Lê Ngọc Trác
Cuối tháng 5 năm 2017, nhà thơ Nguyễn Khôi trình làng tập thơ "Chân dung 99 nhà văn Việt Nam đương đại". Đây là tác phẩm thứ 09 của ông được xuất bản. Trong đó gồm 5 tập thơ và 4 tác phẩm biên khảo, dịch thuật. Năm nay, nhà thơ Nguyễn Khôi đã vượt xa cái tuổi "Nhi trùng tâm sở dục bất du củ", điều này cho những người yêu thơ càng cảm phục bút lực, sự sáng tạo của ông.
Viết chân dung văn học bằng thơ đã từng có nhiều người viết. Mỗi tác giả thể hiện theo phong cách riêng của mình. Không ai giống ai. Và, nhiều người đã thành công. Riêng tác phẩm "Chân dung 99 nhà văn Việt Nam đương đại" của Nguyễn Khôi được tác giả viết bằng thể thơ ngũ ngôn tứ tuyệt, với văn phong giản dị, chân thật, mang hơi thở tân văn. Nguyễn Khôi đã thành công trong việc khắc họa 99 chân dung nhà văn Việt Nam mà ông yêu mến. Chỉ với bài thơ 20 câu, ông đã khái quát được chân dung, tiểu sử, cá tính, nét nổi trội về sự nghiệp, tác phẩm và thời đại sống, môi trường sống của từng nhà văn nhà thơ.
Cái đáng quý của Nguyễn Khôi là khi viết chân dung nhà văn, ông không phân biệt Người "lề trái lề phải, phe ta phe địch hay người miền Bắc xã hội chủ nghĩa, miền Nam Sài Gòn cũ". Không phân biệt "cây đa cây đề" ở ngôi đền văn chương hay người mới vào nghề. Nguyễn Khôi chỉ viết chân dung những nhà văn mà ông đã mến và từng đọc tác phẩm của họ:
"Trung thực được như ông
Là "Việt Nam sử lược"
"Hồi kí" thực như tâm
Tin đời còn sự thật.
(Trần Trọng Kim)
"Giảng triết cho lũ dốt
Tù đầy giữa đời thừa
Yêu nước thành phản Quốc
"Trăng trối" đã quá mùa.
(Trần đức Thảo)
Hăng hái "Lên miền Tây"
Đi B không sợ chết
"Bình công" nuốt đắng cay
Làm thơ trong xó bếp.
(Bùi Minh Quốc)
Tù túng thành "phu chữ"
Đẽo / tỉa bay mất hồn
Người chết / thơ còn, hết
"Đường chữ" nẻo cô thôn.
(Lê Đạt)
Chẳng cần tốc váy đỏ
"Quốc sư" vẫn say thơ
Văn em không có sex
Đếch ai thèm tìm mua.
(Vi Thùy Linh)
Đọc "Chân dung 99 nhà văn Việt Nam đương đại" của Nguyễn Khôi, chúng ta càng hiểu về cuộc đời, tâm tình và thời đại, lịch sử xã hội mà nhà văn đã từng sống và viết. Người đọc sẽ tự rút ra cho mình một cái nhìn về "nhà văn đương đại". Thật là thú vị.
Thập niên 90 của thế kỷ 20, Nguyễn Khôi đã là một cây bút tên tuổi trên văn đàn. Người yêu thơ còn nhớ đến Nguyễn Khôi với bài "Ao làng":
"Vượt biển, chơi hồ, trở quá giang
Bỗng dưng lại thấy nhớ ao làng
Cái đêm hè ấy ai ra tắm
Để cả bầu trời phải tắt trăng"
Dung dị, đằm thắm, trữ tình là nét đặc trưng nổi bật trong thơ Nguyễn Khôi. Sau nhiều năm đọc thơ ông, chúng tôi nhận ra: Nguyễn Khôi là một người sáng tác rất nhanh, rất nhiều. Ông có tài "xuất khẩu thành chương". Qua những bài thơ giao lưu, vịnh cảnh mang tính ghi chép ký sự của ông, thấm đẫm chất thơ, nhưng không thiếu đi sự chân thật, giúp cho chúng ta rõ được hoàn cảnh lịch sử, bối cảnh thời đại của bài thơ khi ra đời. Ông có nhiều bài thơ trữ tình, lãng mạn:
"Hà Nội ơi!
Thôi mai về Cửu Long Giang cuộn sóng
Nhớ sông Seine... thời khắc chẳng ngừng trôi
Khung cửa hẹp
Ôi thu hừng sắc tím
Tím cả hồn thơ thả mộng lên trời"
("Gởi em Paris mùa thu tím")
Nhà thơ có những lúc thấm đẫm một màu thương nhớ xa xôi:
Ừ có hẹn cũng chưa về Tuyên được
Bếp lửa nhen ai đó sưởi riêng lòng
Đêm Hà Nội đã nhạt mùi hoa sữa
Tưởng tóc ai phảng phất hương rừng"
(Trích: "Gởi Tuyên Quang")
Nguyễn Khôi viết về Bắc Ninh, Tuyên Quang, Hà Nội... những miền quê chở đầy cảm xúc trong ông. Qua những bài thơ Nguyễn Khôi viết về Hà Nội, chúng ta càng suy nghĩ về những biến đổi của một vùng đất trong cuộc sống. Ông đã từng xa và nhớ về Hà Nội thân thương:
"Xa để nhớ đượm đà tình xứ sở
Mặt trời Sông Hồng chói lọi thân thương
Thật hạnh phúc ngày trở về Hà Nội
Thấy lòng mình tĩnh lặng giữa hồ Gươm"
(Trích: "Nhớ Hà Nội" - 2002)
Ấy vậy mà bây giờ, nhà thơ của chúng ta phải buồn rầu thốt lên:
"Ngày nghỉ lễ
Thôi, ta xa Hà Nội
Về nhà quê nghỉ dưỡng thỏa tâm hồn
Xa để "thoát" lấn chen, xô đẩy
Tìm nơi "buồn" yên tĩnh, dịu dàng hơn
Ôi Hà Nội
Còn mấy nàng thỏ thẻ
Mở miệng ra là "đ.m" chửi thề...
..
Ôi Hà Nội có điều gì không ổn
Như trên mây
Trên gió "cấp điều hành"
Mong sớm có một Tràng An thanh lịch
Để ta về
Soi bóng xuống Hồ Gươm"
(Trích "Xa Hà Nội")
Nguyễn Khôi như là một "thư ký của thời đại". Qua thơ của ông, chúng ta cảm nhận được bức tranh xã hội. Nguyễn Khôi đã từng viết những câu thơ như là một định hướng, một tâm niệm của người làm thơ khi bước vào ngôi đền văn chương:
"Ai những mong "lầu" là "núi"
Mà trái tim giả dối vô hồn
Đâu là nước mắt tắm cuộc đời xuôi ngược
Thơ sáng ngời nồng ấm máu, mồ hôi"
(Trích: "Thi sĩ")
Riêng chúng tôi, đọc thơ Nguyễn Khôi nhận ra một điều: Thơ ông "sáng ngời, nồng ấm, chân thật". Đây là nét đáng yêu, thu hút nhiều người yêu thơ.
Lê Ngọc Trác
Phố biển La Gi tháng 6/2017