Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐỌC NƯƠC MĂT MỘT THỜI

TS Lê Thanh Hải
Thứ sáu ngày 6 tháng 10 năm 2017 7:49 AM



Kết quả hình ảnh cho Nước mắt một thời

Tác phẩm Nước mắt một thời ghi lại lịch sử bằng tiểu thuyết, một thủ pháp thường gặp trong văn học, đặc biệt là khi những câu chuyện trong quá khứ còn bị kiểm duyệt. Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng viết về thời kỳ cải cách ruộng đất, cũng giống như Tô Hoài, nhưng sâu hơn về tuyến tư duy của nhân vật. Vì là nhà báo, nên tác giả biết cách lấy bối cảnh lịch sừ làm sân khấu - setting để xây dựng câu chuyện - narrative. Nhờ làm thầy cãi, như tự giới thiệu ngoài bìa gấp về vai trò của mình cho hơn 200 vụ án oan sai, mà tác giả dễ dàng phân tích sự biến chuyển về suy nghĩ trong con người dẫn đến hành vi tội phạm, đặc biệt là tội ác chống nhân loại - crime against humanity. Có lẽ được đào tạo cơ bản về văn chương và kịch nghệ, mà tác giả đã thành công trong việc xây dựng tác phẩm văn học dựa trên những tư liệu có thật, chứ không phải loại văn chương “ám chỉ” mà ông từng giải thích khi được phỏng vấn, tức là loại văn bê nguyên hình mẫu vào nhân vật. Nước Mắt Một Thời được NXB Hội nhà văn văn phát hành từ năm 2009, xứng đáng được đưa vào danh sách các tác phẩm cần đọc thêm trong chương trình bình giảng văn học để học sinh tiếp nhận kỹ năng sáng tác. Với tôi, quyển truyện được nhà văn tặng chắc chắn sẽ là bài tập đọc bắt buộc cho sinh viên ngành Việt Nam học, đặc biệt là sinh viên nước ngoài hay gốc Việt muốn tìm hiểu Việt Nam.

Có rất nhiều điểm tương đồng giữa tác phẩm văn học của Nguyễn Khoa Đăng và những công trình khoa học nghiên cứu chính trị xã hội của triết gia Hannah Arendt, người nổi tiếng với các phân tích về hành vi tội phạm khi người ta lên đồng tập thể. Từng làm nhà báo tường thuật phiên tòa xử các lãnh đạo Phát xít Đức ở Nuremberg, giáo sư Hannah Arendt sau này đã đúc kết lại về diễn biến tâm lý của con người, khi sống trong một thể chế lệch lạc sẽ dần đồng cảm với tội ác, để rồi từ tâm thức dửng dưng dễ dàng trở thành kẻ tích cực phạm tội hơn ai hết. Đó cũng chính là điều mà Nguyễn Khoa Đăng đã lột tả khi dẫn dắt người đọc bước vào cõi tư duy của các nhân vật mà ông đã xây dựng cho không gian văn học của một thời cải cách ruộng đất, nơi mà sự sống hay cái chết sẽ được quyết định sau một cuộc cách mạng xã hội chóng vánh, mà đỉnh điểm là phiên đấu tố, và kết thúc bằng tòa án nhân dân. Nếu Tô Hoài kể lại hồi ức của những anh đội, tức là ngòi nổ cho cải cách, còn Tô Ngọc Vân vẽ lại tâm trạng của những người địa chủ đang dần bị đưa vào thế bị tiêu diệt, thì Nguyễn Khoa Đăng đưa chúng ta, độc giả, vào vị trí của hai đứa bé ở hai đầu giai cấp đối kháng nhau, cùng lớn lên trong mùa cách mạng, cùng chứng kiến và cùng phải vật lộn với số phận để tồn tại theo thời cuộc. Cái bi kịch của một dân tộc đã được Nguyễn Khoa Đăng giản lược hóa thành những mâu thuẫn kịch nghệ Plato trên sân khấu cuộc đời, mà mỗi chúng ta luôn phải chọn lựa hàng ngày: trao thân và đồng lõa với kẻ tội phạm để sống sót, hay tha thứ và nhận họ hàng để cho con của kẻ đã giết cha mình một tương lai thăng tiến? Những câu chuyện như vậy rất thường gặp ở bất kỳ nơi nào trên mảnh đất Việt Nam, mà nhà văn đã khéo léo để sử dụng theo cách của mình mà lý giải sự độc ác của con người trong một thể chế bệnh hoạn. Hiểu được điều đó - những gì tưởng như đã xảy ra trong quá khứ 50 năm trước, người đọc sẽ không khỏi giật mình khi dự phóng cái qui luật này vào hiện tại, khi mà tội ác thể chế vẫn ̣đang tiếp tục diễn ra với qui mô lớn hơn xưa rất nhiều.

