Trang chủ » Truyện

MIỀN TẤN PHONG CHÚA ĐẢO (4)

Kim Chuong
Thứ năm ngày 26 tháng 10 năm 2017 9:26 PM





PHẦN IV

Trở về với biển



I

Trung tá Hoàng Đình Kim đặt từng bước oai vệ, mắt ngắm nhìn đoàn quân đang sóng hàng chờ lệnh. Sau tiếng hô “nghiêm.” Tiếng người trực ban đơn vị báo cáo, thỉnh thị cấp chỉ huy. Cả đoàn quân được phép ngồi xuống, chờ huấn thị của “vị” thượng cấp.

Có lẽ, đây là buổi đầu tiên, Trung tá Hoàng Đình Kim đến với khóa huấn luyện tân binh. Người thủ trưởng có giọng đanh chắc, nói rất ngắn gọn, cô đúc tất cả mục đích, yêu cầu của người lính thời chiến rồi ra lệnh : “Hiện nay, mỗi người lính chúng ta phải khắc cốt ghi tâm rằng, chức năng của bộ đội là đánh giặc. Nhiệm vụ là ở chiến trường. Và, trách nhiệm là, phải đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược.”

Truyền đạt xong mệnh lệnh, Trung tá Hoàng Đình Kim cho phép đơn vị giải lao. Ông vội vàng bước nhanh xuống giữa hàng quân, vỗ vỗ vai một người lính. Ông cười rất vui, giọng thân mật:

- Đắc hả. Có phải Đắc không ?

- Dạ …

- Sao lại gặp cậu ở đây ?

Đắc nắm chặt tay trung tá. Giọng lễ phép :

- Vâng. Cám ơn thủ trưởng. Em là Đắc. Thủ trưởng vẫn nhớ em à.

- Nhớ chứ. Một “Dũng sĩ giao thông.” Một thủy thủ của Công ty Bảo đảm Hằng hải. Đúng chưa. Một thợ lặn giỏi. Đã dũng cảm vớt xác người lính Hải Quân năm nào. Đinh Trọng Đắc, người đã được trao bằng khen tại trận. Đúng chứ ?

- Dạ ...

Trung tá Hoàng Đình Kim kéo Đinh Trọng Đắc vào văn phòng Đoàn bộ. Ông dồn dập hỏi Đắc về gia cảnh, công việc, những gì xảy ra ở thời gian dài kia ? Rồi, tại sao, Đắc lại có mặt ở đội ngũ những người lính biển Đoàn 128 này …

Thấy thủ trưởng gần gũi, thân mật, Đắc đùa vui.

- Thủ trưởng “bắt lính” thì em vào đây, chớ sao.

- Tớ bắt hả. Cũng đúng - Trung tá Hoàng Đình Kim đùa lại - Đất nước có giặc. Nhân dân bắt, tớ bắt. Rồi, chính cậu bắt cậu ở lý tưởng, ở nghĩa vụ, trách nhiệm không thể khác của người thanh niên thời đại Hồ Chí Minh, phải không.

Thôi. Bây giờ thế này nhé - Trung tá Hoàng Đình Kim quyết định - Đắc là tân binh, nhưng với biển lại là cựu chiến binh rồi. Ban Chỉ huy sẽ giao cho Đắc vai trò huấn luyện “khoa kỹ chiến thuật của thủy thủ trên biển” với lớp tân binh này, được chứ ? ...

Sẵn tác phong người lính, Đắc đứng bật dậy, tay đặt lên vành mũ, giọng quả quyết :

- Nếu thủ trưởng tín nhiệm. Em xin tuân lệnh !

Đắc rất vui. Vừa rời quê vào lính, Đắc đã được thủ trưởng tin yêu giao cho anh nhiệm vụ quan trọng. Điều phấn khởi hơn, giữa đội ngũ những người lính vừa tạm biệt xóm thôn, đồng ruộng đi làm lính biển, Đắc là người từng cả đời đã lặn ngụp cùng biển. Rồi, có tới ba bốn năm trời làm thủy thủ, Đắc đã đi qua đạn bom, qua nhiều trận thử lửa thật dữ dằn. Đắc vượt lên số đông trong sự tin cậy, lòng yêu mến của Ban chỉ huy và hầu hết anh em.

Sống giữa đồng đội, những người lính trẻ măng mang quân hàm binh nhì. Họ vừa rời mái trường. Lần đầu tiên xa mẹ, xa xóm giềng, họ mạc, trong túi chỉ vài ba đồng bạc. Họ không ghen tuông, đố kị, chỉ một lòng yêu thương, sát cánh cùng đồng đội, nguyện chiến đấu đến hơi thở giọt máu cuối cùng. Đắc thấy hồn nhiên ấm cúng.

Đắc vui khi được bầu làm Phó Bí thư Liên chi, gồm 182 đoàn viên. Vui vì có cuộc “tái ngộ.” Thủ trưởng cấp trên là người từng hiểu anh, chứng kiến chiến công và quý yêu anh.

Khi làm huấn luyện viên. Khi làm thủy thủ. Khi làm đầu bếp. Với Đắc, việc gì anh cũng sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc.

Những ngày ở khóa huấn luyện, có lần, Đắc vinh hạnh được đơn vị giao nấu cơm, phục vụ bác Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Trần Đại Nghĩa và Phùng Thế Tài, buổi các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước Việt Nam tới thăm đơn vị.

Đắc nhớ. Bác Tài thật gần gũi. Bác xuống tận nhà bếp thăm hỏi, trò chuyện với các chiến sĩ nuôi quân. Bác Tài kể nhiều chuyện vui, hấp dẫn. Dường như, cử chỉ, hành động này chỉ có ở tướng lĩnh, ở những người lính Việt Nam. Họ “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”.

*

Nhiều đêm. Đứng trên boong tầu, qua khung cửa, Đắc nhìn ra phía mênh mông biển cả. Ngắm vành trăng như con thuyền bồng bềnh đu đưa trên mặt sóng.

Đắc nghĩ. “Thế là, đã sáu tháng từ biệt quê hương. Đắc đã trở thành người lính Hải quân của Đoàn 128. Dường như, Đắc cảm thấy lòng mình không mấy đổi khác, dẫu phía bên ngoài cuộc sống riêng mình, với Đắc đã diễn ra không ít những biến cố thăng trầm. Riêng lòng Đắc, chỉ một nghĩa giản đơn. Đắc trẻ. Đắc tin yêu cuộc sống. Đắc hăm hở vượt lên phía trước, mong có được niềm vui chân chính, bằng ước mơ và tình yêu lao động hết mình.

Nhưng, ở đời, tránh sao khỏi những trớ trêu, lầm lẫn, thậm chí bi kịch khôn lường.

Là thủy thủ tầu Hạ Long, Đắc chiến đấu anh dũng, lập nhiều chiến tích. Vậy mà, chỉ một lần uống rượu say, sức khỏe bị loại khi khám tuyển, Đắc đã bị quy kết bịa đặt bệnh lý, lấy cớ chống lệnh nghĩa vụ quân sự.

Bị đình chỉ để kiểm điểm, trong thời gian chờ nhận hình thức kỷ luật. Buồn. Đắc bỏ về quê. Thế là “dã tràng se cát”. Một phần máu thịt đời mình thật sáng trong bỗng hóa vô công.

Bỏ công ty Hằng hải về nhà, Đắc cưới vợ. Lại bám lấy con thuyền lao ra biển xăm đáy. Lại những ngày đánh vật với miếng cơm manh áo. Nhưng, biển mênh mông không nuôi nổi cuộc đời người nhỏ nho, chật hẹp. Vốn bỏ ra bị thua lỗ. Đành bó tay, thất bại ư ? Không. Nhất định phải vượt lên. “Thua keo này ta bày keo khác”. Đắc không chịu.

Thế là, lại một mình lên vùng rừng Đông bắc, Tây bắc nhập vào nhóm làm thuê. Công việc chặt nứa, đẵn tre, đốn củi, Đắc không từ nan việc gì, miễn là kiếm được chút tiền bỏ túi.

Trên mảnh võng mắc tạm bên rừng, một trưa, Đắc đang thiu thiu ngủ. Bỗng một người bạn cùng làm thuê, vội chạy đến báo tin.

- Đắc, cậu phải về quê ngay. Ở nhà đang có chuyện “oan gia” đấy.

- Sao ? Nhà tớ ớ. Oan gia là thế nào.

- Không hiểu. Nhưng bố mẹ cậu đã bị bắt.

- Bố mẹ tớ bị bắt. Sao vậy ?

- Không biết. Nhưng, nguy đấy. Có người báo tin vậy !

Đắc hốt hoảng. Kịp thu chiếc túi khoác lên vai. Bỏ lại đống tre nứa vừa chặt được, Đắc tức tốc chạy một mạch tìm về phía đường quốc lộ. Anh bắt xe phóng thẳng về quê.

*

- Trời. Bố mẹ ! Sao bố mẹ tôi lại chịu cảnh thế này ?

Đắc gào lên khi nhìn thấy bố mẹ mình bị giam giữ trong căn nhà giáp với gian bếp trụ sở Ủy ban xã.

- Ai đã bắt bố mẹ tôi. Bố mẹ tôi có tội gì chứ ?

Bố mẹ Đắc nhìn con, hai hàng nước mắt chợt ứa ra.

Đắc xông vào trụ sở Ủy ban, đối mặt, chất vấn các nhà đương chức của chính quyền. Xã đội trưởng chỉ thẳng mặt Đắc, quát lớn.

- Anh chống lại lệnh nghĩa vụ quân sự.

- Tôi không chống lại.

- Anh chống lại lệnh gọi khám tuyển.

- Tôi không chống - Đắc đốp chát từng câu một - Đắc hỏi - Ai đã ra lệnh gọi tôi. Và, gọi khi nào ?

Xã đội trưởng chìa tờ giấy có dấu đóng đỏ chói. Thì ra, “Lệnh gọi Đắc đi khám tuyển nghĩa vụ quân sự” vừa cách đó mươi ngày. Đắc đi làm vắng. Địa chỉ không có. Gia đình không biết tìm Đắc ở đâu.

