Mai Hương
Cách đây hơn 20 năm, bài thơ “Rau má” của ông được trao giải đặc biệt cuộc thi thơ cuối thế kỷ của Tạp chí xứ Thanh (1999-2000), và từ bấy đến nay, thi phẩm mang đậm vẻ đẹp đất và người xứ Thanh này được nhiều người thuộc, nhiều người phổ nhạc, lồng điệu ca trù, chầu văn, xẩm và thậm chí cả cải lương, lan tỏa khắp muôn phương...
Một buổi sáng nhàn nhã giữa thời “cách ly” COVID-19, tôi còn đang ngắm hoa, thưởng trà và lắng nghe câu kinh “Adiđà Phật” dìu dặt, thì nàng Vân Hương, một bạn thơ của chúng tôi, cũng là “fan hâm mộ” của nhà thơ Trịnh Anh Đạt, gọi điện mà không nén nổi những tiếng nấc nghẹn ngào. Tôi bàng hoàng khi nghe tin dữ, nhà thơ Rau Má đã ra đi thật ư? Mình vừa nhắn tin trò chuyện với bác không lâu mà? Vội vàng lên facebook xem sao, nhiều bạn thơ cũng vừa mới biết, đã kịp đăng status loan báo tin buồn. Nghe nói ông đột ngột ra đi khi đang trên chuyến bay từ bang Texas về nhà mình ở bang California, sau ít ngày ở chơi nhà chàng rể.
Đầu tháng 4, khi dịch bệnh COVID-19 bắt đầu hoành hành tại New York, tôi có nhắn tin hỏi thăm ông, được biết ông và gia đình đang ở một nơi an toàn, phong cảnh tuyệt đẹp, như ông miêu tả là “đầy nắng và gió”. Ông đi chơi hồ, câu cá, chụp ảnh đưa lên facebook để chia vui cùng bạn bè. Thỉnh thoảng, ông inbox với tôi trao đổi về diễn biến dịch bệnh ở Mỹ và thăm hỏi về tình hình ở Việt Nam, tỏ ý lo lắng quê nhà còn nhiều khó khăn, mong dịch bệnh đừng lan rộng sẽ rất khó chống đỡ...
Ông Nguyễn Hữu Ngôn - Phó Giám đốc kiêm Tổng biên tập Nhà xuất bản Thanh Hóa cũng vừa có bài viết “ Rau má - tự khúc người xứ Thanh” đăng trên báo Văn hóa đời sống số ra ngày 9-3-2020, như một món quà gửi tới người bạn thơ phương xa. Phải chăng là có “điềm” gì đó, Trịnh Anh Đạt đã gửi số báo ấy và bộ đĩa ghi Ký sự “Chuyện về rau má xứ Thanh” mà ông đã cùng các bạn thơ phối hợp với Đài PTTH Thanh Hóa thực hiện năm 2018, cùng ảnh chân dung in kèm bài thơ “Rau má”, tặng cho nhiều bạn thơ thân thiết của mình. Ông còn nhờ tôi chuyển 100 số báo và bức ảnh khổ lớn, để tặng cho Trung tâm bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ, tôi còn chưa kịp chuyển dùm ông...
Hàng chục năm trước, giới văn nghệ sĩ Thanh Hóa đến Đồ Sơn - Hải Phòng có lẽ ai cũng biết tới Trịnh Anh Đạt, một doanh nhân giỏi giang, thành đạt, cũng là một nhà thơ hào hoa, phóng khoáng. Ông yêu quý và đón tiếp thịnh tình với tất cả anh em giới văn nghệ, đặc biệt là “người quê choa” như cách ông vẫn thường đùa vui. Khách sạn Hoa Thành Đạt nơi ông làm chủ, phòng tiếp khách luôn có một chậu cảnh trồng... rau má, bởi ông chính là công dân sinh ra và lớn lên ở cái xứ “rau má”, nhờ rau má mà thành người, gửi tình yêu vào rau má và đưa rau má vào thơ, rồi thơ ông lại đi chu du khắp nơi, để đến nỗi người ta gọi luôn tên ông là “Nhà thơ Rau Má”. Ông cùng gia đình sang Hoa Kỳ định cư, thỉnh thoảng vẫn về thăm quê hương xứ sở. Mùa hè năm 2018 ông về Việt Nam, chúng tôi mời ông làm nhân vật trải nghiệm để thực hiện Ký sự “Chuyện về rau má xứ Thanh” phát trên sóng đài PTTH Thanh Hóa. Hóa ra đây cũng là lần cuối ông về thăm quê hương.
