Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

YẾU TỐ PHI THIÊNG (GIẢI THIÊNG) TRONG TT "NGƯỜI RỪNG" CỦA VŨ XUÂN TỬU

Phạm Văn Bình
Thứ hai ngày 26 tháng 6 năm 2017 4:41 AM



Kết quả hình ảnh cho Tiểu thuyết Người rừng của Vũ Xuân Tửu



Văn học hậu hiện đại là một khuynh hướng sáng tác văn học mới của phương Tây nói riêng và là khuynh hướng chung của toàn thế giới. Nền văn minh nhân loại phát triển vượt bậc về mọi mặt, đòi hỏi văn học cùng phát triển để kịp thời phản ánh cuộc sống, phục vụ cuộc sống.

Văn minh nhân loại đã bước sang một giai đoạn mới, tiến bộ hơn, đặc biệt về tính dân chủ. Vì vậy nhu cầu nhìn nhận lại, đánh giá lại những tri thức trước đây lại được thế giới rất quan tâm. Văn học vì thế cũng đồng hành với tâm thức “đối thoại” với những giá trị, những tri thức đã ăn rễ trong nền văn hóa nhân loại.

Văn học Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế phát triển của văn học thế giới. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, nền văn học nước nhà với sự tiếp thu nhạy bén và quan trọng nhất là bằng nội lực của chính mình đã đưa văn học nước ta sang một bước tiến mới, bắt kịp với nền văn học nhân loại.

Kết quả là trên văn đàn văn học đã xuất hiện một hàng ngũ các cây bút trẻ với một loạt các tác phẩm mang dấu ấn văn học “Hậu hiện đại”. Trong đó có thể kể đến các tác giả như Nguyễn Huy Thiệp với các tác phẩm Chảy đi sông ơi, Những người thợ xẻ, Tướng về hưu… Bảo Ninh với Nỗi buồn chiến tranh và một tác giả rất mới trên văn đàn cũng với một ngòi bút đậm màu sắc của hậu hiện đại, đó là nhà văn Vũ Xuân Tửu với một loạt tác phẩm tiểu thuyết Chuyện làng, Cõi mê, Hình bóng đàn bà, Người rừng… Những dấu ấn hậu hiện đại như tính đối thoại, liên văn bản, phi trung tâm, giễu nhại,…thể hiện rất rõ trong các sáng tác của ông. Với bài viết này, chúng tôi không có tham vọng làm sáng tỏ tất cả những yếu tố hậu hiện đại trong các sáng tác của tác giả mà chỉ giới hạn làm rõ “yếu tố phi thiêng trong tiểu thuyết Người rừng của Vũ Xuân Tửu”. Bài viết sẽ góp thêm một khía cạnh về mặt thi pháp trong nghiên cứu và giới thiệu về ngòi bút còn rất mới này đến bạn đọc xa gần.

1. Dấu ấn hậu hiện đại trong văn học Việt Nam

1.1. Khái niệm hậu hiện đại

Chủ nghĩa hậu hiện đại là một xu hướng trong nền văn học đương đại được đặc trưng bởi sự chối bỏ sự thật khách quan và siêu tự sự. Chủ nghĩa hậu hiện đại nhấn mạnh vai trò của ngôn ngữ, những quan hệ quyền lực, động cơ thúc đẩy; đặc biệt nó tấn công việc sử dụng những sự phân loại rõ ràng như nam với nữ, bình thường với đồng tính, trắng với đen, đế quốc với thực dân. Chủ nghĩa hậu hiện đại đã ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực văn hóa, bao gồm cả phê bình văn học, xã hội học, ngôn ngữ học, kiến trúc, hội họa,…

Tư tưởng hậu hiện đại là sự giải thoát có chủ ý từ những cách tiếp cận của chủ nghĩa hiện đại đã thống trị trước đó. Thuật ngữ "hậu hiện đại" bắt nguồn từ sự phê phán tư tưởng khoa học về tính khách quan và tiến bộ gắn liền với sự khai sáng của chủ nghĩa hiện đại.

