Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

HAI BÀI THƠ VỀ LỄ HỘI CHỌI TRÂU CUẢ NHÀ THƠ PHẠM XUÂN TRƯỜNG

Phạm Văn Chữ
Chủ nhật ngày 1 tháng 10 năm 2017 4:34 PM





Nhớ câu ca xưa: “Dù ai buôn bán nơi đâu/ Mùng mười tháng tám chọi trâu thì về/ Dù ai buôn bán trăm bề/ Mùng mười tháng tám thì về chọi trâu”

Một sự cố chưa từng có đã diễn ra ở vòng đấu loại tại Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, 1/7- 2017: “ông Trâu số 18”, khi vào trường đấu, chẳng hiểu vì sao, đã “không thèm” húc đấu quyết tử với đối thủ đồng loại, “ông Trâu số 23”, mà chạy quay trở lại tìm và húc xốc ông chủ của mình lên mấy lần, lại còn dùng chân dày đạp, làm ông chủ tử vong, sau mấy tiếng đồng hồ BV cứu chữa bất thành. Nó chẳng những làm cho hàng vạn khán giả xem trực tiếp tại “đấu trường” kinh hãi mà còn gây cú sốc tâm lí cho hàng triệu người đọc báo, đọc tin, xem video ghi lại cảnh tượng hãi hùng, thương tâm đó.

Nhà thơ Phạm Xuân Trường ở Tp Hải Phòng, nơi tổ chức lễ hội, cùng chung cảm xúc ấy. Và, những phút xuất thần cảm hứng đã đến với tâm hồn thơ nhạy cảm, ông viết ngay bài “Khi loài trâu còn biết nổi giận”. Lại nhớ, trong tập thơ “Ở trọ hồn làng”, NXB Hội nhà văn. 2007, Phạm Xuân Trường cũng đã viết về đề tài này, đó là bài “Chọi trâu”. Đọc cả hai bài, nhiều suy ngẫm và càng quý, càng nể phục thi tài của nhà thơ họ Phạm, Đất Cảng. Trước hai luồng ý kiến, duy trì hay dẹp bỏ Lễ hội này, P.X.T đã nói bằng thơ quan điểm của mình. Và cũng nhân đó, nói tới những điều khác, đáng quan tâm hơn. Xin đưa lên đây để mọi người cùng đọc cho vui.

CHỌI TRÂU

Chẳng thù chẳng oán gì nhau

Cũng từ một mẹ lấm màu nhân gian

Cũng là trong họ ngoài làng

Chiến trường đẫm máu cát vàng đỏ tươi

Tế thần khép lại cuộc chơi

Thắng thua phanh xác hồn phơi nắng vàng

Mồ côi đàn nghé kêu hoang

Và bao trâu mẹ đội tang đi tìm…

KHI LOÀI TRÂU CÒN BIÊT NỔI GIẬN

Hiền như đất khác gì đâu

Cỏ non xanh biếc một màu trời mây

Sinh ra vốn để đi cày

Cày xong bỏm bẻm miệng say « bã trầu »

Cũng là máu đỏ như nhau

Khác nào bầu bí một màu đấy thôi

Con người thỏa mãn cuộc chơi

Đóng gióng, mang chọi để rồi phanh thây

Nghìn xưa có một hôm nay

Chủ là « vua » bị trâu dày dưới chân

Hình như nghiệp chướng xoay vần

Nhìn trâu húc đổ « vương quân bạo quyền ».

Chí Linh, 3/7- 2017

LỜI BÌNH

Hai bài thơ ngắn gọn, viết cách nhau mười năm, cùng một bút pháp, một phong cách, một sở trường thơ lục bát, một cách nhìn, một thái độ, một cách triết lí, mà không lặp lại của PXT, đã tạo nên sức hấp dẫn đối với người đọc.