Thông qua vần điệu lục bát dân gian, bài thơ của Trịnh Anh Đạt đã khái quát hóa rất tài tình về những phẩm chất đẹp và riêng có của đất và người xứ Thanh trong từng câu chữ giản dị, mộc mạc mà sâu lắng. Với ý tưởng lẩy từng tứ trong bài thơ Rau Má của Trịnh Anh Đạt, chúng tôi bám vào đó để thực hiện một hành trình về với những vùng quê xứ Thanh. Mục đích chính của seri ký sự là “khoe” với thiên hạ những cái đẹp, cái giỏi , cái hay của “quê choa”, nào là nơi sinh ra nhiều bậc vua, chúa, trạng, nơi “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, đi đầu phong trào cách mạng giành độc lập dân tộc, đi đầu trong kháng chiến kiến quốc ... Tự hào, hãnh diện lắm chứ, bởi “quê choa” chỉ là những lũy tre nghèo quăng quật dưới “bão lụt nắng hanh” mà vẫn tràn đầy tráng khí, bởi “quê choa” chỉ có “rau má, ốc cua” mà nuôi lớn biết bao gương mặt vĩ nhân... Một Trịnh Anh Đạt say sưa, mê mải dãi nắng dầm mưa với “quân truyền hình” cả một tuần trời liên tục, như chẳng biết mệt là gì. Đến cuối ngày, anh Lê Việt Dũng, một fan hâm mộ thân thiết của ông, mới nhỏ nhẹ nhắc: “Bác Đạt mệt đấy!”, tôi mới giật mình nhớ ra là bác đã bước sang tuổi “thất thập cổ lai hy” có lẻ !
Ở cái xứ “ngõ quê rung tiếng Trạng cười” này, dân gian có câu đùa: “Ước gì lá rau má to bằng lá sen, ăn một lá no cả ngày”. Tếu đấy, nhưng lại là mơ ước rất thật, rất bản ngã, bởi đã từng có những giai đoạn cuộc sống đói kém, phải ăn rau má thay cơm, rau má trở nên hiếm hoi đến nỗi ngay cả trong ước mơ người ta còn không dám nghĩ đến cơm gạo, chỉ mong kiếm được đủ rau má để sống qua cơn bĩ cực. Một câu đùa nhưng hàm chứa dư vị đắng đót của một thời cực khổ lầm than, mà những người từng trải như nhà thơ Trịnh Anh Đạt mới thấu hiểu, thấm thía. Thuở nhỏ, ngoài những giờ học, cậu bé Đạt phụ cha bán lạc rang ở phố Ga ở Đò Lèn để mưu sinh, và góp mặt cùng bầy trẻ hình thành “đội quân” hái rau má hùng hậu trên đường tàu. Dùng hai tay không bới rau má, rửa qua nước ruộng mà nhai cho đỡ cái đói. Chúng tôi đã gặp thầy giáo cũ của nhà thơ Trịnh Anh Đạt, ông Nguyễn Bá Dụ - Nguyên Hiệu trưởng trường Tiểu học xã Hà Phong, huyện Hà Trung. Ông vẫn còn giữ bức ảnh lớp học trò cũ, trong đó có “cậu bé” Trịnh Anh Đạt, một trong những “trò cưng” của thầy hồi ấy, nhà nghèo mà học rất giỏi. Có lẽ người xứ Thanh là vậy, luôn biết cách chế ngự hoàn cảnh “vươn lên để sống”, giống như nhành rau má, dù mọc nơi đất cằn sỏi đá vẫn “xanh rười rượi với đời”.
Những ngày ở Việt Nam, Trịnh Anh Đạt sống hạnh phúc trong vòng tay người thân, bè bạn. Những bạn thơ chia lịch để mời ông giao lưu. Về quê, đi đến đâu Trịnh Anh Đạt cũng chỉ muốn thưởng thức những món ăn từ rau má, cua ốc đồng làng, nào ai biết được những món ăn dân dã quê mùa ấy là cả “một trời thương nhớ” của ông khi sống trên đất nước Cờ Hoa. Đã là người xứ Thanh, dù đi xa tận chân trời góc bể sẽ không thể nào quên được cái “vị riêng ngai ngái” đặc trưng của thứ cây cỏ quê mùa, mà quý như sâm ấy.
Không phải chỉ có Trịnh Anh Đạt, mà nhiều nhà thơ xứ Thanh khác cũng đã viết về rau má, có thể là cả bài, hay chỉ một tứ, một câu, nhưng mỗi người đều có một góc nhìn riêng về “vị quê” của mình. Nhà thơ Huy Trụ từng viết về cây rau má: “Khi thất bát, lúc nhỡ nhàng – người bới đất, ngỡ tìm vàng trong cây”. Nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm lại đúc kết một bài học lịch sử đắng cay vẫn còn nguyên giá trị trong mọi thời đại: “Nhổ cây rau má cổng làng – Bao nhiêu lọng tía tàn vàng lung lay”.
