Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHÀ THƠ VŨ TỪ TRANG, SỢI DÂY KẾT NỐI NGƯỜI LÀM VĂN CHƯỚNG

Huy Thắng
Thứ hai ngày 26 tháng 6 năm 2017 3:31 PM



Kết quả hình ảnh cho Vũ Từ Trang


Vũ Từ Trang là một nhà thơ và là một nhà nghiên cứu văn hoá dân gian. Sinh trưởng từ một làng quê Kinh Bắc, xưa đất ruộng nay thành làng nghề nhưng là đất học. Nhiều người đỗ đạt, thành danh. Mảnh đất nhỏ với trên 4000 dân mà nhiều người nổi tiếng. Có người làm tổng biên tập một tờ báo Quốc tế lớn. Có nhà thơ, nhà điêu khắc Anh Vũ, Nghệ sĩ quan họ Vũ Tự Lẫm đàn hay, hát ngọt từng đóng vai chính trong bộ phim :” Đến hẹn lại lên từ cách nay gần nửa thế kỉ…

Vũ Từ Trang lấy tên đầu của huyện Từ Sơn và của làng Trang Liệt quê hương để ghép thành bút danh. Nhưng về làng, hỏi tên Vũ Công Đình hẳn nhiều người biết đến hơn.

Tôi quen Vũ Từ Trang chưa phải lâu. Trước đó thường thấy bạn bè nhắc đến tên anh với một sự gần gũi, trân trọng và yêu quí, rồi được đọc những bài viết sâu sắc và cảm động của anh về cuộc đời và lao động các nhà văn , nhà thơ đương thời đã khiến tôi chủ động tìm đến làm quen.Cũng còn lí do, hồi về quê anh công tác tôi có quen biết ông Ngô Hữu Giao, thời làm trưởng thôn, không ngờ đó lại là anh rể của Trang. Qua Trang biết ông Giao đã mất cách nay ít lâu nên về quê Trang tôi ngỏ ý muốn sang thắp hương. Khi dẫn tôi sang nhà anh vợ, lúc ấy Trang mới chuyển bó hoa và thẻ hương để tôi làm lễ. Sau đó sang thăm bà mẹ vợ anh. Bà đã không được khoẻ. Trang đưa bà túi hoa quả và khéo léo thưa: “ Bác Thắng, trên Hà Nội, bạn anh Giao gửi biếu mẹ ít quà”.

Thì ra vợ chồng Trang đã lo toan , chuẩn bị mọi thứ thật chu đáo giúp tôi có chuyến về thăm lại quê anh lần ấy. Ứng xử tinh tế của Trang khiến tôi thêm ấn tượng, khó quên.

Vũ Từ Trang làm thơ, viết truyện hồi làm phóng viên cho báo Tiểu, Thủ công nghiệp. Qua báo chí anh làm quen với văn học và gắn kết bạn bè văn chương, nghệ thuật. Sau khi về hưu, biết nghề nên anh mở một cửa hàng đồ gỗ. Những tưởng công việc buôn bán ngày một hanh thông, phát đạt sẽ làm Vũ Từ Trang quên chuyện văn chương vốn cực nhọc lại chẳng tiền bạc gì nhiều, nhưng ngược lại, suốt ngày anh bận tiếp đón, thăm nom bạn bè nói chuyện viết lách, còn đêm đêm miệt mài đọc sách và gõ bàn phím, trước là máy chữ sau là máy tính. Anh tâm sự, văn chương với anh như là cái nghiệp, một định mệnh, luôn ám ảnh, cho dù thế nào cũng không thể dứt bỏ được.

Tôi có cảm nhận tất cả những nhà văn, nhà thơ Việt nam suốt mấy chục năm trở lại đây hầu như Vũ Từ Trang đều quen biết, rất nhiều người thân thiết. Nói đến ai như anh đều khá rõ và ngược lại. Từ những người tuổi vào hàng cha chú đến những người cùng trang lứa. Và cả những bạn trẻ hơn anh rất nhiều. Không lần nào đến anh mà tôi không thấy một vài văn hữu .Có bận cùng lúc thấy tới năm, sáu người. Tôi để ý, dù là ai , già hay trẻ, người đã nổi danh đến người mới vào nghề, đã là khách thường được vợ chồng anh đều tiếp đón rất ân cần , trân trọng, chân tình chẳng hề phân biệt khiến những người có mặt ai cũng thoải mái. Tôi còn cảm nhận, cũng là chỗ bàn luận văn chương nhưng nhiều nơi thường ồn ào, lớn tiếng tranh cãi còn nơi đây lại ôn hoà, đầm ấm. Chủ nhân hẳn luôn là người biết điều hoà mọi tính cách một cách tinh tế.