1.2. Dấu ấn hậu hiện đại trong văn học Việt Nam

Không nằm ngoài khuynh hướng phát triển của văn học thế giới, văn học Việt Nam hôm nay đã tiêp thu những nét hiện đại trong phương pháp sáng tác, kĩ thuật trần thuật… đặc biệt là ảnh hưởng rất sâu sắc tâm thức hậu hiện đại.

Chúng tôi chỉ liệt kê những yếu tố mang dấu ấn hậu hiện đại, nó đã được rất nhiều nhà nghiên cứu khẳng định và đã được xác lập bằng những phân tích thuyết phục. Những yếu tố đó có thể kể đến như liên văn bản, phi đại tự sự, phi trung tâm, giễu nhại, đối thoại, phi thiêng,…mỗi yếu tố thể hiện trong tác phẩm văn học một cách khác nhau và mang một vai trò nhất định trong tác phẩm đó.

2. Tác giả Vũ Xuân Tửu và tiểu thuyết Người rừng

2.1. Tác giả Vũ Xuân Tửu

Nhà văn Vũ Xuân Tửu sinh 1955 tại tỉnh Ninh Bình, nhưng sống và làm việc chủ yếu ở tỉnh Tuyên Quang.

Ông là hội viên của Hội Văn học nghệ thuật Tuyên Quang (1998); Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam (2001); Hội Nhà văn Việt Nam (2006). Vũ Xuân Tửu đến với nghiệp viết từ bút ký Đường xuyên cao nguyên đăng trên Văn Nghệ Tuyên Quang năm 1980. Trong số các nhà văn đi tiên phong thời kỳ đổi mới, nhà văn Vũ Xuân Tửu là cây bút đã bắt kịp xu hướng, đưa vào tiểu thuyết yếu tố kỳ ảo với số lượng tác phẩm phong phú, được dư luận chú ý. (Tác giả đã được xuất bản 26 cuốn sách; ngoài ra, in chung 40 cuốn và có 10 vạn lượt người xem tác phẩm trên mạng in-tơ-net).

Vũ Xuân Tửu đoạt Giải nhất Cuộc thi Truyện ngắn tạp chí Văn nghệ quân đội (2005-2006).

2.2. Tiểu thuyết Người rừng của Vũ Xuân Tửu

2.2.1. Tóm tắt

Làng Cây Da có đôi vợ chồng tiều phu. Cô vợ tên là Gái, có chút nhan sắc, nên bị các thần nhòm ngó, đến cả chú Cuội cũng mê, bởi thế mà sinh họa. Anh chồng tên là Mạc, hiền lành, chất phác (về sau được Ngọc Hoàng thương tình phong cho làm thần Thật Thà, để có bổng lộc sinh sống). Một hôm, họ mang con nhỏ tên là Mậm vào rừng đốn củi. Không may, người chồng bị thần Mây Mưa làm lũ suối cuốn trôi, đứa con bị lạc vào bầy khỉ, vợ bị khỉ độc hành hạ.

Thế rồi, Gái sinh ra một đứa con gái lai khỉ, đặt tên là Gái Con. Bị dân làng xa lánh, bà ngoại phải nuôi dưỡng, nhưng oái oăm, bà lại biến thành gà. Bà ngoại mất, Gái Con hiếu thảo đã làm lều canh mộ. Khi bốc mộ, thấy toàn xương gà, bèn bỏ vào lọ, giấu kín.

Cu Mậm được một con khỉ cái nuôi dưỡng như người mẹ chăm con. Mậm lớn lên, trở thành người rừng, nhưng không nguôi nỗi nhớ loài người. Khi trưởng thành, cùng bầy đàn đi kiếm ăn, vô tình đã gặp Gái Con. Nhưng hai anh em không nhận ra nhau và yêu nhau. Kết quả, Gái Con sinh đôi, đặt tên con trai là Kim Đồng, con gái là Ngọc Nữ.