Sự trở về của Trịnh Anh Đạt cũng đã gợi cảm hứng để các bạn thơ có thêm sáng tác mới về rau má. Sau buổi giao lưu với Trịnh Anh Đạt, nhà thơ Lê Xuân Đồng đã đăng ngay một bài: “Rau má tím, rau má hoa/ Rau má nào cũng một nhà xứ Thanh/ Càng qua nắng lửa càng xanh/ Chát chua càng thấm ngọt lành vị quê .../ Một vùng đất mẹ yên lành / Yêu quê, rau má trở thành thi ca! Nhà thơ Lê Hải Chinh cũng có sự rung cảm riêng của mình: “Tiếng xưa rau má đường tàu – mà hay đáo để cái màu sắc quê”. Từ ý thơ của nhà thơ Huy Trụ: “Sức bền tự gốc sâu xa/ Lại nuôi mầm biếc kết mùa dọc ngang”, chúng tôi đã nảy sinh ý tưởng kết nối cái “xanh rười rượi” ở phố Ga Đò Lèn với cái “hay đáo để” của quê hương di sản thế giới Thành Nhà Hồ. Và rồi một ngày nắng đẹp, những “người thơ rau má” ấy đã hội ngộ cùng nhau ở “chốn kinh thành xa xưa”, để hàn huyên chuyện đời, chuyện thơ...
Không nhiều người biết, và Trịnh Anh Đạt cũng ít nói đến, đó là việc ông từng có mặt trong đoàn quân hào hoa “gác bút nghiên lên đường đi cứu nước” thời kháng chiến chống Mỹ. Những năm đế quốc Mỹ mở rộng phá hoại ra miền Bắc, Đò Lèn quê hương ông là mục tiêu bắn phá ác liệt, nơi hứng chịu những trận bom và thương vong đầu tiên. Cố thi sĩ Mạnh Lê, một người cùng thời với Trịnh Anh Đạt từng viết: “Dô tả, dô tà, sông Mã quê ta/ Ngày nắng ngày mưa xanh bờ rau má/ Chiều nhai rau má, tối học chữ Nôm/ Hiểu tận tâm căn tiếng đá tiếng đồng /Một chiếc cầu sắt gánh ngàn tấn bom/ Dô tả dô tà cầu ta vẫn vững”… Trịnh Anh Đạt cũng như nhiều chàng trai xứ Thanh thời ấy, bụng cầm hơi rau má, cầm súng bước ra khỏi lũy tre làng không một chút đắn đo. Chiến tranh đã để lại trên cơ thể ông một vết thương.
Sau chiến tranh, thương binh Trịnh Anh Đạt trở về với đời thường, bươn trải trong cuộc mưu sinh: “Tha hương đổi đói lấy no/Lớn khôn từ gió quạt mo quê nhà”. Vết thương trên cơ thể ông đã liền sẹo, ông không mấy khi nhớ đến nó. Khi tuổi đã cao, Trịnh Anh Đạt cùng gia đình sang Mỹ định cư để phù hợp với hoàn cảnh gia đình. Ở đất nước Hợp chủng quốc, ông muốn hòa đồng với tất cả mọi người, khép lại quá khứ đau thương, mở rộng vòng tay bè bạn. Ông tâm sự, khi đã ngấm trải mọi sự đời, giàu sang hay nghèo khó cũng không còn vướng bận, thì điều quý giá nhất đối với ông, không phải là “sống giữa nhà lầu xe hơi” ở đất nước phồn hoa bậc nhất thế giới, mà chính là được gặp gỡ người thân, bạn bè trên quê hương mình. Về quê, đi đến đâu, Trịnh Anh Đạt cũng rưng rưng xúc động, vì nhiều người thuộc bài thơ “Rau má” của ông, thậm chí họ cứ đọc, cứ ngâm, cứ hát cho ông nghe, mà không hề biết tác giả đang ngồi ngay trước mặt. Nhà thơ Văn Đắc vỗ vai Trịnh Anh Đạt mà rằng: “Anh về Thanh Hóa được nhân dân, bạn bè, anh em văn nghệ sỹ đón tiếp như là “vua” thế kia, nên chẳng bao giờ anh quên được cái xứ sở rau má này đâu nhé”.
Phải chăng vì niềm thương nỗi nhớ quê nhà luôn đan níu trong ông, đến lúc không thể đi về thường xuyên với quê cha đất tổ được nữa, nên ông đã chọn một cách riêng. Ông bay lên chín tầng mây và từ trên cao ấy, có thể nhìn thấy quê hương, nơi là mảnh đất chôn rau cắt rốn. Chúng tôi thương nhớ ông, và tin rằng trên bầu trời xanh trong vời vợi, ông luôn mỉm cười hạnh phúc, và luôn dõi theo từng bước phát triển của quê hương Việt Nam. Như cây rau má vậy thôi, cái ngọn dù vươn xa, nhưng thân cành vẫ