Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

HOÀNG NGỌC HIẾN MẤY MẢNH GHÉP CHÂN DUNG ĐỜI THƯỜNG

Hồ Sỹ Hùy
Thứ năm ngày 5 tháng 11 năm 2020 3:17 PM




TS Hoàng Ngọc Hiến là nhà giáo, nhà phê bình văn học, nhà văn hoá lớn & là một dịch giả uy tín. Nhiều học giả, nhà văn, nhà thơ tên tuổi đã giới thiệu ông rất hấp dẫn ở các lĩnh vực này. Chúng tôi chỉ muốn bổ sung mấy mảnh ghép chân dung đời thường của ông còn được ít người biết đến.

Nhà lý luận phê bình, dịch giả Hoàng Ngọc Hiến (1930-2011)

Ông sinh ngày 21 tháng 7 năm 1930 tại Nam Định, trong một gia đình Nho học & Tây học. Quê quán ở làng Đông Thái, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Sau năm 1945, ông cùng gia đình đi tản cư, học trường chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng ở Vinh, rồi vào trường Đại học Sư phạm Hà Nội, sau đó được giữ lại làm cán bộ giảng dạy Đại học Tổng hợp Hà Nội và được gửi đi đào tạo ở Liên Xô (cũ). Năm 1964, ông bảo vệ thành công luận ánphó tiến sĩ (nay gọi là tiến sĩ) chuyên ngành lý luận, phê bình văn học tại Đại học Tổng hợp Moskva, Liên Xô (cũ) với đề tài Những tìm tòi về thể loại trong một số trường ca của Vladimir Vladimirovich Mayakovsky.

Về nước, ông lần lượt giảng dạy ở các trường Đại học Sư phạm Vinh, Đại học Văn hóa, Chủ nhiệm khoa Viết văn trường Lý luận nghiệp vụ của bộ Văn hóa,rồi hiệu trưởng trường Viết văn Nguyễn Du. Trong bài viết nổi tiếng: “Về một đặc điểm của văn học và nghệ thuật ở ta trong giai đoạn vừa qua” được in trên báo Văn Nghệ số 23, ngày 9/6/1979, lần đầu tiên Hoàng Ngọc Hiến đưa ra khái niệm “nền văn học phải đạo”, hay loại tác phẩm thuộc “chủ nghĩa hiện thực phải đạo”. Hai chữ “phải đạo” nhằm phê phán sự trì trệ, minh họa của văn chương, đánh một đòn chí mạng vào sự bất cập của nền văn học bao cấp, nền văn học được chỉ đạo, khi mà “sự miêu tả cái phải tồn tại lấn át sự miêu tả cái đang tồn tại”..Từ năm 1983, ông đã nhiệt thành cổ vũ cho sự đổi mới sáng tác văn học ở Việt Nam, phê phán những bất cập trong hệ thống lý luận của Zdanov. Ông là hội viên Hội nhà văn Việt Nam từ năm 1987, và là đồng chủ bút với Huỳnh Sanh Thông, Trương Vũ ra tạp chí Vietnam Review (phát hành ở Mỹ trong 2 năm 1996 và 1997).Ông từng là Chủ tịch Hội đồng Khoa học Trung tâm Minh triết Việt, là tác giả, chủ biên của gần ba mươi công trình, đầu sách, tiểu luận, dịch thuật, đã nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2011 cho công trình Minh triết và Minh triết Việt.(1)

Nếu theo định nghĩa của TSKH Phan Hồng Giang:“Trí thức là loại người chỉ sở hữu tài sản duy nhất là cái đầu có kiến thức sâu rộng, biết suy xét theo cách riêng và biết lo nghĩ một cách vô tư nhất cho quyền lợi chung của dân tộc và đất nước” (2)thì sinh thời, nhà nghiên cứu và giảng dạy văn học Hoàng Ngọc Hiến (21/7/1930 - 24/1/2011) là một trong những trí thức chân chính giàu ảnh hưởng bậc nhất ở nước ta. Ông cũng được coi là người phát hiện và ủng hộ các nhà văn trẻ Nguyễn Huy Thiệp,Tạ Duy Anh, Bảo Ninh…những người thổi một luồng gió mới vào không khí văn chương lờ đờ và tẻ nhạt hồi những năm cuối 1980, đầu những năm 1990 định hướng rõ rệt cho phong trào văn học thời Đổi Mới.

