Trang chủ » Truyện

MIỀN TẤN PHONG CHÚA ĐẢO (3)

Kim Chuông
Thứ năm ngày 26 tháng 10 năm 2017 9:21 PM





PHẦN III

Vận hạn – Đời người

I

Bên quán giải khát, gần Vườn trẻ Hải Phòng, Đắc, Tuyển và người bạn gái, quê Thanh Hóa ngồi nhâm nhi từng ngụm nhỏ café. Nắng nhẹ. Gió mát từ phía biển đang len lỏi trong từng vòm cây, lối phố. Ba người đang say câu chuyện. Bỗng cô bạn gái hỏi hai người :

- Ta kết thúc được chứ ? Tạm chia tay nhau đã. Gần “chín rưỡi” rồi mà.

- Thư thả. Ngồi lát nữa, vội gì.

Tuyển đề nghị.

- Làm ly nữa cho đã.

- Nhưng, đông người. Chen mua được một ly, mệt lắm.

- Không lo.

Đắc nhanh nhảu rút trong túi tấm thẻ - Mình được ưu tiên mà.

- Thẻ gì quan trọng vậy ?

- Thẻ “Dũng sĩ giao thông” đây. Oách chưa.

Một tiếng “Ồ” kêu lên. Vậy đấy. Những ngày chiến tranh, trước các quầy bán hàng, từ cái kim, sợi chỉ, thậm chí quầy bán café, bán bia, bán tạp vụ, chỗ nào người mua cũng phải xếp hàng. Chỗ nào cũng được ưu tiên dành cho người có tấm thẻ như thương binh, nhà báo, hay người đang làm công việc quan trọng nào đó.

Đắc đã mua một lần. Lần này, Đắc lại cầm tấm thẻ “Dũng sĩ giao thông” chen vào cửa ưu tiên.

- Nào, các chị ơi – Đắc gọi - Bán cho tôi ba cốc.

Một bàn tay đặt lên vai Đắc, giọng mỉa mai :

- Ồ. Thằng này. Mày trong đội cờ đỏ phải không ?

Có tiếng xì xầm, nháy nhau của nhóm cao bồi, đầu gấu.

- Hãy cho nó biết “lễ độ.”

- Nó đã rạch quần mình.

- Nó đã tấn công mình ở chợ An Dương.

- Nó đã hạ gục “Hổ xám”.

- Nhanh.

- “Làm việc !”

Nghe những lời nhí nháy và ám hiệu khó hiểu bên cạnh. Vốn hoạt động trong nhóm phòng chống tội phạm, Đắc rất nhạy cảm. Anh quan sát và linh tính chuyện xấu sẽ xảy ra.

Không kịp cầm tấm vé người bán hàng vừa trao, Đắc rất nhanh tìm thế thủ thân. Vừa chọn được địa hình thế thủ, ba bốn thanh niên đầu gấu đã lập tức xông vào túm lấy Đắc, ra đòn. Đắc một mình tả xung hữu đột, vừa đánh, vừa rút chạy về phía bến cảng.

Tới nhà máy Chai, gần đến ngã Năm, Đắc bỗng thấy hai nhóm đang quây lại, bám riết lấy mình. Giọng chúng hô vang. “Hãy chặn đánh. Kiên quyết tiêu diệt. Không để nó tẩu thoát”…

Một mình Đắc, không có chút vũ khí trong tay. Đắc vừa chống trả vừa rút chạy. Khi tựa vào cây lớn. Khi nhờ vào địa hình ngõ hẻm. Khi tựa vào mảng tường che chắn sau lưng. Bằng những miếng võ điêu luyện, Đắc nhẹ nhàng hạ gục hàng chục tên đầu gấu đang mang trên tay dao găm, gậy guộc, quyết xả thân sống chết với Đắc.

Khi lọt vào giữa lòng đường, nhìn thấy vài tên còn quây vòng kép chặt lấy Đắc. Nhìn thấy Tuyển, người bạn vẫn bám chặt bên anh, Đắc ra lệnh. “Hãy đấu lưng lại. Hãy yên tâm tựa vào lưng Đắc. Hãy bình tĩnh. Hãy để Đắc mở đường …”

Trong nháy mắt, Đắc đã làm cho một nhóm đầu gấu phải chịu “đo ván,” nằm xõng xoài trên đất.

Kịp nhận ra Tuyển, máu đang chảy ướt hai bên bả vai, Đắc quát to. “Tuyển. Nhanh. Chạy thoát. Để mặc Đắc xử lý. Hãy thoát nhanh.”

Tuyển vừa bỏ chạy. Hai cô gái quần bò, tóc cháy vàng, bỗng từ đâu nhẩy xổ vào Đắc, đánh túi bụi. Giọng hét lên chửi rủa :

- Tổ sư chúng mày. Tại sao chúng mày dám đụng vào tổ lửa. Dám đánh chúng tao. Tao phang chết. Phang chết…”

Đắc lùi lên vỉa hè gạt bắn chiếc gậy trên tay hai cô gái. Đắc lia bàn chân, hai cô tiếp tục trượt ngã, mặt úp xuống nền đường. Đắc xốc nách hai cô ném xuống hố tăng-xê bên gốc cây lớn. Anh cắm đầu chạy một mạch, vượt năm cây số đường dài để về tới bến tầu.

Một đêm im lặng và dài dặc qua đi. Đắc đánh một giấc mê say. Ngỡ mọi chuyện không ai biết. Vậy mà, vừa tỉnh dậy, bảo vệ cơ quan và công an đã xộc vào mời Đắc lên phòng làm việc.

Họ lập biên bản, quy tội. Đắc gây rối trật tự nơi công cộng. Tổ chức bè phái đánh lộn. Đắc phải tường trình, kiểm điểm và chịu kỷ luật trước cơ quan.

“Cây ngay không chịu chết đứng.” Đắc thản nhiên kể lại đầu đuôi câu chuyện, sẵn sàng đợi các cơ quan vào cuộc điều tra, xem xét, xử lý.

Vào một chiều sau đó ít ngày, phường công an khu vực đã mời Đinh Trọng Đắc về trụ sở làm việc. Tại đây, Đắc được nghe lại toàn bộ cuộc điều tra với ý kiến kết luận.

