Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHÂN VẬT TRONG TRUYỆN NGẮN VŨ XUÂN TỬU

Cao Thị Hương
Thứ hai ngày 26 tháng 6 năm 2017 4:44 AM



Tóm tắt

“Nhà văn không phải là thày thuốc, nhà văn là nỗi đau” (4), Vũ Xuân Tửu đã bộc bạch như vậy khi nói về nghiệp viết của mình. Đọc tác phẩm của ông chúng ta thấy được cái tâm với con chữ, lòng đam mê với nghiệp viết, một sự gắn bó mãi không ngừng. Nói về truyện ngắn của ông, nhà văn Ma Văn Kháng thấy đã “nhặt được khá nhiều vàng trong cát”(10). Nhân vật trong truyện của Vũ Xuân Tửu đã sống ở đời thường rồi đi vào trang viết. Tiếp cận các nhân vật của ông, bạn đọc sẽ thấy những góc khuất từ cuộc sống và cái nhìn hiện thực theo cảm quan thẩm mĩ tài tình của nhà văn phản ánh trong tác phẩm bằng một văn phong nghệ thuật mang dấu ấn riêng.

1. Đặt vấn đề

Đọc tác phẩm của Vũ Xuân Tửu, bạn đọc được chiêm ngưỡng cái đẹp trong đời thường, cái kì diệu của cuộc sống hàng ngày, ông là “một người nghệ sĩ của cái đẹp”. Vũ Xuân Tửu sinh năm 1955 là một sĩ quan công an nhưng niềm đam mê văn chương sớm đến với ông nên ông đã “tự đào tạo mình thành một nhà văn” và đạt giải cao nhất trong cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, 2005 – 2006. Nhà văn từng chia sẻ về nghiệp viết của mình rằng: “Mỗi buổi tối, tôi thường viết ba đến bốn giờ, ngày nghỉ cuối tuần cũng thường viết từ mười đến mười hai giờ. Viết truyện là mang tâm sự của mình đến với bạn đọc về một khoảnh khắc cuộc sống, một nét tính cách nhân vật. Tôi hầu hạ bạn đọc, còn từ điển thì phục vụ tôi. Lúc nào trên giá sách, cạnh bàn viết cũng có khoảng mười loại từ điển để sẵn sàng tra cứu, nhất là lúc sửa chữa tác phẩm. Tôi luôn cẩn trọng với từng câu và từng con chữ với tất cả tấm lòng và ý thức trách nhiệm của mình... Tôi thấy ý nghĩ hay nhất thường nảy ra lúc đi đường, lúc ban đêm thức giấc và lúc đọc sách. Như thể có sự gợi ý, xui bảo vậy. Nhưng không bao giờ dừng xe để ghi, không bao giờ vùng dậy để ghi, cũng không bao giờ dừng đọc để ghi, mà chỉ lúc nào thư thái, cái gì còn đọng lại thì mới ghi lại để bổ sung chi tiết hay hình thành ý tưởng mới” [3;4]. Cái nghiệp văn nó tự vận vào thân ông như thế đấy! Vũ Xuân Tửu sớm yêu văn chương từ khi ngồi trên ghế nhà trường, nhưng thành tự của ông bắt đầu xuất hiện gần 20 năm, bắt đầu từ Trại sáng tác ở Lạng Sơn. Ông viết nhiều truyện ngắn, mang hơi thở và nhị sống của con người hiện đại, nhanh nhưng không gấp, ngắn nhưng sâu lắng, gần gũi nhưng nhiều chiêm nghiệm. Truyện ngắn của ông đã góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới văn học đầu thế kỉ XXI, thúc đấy quá trình đa dạng hóa thể loại, phát huy cái nhìn mới của văn học với cuộc sống và đáp ứng nhu cầu tiếp nhận đa chiều của bạn đọc. Nhân vật trong truyện ngắn của Vũ Xuân Tửu đa dạng, sống động nhiều màu sắc nhưng thâm trầm, tỉ mỉ, tinh tế. Mỗi nhân vật trong truyện của Vũ Xuân Tửu đượm vị cay đắng cuộc đời, chứa đựng nhiều giá trị chân, thiện, mĩ. Tác giả đi sâu khai thác tâm trạng nhân vật bằng cái nhìn khách quan, với một lối viết riêng, nhẹ nhàng sâu lắng ánh lên một cái nhìn từ cuộc sống bình dị, tinh khôi lấp lánh.

