Thơ Lý Phương Liên có thể kể ra một số bài thơ hay như: Lời ru với anh, Ca bình minh, Em mơ có một phiên tòa được bạn đọc yêu mến (từng chép vào sổ tay mang theo đến các chiến trường trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước).
Nhưng nếu được chọn bài thơ hay nhất của chị, theo chủ quan cá nhân tôi, tôi sẽ chọn bài Trò chuyện với Thúy Kiều (bài thơ này lúc đầu có tên là Nghĩ về Thúy Kiều, đăng trên Báo Văn nghệ năm 1970). Tôi chọn bài này là hay nhất bởi nhiều lẽ: đây là bài thơ “lạ”- chứa đựng tình yêu thương con người một cách mãnh liệt nhất, chân thành nhất, ở đó người viết bày tỏ tình cảm, cảm xúc của mình một cách trung thực, thành tâm như chính con tim mách bảo. Trước những tổn thất lớn của gia đình, trước nỗi đau hiện tại chị đã trải lòng mình với mong ước được chia sẻ, cảm thông, thấu hiểu hơn về tình đời, tình người. Do vậy bài thơ giàu tính triết lý và giàu giá trị nhân văn. Với Trò chuyện với Thúy Kiều đã cho thấy đây là một giọng thơ lạ, trong trẻo, dũng cảm cất lên một cách hồn nhiên - lời thơ giống như lời trò chuyện, lời nói hàng ngày, mang đậm dấu ấn cá nhân và không thể lẫn lộn với bất cứ một nhà thơ nào khác. Nhưng cũng chính bài thơ Trò chuyện với Thúy Kiều mà nhà thơ và gia đình đã vướng bao hệ lụy. Để rồi nữ sĩ tài hoa Lý Phương Liên “đi không ai biết, về không ai hay” suốt 40 năm qua. Và đây có thể được coi là một hiện tượng đặc biệt của nền văn học Việt Nam hiện đại.
Với Trò chuyện với Thúy Kiều, Lý Phương Liên là một người phụ nữ có cá tính, một người dám sống, dám nói hết những gì khổ đau đang diễn ra với chính bản thân mình, với những người xung quanh và với những gì đang hiện hữu, đang tiếp diễn ở cuộc đời này. Mà đã dám nói như thế có nghĩa là chị có đủ can đảm và nghị lực để vượt qua.
Em tuổi hai mươi như tất cả mọi người/ Chọn số phận thời mình đang sống/ Tuổi hai mươi không tin vào định mệnh / Định mệnh là đối thủ tiến công
Lòng nhân ái, sự bao dung, biết vượt lên trên số phận, tin tưởng vào tương lai là nét nổi bật ở Lý Phương Liên.
Những năm 70 của thế kỉ trước, ở thời buổi khó khăn chồng chất khó khăn, mỗi người tự nuôi sống bản thân mình đã là khó. Vậy mà với nhà thơ Lý Phương Liên không những lo cho mình mà chị phải cáng đáng với vai trò người trụ cột trong gia đình để nuôi 5 chị em. Với vai trò của một người mẹ, một người cha, một người chị cả để chăm sóc, nuôi nấng, giáo dục đàn em nhỏ của mình. Điều ấy thật đáng nể phục vô cùng.
