Romania là quê của nhiều nhà sáng tạo, nhà cách tân nghệ thuật, nhà khoa học lớn của thế giới; Nhiều nhà nghệ thuật Romania đã được Tổ chức UNESCO, Ủy ban Nobel ghi nhận, vinh danh như những nhà văn hóa nhân văn: Họ đã dũng cảm chôn vùi, khai mở những nguồn sáng tạo mới; Họ đã mở ra những chân trời và không gian tinh thần mới; Họ là những hạt nhân tạo ra những trường phái, trào lưu nghệ thuật sống động; Họ thực thi những khám phá khoa học mang tính thời đại...
Nhà soạn kịch Luca Caragianle (1893-1921), là nhà văn, nhà viết kịch, người đóng góp tích cực cho trường phái "Nghệ thuật tượng trưng" và "Trường phái Đồi Thơ" trong văn học nghệ thuật ở Romania.Công trạng lớn nhất của Ion Luca Caragiale ông đã góp phần thúc đẩy hoạt động sân khấu ở Romania lên đỉnh cao. Trước Caragiale, các vở kịch của William Shakespeare (Anh), của Friedrich Schiller, của Goethe (Đức) "ngôn ngữ sân khấu" của vở diễn thường là những đối thoại thuần chất văn chương; Là một dạng văn học đặc biệt viết ra để đọc.Đến các vở kịch của Luca Caragiale, ông đã đưa bối cảnh, lời thoại đời thường lên sân khấu; Những vở kịch của Caragiale đã mang đến cho công chúng diện mạo tâm lý, tư tưởng, trang phục cùng với sự giảm dần tính ước lệ để sân khấu trở nên gần gũi với đời sống thường nhật... Ngôn ngữ sân khấu trong các vở diễn của Caragiale trở nên giàu sức sống, phong phú và đa sắc đã mở ra một chân trời rộng lớn cho tâm hồn, cho lịch sử và cho xã hội...
Những sáng tạo của Luca Caragiale đã làm giàu có cho nghệ thuật sân khấu, nghệ thuật điện ảnh mà trước ông chưa có ai khai mở...
Tóm lại các vở kịch của Caragiale viết ra để diễn!
Vở kịch "Một đêm giông tố" của ông từng được công diễn tại Hà Nội đã được khán giả thủ đô đón nhận nồng nhiệt đầu những năm sáu mươi thế kỷ trước. Luca Caragiale đã được Tổ chức UNESCO đề nghị kỷ niệm tại các quốc gia thành viên; Những vở kịch của Ion Luca Caragiale đã được trình diện tại sân khấu của nhiều quốc gia. Tưởng niệm về nhà sân khấu lớn của Romania Luca Caragiale là dịp tăng nhận biết về ông trên bản đồ thế giới, là sự trao đổi hiệu quả giữa văn hóa Romania với các nền văn hóa khác.
Mihai Eminescu (1850-1889) là nhà thơ lớn, sống cùng thời với Nguyễn Du của Việt Nam, ông ra đời sau Nguyễn Du khoảng 30 năm; ông cũng có tên trong danh sách những danh nhân văn hóa được UNESCO đề nghị các quốc gia tổ chức kỷ niệm...
Nguyễn Xuân Sanh, nhà thơ Việt Nam đầu tiên thăm Romania năm 1956, ông trở thành bạn của nhà văn lớn của Romania Marin Preda; Marin Preda đã hai lần sang thăm Việt Nam. Sau khi thăm Việt Nam, Marin Preda đã viết một thiên truyện vừa "Bệnh sốt rét"; Thiên truyện đã trở thành một hiện tượng văn học của Romania. Thiên truyện "Bệnh sốt rét" đã viết về một trận tập kích thành công của bộ đội địa phương Hải Phòng vào sân bay quân sự của Pháp năm 1954; Đó là giai đoạn đang diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ, chiến dịch quân sự lớn giữa quân đội tướng Giáp với quân viễn chinh Pháp. Thiên truyện đã chứng minh: Sức mạnh và ý chí kiên cường của con người Việt Nam đã chiến thắng, đè bẹp phương tiện chiến tranh hiện đại của quân viễn chính Pháp...
