điện làm biến đổi hệ sinh thái khiến hàng vạn cư dân tha hương, cả người sống lẫn người đã chết về dự hội làng trong đêm cây gạo đôi nở hoa dưới đáy hồ, hay cuộc chiến tranh thảm khốc nơi biên ải, pháo địch chôn vùi cả đội phẫu tiền phương trong hang đá, nhưng rồi nơi ấy lại mọc lên cây bồ kết, chứng tích cho mối tình vĩnh cửu của đôi trai gái là những hình ảnh ẩn dụ tầng sâu mà nếu nói trắng ra, sẽ có một bộ phận công chúng từng bị phơi nhiễm tinh thần ý thức hệ khó có thể chấp nhận. Chị Hoài, một vong hồn với đôi quang gánh cùng mớ liềm cùn, nhân vật trong mối tình tay ba đầy bi kịch cũng được khoác lên màn sương huyền ảo khi tác giả miêu tả cảnh cửa sông thiên đường như một không gian bí hiểm giống nơi tạm trú trước khi linh hồn được chấp nhận lên thiên đường hay sa xuống chín tầng địa ngục. Hẳn là, cường độ tư duy nghệ thuật của Nguyễn Hải Yến rất cao khi bắt đầu cầm bút, chính vì thế, dù vô tình hay hữu ý, chị đã khai mở được tầng vô thức (hay tiềm thức), tìm ra phương án tối ưu cùng những chi tiết độc đáo làm nên giá trị tác phẩm. Cũng từ tầng vô thức, Nguyễn Hải Yến đã xác lập được cho mình một kiểu diễn đạt tư tưởng thẩm mỹ bằng cách đưa hình tượng “ma” tham gia vào nội dung các thiên truyện. Có điều, “ma” ở đây không phải là mục đích mà chỉ là phương tiện để câu chuyện đạt đến cảnh giới cao nhất. Bởi lẽ, một khi đã chấp nhận truyện của Hải Yến thấm đẫm tinh thần huyện thoại gắn liền với “cổ mẫu” như cây gạo, gốc đa, bến đò, vực sâu hay nghi lễ hiến tế, thì hệ thống nhân vật có sự hoán đổi vị trí và chức năng đảm nhiệm nhưng không thoát ly nền tảng hiện thực. Vì thế, “ma” trở thành hình tượng nghệ thuật trong một tổng thể thẩm mỹ. Điều này không có gì khó hiểu nếu ta bình tĩnh nhận diện các nhân vật đã chết như người phụ nữ ướp trà hoa bưởi, anh kỹ sư xây dựng, người lính Điện Biên hay hàng loạt những linh hồn phiêu tán nửa đêm về dự hội làng trong “Hoa gạo đáy hồ”. Cũng như vậy, ở “Bồ kết về đồng” những người đa cảm còn ngậm ngùi thương xót cho thân phận hồn ma trong mối tình âm dương của cô ý tá H’mong hoặc nỗi buồn dằng dặc của đám vong “hàng xứ” mấy trăm năm chưa siêu thoát. Rồi còn chị Hoài và em cu chết tức tưởi trong trận lũ nguồn. Hồn ma ấy vì sao vẫn cứ vật vờ nơi đầu sông cuối bãi mà không đến búng Pha Long để người em đưa hai mẹ con đến cửa sông thiên đường? Đó là một trong những đặc trưng thi pháp truyện ngắn mang tính đột phá mà để giải mã nó ta cần phải xác định được điểm nhìn nghệ thuật. Hầu hết văn bản truyện của Hải Yến đều được phát triển trên nền huyền thoại nhưng không hẳn là huyền thoại nguyên thủy mà chỉ mượn huyền thoại làm cái phông để ký thác tư tưởng nghệ thuật, cho nên điểm nhìn nghệ thuật là điều kiện không thể thiếu. Một trong những nét khu biệt ấy chính là các cô gái. Họ xuất hiện dường như chỉ với tư cách người dẫn chuyện nằm ngoài văn bản nhưng thực chất lại là thành tố quan trọng làm nên hồn cốt câu chuyện. Cho nên, không chỉ ở “Hoa gạo đáy hồ”, mà cả “Cửa sông thiên đường” và “Bồ kết về đồng”, cô gái bí hiểm kia, lúc là khách du lịch ba lô, khi trong vai đứa con tìm mẹ, rồi đứa cháu ở với bà nơi xóm vắng, tiếp xúc và đối thoại với hết thảy nhân vật, cả người lẫn ma, ở mọi thời gian và không gian khác nhau như là người nắm vai trò định hướng số phận thiên truyện.