Giặc xâm lăng tràn sang bờ cõi, Gái Con bị đồn trưởng chiếm đoạt làm người tình. Thấy Kim Đồng thông minh, đồn trưởng đã trả nghĩa người tình bằng cách cho Kim Đồng du học. Thiên Lôi phải lòng Ngọc Nữ. Ngọc Nữ sinh ra năm đứa con, đặt tên theo con vật cho dễ nuôi, là Gà, Vịt, Ngan, Ngỗng, Le Le. Nhưng chúng cũng có tên chữ là theo ngũ hành là Kim. Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ. Cả năm đứa đều mang họ Thânk, tuy khôi ngô, nhưng mông lại tấy đỏ như khỉ. Thiên Lôi ngỡ là con mình, nên xuống hạ giới chăm nom.

Mậm nhớ người tình, toan trốn, bị bọn khỉ phát hiện, bắt phải theo đàn di chuyển sang vùng núi khác. Mẹ khỉ ngầm báo cho biết, khi đến nơi ở mới, khỉ đầu đàn sẽ giết Mậm. Nhưng Mậm không nỡ bỏ mẹ nuôi mà trốn đi. Khỉ mẹ nhận biết điều đó đã nhảy xuống suối tự tử.

Mậm trở về với đồng loại, được Ngọc Hoàng ngầm giúp xây luỹ, dựng thành. Khi thấy Gái Con đã bị đồn trưởng chiếm đoạt, người rừng đã trả thù bằng cách bắt trộm bọn lính trong đồn. Chúng đã bố trí mai phục, bắn chết Mậm và ném xác vào rừng. Chỗ ấy, đùn lên thành đống mối, dân làng khấn thấy linh thiêng, lập miếu thờ.

Thời kỳ biến động, có một người bị bọn lính xử bắn ở gốc da, hòng khủng bố tinh thần, nhưng lại gây mầm phản loạn trong dân chúng. Nhiều đời đồn trưởng thay nhau đóng đồn Cây Da, mang theo nhiều loại phương tiện đi lại khác nhau, nào xe đạp, xe máy, mô-tô ba bánh… Kim Đồng cũng gửi về làng những thứ như vậy. Thế là hai bên gầm ghè nhau. Ngọc Nữ lập kế chiếm đồn. Được trời báo điềm lành, bèn mở lọ xương gà, thấy có bộ long bào dành cho Ngọc Nữ, nhân đà lập nước tự trị, gọi là Vương quốc Cây Da. Có quyền hành trong tay, Ngọc Nữ lại trị dân hà khắc, gây oán hận. Một nửa làng và mấy đứa con bỏ vào rừng, sửa sang thành cũ, cát cứ một vùng, gọi là Cộng hoà Thành Cổ. Vùng này lại thả lỏng cho dân mặc sức tự tung tự tác, nên bệnh dịch hoành hoành, không sao dập được.

Ngọc Hoàng và các thần cảnh báo, nhưng hai nước kia không thuận theo, nên bị giáng hoạ, làm mưa như đổ cây nước, xoá sạch.

Khi Ngọc Hoàng nhìn xuống hạ giới, thấy còn xót lại bầy khỉ và một đứa bé trai. Ngọc Hoàng cảm kích, bèn cho nước rút, lại ngầm sai chị Hằng tìm người tác hợp cho.

Một cuộc sống mới giữa người và vật lại bắt đầu trên thế gian.

2.2.2. Cây gia hệ (4 đời nhân vật)

Cây gia hệ

(4 đời nhân vật)

         
     
 
     
 
   


Ghi chú:

- Hình vuông và mũi tên: chỉ quan hệ loài người;

- Hình ô-van và đường dẫn: chỉ quan hệ với thiên nhiên và siêu nhiên.

3. Yếu tố phi thiêng trong tiểu thuyết Người rừng của Vũ Xuân Tửu

Trước khi phân tích yếu tố phi thiêng trong tiểu thuyết Người rừng của Vũ Xuân Tửu, chúng ta phải làm rõ khái niệm “phi thiêng” trong dấu ấn hậu hiện đại, từ đó có cái hiểu cặn kẽ hơn, tiếp nhận những phân tích thuận lợi hơn.