Hoàng Ngọc Hiến nổi tiếng là người chăm đi thư viện, nhưng đơn giản như ông cho biết chỉ vì nhà chật chội quá (chỉ mỗi căn phòng 14 m²), không có chỗ làm việc thì phải ra thư viện.Về nhà thì ngoài đọc sách là bấm máy vi tính. Nhà văn, nhà báo nổi tiếng Nguyễn Thị Ngọc Hải có dịp đến nhà ông, kể: “Với anh, tự do một mình một buồng là điều cực kỳ quan trọng. Nơi đó có máy tính, sách và thuốc men. Anh bảo không biết làm gì, chỉ bấm máy. Đến nỗi đi dự hội thảo về, đau ốm không nghỉ, chị vợ xót quá, bảo con: “Làm ơn bê cái vi tính... vứt vào sọt rác may ra bố mày mới yên, mới chịu nghỉ ngơi”. Đã thếlại luôn đãng trí bác học nên vợ phải chăm sóc từng tí”(3). Theo lời bạn bè đồng tuế (GS Nguyễn Đăng Mạnh), bạn vong niên & tự nhận là đệ tử (TSKH Phan Hồng Giang), người không là học trò nhưng luôn coi ông là thầy (TS Trần Thu Dung ở Paris)… ông là người đầy chất Nghệ ở chỗ ham làm việc, giàu ý chí, nghị lực & sống giản dị, tiết kiệm. TS Trần Thu Dung cho biết: “Dường như ăn mặc chỉ là phương tiện để tồn tại, anh ít quan tâm. Đối với anh “mặc áo thầy tu chưa chắc phải thầy tu”. Anh… ăn uống đơn giản không cầu kỳ. Thấy anh đi xe ôm đến, tôi hỏi anh sao anh không như thiên hạ đi taxi, Việt Nam bây giờ thiên hạ có tiền chút toàn đi taxi để chứng minh đẳng cấp và đỡ nguy hiểm, có điều hòa nhiệt độ… Nghe tôi nói anh bảo “thứ nhất là vấn đề kinh tế, thứ hai đi xe ôm không bị tắc đường, dễ chủ động thời gian hơn đi taxi”….Anh khác hẳn với nhiều giáo sư qua Pháp còn trẻ hơn anh đến chục tuổi, nhưng đi đâu cũng chỉ quen có người mang xe đến rước đón, nếu không từ chối không đến vì ngại đi bộ…” Lại nữa, hồi làm hiệu trưởng trường viết văn Nguyễn Du, ông được sở hữu cái buồng nhỏ xíu chừng 6- 7 m² trên phố Bà Triệu, chỉ có cái giường đơn nhỏ xung quanh chất đầy sách, trong buồng chẳng có gì ngoài sách chất lên tận tường… “Dường như sách đang lấn chiếm không gian và có xu hướng tràn cả vào giường đơn. Buồng của HNH là vậy, tôi có cảm giác sách đang đẩy anh ra khỏi vũ trụ của chính anh đã một phần tạo dựng cho thế giới của nó. Anh yêu sách, ôm sách, sách vây quanh anh, rồi chính nó đẩy anh ra, sách hút anh, đẩy anh, rồi lại hút anh”(4)

Khi đã tám mươi tuổi ông vẫn suốt ngày vẫn ôm cái máy vi tính để cập nhật các thông tin khoa học trong nước, ngoài nước, đồng thời ôn luyện ngoại ngữ; vẫn tiếp tục khai phá những lĩnh vực khoa học mới: lý thuyết văn học hậu hiện đại, sáng tác của những cây bút trẻ, dịch Francois Jullien (François Jullien – sinh ngày 2 tháng 6 năm 1951, là GS TS triết học, học giả Pháp rất nổi tiếng – HSH chú) và cùng F. Jullien lao vào nghiên cứu triết Đông, triết Tây và say sưa tìm hiểu và viết về minh triết: minh triết Phương Đông, minh triết Việt Nam, minh triết Hồ Chí Minh...