Cấu trúc truyện của Nguyễn Hải Yến không phụ thuộc vào thời gian và không gian vật lý. Nó phi tuyến tính và thoát khỏi sự chi phối của logic toán học, khó kể lại theo trình tự mà chỉ cảm được bằng trực giác. Cùng với những đặc trưng ấy là lớp từ vựng có giá trị biểu cảm cao được diễn đạt qua hình thức tản văn vừa giàu nhạc điệu vừa đa dạng về hình ảnh. Mông lung, huyền ảo mang phong cách tản văn nhưng ngôn ngữ truyện của Hải Yến không có những từ ngữ đã bị làm rỗng nghĩa, những từ tiêu dùng mòn vẹt của ngôn ngữ báo chí hay văn bản hành chính. Lớp từ vựng tác giả dùng luôn tiềm tàng khả năng phát sáng bởi sự kết hợp tài tình giữa các thành tố tạo nên sự chuyển hóa kỳ diệu như ống kính vạn hoa khiến cho mỗi văn bản luôn mới mẻ, luôn đủ sức chinh phục tâm hồn người đọc. Cuối cùng, cũng phải nói thêm, truyện của Nguyễn Hải Yến là một khối thống nhất cao độ về nội dung cũng như hình thức biểu đạt. Với bất cứ truyện nào, người đọc cũng có thể nhận ra, văn bản được sử dụng một số lượng từ, ngữ vừa đủ, không thừa không thiếu, trong đó, gần như mỗi câu văn đều hàm chứa một ý nghĩa nào đó nhằm phục vụ cho tư tưởng chủ đề tác phẩm.

Bảo Thương cũng có ba truyện được vào chung khảo, trong đó, “Giấc mơ hồng mai” theo tôi, khá hơn cả. “Giấc mơ hồng mai” lấy bối cảnh gia đình một người Dao, ông bố đã quá lục tuần, nghiện thuốc phiện nặng, thân hình dặt dẹo, gần như tàn phế. Ngược lại, vợ ông ta trẻ, xinh đẹp, lắm mộng mơ. Người phụ nữ Tày luôn khao khát một tình yêu cháy bỏng, nhưng từ khi về nhà chồng lại bị giam hãm trong cảnh nghèo đói triền miên và vòng vây đá xám. Cô con gái cũng bỏ dở trường mỹ thuật về bản chăn dê, thỉnh thoảng khua cây cọ vẽ những đám mây trên nền trời cao nguyên buồn tẻ. A Dụ thổi sáo ve vãn, nhưng thật không ngờ, đi theo tiếng sáo của anh chàng người Dao lại là bà mẹ mới hơn ba chục tuổi chứ không phải cô gái trẻ lúc nào trong lòng cũng ấp ủ giấc mơ trồng hồng mai trên núi. Câu chuyện có âm hưởng giống như bản trường ca cổ được tác giả tái hiện thành bi kịch đời sống qua những đặc trưng văn hóa của một tộc người, bởi tình yêu tạo ra nguồn năng lượng vô tận để họ thoát khỏi mọi sự ràng buộc.

“Giấc mơ hồng mai là một áng văn đẹp. Về mặt ngôn ngữ, Bảo Thương có cách diễn đạt mềm mại, uyển chuyển như những đám mây trời bồng bềnh trên cao nguyên đá giữa mùa tam giác mạch làm xốn xang lòng người. Nhưng tiếc rằng truyện lại có những nét khá giống với “Sài thục” của Phạm Duy Nghĩa cả về bố cục, bối cảnh cũng như hệ thống nhân vật. Chắc vì thế nên không qua được con mắt tinh tường của Hội đồng Chung khảo...