3.1. Khái niệm phi thiêng

“Phi thiêng” còn gọi là “giải thiêng” là sự xóa bỏ tính chất thiêng liêng của một đối tượng nào đó, là làm cho hình tượng nào đó mất đi tính chất huyền thoại, sự trang nghiêm; làm mất đi giá trị, tư cách thần tượng, tính kiểu mẫu của đối tượng, khiến cho người ta không còn nể sợ, ngưỡng mộ, sùng bái, tin tưởng "đi theo" đối tượng đó nữa. Phi thiêng đi liền với hạ bệ, phi thiêng bằng cách hạ bệ, lật đổ địa vị văn hóa xã hội, lịch sử của hình tượng, đối tượng nào đó, khiến cho nó bật ra khỏi niềm tin, tâm thức của người khác.

3.2. Phi thiêng trong tiểu thuyết Người rừng của Vũ Xuân Tửu

Có thể nói với tiểu thuyết Người rừng, Vũ Xuân Tửu đã cho người đọc nhận thức lại, đối thoại lại với tâm thức xa xưa về thế giới thần linh, thế giới mà con người hằng mơ ước đạt đến và tâm niệm sau khi giã từ trần gian sẽ được về ở thế giới này. Theo niềm tin tôn giáo, thế giới trên trời là nơi bình yên nhất, không còn sự tranh đua, mưu toan, ích kỉ, làm hại lẫn nhau,… chính vì thế mà hàng loạt quan niệm của Đông – Tây về chốn “Bồng Lai tiên cảnh” này. Theo đạo Phật, đây là cõi niết bàn, là nơi dành cho Đức Phật và tất cả phật tử sống đạo đức, lương thiện nơi cõi trần. Với Thiên Chúa giáo, nơi này được gọi là Thiên đàng, là nơi ngự trị của Chúa và các Thánh, các Thiên thần và con chiên ngoan đạo sống theo thánh ý của Thiên Chúa. Với tâm thức dân gian Việt Nam, thế giới Thần tiên là thế giới mà con người hằng mơ ước đến, hằng trông cậy sự ban ơn cứu giúp, tâm thức “Ông Trời có mắt” hay “Ông trời có đức hiếu sinh” là xuất phát từ quan niệm này.

Ở cõi thiên đường này, dân gian luôn tin tưởng vào tấm lòng “bồ tát”, luôn ban ơn phúc, nâng đỡ con người,… nên gần nhất trong văn học dân gian, những cô Tiên, ông Bụt,... luôn đại diện thần linh để giúp đỡ con người. Những nhân thần tiên như Ngọc Hoàng, Thiên Lôi, Hằng Nga, Cuội, Thổ Công, Thần cây đa (có vùng gọi là Thần cây da),… đều là những Đấng linh thiêng luôn vì con người, thưởng phạt công bằng. Luật nhân quả trong tâm thức dân gian cũng bắt nguồn từ niềm tin này.

Thế nhưng, với tiểu thuyết Người Rừng, Vũ Xuân Tửu đã miêu tả một thế giới thần linh hoàn toàn xa lạ, trái ngược hẳn với tâm thức của người dân Việt Nam. Một thế giới mà đầy rẫy những mưu mô, ích kỉ, làm hại nhau của các thần trên trời, những Đấng sinh ra vì con người.

Có thể lấy điển hình là hình ảnh Thần cây đa, trong dân gian vẫn có câu: “Thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo bồ đề”, nên những cây này được thờ phụng và đem trồng ở các ngôi đình, miếu, chùa… vì được xem là nơi ở của các Ngài. Hàng tháng, người dân vẫn hay đem lễ ra cúng để cầu xin phù hộ, giúp đỡ cho họ. Nhưng vợ chồng Mạc và Gái sống ở làng Cây Da lại không được Thần độ trì, ngược lại thần còn là nguyên nhân, là thủ phạm đẩy gia đình của anh Mạc đến cảnh tan đàn xẻ nghé, tan nát cửa nhà và hàng loạt bất hạnh của cuộc đời.

Thần Cây Da luôn rình rập xem trộm chị Gái tắm, xem trộm cuộc ái ân của vợ chồng Mạc với tất cả sự thèm khát, ước ao thấp hèn. Một buổi chiều hai vợ chồng Mạc đang tắm cho nhau và có cuộc ái ân ngay góc sân, Thần Cây Da xem một cách say sưa.