Không kìm nổi cơn giận, Đắc xô bàn, chỉ mặt “người đối thoại” :

- Tại sao các anh lại bắt lính kiểu đó ? Nếu tôi trốn chạy, thì tội ở tôi. Hỏi, bố mẹ tôi có tội gì. Chế độ này không có kiểu quân phiệt, vô văn hóa như thế. Nhưng, các anh quên. Tôi đã từng làm đơn xung phong ra mặt trận kia sao ?

- Anh làm đơn khi nào ? Ai chứng kiến ?

- Ồ. Các anh đúng là kẻ quan liêu. Người từ trên trời vừa rơi xuống đây chắc ? - Không giữ được bình tĩnh, Đắc đập tay xuống bàn, hét lớn - Trong “Đêm hội thanh niên tình nguyện”, chính tôi đã xung phong, lên đọc trước lễ đài …

Ý chừng đuối lý. Đám quan chức địa phương dịu giọng. Họ lấy lời xoa dịu rồi mở cửa, mời bố mẹ Đắc về nhà.

“Thôi, cũng “quên” đi. Tha cho họ. Đắc nghĩ. Một thời, cán bộ phường xã là thế. Họ thất học. Văn hóa lớp hai, lớp ba. Họ nắm quyền hành nhưng không hiểu pháp luật. Họ luôn ra oai. Hành động kiểu duy lý, làm càn.

Để biểu hiện lòng sáng trong, yêu nước, sẵn sàng đứng vào chiến tuyến, một lòng hy sinh cho Tổ quốc trường tồn. Lần nữa, Đắc tự nguyện làm đơn nhập ngũ.

Trong đợt tuyển quân gần những ngày tiếp đó, Đắc đứng đầu danh sách. Anh khoác ba lô, từ biệt quê hương Lập Lễ lên đường.

Đinh Trọng Đắc trở thành người lính Hải Quân nhân dân Việt Nam trong niềm vui đón đợi.

Như duyên phận đời người. Sinh ra từ biển. Đắc gắn mình với biển. Rồi xa biển. Và, bây giờ anh lại trở về với biển.

Thời gian nằm trong khóa huấn luyện tân binh, được gặp lại người thủ trưởng cũ từng cộng lực với mình, Trung tá Hoàng Đình Kim tín nhiệm giao cho Đắc nhiều việc. Biết Đắc am tường sông nước, đơn vị giao cho anh phụ trách, dẫn một tiểu đội về Bang, một lán trại lâm nghiệp cách thị xã Hòn Gai hơn hai mươi ki-lô-mét. Nhiệm vụ của tiểu đội Đắc là cốn tre nứa, đóng thành từng bè để giao cho lực lượng vận tải đường sông.

Về Bang. Gặp người lính to khỏe, giỏ võ. Anh tên Được, một chiến sĩ dậy chó của tỉnh Quảng Ninh cũ. Anh Được hơn tuổi Đắc. Người lính lâu năm này thật tận tình chu đáo. Do trình độ học vấn thấp, anh Được về lán Bang trông coi sản phẩm khai thác lâm nghiệp phục vụ quân sự. Anh mến yêu rồi kết thân với Đắc. Nhiều đêm cốn bè xong, Được rủ Đắc vào rừng săn bắn. Không ít bữa, bộ đội làm khuya, mệt mỏi, được các anh chiêu đãi những bữa thú rừng. Những bữa chim rán, cầy hương, thật ngon đến khó quên.

Công việc giao hai tháng. Bằng kinh nghiệm biết người, hiểu việc với khả năng linh hoạt, sáng tạo, chỉ trong vòng tháng trời, cả tiểu đội Đắc đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Để động viên, khích lệ chiến sĩ, Đắc quyết định cho tiểu đội được nghỉ một tuần về phép thăm nhà.

“Quân lệnh như sơn.” Dào ơi. Lần ấy, vừa từ quê về tới đơn vị, Đắc đã bị thủ trưởng gọi lên, quạt cho mẻ tóe khói. Mặc dù, Đắc hoàn thành công việc chỉ mất nửa thời gian. Nhưng, mọi biện hộ cho công trạng của tiểu đội trong chuyến công cán không thể cứu vãn. Đắc sẽ bị kỷ luật. Một hành động vi phạm kỷ luật quân đội.”

Lại bắt đầu vấp ngã. Tài và tật luôn là vùng cuộn xoáy tạo cho Đắc những cú vượt lên sóng cả và những phen bị dìm xuống vực sâu. Đắc im lặng chờ đợi quyết định của thủ trưởng cấp trên.

*

Đắc bước nhanh tới cửa văn phòng, cất tiếng chào thủ trưởng. Đắc chợt nghĩ. “Nào. Đắc đây. Xem thủ trưởng “sửa gáy” Đắc những gì. Công tội đến đâu. Còn trẻ. Đắc là người có cá tính. Đắc tự thấy mình sôi nổi, sáng trong. Nhưng không thể tránh khỏi cái hồn nhiên, bồng bột.”

Người tiếp Đắc là chính trị viên Liêm (tức Tám Sẹo). Chính trị viên Liêm từng đi qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Trên người ông còn nguyên tám vết sẹo của những lần trúng đạn khi xung trận.

Những tưởng, nhìn thấy Đắc, Tám Sẹo sẽ quắc mắt, hai tai đỏ lên, bừng bừng nổi giận. Ai dè, với dáng vui, điềm tĩnh, người chính trị viên mời Đắc ngồi. Ông pha nước cho Đắc uống. Ông hỏi han quê kiểng, gia đình. Mãi lúc lâu, chính trị viên kéo ghế ngồi nhích lại gần Đắc, giọng nhỏ nhẹ.

- Nào. Chú ngựa non. Cậu cũng giống tớ, thuở trai tráng, phải không. Kẻ anh hùng, hăng hái, thậm chí liều. Dễ ngã đau đấy. Nhưng không nản. Ngã. Lại vùng lên, đứng dậy, làm lại nhá. Bây giờ nhận kỷ luật gì ?

Im lặng đôi phút. Không chờ Đắc trả lời, chính trị viên cười vui - Thôi, gắng phấn đấu tiếp. Chuyện vừa rồi, Thủ trưởng Hoàng Đình Kim đã cứu cậu. Ông lệnh xuống, xóa tội cho người lính đã lập nhiều chiến công mà ông từng chứng kiến, ngợi khen.

Đắc thở phào. Chính trị viên nắm bàn tay lên vai Đắc, giọng thân mật.

- Bây giờ có nhiệm vụ mới đây. Đơn vị chọn mặt gửi vàng, giao cho Đắc. Cậu có sẵn sàng nhận và hoàn thành, không ?

- Thưa. Thủ trưởng … Em sẵn sàng ạ !

Chính trị viên hạ giọng.

- Hiện nay, đơn vị nhận nhiệm vụ đặc biệt bí mật. Chúng ta phải lập khung từ 150 đến 180 chiến sĩ chuẩn bị đi Trung Quốc tiếp nhận trang thiết bị kỹ thuật. Quân số hiện cần, một bếp trưởng và 6 đồng chí nữa. Đắc sẽ phụ trách một A, di chuyển vào dân, khu vực Hà Đoạn để huấn luyện chớp loáng và chuẩn bị lên đường.

Giao nhiệm vụ một cách ngắn gọn, chính trị viên nắm tay Đắc tin tưởng. Ông tiễn Đắc ra tận phía ngõ, hai mắt cười rất vui.

Đắc bước đi trong trạng thái lâng lâng, khó tả. Vậy là, anh không bị kỷ luật. Vậy là, cùng lúc, Đắc có hai niềm vui ập đến. Ở quê, Thảo, vợ anh vừa sinh con gái đầu lòng. Anh lại được đơn vị tín nhiệm, giao nhiệm vụ rời quê hương đến với đất nước bạn.

II

Đắc viết thư về nhà cho Thảo, đặt tên cô con gái là Hoa. Đinh Thị Hoa. “Ừ. Hoa là kỷ niệm đời lính, lần đầu tiên Đắc được đến với đất nước Trung Hoa, xứ sở của nền triết học với những Khổng Tử, Mạnh Tử, Bách gia Chư Tử. Xứ sở của “tứ đại mỹ nhân.” Những người đẹp Tây Thi, Điêu Thuyền, Chiêu Quân, Dương Quý Phi. Những tiểu thuyết chương hồi nhà Thanh. Những nền thơ Đường, đồ sộ nhất thế giới.

Năm 1971, ở Trung Quốc, giữa lúc này, cuộc đại cách mạng văn hóa đang diễn ra hết sức phức tạp.

Đơn vị khung của Đắc được lập. Toàn bộ số lính mới quê ở Đồ Sơn, Cát Hải, Cát Bà, Thủy Nguyên và nội thành Hải Phòng. Hầu hết các chiến sĩ đều có trình độ học vấn. Thấp nhất là tốt nghiệp cấp Hai.

Mọi người được quán triệt rất kỹ nhiệm vụ của mình. Học xong bảy bài chính trị về quan điểm, đường lối đối nội, đối ngoại, Đơn vị Đắc được trang bị, giả làm đoàn đánh cá dân dụng. Quần áo đồng phục, kiểu Tôn trung Sơn.

Tại miền Bắc, sớm ngày 16 tháng 4 năm 1972, máy bay Mỹ ném bom phong tỏa nhiều mục tiêu quan trọng. Các trục đường giao thông bị bom đạn cày xới.

Đơn vị Đắc được lệnh lên đường. Phải hành quân thần tốc, vượt qua những trọng điểm máy bay địch oanh tạc. Không còn phương tiện nào khác, Đắc và những người lính phải chen nhau ngồi lên những chiếc xe chở hàng lạnh. Đường gập ghềnh xóc. Bụi bẩn, mùi cá nồng nặc bốc hơi.