2. Đặc điểm nhân vật trong truyện ngắn Vũ Xuân Tửu

Tô Hoài cho rằng "Nhân vật là nơi duy nhất tập trung hết thảy, giải quyết hết thảy trong một sáng tác". Theo Lê Bá Hán “Nhân vật còn thể hiện quan niệm nghệ thuật và lí tưởng thẩm mĩ của nhà văn về con người. Vì thế, nhân vật luôn gắn chặt với chủ đề của tác phẩm” [237; 12]. Như vậy, dù ở góc nhìn nào nhân vật luôn là linh hồn trong tác phẩm. Đọc truyện ngắn của Vũ Xuân Tửu, bạn đọc thường bắt gặp hình ảnh cuộc sống sinh hoạt người dân quê điềm đạm chất phát, người dân miền núi thuần hậu, mộc mạc đậm đà tình nghĩa. Phải chăng, do gắn bó với cái nôi văn hóa Việt Bắc và văn hóa đồng bằng nên trang viết của ông đậm đà, da diết về những con người từ vùng cao đến miền xuôi.

Nhân vật được nhà văn khắc họa với nhiều mảnh đời, số phận ở nhiều vùng quê khác nhau như thành thị, nông thôn, rẻo cao, miền biển. Qua những câu chuyện đó, ta thấy được tâm tư người dân vùng quê xa xôi (Người sông nước, Dòng chảy, Tiếng kèn lá trên đỉnh Mã Pì Lèng...); những câu chuyện đời thường (Ông lão bán điếu, Tầm Phào, Keo tai tượng, Chữ ký...); những cuộc tình mang màu sắc huyền ảo, vượt mọi giới hạn (Chớp bể mưa nguồn, Dòng chảy, Người sông nước, Cầu vồng trên núi Pù Tiên...); hay chuyện tình người con gái như nàng Kiều thời xưa (Chuyện tình người đẹp thành Tuyên, Yếm thắm, Trăng sáng đồi chè...). Các hình tượng ấy được nhà văn xây dựng từ sự khắc khoải đau đáu về con người, về cuộc sống lao động và giá trị nhân văn. Cuộc đời từng trải đã đưa lại cho nhà văn vốn sống không hề nhỏ, một cái nhìn sâu sắc chân thực trong văn chương, một cách viết gây ám ảnh, không màu mè, tô vẽ. Với ông, “Nhà văn không phải là thày thuốc, nhà văn là nỗi đau”; “Khi lòng ta vui thì truyện vui, khi lòng ta buồn thì truyện buồn, khi trong ta ăm ắp tâm sự thì bạn đọc cũng cảm thấy day dứt trong lòng”... Do vậy, những sáng tác của ông tạo nên cốt cách riêng của người cầm bút, nhà văn luôn có ý thức gắn mình với số phận của nhân dân và đất nước.

2.1. Về ngoại hình nhân vật

Nhân vật trong truyện ngắn Vũ Xuân Tửu chủ yếu là những người phụ nữ, những chàng trai, cô gái. Họ là những con người trải thăng trầm cuộc sống, khi còn trẻ tới khi về già, hay cũng có khi chỉ một thời điểm, một giai đoạn cuộc đời. Nhân vật của nhà văn xuất hiện nhiều ở các truyện ngắn là nhân vật “tôi”. Tôi có khi là nhân vật chính, khi là nhân vật phụ, nhưng tôi lại ít được miêu tả bề ngoài. Thay vào đó, đối tượng được miêu tả là nhân vật mà tôi muốn kể đến, muốn khắc họa làm trung tâm truyện. Tác giả tự bạch về nhân vật tôi rằng: “Trong nhiều truyện nhân vật chính là Tôi, hoặc Tôi là người dẫn chuyện. Đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất, nhưng lại không phải là tự truyện. Có lúc tôi đã cố gắng thay bằng tên gọi các nhân vật khác, nhưng viết cảm thấy nó không thật lòng, không chắc tay. Nên đành cứ để là Tôi, định bụng, khi viết xong thì điền một cái tên nào đó vào, nhưng rốt cục không làm được cái trò "hồn Trương Ba, da hàng thịt".[3;4]. Như vậy, tính trung thực là một quan niệm trong sáng tạo của người cầm bút.