“Nói đoạn, thị dạn dĩ cởi áo cánh, lột váy vắt trên bờ giậu và giội nước ào ào, ra cái vẻ thỏa thê lắm. Chú Cuội vội kéo đám mây che mặt, lủng bủng: Gớm thật!....Kìa, thần Cây Da cũng đang cưỡi trên cành da như phi ngựa”

Khi vợ chồng Mạc được ban cho hũ vàng, Thần Cây Da đã suy nghĩ là “bọn này bạc” không biết điều và không cúng để cảm tạ Thần, mặc dù ơn này không do Thần Cây Da ban cho. Chính vì vậy mà Thần đã đi tâu với Thần mưa gió và thông đồng làm hại Mạc bằng cách đổ mưa xuống cho nước cuốn trôi.

“Thần Cây Da bị bẽ mặt trên thiên đình, lại thấy nhà Mạc vớ được hũ vàng mà không lễ tạ công thần trông nom bấy lâu thì tức lắm, bèn báo cho Thiên Lôi trả thù thay. Nhưng Thiên Lôi từ chối. Thần Cây Da lại cầu thần Mây Mưa. Thần Mây Mưa lí sự:

- Tôi chả làm cái điều thất đức. Can cớ gì mà dìm chết người ta?

- Cùng là hàng thần mà chả giữ thể diện cho nhau, lại còn lên mặt bênh thứ dân thì được ăn vàng ăn bạc chắc, loạn đến nơi rồi. Từ rày, ông đừng vác mặt đến trú ở chốn tôi nữa nhá.

Thần Mây Mưa nghe vậy thì đâm hoảng, sợ sau này xuống hạ giới không có chỗ nương náu, bèn tặc lưỡi:

- Nhưng chỉ bận này nữa thôi nhé…

… Phút chốc, nước đã ngập bờ. Cu Mậm hoảng sợ, chạy ra bờ suối kêu gào thảm thiết…. Mạc sợ hãi vội bơi sang đón con, thì một luồng nước tràn về như thác đổ, cuốn phăng đi.”

Mạc chết đi trở thành oan hồn không chốn dung thân. Một lần khác, khi Gái bị khỉ hiếp và uống phải nước miếng của thằng Cuội, Gái mang thai lạ làng xóm gọi là "chửa trâu" vì mãi không chịu đẻ. Đến khi đẻ thì phải vật vã và bất ngờ cho cả làng là đứa bé sinh ra nửa người nửa khỉ. Thần cây Da quắp ở thân cây quan sát rất say sưa những cảnh chị trần truồng, quằn quại… đến khi đứa trẻ chào đời, Thần cũng giật mình rớt bịch xuống đất, may có Thổ công giúp kịp thời, nếu không là “mất mặt”.

“Váy áo cô rách tả tơi, thân thể lồ lộ như thể cởi truồng. Cái chỗ để cho con bú thì thây lẩy như hai quả bưởi. Cái chỗ để đẻ con cũng mưng mửng như đít trâu cái…. Bỗng cô kêu thét lên một tiếng, rung chuyển cả cây da….một đứa bé nom như con khỉ lao vọt ra giữa nhà. Tất cả chết lặng… Gái nhìn con, hốt hoảng mà ngất lịm đi… Chợt có tiếng gì rơi đánh bộp một cái ngoài gốc da. Nhưng mọi người ngoái ra, lại tịnh không thấy gì. Kể ra, người trần mắt thịt không thấy gì cũng phải. Đó chính là thần Cây Da, khi đang ngồi chồm hổm trên cành da, rình xem cảnh đẻ đái của người trần… lại thấy hài nhi là dòng giống thần Núi, thì thất kinh, ngã lộn cổ xuống đất. May mà Thổ Công kịp cứu, chứ không may để người trần nhìn thấy thì có mà đeo mo vào mặt”

Đến đây, có thể nhìn rõ trọn vẹn bộ mặt của vị “thần phụ mẫu” của người dân mà lâu nay con người vẫn tâm niệm một niềm tin tưởng tuyệt đối.