Năm giờ chiều tới Hà Nội. Không kịp dừng để ăn bữa tối. Đắc và mọi người khẩn trương lên xe hỏa đi tới ga Bằng Tường. Đất nước Trung Quốc đây rồi. Việt Nam đang từ từ lùi lại phía xa. Phút rời Hữu Nghị quan, ai nấy ôm chặt lấy vai nhau, quay lại nhìn đất nước, quê hương lần cuối. Nhiều tiếng gọi thì thầm bỗng vang lên trong toa xe. “Tạm biệt nhé. Tạm biệt Việt Nam yêu dấu của chúng tôi. Tổ quốc, nơi đất mẹ đang ngày đêm oằn mình trong đạn bom, khói lửa. Người hãy kiên cường đứng vững. Chúng tôi nguyện một lòng, luôn đứng bên Người. Luôn hướng về quê hương anh dũng, quyết chiến đấu hy sinh đến hơi thở giọt máu cuối cùng…”

Tới Bằng Tường, đơn vị Đắc được nghỉ một ngày rồi tiếp tục hành trình tới Dương Giang, Nam Ninh. Trước khi đến Trạm Giang vào khách sạn chuẩn bị thủ tục cho việc học tập, Đắc cùng anh em được đi tham quan một vài danh lam thắng cảnh.

Sáu tháng liền sống trên đất bạn, với tinh thần nhanh chóng nắm vững các kỹ thuật. Nhanh chóng có đủ khả năng tiếp nhận toàn bộ trang thiết bị, để trở về đất nước cùng đồng đội hiệp đồng chiến đấu. Ý nghĩ này đã hóa thành mệnh lệnh luôn kêu gọi mỗi trái tim người lính.

Trên đất nước Việt Nam, ở miền Bắc lúc này, Mỹ lại đang leo thang đánh phá ác liệt. Mười hai ngày đêm, Mỹ liên tục dùng máy bay B52 dội bom xuống Hà Nội, Hải Phòng. Phố Khâm Thiên và nhiều mục tiêu quan trọng khác bị hủy diệt. Cả đơn vị, ai nấy đều lo lắng cho gia đình, quê hương, đất nước. Phải nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ, hành quân trở về, giữ lấy Tổ quốc quê nhà.

Và, một sớm. Từ giã Trung Hoa, người anh em láng giềng hữu nghị, Đắc và những người lính được cử đi trong “chuyến công cán” đã tiếp nhận 6 con tầu, trên đường về nước.

Dọc đường biển, tình hình không thuận lợi, những con tầu chỉ về được tới Cảng Bắc Hải. Chờ thời gian thuận lợi, tầu mới tiếp tục đi về Hải Phòng, bàn giao lại cho đơn vị khác tại cảng Hà Đoạn.

Hoàn thành việc nhận và bàn giao chuyến tầu đầu tiên, đơn vị Đắc lại được lệnh quay về Cảng Hậu Thủy, đảo Hải Nam Trung Quốc. Đây là cảng Hải quân nước bạn. Quân đội Việt Nam mượn tạm làm trạm chuyển tiếp vũ khí vào chiến trường Nam bộ. Tại đây, Đắc lại nhận tầu mới. Đoàn tầu được ngụy trang, giả dạng tầu đánh cá cho đoàn 125 ở Bắc Hải. Một tuần khẩn trương bàn giao các trang thiết bị kỹ thuật cho đơn vị mới. Mọi hoạt động đều được giữ tuyệt mật …

Tuyến hoạt động của Đắc luôn di chuyển linh hoạt. Lần này, sau ít ngày nghỉ, đợi lệnh. Đoàn của Đắc được hành trình trên con tầu từ cảng Hậu Thủy đi tới cảng Trạm Giang. Ngồi ngắm biển, nhìn con tầu lao nhanh trong 8 tiếng đồng hồ, với tốc độ mỗi giờ gần hai mươi hải lý. Chả mấy chốc, cảng Trạm Giang đã hiện ra trước mặt. Cả đoàn được chuyển lên xe buýt, tiếp tục chạy 16 giờ, bon thẳng tới Quảng Châu.

Gần hai năm trời, trong công việc lặng thầm, cấp tập của hai đầu “mặt trận,” Đắc và đơn vị đã đưa những chuyến tầu gửi về “chiến tuyến” những trang thiết bị kỹ thuật quân sự đang từng giờ dồn lên tiếng gọi. Tuổi đời và tuổi lính của Đắc được tính bằng những chuyến tầu đi về trên con đường - mặt biển. Những chuyến đi luôn mới ở những tình huống khác nhau. Thời gian trôi đi ngỡ như không phút dừng. Đắc và anh em đồng đội không nhận được dòng tin nhà. Không hiểu vợ con xóm làng, bạn bè… Chiến tranh liên miên, không biết ai còn ai mất.

Gần hai năm trời, lần này, đơn vị Đắc được lệnh rời Quảng Châu về cảng Tú Oanh. Sẽ trở về Việt Nam, đất nước quê nhà. Theo hướng con tầu đang băng băng lướt sóng. “Pha” đụng độ đầu tiên, khi lấy thêm thực phẩm giao cho hoa tiêu. Mật báo phát hiện, đã “chạm trán” vị Phó Tham mưu trưởng Hạm đội Nam Hải. Nhưng, may quá. Mọi việc yên bình.

Sự cố nối tiếp. Một cơn giông bất thần ập đến. Bầu trời đen kịt, đảo điên. Sóng chồm lên dữ dội. Những vòng xoáy như những tảng núi khổng lồ đổ xuống, nuốt chửng con tầu. Mọi người bị xô đẩy nghiêng ngả. Nhiều tiếng kêu. Nhiều chiến sĩ bị nôn thốc, nôn tháo. Có tiếng thét. “Tất cả đã bị bị say sóng. Sáu tầu đã mất liên lạc.” Tất cả cán bộ chỉ huy đều ở tầu này.”

Tình huống hiểm nguy. Là kỳ hạm, nhưng Đắc vội nhảy lên ca lái. Đồng chí lái tầu đã rũ xuống mệt lả, mê man. Nhìn ánh mắt,, Đắc biết, anh đang cần đồng đội cứu nguy. Đắc gật đầu ra hiệu. Tay bám lấy vô lăng. Mình Đắc đánh vật với cơn giông, mây mù và biển sóng. Đắc vừa nôn ọe vừa bám chặt tay lái. Có tới 30 phút lựa chiều chống trả với bão giông mịt mù trời biển, Đắc đưa được con tầu thoát khỏi vùng chết. Khi mọi người hoàn hồn gặp lại phút trời quang, mây lặng. Ai nấy nhìn nhau, lạ lẫm. “Sao ? Sao, vậy nhỉ. Chúng mình vẫn còn sống cả ư ? Tất cả đồng đội trên tầu đứng dậy, nhất loạt tung hô. “Thủy thủ trưởng” giỏi quá. Đủ sức chống chọi kia à ? Thần kỳ đấy. Hoan hô. Hoan hô. Đồng chí …

“Ồ”. Không đâu. Đắc đã cứu tôi. Đồng chí Đắc là người cuối cùng cứu sống con tầu - Người thủy thủy trưởng khẳng định - Hoan hô Đắc. Hoan hô Đắc. Cám ơn trời biển. Cứ ngỡ, hôm nay, tất cả chúng ta đã vĩnh viễn gửi mình vào đáy biển này rồi.”

*

Tầu tới cảng Tú Oanh. Đoàn của Đắc di chuyển về Bắc Hải. Vừa gặp tai họa giông bão, bây giờ, trong buổi thao tác diễn tập tháo lắp súng, một sự cố nguy hiểm lại xảy ra. Chốt ngang, giữ nòng súng 12,7 ly bị rơi xuống Cảng Bắc Hà. Biển có độ sâu khoảng 12 sải. Làm thế nào có thể lặn xuống ? Có cách nào lấy được chốt súng lên tầu ? Trong lúc mọi người lo sợ, tập trung bàn cách giải quyết, Đắc nẩy ra ý nghĩ. “Kiếm cục nam châm lớn, rà sát, sẽ dính.”

- Đúng đấy.

- Một phương kế hay.

- Nhưng, kiếm đâu ra cục nam châm bây giờ ?

- Tìm !

- Phải tìm bằng được cục nam châm cỡ lớn.

- Đúng. Mọi người hãy nhanh chóng vào việc !

Một quyết định gọn lỏn. Những người lính lập tức bủa đi các tầu đánh cá hỏi mượn. May quá, tìm được cục nam châm lớn, mọi người buộc dây, kiên nhẫn rà đi rà lại dưới lòng biển. Mất gần một ngày, ngỡ vô vọng. Trong lúc nhiều tiếng thở dài, bế tắc. Bỗng có tiếng ai đó reo lên :

- Dính rồi. Thắng lợi rồi, anh em ơi.

- Ôi. Vui quá. Vui quá.

- Chúc mừng Đắc !

- Chúc mừng sáng kiến của Đắc.

- Xin chúc mừng.

- Chúc mừng …

Thế là, mọi việc yên bình.

Đường hành quân trên biển lại bắt đầu bằng những ngày rong ruổi. Tầu của Đắc sẽ về cảng Trơn Tru, đối diện với đầu tán đảo Vĩnh Thực, chờ lệnh về Trà Cổ, Móng Cái.

Trên mặt biển, chiến sự vẫn từng ngày khốc liệt. Máy bay Mỹ vẫn rà soát, bắn phá. Bom thủy lôi thả dầy đặc, bao vây khắp các cửa. Bây giờ, nhiệm vụ của đơn vị Đắc là quan sát tầu Mỹ hoạt động ở vùng biển phía Nam Vịnh Bắc Bộ và tuyến từ Philipine theo hướng Nam tới.

Hàng ngày, thường xuyên chạm trán với tầu địch. Nhưng đoàn tầu của Đắc đã hóa trang, kéo cờ Trung Quốc. Bất chấp sóng to gió lớn, có lúc gió cấp 6, cấp 7, những người lính vẫn đóng vai dân chài giả vờ đánh cá để theo dõi tình hình quân địch. Mọi sinh hoạt, học tập, hay hằng ngày báo cáo tình hình hoạt động của địch về Ban Chỉ huy, Đắc đều được lệnh đưa con tầu vào vị trí an toàn. Liên lạc thông tin điện tín, tất cả mật mã đều giữ được tuyệt mật.