Khi miêu tả nhân vật, tác giả dùng những câu chữ ngắn gọn. Trong Ông lão bán điếu, Vũ Xuân Tửu viết: “Ông lão cỡ lục tuần, thân hình vạm vỡ, nhưng cái miệng nhỏ thó như đồng xu”; hay tả ông bà chủ thuyền trong Người sông nước thì: “Ông chủ thuyền gầy quắt xà lai. Người ta bảo, ông khôn ngoan lọc lõi quá nên gầy quắt lại”; “Bà chủ thuyền lúc nào cũng phây phây, tính lại xởi lởi”; “Nhìn tấm lưng nõn nà, dải yếm thắm lơi lơi” [11;5]. Người sông nước gồm 3 truyện ngắn: Cánh chân sào, Yếm thắm và Con chim lửa, dung lượng ngắn gồm ba tuyến nhân vật: ông chủ thuyền, bà chủ thuyền và đội chân sào. Xuyên suốt mạch truyện là tình cảm của một anh chân sào với bà chủ thuyền chài. Bà chủ thuyền chài được đặc tả qua vài câu chữ như: “Bà chủ thuyền đỏ mặt, lườm chồng một cái; lúc nào cũng phây phây, tính lại xởi lởi; tấm lưng nõn nà, dải yếm thắm lơi lơi; mùi bồ kết thơm thơm, khuôn mặt tròn như trăng rằm toả sáng rời rợi, trên má có vết sẹo nhỏ như vảy cá”... Nhân vật chính là người đàn bà xuyên suốt ba truyện mà tác giả chỉ dành có bấy nhiêu từ đặc tả. Phải chăng, đó là bút pháp riêng của nhà văn, lời ít nhưng sắc nét và ấn tượng, câu từ phải có khả năng tạo hình và gợi cảm. Ông kiệm lời, không văn hoa dài dòng, ưa súc tích lắng sâu, tạo cho bạn đọc một tâm lý khoan thai, từ tốn, hoặc những ai ưa ngắn gọn nhanh lẹ đều có thể dễ dàng thưởng thức. Tính hàm súc là ưu thế của những nhà văn biết lắng nghe tâm lý của người đọc.

2.2 Tính cách và nội tâm nhân vật

Hình tượng người phụ nữ hiện lên chân thực, sống động dưới ngòi bút của nhà văn như “Trăng sáng đồi chè” và “Chuyện tình người đẹp Thành Tuyên”. Trong “Trăng sáng đồi chè”, Thảo là nhân vật trung tâm. Thảo, người con gái dịu dàng, đảm đang, đôn hậu. Cô có mối tình thoảng qua với anh lái xe, nhưng lại nên phận với Phúc, chàng trai cùng sống ở vùng chè. Chớ trêu thay, cô lỡ bén duyên với anh lái xe một lần để mang nỗi đau về sau, khi chàng lái xe biến mất đã để lại Thảo với cái bụng to dần. Dù biết vậy mà Phúc vẫn yêu, một lễ cưới của nàng với Phúc cùng cậu con trai kháu khỉnh diễn ra. Truyện từ đầu đến cuối được trần thuật nhẹ nhàng theo diễn biến tâm lí của người phụ nữ với nỗi niềm đau đớn trầm lắng bị kẻ phàm phu phụ bạc, những day dứt về sự hàm ơn, bao dung của người đàn ông khác. Truyện về cái góc khuất của người phụ nữ chịu thiệt thòi cam chịu: “Thảo lại lặng lẽ vơ những cành chè khô, đánh đống vào chái bếp để làm củi. Những lời ong tiếng ve đầu nương cuối xóm đều lọt vào tai cô. Nhưng cô chỉ biết nuốt nước mắt vào lòng. Khi Phúc chằm vặp thì mình lại lửng lơ... Bây giờ, chả còn mặt mũi nào mà nhìn người ta nữa. Thế mà Phúc vẫn coi như không hay biết gì, khi trở về vẫn đến thăm. Chẳng thà Phúc khinh bỉ, thậm chí chửi mắng lại nhẹ người...” [19;3]. Đoạn văn mô tả tâm trạng phức tạp trong Thảo khi cô bị kẻ phàm phu phụ bạc. Dù vậy, Thảo vẫn nhận được sự che chở trong vòng tay của Phúc, người có tình yêu đích thực. Không mất nhiều lời văn để mô tả tâm hồn Phúc, mà qua tình cảnh cuộc sống lứa đôi tự nói lên tính cách của một chàng trai nhân hậu bằng lượng từ hàm súc.