Ai dè, Công an đã biểu dương hành vi tự vệ, đối phó của Đắc trước sự hành hung của bọn đầu gấu đất Cảng.

Từ cơ quan công an ra về, Đắc được cầm bản thông báo của cơ quan pháp luật gửi về đơn vị với tất cả phản ánh, kết luận và kiến nghị như thế.

Đắc không vui ở sự minh oan. Không muốn gặp những sự kiện xấu, bê bối vừa xảy ra với Đắc trên một thành phố lớn. Đắc chỉ nghĩ. “Mình vì việc chung đã bị bọn tư thù trả đòn, may mà thoát chết. Đắc đã thắng bọn côn đồ với hơn mười tên hung hãn. Nhưng, dù sao, đây cũng là vận hạn không may mắn trong đời.”

II

Đắc không tin những trò thần bí. Nhưng, đúng chăng, với Đắc, đây là năm xung, tháng hạn ? Chuyện bê bối đánh lộn trên đường phố vừa qua đi được ít ngày. Bây giờ, Đắc lại giống như kẻ tội phạm, đang ngồi trước vị quan tòa, phán quyết.

- Có phải anh hèn yếu, muốn trốn tránh nghĩa vụ quân sự, phải không ?

- Có phải anh đã dùng thủ đoạn để chống lệnh ?

- Có phải, anh đã tự mình bôi nhọ chính mình ? Tự đốt mình đang là sơn son, thếp bạc, giờ chỉ còn là tro bụi ?

- Có phải anh đã đánh lừa đơn vị ? “Một con ngựa giấy”, những ngày qua ?

- Không. Thưa cấp trên. Với tôi, vạn lần, không như thế.

- Còn ai tin anh nữa.

- Tôi xung phong xin đi tiếp đợt sau.

- Anh lại bày trò thì sao ?

- Thưa, không bao giờ.

- Nhưng, anh đã bịa ra một “chứng chỉ cơ thể”, sức khỏe như vậy. Không. Quân đội nhất định không dung nạp những đối tượng, phần tử tiêu cực, xấu như vậy.

Đắc ngồi chết lặng trên chiếc ghế nghe vị thủ trưởng, hai tay đút túi quần, đi đi lại quanh nhà, giở lời rỉa rói, mạt sát mình.

Người cương trực như Đắc, trước hoàn cảnh này, anh đã thẳng thắn giải trình hoàn toàn sự thật. Rằng, “anh không thủ đoạn. Không trốn tránh, chống lệnh. Không sợ gian khổ, hy sinh. Rằng, trước khi nhận giấy, gọi đi khám nghĩa vụ quân sự, Đắc được người bạn mời uống rượu say. Người nôn mệt. Mấy ngày liền lại uống nhiều café. Cơ thể suy nhược. Tim đập mạnh. Bác sĩ kết luận thế nào, không hiểu. Nhưng, từ khi lớn lên đến khi trở thành người cán bộ, công nhân viên trong đơn vị, Đắc không hề biết ăn gian, nói dối. Đắc chưa bao giờ ngại ngần, thoái thác bất cứ gian khổ, hy sinh nào. Công việc nào được giao, Đắc cũng sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt.”

“Than ôi. Im lặng lúc này, càng chết. Nhưng mọi lý giải của Đắc lúc này cũng vô nghĩa mà thôi. Càng nói, người đang nắm cầm chân lý là kẻ mạnh càng điên tiết. Họ đã lấy quyền quy kết, rằng, Đắc đã khéo đường bịa đặt.”

Thủ trưởng nóng tính một. Đắc cũng mang cơn bốc hỏa không kém. Đắc đứng dậy bỏ đi. “Đắc không sai. Đắc không sợ bất cứ điều gì. Ai muốn ăn thịt, hay làm gì Đắc, cũng không ngán.”

Chẳng biết gõ cửa kêu ai. Và, cũng chẳng muốn mất lời. Đắc chỉ nghĩ. “Tại sao, họ không tin lời Đắc. Tại sao, họ không nhìn về chiều dài, chiều sâu con người mà trông về quá khứ, truyền thống ? Không nhìn thấy cái gốc bản chất của Đắc ? Tại sao, bao nhiêu chiến công trước gian khó, đạn bom, thậm chí cả những hy sinh mất mát Đắc đã từng dốc lòng gánh chịu, không đủ để họ nghĩ và hiểu về Đắc là gì ? Giữa bản chất với cái ngẫu nhiên, một hiện tượng xảy ra ?

Có phải, cơ quan Đắc lúc này đang phe cánh, bè phái. Sự mất đoàn kết trong nội bộ lãnh đạo đang âm ỉ, nhè miếng đấu đá nhau mà trường hợp Đắc, không ai muốn dính vào, khi mỗi người, họ chỉ biết bo bo, lo cho chính bản thân họ.

Có phải, người thủ trưởng một thời yêu Đắc đã nhỏ nhen, thù Đắc, trong hành vi phụ bạc và trốn chạy trước dung nhan xinh đẹp người con gái yêu dấu của ông ? Có phải, Đắc đã không biết bẻ gẫy mình mà cầu cứu, van xin, mà “lụy” người quyền chức.

Có phải, họ đang nghĩ về Đắc, người thanh niên còn ít tuổi đã vênh vang trong chút đỉnh thành tích mà ra mặt “bất cần.”

Đắc có quyết định tạm nghỉ việc và chờ xử lý kỷ luật của cơ quan. Thêm lần nữa, Đắc lại sa cơ lỡ bước trong cuộc đời còn trẻ dại của mình. Bấy nhiêu tháng năm, công tích của Đắc bỗng chốc thành khói mây, đổ xuống sông, xuống biển. Đắc đã giống như con dã tràng se cát đó chăng.

PHẦN III

Chuyện tình người con trai họ Đinh

I

Trang Tử, nhà triết học cổ Trung Hoa. Người viết “Tề vật luận” và nổi tiếng “thuyết tương đối.” Ông được gọi là “Trang Tử cổ bồn”. Bởi, khi người vợ yêu của Trang Tử qua đời, ông lại ngồi gõ bồn và cất lên tiếng hát. Ông bảo, ông vừa xót thương, vừa ngợi ca sự tuần hoàn đương nhiên của thế giới vạn vật.