Hai con tầu của đơn vị Đắc đã vượt qua mắt địch trở về nơi tập kết an toàn. Vừa lúc đó, Đắc nghe tin sét đánh. Nhiều tiếng khóc ai đó bỗng òa lên.

- Các đồng chí ơi. Tầu của Tống Nhạ bị trúng thương rồi. Nặng lắm.

- Thông báo. 10 người đã tử trận.

- Hơn hai chục người đều bị thương.

- Nhưng. Trời ơi. Thuyền trưởng ngu xuẩn quá.

- Sao vậy ?

- Còn sao nữa. Gặp tầu địch. Tống Nhạ vội tắt đèn.

- Thế là chết. Nó nghi. “Nã” cho “mẻ” không còn mảnh giáp.

- Nhưng may quá. Khoang đầu máy, rốckét không nổ. Tầu vẫn chạy thoát về cảng Hậu Thủy, đảo Hải Nam Trung Quốc.

Được Bộ tư lệnh Hải Quân cứu trợ, tầu của đơn vị Đắc đưa toàn bộ 10 đồng đội hy sinh về Trà cổ chôn cất. Số bị thương nặng, máy bay chở về bệnh viện Quảng Châu. Số bị thương nhẹ điều trị tại đảo Hải Nam. Trên chuyến tầu của thuyền trưởng Tống Nhạ chỉ còn lại 3 chiến sĩ lành lặn.

Trong không khí buồn thương, mất mát, đơn vị Đắc cùng với Bộ tư lệnh Hải Quân trang nghiêm làm lễ truy điệu, vĩnh biệt những người con đã anh dũng hy sinh.

Đêm ấy, những người dân Trà cổ, một vùng làng ven biển, sát biên giới Việt - Trung, đã lũ lượt kéo đến, cùng mặc niệm, chôn cất những người lính. Nhìn những chiến sĩ trẻ măng, tuổi đời tràn ngập ước mơ, khát vọng. Những người cha, người mẹ. Những đồng chí, đồng bào cùng chung dòng máu Việt đều cảm động. Nước mắt lưng tròng.

Nhìn mười ngôi mộ của những người đồng đội từng đứng chung chiến lũy, yên nghỉ với đất này. Với Đắc và bao nhiêu anh em, đồng chí khác, hai năm trời lênh đênh trên biển, biết bao nhiêu kỷ niệm như còn tươi nguyên trước mặt. Vậy mà, trong tích tắc, mỗi người đã một cõi chia lìa.

Gần như, đêm ấy, Đắc không sao ngủ được. Từ buổi bước vào đời, cả nước có chiến tranh. Cuộc sống với anh, không một ngày đơn giản. Bao nhiêu đồng đội của Đắc đã đổ máu nơi Hang Ma, Ba Mom, Đầu Mối. Rồi sáu cô gái trên đài quan sát ngày nào. Rồi, xác người chiến sĩ Hải Quân buổi ấy. Rồi, mười mái đầu xanh hôm nay đều ngấp nghé tuổi đời như Đắc…Các anh đã vĩnh viễn yên giấc ngàn thu, không bao giờ trở về đất làng, quê mẹ nữa. Những bà mẹ đã mất con. Những người vợ mất chồng. Những người yêu đã “hóa đá” trong nỗi niềm yêu thương, chờ đợi. Đắc còn sống. Sao hòn tên mũi đạn lại kiêng cho Đắc chứ. Đắc chợt nhớ nhà. Nhớ dáng mẹ đã bắt đầu còng xuống. Nhớ vóc cha gầy đi trong nét gánh chịu, trầm tư. Đắc nhớ Thảo, người vợ trẻ xinh đẹp. Nhớ Hoa, cô con gái chưa hề biết mặt đã vào tuổi lên hai.. Ở nhà, chắc mọi người nghĩ Đắc đã hy sinh ? Hay Đắc vội vã, lặng thầm trong những chuyến đi B nào đó, không kịp lời dặn lại.

Đắc đã về tới Quảng Ninh, cả đơn vị tiếp tục nhận lệnh về cảng Hà Đoạn bốc thuốc nổ TNT. Phá bom mìn Cửa Giứa và cửa sông Nam Triệu.

Chưa được phép thăm nhà, mọi người lại được lệnh chuẩn bị cho chuyến công tác đặc biệt. Lần này, chuyến đi có một số cán bộ, chiến sĩ Cục 2 và Bộ tư lệnh Hải Quân. Có cả cán bộ quân báo và báo vụ tổng hợp. Nhiệm vụ thật quan trọng. Phải lấy được tin tức hoạt động của Mỹ. Nắm được những diễn biến trong tương lai để giúp ban chỉ huy tác chiến có kế sách, có chiến lược, chiến thuật hoạt động đối phó.

Lần này, Đắc đi cùng chuyến tầu Trịnh Xuân Bảng, một anh hùng lực lượng vũ trang. Rồi, anh Triều, Cục 2, người thông thạo bảy thứ tiếng. Đặc biệt, thuyền trưởng Võ Thanh Kim, người được lệnh phải tự thiêu hủy con tầu khi bị lộ. Anh vừa cuốc bộ, vừa chạy theo tuyến đường mòn từ Rạch Giá về tới tận thủ đô Hà Nội. Võ Thanh cũng có mặt cùng anh em trên chuyến tầu cùng vào trận hôm nay.

Với ba mươi hai cán bộ, chiến sĩ. Trên tầu luôn cắm cờ Trung Quốc. Tầu được trang thiết bị gồm vô tuyến viễn thông, ra đa và nhiều thiết bị thu phát tín. Mỗi người một khẩu B41, AK, DKZ82, 12,7, 14,5, lựu đạn và bộ phận tự hủy khi cần.

Đã hai tuần trên biển. Đoàn công tác của Đắc thường xuyên giáp mặt tầu địch. Mọi người luôn đóng vai thả giã, kéo chài.

Một chiều. Mặt trời đang từ từ chìm hết nửa mình trên ngọn sóng trước mặt. Đắc đang cầm lái. Bỗng tiếng người chỉ huy hét to. “Chú ý. Tầu địch xuất hiện. Bốn Khu Trục phía Tây. Chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu”…

Giây phút căng thẳng. Đắc ghìm chặt tay lái. Anh cảm thấy chân tóc dựng đứng. Đắc nhìn rõ khu trục địch đang vội vàng cởi bạt pháo. Liền đó, tiếng hô của người chỉ huy lại mạnh mẽ vang lên.

- Hãy xông thẳng vào đội hình địch !

- Ôi. Đối đầu. Một chọi một à ? – Đắc chợt nghĩ. “Chả lẽ, lại một lần ngu xuẩn như tầu Tống Nhạ sao?

Nhưng, một lát, đột nhiên, người chỉ huy đổi giọng :

- Năm độ trái! Bình tĩnh… Vượt !

Đắc vẫn ghìm chặt vô lăng trước ngực. “Thì ra, hiệu lệnh với cách đối phó linh hoạt, biểu hiện kinh nghiệm, cách xử lý của người chỉ huy từng kinh qua chiến trường, trận mạc. Đắc ngỡ mình đã “lĩnh lấy” một trăm phần trăm cái chết. Ai dè, phút “ngàn cân treo sợi tóc” đi qua. Tầu của Đắc đã rẽ sang hướng khác, cách tầu địch khoảng 800 mét. Người chỉ huy bước lại gần Đắc. Anh nói. Mắt vẫn nhìn về phía tầu địch.

- Có thể bình an. Tiếp tục … Tiến …

- Rõ !

Đắc nhận lệnh trong tư thế luôn cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu. Trên vùng hải phận, gần khu biển Đà Nẵng, tầu của Đắc còn tránh được vài ba lần đụng độ khá nguy hiểm nữa xảy ra.

Lần anh dũng, mưu lược, đưa tầu thoát khỏi cửa tử, vào những ngày Hội nghị Pari vừa ký kết, Mỹ ngừng ném bom trên toàn vẹn lãnh thổ miền Bắc Việt Nam, chi bộ Đảng có ý định kết nạp Đảng tại chỗ cho Đắc. Nhưng, Đắc không nhận.

Bí thư chi bộ hỏi. “Tại sao ?” Đắc trả lời. “Tôi chưa muốn.”

Lại hỏi. “Anh không yêu Đảng. Yêu đất nước này à ?”

Trả lời. “Tôi đã anh dũng chiến đấu hy sinh tất cả tuổi trẻ của mình cho lý tưởng của Đảng bằng tình yêu quê hương, đất nước.”

Lại hỏi. “Vậy tại sao, anh không tình nguyện đứng trong đội ngũ những người đang gánh vác sứ mệnh vẻ vang này ?”

Đắc trả lời. “Xin cho tôi được nghĩ.”

Đắc nói vậy. Nhưng dường như, hai tiếng “đảng viên” chưa bao giờ làm anh day trở nơi con tim, khối óc. Ngoài ba mươi tuổi, đang là Phó Bí thư Chi đoàn hay chỉ là một đoàn viên thanh niên, với Đắc, thế là đủ. Bởi, ở vị trí nào, Đắc cũng luôn sẵn sàng chiến đấu cho sự nghiệp cao cả của non sông, đất nước. Đắc chỉ muốn làm một người bình thường trong niềm yêu, niềm khát khao bình dị.

Đắc biết. Với tính cách cương trực, thẳng. Luôn đấu tranh bảo vệ chân lý đến cùng. Bao sự việc còn “nhỡn tiền” kia. Vào những năm 1965, 1966, 1967, khi những ngày đang sống, công tác và chiến đấu ở Công ty Bảo Đảm Hằng Hải … Những giá trị đích thực bị xuyên tạc. Những đen trắng lẫn nhòa. Những chân lý vẫn bị dập vùi. Nhiều người an phận, lảng tránh. Không ai bênh vực ai. Thôi. Mình hãy làm một quần chúng tốt. Một “thảo dân” trong gương mặt đời thường … Đắc nghĩ thế và đã quyết với mình như vậy, thế thôi ! Đắc cảm ơn sự quan tâm của Bí thư chi bộ và kiên quyết chối từ.