“Chuyện tình người đẹp Thành Tuyên”, kể về Sương, người con gái đẹp nhất vùng được mệnh danh là Người đẹp Thành Tuyên, có mối tình sâu nặng với Đình – một nghệ sĩ tài tử. Số phận éo le, chàng nghệ sĩ nghèo không lấy được người yêu, để rồi Người đẹp Thành Tuyên bị ép gả, trao tay qua nhiều người đàn ông khác. Sắc đẹp long đong. Kết thúc, chuyện tình với Đình thì dang dở, tương lai thì mù mịt. Nhà văn mô tả hình ảnh bao tải trôi sông như gợi lên một số phận tăm tối bi thảm, mù mờ từ truyền kiếp: “Lòng dạ rối bời, nàng không biết đi đâu về đâu. Bước chân vô định đưa nàng đi dọc bờ sông, lại đến ghềnh Miếu Đồng Tiền. Nhìn dòng nước lô xô, nàng như nghe thấy bài thơ của chàng, đang vang lên từ ghềnh đá... Kìa, có cái gì lập lờ nổi trôi dưới chân ghềnh, nom như bao tải. Nàng sợ hãi, ôm mặt kêu rú lên, rồi ngã vật xuống đầu ghềnh” [48;9]. Nhà văn khéo tạo ra những hình ảnh trực cảm để gợi lên cảm giác trong sâu thẳm của lòng người tạo nên những ấn tượng sâu sắc về số phận con người.

2.3 Nghề nghiệp, hoạt động xã hội của nhân vật

Truyện ngắn Vũ Xuân Tửu vừa gắn với môi trường văn hóa miền núi vùa có cả những câu chuyện viết về con người, cuộc sống ở nông thôn, thành thị miền xuôi. Kiểu nhân vật trong “Ông lão bán điếu”, chỉ đô hai trang sách mà làm nổi lên chân dung một người sống bằng nghề bán điếu thuốc lào ở đất Hà thành, cho thấy phần nào sự mưu sinh vất vả của người lao động nơi đô thị. Với “Nợ văn chương”, “Gia đình”, “Tầm phào” nội dung kể về cuộc sống người miền xuôi, đô thị. Họ vươn tới những nghề nghiệp tri thức cao sang như viết văn, viết báo... nghề gì cũng có sự vất vả khó nhọc riêng, mang nếp sống nếp nghĩ riêng. Bưởng là nhân vật xuyên suốt ba truyện: “Nợ văn chương – Chữ ký – Thanh kiếm cà là gỉ”. Các câu chuyện không phải những vấn đề gì quá lớn lao, to tát cái nổi lên trong đó là những phiên bản của cuộc sống tưởng “tầm phào”nhưng mang ý nghĩa nhân sinh. Bưởng hiện lên trong từng câu chuyện với những nét tính cách nhanh nhẹn, hoạt bát, năng động. Nhân vật tôi đánh giá Bưởng là bỏ đi, không theo nghiệp tri thức mà hành nghề buôn bán, ăn nói thì thô lỗ cục cằn. Nhưng khác với tôi, Bưởng đã tạo nên những giá trị thiết thực giúp đỡ người thân vượt qua hoạn nạn, có khi sự nhạy bén quá ấy anh phải chịu nhiều thua thiệt.

“Thợ cắt tóc truyền đời”, “Thợ khâu giày”, “Người đàn bà trên ti vi” là những câu chuyện khắc họa nhân vật gắn với nghề nghiệp. Nghề nào cũng có những giá trị đáng tôn vinh và những điều vất vả, đôi khi ngang trái mà người ngoài không dễ thấy. Nghề cắt tóc, khâu giày vẫn có những niềm vui hàng ngày. Nghề truyền hình, biên tập nhìn lúc nào cũng thấy lung linh, lộng lẫy nhưng sau nó là cả một sự thật gian nan, khắc nghiệt về cuộc sống.