Trong một bài giới thiệu về Mihai Eminescu với tựa đề "Mihai Eminescu-Thắm thiết khơi nguồn và khẳng định..." Nguyễn Xuân Sanh đã viết: "Bí quyết sâu sắc trong tâm tư nghệ thuật của Eminescu, ông đã cống hiến cho đất nước, cho nghệ thuật bằng tình yêu không bờ bến; Eminescu ghét cay ghét đắng tất cả những kẻ trong cái thời đại của ông đang sống, manh tâm làm tăm tối cuộc sống, làm cho cái đẹp bị lụi tàn... Đó chính là tầng lớp phong kiến thống trị, hàng nghày hàng giờ cướp phá, hành hạ nhân dân. Ông đã nói điều này trong nhiếu tác phẩm viết bằng thơ. Nhà thơ vĩ đại bởi ông cố gắng nói lên cái đẹp, miêu tả nó trong đời sống nhân dân và đất nước đang bị xát chà bởi chế độ chuyên chế, độc tài, phong kiến"...
Độc giả và các nhà nghiên cứu Romania thường nhắc tới "5 bức thư" của Eminescu, có thể coi đó là những bản kiến nghị viết bằng thơ; Trong "5 bức thư" dài trên 3000 câu, ông đã bày tỏ những khát vọng của nhân dân về cái đẹp và một cuộc sống đang tìm cách thoát khỏi ách chuyên chế, áp bức. Chính quyền chuyên chế đã hãm hại ông bằng cách nhốt ông vào nhà thương điên, vu cho ông bị bệnh tâm thần do ông dám viết những câu thơ "Đập nát những gì làm ta đau khổ; Xô các cung điện giấu che điều khả ố; Đốt tượng bạo quân cho vỡ tan tành..." (Đế vương và Vô sản - Nguyễn Xuân Sanh dịch)... Có tài liệu của Romania viết: Eminescu bị một kẻ tâm thần đập chết trong nhà thương điên...
Eugen Ionescu (1909 – 1994) là một trong những nhà soạn kịch hàng đầu, là cha đẻ của Trường phái Kịch phi lý; Ông cũng là người Romania sống tại Pháp. Eugen Ionescu là một trong những người khởi xướng, mở rộng không gian và ngôn ngữ cho kịch hiện đại, cho Trường phái kịch phi lý...
Du khách thường biết đến Tháp Eiffel như là biểu tượng của nước Pháp, thế nhưng ít ai biết: Kiến trúc sư Eiffel là tác giả của bản vẽ của Tháp, còn đúc, thi công lắp đặt Tháp Eiffel lại do các kỹ sư của Romania tiến hành. Thời điểm lắp đặt Tháp Eiffel chưa có cần cẩu, do đó để nâng lắp đặt những cấu kiện thép nặng hàng chục tấn lên cao là một thách thức về phương diện kỹ thuật, giải pháp thi công.
Do Romania thi công thành công tuyến đường sắt phía nam gần 500 km nối thủ đô Bucarest và thành phố Timisoara; Tuyến đường sắt này phải chạy qua những vùng núi non hiểm trở của dãy Carpat, những thung lũng, những vực sâu... Nhờ việc tìm ra giải pháp thi công: Sử dụng tời xoay nên mặc dù không có cần cẩu nhưng vẫn lắp đặt được các cầu kiện đường sắt qua các vực núi. Chính công nghệ đúc thép và kỹ thuật thi công đường sắt của Romania đã được Pháp mời thi công tháp Eiffel; Hiện nay ở Romania còn giữ lại được bản đúc các cấu kiện của Tháp Eiffel...
Giống như một bộ phim, tác giả chính thường trao cho đạo diễn vì một kịch bản nếu không có đạo diễn tài giỏi thì chưa chắc bộ phim đã thành công...Người viết bài này cho rằng: Cầu Long Biên, Tuyến đường sắt Hà Nội-Côn Minh dài gần 1000 km do Pháp thi công sau khi thi công Tháp Eiffel vào đầu thế kỷ XX; Tuyến đường sắt Hà Nội-Côn Minh được ví như một "CON RỒNG" tung bay trên vùng non cao hiểm trở của miền nam Trung Quốc;Cùng với chiếc cầu Long Biên bắc qua sông Hồng, được coi là chiếc cầu hiện đại và đẹp nhất châu Á một thời gian dài; rất có khả năng người Pháp đã sử dụng công nghệ của Romania để xây dựng nên hai công trình này...
Trong giai đoạn hiện nay, thơ tại nhiều quốc gia dừng lại như là trò tiêu khiển bằng chữ nghĩa quanh quẩn trong giới yêu thơ, làm thơ thì tại Romania, các tác giả thơ, các hoạt động xoay quanh thơ vẫn phát triển, vẫn nhào được vào dòng chảy sôi động của cuộc sống và vẫn được người đọc đón nhận.