“Ừ. Thì có gì phức tạp đâu cơ chứ. Sự vật là thế. Nhưng, mặt khác nhìn lại, nó lại không là thế. Vì thế, nó chả là cái quái gì. Bởi, cái “sinh” kia đã đẻ ra cái “tử”. Cái “gặp” đẻ ra cái “chia ly”. Cái “cao” chỗ này lại hóa thành “cái thấp” khi đứng bên sự so sánh khác…”

Có lẽ, uống thấm điều ấy, Đinh Trọng Đắc luôn giữ cho mình sự hồn nhiên, trong sáng. Đắc ít buồn. Với anh, lúc nào sự khát khao chân chính cũng nằm ở chân trời trước mặt. “Làm thế nào, bằng trí tuệ, bằng mồ hôi công sức đời mình mà khai sáng chính mình. Mà có được cuộc sống tươi vui, ấm no, hạnh phúc. Đơn giản thế thôi. Đắc không muốn quyền lực, bởi không ít cơ hội, những con sào, mũi neo từng vẫy gọi, gửi trao và mở lối cho anh kia chứ.

Đấy là quan niệm sống. Còn với tình yêu. Đắc đứng đắn. Anh không thích bờm xơm, đùa cợt. Tuổi trẻ. Đẹp trai. Thông minh. Hướng thiện và cầu tiến. Đắc không muốn “tiêu xài” những thời gian vào việc làm vô bổ để chuốc lấy bọt bèo. Có bao nhiêu bóng hoa từng quyến rũ ? Có bao nhiêu cánh bướm từng mê mải lượn vòng ? Từ cô gái người Hoa trên tầu gõ rỉ. Cô “công chúa yêu kiều” của thủ trưởng tầu Hạ Long. Rồi cô Thiệp, cô Hường, cô Thư … Đắc không muốn giáo dở lòng, lợi dụng nhan sắc. Đắc muốn, khi xác lập việc “xây dựng gia đình”, anh sẽ tìm cho mình một người vợ hiền dịu, yêu thương.”

“Ta về ta tắm ao ta.” Có thể, cái nghĩ này cổ dả. Nhưng, với Đắc, đây là niềm vui bến đậu. Gạt đi những bóng hồng nơi phố phường, đô hội, không phải “gu” anh thích. Đắc tìm về đất quê, gặp Thảo.

Thảo, người con gái họ Trần, tuổi Tân Mão, cùng quê hương Lập Lễ. Thảo đang theo học cấp Ba. Tuổi mười bảy, nom Thảo long lanh như giọt sương ban mai trên bông sen mùa hạ. Thảo có nước da mịn màng, trắng. Mái tóc dài chấm gót. Nhất là nụ cười tươi. Đôi mắt lung linh, sáng. Giọng nói có duyên. Mỗi lần Thảo ngước lên, gương mặt càng tỏa lan sức dạt dào, mơ mộng.

Ở làng, nhan sắc của Thảo đã trở thành “tiếng vang” trong nhiều lời đồn đại. Đất Thủy Nguyên, xứ sở của “miền gái đẹp” này, từng có nhiều hoa khôi, hoa hậu, những mỹ nữ từng lọt vào “mắt xanh” nơi lâu đài, cung cấm các triều đại vua chúa và cả những cuộc thi người đẹp thời nay.

- Thảo, “đệ nhất mỹ nhân” của Lập Lễ mình đấy. Cô gái đẹp nhất vùng này. Vừa đức độ. Chịu khó, lam làm. Lại ham học nữa chứ.

- Thảo khổ, vì nhan sắc. Còn nhỏ, đã có nhiều bậc cha mẹ “nhắm,” rồi đệ đơn “đặt hàng,” xin cho con cái nhà mình. Nhiều trai làng thi nhau mang trầu cau đến “bỏ ngõ.” Nhưng, hình như, Thảo chưa chịu nhận. Mẹ Thảo thường phải khép kín cổng tránh mặt. Bà lo. Liệu cô bé có “yên thân” mà theo học được không.”

Là người “đồng lân,” cùng xã, khác làng. Từ Láng Cáp đến Song Dực, nhà Đắc cách nhà Thảo ba cây số. Đắc được nghe khá nhiều chuyện về Thảo. Thời gian dài làm thủy thủ, vắng nhà, Đắc chỉ “văn kỳ thanh”, ít được “kiến hình.” (1)

Đắc nhớ. Một đôi lần vô tình giáp mặt, Đắc chỉ thầm kêu lên. “Em là Thảo, phải không. Ôi. Đất quê mình lại có người đẹp vậy. Khi nào, anh xin phép, tới thăm nhà được chứ ?”

Thảo dịu dàng, gật đầu không nói.

Bây giờ, Đắc đang ngồi đối diện cùng Thảo.

Ngắm nhìn người con gái cùng làng, trong kí ức mờ xa, Đắc nhớ lại thời chăn trâu cắt cỏ. Khi thả mình, ngụp lặn trên sông Đầm Cầu hay sông Khoán Viễn. Lúc ấy, Đắc gặp cô bé Thảo, một dáng nhỏ gầy, nước da hồng hào như cháy lên trong nắng. Thảo mải mê đuổi cáy dọc triền sông. Bóng cô lắt lay đổ dài theo bóng nắng.

Một sớm, Phạm Hồng Thi, bạn Đắc, dẫn anh tới đám cưới người bạn. Thi, giới thiệu :

- Thảo ơi. Đây là anh Đắc, thủy thủ. Người “Láng Cáp ta” đấy.

- Em biết - Thảo nhìn Đắc, ý nhị. Vẻ e thẹn, Thảo nhận xét - Anh Đắc làm chủ hôn nhiều đám cưới, giỏi lắm. Hát hay. Tay đàn lại cừ khôi nữa. Anh Đắc nổi tiếng. Làng này ai chả biết, cơ chứ.