Các truyện ngắn của Vũ Xuân Tửu đã để lại những ấn tượng sâu cho bạn đọc, nhưng đáng chú ý là những trang viết về cuộc sống vùng cao với bao nếp sống, sinh hoạt, tình yêu thương con người thể hiện những cách nhìn mới mẻ về cuộc sống: “Tiếng kèn lá trên đỉnh Mã Pì Lèng”, “Cầu vồng trên núi Nàng Tiên”, “Suối Miền Xía”, “Chuyện ở bản Piat”, “Cỏng Hò”... Nổi lên trên hết là sự thẫm đẫm tình người, những tâm tư tình cảm trong từng nhân vật của nhà văn. Các truyện nắn viết về miền xuôi lại là những”lát cắt” sinh động trong đời sống để bạn đọc khó quên.

2.4. Ngôn ngữ và giọng điệu nhân vật

Một trong những ưu thế sáng tác của Vũ Xuân Tửu là sự am hiểu ngôn ngữ vùng miền. Nhà văn Vũ Xuân Tửu đã vận dụng linh hoạt ngôn ngữ địa phương trong sáng tác. Trong nhiều truyện ngắn của ông, mỗi nhân vật đều có kiểu phát ngôn riêng thể hiện tính cách riêng. Trong “Tiếng kèn lá trên đỉnh Mã Pì Lèng”, Mỷ và nhân vật tôi hay dùng những điệu khèn lời hát để tỏ tình: “Em ơi/ Tình yêu đôi ta đẹp thế này/ Đã nói nhiều nhưng đôi ta chưa tỏ/ Vẫn còn điều bí ẩn ở thắt lưng em...” [6;4]. Trong Suối Miền Xía, những từ ngữ rất đặc trưng như: “quay làm”, “hồn lúa”, “pụi công”, “hợp tíu”; hay Chuyện ở bản Piat với: “À lúi”, “đi làm thôi lố”, “thìn khấu, dậu phái”... là những ngôn từ dân tộc thiểu số thể hiện những nét văn hóa vùng cao rất rõ nét. Giọng điệu nhân vật từng truyện ngắn mang nhiều sắc thái khác nhau, góp phần xây dựng tính cách hoàn chỉnh cho nhân vật. Trong “Suối Miền Xía”, những đoạn hội thoại giữa một anh quay phim với cô gái Mùi Xay ở bản Miền Xía thật đằm thắm: “Mùi Say cười xoà dụi đầu vào nách tôi như một con mèo. Tôi vuốt món tóc mai rủ sau vành tai của Mùi Say mà bảo: Anh sẽ tìm ngựa hồng thật đẹp, cho em cưỡi về thăm nhà anh. Hứ, em thích ngựa màu xanh lá cây... Mùi Say vuốt ve cánh tay rắn chắc chuyên quay của tôi và khẽ cất tiếng hát: Đói lòng phải gánh lúc xa/ Lấy chồng dù có đường xa quản gì / Mỏi chân ta cưỡi ngựa đi/ Gặp sông vạt áo ta thì bắc qua.” [7;3]. Có khi là đoạn mô tả những khẩu ngữ hồn nhiên hài hước của ông bà trưởng bản Mí Tủa trong Tiếng kèn lá: “Bà Mí Tủa vừa tước lanh, vừa cười cười, nói chen vào: Mình biết ăn cái lá, hết đẻ thôi. Tôi cười trừ, tán tếu. Ông bà trưởng bản đặt tên cho con giỏi đấy. Mỷ là cô tiên nhá, mà cũng đẹp như tiên. Páo là con rồng nhá, mà cũng giỏi như rồng. Trưởng bản cười hơ hớ. Không biết bao giờ con Mỷ mới lấy chồng, thằng Páo mới lấy vợ, đẻ con, để tao được gọi là ông Dúng Tủa, Vản Tủa, cứ để mọi người phải gọi là Mí Tủa mãi thôi” [4;7]. Xem hết đoạn văn mà lời nhân vật như còn đọng lại. Mỗi lời nói của nhân vật thể hiện bản sắc địa phương, sự ấm áp tình người mang dấu ấn phong tục ở mảnh đất vùng cao.