Vũ Từ Trang rộng tính và chiều bạn. Nhà có xe hơi, lái xe giỏi nên anh thường chủ động rủ bạn về quê anh hoặc đi thăm nơi này nơi khác. Nhiều khi dành cả vài ngày đưa tới những nơi theo yêu cầu của bạn. Nhà thơ Thanh Tùng trước đây mỗi lần từ Hải Phòng lên Hà nội đều chỉ tá túc chỗ anh. Nhà thơ Hoài Anh khi còn sống cũng thường lấy nhà Trang làm nơi nghỉ lại. Ngay cả khi các nhà thơ đã chuyển vào Nam sinh sống thì mỗi lần ra Hà nội thường chỉ tìm tới đây. Cũng có đận không phải chỉ một hai ngày mà có khi hàng tháng trời. Mà ai còn lạ gì tính cách các nhà thơ già . Không nói quá nhưng thực tình họ khá vụng về , chậm chạp trong sinh hoạt. Cơm nước, đi lại đã đành , những ngày có họ, vợ chồng Trang còn phải lo giúp giặt giũ quần áo, thu dọn nơi ở vốn quen nếp chẳng lấy gì làm ngăn nắp. Ở nơi khác với tính cách ấy vài ngày thôi cũng là khó. Vậy mà gia đình Trang lại tịnh như không.Vẫn hết sức chu đáo, tươi tỉnh.

Sự gắn bó, quan tâm mật thiết của Vũ Từ Trang với những nhà thơ cao niên như Quang Dũng , Trần Lê Văn , Lữ Giang, Yến Lan, Thợ Rèn, Ngô Quân Miện, Nguyễn Bản, Thanh Hào, Lê Bầu, Võ Văn Trực, Nguyễn Xuân Thâm, Tạ Vũ…từ những năm sáu, bẩy mươi của thế kỉ trước, khi ấy tôi không rõ mà chỉ được biết qua những chân dung văn học được viết ra với một sự hiểu biết tường tận, tình cảm yêu mến và trân trọng được Trang dành cho mỗi người. Sau này tận mắt thấy Trang ứng xử ân cần, chu đáo với các nhà văn, nhà thơ như Phan Xuân Hạt, Mã Giang Lân, Nguyễn Xuân Khánh, Vũ Quần Phương, Nguyễn Phan Hách, Trần Ninh Hồ…hay ngay cả những nhà văn, nhà thơ lớp sau, đặc biệt như trường hợp Nguyễn Thanh Kim, Vương Tùng Cương… tôi thấy những tiếng tốt lành nói về Trang quả đúng.