Và còn nhiều nữa những vị thần mà người đời tôn thờ, họ đều là những “sinh vật” nhếch nhác, bẩn tính, tầm thường hóa. Dưới ngòi bút Vũ Xuân Tửu, thế giới thần đã không còn linh thiêng, không còn đáng để người dân tin cậy. Một sự đổ vỡ thần tượng, sự đối thoại lại về Thần trong tâm thức dân gian.

4. Vai trò của yếu tố phi thiêng trong tiểu thuyết Người rừng

Với nghệ thuật phi thiêng, Vũ Xuân Tửu đã mượn thế giới Thần để nói đến một thế giới khác - thế giới loài người với biết bao dâu bể. Con người luôn phải sống ngột ngạt với những hoàn cảnh không biết kêu vào đâu.

Phi thiêng lúc này đóng vai trò đối thoại lại, nhận thức lại sự hoàn kết của tri thức hệ của một thời. Nó tạo một lối đi cho nhà văn thổ lộ ý đồ nghệ thuật, cái tâm nơi ngòi bút.

5. Nghệ thuật phi thiêng trong tác phẩm

Để phi thiêng các nhân vật Thần trên trời trong tiểu thuyết Người rừng, Vũ Xuân Tửu đã vận dụng một loạt các thủ pháp nghệ thuật như: dùng ngôn ngữ thông tục, dùng kiểu trần thuật lộn trái, xây dựng nhân vật với ngôn ngữ và hành động tầm thường hóa, đặc biệt thủ pháp “đánh bài ngửa” được tác giả vận dụng rất thành công, khéo léo trong xây dựng nhân vật.

Hàng loạt câu nói, cách nói của các vị Thần toát ra thể hiện bản chất thấp hèn, xấu xa và là “kẻ thù” chứ không phải là đấng cứu độ loài người. Có thể lấy Hằng Nga với những lời nói và hành động của nàng, ta sẽ thấy mức độ “xuất thần” của một nét đẹp thần thánh trong tâm thức nhân loại. Khi bắt gặp Cuội đang nhìn vợ chồng Mạc với Gái lột đồ tắm chung dưới hạ giới thì Hằng nga: “Chị Hằng khúc khích cười: “Rồi vợ chú cũng chẳng kém đâu”. Hay khi Cuội nhìn thấy cảnh Thiên lôi đánh tanh bành nhà Mạc và Gái dưới hạ giới, Cuội hốt hoảng gọi:

“- Chị Hằng à, chị Hằng ơi!

Chị Hằng tất tả chạy ra, thấy Cuội lật đật chỉ xuống làng Cây Da.

- À, tưởng gì…

- Chị biết à? Thế ông Nam Tào đã gạch sổ đâu, mà bắt cả nhà người ta tội chết?

- Chú bằng tâm hẵng. Vợ, con chú tiều phu vẫn sống đấy chứ. Chỉ có chú ta là xấu số thôi.

- Tầm sét nhầm à?

- Đâu có, thần Mây Mưa làm đấy chứ. Nhưng mà, đâu vào đấy cả rồi, trần gian còn có câu "lấm rửa, lệch kê". Chẳng nhẽ, nhà giời lại cứ nẻ nhau ra mà xử à? Chuyện thiên đình, chú còn lạ gì?”

Cuội vò đầu, bứt tai kêu trời. Chị Hằng tủm tỉm: "Sao bảo, chú phải lòng con mẹ tiều phu!". "Tôi sẽ tâu Ngọc Hoàng". "Chớ dại, vua ở xa, quan nha ở gần, chú sốt sắng quá, có khi mẹ con mụ tiều phu chết chẳng toàn thây. Mà phận chú, thương người rồi khó đến thân. Các thần không ưa là dưa có dòi đấy".