Mà tâm lý con người ta khi khó khăn thường hay than vãn cũng là điều dễ hiểu. Than vãn rồi chán nản, chùn bước, đầu hàng số phận mới là điều đáng sợ. Đằng này chị dám nói những sự thật, đồng thời chị cũng đã có những triết lý sâu sắc về cuộc đời và những dự cảm về cuộc đấu tranh gian khổ của dân tộc, niềm tin tưởng chắc chắn vào tương lai- đất nước sẽ thống nhất, đất nước sẽ giành được độc lập. Ngay ở thời điểm năm 1970 mà chị có dự cảm như vậy thì đáng khâm phục quá. Chỉ có điều đáng tiếc rằng, bài thơ ra đời trong một hoàn cảnh lịch sử mà nó khó có thể sống bởi những yêu cầu nghiệt ngã của thời đại, với những ràng buộc về mặt tư tưởng, đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng. Ở thời kỳ này, văn học phải có nhiệm vụ cổ vũ, động viên, nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ca ngợi tinh thần chiến đấu anh dũng của quân và dân ta, ghi nhận những chiến công hiển hách của các trận đánh, những thắng lợi của công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc, ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác Hồ…
Vì vậy, khi bài thơ Trò chuyện với Thúy Kiều (Nghĩ về Thúy Kiều) được đăng trên Báo Văn nghệ (1970) thì lập tức ngay sau đó đã bị phê phán, bị “đánh” tơi bời. Vì cho rằng Lý Phương Liên đau đáu tư duy về thân phận nàng Kiều, kêu than cho số phận mình, cho số phận của những người phụ nữ Việt Nam thời hiện đại, cho những điều bất công ngang trái, gieo mầm bi quan yếm thế làm nản chí người trai trẻ đang ra trận…
Trong bài: “Dòng thơ trẻ cần mang những tình cảm và tâm hồn của thời đại” (Đăng trên Báo Nhân Dân ngày 29/12/1970), nhà thơ Hoàng Trung Thông đã kịch liệt lên án bài thơ Trò chuyện với Thúy Kiều: “Rắc rối, cầu kỳ trong diễn tả, yếu đuối, sướt mướt trong tình cảm, bi quan tăm tối trong tư tưởng. Lý Phương Liên hình như cũng muốn từ một cảnh ngộ riêng mà vươn đến sự trong sáng. Nhưng những gian nan, mất mát đè nặng trên người cứ được tô đậm lên mãi trong thơ, càng làm cho bài thơ chìm đắm trong xót xa, trong tiếng kêu rên, và nếu như tác giả muốn “thét lên”, thét lên nữa thì đó cũng chỉ là tiếng thét của sự bất lực. Tự minh vận cho hoàn cảnh Thúy Kiều đã là một chuyện không nên về lạc lõng, đặt vấn đề “định mệnh” ra để chống định mệnh lại là một tư tưởng lỗi thời. Tác giả nói “Tuổi hai mươi không tin vào định mệnh. Định mệnh là đối thủ tiến công”. Nhưng thực ra thì tư tưởng định mệnh đã như sợi dây vô hình trói chặt lấy người mình và tác giả cứ phải giãy giụa kêu lên thảm thiết với những nào “gõ cửa cuộc đời” (Cuộc đời nào?), những nào “tự mình giải phóng”, “tự cứu”, với thứ triết lý vu vơ “không ngọt êm mới là hạnh phúc”. Hình như tác giả đã đặt nhầm nơi và không thấy rõ hết bản chất của chế độ ta. Nghĩ về Thúy Kiều có một khoảng cách khá xa về tư tưởng và tình cảm với những bài trong sáng khác của Lý Phương Liên. Đó là một dòng đục đã chảy lẫn vào dòng suối thơ trong trẻo tươi mát của tác giả. Lý Phương Liên, qua bài nghĩ về Thúy Kiều, chưa đặt mình trong hoàn cảnh chung của nhân dân và dân tộc, mà nâng mình lên tầm cao của cách mạng. Cái đau khổ của riêng cá nhân dẫu sao cũng chỉ là rất nhỏ so với sự hy sinh vĩ đại và sự anh hùng cao cả của nhân dân và dân tộc. Chỉ ngồi than thở với cảnh ngộ cá nhân thực tế là đã tự hạ thấp mình xuống”.
Việc phê phán và quy kết như vậy tôi cho là hơi quá đối với một hồn thơ trẻ tài năng. Vì rằng trong Trò chuyện với Thúy Kiều, Lý Phương Liên than thở với số phận khổ đau, bất hạnh của gia đình mình, của chính mình cũng có nghĩa là chị đang khao khát và mơ ước về hạnh phúc. Vì không ai trên đời này không mong cầu hạnh phúc. Cầu mong hạnh phúc và đi tìm hạnh phúc là dấu hiệu nhận biết sự lành mạnh của mỗi người. Với tấm lòng của một con người vốn nặng nợ với đời, nhà thơ lại chạnh lòng với mảnh đời bất hạnh của Thúy Kiều, Đạm Tiên. Lòng lại đau khi nhân dân mình, dân tộc mình với cuộc mưu sinh đầy gian khó.
