Một phóng viên đang điều tra và viết bài về những vụ việc “nóng” liên quan đến các quan chức cao cấp của tỉnh Yên Bái, thì có đủ ngây thơ để tống tiền và nhận tiền của một doanh nghiệp ở Yên Bái hay không? Câu trả lời, tất nhiên, là không! Mọi lô gíc đều dẫn chúng ta đến câu trả lời là không, trừ trường hợp thần kinh của phóng viên đó có vấn đề. Tuy nhiên, nếu phóng viên đó có đủ ngây thơ để tự tra tay vào còng như vậy, thì sợ rằng công chúng vẫn sẽ không bao giờ có đủ ngây thơ để tin rằng đó là sự thật.
Chính vì vậy, việc rút hồ sơ vụ án phóng viên Lê Duy Phong tống tiền doanh nghiệp ở Yên Bái về Bộ Công an để tiếp tục điều tra (theo như đề nghị của Tổng biên tập của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam) là rất quan trọng.
Trước hết, điều này sẽ tránh cho lãnh đạo tỉnh Yên Bái sự dị nghị của công chúng. Dù sao thì các bài viết của phóng viên này đang phản ánh những vấn đề liên quan trực tiếp đến lãnh đạo của tỉnh Yên Bái. Mà như vậy thì để công an tỉnh Yên Bái điều tra chắc chắn sẽ bị công chúng cho là không khách quan. Đó là chưa nói tới việc làm như vậy là để xảy ra xung đột lợi ích. Điều này vi phạm những chuẩn mực tối thiểu của việc thực thi công vụ.
Hai là, việc điều tra của Bộ Công an chắc chắn sẽ khách quan và công tâm hơn. Rõ ràng lãnh đạo Bộ Công an và các điều tra viên của Bộ Công an chẳng hề có tư thù hoặc khúc mắc gì với phóng viên Duy Phong cả. Mà như vậy, thì kết quả điều tra dù có thế nào vẫn dễ được công chúng chấp nhận hơn.
Nguồn FB nguyen sy dung