“Mùa đã đi qua” và “Tháng mười củi khô” tuy không có những phát hiện mới nhưng lại mang đậm phong cách tản văn xem ra khá phù hợp với loại đề tài xã hội hàm chứa những yếu tố nhạy cảm. Thật ra “Mùa đã đi qua” là một cái tiêu đề ngẫu hứng, không phản ánh nội hàm câu chuyện. Sau khi cuộc xung đột hai miền kết thúc, non sông thu về một mối, vấn đề quan trọng nhất để hàn gắn vết thương chiến tranh là hòa giải và hòa hợp dân tộc. Để làm được việc này, “bên thắng cuộc” phải cần sự chân thành cũng như lòng bao dung. Có như thế, những người “phía bên kia” mới nhận thấy mình được tôn trọng và xóa đi mặc cảm thua trận.

Lịch sử thế giới từng ghi nhận một bản thỏa thuận rất nhân văn của tướng Ulysses Grant thay mặt bên thắng trận với tướng Robert E. Lee, tổng chỉ huy quân đội thua trận trong cuộc nội chiến hai miền Nam, Bắc nước Mỹ (1861-1865) gồm năm điều mà quan trọng nhất là, binh lính miền Nam sẽ không bị coi là quân đội phản quốc, không bị đi tù, và chính phủ không được gây phiên hà nếu họ chấp hành tốt luật lệ nơi cư trú. Có điều, bài học từ hơn một thế kỷ trước hinh như không mấy tác động đến cách ứng xử của chúng ta với quân đội Việt Nam cộng hòa đã giải giáp quy hàng. Sự miệt thị xuất phát từ hệ ý thức tiếm ẩn ngay cả với người ruột thịt trong cùng một gia đình. Người em, sau khi đi cải tạo về như một kẻ ăn nhờ ở đậu, chẳng những bị chính quyền sở tại nghi ngại mà ngay cả anh ruột cũng không hề tin tưởng. Tuy nhiên, viên cựu sĩ quan “bên thua cuộc” lại có nền học vấn, nhân cách và trí tuệ đáng nể. Anh ta dùng thời gian rảnh rỗi đọc sách sau khi làm thuê về. Trong số ấy có những cuốn mà tác giả đã từng đoạt giải thưởng Nobel như Albert Camus nhưng ông anh lại coi là phản động, đồi trụy mà chỉ đọc báo “Nhân dân”, đọc đến thuộc lòng từng tiểu mục. Từ chiếc máy làm bún tiện lợi bị bỏ xó đến vai chủ quán cà phê bất đắc dĩ, người em luôn bị cộng đồng xã hội ghẻ lạnh, dần dần nhiễm căn bệnh trầm cảm rồi lặng lẽ qua đời. Cái chết ấy làm người anh sám hối về cách đối xử thiên lệch với em trai nhưng đã quá muộn. Câu chuyện nêu ra bài học muôn thuở, sự hận thù bởi xung đột ý thức hệ chính là nguyên nhân dẫn đến những bi kịch mà chính con người phải gánh chịu hậu quả. Muốn hòa hợp, hòa giải cần phải có sự tha thứ và lòng bao dung.

“Một trang sử làng” và “Dự án chôn dọc” là hai truyện vào vòng chung khảo, đồng thời giành giải ba của Nguyễn Hiệp. “Một trang sử làng” được tác giả “kể” với tư cách người trong cuộc về cuộc đời ông Xanh, dũng sĩ diệt Mỹ, là nhân vật điển hình được đi báo cáo thành tích khắp nơi sau năm 1975. Câu chuyện mở đầu bằng việc Xanh bị ngã từ trên mái nhà xuống trong lúc đang sửa

nhà thờ phải đưa đến bệnh viện cấp cứu, sau đó qua đời ngay trên chiếc giường liền kề với giường người vợ tác giả mắc bệnh tiểu đường biến chứng.

