Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

PGS VĂN NHƯ CƯƠNG, NGƯỜI TẬN HIẾN CHO SỰ NGHIỆP GIÁO DỤC

Thiên Sơn
Thứ hai ngày 9 tháng 10 năm 2017 7:01 PM




Kết quả hình ảnh cho Thày Văn Như Cương

Mỗi sớm mai tỉnh dậy, nghĩ về những gương mặt rạng rỡ, những nụ cười tươi rói của lớp lớp học trò, PGS Văn Như Cương lại thấy lòng yên tĩnh, một niềm vui dịu dàng thức dậy trong tâm hồn. Ở tuổi 80, không còn khỏe như xưa, nhưng chính các em, những lớp học trò thân yêu ấy đã làm cho ông thấy cuộc sống này thật là đẹp đẽ và ngập tràn hạnh phúc. “Không có điều kỳ diệu nào hơn là tuổi trẻ, các trò hãy nghe thầy nói, tuổi trẻ là khởi đầu của cuộc đời, không được để phí dù chỉ là một phút nào vào những việc vô bổ, hãy học thật tốt và hãy vui chơi lành mạnh, hãy biết ước mơ và phấn đấu vì ước mơ của chính mình”.

PGS Văn Như Cương yêu học trò như con, như cháu mình. Ấy là một tình yêu đã thấm vào xương tủy, cả cuộc đời, không lúc nào ông không nghĩ về nghề giáo, tận tâm, tận lực với nghề nghiệp của mình. Và tình cảm ấy đã dành được sự đến đáp xứng đáng bằng tấm lòng tôn kính của nhiều thế hệ học trò. Mỗi lần ông xuất hiện ở trường Lương Thế Vinh thì hàng chục, hàng trăm học trò chạy ùa ra, vây quanh thầy. Có em sà vào lòng thầy, có em đứng bên thầy im lặng ngắm dáng hạc mảnh mai, bộ râu dài, trắng muốt và gương mặt hồn hậu như một tiên ông hiện ra từ cổ tích. Những lần như vậy, PGS ân cần hỏi các em: “Các con ăn có ngon không?” “Các con học có hiểu bài không?” “Các con đến trường có vui không?” “Có điều gì khiến các con băn khoăn hoặc không hiểu thì hãy nói với thầy?” Những lời ấy đã lay động tâm hồn các em. Có em rưng rưng nước mắt...

*

Khi tóc đã bạc xóa, lòng ông lại ngân lên biết bao hoài niệm.

Tôi nhớ mãi cái buổi sáng sầm sập mưa ấy. Tôi đã hẹn và băng qua một quãng đường ướt át đến thăm ông.

Sau những ngày bệnh nặng, ông gầy hơn nhưng sắc mặt hồng hào. Ở ông toát ra vẻ hiền từ, hồn hậu và sự điềm tĩnh lạ thường.

“Tôi sinh ở Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu, Nghệ An) trong một gia đình nho học. Cha tôi là hương sư. Mẹ tôi làm nghề dệt, nhuộm lụa…”

Câu chuyện giữa chúng tôi nhắc lại một thời xa lắc trong trí nhớ của ông. PGS Văn Như Cương từng trải qua một tuổi thơ nghèo khó như hầu hết những gia đình xứ Nghệ thời ấy. Phần lớn thu nhập của gia đình dựa vào nghề dệt và nhuộm lụa của mẹ. Cứ 5 ngày một phiên chợ, mẹ đi bán lụa, lấy tiền lãi mua gạo và thức ăn nuôi sống gia đình. Bố ông thì mải mê đèn sách. Ông cụ là một nhà giáo nổi tiếng ở quê thời đó, học trò của ông sau này có những người thành đạt như Nhà thơ Hoàng Trung Thông, nhà sử học Hoàng Nhật Tân… và rất nhiều người là cán bộ chủ chốt từ huyện đến tỉnh và các cơ quan Trung Ương. Mỗi khi có dịp về quê, những người trí thức ấy thường đến thăm thầy.

PGS Văn Như Cương kể tiếp: “Từ cuộc đời của cha mình, ngay từ khi còn nhỏ tôi đã hiểu rằng, nghề giáo có ảnh hưởng với xã hội, với con người. Để làm một người có ích thì nên làm thầy giáo”.