Trần thuật lộn trái có thể xem là lối trần thuật rất điển hình của dấu ấn hậu hiện đại, với cách trần thuật này, các nhân vật lột rõ cả nhân hình và nhân tính, không còn được che đậy hay giữ lại một hình hài thẩm mỹ mà hoàn toàn trần tục hóa. Chính vì vậy các nhân vật trong Người rừng dù là Ngọc Hoàng hay Thiên Lôi đi nữa thì lối sống, cách nghĩ, cuộc đời bị tác giả phơi trần ra. Những thủ đoạn, hành động xấu xa, bao che đều được tác giả chỉ rõ tận nơi, không câu nệ. Ví như nhân vật Thổ Công:

Khi quan tòa dưới âm phủ xử tội Gái vì tội thông dâm với khỉ đột. Khi quan tòa hỏi thì các vị thần bao che, đổ lỗi cho nhau và cùng nhau chối tội:

“Thần Cây Da có biết không?

- Bẩm, thần chỉ biết việc quanh quẩn gốc da mà thôi. Đúng là khỉ đột có vào nhà thị Gái. Nhưng chuyện trong nhà xảy ra thế nào, thì lại thuộc lãnh địa của Thổ Công.

- Thổ Công?

- Bẩm, đúng là có chuyện như thế, nhưng do khỉ đột mò tới nhà thị Gái, chứ không phải chuyện ngược đời như cọc đi tìm trâu đâu.

- Thị Gái vào rừng với khỉ đột, ngài cũng không hay chăng?

- Bẩm, đấy là khu vực cai quản của thần Núi rồi.

- Thần Núi?

- Bẩm, việc này mãi sau bọn tiểu sơn thần mới báo lên. Ngày trước, thấy thị Gái gặp phận bạc, thần đã cho hổ càm lợn về nuôi dưỡng, không ngờ lại có cái con khỉ đột kia gây hoạ.

- Ngài không cai quản được nó sao?

- Bẩm, khỉ đột là giống bỏ bầy đàn, đi lang thang một mình. Luật nhà trời chỉ cho phép thần cai quản loài vật theo bầy đàn mà thôi.

Quan toà thở dài. Bọn ma nữ lại ồn ào cả lên: "Đồng đổ cho tướng, tướng đổ cho đồng". "Chuyện giường chiếu nhà người ta, thế mà cũng mang ra luận tội được"…”

Hay đoạn:

“Việc dân làng Cây Da lập miếu thờ người rừng, đã được các bậc trưởng lão bẩm báo Thổ Công y cho, nhưng lại sơ xuất không bẩm thần Núi một câu. Thần Núi cho rằng, từ Ngọc Hoàng tới dân đen đều tỏ ý coi thường mình, lấy làm tức lắm, liền sai các tiểu sơn thần đóng hết các mạch nước lại. Thế là đất đai lại cằn khô, cỏ cây héo úa. Dân làng cầu miếu người rừng mấy buổi mà không linh nghiệm.

Lại nói, chuyện dân làng Cây Da cầu người rừng được trận mưa lớn, chẳng qua là Thần Mây Mưa ái ngại, vì trước kia nông nổi, nghe lời xúi bẩy mà gây tai hoạ cho tay tiều phu, nên mới rón tay làm phúc vậy thôi. Chứ một trận mưa, bất quá cũng chỉ làm mát lòng người, ướt cây cỏ mà thôi.

Từ trên thiên đình, Ngọc Hoàng thấy hạ giới đỏ ối cả một vùng, bèn cho triệu các thần lại hỏi. Chị Hằng tọc mạch mọi chuyện, mới tâu nguyên do như thế, như thế. Ngọc Hoàng bèn ban bổng lộc cho thần Núi, lại sai Thổ Công báo cho bô lão làng Cây Da tôn thờ thần Núi, kẻo về âm phủ cả lũ. Từ đấy, các mạch ngầm đều mở toang hoác, nước tuôn trào, cây cối xanh tươi, mùa màng bội thu, dân chúng no đủ.”

