Để làm rõ, xin được nói về điều “tuyệt vời” thứ nhất, đó là Thanh tra Chính phủ đã chính thức đảm nhiệm nhiệm vụ thanh tra tài sản của ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường theo lời đề nghị từ Yên Bái.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) cho biết: “Theo chức năng, nhiệm vụ thì việc thanh tra vẫn thuộc thẩm quyền của Yên Bái, nhưng họ băn khoăn về việc nếu giao Thanh tra tỉnh Yên Bái thanh tra lãnh đạo tỉnh này thì không khách quan nên đã đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ giúp đỡ.
Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy đã trực tiếp ký văn bản đề nghị Thanh tra Chính phủ vào cuộc. Về mặt luật pháp thì không có vấn đề gì cả. Nó thể hiện sự cầu thị, minh bạch, khách quan và tôi thấy rằng điều đó tốt, không có vấn đề gì cả”.
Người viết bài này cho rằng đây là quyết định tuyệt vời còn bởi nó đã đạt tới sự hợp lý, hợp tình và hợp lòng dân.
Nói hợp lý là bởi trước một vụ việc khó khăn, vượt quá khả năng của mình, Yên Bái đã chủ động đề nghị Thanh tra Chính phủ giúp đỡ là đúng và tốt.
Nói hợp tình bởi lẽ việc thanh tra tài sản một quan chức địa phương vốn là vấn đề tế nhị, nhất là trong trường hợp này, ông Quý lại là em trai của vị Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Yên Bái. Việc đề nghị Thanh tra Chính phủ vào cuộc không phải không tin Thanh tra tỉnh mà là giải pháp mang tính hợp tình, “đỡ” không để anh em địa phương có thể bị rơi vào tình huống khó xử.
Nói hợp lòng dân bởi đây là điều dư luận cả nước quan tâm, nhiều đại biểu và nguyên đại biểu Quốc hội mong muốn. Một điều tế nhị là nếu để Thanh tra Yên Bái, dù kết luận khách quan đến đâu cũng khó có sự thuyết phục. Đến như tại các giải bóng đá, những người được phân công cầm còi không bao giờ có cùng quốc gia với các đội tham gia thi đấu trên sân.
Vì thế trong vụ việc này, có thể nói đây là phương án tuyệt vời nhất hiện nay.
Cái “tuyệt vời” thứ hai, tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Công an sáng 28/6, PV Dân trí đặt câu hỏi, Bộ Công an có tiến hành thanh tra, kiểm tra khối tài sản “khủng” được cho là của Thiếu tướng Đặng Trần Chiêu - Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái như Thanh tra Chính phủ đang thực hiện đối với khối tài sản của ông GĐ Quý, Trung tướng Nguyễn Văn Lưu - Chánh Thanh tra Bộ Công an cho biết:
“Bộ sẽ tiến hành nắm tình hình, căn cứ luật thanh tra và các quy định của Chính phủ về kê khai, minh bạch tài sản, nếu đủ căn cứ sẽ tiến hành thanh tra, làm rõ. Khi có kết luận thanh tra, Bộ sẽ có thông tin chính thức tới các cơ quan báo chí”.
Điều này thể hiện tinh thần nghiêm túc, thẳng thắn, minh bạch của Bộ Công an trước dư luận nhân dân và phản ánh của báo chí.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Quốc Hùng, Nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đề nghị nên thanh tra cả dinh thự của gia đình ông Chiêu.
Việc Bộ Công an thanh tra làm rõ không chỉ nhằm phát hiện ra những sai phạm mà còn chính thức khẳng định đây là tài sản do công sức của ông Chiêu và gia đình nếu điều đó là chính đáng. Không sung sướng gì khi ở trong một tòa nhà do mồ hôi công sức bỏ ra mà luôn chịu những lời dèm pha, dị nghị không đáng có.
“Tuyệt vời” thứ ba, trong buổi họp báo sáng 28/6, trả lời các câu hỏi về việc bắt giữ, khởi tố nhà báo Duy Phong, Trung tướng Đỗ Kim Tuyến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an cho biết:
“Đến nay, theo báo cáo của Công an Yên Bái, ngày 16/6, PV Duy Phong đã lên Yên Bái gặp ông Vũ Xuân Sáng, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư, nêu một số vi phạm. Đồng thời, PV Phong cung cấp một số thông tin để giải quyết, yêu cầu ông Sáng chuyển 200 triệu đồng.
Thời điểm đó, ông Sáng không có đủ tiền nên chuyển cho Phong 100 triệu đồng, chiều chuyển tiếp 100 triệu đồng”. Điều này cho thấy việc bắt giữ, khởi tố nhà báo Duy Phong đã nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Công an.
Tuy nhiên, giống như trường hợp thanh tra đối với tài sản của ông Quý, dư luận mong rằng Bộ Công an trực tiếp điều tra vụ việc theo qui định tại Điều 169 Bộ luật tố tụng hình sự “Cơ quan điều tra cấp trên rút vụ án để điều tra” bởi nói gì thì nói, việc một nhà báo đang có loạt bài phản ánh về tài sản khủng của một số lãnh đạo địa phương, trong đó có cơ ngơi của vị Giám đốc Công an tỉnh mà Công an địa phương lại khởi tố, bắt giữ điều tra (dù trong một vụ việc khác) nhà báo này thì khó tránh khỏi sự hoài nghi từ dư luận.
Một điều rất đáng được lưu ý, như đã nói ở trên, Trung tướng Tuyến cho biết, theo báo cao của Công an Yên Bái, PV Duy Phong đã nhận 200 triệu đồng từ ông Vũ Xuân Sáng thì cũng nên triệu tập ông này để điều tra, làm rõ. Đừng để dư luận lại một lần nữa thốt lên: “Luật cho dân còn lệ cho quan”.
Cách đây mấy hôm, tiếp xúc với cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chia sẻ: “Tôi nói nhiều lần là chẳng thích gì kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, thậm chí là rất day dứt, đau xót, nhưng phải kỷ luật thôi và vi phạm pháp luật thì phải xử lý”.
Là người dân, người viết bài này cũng chẳng vui sướng gì khi một lãnh đạo nào đó bị kỉ luật và là nhà báo, càng “day dứt, đau xót” khi đồng nghiệp của mình sa vòng lao lý.
Song, sẽ không chỉ đau xót mà còn xấu hổ hơn nếu như trong đội ngũ của mình còn có những nhà báo đi tống tiền người dân. Do đó, việc làm rõ hành vi của PV Duy Phong một cách trung thực, minh bạch chính là mong muốn của những người làm báo Việt Nam chân chính.
Trở lại với cụm từ “tuyệt vời” (được cho trong ngoặc kép), dù đau xót nhưng xin nhắc lại, đó là cách hành xử tốt nhất trong tình hình hiện nay và xin được một lần nữa nhắc lại, đó là những thông tin “đau xót tuyệt vời” từ Yên Bái.
Bùi Hoàng Tám