Năm 1954, sau tốt nghiệp phổ thông trung học một cách xuất sắc, Văn Như Cương vào Đại học sư phạm Hà Nội I. Năm 1966 ông sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh. Năm 1971, Văn Như Cương hoàn thành luận án PTS và về nước. Từ đó, ông dành tất cả thời gian, tâm sức phấn đấu không ngừng cho ngành giáo dục và trở thành một nhà sư phạm nổi tiếng.

Không chỉ giảng dạy ở Đại học sư Phạm Hà Nội I, PGS Văn Như Cương còn viết bài cho các tạp chí toán học trong và ngoài nước. Đặc biệt, ông là tác giả và đồng tác giả của hơn 60 cuốn sách giáo khoa, sách tham khảo toán (bộ môn hình học) ở bậc Đại học, Trung học được lưu hành khoảng 40 năm nay.

Trong những năm công tác ở Đại học sư phạm Hà Nội I, PGS Văn Như Cương còn tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia tham gia các kỳ thi toán quốc tế. Một kỷ niệm không thể quên là năm 1982, khi Việt Nam gửi đoàn học sinh giỏi toán đi thi quốc tế ở Hungari, PGS Văn Như Cương được đề nghị thay mặt các nhà giáo Việt Nam tham gia ra đề cho kỳ thi này. Lần ấy, đề Việt Nam đã được chọn. Ông Anfred Riney, viện sĩ Viện toán học Hungari đã nói rằng đấy là một đề toán rất hay và có chất thơ bởi nó đòi hỏi sự liên tưởng, tưởng tượng và sáng tạo rất lớn ở thí sinh. Đối với PGS Văn Như Cương đó là một kỷ niệm đẹp trong đời làm thầy giáo của mình…

*

PGS Văn Như Cương bảo có một thời, giáo dục nước ta đạt được những bước tiến bộ nhanh chóng. Từ những năm 1950 đến những năm 1970 chúng ta đã đi những bước dài. Các trường phổ thông, đại học hình thành và một nền giáo dục tiến bộ đã mang lại những thành tựu lớn. Chính thế hệ trẻ Việt Nam thời ấy được hưởng một nền giáo dục nhân văn và tiến bộ nên đã trở thành những con người có tri thức góp phần vào thắng lợi của dân tộc ta trước kẻ thù xâm lược.

Tuy nhiên, sau khi giải phóng miền nam, có một số vấn đề trì trệ không được khắc phục. Nhiều năm công tác trong ngành giáo dục, ông hiểu rõ căn bệnh hình thức, hiểu những ràng buộc vô bổ trong một số chính sách và quy định, hiểu sự lạc hậu trong một số quan điểm giáo dục nên ông muốn tìm cách thay đổi nó.

Đến năm 1989, công cuộc đổi mới đã có chuyển động khá mạnh mẽ. Một số lĩnh vực của đời sống, nhất là lĩnh vực kinh tế đã cho phép xuất hiện thành phần kinh tế tư nhân với sự ra đời của các doanh nghiệp trong các ngành nghề khác nhau. Việc liên kết làm ăn với nước ngoài cũng bắt đầu được khuyến khích. Tuy vậy, một số lĩnh vực thuộc về văn hóa, giáo dục vẫn còn rất e dè. Một vị lãnh đạo ngành giáo dục đã nói rõ trong một cuộc họp quan trọng rằng, có thể nhiều ngành nghề sẽ tiếp tục được tư nhân hóa, nhưng giáo dục, với tính chất phức tạp và quan trọng của nó, sẽ không có chuyện tư nhân hóa trong tương lai gần. PGS Văn Như Cương không đồng ý với quan điểm này. Ông cho rằng: “Cần phải chấp nhận nhiều loại hình trong giáo dục, đào tạo, để đáp ứng đòi hỏi mới của đời sống. Nếu để tư nhân tham gia vào thì có thể tạo ra sự cạnh tranh về dịch vụ và chất lượng, khuyến khích sự cải tiến trong quản lý, phương pháp giảng dạy để đạt được chất lượng ngày một cao hơn”.

Trong những ngày còn nhiều ý kiến trái chiều đó, PGS Văn Như Cương đi đến một quyết định táo bạo. Ông viết đơn gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phạm Minh Hạc đề nghị cho mở trường tư thục, đồng thời gửi đăng lên báo Giáo dục thời đại với mong muốn thăm dò sự quan tâm của các đồng nghiệp và xã hội, cũng như trình bày trước công luận một quan điểm mới về giáo dục của mình. Điều thú vị là, quan điểm của ông nhận được sự chú ý của nhiều tầng lớp độc giả. Và cũng chính từ bức thư ấy, Bộ Giáo dục đã mời ông lên để trao đổi. Trước những lập luận của PGS Văn Như Cương, lãnh đạo Bộ Giáo dục đồng ý cho phép ông lập trường dân lập mang tên nhà toán học Lương Thế Vinh. Đó như một thể nghiệm đầu tiên. Đầy bỡ ngỡ, mò mẫm mà ẩn chứa bên trong cả sự nghi hoặc lẫn niềm hy vọng.