*

Bây giờ, Đắc đã trở thành một sĩ quan quân đội. Một viên Chuẩn úy vừa tròn ba mươi tuổi.

Đắc được trung đoàn giao nhiệm vụ huấn luyện khóa tân binh. Tiếp nhận đợt lính mới này đều là sinh viên trường Đại học Thủy Sản. Đây là lớp sĩ quan tương lai. Họ sẽ tập huấn, ra trường và trở thành nền tảng cho đơn vị xây dựng kinh tế khi đất nước thắng giặc.

Với “cẩm nang” nghề biển, Đắc chịu trách nhiệm “cua” giảng và thực hành thiết kế một cái chã cùng một số trang thiết bị cho những công việc đánh cá trên biển. Phó Tiến sĩ Nguyễn Văn Châm từng bảy năm du học và thực tập ở nhiều nước trên thế giới về chuyên ngành thủy sản. Anh Châm và Đắc cùng làm việc, hợp tác chặt chẽ trong các môn huấn luyện.

*

Tổng kết khóa tập huấn lớp tân binh, Đắc được lệnh lên đường khảo sát vệt vùng biển Vịnh Bắc Bộ. Từ Móng Cái tới Cửa Việt. Chuyến đi này có Tướng Đinh Đức Thiện và hai đồng chí cận vệ. Cơ quan chỉ huy được đặt trên khoang tầu của Đắc. Năm 1974, Đinh Đức Thiện mang quân hàm Trung tướng. Năm 1986, ông được phong Thượng tướng. Tướng Thiện lúc này đang ở tuổi năm mươi. Nom ông thật cởi mở, gần gụi. Những câu chuyện của ông dễ tạo nên sự ấm áp, hòa đồng, có sức quyến rũ, làm người nghe sẵn sàng tháo cởi ruột gan mà tâm tình, bộc bạch.

Với Đắc, tướng Thiện hình như nhanh chóng dành cho anh một cảm tình riêng. Ông mến chàng Chuẩn úy trẻ đẹp, lại thông minh, dũng cảm. Ông thường gọi Đắc ngồi đối diện và đặt ra những tình huống phức tạp, yêu cầu Đắc xử lý. Đấy là lý thuyết. Trên thực tế, giữa biển sóng, đã trải qua hàng chục ngày hành trình, khảo sát. Nhiều “pha” ứng phó, khi gặp tầu địch, khi sóng to, gió cả, khi giả dụ bị thiếu trống những vị trí chiến đấu…Những linh hoạt trong mưu lược của Đắc đã vượt qua thử thách giành về chiến thắng làm vị tướng cảm phục, hài lòng. Nhiều lần, tướng Thiện đã nắm chặt lấy tay Đắc lắc mạnh. “Khá. Đắc khá lắm. Xứng đáng là một sĩ quan anh hùng của quân đội Việt Nam anh hùng, chúng ta .”

Được vị tướng động viên, Đắc thấy vui. Riêng Đắc. Những chuyện trên biển với cuộc đời người lính suốt những năm chiến tranh, thật bình thường, bởi Đắc từng nếm trải. Có điều, gần tướng Thiện, Đắc thấy vị tướng này thật giản dị. Vậy mà, trước khi xuống tầu khảo sát. Đắc nghe nhiều người dọa nạt. “Coi chừng nhé. Tướng Thiện nổi tiếng “hét ra lửa.” Ông là “lôi đình. Là những cơn sấm sét đấy”. Ông “diệt” lính như rạ, chả bỡn. Khi đi chiến trường, nghe nói, ông xin Trung ương hai túi đựng quân hàm. Một túi để lột lon, kỷ luật, phạt. Một túi đựng quân hàm, phong tặng lính tại chỗ.”

Một lần, tướng Thiện tự mở vòi Rôminê, lấy nước uống. Hai cận vệ can. Tướng Thiện cười. “Anh em thủy thủ ở đây đều uống và khỏe mạnh cả. Không sao.”

Đồng chí cận vệ thưa. “Dạ. Nhất định thủ trưởng không được dùng ạ!” Cuối cùng, tướng Thiện cười khề. Vui vẻ, chấp hành mệnh lệnh. Chuẩn úy Đắc đứng bên cạnh nhìn tướng Thiện bình phẩm. “Hay. Một vị tướng. Một mệnh lệnh của một cận vệ. Một…Kỷ luật. Một sự nghiêm minh mà.”

*

Chuyến khảo sát của Đắc vẫn kéo dài. Thời tiết vô cùng phức tạp. Đợt gió mùa Đông Bắc tràn về thật nhanh và dữ. Đơn vị của Đắc đang thả chã đánh thử. Không ngờ, chỉ hai tiếng đồng hồ, đàn cá nục lọt vào chã quá nhiều. Lưới nặng, không cẩu nổi. Cần cẩu chỉ kéo được ba tấn. Cá lọt chã khoảng 6 đến 7 tấn. Cần cẩu kéo mãi không được. Các mối cáp cứ theo nhau đứt. Cả đơn vị lại đang bị say sóng.

Nhiều người hỏi. “Làm thế nào bây giờ. Chuẩn úy Đắc đâu ? Tìm gặp Đắc xem nào. Đúng. Chỉ có “chuyên gia Đắc” mới tìm được cách tháo gỡ này chăng !”

Không phải ca trực, Đắc đang nằm nghỉ. Nghe Chính trị viên Trịnh Xuân Bảng gọi giật giọng, kêu cứu. Đắc nhìn ra ngoài trời ngần ngại.

- Tình trạng này khó khăn lắm. Với lại, đây là chuyến khảo sát chứ có phải nhiệm vụ chính là đánh cá đâu?

- Vậy mới cần đến “chuyên gia” chứ. Khẩn cấp. Ban chỉ huy yêu cầu đồng chí Đắc ra tay.

Vẻ do dự, nhưng Đắc vẫn lao ra phía biển. Nhìn những ngọn sóng đang chồm lên, cuồn cuộn lao tới. Nhìn trên tầu chỉ còn lại hai người chưa bị sóng quật ngã, Đắc phải chống lại từng cơn gió như nhấc bổng người bay đi. Đắc chầu lại các mối cáp để cẩu lấy chã. Cá nục nặng. Đuôi chã chìm nghỉm. Đắc phải leo lên tận cần cẩu cao chông chênh để xỏ từng sợi dây. Gió to, sóng lớn liên tục muốn hất Đắc bật ra. Chỉ cần sơ sẩy để tay bật khỏi cẩu sẽ dễ dàng chìm xuống biển cả. Đắc lấy dây an toàn khóa mình vào cẩu, nhích lên từng bước. Lợi dụng sức lắc ngang của sóng, Đắc cho tời kiên nhẫn kéo.

Có tới, gần một tiếng đồng hồ cùng “sống chết” với biển, con tầu đã kéo xong mẻ cá. Qua cơn nguy hiểm. Tầu chạy về sông Gianh trú gió. Cả đơn vị vui mừng trước chiến công giành được.

Kết thúc chuyến công tác, về tới Bộ Tư lệnh, tướng Đinh Đức Thiện đề nghị chi bộ đơn vị kết nạp Đắc vào Đảng tại chỗ. Lần này nữa, Đắc lại một mực chối từ.

Ban chính trị gọi Đắc lên chất vấn. Đắc vẫn khư khư nói rằng, “Đắc xin làm một quần chúng ngoài Đảng. Đắc sẽ giành thời gian tu dưỡng và phấn đấu nhiều nữa.”

“Không được. Đắc nói vậy sao ổn.” - Đơn vị khép tội - “Đắc không vào Đảng, nghĩa là chống lại Đảng. Sẽ kỷ luật người sĩ quan vô ý thức, vô kỷ luật này.”

“Kỷ luật Đắc ư ? Vô lý. Đắc từng nghĩ rất nhiều. Trong đơn vị, nhiều người lính là quần chúng, ở họ có bao nhiêu hình ảnh thật cao cả, anh hùng. Họ có đầy phẩm chất tốt đẹp xứng đáng làm nên những tấm gương mà thật hiếm những đảng viên có được. Buồn hơn nữa, không ít những đảng viên mà Đắc từng gặp, từng sống trong đời, họ thua kém, thậm chí xấu trong đạo đức và cả hành động thường ngày. Đắc chưa hết mặc cảm về lần đầu tiên anh phấn đấu vào Đảng. Đắc tự nhủ, không bao giờ lặp lại vết trượt ấy nữa. Phần khác, Đắc hiểu mình. Anh thật lòng. Người trực tính. Không xu nịnh, ôm chân. Nhớ lần, đơn vị họp chống tham ô lãng phí. Đắc đứng bật dậy, nói thẳng. “Hãy phổ biến, quán triệt nghị quyết này tới các cán bộ, chỉ huy. Những người có quyền, có chức. Những người nắm tay hòm, chìa khóa ấy. Hỏi. Anh em lính trơn, họ có gì ? Họ tham ô ở đâu ?”

Không ít người trong Ban chỉ huy chờn, ghét Đắc. Nhưng đấy là sự thực. Đắc không giữ được mồm được miệng trước những gì trướng tai, gai mắt. Đắc đã đọc và hiểu kỹ điều lệ của Đảng. Hiểu đường lối cách mạng và chủ nghĩa Mác Lê Nin. Đắc biện luận đủ kiểu để giữ vững lập trường, quan điểm của mình. Nhưng, với một quân nhân trong đơn vị, không thể như vậy được. Sự không tuân thủ của Đắc là hành vi vô kỷ luật. Người lính phải nằm trong sự nghiêm minh của khuôn phép quân đội. Đắc phải nhận kỷ luật. Nhưng, Đắc bám chặt cái lý. “Điều lệ Đảng ghi rõ. Mỗi quần chúng phải tự nguyện, tự xét mình kia mà. Họ có đủ tư cách không ? Có tự nguyện làm đơn xin gia nhập Đảng không ? Không ai ép buộc. Không ai cho phép ai rủ nhau, kéo bè kéo cánh, làm băng hoại và mất đi sức mạnh của Đảng. Đắc vào Đảng. Lỡ không giữ được mình, lại bị khai trừ khỏi đảng. Cơ đận ấy, ngẫm còn ra sao nữa ? …”

Nhận xét về Đắc, ở đơn vị, khá nhiều ý kiến khác nhau. Có người cột chặt Đắc vào tội vô tổ chức, vô kỷ luật. Họ đề nghị, phải xử lý thật nặng hành vi bất nghiêm trong cơ quan quân sự.

