Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CẦN CÓ MỘT GIẢI THƯỞNG LỚN, TẠI SAO KHÔNG?

Vũ Quốc Túy
Thứ hai ngày 2 tháng 10 năm 2017 5:37 AM




Kết quả hình ảnh cho Bút tre Đặng Văn Đăng


 

Tôi rất đồng thuận với ý kiến của nhà thơ Trần Nhương, là phải có giải thưởng văn học lớn dành cho nhà thơ Bút Tre.

Thơ ca Việt Nam có rất nhiều trường phái. Trường phái người đọc dễ nhận biết nhất có lẽ là thơ Con Cóc và thơ Bút Tre. Thơ con cóc có xuất xứ từ một câu chuyện dân gian diễu nhại ba anh chàng ấm ớ không biết làm thơ lại thích khoe tài thi phú. Thế rồi bài thơ về con cóc của họ đã trở thành bài thơ duy nhất của một dòng thơ tiêu biểu cho cái loại thơ dở. Còn thơ bút tre là dòng thơ dân gian do một người sáng tạo nên, đó là nhà thơ Bút Tre - Đặng Văn Đăng (1911- 1987) quê quán xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Ông đã từng làm bí thư thứ hai sứ quán Việt Nam tại Rumani, sau đó về làm trưởng ty Văn hoá tỉnh Vĩnh Phú ( vào những năm 60 thế kỉ 20, hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc sáp nhập, nên có tên như vậy). Có thể nhiều ngươi chưa biết tác giả có bút danh Bút Tre là ai, nhưng thơ Bút Tre đã thực sự trở thành một trường phái, một dòng thơ dân gian được người đời truyền tụng như ca dao tục ngữ vậy. Thơ Bút Tre dễ nhớ, dễ sáng tác nên nhiều người làm được và sức phố biến của nó cũng rất nhanh chóng, trở thành thứ văn chương truyền miệng giống như hò vè. Thơ bút tre phần lớn là thơ thể lục bát, có hai đặc điểm chính. Một là bẻ câu, lái chữ, ép vào cho vừa khuôn vần. Hai là tả thực một cách ngây ngô bằng ngôn từ thông tục tạo ra nghịch lý gây cười. Ví dụ về bẻ câu, lái chữ:

"Hoan hô đại tướng Võ Nguyên

Giáp trên mặt trận Điện Biên anh hùng"

Hay là " Liên Xô rất đỗi tự hào/ anh Ga ga rỉn bay vào vũ tru" (anh Ga ga rin bay vào vũ trụ) .Ví dụ về tả thực:

" Con đò gệch đít sang ngang

Bên kia có một cái làng thò ra".

Con đò có hai mũi, không thể phân biệt đâu là đầu đâu là đít, mà lại gệch đít để sang ngang là một nghịch lý đến kì quặc. Còn cái làng bất động lại "thò ra" theo cái nghĩa rất thông thường mà sống động như thể ngôi làng đã thò đầu ra chờ chực sẵn để tiếp nhận con đò sang ngang vậy. Một bên thì " gệch đít" một bên thì " thò ra" gợi hình tượng hai bên luôn sẵn sàng phối hợp hành động, điều ấy làm người đọc phải bật cười.

Thơ bút tre đã đi vào đời sống như cơm ăn nước uống hằng ngày và tác giả của nó không còn là một người nữa mà là quần chúng nhân dân. Sức lan tỏa của thơ bút tre mạnh mẽ như phản ứng nhiệt hạch, phản ứng hat nhân tạo ra năng lượng cực kì lớn. Nó đã thổi một luồng gió mới vào đời sống tinh thần của xã hội, cổ vũ động viên khích lệ các phong trào do Đảng và Nhà nước phát động trong thời kì kháng chiến kiến quốc.

Có thể nói Bút Tre Đặng Văn Đăng là một nhà thơ lớn. Ông đã có công sáng tạo ra một trường phái, một dòng thơ có sức sống lâu dài, đồng hành cùng dân tộc. Sau nhiều lần Nhà nước ta trao tặng giải thưởng về văn học nghệ thuật cho các tác giả văn chương, vẫn chưa thấy có tên nhà thơ Đặng Văn Đăng- Bút Tre. Đó thật sự là một điều đáng tiếc! Cần có giải thưởng xứng danh cho ông, tại sao không?


Hiện nay ông có 2 tác phẩm chưa in gồm: địa chí xã Đồng Lương và Nguyễn Trãi người anh hùng của dân tộc.
Về thơ ông có 4 tập thơ chưa in: Nguyễn trãi, Nguyễn Quang Bích, Nhật ký thơ, Tia lửa làng.
Các tập thơ đã in gồm:
- Rừng cọ đồi chè
- Phú thọ lớn lên
- Sông Lô sông Chảy 
- Quê hương Phú thọ

(theo chuồn chuồn kim)