Ngày Thơ Việt Nam vào rằm tháng giêng; Những hoạt động dịch thuật, hội thảo thơ của Việt Nam đều là các hoạt động được Romania tổ chức thường niên và có truyền thống. Ở Romania, ngoài các giải cho thơ được trao từ các cơ quan nghiên cứu nhà nước, hội, đoàn thể yêu thơ còn có giải của các bạn đọc yêu thơ; Có những làng xã thành lập các Festival thơ của mình. Cứ một vài năm, chúng ta lại thấy có những tác giả thơ được giới văn học Romania đề nghị Ủy ban Nobel Văn học trao giải. Tập thơ mà chúng tôi dịch, giới thiệu dưới đây "Tình khúc-Sự linh thiêng và thảm trạng" của Stefan Dumitrescu là một trong những đại diện tiêu biểu của giới văn học Romania; ông cũng đã được Romania đề cử tranh giải Nobel Văn học...
Stefan Dumitrescu, Hội viên Hội Nhà văn Romania; Ông trải nghiệm qua nhiều thể loại văn học: là nhà thơ, nhà viết kịch, nhà bình luận thế sự sinh năm 1950; Ông là Chủ tịch "Hiệp hội Tương lại học" của Romania...Ông đã nhận nhiều giải thưởng văn học ở Romania.
Thơ Stefan Dumitrescu- Nhịp trống của những bản nhạc Rock
Với Việt Nam, Trần Tiến là một hiện tượng âm nhạc được quý trọng bởi những tìm tòi, cách tân; Trần Tiến gia nhập đời sống âm nhạc khởi đầu bằng thể loại nhạc Pop: Cô gái Sầm Nưa xinh đẹp (1968), Giai điệu Tổ quốc (1980), Chuyện tình thảo nguyên...Mặc dù được khán giả đón nhận nồng nhiệt nhưng với cái đà này, Trần Tiến thấy nếu không tự giải thoát thì anh khó lòng vượt qua Hồ Bắc (Ca ngợi Tổ quốc), Bùi Đức Hạnh (Tình ca Tây Bắc), Bài ca trên núi (Nguyễn Văn Thương)... Chính Trần Tiến đã có lúc thú nhận: "Nếu tôi cứ theo họ thì không bao giờ kịp họ, do vậy Trần Tiến tìm ngã rẽ khác cho âm nhạc của mình".
Với những: "Tùy hứng ngựa ô, Chiếc vòng cầu hôn; Ngẫu hứng sông Hồng; Ngọn lửa cao nguyên; Giấc mơ Chapi; Tiếng trống Baranưng"; Đó là những ca khúc được sáng tạo bằng việc tìm đến những giai điệu, tiết tấu của nhạc Rock, Rap... Phải chăng do hợp tạng hay do lối rẽ này, Trần Tiến đã lập được cho mình một "vương quốc riêng" và nhạc của anh có sức truyền dẫn ghê gớm trong giới trẻ...
Thơ của Stefan Dumitrescu giống như nhịp trống của những dàn nhạc Rock, những bản nhạc Rap; Loại âm nhạc mà khiến cả người chơi lẫn người nghe đều tự nguyện thiêu đốt, tự bóp vỡ trái tim mình...Thơ của Dumitrescu mạnh dạn tìm những tiết tấu, hình ảnh, những vần điệu tránh lối mòn; Có những hình ảnh tưởng không dính dáng gì với thơ như "nấm nguyên tử", "phóng xạ uranium", "vi phân tử" đều trở thành những hình ảnh nên thơ...
Nguồn cảm hứng sáng tạo của Stefan Dumitrescu nó bắt nguồn từ vẻ đẹp linh thiêng của mảnh đất Romania, từ sự phong phú và giàu có của Folclor và huyền thoại tích tụ từ lâu đời của Romania cùng với vẻ đẹp bí hiểm của phụ nữ Romania; Thơ của Stefan Dumistrescu được viết ra để dâng hiến cho vẻ đẹp siêu phàm của phụ nữ Romania, họ mang theo "vẻ đẹp thánh thiện"... Vẻ đẹp của con gái Romania khiến cho bất cứ gã đàn ông nào, cho dù từng trải đến đâu cũng trở nên ngây ngô, khờ khạo; Trước đàn bà Romania, đàn ông rất dễ tự thiêu đốt mình biến thành những hòn than cháy; hoặc sẵn sàng nhảy múa trên lửa mua vui cho các nàng như người Pà Thẻn (sống ở huyện Bắc Quang và Quang Bình - tỉnh Hà Giang và Chiêm Hóa - tỉnh Tuyên Quang)...
Cái đất nước hiện mang tên Romania xuất phát từ sự hợp huyết của 2 nguồn nhân chủng: Người Daci là người bản địa và người Roman là những đàn ông của đội quân viên chinh từ đế quốc Hy-La...