Các triết gia trong ngành khoa học nhận thức như GS Robert Pilat coi tư duy của con người là cõi vô hình, được con người định dạng. Nói một cách sơ lược, thế giới bao gồm các vật hữu hình và những điều không thể nào xác định được hình dạng của chúng, gọi là vô hình. Khi nhìn thấy những vật hữu hình như cục gạch và cây bút, mắt ta chuyển ngay tín hiệu có thực đó đến cho não để xử lý. Trong trường hợp đã được rèn luyện hay có trải nghiệm từ trước, thì dù không nhìn thấy góc khuất của sự vật, tức là phía ẩn hình đằng sau phần hiện hình như phía bên kia của mặt trăng hay cái chân bàn bị che lấp, thì não bộ vẫn tự động nhận biết cái mà mắt không nhìn thấy. Rồi con người áp dụng qui trình đó để phán đoán những gì vô hình mà người đối diện đang nghĩ trong đầu, qua những gì thể hiện ra ngoài như ánh mắt, cử chỉ, hay hành động, hoạt động, câu chữ, và nhất là hồi ký và tự sự. Thủ pháp của Nguyễn Khoa Đăng cũng như vậy, đặc tả tâm lý nhân vật giống như cách phán đoán của quan tòa, tức là thu thập đầy đủ thông tin từ hoàn cảnh rồi xác định motif của bị cáo khi đi đến hành vi phạm tội. Nhưng, ̣điều khác biệt là, từ góc nhìn của nhà văn, ông không làm công việc xét xử nhân vật như quan tòa, cũng không kể tiếp phần kết ghê rợn của vụ án như nhà báo, mà hướng dẫn độc giả nhìn sự việc qua cặp mắt nhân văn, như trong một công án thiền, chỉ ra cho họ thấy một hướng giải quyết thực tại khác hơn là bình thường, văn minh hơn, và đầy tính người hơn. Vai trò của một nhà văn khi tái hiện lại lịch sử đúng là như vậy, đưa độc giả vào không gian đúng thực như quá khứ, nhưng rồi thoát ra bằng một con đường riêng, không đem theo bóng ma từ nửa thế kỷ trước ra theo mình, mà chỉ nối tiếp bằng suy ngẫm để lịch sử thảm khốc không có cơ hội lặp lại.