Đối với PGS Văn Như Cương, sự thành công của ngôi trường Lương Thế Vinh có một ý nghĩa to lớn. Trước hết, nó khởi đầu cho loại hình trường dân lập, do tư nhân quản lý, cạnh tranh với hệ thống trường công lập và có sự tự chủ nhất định về mặt chương trình, phương pháp sư phạm, tự chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục. Điều quan trọng là, tại ngôi trường này, PGS Văn Như Cương có điều kiện để thực hiện những gì mà với tư cách một nhà sư phạm ông mong muốn mang lại cho học sinh và đồng nghiệp của mình.

Trong một hồi ức, PGS Văn Như Cương kể lại: “Ngoài giấy phép hoạt động trường Lương Thế Vinh bắt đầu từ những con số không tròn trĩnh: Không tiền vốn, không nhà tài trợ, không cổ đông, không cán bộ, giáo viên, không học sinh, không bàn ghế, không bảng đen…” Vậy nhưng chỉ sau 2 tháng chuẩn bị PGS Văn Như Cương cùng vợ là cô Đào Kim Oanh và các cộng sự của mình đã tiến hành xây dựng đội ngũ giáo viên, thuê địa điểm, tuyển sinh. Năm đầu tiên, 1600 hồ sơ đăng ký, sau khi thi đầu vào, trường chọn được 800 thí sinh nhập học. Như một giấc mơ, ngôi trường đã có một sự khởi đầu thành công hơn mong đợi. Giáo viên giỏi ở các trường đại học và trung học sẵn sàng góp sức. Phụ huynh học sinh ủng hộ nhiệt thành. Khởi đầu năm học đầu tiên ấy, PGS Văn Như Cương tổ chức một cuộc gặp mặt phụ huynh học sinh với thầy hiệu trưởng. Ở đó, ông đã nói lên định hướng giáo dục của mình.

Lý giải sự thành công khá ngoạn mục ấy, PGS Văn Như Cương cho rằng: “Sự ủng hộ của giáo viên, của cha mẹ học sinh và của chính các em từ buổi đầu thành lập trường Lương Thế Vinh chính là do sự mong muốn đổi mới từ trong lòng mỗi người. Người ta quan tâm đến một mô hình giáo dục khác, một cách quản lý, một phương pháp khác với những gì đang diễn ra.”

Hiểu được điều đó và phấn đấu để không phụ lòng tin yêu của mọi người, suốt những năm qua, Trường Lương Thế Vinh đã trở thành một trong những trường dân lập có chất lượng cao nhất trong cả nước.

Đặc biệt, ở đây, một quan điểm giáo dục toàn diện và nhân văn đã được thực thi. “Tôi chủ trương thu học phí không cao và trả lương cho các thầy cô không thấp”- PGS Văn Như Cương nói. Với cách làm ấy, vừa thu hút được giáo viên có uy tín và chuyên môn cao, lại vừa tạo điều kiện để những em học sinh giỏi, nhà nghèo có thể vào học. Tại đây, chất lượng dạy và học được quan tâm cao nhất. Học sinh được phân loại và đào luyện theo các chương trình giáo dục được nghiên cứu hợp lý nhằm giúp các em chiếm lĩnh được tri thức cơ bản và hình thành phương pháp học tập cho riêng mình, khuyến khích sự sáng tạo, tinh thần tự học nhằm đạt được mục đính. Tất cả những yếu tố nặng về hình thức, máy móc trong dạy và học được bãi bỏ. Học sinh được biểu lộ ý kiến của mình về nhiều khía cạnh của quá trình dạy học.

PGS Văn Như Cương coi câu tục ngữ: “Có chí thì nên” như một kim chỉ nam cho hành động, như một lời tâm huyết mà tổ tiên từ bao đời đã để lại cho con cháu. Trong mỗi phòng học ở trường Lương Thế Vinh câu tục ngữ này đều được treo trang trọng. Ông nói, ý chí có vai trò quan trọng trong việc giúp học sinh biến quá trình giáo dục thành quá trình tự giáo dục, khiến các em trở thành những con người luôn biết vươn lên, gắn bó với những chuyển động tích cực của đời sống và trở thành con người có ích.

