Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

LỜI THỀ CÁ TRÊ

Nguyễn Thị Hậu
Thứ hai ngày 12 tháng 6 năm 2017 5:05 AM



Kết quả hình ảnh cho trê cóc


Ngẫm ra trên đời này thời nào ở đâu cũng những lời “thề cá trê chui ống”. Chừng nào còn loại người chỉ biết lợi lộc cho mình và phe cánh thì sẽ còn không ít những “lời thề cá trê”. Và để bảo vệ những “cá trê” thì loài “cá ngạnh” sẵn sàng bức hại dân đen như vợ chồng nhà Cóc, đồng thời còn tạo ra những “cái ống” để loài trê dễ dàng thoát tội.

Người Việt có một số thành ngữ và sự tích liên quan đến cá trê, như truyện Trê Cóc chẳng hạn.

Câu chuyện không chỉ là việc Trê tranh giành với Cóc để nhận đám nòng nọc là con mà nó còn cho biết, từ thời xưa tìm người lo lót chạy tội giúp mình cũng phải là cùng loài cùng giống: Trê thì nhờ Ngạnh còn Cóc phải cậy Nhái. Mà quan lại thời ấy xử việc cũng đại khái, nhìn qua thấy nòng nọc giống Trê thì xử cho Trê. Nhưng dù sao đã kịp thời “sửa sai” khi đàn nòng nọc đứt đuôi, dân Cóc được minh oan, chả được đền bù gì nhưng may không bị mất con. Còn Trê thì mang tiếng xấu là tham lam nhận xằng, nếu theo luật bây giờ mà xét thì phạm tội “bắt cóc trẻ con”.

Nhưng loài trê còn nổi tiếng hơn trong câu thành ngữ “thề cá trê chui ống”. Sao không phải loài cá khác mà là cá trê? Chắc hẳn vì loài trê da trơn tuồn tuột, sống chui rúc dưới tầng đáy nước toàn bùn bẩn, lại còn có ngạch cứng chống trả nên nếu thấy chúng đã chui vào ống mà tưởng chắc ăn thì lầm, bởi vì chúng đã dễ dàng tuột ra! Vì vậy đã được nhân cách hóa để chỉ những người khôn lỏi, hay thủ lợi bằng việc làm mờ ám, không biết giữ tín nghĩa, biết cách trốn thoát trách nhiệm và tội lỗi.

“Thề cá trê chui ống” là lời nói, lời hứa, lời thề nói ra cho có, nói ngay để cố tạo niềm tin nơi người nghe. Nhưng chính vì sự “trơn tuột” của lời nói, thái độ không chân thành mà lời thề ấy chẳng được ai tin. Người ta không tin vì những lời thề thốt quá dễ dàng, là những lời đao to búa lớn chẳng có gì thiết thực, và quan trọng nhất, người ta không tin vì người thề đã từng từng tráo trở, thất hứa, đã từng có việc làm không như lời nói.

***
Lời hứa, lời thề thể hiện mức độ khác nhau nhưng đều là sự tín nghĩa của con người, nhất là người có trọng trách. Tuy rằng “lời nói gió bay” nhưng lời thề lại có một sức nặng vô hình, người đã thề thì phải “giữ lời” tức là phải mang theo mình sức nặng của lời thề ấy và chỉ có thể vơi nhẹ khi lời thề không bị phản bội, khi lời thề được biến thành hiện thực, và cũng có lời thề được hóa giải bởi sự thấu hiểu khoan dung.

Không phải tự nhiên mà khi thề thốt người ta thường lấy những gì vĩnh cửu siêu nhiên để làm chứng nhân cho sự tín nghĩa của mình. Là vật chất như “sông cạn núi mòn”, cột đá linh thiêng, là tinh thần như như Trời, Chúa, Phật hay các đấng thần linh… Tất cả nhằm thể hiện sự quyết tâm nhưng cũng tiềm ẩn sự trừng phạt nếu lời thề bị phản bội. Người bình dân thì cụ thể hơn, người ta lấy cả sinh mạng bản thân, sinh mạng người thân làm “bảo chứng” như sẽ bị “trời đánh”, “xe đụng”… tức là hậu quả không an toàn tính mạng nếu nuốt lời. Chẳng ai lấy những gì chỉ là tạm thời, theo quy luật sẽ không tồn tại lâu dài như gió cuốn mây bay nắng sớm mưa chiều làm bảo chứng cho lời thề của mình!

Tin hay không tin vào lời thề còn tùy thuộc vào mối quan hệ giữa hai bên. Từ việc giữ lời hứa nho nhỏ đến việc thực hiện lời thề to to không phải tự nhiên mà thành. Nó là một quá trình giống như xây một ngôi nhà, từ thấp lên cao, từ xây thô đơn giản đến nội thất phức tạp… Việc nhỏ không xong sao làm được việc lớn, tin vào lời thề chính là tin tưởng vào nhân cách người thề.

Tuy nhiên đã có những lời thề “để gió cuốn đi” nên lòng tin của con người với nhau ngày càng trở thành của hiếm! Sơ sẩy một lần còn có thể bỏ qua, hai lần có thể tha thứ, nhưng lần thứ ba thì là sự bất tín. Đã bất tín lại còn biện minh, ngụy biện hay tệ hại hơn là lấp liếm bao che… thì đó là tội ác. Tội ác lớn nhất là làm mất niềm tin ở con người – thứ duy nhất mà khi sở hữu nó thì con người trở nên tử tế.

Ngẫm ra trên đời này thời nào ở đâu cũng những lời “thề cá trê chui ống”. Chừng nào còn loại người chỉ biết lợi lộc cho mình và phe cánh thì sẽ còn không ít những “lời thề cá trê”. Và để bảo vệ những “cá trê” thì loài “cá ngạnh” sẵn sàng bức hại dân đen như vợ chồng nhà Cóc, đồng thời còn tạo ra những “cái ống” để loài trê dễ dàng thoát tội.

“Một sự bất tín vạn sự bất tin”, luôn nhớ để mà tạo dựng sự tin tưởng từ việc làm nhỏ nhất chứ không chỉ từ những lời thề thốt.

Sài Gòn 7.2016

Nguyễn Thị Hậu