Trước hiện thực cuộc sống đa diện, đa chiều qua cái nhìn của Lý Phương Liên đã hiện lên bức tranh đời sống với nhiều đa đoan, nhức nhối:
Hai trăm năm và chảy dài vô tận/ Thúy Kiều ơi nàng sống tháng năm dài/ Trái đất chúng mình cho đến hôm nay/ Vẫn còn những cuộc đời như nàng chìm nổi/ Thời gian còn nửa ngày là đêm tối/ Còn đồng tiền đổi trắng thay đen/ Còn sắc tài bạc mệnh với hờn ghen/ Còn những Mã Giám Sinh, Hoạn Thư, Hồ Tôn Hiến/ Còn những đất đai triền miên chinh chiến/ Thúy Kiều ơi nàng sống tháng năm dài …
Vâng! Những gì nhà thơ nói đến ở đây là có thật. Một sự thật hết sức đau đớn và nghiệt ngã. Đó là nỗi đau thân phận, nỗi đau kiếp người mà có lẽ ở xã hội nào, thời đại nào cũng có. Có ai dám chắc rằng trong xã hội sẽ không có những hạng người như Tú Bà, Mã Giám Sinh, Hoạn Thư, Hồ Tôn Hiến…? Có ai dám khẳng định rằng đồng tiền sẽ không có những mặt trái của nó? Đồng tiền có thể mua quan, bán tước, thay đen đổi trắng, đồng tiền có thể làm chao đảo mọi giá trị thang bậc, chuẩn mực đạo đức. Ai dám bảo đã không còn sự ganh ghét, đố kỵ về tài năng và nhan sắc? Ai dám bảo sẽ không còn cảnh đày đọa, bức hiếp những kiếp người, phận người bé mọn trong cõi nhân sinh này?…
Nhưng vẫn còn đó niềm tin và khát vọng vươn lên, không chịu đầu hàng số phận:/ Em bước lên gõ cửa cuộc đời/ Đời của tôi ơi/ Em mở rộng vòng tay đón/ Hỡi trời cao đất rộng
Bằng những trải nghiệm và sự tinh tế, nhạy cảm của người nghệ sĩ, Lý Phương Liên đã đưa ra những triết lý sâu sắc về cuộc đời, về lẽ sống.
Đời bao nhiêu sắc màu, bao cung bậc âm thanh/ Sắc màu nào chẳng vẽ nên tranh/ Cung bực nào chẳng thành thơ, thành nhạc/ Đại dương nào ẩn trong màu nước biếc/ Chẳng sóng ngầm, mắt bão với phong ba/ Không có con đường nào toàn bóng mát và hoa/ Không có vùng trời nào toàn chim hót/ Không có cây khế vàng trong cổ tích/ Kho báu cũng không, dù có mật khẩu vừng
…
Sự ra đi vĩnh viễn của người cha và cái chết bi thảm của người mẹ là một tổn thất lớn lao đối với gia đình nhà thơ. Nhưng không vì thế mà Lý Phương Liên buông xuôi, chán nản, an phận hay sợ hãi. Chị vẫn nhớ lời dặn dò thiêng liêng của người mẹ đã quá cố. Chị quyết phải sống, phải vượt lên đau thương chết chóc:
Em đón nhận đời em sau một thoáng hãi hùng/ Chôn mẹ, nuôi đàn em thơ dại/ An phận ư? Mơ hồ sợ hãi/ Sống vẫn là lời mẹ dặn thiêng liêng…
Con đường để đạt được những giá trị người, giá trị sống tốt đẹp phải trải qua khổ ải, đau thương. Đặc biệt là trong lúc chiến tranh ác liệt, cái chết luôn rình rập và có thể ập đến bất cứ lúc nào. Biết vượt lên chết chóc đau thương mới là người!
Trên chết chóc muốn dập vùi/ Trên đau thương mới là người, người ơi…
Là người con sinh ra và lớn lên trong khói lửa của chiến tranh nên Lý Phương Liên ý thức
sâu sắc trách nhiệm của một người công dân trước thời cuộc.
Tuổi hai mươi không nơi nào có được/ Tôi sinh ra giữa cơn lốc xoáy tròn đất nước/ Vai gánh nặng cuộc chiến tranh hủy diệt/ Mỗi người dân đều nhận phần mất mát/ Chia đều nhau bom đạn với cơm ăn
Lý Phương Liên đã nói lên được vấn đề lớn của dân tộc. Niềm đau riêng đã hòa trong cuộc đấu tranh chung, trong những mất mát của cả dân tộc. Chiến tranh, quê hương, thân phận con người cuộn xoáy vào nhau tạo thành một bi kịch. Chiến tranh là khổ ải, là chết chóc, là phải sống trong cảnh xương tan thịt nát. Nhưng Lý Phương Liên không trầm mình trong đau thương mà xem đó là động lực để chị tiến bước. Đó là nguyên tắc sống của chị.