Một lần đến cửa hàng của gia đình Trang ở phố Bạch Mai , thấy ông Dương Tất Từ. Lúc ấy tôi để ý thấy ông Từ khi đó có mang theo một chiếc lọ con con nhỏ như lọ thuốc tiêm “Pê ni xi lin” nói xin Trang ít dầu véc ni để về đánh bóng lồng chim. Nhà dịch giả văn học Tiệp Khắc nổi tiếng này bây giờ có thú vui, chỉ chơi lồng chim mà không nuôi chim. Tôi thấy vợ chồng Trang đi vào nhà trong mà không thấy đem theo cái lọ con kia. Lúc ông Từ đứng lên xin phép về, tôi tưởng Trang quên, toan nhắc thì bấy giờ vợ Trang mới đem ra một chai dầu khá to , kèm theo còn có thêm một chiếc chổi quét sơn. Thấy vậy ông Từ ngần ngại như không dám nhận nhưng vợ chồng Trang cứ chủ động móc chai dầu vào ghi đông xe đạp của ông Từ , rồi cười bảo”- Thì bác còn phải dùng nhiều lần cơ mà”. Nhà thơ Hoàng Cát có lần đến chơi nhà Trang. Hai người đang chuyện trò thì chợt Cát đứng ngay lên phăm phăm bước ra ngoài, vừa đi vừa nói : Nghe nói gần đây có hàng bánh chả ngon lắm mình phải mua về cho bà vợ. Thì lập tức Trang chạy theo, kéo Cát lại “Ông cứ yên tâm ngồi uống nước, còn chuyện bánh trái thì để tôi, tôi là thổ công ở đây nên tôi biết , ông không biết dễ mua nhầm ph ải hàng giả thì khổ”. Có lần Trang rủ nhà thơ Phan Quế , nhà thơ Vũ Bình Lục và cả tôi đi uống bia. Gần nhà cũng nhiều quán nhưng thấy Trang không vào mà đưa xuống mãi tận phố Trần Khắc Chân. Lúc ngồi trong nhà hàng thấy Trang gọi điện thoại cho ai đó rồi anh giải thích, tôi vừa mời thêm cụ Nguyễn Xuân Khánh, ta chờ một chút, cụ bảo ra ngay bây giờ. Thì ra tác giả “Hồ Quí Li ” và “Đôị gạo lên chùa “… nhà trong ngõ bên kia đường. Nhà văn già nay đã ngoài tuổi tám mươi. Mới rõ lí do Trang đưa chúng tôi đến tận đây.

Vũ Từ Trang là người khiêm nhường, nhân hậu và tử tế. Đôi lúc có phần cả nể. Có thể trong một bữa tiệc tùng, bia rượu hay liên hoan nhậu nhẹt nào đó không thấy anh, nhưng khi có bạn bè đau ốm, nằm viện hay chẳng may qua đời thường không bao giờ anh vắng mặt. Nhớ mãi trưa một ngày Hà nội nóng cháy, vậy mà được tin Nghiêm Đa Văn qua đời, dù đang ở tỉnh xa nhưng Trang cũng cố tức tốc kịp về nhà tang lễ Phùng Hưng để mong được tiễn bạn lần cuối.

Là một nhà thơ tài hoa, đã có nhiều tập thơ ra mắt bạn đọc như: “Thời trai trẻ”, “ Ngược dốc “,“Lẻ và không lẻ” ,”Những vòng tròn không đồng tâm”, và rất gần đây “ Cây chuyển mùa “ được dư luận chú ý, Vũ Từ Trang còn viết văn xuôi . Nghe Nguyễn Phan Hách kể, tiền nhuận bút truyện dài “Miền đất đợi chờ” và tiểu thuyết “Chiều dài mùa hạ “ của Trang ngày ấy đã giúp anh mua được hẳn một căn hộ nhỏ ngay đất thủ đô. Vậy nhưng sau này anh chỉ chuyên vào làm thơ và viết chân dung văn học. Tập “ Phía sau con chữ” của anh , được nhà xuất bản Thanh niên ấn hành năm 2007 từng được chọn vào vòng chung khảo giải thưởng hàng năm của Hội nhà văn Việt nam. Gần đây anh lại cho xuất bản cuốn“ Nhà văn độc bộ, độc hành “ , cũng là một tập chân dung văn học. Ở thể loại văn học này, như tấm lòng, tình cảm của nhà thơ dành cho bạn bè văn chương mới bộc lộ rõ hơn. Nhiều người thêm yêu quí anh cũng chính từ những chân dung ấy. Đó là những nhân vật mà ít nhiều tôi từng biết, từng quen. Như anh giãi bầy: “ Trong số những người tôi viết ở những tập sách này, nhiều người là bậc cha chú của tôi, có người là bạn bè hoặc là bạn vong niên. Nhưng họ đều là những người mê văn chương với tấm lòng cao đẹp. Nghiệp chữ nghĩa đã đem lại vinh quang cho họ. Đôi khi còn đem lại tai hoạ. Có người nổi tiếng, có người ít được biết đến . Tôi chỉ có tâm nguyện nhỏ , viết về đôi điều khuất lấp sau vinh quang và cay cực trong đời cầm bút của họ.