Có ý kiến lại khen. “Nhân vật Đắc lạ, hay đấy. Đắc sống tốt. Anh luôn anh dũng đi đầu. Không bao giờ né tránh, ngại gian khổ hy sinh. Người đã lập khá nhiều chiến công trong đơn vị. Vậy mà, Đắc không cần đến sự tuyên dương hay lựa chọn, cất nhắc nào. Đắc không vào Đảng. Cũng có nghĩa, Đắc không ham hố, không hám quyền lực. Bởi, đây là cơ hội thăng quan tiến chức, bổng lộc sẽ mang đến cận kề. Nhưng, Đắc chỉ xin làm một quần chúng. Chỉ làm một người lính tốt. Vậy, Đắc là người tốt. Suy nghĩ và việc làm của Đắc cũng đáng hoan nghênh, đó chứ !”

*

Không vào Đảng. Thế là, Đắc đã tự gạt mình ra ngoài lề, tự đẩy mình rơi xuống nấc thang cuối cùng khi anh đã leo lên gần chóp cao đỉnh tháp. Đắc bị Ban lãnh đạo bỏ rơi, thậm chí ghẻ lạnh trong nhìn nhận, cư xử. Đắc vui vẻ, coi mọi sự bình thường. Bởi, con đường Đắc chọn là hãy sống hết mình. Làm việc hết mình với anh em đồng đội.

Lại bám lấy con tầu, Chuẩn úy Đinh Trọng Đắc lại náo nức lên đường theo những chuyến đi mới. Cứ nửa tháng hoặc hai mươi ngày bồng bềnh trên biển, khi con tầu nặng đằm khoảng 40 - 50 tấn cá, Đắc lại cập về cảng Hà Đoạn bốc dỡ. Trung úy Nghiêm Xuân Phái, một sỹ quan học ở Nga, phụ trách thuyền trưởng. Chuẩn úy Đắc phụ trách “thủy thủ trưởng” con tầu.

Đắc thông thạo, xử lý giỏi các việc trên biển. Trung úy Phái, người Hà Nam, yếu kém nghiệp vụ, lại nguyên tắc, hay lên mặt cậy quyền. Phái có ý hiềm khích với người dưới cấp. Phái bị anh em trong đơn vị diễu cợt, không ủng hộ. Nhiều cuộc xử lý do Phái chỉ huy bị thất thố, hỏng việc. Phái tự ái, đố kỵ, muốn đẩy Đắc lên bờ. Nhưng, là “thủy thủ trưởng” có nghiệp vụ ngư lưới, kinh qua nhiều thử thách, lại được Trung đoàn trưởng đỡ đầu, Đắc và Phái sống trong cảnh giữ miếng, đối phó.

Mùa xuân năm 1975, tầu của Đắc hành trình trong tin vui chiến sự. “Quân và dân miền Nam đang thừa thắng xông lên”. Thành phố Nha Trang đã giải phóng. Tầu của Đắc được lệnh đánh cá sâu vào phía Nam. Trung úy Viện về tầu thay Phái làm thuyền trưởng cùng Đắc chỉ huy đơn vị.

Ngày 30 tháng Tư năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng. Lá cờ chiến thắng của Giải phóng quân Việt Nam đã kiêu hãnh tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Không sao tả nổi cảm xúc mừng vui đến trào dâng nước mắt của anh em đồng đội. Trên khắp bến cảng Sài Gòn, Đà Nẵng…Lính Mỹ. Rồi ngụy quân, ngụy quyền dẫm đạp lên nhau trong cuộc trốn chạy. Cả nước, trên khắp ngả đường, già trẻ gái trai ùa ra nắm tay nhau múa ca, hát mừng chiến thắng.

Trên các khoang tầu, Đắc và anh em thi nhau gào lên khản giọng. Những giọt nước mắt của ngày vui cả đất nước toàn thắng, buổi sum họp đoàn viên, rơi lã chã trên gương mặt những người lính trẻ.

Giữa ngày này, Nghiêm Xuân Phái được phong quân hàm Thượng úy. Phái lên bờ nhậm chức tiểu đoàn trưởng. Vốn hiềm kỵ, không quên chuyện cũ với Đắc. Phái khéo léo vận động, “Đắc thuộc nghề biển, giỏi làm kinh tế, tiểu đoàn điều Đắc về cụm bảo quản hang Ốc, thuộc huyện biển Thủy Nguyên.”

Phái muốn dìm, hại Đắc. Nhưng, trong lặng thầm, Đắc vui quá. Đắc sẵn sàng “Ô-kê”. Bởi, suốt từ buổi khoác ba lô lên đường vào trận, mấy năm trời, giờ đây Đắc mới có dịp trở về đất quê hương. Anh nhất định sẽ có cuộc thăm viếng quê nhà. Làng xóm, bố mẹ, vợ con anh sẽ vui mừng reo lên. “A. Thằng Đắc còn sống. Đất nước đã thắng giặc. Thằng Đắc đã về nhà.”

Đắc thầm cảm ơn Phái. Đắc không muốn gì hơn. Hết giặc. Bắc Nam thống nhất rồi. Đắc đã về với quê hương sau hàng chục năm trời thử lửa. Bao đạn bom, trận mạc, ông trời vẫn cho Đắc nguyên vẹn trở về. Này mẹ. Này cha. Này vợ. Này con…Thế là hạnh phúc. Là quân nhân chuyên nghiệp, lúc này Đắc chỉ muốn được chuyển ngành về tầu Vosco, Công ty Viễn dương để chăm lo đời sống kinh tế sau này. Cuộc đời binh nghiệp, với Đắc, cũng đủ góp vào phần máu xương, sức lực của mình cho sự nghiệp vẻ vang của núi sông, dân tộc.

Ở quê nhà ít bữa, đang nghĩ cho những gì mà cuộc đời có thể được an phận thủ thường. Bỗng, Bộ Tư lệnh vùng Một duyên hải, đóng tại Tân Dương, Thủy Nguyên lại có lệnh gọi Đắc.

Vận bộ thường phục, Đắc tìm vào Bộ Tư lệnh. Tới cổng ra vào, người cảnh vệ phiên trực cản lại, giọng cáu gắt :

- Anh là ai ? Không được phép qua cửa.

- Tôi có lệnh gọi.

- Không được - Người cảnh vệ nói trệu trọ, giọng Nghệ Tĩnh. “Anh ta” lướt nhìn qua tờ giấy rồi dúi lại vào tay, đẩy Đắc quay ra phía cổng.

Đắc hỏi :

- Tại sao ?

- Anh vi phạm điều lệnh quân nhân.

- Cụ thể ? Tôi vi phạm gì - Đắc vặn lại.

- Anh phải mặc quân phục !

- Nhưng, tôi là quân nhân chuyên nghiệp.

- Không được !

“Bộp” ! Không giữ được bình tĩnh, Đắc túm áo đánh người lính cảnh vệ. Thấy chuyện ồn ào, ẩu đả, trực ban đơn vị lập tức can thiệp. Biết được Đinh Trọng Đắc, người nổi tiếng có nhiều chiến công và cá tính riêng biệt, Tư lệnh Phó là một trung tá bộ binh từ chiến trường mới về chạy ra dàn hòa :

- Đồng chí Đắc hả. Mời đồng chí vào. Ồ. Cả hai đều nóng phải không ? Nhưng, nguyên tắc. Mà, quân nhân chuyên nghiệp hả ? Thôi. Thông cảm với nhau đi.

Trung tá, Tư Lệnh Phó dắt tay Đắc vào phòng làm việc. Ông dàn hòa. Sau giây phút trò chuyện, ông dễ dàng nhận ra Đắc, một con người mẫn tiệp, đáng tin cậy. Ông tự reo lên, tán thưởng. “ Ồ. Đúng là, quân lực có “con mắt xanh,” đấy. Chọn đúng người, đúng việc. Nhiệm vụ mới này, Đắc sẽ làm tốt. Mình rất tin mà.”

- Công việc thế này nhá - Tư Lệnh Phó ngồi nhích lại gần Đắc, giọng thân mật - Bây giờ, Đắc đã có quyết định mang quân hàm Thiếu úy. Ngô Duy Bân cùng Đắc sẽ phụ trách một đại đội xăm đáy. Bộ đội chúng ta làm kinh tế mà. Nhưng, lĩnh vực này, “đại đội trưởng” Bân coi như một lính mới vừa bước vào lớp “vỡ lòng.” “Đại phó” Đắc, gắng đoàn kết, trợ giúp đắc lực nhé. Một khó khăn hơn nữa là thế này - Tư Lệnh Phó nói thêm - Hiện nay, nhiệm vụ của Đắc sẽ rất nặng. Lý do, đây là một đại đội đặc biệt. Hầu hết quân nhân ở “xê” (C) này đều từng bị kỷ luật. Những thành phần tiêu cực, chậm tiến. Những chiến sỹ con ông cháu cha, ngang bướng, thiếu ý thức tổ chức kỷ luật. Những chiến sỹ đã từng trốn đảo Bạch Long Vĩ chỉ bằng chiếc xuồng nụ, chèo tay. Có đồng chí người Hà Tĩnh, gọi Tư Lệnh trưởng vùng 2 là bác ruột. Anh này đã bỏ đơn vị một năm, nay gửi ra, tạo cơ hội lao động, cải tạo. Số đông là như vậy đấy. Sao ? Người chỉ huy tài phải lãnh lấy thử thách lớn chứ. Vậy nhỉ. Đồng chí Đắc, nghĩ sao ?

Thoáng chút băn khoăn. Đắc mạnh dạn, tự tin :

- Là “Xê” phó. Nhưng, được thủ trưởng tin, giao. Tôi xin hứa, sẽ hoàn thành thật tốt nhiệm vụ.