Vận dụng ngôn ngữ, giọng điệu linh hoạt để miêu tả nhân vật ở vùng cao, đồng bằng hay miền biển là đặc điểm của cây bút Vũ Xuân Tửu. Từ giọng hóm hỉnh lạc quan, đến đằm thắm đậm đà tình yêu, hay chiêm nghiệm triết lí hoặc tình tự nhẹ nhàng sâu lắng đến buồn thương tiếc nuối gợi nên nhiều sắc điệu tâm hồn con người trong cuộc sống. Nhà văn Ma Văn Kháng nhận xét truyện ngắn của Vũ Xuân Tửu rằng: “Làm cái anh viết truyện ngắn mà kiếm được một chi tiết đắt kể cũng là thành công, là có khả năng nhặt những hạt vàng trong cuộc sống. Ấy vậy mà cái anh Vũ Xuân Tửu - Nhà văn mang sắc phục công an ở xứ Tuyên lại nhặt được khá nhiều vàng…” [1;10]. Quả là những ý kiến khách quan của một nhà văn từng trải với một cây bút mang tinh thần đổi mới biết khám phá những gì cần thiết cho nghệ thuật và bạn đọc. Với nghệ thuật truyện ngắn, chi tiết là nhân tố quyết định thành công trong xây dựng nhân vật của nhà văn và làm nên sức hấp dẫn cho bạn đọc.

2.5 Các mối quan hệ của nhân vật

Vũ Xuân Tửu có cái nhìn nữ quyền linh hoạt trong sáng tạo qua các truyện ngắn như: “Chuyện tình người đẹp Thành Tuyên”, “Tiếng kèn lá trên đỉnh Mã Pì Lèng”, “Bí mật cuốn gia phả”. Sương, nhân vật chính của “Chuyện tình người đẹp Thành Tuyên” có nhan sắc lay động đất trời, nhưng “hồng nhan bạc mệnh”, người tình biến mất, còn mình thì ra ngẩn vào ngơ bên bờ gềnh trước mắt là hình ảnh bao tải trôi sông thấp thoáng. Truyện “Bí mật cuốn gia phả” với sự thất bại trong hôn nhân, Nụ người phụ nữ xinh đẹp dịu hiền mất chồng ngay trong nhà mình. “Tiếng kèn lá trên đỉnh Mã Pì Lèng” là sự tan vỡ tình yêu của Mỷ khi sống, để rồi khi chết đi họ mới được ở bên nhau. Sự mâu thuẫn giữa cái đẹp của con người với hoàn cảnh éo le thời nào cũng có là một thực tế khách quan. Đó là cái nhìn hiện thực của nhà văn rõ nét qua nhiều tác phẩm. Những đau khổ và hạnh phúc con người đều nảy sinh từ cuộc sống. Cái đẹp trong cuộc sống luôn phải đối mặt với tai ương. Đó là cách nhìn, sự cảm thông chia sẻ với thân phận người phụ nữ của nhà văn gửi gắm vào trang viết. Con người là tổng hòa của các mối quan hệ xã hội và thiên nhiên. Trong văn học, mọi mối quan hệ xã hội, tự nhiên đều thông qua hình tượng con người. Nó giúp nhà văn thể hiện sự gần gũi đời sống với văn chương. Thiên nhiên không cần đến con người nhưng con người rất cần thiên nhiên, không có thiên nhiên thì con người không thể tồn tại. Qua cái nhìn có sắc màu sinh thái của nhà văn, chúng ta có thể thấy những tác phẩm như “Keo tai tượng”, “Tiếng chuông đêm”, “Thành hoàng làng Vực Vại”... mới thấy được con người luôn gắn bó với môi trường sống, đó là cảm quan hiện thực mới mẻ của nhà văn.

“Keo tai tượng” kể về công cuộc cải cách giao đất giao rừng cho dân làm kinh tế mới. Thân phận cây keo như con người vất vả long đong. Từ rừng tự nhiên, con người phá đi, trồng lại phá rồi lại trồng, chuyển từ cây này sang cây khác vì lợi nhuận mà không quan tâm đến sự tồn tại của môi trường sống ngàn đời nay. Truyện phê phán tầm nhìn ngắn ngủi trong cách ứng xử của con người với thiên thiên nhiên. Câu chuyện ánh lên cái nhìn xa đau đáu về thiên nhiên như một tiếng kêu cứu: con người hãy bảo về thiên nhiên, ta chỉ là một phần của thế giới ấy mà thôi, đừng cho ta là trung tâm của sự sống trong thế giới này. “Tiếng chuông đêm”, “Thành hoàng làng Vực Vại”, những câu chuyện cho thấy sự đáp trả của thiên nhiên với cách ứng xử của con người. Mọi thứ đều có nhân có quả theo qui luật sinh tồn muôn thủa.