Đắc không để ý tới lời khen. Bây giờ, Đắc mới tận mắt nhìn Thảo, người con gái thật quyến rũ, dễ thương. Trong cảm nhận về Thảo, người đối diện bên mình, điều làm Đắc không nguôi ám ảnh. “Thì ra. Thảo có cuộc đời thật đáng thương và quý. Thảo đẹp, lại nết na. Cô gái mười bảy tuổi này, hằng ngày vẫn cắp sách tới trường. Vẫn những chiều khi tan học về nhà lại vội vàng lao mình xuống bãi bắt cáy, hái rau. Thảo có ba chị em. Hai em trai còn nhỏ.

Mẹ Thảo góa chồng từ năm hai mươi bảy tuổi. Quê gốc bà ở Lập Lễ, Thủy Nguyên. Bố Thảo người Nhất Sơn, Kinh Môn, Hải Dương. Ông là con trai cụ Quản Bưởi. Gia đình cụ Quản một thời có chức sắc, nổi tiếng giàu có một vùng. Bố Thảo, yêu cách mạng, ông cất dấu, che chở cho Việt Minh hoạt động, bị giặc hành hạ rồi sinh bệnh. Ông mất năm hai mươi lăm tuổi.

(1) Chỉ nghe nói, không được gặp hình bóng

Chồng chết. Mẹ Thảo, đưa đàn con lít nhít về Lập Lễ sinh sống. Người đàn bà tần tảo, thủy chung này đã ở vậy, một mình bong bóng thờ chồng, nuôi con khôn lớn.

Đắc mủi lòng thương và kính trọng phẩm chất một người mẹ. Đắc nghĩ, giống như cái cây được gieo trồng, cô gái Thảo sẽ lớn lên từ gốc rễ, đất đai và sắc hương như thế. Đắc tin vào những mối liên hệ nhiều chiều với quy luật nhân quả, đời người.

“Chúng mình, gốc chân quê, em ạ. Dễ hiểu nhau, thương nhau phải không.”

Từ buổi gặp Thảo trong đám cưới. Thật lạ, giống như kiểu “chạm hồn, chạm vía”. Chưa bao giờ Đắc nghĩ, anh đã mang mình cột chặt vào bến bờ yêu đương nào cụ thể. Vậy mà, với Thảo, Đắc bâng khuâng, day dứt.

Thế rồi, sau vài buổi gặp gỡ, hẹn hò, Thảo đã đem lòng mê Đắc. Còn Đắc, anh cảm thấy không thể thiếu vắng Thảo, trong tấm tình yêu dấu của mình.

Một tối, Đắc bận chiếc sơ mi, vẻ đỏm dáng. Hôm nay, lần đầu tiên anh sẽ mạnh dạn đến thăm nhà Thảo.

Cùng xã. Nhưng hai nhà cách xa nhau tới ba cây số. Đắc không nhớ. Tâm trạng mình lúc này thế nào. Trống ngực anh đập rộn lên. Vẻ ngượng ngùng, e thẹn khi Đắc biết mình đã thực sự yêu người trong mộng.

Đắc gọi cửa vào nhà, lễ phép chào mẹ Thảo. Nhưng, lạ chưa. Gần như, vừa kịp ngồi nóng chỗ, ngay phút ấy, có tiếng nói thô thiển và tiếng chửi tục phía ngõ.

Đắc ngoái cổ nhìn ra. Một tốp thanh niên, có tới ba bốn người đang hầm hầm nổi giận.

“Thằng nào vừa đột nhập vào đây ? Thằng nào. Mặt mũi nó đâu. Nó có biết đây là vương quốc của ai. Coi chừng, mày đem xác vào “vùng cấm” này mà toi mạng, con ạ”.

Thời ấy, ở “miền gái đẹp”này, Đắc biết. Đã xảy ra nhiều trận ghen tuông, ẩu đả. Người yêu cô này, khi cưới, lại bị nhà gái đánh tráo cô khác. Giữa đám cưới, người oán thù kẻ nẫng tay trên người mình yêu dấu, đã kéo bè, kéo cánh, đón đường, phá tan đám cưới. Rồi, trai làng thường lên mặt, kiểu “chó cậy nhà, gà cậy vườn,” tổ chức đánh trọng thương những chàng trai đất khác, dám mò sang làng họ chim chuột.

Đang lăn tăn nghĩ ngợi, bỗng một thanh niên đẩy cửa xông vào nhà, chĩa mũi dao, hỏi Đắc :

- Mày là thằng nào ? Có muốn gửi xác ở đất này không.

- Thưa anh. Tôi không biết anh là ai. Mời anh ngồi chơi, ta nói chuyện, được không.

Đắc bình tĩnh, giọng lịch sự nhỏ nhẹ. Người thanh niên bỗng hùng hổ, lấn tới.

- Đ... mẹ. Tao bạn bè gì với mày mà trò chuyện.

- Thưa anh - Đắc vẫn khiêm nhường, dịu giọng - Thưa. Tôi là người đi xa về. Muốn tới thăm bà mẹ ở đây và em gái…

- Thăm gì ? Mày ở đất nào vác xác đến đây, Muốn “ăn cướp cái Thảo”, hả. Chúng bay đâu … Dạy cho nó bài học !

Một tiếng hô, “giết”. Đắc hốt hoảng nhìn ra. Phía sân, khoảng

bốn chục thanh niên từ đâu đã ồ ạt ập đến. Khủng khiếp quá. Trong đám nhốn nháo, kẻ dao, người gậy, quây chặt từng vòng xung quanh Đắc. Đắc chạy tụt vào nhà. Một cô gái nhà bên chạy sang cứu viện. Chị giữ chặt cửa, mặt quay ra đám đông quát lớn.

- Khách nhà tôi. Các người không được hỗn láo.

- Khách nào. Đánh chết mẹ thằng đến đây “chim gái.”

- Đánh chết. Đánh chết.

Tiếng hô nhất loạt vang lên. Từng là quân trong “đội cờ đỏ”. Đắc vẫn có con dao sẵn dắt trong người. Không hiểu sao, lúc này, Đắc lại bình tĩnh vậy. Anh nghĩ. Mình không thể gây đổ máu trong nhà người mình yêu dấu. Anh không thể để cái “dớp” bi thương mang cái nghĩa “tiền đầu bất lợi” trong buổi đầu đi trao gửi lời yêu. Nghĩ vậy, Đắc cất con dao vào bồ thóc nhà Thảo. Đắc tìm cách xô cửa chạy ra.