Nếu muốn chiêm niệm về xã hội Việt Nam, chúng ta có thể tìm đọc tác phẩm của GS Hannah Arendt về thể chế mà bà gọi là toàn trị - totalitarism, một cỗ máy chà đạp con người vận hành có hơi khác với những dạng thức như độc tài - dictatorship, gia đình trị - despotism, hay suy tôn lãnh đạo - tyranny. Dù rằng có thể bắt đầu từ một chế độ độc đảng hay một xã hội chỉ cho phép duy nhất một hệ tư tưởng tồn tại, nhưng khi đã cắm rễ và phát triển, thì cỗ máy này nhanh chóng biến dạng thành một dạng thức chính trị hoàn toàn khác, diệt trừ toàn bộ hệ thống chính trị, luật lệ và xã hội hiện có, xóa xổ ngay chính đảng phái và tư tưởng đã tạo dựng ra nó. Giai cấp đã bị lợi dụng để biến thành một đám đông có sức mạnh còn hơn cơ chế đảng phái, chuyển quyền lực từ quân đội sang cảnh sát, và vận hành với hệ giá trị cực đoạn đến nỗi không còn cơ cấu xã hội nào có thể chịu đựng nổi (Hannah Arendt 1979, Nguồn gốc của Toàn trị). Những người nông dân bình thường chỉ vì miếng mồi quả thực mà sẵn sàng bịa chuyện để cấu xé một ai đó, rồi bất ngờ bị đồng bọn cắn xé để giành giật tiếp. Sự cướp phá được bảo vệ bằng hệ tư tưởng đã bị biến thái qua nhiều cấp độ truyền đạt, cùng bạo lực mạo danh cách mạng, như cảnh lão Kền giật chiếc xe đạp cũ hỏng: “cái này là của ông bà nông dân chúng tao” (NMMT tr.157). Kẻ cướp được quyền lực bảo vệ để cầm chiếc cân công lý, còn người bị cướp lại bị đẩy vào thể dân oan bị lột sạch từ tài sản cho đến phẩm giá làm người: “mượn vàng của người khác đem bán để đong thóc nộp cho các ông lại bị chính các ông kết tội, hỏi còn uất ức nào hơn không hả trời?” (NMMT tr.161). Nhưng họ còn biết kêu ai nữa chứ, khi mọi trật tự trong xã hội đã bị đảo lộn hết, đến chị em ruột còn không dám nói chuyện với nhau dù chỉ một câu chào hỏi. “Sót ơi, dù bà có là bần nông hay cố nông thì bà bần cố với ông bà nông dân, còn với con bà đừng có thế, dù sao bà vẫn là em ruột của con, con thương, con nhớ bà lắm” (NMMT tr.178). Cải cách ruộng đất từ lâu đã chính thức bị coi là sai, người lãnh đạo cao nhất của thể chế đã xin lỗi, nhưng không ai dám nhận lãnh trách nhiệm và sửa sai cho cái xã hội đã bị cảnh cái ruộng đất làm đảo lộn và nát nhừ. Cỗ máy toàn trị không tha ngay cả chính những người đã có công tạo ra nó thời ban đầu, không chút chần chừ gán ghép họ vào một diện đối tượng nào đó để cướp sạch quả thực, theo một qui mô ngày càng kinh khủng khiếp hơn trước. Quả thực ngày hôm nay là số tiền hàng chục hay thậm chí hàng ngàn tỉ, thể hiện qua cái giá phải chi để mua chức, cái nhà cái xe để thể hiện, hay món nợ quốc tế mà người dân đen cùng con cháu họ sẽ phải trả.