Trong sinh hoạt đời thường ông cũng rất nghị lực: hàng ngày tập thể dục, luyện khí công rất đều đặn và công phu; nghiện cả thuốc lào, thuốc lá mà bỏ hẳn vào mười mấy năm cuối đời… Như thế là trong huyết quản của ông, máu Nghệ rất đậm đặc.

Nhưng con người ông không đơn giản có thế. Tính cách ông có chỗ lại chẳng Nghệ một tý nào. Ông đã tìm mọi cách rời trường ĐHSP Vinh để thoát khỏi “chủ nghĩa tỉnh lẻ” như chính ông tự nhận. Một trong những câu nói nổi tiếng nhất của ông là: “Dân Nghệ cái gì cũng biết, trừ hạnh phúc”. Ông là dân Nghệ mà lại là tín đồ của “thần” khoái lạc, không hề từ chối một thú vui trần tục nào. Nguyễn Đăng Mạnh kể: “Một lần, nhân có một anh bạn Việt Kiều về nước, Ngô Thảo mời tôi, Hoàng Cầm và Hiến đánh chén ở một nhà hàng Hà Nội. Xe đón tôi trước, đón Hiến sau. Trên xe, tôi điện cho Hiến, nhắc ra ngõ đón xe. Chị Tố Nga, vợ Hiến, cầm máy, nói: “Lão ấy bảo đi họp thì chậm chạp lắm, nhưng bảo đi ăn thì rất nhanh nhảu. Lão đã ra ngõ rồi!”…Hiến là tay “vui đâu chầu đấy”. Về mặt này, anh rất dễ tính. Tôi cho rằng những người làm khoa học, làm nghệ thuật chân chính, càng khó tính trong chuyên môn bao nhiêu thì lại càng dễ tính trong sinh hoạt đời thường bấy nhiêu”.(5)Còn theo Trần Đình Sử: “Nhiều người giải thích chữ hạnh phúc ở ông Hiến là không chỉ biết ăn cá gỗ mà còn biết “chén” những loại cá khác. Tôi không nghĩ như vậy, dân Nghệ đâu chỉ biết làm. Nguyên tắc (nếu có thể gọi như vậy) toàn bộ nhưng không cực đoan chi phối ứng xử sống và ứng xử học thuật của Hoàng Ngọc Hiến, khiến hai phương diện đối lập này thống nhất thành một. Người ta thì hoặc là cuộc sống là phiên bản của tác phẩm, hoặc là tác phẩm là phiên bản của cuộc sống, còn Hoàng Ngọc Hiến thì cuộc sống vừa là tác phẩm, tác phẩm vừa là cuộc sống. Có lẽ vì thế mà đời học thuật của ông vừa tự nhiên nhi nhiên vừa có tính tạo tác, vừa lãng đãng mây ngàn vừa khôn ngoan thiết thực”.(6) Ở ông cũng đậm nét gàn của ông đồ Nghệ. Về chuyện từ chối làm hồ sơ để được phong hàm PGS, GS, ngoài ông, xứ Nghệ còn có cố viện trưởng viện Văn học (1976 – 1986) Hoàng Trung Thông. Ông Thông cho rằng “ làm một nhà thơ đã đủ lắm rồi”(7). Nhiều người băn khoăn về học vị PGS hoàn toàn không xứng với học vấn uyên bác của Phan Ngọc, thì được Phan Ngọc trả lời : “đối với người làm khoa học, tác phẩm mới là cái quan trọng nhất”(8). Cố TS Chu Văn Sơn (1962 – 4/ 2019) nguyên giảng viên khoa Ngữ văn trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cũng cho rằng “Hoàng Ngọc Hiến là một học giả có cỡ, nên nhiều người vẫn cứ băn khoăn vì sao ông Hiến không có những học hàm như Giáo sư, danh vị như Nhà giáo nhân dân giống bao nhiêu vị khác. Ông chỉ có một học vị duy nhất là Tiến sĩ, thực ra là Phó Tiến sĩ bảo vệ ở Nga hồi còn Liên Xô. Mà thấy ông chả có vẻ sốt ruột hay bất mãn gì. Lúc nào ông cũng thản nhiên dù quanh ông người ta cứ nhao lên, nhộn nhạo lên với những danh này vị nọ. Có lần tôi đã hỏi, thì ông cũng chả giấu giếm gì: Điều mình tâm đắc và lấy làm phương châm sống suốt đời là ý tưởng ở câu cuối cùng trong Đạo đức kinh của Lão Tử “Thánh nhân chi đạo vi nhi bất tranh” (nguyên văn chữ Hán 聖人之道為而不爭– HSH chú thêm) nghĩa là: Đạo của thánh nhân là làm mà không tranh giành với ai”. (9)TSKH Phan Hồng Giang cho biết thêm: “Tôi là cấp dưới của ông ở khoa viết văn trường đại học Văn hoá, nhưng ông vẫn khuyến khích tôi vượt ông về bằng cấp. Những trí thức thực sự thường không sợ cấp dưới có bằng cấp cao hơn mình vì họ biết dùng người và không sợ người giỏi. Đó cũng là người không chạy theo bằng cấp, học hàm; xung quanh người ta sôi sục làm hồ sơ để được phong phó giáo sư, giáo sư, ông thì không, nhưng ông vẫn là giáo sư trong lòng học trò và nhân dân… Những giá trị thực sự thì không cần đến sự trang điểm”(10).Vợ ông là bà Phạm Tố Nga (tố nga 素娥cũng như tố nữ 素女 là từ chỉ người con gái đẹp. Thi hào Nguyễn Du từng ví 2 chị em Thúy Kiều là 2 ả tố nga – HSH chú). Mà Tố Nga thật sự là một người đẹp. Phan Hồng Giang kể: “Năm 1965 trong một chuyến du lịch Tam Đảo, ngồi trên chiếc commăngca "đít vuông" với hai băng ghế dọc xe chở được 12 ngườianh Hiến để ý thấy trên xe có một thiếu nữ trạc ngoài 20 với gương mặt xinh xắn, thanh tú. Điều làm anh ngạc nhiên nhất là cô gái đó đi nghỉ mát một mình, trái với lệ thường, không bạn bè, không người thân cùng đi. Anh đánh giá cao tính cách tân kỳ, hiện đại – modern như anh nói – của cô gái. Anh biết chị đang làm việc ở Nhà máy dệt kim Đông Xuân và anh đã làm quen, đã trò chuyện, dạo chơi cùng suốt mấy ngày ngắn ngủi trên Tam Đảo.