*

Càng về sau này, khi thực tế đất nước đặt ra những vấn đề gay gắt về đổi mới toàn diện trong giáo dục, PGS Văn Như Cương đã liên tục có nhiều ý kiến đóng góp cho sự nghiệp chung. Ông cho rằng, kết quả cuối cùng của giáo dục là tạo ra con người có nhân cách, có trí tuệ. Không chỉ nhấn mạnh đến tri thức, phương pháp, ông nói nhiều đến giáo dục lòng yêu thương giữa con người với con người. Ông tâm sự với cha mẹ học sinh: “Hãy dạy con cái chúng ta có tấm lòng nhân ái, biết làm việc từ thiện dù rất nhỏ và có thái độ thân thiện đối với mọi người. Lòng thương người, tính đôn hậu là tính tốt cơ bản nhất mà mỗi con người nên có. Hãy để cho trẻ con chúng ta biết đến, nghĩ đến biết bao nhiêu hoàn cảnh khó khăn, biết bao số phận cay đắng, biết bao hoàn cảnh ngặt nghèo của rất nhiều người trong xã hội.”

Những người tham dự lễ khai giảng năm học 2014-2015 ở Trường Lương Thế Vinh không thể nào quên được một cảnh tượng đẹp đẽ, đầy thiêng liêng và cảm động hôm đó. Hơn 3500 học sinh và 500 giáo viên mặc trên mình chiếc áo màu cờ đỏ sao vàng. Trong không khí nghiêm trang, trên khán đài, PGS Văn Như Cương mở đầu bài diễn văn của mình bằng một lời trịnh trọng: “Tôi đề nghị mọi người cùng giơ cao bàn tay phải của mình, và đặt lên lồng ngực bên trái… Chúng ta sẽ cảm nhận tiếng đập của trái tim mình, một trong 90 triệu trái tim Việt Nam, tiếng đập rộn ràng dưới sắc vàng của ngôi sao năm cánh.” Ông nói tiếp: “Các em học sinh thân yêu! Hôm nay, mở đầu một năm học mới, sân trường chúng ta tràn ngập sắc màu của lá cờ Tổ quốc vinh quang. Buổi tựu trường hôm nay sẽ nhắc nhở chúng ta rất nhiều điều. Chúng ta hãy thể hiện tình yêu nồng thắm và lớn lao đối với đất nước mình. Chúng ta yêu núi cao, sông dài, yêu rừng xanh, biển bạc, yêu đất liền và đảo xa. Một nắm đất ở vùng biên giới, một vốc cát ở Trường Sa, hay Hoàng Sa đều do ông cha ta để lại, đều không thể mất… Chúng ta hãy yêu mến nhân dân mình, gần gũi nhất là yêu gia đình mình, yêu bạn bè, yêu thầy cô… Hãy nhớ rằng chúng ta được nuôi dưỡng bằng dòng sữa MẸ VIÊT NAM, tuy rất ngọt ngào nhưng được chắt lọc từ biết bao nhọc nhằn và cay đắng.”

Lời tâm huyết ấy trước các thế hệ học trò của PGS Văn Như Cương khi đất nước ta đang trải qua những ngày sôi sục, đớn đau vì lãnh hải của mình bị ngoại bang nhòm ngó và xâm phạm đã thổi bùng lên niềm cảm xúc dâng trào khiến nhiều học sinh và giáo viên cảm động đến rưng rưng nước mắt. Ông nói tiếp: “Tình yêu thương đất nước và nhân dân sẽ là động lực lớn thúc đẩy các em làm tốt nhiệm vụ của mình trong lúc còn ngồi trên ghế nhà trường: Nhiệm vụ đó chính là học tập tốt về mọi mặt. Hãy học tập không chỉ bằng khối óc mà còn bằng cả trái tim mình.”

Đi suốt một cuộc đời tận hiến cho ngành giáo dục, ông chỉ có một niềm mơ ước rằng, tuổi trẻ Việt Nam, lớp này lớp khác hãy biết vươn lên, sẽ tiến bộ không ngừng và bắt kịp những xu thế lớn của thời đại. Ông tin: “Niềm vinh quang sẽ đến với mỗi người, với đất nước khi chúng ta biết sống có tình yêu và mài sắc trí tuệ của mình”.