Trong truyện, Xanh được miêu tả là đã lập nhiều chiến công, trong đó, một lần bắn rơi chiếc máy bay cán gáo ở đoạn đường “Ba Sao Chín Chiều” khi nó đang rượt đuổi mình. Được tặng thưởng nhiều huân, huy chương và danh hiệu “dũng sĩ diệt Mỹ”, ông ta bị huyễn hoặc bởi niềm vinh quang mà quên mất những giá trị đạo đức, nhất là lương tâm, phẩm giá con người. Rất có thể, việc Xanh đọc bản báo cáo thành tích được cấp trên viết sẵn ở khắp mọi nơi cùng với những trang “lịch sử đảng bộ xã Bà Ri” mà nhân vật “tôi” tham gia soạn thảo không đủ độ tin cậy về các sự kiện lịch sử, nhưng mặc nhiên nó đã trở thành hội chứng thời đại, một cách nhìn theo quan điểm giai cấp mà những người như Xanh coi đó là lẽ đương nhiên. Hiện tượng gián và chuột xuất hiện một cách quái gở ở ngôi từ tường rệu rã như một chỉ dấu báo hiệu, ngay ở những nơi ngỡ là thiêng liêng nhất cũng tiềm ẩn sự nhếch nhác, bẩn thỉu, có khi còn là tội ác: “Xanh tức và giận mình là tại sao mỗi năm chỉ biết tô trét sơn phết cho cái trần nhà sáng sủa bên ngoài mà không biết gì về loài vật nâu đen hăng khoắm đã sinh sản con đàn cháu đống bên trong! Xanh không biết có một vương quốc hôi khoắm, tanh lợm trong ngôi từ đường của mình. Đúng là ai đó đã tồn tại bên trong mình, chiếm lĩnh mình, ngửi nghe, động tay động chân thay mình. Từng ấy năm mình không có cuộc sống thật sự ư? Nhận thức ấy làm Xanh đau đớn vô cùng”.

Nếu như “Một trang sử làng” khai thác phần khuất lấp đầy khuyết tật của những thực thể xã hội có bề ngoài hào nhoáng đánh lừa thiên hạ thì “Dự án chôn dọc” lại cảnh báo cho chúng ta sự hiện diện của những vị khách phương Bắc với hành vi mờ ám đang là mối đe dọa nền an ninh đất nước và sự bình yên của mỗi con người. Câu chuyện gắn liền với giấc mơ kỳ lạ trong vụ tai nạn xe máy của Tung Rác làm nghề quay phim phục vụ đám cưới. Giấc mơ khiến anh ta gặp người phụ nữ Chăm có đôi mắt giống như cô gái chơi đàn organ trong nhà thờ Thiên Chúa giáo, rồi được bà ta trao cho mật ngữ liên quan đến bộ tộc Kermaranga mất tích từ hơn ngàn năm trước.

Về mặt pháp lý, A Béo thuê đất của Tung Rác thu mua thanh long mang về chính quốc tiêu thụ, nhưng phía sau nó là cả một kế hoạch không mấy lương thiện. Gã Tàu bí hiểm này vốn là nhân vật quan trọng của “nước lạ”, dùng tiền thao túng các yếu nhân bản xứ, ngấm ngầm thâu tóm bất động sản ở một huyện ven biển vùng dân tộc Chăm dưới danh nghĩa dự án. Thế nhưng, bản chất người Tàu luôn gắn liền với thuyết âm mưu, nói một đàng làm một nẻo, cho nên cái gọi là dự án ấy, ngay cả những người có trách nhiệm cũng chẳng biết nó được sử dụng vào mục đích gì một khi đã nhận phong bì phần trăm “lại quả”. Chỉ những người trong cuộc mới phần nào hiểu được trò chơi nguy hiểm ông chủ người Hoa cùng mánh khóe làm ăn phi pháp là khai quật mồ mả, thu hẹp diện tích nghĩa địa lấy đất xây biệt thự bán kiếm lời bất chính. Sự việc càng trở nên căng thẳng khi mà Tung Rác, lúc này đã cán bộ huyện, kiên quyết từ bỏ khoản thù lao trăm triệu đồng một tháng, ngầm phá kế hoạch thất nhân tâm ấy sau khi nghe được người đàn bà trong giấc mơ thì thào mấy tiếng “Lịch sử... lặp lại...”. Hình ảnh đám quan chức huyện, tỉnh dự lễ khánh thành khu nghĩa địa mới với đầy đủ cờ đèn kèn trống, băng rôn, khẩu hiệu và những bài diễn văn mùi mẫn, lần lượt chui xuống những chiếc kim tĩnh rồi bị nén lại trong một không gian hẹp liệu có phải hiện tượng lịch sử được tái hiện theo một quy luật nào đó mà người trần mắt thịt chúng ta không hiểu được?