Biện pháp nghệ thuật phúng dụ ở đây quả là đắc địa. Nhờ đó mà tác giả trước hết đã bộc lộ được tình cảm truyền thống đối với con trâu như người nông dân từ bao đời, coi « con trâu là đầu cơ nghiệp » của mình, quý như một người bạn, như một người thân : « Trâu ơi, ta bảo trâu này :/ Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta/ Cấy cày vốn nghiệp nông gia/ Ta đây trâu đấy ai mà quản công/ Bao giờ cây lùa còn bông/ Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn. »(Ca dao). Vẫn thân thiết, đầy tình cảm như vậy. nhà thơ quan sát tinh tế, nhìn từng « thành viên » trâu và bầy đàn trâu sao mà dễ thương và đáng yêu đến thế ! Được thuần dưỡng qua hàng vạn năm, trâu không còn hoang dã, mà trở nên ‘hiền như đất », và đầy sức sống như « Cỏ non xanh biếc một màu trời mây ». Trâu chung sống « có tình có nghĩa », vì sinh ra « Cũng từ một mẹ lắm màu nhân gian » nhọc nhằn gian khổ, cùng loài 4 chân 2 sừng « da đen máu đỏ », « Cũng là trong họ ngoài làng » với nhau. Trâu làm bạn với người, gắn bó với ruộng đồng, làng quê, cứ lầm lụi cày bừa để trồng nên lúa nên khoai…Mà chẳng có đòi hỏi gì, chỉ ăn cỏ và hưởng cái phần rơm rạ từ lúa, dây dợ từ khoai…Yêu biết mấy, những trưa hè « nồm nam cơn gió thổi », trâu nằm thở dưới bóng cây râm mát đường làng, cứ thanh thản «bỏm bẻm miệng say bã trầu »…Câu thơ gợi hình và pha chút dí dỏm, còn gợi lên cảnh thanh bình, yên vui.

Phần nửa sau của mỗi bài, tác giả đã khéo dùng thủ pháp tương phản để nói lên những điều phi lí. Trâu vốn hiền lành, dễ tính, biết chung sống thân thiện và thương nhau, « Chẳng thù chẳng oán gì nhau », mà cớ sao lại có cái cảnh ra trường đấu, tự nhiên vô cớ, vừa thoáng nhìn thấy nhau đã lập tức chạy lao thẳng vào nhau, húc nhau chí tử để mua vui, làm khoái chí cho mấy chục ngàn người trên khán đài như lên đồng, cứ nhảy lên la hét, hò reo « cổ vũ »… ?. Thế đấy, một số người đã ỷ thế mình là người, có trí khôn hơn, đã huấn luyện trâu, đánh lừa trâu, tôn lên thành « ông Trâu », sai khiến trâu, trước khi bị giết còn đem sức lực vốn « khỏe như trâu mộng » của mình ra « làm điều ác » với nhau, đánh nhau đến chết, bằng những đòn độc hiểm, để rồi cả hai đều bị « bương đầu mẻ trán », gãy sừng, mình đầy thương tích, « Chiến trường đẫm máu cát vàng đỏ tươi »… Và, thật là oái oăm và kì quái, khi mà « Con người thỏa mãn thú chơi », thì cả trâu thắng, trâu thua đều bị « phanh xác hồn phơi nắng vằng ». Không phải chỉ thịt xương phơi mà là « hồn phơi » ! Ôi, sao mà nhẫn tâm và ác hại đến thế ? Lại còn ngụy lí, ngụy biện bảo rằng, làm vậy để tế Thần, cầu xin các chư vị phù hộ cho người đi biển thì gặp « trời yên biển lặng », đánh bắt nhiều tôm cá, người đi cày thì khoai lúa đầy đồng, bội thu, dân tình yên ổn, ấm no, hạnh phúc. Phi lí ! Các vị phúc Thần « cứu dân độ thế » sao lại muốn cho thế gian tồn tại cảnh đánh giết lẫn nhau ? Phi lí hơn, người ta lại công nhận cái trò chơi mang tính bạo lực và thương mại, vừa mông muội vừa dã man này là « Văn hóa phi vật thể », đậm đà bản sắc dân tộc ( ?!). Xin thưa, dân Việt không sợ chiến tranh, nhưng luôn yêu chuộng hòa bình, căm ghét chiến tranh bạo lực và có tinh thần thượng võ, nhưng theo một cách hoàn toàn khác . Được biết, ở Tây Ban Nha, Hội« Bảo vệ quyền động vật » đã biểu tình phản đối Lễ hội đấu bò tót ; họ gọi một cách mỉa mai, hài hước là « Nỗi nhục quốc gia và di sản văn hóa ». Hai bài thơ cũng thấm đẫm cái âm hưởng từ giọng điệu trào phúng mỉa mai ấy. Mà nghĩ ra, thiếu gì trò chơi với con vật mang tính hữu ích, văn hóa, văn minh hơn. Đồng bào Tây Nguyên nuôi voi thì chỉ luyện voi chạy thi, luyện voi thi chơi đá bóng, chẳng bao giờ bắt voi phải quật nhau. Còn với trâu, có cặp sừng vòng lên đẹp như hình trăng khuyết là để tự vệ và cho đẹp dáng, chứ đâu phải để đánh đồng loại ; Trời « Sinh ra là để đi cày », thì hãy luyện trâu thi đấu bằng cái chức phận ấy. Chẳng hạn, cho các chú trâu thi cày đất, cày ruộng, kéo một lúc 2-3-4 cái cày ; hoặc luyện trâu thi nhau kéo khúc gỗ nặng, như bà con Khơ- me cho bò thi kéo bừa trên đất ruộng vậy.