Văn học là liều thuốc chữa chấn thương tâm thần cho một dân tộc, mà tác phẩm của Nguyễn Khoa Đăng đã làm tròn vai trò tháo xả bớt sự dằn vặt uất ức và nỗi ám ảnh triền miên về một giai đoạn trong quá khứ mà lớp người như ông đã phải trải qua. Nhưng, cũng giống như tiểu thuyết tự truyện của Tô Hoài, và những bức tranh ký họa của Tô Ngọc Vân, đó chỉ là một ghi nhận về lịch sử, chưa có giải pháp rõ ràng nào cho tương lai, lại càng không có hành động nào để ngăn chặn bánh xe toàn trị hôm nay đang chà đạp lên các giá trị truyền thống, và xâm hại ngay chính những người đảng viên chân chính một cách không thương tiếc. Chưa thấy có cây bút trẻ nào nổi bật bước vào không gian lịch sử này để thử tìm giải pháp lý thuyết cho cái di sản nặng nề đó của dân tộc Việt. Hi vọng đây là một điều có thể sẽ đến trong tương lai không xa, bởi vì nỗi đau này đã kéo dài quá lâu, và di căn sẽ biến chứng khiến cho bản tái tạo của dân tộc Việt sẽ mãi tật nguyền. Tiểu thuyết Nước Mắt Một Thời là một bức tranh với nhiều tuyến nhân vật, mà dường như một nét phác nhỏ tả thực trong đó về một người phụ nữ bình dân mới chính là điều mà nhà văn đã ấp ủ, về hình tượng mà nhạc sĩ Phạm Duy từng gọi là “mẹ Việt Nam” - dân tộc qua biểu tượng một người phụ nữ và đứa cháu gái của mình. Người mẹ dân tộc ấy cũng giống như chị Nghiệm, ở góa thờ chồng chết vì đạn Pháp, vớỉ những giá trị truyền thống đậm đà đủ để không “chết vì son đố mì”, tức là những điệu nhảy kết đoàn mà cuộc cách mạng xã hội lúc bấy giờ đem vềlàng quê yên ắng. “Chỗ nào cũng nhảy, cũng hát bài hát đó. [...] Nhảy ở sân nhà. Nhảy ngoài sân đình. Nhảy ngoài đồng [...] Cứ như điên. Quay cuồng tít mù. Thật lạ. Biết bao hệ lụy xảy ra. Ngày đó không ai thống kê được có bao cô gái trinh bạch, xuân xanh hơ hớ... chỉ vì nhảy mà biến thành... đàn bà, bụng mang dạ chửa” (NMMT tr.96-97). Nhưng, người mẹ Việt Nam đủ bản lĩnh vượt qua cái mạng nhện trào lưu hừng hừng đó, lại không thoát nổi cuộc họp với đội Khoảnh, khi niềm vui được hạ thành phần phải đi kèm với điều kiện giáo dục lập trường giai cấp. Để được thành người nghèo, thì cần phải cùng với cán bộ đội “trần truồng quằn quại, quấn chặt lấy nhau như hai con rắn đến thời kỳ giao phối” (NMMT tr.132-134). Những cô gái đẹp lọt vào đôi mặt đục lờ khói thuốc lào của những ông anh “nhất đội nhì trời” sẽ thật khó mà thoát, nhất là một khi được tín nhiệm tuyển chọn làm chỗ để ba cùng hay bắt xâu bắt chuỗi (NMMT tr.135). Và người mẹ Việt Nam ấy, bụng ngày một to kềnh ra để thành phần giai cấp được xẹp xuống, sau chín tháng mười ngày đẻ ra một ông trời con, bỏ quê lưu lạc, và sau 50 năm thì lưng còng tóc bạc cố tìm về nhà thờ họ để xin cho đứa cháu nội một bản lý lịch mới cho khỏi “phải thất vọng về nguồn gốc, về dòng dõi xuất thân” làm con cháu của một kẻ giết người, ̣đặng còn xứng với gia đình bên chồng “toàn giáo sư tiến sĩ cả” (NMMT tr.206). Dân tộc Việt Nam phải làm sao đây khi “con của con kẻ giết bố giờ đây muốn trở về xin được nhận nạn nhân làm cụ nội, nhận cùng huyết thống với dòng họ?” (NMMT tr.207). Thang thuốc tâm lý của riêng tác giả là đốt nhang kể về quá khứ rồi chuông mõ sám hối. Nhưng, liều thuốc đó liệu có chữa được dị tật cho dân tộc Việt? Di chứng từ phát súng vỡ toang đầu, phọt óc ra như bã đậu, sau lệnh tử hình của phiên tòa đặc biệt năm ấy, trong tiếng hò reo, tiếng hô đả đảo, và tiếng trống ếch hoan hỉ dậy trời (NMMT tr.276).

LTH

  • Tiểu thuyết của Nguyễn Khoa Đăng,NXB Hội Nhà văn 2009