Con người với tâm linh ẩn hiện trong những truyện ngắn như “Pho tượng gỗ mít”, “Tiếng chuông đêm”, “Người sông nước” của nhà văn... Người sông nước kể về mối tình của bà chủ thuyền chài với anh chân sào, một chuyện tình nhuốm màu huyền thoại, một tình yêu không khoảng cách. Với “Pho tượng gỗ mít” và “Tiếng chuông đêm” ẩn hiện sự huyền bí kì lạ mang màu sắc tâm linh. Bưởng chặt cây gỗ truyền đời thì bị đâm thủng bụng, khi pho tượng bằng gỗ mít ấy được đẽo xong thì đã trụ lại gốc đa của làng, không thể rời đi. Chiếc chuông trong “Tiếng chuông đêm” lúc ẩn lúc hiện, khi hiện thì cuộc sống dân làng yên ổn, khi mất tích thì làng lại trở nên náo loạn. Cho hay, con người phải biết tôn trọng những lẽ sống linh thiêng, hiểu sự linh thiêng của cuộc sống chúng ta mới có phần hạnh phúc.

Quan hệ con người với truyền thống văn hóa là một nét đặc sắc nổi lên trong truyện ngắn của Vũ Xuân Tửu. Nói đến đời sống tinh thần miền núi phía Bắc, chúng ta không thể không nhắc đến lời ca tiếng kèn, tiếng sáo với những âm hưởng riêng của văn háo vùng cao. Trong “Cỏng Hò” diễn tả điệu hát giao duyên: “Hát không cần sách, sách ở trong bụng rồi. Cứ thế thay nhau, kẻ đối người đáp, say sưa như uống rượu ngon gặp được bạn tình” [31;5]. Tiếng kèn lá của Mỷ và thầy giáo trong “Tiếng kèn lá trên đỉnh Mã Pì Lèng” là tiếng gọi của tình yêu, của hẹn ước: “Mỷ biết anh còn thương Mỷ nhiều, yêu Mỷ nhiều mà” [64;4]. Tình yêu và cảm xúc tươi đẹp của con người miền núi được đặt trong không gian văn hóa thẩm mĩ của đồng bào qua cảm quan nghệ thuật của nhà văn, tạo nên sức hút cho bạn đọc.

Viết về vùng cao, Vũ Xuân Tửu quan tâm đến những nét tâm lý phác thực của con người. Dường như con người sống gắn bó, yêu thương nhau nhiều hơn là thù hận. Đó là điểm sáng trong cách nhìn hiện thực trong truyện ngắn của ông. Vần trong Cỏng Hò là một người lính, sau khi đi bộ đội về thì vợ đã có con với người khác, nhưng nhờ tình yêu sâu đậm mà Vần vẫn yêu thương, vị tha với vợ con và trở thành Cỏng Hò được mọi người yêu mến quý trọng.

Ở Bí mật cuốn gia phả cho thấy cách ứng xử vị tha của những con người từng trải gian khổ. Anh bộ đội lặng lẽ chuyển cả gia đình vào Nam sống khi biết được sự thật về chàng trai mà con gái mình đem lòng yêu thương với cách ứng xử thông minh, tình nghĩa. Vợ của Chiến, một người phụ nữ nghĩa tình, khi biết chồng ngoại tình cũng đã có lúc “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, nhưng chính nàng là người khuyên chồng cắt bỏ ngón tay thứ sáu để giữ gìn gia đình cho cả hai bên, và nàng là người khuyên chồng chuyển về ở gần nhà Hộ. Hộ là người đau khổ nhất khi chọn cách để vợ “tự do” ngoại tình, chính điều ấy làm chàng lạnh nhạt với vợ con, nhưng chàng vẫn săn sóc gia đình chu đáo có nghĩa tình, cho thấy tình người bao giờ cũng cao hơn những bi kich của cuộc sống. Sau mỗi tình huống éo le trong truyện là một cánh cửa mở tìm về ánh sáng nhân văn. Đó là cái nhìn của một nhà văn giàu lòng nhân ái, khi nhận rõ hiện thực muôn màu muôn vẻ của cuộc đời này.