Trời nhập nhoạng tối. Cả đám người bỗng trở nên hỗn loạn. Tiếng gậy vụt. Tiếng cán néo, đòn gánh, phang dọc ngang, phứa phựa. Tiếng đất đá bay rào rào trên vườn chuối, trên đầu.

Vừa chống trả. Vừa mở đường trốn chạy. Lợi dụng đêm tối, lúc đông người, lộn xộn, Đắc tạo thế nghi binh cho họ đánh lẫn nhau. Một cán néo nhằm đầu Đắc vụt xuống. Đắc gạt tay, né tránh rồi gạt chân làm mấy người ngã nhào. Thừa cơ, Đắc vắt chân lên cổ chạy thoát ra bờ sông Khoán Viễn.

Phát hiện ra Đắc, người đuổi theo rầm rập phía sau. Những chiếc đèn pin lia ngang, lia dọc. “Làm thế nào phá được vòng vây. Chả lẽ, đêm nay, Đắc chịu chết giữa đất này à ? Phải mở đường máu thoát thân. Phải liều mạng quay lại, vừa đánh vừa tìm đường giải thoát.

Đêm. Trời bỗng đổ mưa dầm. Đường trơn. Màn trời tối đen như mực. Tiếng la ó, kêu gào vẫn vang lên, phá tan màn đêm tĩnh mịch. Một mình Đắc vừa đối phó vừa tìm địa thế nương thân. Tới bờ sông, rất nhanh, Đắc lách qua bụi chuối, lặn một hơi, nhằm vượt sang phía bên kia.

Vừa ngóc đầu lên khỏi mặt nước, những ánh đèn đã rọi trúng mặt Đắc. Cùng lúc đó, những tiếng hô lại la ó dội lên. Đắc phát hiện ba chiếc thuyền đang chèo mạnh, vây bắt. Không thể bơi ra giữa dòng nước, một mình Đắc sẽ bị họ dìm chết. Đành dùng chiến thuật giáp chiến. Đắc nghĩ vậy. Nhanh như chớp, Đắc nhảy lên thuyền, khống chế một thanh niên đối diện. Những ngọn sào thi nhau nhằm vào Đắc, đập tới tấp. Đắc né được. Họ tự đập vào đầu, vào vai nhau. Nhiều tiếng hét, tiếng chửi bới om sòm.

Đẩy thuyền dạt vào sát bờ, Đắc nhảy lên, tẩu thoát.

Đúng lúc này, lực lượng Công an và dân quân xã được cấp báo đã có mặt. Trước đội hành pháp, đám ẩu đả, gây lộn dần tản đi đâu hết. Mình Đắc trơ lại với vài người chứng kiến.

Đắc mệt nhoài, vịn vào cây thở dốc. Chiếc áo sơ mi mặc trên người đã bay đâu mất. Chiếc may-ô rách bươm. Một vành dây còn trơ lại, võng xuống thắt lưng.

Trong buổi lập biên bản, người “lấy cung,” hỏi.

- Anh là Đinh Trọng Đắc. Người Láng Cáp. Thủy thủ tầu Hạ Long ?

- Dạ, đúng.

- Anh đến nhà cô Thảo làm gì ?

- Chúng tôi tự nguyện yêu nhau. Đây là buổi đầu tiên, tôi xin phép gia đình được đến thăm mẹ, và “người mình yêu dấu.”

- Ai là thủ phạm gây nên cuộc ẩu đả, náo loạn đêm nay ?

- Tôi là nạn nhân. Tôi không biết.

- Anh có hiềm thù với ai ở đây không ?

- Không.

- Ai gây sự đánh anh ?

- Tôi không biết tên, nhưng nhớ mặt. Họ cầm dao xông vào nhà, dọa giết tôi.

- Vì sao vậy ?

- Họ đe, từ đất khác dám “qua mặt” trai làng, đến đây “chim gái.”

- Anh là người chưa vợ ? Anh và Thảo yêu nhau ?

- Vâng. Đúng thế.

- Sẽ tiếp tục điều tra. Nhưng. Anh không chết. Anh vẫn còn may đấy.

Đắc mệt nhừ. Những vết máu, vết xước đầy mình làm Đắc thêm đau cứng. Lập biên bản xong, Đắc đi bộ về nhà, ngủ một giấc quên chết.

Sớm sau. Chuyện trai làng ghen tuông đánh lộn bỗng nối nhau đồn thổi ầm ĩ. Khắp thôn trên, xóm dưới, rồi mấy xã bên cạnh, chỗ nào cũng thấy người ta xôn xao bàn tán. Họ bảo. “Đắc chưa vợ. Anh không làm chuyện nhảm nhí. Không trai trên gái dưới, nơi bờ sông, bãi sú. Không thù hằn, gây sự. Đắc đi giữa thanh thiên bạch nhật. Anh đàng hoàng xin phép đến nhà thưa gửi với bậc mẹ cha và người mình yêu. Đám trai làng sai bét. Họ phải chịu tội. Cả những người vào hùa, bênh vực con cái đánh Đắc. Họ vi phạm quyền tự do, gây chuyện, hành hung thân thể con người.

Biết bao nhiêu đàm luận. Họ xuýt xoa. “Đắc anh hùng. Bậc cao thủ đấy. Bốn năm chục người vây đánh mà Đắc không bỏ mạng.”

Nhiều người động lòng thương, họ bảo. “Khổ chưa. Người ta đem lòng trắng trong, trinh bạch đi tìm niềm vui, hạnh phúc đời người. Ai dè lại chuốc lấy bi ai. Sao, có kẻ ác thế. Họ hại nhân, không nghĩ rồi, nhân hại? Mà phúc bảy đời, nhà Đắc. Hắn võ nghệ cao cường. Hắn từng lập công trong nhóm triệt phá nhiều ổ tội phạm, mà chống cự, sống sót ...”