Dù mang nặng nỗi đau thân phận và nỗi buồn nhân thế nhưng thơ chị vẫn tha thiết yêu thương, vẫn giữ được vẻ đẹp trong trẻo, giàu nhân ái và hướng về tương lai tươi sáng. Chị đã ý thức sâu sắc trách nhiệm của mình “Số phận mình là số phận của nhân dân”. Nhà thơ đã tự nguyện hòa nhập vào quần chúng, nói lên tiếng lòng của quần chúng. Phải biết chấp nhận đau thương, vượt qua gian khó, hiểm nguy để đạt được mục đích đã định: “sẽ lên bờ vào một ngày nắng đẹp”
Số phận mình là số phận của nhân dân/ Soi gương đời nhìn thấy hết gian truân/ Thấy hết gian truân để mà cười, mà sống…/ Đường ra biển có thể dài năm tháng/ Mất mát nhiều hơn, gian khổ cũng nhiều hơn/ Nhưng một điều chắc chắn phi thường/ Chúng tôi sẽ lên bờ vào một ngày nắng đẹp…
Bằng cách nói ẩn dụ, nhà thơ có những dự cảm về tương lai tốt đẹp của dân tộc. Và dự cảm ấy nó trở thành hiện thực vào mùa xuân năm 1975 - đất nước đã rộn tiếng ca vui, Bắc-Nam sum họp một nhà, giang sơn đã thu về một mối, cả dân tộc sống trong cảnh thanh bình, không còn đạn bom và khói lửa chiến tranh.
“Lý Phương Liên đã có những suy ngẫm đích thực và xoáy sâu về thân phận con người, về trách nhiệm sống thực sự của con người trong cộng đồng xã hội, khi mà “Số phận mình là số phận của nhân dân””. (Nguyễn Anh Tuấn).
Vì vậy, Lý Phương Liên quyết không chịu chết, không chịu đầu hàng số phận, không tin vào định mệnh.
Sông Hồng đó, nọ Hồ Tây/ Chết trong nước cuốn có ngày nổi lên/ Kiểu gì chết cũng thấp hèn/ Kiểu gì chết cũng làm hoen ố đời/ Trên chết chóc muốn dập vùi/ Trên đau thương mới là người, người ơi …
…
Tuổi hai mươi không tin vào định mệnh/ Định mệnh là đối thủ tiến công
Dù có thế nào đi chăng nữa cũng phải sống, sống cho đúng nghĩa với cái gọi là người, sống cho đúng lương tâm, trách nhiệm và nghĩa vụ của người công dân chân chính. Vì nếu đầu hàng số phận, nếu chết kiểu gì cũng là hết, là hèn. Những suy nghĩ và hành động cao cả của cô gái trẻ Lý Phương Liên trong những năm tháng gian khó và hào hùng ấy thật đáng quý và đáng trân trọng biết bao. Dường như những bất hạnh và mất mát của gia đình cùng với không khí thời đại đã thôi thúc chị viết bài thơ đặc biệt này.
Nói như nhà văn Triệu Xuân trong bài viết: Trò chuyện với Thúy Kiều- Bài thơ hay nhất của Lý Phương Liên: “Lý Phương Liên làm thơ vào thời của những khẩu hiệu, những phong trào, những hành khúc, chỉ được nói đến chiến thắng, ca ngợi sự hy sinh vì chiến thắng, không chấp nhận nói về nỗi đau buồn, mất mát, về số phận, về định mệnh hay là những thứ tư tưởng dễ khiến người ta ý thức về cá nhân, về quyền của cá thể… Chị biết điều đó nhưng lại rất dũng cảm - dũng cảm chứ không phải khờ, phải liều, cứ nói những gì hồn mình, trí tuệ mình thôi thúc. Đơn giản là không có gì kiểm soát, lèo lái được. Không ai có thể trói buộc được tình cảm và trí tuệ con người”.