Về Hà Nội, anh lại hẹn hò đi chơi cùng cô gái ở Công viên Thống nhất. Dạo ấy nhà tôi ở phố Nguyễn Thượng Hiền, cách Công viên không xa. Một buổi tối, trời nổi cơn mưa như trút nước, kéo dài cả tiếng đồng hồ. Khi cơn mưa vừa ngớt, bất ngờ tôi nghe thấy tiếng gõ cửa. Ngoài hành lang, anh Hiến đứng bên cô gái, cả hai đều ướt sũng nước mưa. Mẹ tôi mời hai người vào nhà và lấy quần áo của mình cho cô gái mặc. Khi chia tay anh chị ở dưới sân, anh Hiến ghé tai tôi nói nhanh: "Mình mới tìm được người yêu đấy!". Đó chính là cô gái cùng đi Tam Đảo ít ngày trước. Tình yêu đến khá nhanh, có thể nói là "chớp nhoáng" theo đúng tính cách của anh…Vài tháng sau cái buổi tối đi chơi gặp mưa ấy, anh Hiến gửi cho tôi giấy mời dự đám cưới của anh với cô gái Tam Đảo ngày nào tổ chức tại Nhà ăn tập thể Nguyễn Công Trứ…

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua. Làm vợ một người viết văn chẳng dễ dàng, làm vợ một học giả, một trí thức lớn dường như lúc nào cũng theo đuổi những ý tưởng trên gió trên mây, chẳng mấy khi chạm chân xuống mảnh đất đời thường – càng chẳng dễ dàng. Ấy vậy mà chị Tố Nga – tên người con gái modern năm xưa, đã cùng anh gánh trọn những "năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương" (chữ của Ma Văn Kháng), giúp anh làm nên một sự nghiệp đáng nể phục trong đời…”(11)

Nhà thơ Dương Kỳ Anh lại cung cấp thêm thông tin: Người ta vẫn kháo rằng đằng sau người đàn ông thành công bao giờ cũng có bóng dáng một người phụ nữ. Tôi cũng nghĩ thế. Và tin rằng: Hoàng Ngọc Hiến đi vào triết, chắc chắn là nhờ cả công… vợ. Bà Tố Nga là một phụ nữ thật đặc biệt, rất hài hước và từng có nhiều năm làm phóng viên báo Phụ nữ Việt Nam.Bà có cái thú rất nổi tiếng là “nói xấu chồng”. Hễ có khách đến, bà thường ra tiếp trước. Và, trong lúc đợi ông xuống, thể nào bà cũng tố với khách đủ cái “ngu dại” của chồng, chì chiết say sưa, giọng thì đầy hứng khởi, lời lẽ thì đến là đáo để, gai góc. Thế nhưng, ai lại dại mồm vào hùa với bà để kể xấu ông thật, thì bà tống ra cửa ngay lập tức. Lần sau thì đừng có mà vác mặt đến. Thì ra, “tố Hiến” là một cái thú lạ, là tiết mục độc quyền của “tố Nga”. Ấy là cách yêu chồng độc nhất vô nhị của bà. Người hiểu thì thấy rất thú vị, và chả dại gì mà xía vào…(12)

Con gái đầu của cố TS Hoàng Ngọc Hiến là Hoàng Tố Hoa. Tố Hoa đã tốt nghiệp đại học ở Nga và sau đó về làm ở ban chuyên đề của báo Tiền Phong, là một nhà báo sắc sảo thường ký tên là Thu Va trong chuyên mục nổi tiếng “Thì thầm bên gối” của ấn phẩm Người đẹp Việt Nam.

Người con gái thứ hai là Hoàng Tố Mai, tác giả truyện ngắn Này, áo xanh cổ trắng từng đạt giải cao trong cuộc thi Tác phẩm tuổi xanh lần thứ nhất do báo Tiền Phong tổ chức năm 1989, hiện nay là là tiến sỹ, Phó ban Văn học Mỹ của Viện Văn học Việt Nam. Hoàng Tố Mai tâm sự: “Sau này xem phim Âu, Mỹ, tôi thấy cách dạy con của bố tôi rất giống họ. Bố tôi để cho chúng tôi thực sự tự do. Chúng tôi có một tuổi thơ thực sự trọn vẹn và hạnh phúc. Ông khuyến khích chúng tôi chơi thể thao, học nhạc. Chị tôi được học trượt Patin , cầu lông, bơi lội, piano và ghi ta. Tôi còn được học thêm tennis. Khi vào đại học ông còn dạy tôi yoga . Ông gần như không có một bài giảng nào về đạo đức hay răn dạy. Nhờ có ông mà chị em chúng tôi không có một áp lực nào về thi cử. Có lẽ vì tâm lý thoải mái nên chị em chúng tôi đều đỗ đại học năm đầu tiên.” Bà Tố Nga cũng thừa nhận: “Tôi kiếm tiền để nuôi hai con, còn việc dạy chúng nên người là công của ông Hiến, ông ấy dạy con rất dân chủ …”(13)