Phần kết câu chuyện xem như có hậu. Một đêm, A Béo đang ngồi câu thì bị rắn độc cắn chết. “Dự án chôn dọc” phá sản nhưng trên đất nước này còn biết bao những dự án tương tự mà người “nước lạ” vẫn đang tiến hành?

Truyện được viết bằng ngôn ngữ hài hước, đôi lúc có chiều hướng bỡn cợt nhưng thực chất vấn đề lại hoàn toàn nghiêm túc. Cấu trúc văn bản “Dự án chôn dọc” là sự kết hợp những sự kiện nửa thực nửa hư, trong đó, bao gồm cả những giấc mơ và cái chết “bất đắc kỳ tử” của vị khách như là một biện pháp nghệ thuật làm tăng giá trị tư tưởng của thiên truyện.

“Bức họa ánh sáng” tuy không được giải nhưng cũng là một truyện đáng chú ý nếu không nói là khá hay. Truyện được tái hiện qua cái nhìn của một họa sĩ người Pháp về hoàn cảnh xã hội Việt Nam thời điểm trước tháng tám năm 1945 cho đến khi người Nhật tiến hành đảo chính, bắt giam thống sứ Bắc Kỳ. Người họa sĩ từ Châu Âu sang Sài Gòn, được mời đến kinh thành Huế vẽ chân dung Bảo Đại rồi tiếp tục hành trình ra Hà Nội. Tại một đêm vũ hội trong dinh thống sứ, Philippe Genest gặp một thiếu nữ An Nam, con gái nuôi thống sứ, có mái tóc dài mượt mà, “nụ cười dịu dàng song ánh mắt lại sắc lạnh chia đôi con người nàng thành hai phần: một phần thuộc về quỷ sứ và bóng tối, một phần thuộc về thiên thần và ánh sáng”. Như vừa bị tiếng sét ái tình đánh trúng tim, chàng họa sĩ mê mẩn tâm hồn, bắt đầu từ giây phút ấy, lúc nào cũng nghĩ đến nàng. Bức tranh “Người đàn bà Cửa Đông” mà Genest vẽ sau khi tận mắt chứng kiến cảnh bắn giết kinh hoàng như một chiếc cầu nối đến trái tim người con gái phương Đông. Sau đêm vũ hội, họa sĩ vẽ chân dung người đẹp khỏa thân. Và rồi họ chính thức đến với nhau mặc dù nàng vẫn có nghĩa vụ phải vào hoàng cung. Sự kiện Nhật đảo chính cùng với những ngày dài thiếu ánh sáng và đói khát lẩn tránh dưới hầm đã khiến cho Philippe Genest nhìn nhận cuộc sống một cách bi quan hơn, nhưng tình yêu với Lê lại càng mãnh liệt hơn “Cái chết đã trở nên qua quen thuộc ở nơi đây. Tại nơi này, tôi chẳng hay bản thân sẽ tồn tại được đến khi nào. Và Lê nữa... Đôi lúc, tôi cảm thấy rằng việc Nhật đảo chính là cơ hội để mình đưa nàng đi, phải chăng tôi đang quá ích kỷ?”. Cuối cùng, Lê còn sống và được đưa lên khỏi hầm. Đến đây thì người đọc đã hiểu, “Bức họa ánh sáng” chính là công trình nghệ thuật tuyệt vời của người họa sĩ Pháp vẽ chân dung khỏa thân thiếu nữ An Nam.

Ở “Người bọ chét”, Lê Hoài Lương phát hiện ra hiện tượng lạ về sự biến dạng cơ thể con người sau khi đã tha hóa nhân cách. Bằng bút pháp giễu nhại, tác giả kể về một gã đẹp trai, đầu óc sáng láng, học giỏi, tư cách đáng nể, lại là con nhà tử tế, vậy mà chỉ ít năm, sau khi được ông bố vợ, quan đầu tỉnh, đưa vào chính trường, chiều cao của anh ta giảm dần từ một mét tám mốt chỉ còn một mét bốn mốt. Chẳng những thế, cái mồm lại dài ra trong khi bề ngang vẫn giữ nguyên khiến ông cựu “trưởng sở” chuyên lên lớp dạy dỗ thiên hạ, nhất là đám văn nghệ sĩ tỉnh lẻ bất trị, trở thành dị nhân nên phải ngậm ngùi về hưu trước tuổi.