Phúng dụ còn tạo cho tác giả cách hư cấu « có lí » để nói đến một vấn đề khác, mang tầm ý nghĩa xã hội lớn hơn, khiến ta phải liên tưởng, ngẫm nghĩ, luận bàn…Cứ tưởng tượng, trâu cũng có « một tổ ấm gia đình hạnh phúc ». Nhưng rồi, trâu bố ra trường đấu « một đi không về »… Thê thảm làm sao cái cảnh « sẻ nghé tan đàn », trâu con thì « mồ côi bố », trâu mẹ thì « góa chồng » : « Mồ côi đàn nghé kêu hoang/ Và bao trâu mẹ đội tang đi tìm… ». Biết kêu đâu, tìm đâu… ? Chỉ là vô vọng! Biện pháp chuyển nghĩa từ cách nói ám chỉ ở đây khiến người đọc không chỉ suy ngẫm về một lễ hội, một trò chơi phản nhân văn, đã lỗi thời* mà còn không thể không liên tưởng đến lịch sử nhân loại và quốc gia đã trải bao cuộc chiến tranh đổ máu xương vô nghĩa, mà hậu quả chỉ là tang tóc, đau thương bao trùm lên cuộc sống. Cho đến tận bây giờ di họa vẫn còn tiếp diễn đó đây. Ý nghĩa phản đối chiến tranh đã toát lên từ hình tượng nghệ thuật.

Người với người là bạn ! Đó là chân lí, là khát vọng muôn đời bất hủ. Dân lành ở đâu và thời nào cũng hiền « như đất », « như cỏ », muốn sống yên bình, hạnh phúc. Nào có ai muốn « coi chiến tranh là một trò đùa » để rồi bắn giết lẫn nhau. Người tiêu diệt người là điều trái với đạo lí, trái với thiên lí. Âý thế mà vẫn cứ diễn ra. Do đâu ? Có một loại người được Trời phú cho thông thái, tài giỏi hơn, nhưng lại cực kì ích kỉ, luôn nuôi tham vọng bá vương, bá quyền, muốn thống trị cả thế giới, đã áp đặt quyền lực, xúi bẫy, xua đuổi muôn dân vào cuộc chiến để « thỏa mãn thú chơi » khát máu. Nhưng hậu quả thảm thương không chỉ dành cho những người dân lương thiện. Lời thơ kết ở bài sau đã triết lí theo một hướng khác : « Hình như nghiệp chướng xoay vần/ Nhìn trâu húc đổ « vương quân bạo quyền ». Nhà thơ không phải không thương cảm người bị nạn, nhưng để thực hiện được ý đồ nghệ thuật, buộc phải nhìn ở góc độ « khi loài trâu biết nổi giận », chứ không phải là « trâu điên », « trâu phản chủ », để có một thông điệp cảnh tỉnh : Gieo Nhân thì phải nhận lấy Qủa, những thế lực « vương quân bạo quyền », phản động, phản tiến bộ rồi sẽ bị quả báo, bị dân chúng cần lao đau khổ quật đổ ngai vàng !* Nhưng loài người hãy luôn cảnh giác, quyết không bao giờ để cho những thế lực bạo tàn « say máu chiến tranh » đẩy vào vòng đạn lửa tàn khốc một lần nữa với Thế chiến thứ III !

Chắc rằng, hai bài thơ giàu tính triết lí và tính nhân văn này sẽ được bạn đọc nhiệt tình đón nhận.

Phạm Văn Chữ

phamvanchu@gmail.com

Ghi chú :

*Sau Lễ hội, các chú trâu thi chọi dù thắng hay thua, đều bị giết thịt. Thịt này đắt gấp mấy lần thịt trâu thường, vì cho rằng, đây là lộc Thánh, ăn sẽ được tiêu trừ bách bệnh, luôn được mạnh khỏe. ( !?)

*Đại chiến thứ II kết thúc, Hitle bị chết mất xác, Mutsolini bị thanh niên Ý phanh thây, chỉ có Nhật hoàng được sống vì biết đầu hàng Đồng minh.