Đúng như tâm sự, những nhà văn được Vũ Từ Trang chọn viết như đều có số phận không mấy bình yên, may mắn. Anh thường đi vào những góc khuất trong cuộc đời mỗi nhân vật, những con người một lòng đam mê văn chương coi đó thiêng liêng như một thánh đường. Trường hợp Lưu Quang Vũ, dù sau này nổi tiếng, giải thưởng Hồ Chí Minh thì Trang cũng chỉ nói về những năm tháng Vũ còn rất lận đận, bữa đói bữa no nhưng vẫn âm thầm làm thơ. Anh viết về Tạ Vũ, nhà thơ nhưng là một người thợ sơn vôi , thợ bốc vác, lúc nào cũng cạn tiền, thiếu rượu. Anh viết về Lương Vĩnh , nhà thơ từng phải làm những công việc “ dưới đáy “ như nhân viên đi đổ thùng, làm thợ móc cống, Về Nguyễn Ngọc Ly, người mưu sinh bằng nghề đạp xích lô nhưng sống chết với thơ, từng có thơ trên Văn Nghệ từ năm 1966. Về Tuân Nguyễn, một trí thức nhưng cuộc đời lận đận, khốn khó, tù tội cũng vì chữ nghĩa. Hoặc có trường hợp, như Vũ Từ Trang từng tâm sự, trong số bạn bè của Nghiêm Đa Văn , anh không phải là người thân nhất . Nhưng yêu quí Văn nên khi Văn mất anh đã có bài “Đời người bất chợt “ để nhớ tiếc một tính cách, một tài năng . Nhưng rồi anh bâng khuâng, cay đắng tự hỏi “ Sinh thời Văn sống nồng nhiệt tới mức ồn ào với bạn bè, sao phút tiễn biệt anh lại xao xác quá”. Trang viết “ Liêu xiêu một đời “ để nhớ về Trúc Cương , một nhà thơ có những bài thơ, những câu thơ bạn bè nhớ, mà gần như suốt cuộc đời long đong chuyện vợ con, chuyện cơm áo. Nhiều bữa, thèm một chén rượu nhạt sao cũng khó. Đến tận cuối đời, lúc con cái nên người, buồng rộng, rượu ngon thì tất cả thì đã quá muộn, quá muộn với Trúc Cương.

Tôi còn được đọc một bài viết cảm động của Trang về nhà thơ Phương Thuý, người con gái sinh trưởng trong một gia đình danh gia vọng tộc, có bố là một nhà nghiên cứu văn học, đồng tác giả Thi nhân Việt nam, chị đã từng giảng dạy trong trường Quốc gia âm nhạc. Nhiều người chắc biết vợ chồng Tuân Nguyễn – Phương Thuý và những gian truân, trắc trở trong cuộc sống. Tuân Nguyễn qua đời trong nghèo túng, dù là một người rất tử tế nhưng “ dính chuyện” nên ít ai đả động. Phương Thuý lúc về già, kinh tế khó khăn, không nơi nương tựa. Sau được mấy người bạn văn nghệ giới thiệu nên mới được nhận vào viện dưỡng lão bình dân trên Bắc Ninh , sống khá cô đơn thì bạn bè không mấy ai hay. Cho đến khi Vũ Từ Trang biết tin, lặn lội tìm đến thăm rồi ngay sau đó viết bài kể về cuộc sống hôm nay của bà thì mọi người mới rõ ra số phận cay đắng, nghiệt ngã của người nữ thi sĩ có cuộc đời khá đa đoan, người đã từng nổi danh với bài thơ “Người con gái sông La “, từ thời chống Mĩ.

Những trang viết về chân dung văn học của Vũ Từ Trang rất chân thật, không cường điệu, tô vẽ nhưng luôn thấm đẫm tình cảm sẻ chia, cảm thông trước những trắc trở, kém may mắn của bạn bè văn chương. Những con chữ được vắt ra bằng tất cả tấm lòng, tình cảm chân thành của người viết, vì thế nó đến được với trái tim người đọc.

Văn là người. Với Vũ Từ Trang, càng hoàn toàn đúng. Đọc những trang viết tâm huyết, gan ruột của Vũ Từ Trang và nhất là được tiếp xúc với chính con người anh có lẽ mới sâu sắc thêm tấm lòng của anh với bạn bè văn chương, người còn, người mất. Và hơn nữa, qua đó như thấy cả với văn chương của nước ta một thời.