Thì ra, môi trường quan chức nặng mùi xôi thịt chính là nguyên nhân gây ra “hội chứng bọ chét”, một thứ phản xạ có điều kiện với loại người đạo đức giả, thiếu chính kiến và luôn xun xoe, nịnh bợ cấp trên để nhanh thăng quan tiến chức. Xét về ý nghĩa “cú nhảy của con bọ chét”, ở một mặt nào đó, từ lâu dân gian đã có câu tục ngữ khá tương đồng “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”. Đương nhiên, con người là sản phẩm của hoàn cảnh xã hội, nhưng biến dạng đến mức trở thành khối vuông và khi chết cũng tọa hưởng ngôi mộ vuông thì có lẽ trên đời này có chỉ loại người làm nghề khua môi múa mép mà mỗi khi đăng đàn chém gió đều được đám cử tọa tinh ranh vỗ tay tán thưởng.

Khác với “Người bọ chét”, “Nghề vớt xác” không có sự cố đám “công bộc” dân biến thành quái nhân, nhưng ở đây, gã đàn ông làm nghề vớt xác trôi trên sông lại có chiếc mũi thính nhạy đến mức, có thể ngửi thấy mùi tử thi thối rữa ngay khi con người còn sống. Lạ thay, đó lại là những cơ thể khỏe mạnh, nhiều quyền lực, lắm tiền bạc thuộc thành phần thượng lưu. Vẫn bằng thứ ngôn ngữ giễu nhại, đậm đặc tinh thần hài hước, nhưng phía sau nó, dường như lại là thủ pháp ẩn dụ về sự bất lương của tầng lớp đại gia, quan chức trong các vụ affaire bất động sản, cướp đất của dân dưới danh nghĩa dự án. Khu vực bến sông bị giải tỏa khiến cho vợ chồng gã vớt xác thất nghiệp. Sự kiện này cũng đồng nghĩa với việc các xác chết trên sông không người vớt ngày càng nhiều thêm, trong đó không thiếu những nhân vật quan trọng, giờ sa cơ lỡ vận buộc phải nhảy cầu...

Cùng viết về đề tài hậu chiến nhưng Nguyễn Duy Liễm lại kể chuyện một người lính trận vong, giờ bỗng nhiên “đội mồ” đứng dậy, nâng cấp “ngôi nhà” của chính mình ở nghĩa trang quân lực Việt Nam cộng hòa, khiến bà mẹ già ngỡ là ma quỷ hiện hình. Cốt truyện khá ly kỳ nhưng thực ra cũng không hiếm gặp trong cuộc chiến dai dẳng mấy chục năm giữa hai miền Nam Bắc. Bi kịch xảy ra trong cùng một gia đình khi mà mỗi thành viên tự chọn cho mình một lý tưởng sống, rồi chĩa súng vào nhau, bên nào cũng tự nhận là chính nghĩa. Trường hợp của Đại và Đồng được xem bài học lịch sử đắt giá cho một dân tộc khi mà người ta quên đi những giá trị sống căn bản để giành chiến thắng bằng mọi giá.

Với “Người bán dưa ở Thanh Bình”, Phạm Thị Toán dẫn dắt câu chuyện qua lời kể của ông Hai Đởm với bà Ba mới từ miền Bắc vào, vừa nghỉ hưu, cùng thằng cháu nội rất nghiện món dưa hấu Thanh Bình. Hai Đởm nguyên là sĩ quan quân lực Việt Nam cộng hòa, sau tám năm cải tạo về làm nghề trồng dưa. Cuộc mưu sinh nhọc nhằn thời hậu chiến, và nhất là thái độ ứng xử như một người có nhân cách của anh ta làm bà Ba bất giác liên tưởng đến hoàn cảnh của mình. Sự việc người chồng đã chết vì sa ngã trước tiền và gái đẹp đúng sự thật hay đó là cách ẩn dụ ngầm chỉ ông cán bộ cao cấp đang “nhập kho” bóc lịch? Chi tiết trên bàn thờ không có di ảnh người quá cố mà Hai Đởm phát hiện ra đã hé mở cho người đọc câu trả lời.