Như vậy trong mắt người bạn đời Tố Nga cũng như hai người con gái & chắc hẳn cả trong mắt bạn đọc, nhà khoa học danh tiếng Hoàng Ngọc Hiến còn là một người chồng, một người bố thật đáng yêu, đáng kính! Trong lời tựa Tướng về hưu, tập truyện đầu tay của Nguyễn Huy Thiệp (1989), Hoàng Ngọc Hiến viết: “Ai đó đã từng hi vọng: “Cái đẹp sẽ cứu vãn thế giới”. Đọc Nguyễn Huy Thiệp thì tin rằng thiên tính nữ sẽ cứu vãn thế giới”. Gặp vợ & 2 người con gái của Hoàng Ngọc Hiến, chúng ta càng tin nhận xét của ông là hoàn toàn có cơ sở!

(1)Nguồn Hoàng Ngọc Hiến: Gặp Nguyễn Đăng Mạnh ở Trường Vinh in trong sách 45 năm ấy (Hồi ức thơ văn) Nxb Nghệ An 2004; https://www.bbc.com/vietnamese/culture/2011/01/110125 _hoang_ngoc_hien.shtml;https://vi.wikipedia.org/wiki/Ho%C3%A0ng_Ng%E1%BB%8Dc_Hi%E1%BA%BF

(2), (10) Phan Hồng Giang: Hoàng Ngọc Hiến như tôi đã biết https://www.chungta.com ›;

http://daidoanket.vn/dan-toc/dich-gia-nha-nghien-cuu-van-hoa-phan-hong-giang-khong-tinh-yeu-nao-bat-hanh-tintuc52034

(3) Nguyễn Thị Ngọc Hải GS Hoàng Ngọc Hiến - người khơi mở nguồn minh triết Việt (https://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/gs-hoang-ngoc-hien-nguoi-khoi-mo-nguon-minh-triet-viet-1296408308.htm)

(4) Trần Thu Dung: Hoàng Ngọc Hiến - Tầm nhìn văn hóa rộng lớn (http://portal.huc.edu.vn/hoang-ngoc-hien-tam-nhin-van-hoa-rong-lon-3902-vi.htm)

(5)Nguyễn Đăng Mạnh: Hoàng Ngọc Hiến bạn tôi:(http://www.vanhoanghean.com.vn/dat-va-nguoi-xu-nghe6/nguoi-xu-nghe43/hoang-ngoc-hien-ban-toi).

(6)Trần Đình Sử: Hoàng Ngọc Hiến nói về 10 điều ngộ nhận về văn hóa hiện nay https://trandinhsu.wordpress.com/2013/11/30/hoang-ngoc-hien-noi-ve-10-dieu-ngo-nhan-ve-van-hoa-hien-nay/

(7)Xem thêm: Hồ Sĩ Hùy:Nhà thơ Hoàng Trung Thông (1925 – 1993)Báo Nghệ An cuối tuần 3/2011 T/c Văn hóa Nghệ An (www.vanhoanghean.com.vn › dat-va-nguoi-xu-nghe6 › nguoi-xu-nghe43)

(8) Xem thêm: Hồ Sĩ Hùy: PGS Phan Ngọc – một học giả chân chính T/c KH & CN Nghệ An tháng 7/2016.

(9) Chu Văn Sơn: Hoàng Ngọc Hiến – triết học ẩn dật trong văn học. (Nguồn: http://vanvn.net/tu-doi-vao-van/hoang-ngoc-hientriet-hoc-an-dat-trong-van-hoc/904 )

(11) Nguồn: http://daidoanket.vn/dan-toc/dich-gia-nha-nghien-cuu-van-hoa-phan-hong-giang-khong-tinh-yeu-nao-bat-hanh-tintuc52034

(12), (13) Xem thêm: Dương Kỳ Anh: Chuyện nhà cố GS Hoàng Ngọc Hiến - bậc trí giả lương thiện https://ngaynay.vn/rubic-cuoc-song/chuyen-nha-co-gs-hoang-ngoc-hien-bac-tri-gia-luong-thien-7571.html)