Trời phú cho Đắc luôn giữ được sự bình thản trong đời. Đắc biết, sau vụ trai làng xâu vào, muốn đánh Đắc đến chết, cả nhà Thảo, rồi không ít xóm giềng, nhiều người càng mến thương và nể trọng Đắc hơn. Riêng Thảo, chỉ còn một cái nghĩ, Đắc “đã thừa sống, thiếu chết” vì mình. Người không ai sánh nổi trong thử thách, trong đánh đổi với cái giá phải trả, cho tình yêu đôi lứa, là Đắc. Thảo phải là của Đắc. Thảo phải một đời giữ lấy và đắp vun cho cho cái cây đã mọc và lớn lên từ giông bão tình yêu.

Còn Đắc ! Anh đã phải đổ cả máu mình cho mối tình đầy chông gai, chìm nổi này.”

“Sự kiện” hiếm có trong đời đã đẩy Đắc buộc chặt hơn với Thảo, một tình yêu ngày thêm mãnh liệt.

“Đắc sẽ cưới Thảo. Hai đứa sẽ làm nên tình chồng, nghĩa vợ. Nơi đây, Đắc còn phải đi về. Đắc còn mẹ. Còn anh chị em, xóm láng. Phải xuất hiện. Không thể dấu mặt. Phải được gặp mọi người phân minh phải trái. Phải dò xem thái độ dân làng.”

Nghĩ vậy, sau tối bị săn đánh, sớm ngủ dậy, Đắc một mình đi bộ dọc đường làng, tìm lại những dấu vết đêm qua. Đắc ngầm bố trí một lực lượng bảo vệ mình, phòng khi lâm sự.

Nào. Xem nào ! Họ còn dám đánh Đắc nữa không. Đắc tìm vào mấy nhà bên đường. Nhà vắng tanh. Nhà khép cửa dấu mặt. Sao vậy nhỉ. Đắc đưa bố mẹ và “đoàn tháp tùng” vào nhà Thảo trò chuyện.

Gần tối. Tiếng trống báo động bỗng vang lên. Công an huyện ập tới tra xét. Họ lục vấn : “ Đắc kéo bao nhiêu người đến đây. Mang theo vũ khí gì. Âm mưu định làm gì. Muốn giở trò “ân oán giang hồ” gì nữa …”

Thì ra, có người “mật báo.” Chính “tên” Phó Chủ tịch xã, người nhà kẻ gây sự đã đánh Đắc, muốn chiếm đoạt Thảo, đã bày mưu “diệt”: Đắc.

Đắc đâm đơn kiện. Cùng giấy chứng thương của bác sĩ với tất cả diễn biến vụ việc được điều tra, cơ quan Tòa án huyện đã về xã mở phiên tòa xét xử.

Đắc thắng cuộc. “Phải đưa ra ánh sáng để mỗi người mở mắt mà nhìn rõ trắng đen. Phải trừng trị thói phi nhân tính. Vô đạo đức, gây gổ, hành hung, hãm hại người khác.”

Đắc mổ xẻ, phân tích rồi anh tự “giảng hòa.” Bằng một lối lí luận bám chặt lấy cái nền nhân văn, có tình, có nghĩa. Đắc chống chế cho “bị cáo,” người rắp tâm hại mình. Rằng, do tính thanh niên hiếu thắng, dễ bị kích. Rồi, lỡ lầm trong đời người mấy ai không đôi lần vấp váp. Anh tin, đời còn dài. Các anh vẫn còn đây với tháng năm, với tình làng nghĩa xóm ...”

Cả phiên tòa và mọi người nể, ngợi ca cách ứng xử của Đắc. Với Đắc, đấy cũng là kế sách. Là tính cách của kẻ sẵn mang lòng nhẫn nại, vị tha. Nó cũng là cái tình có từ vỉa lớn, luôn sẵn chứa trong con người Đắc.

Buổi ấy, phiên tòa kết thúc, Đắc chủ động đến bắt tay Bình, người chủ mưu đánh Đắc. Đắc châm cho Bình điếu thuốc lá, giọng thanh thản :

- Thế là xong. Chuyện cũ cho qua. Chúng ta người cùng làng. Nào, bắt tay bạn. Hận thù ném xuống sông, xuống biển nhé…

Năm Tân Hợi, (1971) chuẩn bị cho ngày mồng Sáu tháng Giêng, Đắc và Thảo sẽ tổ chức lễ cưới. Ngày 26 tháng 12 năm 1970, Đắc rủ Thảo làm một chuyến về “quê ngoại” Hải Dương để ra mắt họ hàng và bái lạy tiên tổ.

Về tới quê, Đắc biết, trong nội ngoại quê Thảo, từ nhiều đời đang chất chứa mâu thuẫn. Mọi người vui, ùa đến đón cô cháu gái xinh đẹp. Đắc đóng vai khách lạ chứng kiến buổi họp mặt đầy nhà.

Bao nhiêu lời vui, cả những lời hờn giận được đổ lên đầu Thảo, cô cháu gái từ lâu mới có dịp về thăm.

Sau khi kể hành kể tỏi những chuyện xưa cũ rích. Trong căn nhà ông chú làm nghề chữa xe đạp, rất đông người nhìn Đắc vẻ tò mò. Rồi không kiêng nể, ai nấy thi nhau hỏi Thảo về chuyện tình ly kỳ, hiếm thấy ở đời. Họ tấn phong người Thảo yêu là “anh hùng”. Là con thiêu thân số một. Họ than van cho chàng trai có “đường tình tội nghiệp” kia sao mà trầm luân, bị trời đày. Sao mà anh ta không chết. Sao mà anh ta còn sống được, kia chứ…”

Đắc đóng vai người khách lạ đứng nghe. Đắc cảm động, chợt ứa nước mắt. Không dấu nổi, Đắc đứng dậy cắt ngang câu chuyện mọi người. Đắc nói thật. “Thưa ông bà. Thưa các bác, các cô các chú. Hãy thứ lỗi cho cháu. “Người,’ mà ông bà, các bác, các cô chú đang nhắc, chính là Đinh Trọng Đắc. Là đứa cháu mới mẻ của nội tộc ta đây. Đứng trước bàn thờ tiên tổ, cháu xin được cúi xin ông bà, các bác, các cô chú cho cháu được làm bạn trăn năm cùng Thảo…” Đắc vừa dứt lời, tràng pháo tay rộ lên. Ai nấy nhìn Đắc với con mắt thầm phục.