Những tên lính viễn chinh của đế quốc Hy-La, vốn là những gã đàn ông không chỉ giỏi gươm đao mà còn là những tay đàn ông ga lăng nhất hành tinh. Đội bóng đá Italia hiện nay được giới hâm mộ, nhất là fan nữ mê mệt vì cái vẻ đẹp đầy chất nam tính; bởi những đường bóng cháy sém sân cỏ, quyết liệt và quyết đoán được tung xút từ những cặp dò điêu luyện; Họ là hậu duệ của đội quân viễn chinh Hy-La, "chài gái" đại tài...
Bắt nguồn từ vẻ đẹp của các giá trị cố truyển dân tộc; Romania mảnh đất đã sinh ra những bài ca, những huyền thoại, những người phụ nữ đẹp như thiên thần đã được ngân vang trong nhiều sáng tác thơ của Stefan Dumitrescu, những sáng tác dành tài năng và lẽ phải. Những tên lính viễn chinh đến từ bán đảo Italia của đế chế Roman, họ là những chiến binh dũng cảm và đa tài...Cuộc hôn phối lịch sử, tình yêu giữa những tên lính viễn chinh với những nạn nhân đã hình thành và phát triển nên một cái nôi đặc biệt ở vùng Carpat; Cái nôi này đã sinh sôi ra một dân tộc mang vẻ đẹp chinh phục và những phẩm chất của tâm hồn, trí tuệ: kiên nhẫn, tài năng và thông minh; Đó chính là cái lò sản sinh ra một trong những dân tộc giàu sáng tạo của thế giới.
Vẻ đẹp của người phụ nữ Romania đã từng được biết đến qua nhiều sáng tác của các nhà thơ từ cổ chí kim; Vẻ đẹp của phụ nữ Romania đã được đúc kết thành thành ngữ, thành những huyền thoại được người người ngợi ca. Ở cái vẻ đẹp cổ tích của người phụ nữ Romania nó ẩn dấu những cội nguồn, của ngọn lửa bí ẩn của tình yêu bất diệt, thánh thiện. Họ, những người phụ nữ Romania với ngọn lửa thiên thần có khả năng làm cho đàn ông của thế giới bị thôi miên, bị thôi thúc làm cho điên lên vì hạnh phúc...
Để có một cách nhìn hệ thống về cá tính sáng tạo của Stefan Dumitrescu, trong phần kết của giới thiệu, xin trích một đánh giá của một nhà phê bình văn học Italia, ông cũng là Giáo sư đại học Francesca Pini:"Nhà thơ, nhà văn, nhà soạn kịch, nhà phê bình, viết tản văn, nhà triết học và phân tích thế sự; Thế nhưng ông lại là người hiền lành, luôn giữ cho mình những cảm thức tươi trẻ ngây thơ, ông luôn tỏ ra ngạc nhiên trước sự bùng cháy và sôi động trong cảm thức của con người của thế kỷ chúng ta. Khi người Romania muốn nhận biết sự thật; Họ tìm thấy trong chiều sâu của các tác phẩm của Stefan Dumitrescu.Người đọc cảm thấy ngạc nhiên ở nhà văn Romania này mang phần nào hơi hướng của Thomas Mann, và Albert Camus...Trong thế ký của chúng ta, ông là đỉnh cao của văn học Romania và chiếm một vị trí trong chiều sâu của thế giới văn học. Có thể so sánh Stefan Dumitrescu với Mircea Eliade nếu như chưa biết gì về ông; Theo tôi, sáng tác của ông là của chính ông, Stefan Dumitrescu không giống ai ngoài chính ông..."
..."(Francesca Pini, Giáo sư đại học, Tiến sĩ, nhà phê bình văn học Italia đề tựa cho cuốn “Gương mặt cổ xưa", xuất bản ở Italia 1993)
Xin trân trọng giới thiệu và kính mời quý vị đọc thơ của Stefan Dumitrescu,một gương mặt sáng giá tiêu biểu của văn học Romania...Stefan Dumitrescu là một người bạn của nhân dân và văn hóa Việt Nam. Hy vọng đọc "Tình khúc" của ông sẽ giúp người đọc được thức tỉnh bởi sự thánh thiện của tình yêu...
Phạm Viết Đào
Dịch và đề tựa
Sách in song ngữ: Tiếng Việt-Tiếng Romania
NHÀ XUẤT BẢN VĂN HỌC 2020
Bạn đọc có nhu cầu xin nhắn địa chỉ và số điện thoại Bưu điện giao sách tận tay và thu hộ tiền.
Giá trọn gói: 150.000 đ