Hai con khỉ của Bruegel (1)
Ðây giấc mơ lớn của tôi trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông:
bị xích chân
hai con khỉ ngồi trên cửa sổ
ngoài kia biển đang tắm
và bầu trời đang bay.
Môn tôi thi lịch sử con người
Tôi lắp bắp và tôi ngụp lặn.
Một con khỉ đăm đắm nhìn tôi và mỉa mai nghe
Một con dường như chợp ngủ
Khi sau một câu hỏi khó
là một hồi lặng im
Nó mách tôi
bằng leng keng tiếng xích.
WISLAWA SZYMBORSKA, Tạ Minh Châu tuyển dịch , Nxb Hội nhà văn, 1997, tr 30
(1) Chú thích của dịch giả: Bức tranh của danh hoạ Bruegel nổi tiếng vào thế kỷ XVI.
W Szymborska ( 1923 - 2012) nhà thơ Ba Lan, giải Nô ben văn học 1996. Thế giới thơ của Bà cho ta thấy: “Cái thiện và cái ác, cái đẹp và cái xấu luôn đan xen nhau, giành giật nhau từng phân tấc trong khoảng không tư duy và hành động con người”( Tạ Minh Châu).
Bài thơ lấy đề tài từ một bức tranh của danh họa người Bỉ, Brueghel (1525- 1569). Theo một nhà bình luận : “Trong một bức tranh của Brueghel có hai con khỉ bị trói trong một cái cửa sổ của một cái tháp. Hậu trường phía dưới là quang cảnh thành phố và thiên nhiên, như con khỉ ngây độn …Không thể hiểu sai chệch về ý tưởng này: con người là con khỉ bị xích. Sao lại là khỉ?- không nghi ngờ gì nữa. Dây xích?- những thói quen, đạo đức, ngôn ngữ, sự giáo dục, sau đến sự hạn chế của bản thân, sự bất lực, sự yếu kém. Từ thế giới của con khỉ bị xích nhận ra điều gì?- một hình ảnh hoang mang. Cái gì được cho là quan trọng: ăn, uống, ngủ, tình dục và dây xích. Những khát vọng của nó là gì? cuộc sống của nó ra sao?- Có xứng đáng để nói về nó hay không?” “Tất cả con người của Brueghel là con khỉ bị xích.”
Bài thơ đặt tình huống tác giả đứng trước kì thi môn lịch sử về con người. Từ học thuyết Darwin, “con khỉ chuyển hóa thành người”, sự tiến hóa và lịch sử nhân loại. Những chi tiết “biển đang tắm”và “bầu trời đang bay” diễn tả sự vận động tự nhiên cũng như thời gian. Tác giả là nhân vật “tôi”, trước kì thi lịch sử: “trả lời” nhận thức về lịch sử phát triển nhân loại cứ “ấp úng”, “lắp bắp”. Đó là một câu hỏi khó. Một con khỉ “chế diễu” , “mỉa mai”; một con buồn ngủ, không quan tâm. Thật nghịch lý và hài hước. Vì chúng đều bị xích, chúng đâu có tự do. Nên cái lý thuyết “vượn chuyển hóa thành người” xem ra không ổn. Tất cả những “giáo điều” về phát triển, tự do, văn minh của nhân loại được dạy trong các trường học, trước mắt con khỉ, thật buồn cười. Con khỉ “nhắc nhở” bằng rung dây xích, để cảnh tỉnh rằng “chúng đâu có tự do”, và người trả lời trong kì thi cũng đâu có tự do. Gợi nhắc về câu nói của Hăm Lét: “Đan Mạch là nhà tù, cả thế giới này là nhà tù”. Như một bình luận của Ngu Yên: “Con khỉ của Darwin và lịch sử nhân loại; con khỉ bị xiềng xích; con khỉ rung dây xích nhắc nhở câu trả lời; những móc nối giữa các hình ảnh tạo ra sự nhột nhạt của kiến thức con người về chính thân phận của mình”. Nhà thơ giúp người đọc kĩ năng nhận biết thế giới qua những điều bình thường . “Những nghịch lý, mâu thuẫn được bà trình bày một cách đơn giản, dù những chủ đề rất phức tạp, tàng ẩn triết lý và đầy những ám ảnh.”