Thì ra. Ở xa. Nhưng chuyện Đắc, người yêu Thảo, đã chấn động tới miền quê hẻo lánh này. Đắc ngỡ mình như thần tượng của “chuyện tình” hi hữu mà mọi người đang ngỡ ngàng bắt gặp.

Buổi ấy, Đắc thay mặt cô dâu chú rể xin phép các bậc bề trên được chính thức trình diện và kính mời mọi người về mừng lễ thành hôn.

Đám cưới của Đắc được cử hành vào những ngày đầu xuân Tân Hợi. Được tin “ngầm” báo, đám cưới của Đắc sẽ có thể biến thành đám tang. Sẽ có cuộc trả thù máu lửa.

Đắc không sợ. Đắc sẽ đến với hạnh phúc đã chọn. Đắc sẽ lo liệu, đối phó với tất cả những gì là tai ương ập đến.

Dọc đường làng. Đám cưới Đắc rồng rắn bước đi. Gần tới nhà cô dâu, xóm Song Dực, Đắc đứng lên một gò đất giữa đường. Anh giơ hai cánh tay chới với lên trời cao, hét lớn. “Lạy trời đất. Lạy các bậc tổ tiên, ông bà, các anh chị trên đất hai làng. Tôi xin phép được kết duyên cùng Thảo. Xin được từ nay, hai làng chúng ta, hãy xóa hết hận thù ân oán. Gái trai được tự do tìm hiểu, trao gửi lời nguyền, cùng chung xây hạnh phúc trăm năm.

Còn Đắc đây, ai muốn gieo ân oán, hận thù, xin hãy ra giữa ngã ba đường, ta cùng nhau làm phen tỷ thí …”

II

Lễ thành hôn của Đắc diễn ra trong hạnh phúc, bình yên.

Đêm tân hôn của lứa đôi không khác gì niềm vui con thuyền đi qua nghìn trận bão giông, vừa cập về bến đậu. Nhành hoa Thảo và Đắc nâng cầm trên tay đâu phải dễ dàng. Nó trải qua những dập vùi, tàn phá. Nó mang hương thơm của tháng ngày, của gió sương kết đọng. Nó đã tan hòa, ghim sâu trong trái tim người đang yêu như Aristot từng viết : “Tình yêu là hai con tim nằm trong một cơ thể” ta rồi.

Đắc yêu vợ. Một tình yêu sáng trong, rành mạch. Đắc dễ tin. Bởi, trước tiên, anh vốn tin mình. Nhưng, tin và yêu cũng mang riêng một kiểu của Đắc.

Không bao giờ nghi ngờ Thảo, vợ mình. Vậy mà buồn cười chưa. Vào một đêm xa ấy, Đắc phong phanh với chiếc quần xà lỏn và mảnh áo may ô. Đắc đi như chạy. Anh lội tắt cánh đồng. Nhảy như bay qua những con mương nhỏ. Vừa đi, Đắc vừa tự biện hộ cho mình. “Hãy hoài nghi tất cả. Nhưng, không được hoài nghi, tôi đang hoài nghi.”

Câu nói đó của nhà hiền triết nói về sự vận động của thế giới vạn vật. Còn Đắc. Đắc đang hoài nghi về chút tình cỏn con, vụn vặt. Nhưng, phải “mục sở thị chứ.” Vạn vật có cái gì đứng im, bất biến đâu ? Đắc đi công tác dài ngày, về tới nhà, đã khuya. Lại nhớ vợ. Hỏi. Bà mẹ Đắc lại trả lời ấp úng. “Thảo đi vắng. Nó có việc gì đấy”. “Đi đâu. Việc gì vào giữa đêm khuya khoắt ? Chầu chực để tranh cướp mua được chút hàng rẻ trong đêm ư ? Có thể. Nhưng đêm hôm. Phận gái. Nguy hiểm lắm. Bao kẻ, bởi “tin bợm, đã để mất bò kia…”

Đắc lao đi trong đêm. Mẹ Đắc bước ra sân nhìn theo bóng con trai chìm sâu vào màn sương mờ mịt. Bà chợt sợ. “Chắc cái Thảo, con dâu bà sẽ chẳng có chuyện gái trai gì ám muội. Bà tin nó. Nhưng này, khôn ba năm, dại một giờ. Trong đêm sâu.Trong khí âm mênh mông côi cút. Biết đâu, lòng dạ phận tơ liễu, dễ ngả lòng mềm yếu thì sao.”

Biết Đắc cương trực, nóng. Những xử sự thường giống như nước sôi lửa bỏng, bà mẹ Đắc xuống giọng dịu dàng : “Nó mua hàng ở chân đê Kênh Hồng ấy. Con ra đó xem sao.”

Đắc chợt xấu hổ, thầm thương sự lo sợ của mẹ. Anh vượt qua năm sáu cây số, bơi qua Kênh Hồng, con sông dài và lạnh. Tới gần đốm lửa đang cháy lên tí tách, Đắc lách bụi cỏ rậm, ngắm nhìn. “Ồ, kìa Thảo, vợ Đắc đang cùng ba bốn cô gái ngồi co ro, xúm quanh đống lửa, tay huơ lên xua muỗi, giọng ngáp dài, ngái ngủ.”

“Đận này, phải tiếng nữa thuyền mới về bến. Muỗi được bữa chén no thịt chị em mình rồi. Khổ vậy. Nhưng, liệu có tranh cướp nổi vài cân tép vụn để chạy chợ sớm mai không. Khổ thế đấy. Vì miếng cơm manh áo, phải “ăn cơm với chồng nửa bữa. Ngủ với chồng nửa đêm”. “Khổ hơn nữa, nhà tao, chồng thì đi biền biệt. Mẹ già lại đang đau ốm nữa.”