Tư lệnh phó hết sức vui mừng. Ông nắm chặt bàn tay ấm nóng của Đắc. Ông rót rượu, mời Đắc ngồi ăn chung bữa trưa. Hai người vừa nhâm nhi vừa chuyện trò thân mật.

Buổi ấy, cầm quyết định, rời Bộ Tư lệnh về hang Ốc, chuẩn bị quân tư trang, thành lập đơn vị mới. Đắc nghĩ nhiều về công việc nay mai.

“Rồi sẽ ra sao khi phải gánh một đội quân toàn những loại ba bửa, bát nháo như thế. Nhưng, không lo. Đắc sẽ dốc lòng vì việc chung, vì tất cả anh em đơn vị. Cứ làm việc tốt. Sống tốt. Chắc chắn anh em sẽ ủng hộ mình.”

Đắc nghĩ vậy. Việc đầu tiên Đắc mở cuộc gặp mặt, tiếp xúc với toàn bộ anh em chiến sĩ. Thông qua các diễn đàn, Đắc phát động đợt sinh hoạt chính trị. Mỗi người tự bộc lộ tâm tư tình cảm, những khúc mắc cá nhân. Những yêu cầu, nguyện vọng cụ thể của mình.

Không khí vui, cởi mở, bỗng tự nó tạo nên sự hồn nhiên, ấm áp, dễ gần. Đơn vị mới. Những người lính đủ khắp mọi miền. Từ Hà Tĩnh, Nghệ An, Cẩm Phả, Quán Lạn, Cửa Ông...Qua tâm tình, Đắc biết. Những người lính này đều có học. Những bất mãn, tiêu cực ở họ đều xảy ra xung quanh việc cư xử, dùng người. Những khúc mắc lâu ngày nằm lắng im trong góc khuất, bỗng được phen òa lên, thức dậy và giải tỏa. Như đám mây u ám bỗng tan đi. Nắng mới tràn về trong tâm trí và ánh mắt mọi người. Đơn vị Đắc nhanh chóng có được một không khí hòa đồng. Mọi người vui bên nhau, bó bện.

Lần được mối gỡ, Đắc tìm gặp, gần gũi, làm nên mối buộc thân yêu với từng chiến sĩ. Đắc có sức mạnh ở ngôn luận, “miệng nói tay làm”. Đắc còn tạo được thế hơn hẳn ở “cái nghề”. Cái công việc xăm đáy với cả thành tựu dội vang của quá khứ đang được mọi người truyền tụng. Rồi, cá tính Đắc. Cả việc Đắc chối từ vào Đảng khi anh đủ phẩm chất, được chi bộ quyết định hai lần, cũng là điều nhiều anh em cảm luận, khâm phục.

“Đấy - Anh em trong đơn vị tự bảo nhau - Thiếu úy Đắc. Người thủ trưởng “Xê’ mình, đáng nể chứ. Anh chiến đấu, lao động hết mình. Người không cá nhân, vụ lợi. Không ham hố gì. Gương sáng đấy. Ai có lòng tự trọng mà không biết soi mình vào đấy, mà noi theo, mà nghĩ ?”

Đắc vào việc thuận lợi. Đơn vị Đắc bây giờ giống như luồng gió mới. Sức mạnh ở tình thương yêu, đoàn kết đang đẩy đơn vị “quân đội làm kinh tế” của Đắc mỗi ngày thêm phát triển vững mạnh.

Bộ Tư lệnh giao cho Đắc khoản tiền ba mươi ngàn đồng (30.000đ) mua thuyền đánh cá. Để trang bị nghiệp vụ cho những người đi biển, Đắc liên hệ, gửi chiến sỹ xuống các làng chài thực tập. Dọc các làng biển Hải Phòng, Đắc đều có quan hệ quen biết. Đắc chia năm người một tổ, đến các ngư trường thực tập cách quai xăm.

Thấy Đắc xông xáo, tận tụy, quan tâm đến đời sống chiến sĩ, mọi người trong đơn vị một lòng ủng hộ Đắc làm việc. Anh em giữ gìn tốt mối quan hệ quân dân.

Đơn vị Đắc bây giờ đã có ba thuyền. Kinh phí ít. Thuyền tạm thời không có buồm. Mùa đầu tiên ra khơi. Cả đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo đảm an toàn tuyệt đối người và phương tiện. Đắc làm lợi cho đơn vị mỗi năm một trăm nghìn đồng (100.000đ) từ nguồn đánh bắt thủy hải sản. Một trăm phần trăm các chiến sĩ dạng “đầu bò đầu bướu” được “thuần hóa”, trở thành những người lính tích cực, lao động giỏi, được đề bạt, cất nhắc. Tổng kết năm, Bộ Tư lệnh đã xuống các con thuyền chứng kiến, trao tặng bằng khen và phong cho đơn vị Đắc là “Robinson” của thế kỷ 20.

“Nước đời” thật lắm nỗi. Là đại đội phó, trực tiếp dầm mưa dãi nắng, chung lưng cộng khổ với anh em. Đắc được những người lính quý mến. Ngô Duy Bân, đại đội trưởng. Là đảng viên, nhưng nghiệp vụ kém, xa lánh việc khó, lại cậy thế, ra oai. Nhiều chiến sĩ có ý mỉa mai, coi thường Bân rồi nói “kháy,” chọc tức. Bân đem lòng hằn thù, “chỉ mũi dùi” vào Đắc.

Bân bịa ra nhiều chuyện báo cáo về Bộ Tư lệnh, Đắc là cán bộ “ngoài đảng,” thiếu quan điểm, lập trường, xem thường, không chấp hành nghị quyết. Sống buông tuồng, bè cánh, gây mất đoàn kết trong nội bộ cơ quan.

Không ưa nhau rồi, thiếu gì cách “đào đất đổ đi.” Một lần, ra ngư trường xem anh em đánh cá. Là đại đội trưởng đi thuyền, nhưng Bân không biết bơi. Các chiến sĩ nhiều lần trêu ghẹo Bân. Lần này, Đắc đùa vui, vờ đi qua, lấy mông hẩy Bân rơi từ mạn thuyền xuống biển. Bân hoảng hốt la ối. “Vớ được cú” này, Bân làm cho to chuyện. Bân vu cho Đắc muốn giết mình. Bân làm đơn tố cáo, khép nhiều tội nguy hiểm trình về Bộ Tư lệnh.

Cuộc họp lập tức được mở ra tại đơn vị. Sự thể bỗng quay ngược. Dường như tất cả các chiến sĩ trên thuyền đều ca ngợi Đắc. Họ mở cuộc tấn công vào “đại đội trưởng.” Họ phê phán Bân sợ khổ, không sâu sát, quen thói “chỉ tay năm ngón”. Ích kỷ, chọn lối sống an nhàn. Đại đội phó Đắc luôn là người sống yêu thương, đùm bọc. Đắc có công với những con thuyền. Đắc không chia rẽ, nói xấu người chỉ huy cấp trưởng. Đắc không ác. Đắc không “muốn giết Bân. Hằng ngày, anh em bơi lội, tắm táp, vui đùa, dìm lộn lẫn nhau trên sóng. Vậy thì, anh em cũng “đang giết” nhau đấy ư ? Nhiều chiến sĩ trong đại đội từng nói. Anh em ơi. Ai dè, đại đội trưởng phụ trách ngư trường của chúng ta lại không xuống thuyền. Không biết bơi. Hôm nao, chúng mình phải trêu cho “gã” đòn nhá. Đấy. Nhiều chiến sĩ đã nói vậy. Còn “Xê” phó Đắc, chẳng may đã làm trước việc ấy, mà thôi…”

Sự kiện “gay cấn” đã được “phiên tòa” “ba mặt một nhời” do Bộ Tư lệnh đơn vị trực tiếp mở ra và khép lại. Bề ngoài ngỡ đã yên. Nhưng sóng ngầm giữa Bân và Đắc mỗi ngày thêm dữ dội.

Câu chuyện căng dần bởi những biến diễn mới. Đắc và Bân cùng dan díu với Nghì, một nữ cán bộ đoàn nơi khu vực đóng quân. Bân muốn chiếm đoạt, bởi cô gái xinh đẹp. Vị “Xê trưởng” này đã tốn công chinh phục Nghì, nhưng không xoay chuyển nổi “trái tim đá,” người con gái đang phơi phới sắc xuân.

Đắc đến với cô gái do anh em tình cờ gán ghép, lại có ý thách thức “tài trăng gió” của người lính đẹp trai, vốn mộng mơ, hào hiệp. Thích phiêu lưu. Thích đùa với Bân một chút, để thử xem “Mèo nào cắn mỉu nào?” Thử xem, ai là người mới đáng vỗ ngực thị tài khoa “mở cửa trái tim.”

Đắc nghĩ thế và anh xuất hiện. Ai dè. Cô gái mê Đắc. Nghiêng về Đắc và chống lại Ngô Duy Bân.

Đắc đã “cưa đổ” Nghì. Một cán bộ đoàn khu vực. Đắc đã chiến thắng. Và, thế là, đang sẵn lòng thù ghét, bây giờ, Đắc đã hóa thành kẻ “tình địch” số một của Bân.

Trên lối trượt đường đời, bờ đã vỡ. Nước đã cuốn theo dòng chảy. Bân tìm mọi cách để “diệt” Đắc. Còn Đắc, anh càng phải buộc chặt hơn với người con gái kia để giữ lấy “cái chiến thắng” của “trận đấu không hòa.”

Từ chuyện đùa, thách đố, rồi, để cho kẻ ghen tuông biết mặt, Đắc và Nghì ngày thêm gắn bó trong tình yêu, tình người, trong trách nhiệm ngày một nặng đầy. Và, người con gái ấy đã có chửa với Đắc.

Đơn tố cáo của Bân được dịp tung ra, tiếp tục quy kết Đắc, người phạm tội trai gái bất minh.