Tai nạn nghề nghiệp là cái rủi cho nhà thơ Lý Phương Liên nhưng lại là cái may cho nền văn học nước nhà. Vì có thêm được bài thơ hay, thêm được một giọng thơ lạ và độc đáo.
Số phận của Trò chuyện với Thúy Kiều làm chúng ta chợt nhớ đến số phận những bài thơ như: Màu tím hoa sim (Hữu Loan), Tây Tiến (Quang Dũng) và gần hơn là bài Lá diêu bông của Hoàng Cầm… Đáng buồn là một thời đã bị đối xử không công bằng, quy kết này nọ để rồi những người sản sinh ra những đứa con tinh thần ấy phải gánh những hệ lụy không đáng có. Nhưng qua sự sàng lọc, kiểm chứng của thời gian những gì là sự thật, là giá trị đích thực của văn chương đều được thừa nhận. Và rồi, điều đáng mừng là những bài thơ ấy, tên tuổi ấy đã được trả về vị trí xứng đáng nhất.
Nếu lúc ấy Lý Phương Liên không cho ra đời đứa con tinh thần Trò chuyện với Thúy Kiều thì có lẽ đời thơ của chị sẽ suôn sẻ. Và nếu như lúc đó khi Trò chuyện với Thúy Kiều đã bị phê phán thì chị sẽ có phản ứng ngược lại hoặc là chị quay trở lại viết theo phong cách như những bài thơ được ca ngợi trước đó thì có lẽ cũng là điều bình thường chẳng có gì đáng nói. Đằng này sau sự kiện bị “đánh”, chị đã im hơi lặng tiếng trên thi đàn. Sự im lặng, sự vắng bóng của một hồn thơ tài hoa Lý Phương Liên trong khoảng thời gian dài ấy đã đặt ra nhiều nghi vấn. Có phải có một nhà thơ Lý Phương Liên thật không? Hay chỉ là một cái tên tự tạo? Và đến hơn 40 năm sau khi tập thơ “Ca bình minh” ra đời (Nhà xuất bản Văn học, 2011), những người bạn yêu thơ một thời và thế hệ trẻ hôm nay mới biết rằng có một Lý Phương Liên ngoài đời, bằng da bằng thịt, đang hiện hữu giữa cuộc sống này.
Lý Phương Liên đã từng tâm sự: “Tôi nín lặng với thơ suốt 40 năm nay vì lời nguyền bỏ thơ của chính tôi, không vì bất cứ sự đe dọa, trù dập hay bất cứ áp lực nào khác. Mọi hệ lụy xô đẩy chúng tôi đến bần hàn và cơ cực không liên quan đến bất kỳ cá nhân nào, quyền lực nào. Mọi ảo thực, tốt xấu tôi tự mình chịu trách nhiệm, không than oán bất kỳ ai, về bất cứ điều gì”.
Lời tâm sự dài trong Trò chuyện với Thúy Kiều cứ réo rắt gieo vào lòng người đọc những tình cảm hồn nhiên, chân thành, mộc mạc nhưng cũng giàu tính triết lý về lẽ sống, niềm đau, nỗi bất hạnh có cả những dự cảm về tương lai và ước mơ về hạnh phúc trên cuộc đời này.
Chúng ta mở cửa cuộc đời/ Và cầm lái con thuyền nhân định/ Giữa biển lớn thuyền ta lướt đến/ Sáng toàn thân, ánh sáng của con người
Những mất mát trong cuộc sống gia đình và những bất công của cuộc đời, của số phận đã cho nhà thơ Lý Phương Liên những bài học xương máu, những giá trị đích thực của cuộc đời.
Sự xuất hiện trở lại của nhà thơ Lý Phương Liên trên thi đàn sau 40 năm vắng bóng đã là một điều đáng quý và đáng trân trọng. Càng đáng quý và đáng trân trọng hơn nếu bạn đọc hôm nay được thưởng thức những bài thơ mới và hay của chị như bài Trò chuyện với Thúy Kiều. Với một thời gian dài im lặng, chắc chắn chị ấp ủ nhiều điều và hồn thơ chị đã đến độ chín về cảm xúc nên có lẽ chị sẽ viết được nhiều thơ hay. Công chúng yêu thơ và bạn đọc có quyền hy vọng và chờ đợi về tài năng và sức sáng tạo của nhà thơ tài hoa này.