Kết luận

Truyện ngắn của Vũ Xuân Tửu, để lại sự trầm lắng sâu xa trong bạn đọc về số phận con người. Hình tượng các nhân vật sống động, chân thực, lung linh, nhập hồn vào người đọc. Bạn đọc được cuốn theo nhân vật cùng những buồn vui, say mê trước cái đẹp và cái thiện... Đó là những ánh sáng lung linh lóe lên trong sự xô bồ của vô vàn sáng tác hiện nay. Tài hoa của người cầm bút ánh lên từ những điều gần gũi, giản dị nhất trong cuộc sống của chúng ta. Là một cây bút trưởng thành trong thời kì đổi mới, sự sáng tạo của Vũ Xuân Tửu về cách kể, ngôn từ, hình tượng nhân vật đã đem lại một sắc thái riêng. Truyện không đi sâu vào những vấn đề tư tưởng lớn lao mà lại thể hiện được cái lớn lao trên con đường quen thuộc. Với cách viết lặng lẽ, không khoa trương, không bận tâm về xảo thuật trong bố cục và ngôn ngữ, không cường điệu tô màu mà cuốn hút. Những điều hư hư thực thực từ những câu chuyện đời thường xuất hiện tự nhiên để thôi miên người đọc. Người đọc, chiêm nghiệm lắng sâu những câu truyện từ tình người sâu thẳm bao la trong cõi nhân sinh. Để kết bài viết này, chúng tôi xin dẫn ra một nhận xét của nhà văn Bùi Việt Thắng, về Vũ Xuân Tửu: “Văn Vũ Xuân Tửu là một lối văn có nhịp điệu khẩn trương nhưng không vội vàng, mạnh mẽ nhưng không bạo liệt, trầm lắng nhưng không cô tịch nên phù hợp với kiểu độc giả thích sống nhanh, nhưng đồng thời cũng hợp với những ai thích sống chậm. Vũ Xuân Tửu có ý thức chăm chút câu văn. Đọc truyện ngắn và tiểu thuyết, độc giả thường chú ý đến “chuyện”, đã đành. Nhưng độc giả vẫn quan tâm đặc biệt đến “văn”, vẫn rất thích sự ngời sáng lên, lấp lánh hơn của câu chữ. Đó mới chính là cái nhã thú văn chương đích thực, lâu bền [1;11].

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.Vũ Xuân Tửu (1998) Tầm phào, tập truyện, NXB Văn hoá dân tộc, H.

2.Vũ Xuân Tửu (2003) Yếm thắm, tập truyện, NXB Văn nghệ, HCM.

3.Vũ Xuân Tửu (2005) Bí mật cuốn gia phả, tập truyện, NXB Văn nghệ, H.

4.Vũ Xuân Tửu (2006) Con chim lửa, tập truyện ngắn chọn lọc, NXB Thanh niên, H.

5.Vũ Xuân Tửu (2007) Chuyện ở bản Piát, tập truyện, NXB Văn nghệ, H.

6.Vũ Xuân Tửu (2007) Mồ hôi của đá, tập truyện ngắn chọn lọc, NXB Hội Nhà văn, H.

7.Vũ Xuân Tửu (2013) Lên cổng trời, tập truyện, NXB Thanh niên, H.

8.Vũ Xuân Tửu (2013) Hoa cải ngồng, tập truyện chọn lọc, NXB Quân đội nhân dân, H.

9.Vũ Xuân Tửu (2015) Chuyện tình Người đẹp Thành Tuyên, NXB Dân trí, H.

10. Hà Thanh (2008) Vũ Xuân Tửu - Người “đãi vàng” ở bản Pi Át, giadinh.net, H.

Link: http://giadinh.net.vn/giai-tri/vu-xuan-tuu-nguoi-dai-vang-o-ban-pi-at-17376.htm

11. Bùi Việt Thắng (2016) Bốn cây bút truyện ngắn miền sông Chảy, vanvn.net, H.

Link: http://vanvn.net/tac-pham-va-du-luan/bon-cay-but-truyen-ngan-mien-song-chay/414

12. Lê Bá Hán – Trần Đình Sử - Nguyễn Khắc Phi (2010) Từ điển thuật ngữ văn học,

Nxb Giáo dục Việt Nam, H.