Đắc “ngã ngửa người” sợ hãi. Đắc bị quy, tội “hủ hóa,” phản bội người vợ quê mùa. Rồi, sợ hơn, một chiều đang hành trình, đưa thuyền về cập bến. Quân Cảng bỗng ập xuống thuyền, vẻ sôi sục, lục soát.

- Đồng chí Đắc. Có lệnh khám thuyền khẩn cấp.

- Chuyện gì xảy ra vậy ?

- Các anh đã ăn cắp. Cất dấu hàng, buôn gian, bán lậu!

- Không bao giờ.

- Xin thề !

- Các anh cứ khám

Đắc nói vậy. Nhưng sự việc bị phơi bày, không thể chối cãi. Thuyền của Đắc đã ăn cắp ở đâu gần một tạ tép khô cất dấu dưới khoang. Thì ra, thủ đoạn này được Bân bày binh, bố trận. Tang chứng, vật chứng rành rành. Đắc đã mắc bẫy, phải cúi đầu chịu tội.

“Biết nói sao nữa. Chứng cớ bị phơi bày. Đắc là người lãnh đạo, trực tiếp quản lý con thuyền. Tham ô, ăn cắp tài sản, nhằm tuồn bán ra ngoài mưu lợi. Đạo đức kỷ luật của quân đội với mỗi chiến sĩ sẽ không thể tha thứ.”

Toàn thể anh em trên con thuyền đều đối chất, chối cãi, kiên quyết chống lại việc vu khống, “gắp lửa bỏ bàn tay.”

Với Đắc, lẽ ra, phải làm căng. Phải lôi người lính vì thương Đắc mà tự thú, nói với “thanh tra” rằng. “Đắc không làm việc ấy. Đắc không ăn cắp. Kịch bản này, Bân đã bày ra. Bân giống như kẻ bán tơ đã vu oan cho gia đình Kiều gặp nạn.”

Chân lý sáng rõ như ban ngày ấy. Nhưng Đắc không làm thế. Đắc bất cần. Đắc ngao ngán cho những hạng người bỉ ổi. Đắc “chậc lưỡi” cho qua. Đắc nói. “ Thôi. Mình thấp cơ, trí đoản, sẽ chết. Vả, một khi kẻ manh tâm, ác độc, muốn giết người khác, hắn thiếu gì mưu ma, chước quỷ. Các đồng chí không lo. Tôi xin chịu kỷ luật. Bởi, tội quy vu trưởng. Tôi đang là đại đội phó trực tiếp quản lý thuyền này. Chỉ tiếc, trên đời, kẻ giết người không dao đã không biết liêm sỉ. “Hắn” đã tiểu nhân, trả thù vặt những trò thật đê tiện, xấu xa …”

Đắc bị đình chỉ công tác. Về Bộ Tư Lệnh viết kiểm điểm, chờ chịu lãnh “án mới.”

Đắc là thế. Được “lên voi” cũng đôi khi, nhưng “xuống chó” thì nhiều. Đắc ít may mắn. Gặp nạn, người hiểu, người thương quý Đắc không hiếm. Nhưng, đồng đội thì thấp cổ bé họng. Lãnh đạo thì an phận, lờ đi. Không ai ra tay cứu Đắc. “Nhưng thôi. Đắc chả trách ai. Rủi ư, may đấy. Đắc sẽ lấy cớ này mà ra quân về làm “thảo dân” với xóm làng, với gia đình, với vợ.

Lại chờ đợi kỷ luật. Đắc về quê, không dấu diếm, anh bàn hết với Thảo, người vợ trẻ trung, xinh đẹp, câu chuyện riêng phức tạp của mình. Thương chồng, Thảo đem lòng bao dung độ lượng, về tận vùng Cát Hải xin người con gái kia làm vợ cho Đắc, mong chị em hòa thuận yên vui. Nghĩa cử cao thượng của Thảo làm Đắc thêm nể vợ.

Với gia đình, xử sự của Thảo, vợ Đắc có thể cũng đáng khen. Nhưng, với quân đội, một người lính như Đắc đã phạm thêm tội lớn.

Đắc bị kỷ luật. Hạ quân hàm. Mất chức đại đội phó.

Bộ Tư lệnh ra quyết định điều Đắc về Đồ Sơn lo cung ứng vật tư.

Hai năm lo công việc chạy vạy nguyên vật liệu cho yêu cầu các tuyến, người ta thấy Đắc, một sỹ quan, một người từng lập nhiều chiến công rồi bị kỷ luật, trắng tay. Vậy mà lúc nào Đắc cũng sôi nổi, cũng vui. Anh Vũ, trưởng phòng vật tư, người có thời gian dài gắn bó trong công việc và nhiều buổi nằm tâm tình trò chuyện với Đắc. Anh Vũ bảo. “Đắc sống hay đấy. Người chả biết thù giận ai. Cái được, cái mất chẳng mấy quan trọng. Quan trọng với Đắc là sự chân thành và cuộc đời phía trước. Sự dấn thân hết mình cho tâm nguyện và việc làm đang vẫy gọi, thế thôi. Anh Vũ đã biết hết. Đắc sống nghĩa hiệp. Người tranh cướp người yêu, muốn giết Đắc. Người Đắc thưởng cho nghỉ phép thăm nhà đã tố cáo để Đắc bị kỷ luật. Rồi, Phái. Rồi, Bân”…Đắc chẳng bao giờ nhắc đến trong thù hận. Ừ. Thù hận thì Đắc quên. Còn, ân. Nơi ân nghĩa, Đắc luôn ghi nhớ muôn đời. Dường như, Đắc sống trong quan niệm, anh chấp nhận cái quy luật thuộc lẽ đương nhiên. Anh cứ bước đi trong cái đương nhiên, nhi nhiên như thế của cuộc đời. Nó thật giản đơn và cũng đầy cam go, phức tạp…”

Mến trọng người như Đắc, anh Vũ đề nghị. Và, phòng Vật tư Bộ Tư lệnh có quyết định phong quân hàm Trung úy, điều Đắc về làm trợ lý tại cơ quan đoàn bộ.

Đắc từ chối, không nhận.

Năm 1979, chiến tranh biên giới Bắc xảy ra, Đắc và Vũ Huy Ảnh được cử đi học lớp quân báo, thành lập các trạm quan sát mắt, nhận dạng các kiểu tầu một số nước vùng lân cận. Được ít lâu, Đắc và Nguyễn Việt Chiến lại được điều về trông coi tầu Hải Lâm, xưởng 46 Hải Phòng. Con tầu này do Mao Trạch Đông tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đây là kỷ vật được bảo quản, gìn giữ.

Thấy Đắc sẵn sàng nhận và làm tốt tất cả mọi việc. Nhưng, thật lạ. Đắc chẳng mấy mong muốn những tiến bộ cho mình ở quân hàm, chức tước, ở bổng lộc, đia vị cao sang nào khác. Khi đề bạt Đắc làm Chỉ huy cũng được. Lúc làm lính, cử Đắc đi lau chùi vũ khí, phương tiện cũng xong. Thủ trưởng chính trị thăm dò, gọi Đắc lên hỏi chuyện.

Đắc bộc bạch, thưa. “Một sứ mệnh lớn lao, hệ trọng, nhiều gian khổ, hy sinh nhất, đấy là cuộc chiến tranh giải phóng đất nước. Đắc đã không tiếc tuổi xuân, hiến dâng tất cả phần máu thịt của mình. Đắc đã hoàn thành nhiệm vụ một cách vẻ vang. Gần mười năm khoác áo lính, bây giờ, phía hậu phương, Đắc đang mang gánh nặng. Cha già, mẹ yếu. Vợ một nách bốn con. Đắc muốn trở về cuộc sống đời thường, làm người dân lao động, chăm lo phần kinh tế gia đình.”

“Ồ. Đấy là ước mơ thật chân chính. Thật đẹp.”

Người “Thủ trưởng chính trị” kêu lên - Ông nói với Đắc - Với tháng năm, mặt trận, mỗi người lính chúng ta đã hiến dâng phần máu xương vô giá cho hạnh phúc dân tộc. Vấn đề ở đây, phải giải quyết thế nào cho nguyện vọng của mỗi người lính trong đối xử, đãi ngộ, trong chính sách đối với người có công với nước, Đắc ạ …”

Không đợi người đối thoại diễn giải dài dòng, Đắc vội đứng lên cắt ngang câu nói.

- Tôi không cần gì. Thưa thủ trưởng. Đinh Trọng Đắc một đời gắn mình với biển. Xin cho tôi được chuyển ngành “về biển”…

- Ồ. Điều ấy, không khó.

- Nhưng…

- Còn…”Nhưng” gì nữa ?

- Tôi đang là sĩ quan. Mang quân hàm Thiếu úy…

- Là, Thiếu úy. Thì sao chứ.

- Thưa, là cán bộ, sĩ quan, khó xin việc.

- Vậy, đồng chí muốn gì ?

- Thủ trưởng cho tôi xin quyết định làm lính. Làm “thường dân” thôi. Một Hạ sĩ. Hay, Thượng sĩ. Hoặc Trung sĩ gì đấy …

- Ôi…

Người thủ trưởng chính trị bỗng cười vang. Ông ôm chặt lấy Đắc vẻ lạ lẫm.

- Đắc lạ nhỉ. Mình chỉ thấy hầu hết mọi người đến gặp lãnh đạo, xin cho mình “cái được.” Được tăng lương. Được phong quân hàm. Được khen tặng… Đằng này, Đắc lại xin cho mình “cái mất” ?

- Thưa. Em không nghĩ thế.

- Nhưng, Đắc có vi phạm kỷ luật gì đâu ?

- Vâng. Nhưng, đây là nguyện vọng !

- Ồ. Mình không dám. Không ai dám, Đắc ạ. Vậy quân đội kỷ luật Đắc à ? Mà, Đắc có hàng chục năm khoác trên mình áo lính kia chứ…

Đắc khăng khăng bám lấy ý nguyện ấy của mình. Anh chia tay người “thủ trưởng chính trị” ra về.

Buổi ấy, Đắc nhớ. Vào một ngày cuối thu, năm Kỷ Mùi, 1979. Ngoài trời, nắng buổi chiều đang vàng lên rực rỡ.