“Người bán dưa ở Thanh Bình” là vấn đề xã hội tồn tại sau chiến tranh, được tác giả nêu ra bằng hình tượng văn học Hai Đởm. Cần phải có một cái nhìn mới nhân ái và nhân văn hơn với những người đã từng phục vụ cho một chế độ trên thực tế đã không còn tồn tại, vì thế, tuyệt nhiên không còn nguy hiểm cho an ninh quốc gia, bởi họ cũng là con Lạc cháu Hồng, cùng chung số phận trên mảnh đất ngàn năm cha ông ta để lại...

Cuối tập sách có hai truyện vào chung khảo cũng rất đáng đọc của Thiên Sơn và Trần Hậu Thịnh. Đó là “Cây mạ ly huyền bí” và “Nước mắt của rừng”. Cây mạ ly thuộc hàng danh mộc tình cờ được lão Độc tìm ra nhân chuyến vào rừng săn bắn. Vốn có đầu óc kinh doanh, Độc bí mật bứng cây dược liệu quý mang về nhân giống phát triển thành trang trại bên cạnh bìa rừng. Tuy nhiên, từ khi có cây mạ ly, trang trại của Độc xảy ra toàn chuyện quái dị. Bắt đầu là những con chó chạy trốn khỏi nhà đến các loài trăn rắn bò trườn qua tường vào vườn tàn phá cây trồng.

Tất cả những hiện tượng không bình thường ấy đều có nguyên nhân từ bản tính tham lam, ích kỷ và tàn ác của lão chủ trang trại. Độc phô trương sức mạnh bất chấp quy luật, buộc tự nhiên làm theo ý mình như chiếm hữu cây dược liệu, chọc mù mắt lũ chó con hay ra lệnh cho người làm tàn sát hàng loạt thú rừng. Chính vì thế ông ta phải trả giá đắt. “Cây mạ ly huyền bí” là câu chuyện nửa hư nửa thực, tuy có những yếu tố ma quái nhưng lại là bài học đắt giá cho những ai không biết cách sống hòa hợp với thiên nhiên.

Cẩn trong “Nước mắt của rừng” là một trùm lâm tặc. Hắn nằm trong chuỗi cung ứng gỗ lậu cho thị trường qua sự bảo kê của những quan chức đầy quyền lực. Những trận lũ kinh hoàng giống như cơn đại hồng thủy xảy ra liên miên đều có nguyên nhân từ hắn. Nhưng Cẩn không chết vì lũ quét hay lũ ống. Hắn “bất đắc kỳ tử” bởi con chó ngao dở chứng phản chủ. Cũng như lão Độc mất tích trong rừng sau vụ hỗn chiến giữa người và động vật hoang dã, chiếc quan tài bằng gỗ quý không thấm nước của kẻ phá rừng bị nước cuốn đi...

Từ 27 truyện được đưa vào chung khảo, và 18 nằm trong cơ cấu giải, có thể thấy Hội đồng chung khảo đã thẩm định và xếp loại chính xác chất lượng tác phẩm dự thi. Ở nhóm đầu, phần lớn các truyện đều có sự sáng tạo, được viết bằng bút pháp mới lạ, vì thế đã truyền được cảm hứng cho người đọc như Nguyễn Hải Yến, Phan Đức Lộc hay Lê Hoài Lương, Phạm Lưu Vũ...Những tác giả khác cũng được ghi nhận bởi đóng góp đáng kể vào việc đi tìm những giá trị mới, những hình thức biểu đạt mới cho thể lọai truyện ngắn đương đại như Nguyễn Hiệp, Bảo Thương, Thiên Sơn, Phạm Thúy Quỳnh, Trần Hậu Thịnh...

Chí Linh, tháng cô hồn, năm Canh Tý (03.9.2020)

Đ.V