Rõ ràng, lời cuối cùng, tiếng than này của Thảo. Một phút, chạnh lòng. Đắc thầm thì. “Thương vợ quá. Thương Thảo lắm, Thảo ơi.”

Đắc vội chuồi xuống sông Kênh Hồng lao đi. Đến bờ bên kia, đứng thẳng người nghe sóng nước dâng lên vồng ngực. Đắc cúi lạy một chòm sao rất xa, đang lung linh sáng lên bầu trời trước mặt.

III

Thảo, vợ Đắc khá đẹp. Nhiều lần. Nhiều chàng trai buông lời tán tỉnh, theo Thảo về đến tận nhà. Thấy con trai, con gái chạy ra tận ngõ đón mẹ, họ mới tin Thảo đã có chồng.

Những lần ấy, Thảo khoe với Đắc. Đắc bảo vợ. “Em mời họ vào nhà uống nước cho vui. Không sao mà. Tại em chứ có phải tại họ đâu. Em đẹp, họ mê. Em xấu như Thị Nở xem nào. Chắc chỉ có gã Chí Phèo ở làng Vũ Đại thuở còn cái lò gạch cũ khốn khổ mới dám giở trò ma quỷ ấy thôi.”

Hiểu tính Đắc. Không ít lần, Thảo đã mời người đem lòng “mê”, bị Thảo “bỏ bùa,” về tận nhà gặp Đắc. “Không mời họ về nhà ư ? Thật khổ. Thảo nói thật, nói mãi. Nhưng họ chẳng chịu tin. “Thảo có chồng, có con mà còn trẻ vậy. Hay Thảo đẹp. Thảo chê người vô duyên, xấu xí ?”

“Vâng. Cám ơn người quý mến. Mời “Người” về nhà Thảo thăm chơi chút đã. Đừng ngại mà. Thảo không muốn mập mờ, nhầm lẫn. Không muốn làm khổ người khác dù trong nỗi dày vò, sâu kín.”

Một sớm, người quân nhân quê gốc Nam Hà đã theo Thảo về nhà trong mê đắm, ngại ngần. Buổi xáp mặt. Gặp Đắc. Biết Thảo đã thật sự có chồng. Anh lính chợt sợ. Nhìn gương mặt lạc đi, vẻ lúng túng, Đắc chủ động, vui. Anh phá tan không khí. Đắc chân tình cám ơn bạn đến thăm nhà. Đắc lưu bạn ở lại, cùng anh nâng ly, uống chén rượu cho vui.

Khi không khí chan hòa, gần gũi. Đắc lựa lời nói với người lính. “Hôm nay, rất vui. Anh em mình biết nhau, phải không. Ta làm bạn với nhau được chứ - Đắc biết. Anh yêu Thảo. Nhưng, Đắc có duyên hơn chăng. Đắc đến với Thảo trước rồi. Bây giờ, Thảo đã có chồng. Thảo đã là vợ Đắc. Đắc chúc anh sẽ lấy được người như Thảo và có thể hơn Thảo nhiều nữa. Duyên số ở đời. Đắc tin. Những người như anh sẽ gieo trồng và làm nên hạnh phúc thật tốt đẹp…”

Người lính thật lòng chắp tay bái lạy. Từ nhà Đắc ra về. Anh đi trong ngượng ngùng, nể trọng trước hành vi cư xử thật cao thượng và đẹp. Nắm tay Đắc thật chặt, người lính bỗng buột mồm, vẻ đùa vui. Anh nói. “Xin kính chào sư phụ” của tôi.

*

Gần những ngày “cái anh lính” đem lòng mê Thảo lần về tận nhà Đắc uống rượu. Một buổi, dự buổi liên hoan một đơn vị mừng công. Năm sáu người vừa ngồi xuống mâm cỗ chuẩn bị nâng chén. Một người mặt tím tái. Vẻ thất sắc. Anh bỗng đến bên Đắc, kéo người ngồi đối diện đứng dậy.

- Chuyện gì vậy ?

- Nguy hiểm.

- Mày không nhận ra sao ?

- Chuyện gì nào ?

- Chuyện gì à. Rút nhanh, kẻo dễ chuyện đổ máu.

- Nhưng, sao vậy.

- Lại còn sao nữa ư ?

-

- Thằng Đắc.

- Thằng Đắc ớ.

- Nó ngồi cạnh mày. Không nhận được mặt à ?

- Mày đã “giết” nó tại nhà cái Thảo.

Đắc ngỡ ngàng. Anh thoáng nghe và kịp nhận ra câu chuyện.

“Ồ. Bình. Tên Bình, người làng muốn cướp Thảo. Đêm nào đã huy động bốn năm chục người hòng đánh Đắc đến chết bên dòng sông Khoán Viễn đấy ư. Đã lâu. Bình, giờ khác quá. Câu chuyện cũ và cũng đã xong từ thuở tám hoánh nào rồi. Còn ai nuôi oán hận gì nữa …”

Đắc vội đứng bật dậy rượt theo, nắm chặt lấy vai Bình.

Đắc nói.

- Anh Bình. Anh đi đâu. Chúng ta ngồi chung với nhau một mâm cho vui chứ. Hôm nay, mọi sự đã khác nhiều. Ai dại dột ôm mãi mối thù để con rắn trong lòng tự cắn chết mình trước. Ngày mai, luôn ở phía trước chúng ta kia sao. Ai bỏ được ai. Tôi và anh vẫn mãi mãi là dân của đất mẹ, Thủy Nguyên này, đúng không.

Trong miễn cưỡng, Bình, người thủ phạm định “giết” Đắc thuở nào, từ lo sợ đã bình tĩnh nắm tay Đắc, hai người cùng ngồi xuống mâm rượu, nâng ly.

Trước lòng lành, phục thiện. Hành động cao đẹp của Đắc đã nhập vào câu chuyện, nhanh chóng lan truyền từ mâm cơm đến khắp mọi người có mặt trong cuộc gặp hôm ấy.

Nhiều người nhìn Đắc, trầm trồ. “Ồ. Đinh Trọng Đắc hả. Một người lớn. Kẻ quân tử đấy.” Và, “Đắc ư. Hắn, xứng bậc đại ca.”…