Thủ pháp “đánh bài ngửa” được vận dụng trong tác phẩm thể hiện một sự dũng cảm, một thể nghiệm đầy mạo hiểm. Sự đối lập giữa thế giới thần linh và thế giới loài vật qua tâm điểm là con người vô cùng hậu hiện đại. Trong Người rừng, nếu Thần linh là thủ phạm gây ra cho bao tang thương, chia lìa mà loài người gánh chịu thì loài vật lại rất nhân hậu, rất “thần linh”, con hổ vì thương hoàn cảnh vợ của Mạc bị góa bụa nên hàng đêm vẫn âm thầm bảo vệ căn nhà chị, không cho khỉ đột làm hại. Đặc biệt hàng tháng lại còn bắt thú rừng đem cho chị Gái để ổn định đời sống. Con khỉ cái trong rừng thì yêu thương, nuôi nấng cu Mậm, con của vợ chồng Mạc khi bị lạc vào rừng (lạc do thần Mưa làm hại)… ngược lại, Thần Cây Da thừa biết hoàn cảnh của gia đình Mạc, trong đó có phần lỗi của ông nhưng ông hoàn toàn vô tâm, thậm chí là chối bỏ trách nhiệm đó. Rõ ràng ở đây, Vũ Xuân Tửu đã hạ bệ một thần tượng của dân gian đó là thế giới tiên cảnh với những Bụt, Ngọc Hoàng, Thiên Lôi,… đặc biệt là Thần Cây Da, Thổ Công, là những thần trực tiếp chăm lo cho người dân, luôn được hưởng bổng lộc từ dân. Một sự tráo trở trong thế đối lập của loài vật và thần thánh này.

6. Sự nhạy cảm của yếu tố phi thiêng trong văn học hôm nay

Có thể nói ngay rằng, yếu tố phi thiêng là yếu tố còn rất mới mẻ trong văn học Việt Nam hôm nay. Chúng tôi cho rằng cần phải có một cái nhìn thật thận trọng với yếu tố này, bởi vì nó như “con dao hai lưỡi”, tác giả khi vận dụng nó như “làm xiếc trên dây”, nếu không khéo léo thì vấn đề sẽ chệch sang một phương hướng khác, không dễ dàng kiểm soát được.

Phi thiêng hóa nếu lạm dụng một cách tùy tiện, đặc biệt là với những cây bút trẻ, với những vốn sống còn nghèo nàn, nhận thức về văn hóa dân tộc còn non nớt, chưa thấu hiểu hết nét đẹp bản sắc dân tộc Việt và quan trọng nhất là chưa ý thức được hết “sự lợi hại của văn chương” trong đời sống văn hóa xã hội mà dễ dãi để ngòi bút đi quá giới hạn thì thật là đáng tiếc. Vì thế, chúng tôi cho rằng cần phải cân nhắc kĩ khi sáng tác và tiếp nhận một tác phẩm văn học mang yếu tố phi thiêng, và phải có một bản lĩnh văn hóa nhất định khi nhìn nhận những hình tượng bị phi thiêng hóa.

Hơn lúc nào hết, người đọc hiện nay cần thông thái, biết lựa chọn cái gì đáng đọc, không nên mất thì giờ vào các câu chuyện bịa đặt, hoặc hoang mang trước những cách viết "lộn trái, nói ngược", cần tỉnh táo để không bị lợi dụng cổ vũ cho sự giải thiêng, có thái độ lên án nghiêm khắc những cây bút có động cơ không lành mạnh, thiếu nhân văn.

Người viết chân chính bao giờ cũng hướng đến giá trị chân, thiện, mỹ. Một tác phẩm lớn, có giá trị phổ quát phải là nơi quy tụ những tâm hồn, đáp ứng nhu cầu mở rộng biên độ mỹ học, phụng sự nhân dân, vì lợi ích quốc gia, dân tộc.

Tp. HCM, tháng 4 năm 2017

PVB

A. Tài liệu tham khảo

1. Bùi Thanh Truyền, Chủ nghĩa hậu hiện đại và văn học Việt Nam (lưu hành nội bộ), Nxb Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, 2016

2. Nguyễn Thành, Hồ Thế Hà, Nguyễn Hồng Dũng (chủ biên), Văn học hậu hiện đại diễn giải và tiếp nhận, Nxb Văn học, 2013

3. Trần Ngọc Thêm, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục, 2015

4. Vũ Xuân Tửu, Người rừng, Nxb Hội Nhà văn Việt Nam, 2013