Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

THÁNG 5, XEM HAI PHIM “ LẠ” CỦA ĐIỆN ẢNH SÀI GÒN

Tô Hoàng
Thứ sáu ngày 26 tháng 5 năm 2017 8:01 AM



Kết quả hình ảnh cho Có ngôi nhà nằm nghe năng mưa

Phim “ Em chưa 18 tuổi ” - lạ, trước hết vì cái tít phim. Sau nữa, nghe tin mới ba ngày đầu ra rạp phim đã đạt kỷ lục doanh thu 13 tỷ. Hứa hẹn sẽ đạt nhiều tỷ nữa, có lẽ chỉ xếp sau “ Em là Bà nội của anh “.

Phim “ Có ngôi nhà nằm nghe nắng mưa” – lạ, vì cái tên nghe sao mơ mộng, lãng đãng quá. Hóa ra cũng được gợi ý bởi một câu hát của nhạc sỹ họ Trịnh “ Có con đường nằm nghe nắng mưa”. Vẫn lạ, vì nghe nói phim kể về thân phận những người nghèo sống tại một khu cư xá xây cất đã khá lâu, nay chỉ đợi ngày đổ sập mà chưa hề được đền bù để giải tỏa. Giữa thời buổi điện ảnh Sài gòn đang lăn trượt trên hai thanh rày của công thức quen thuộc Tình-Sex-Đâm chém-Hài, thì có một phim kể về bà con cô bác lao động, về một ngôi nhà ấm mốc, phong rêu ở thành phố quả là lạ và…..dũng cảm nữa!

Nhân vật gây chuyện ở “ Em chưa 18 tuổi “ tên là Linh Đan ( Kai ty Nguyễn – cả gương mặt và cái tên đều mới! ). Đang tuổi cung quắng nhảy nhót của một cô nữ sinh cuối cấp ba. Trong một lần dư party, uống say được một người đàn ông tên Hoàng ( Kiều Minh ) hơn cô nữ sinh nọ 24 tuổi, dụ dỗ vào khách sạn. Gã đàn ông sấn sổ giật tung mọi “ đồ phụ tùng” trên người cô gái. Ấy thế nhưng sự thô bạo của Hoàng lại khiến Linh Đan có thiện cảm ngay từ buổi đầu quen biết. Vẫn nằm trong công thức, nhưng hé lộ sự chiều khách theo khẩu vị mới đây. Sau đêm tình tang,Linh Đan mê đắm Hoàng vì ‘bạo lực” trong chuyện chăn gối. Nhưng gã đàn ông kia lại ngãng ra, vì lý do rất “ hiện đại”: chỉ thích các cô gái trẻ, chứ không muốn nhúng chân vào tình yêu và hôn nhân. Đến đây, phải nói ngay rằng đừng ai kêu khâu duyệt phim bây giờ là khắt khe, không “ thoáng” nữa nhé! Cả một pha sui con gái nhà người ta trước khi bước qua tuổi vị thành niên sẵn sàng phá bỏ mọi luật lệ, định kiến, thoả sức buông tuồng theo ý thích như vậy mà kịch bản vẫn được duyệt; phim vẫn lên màn ảnh còn đòi hỏi gì nữa ? Chỉ thương các bậc làm cha làm mẹ có con gái sắp đên tuổi cập kê, nếu để mắt tới phim này hẳn đổ phải mồ hôi hột (!?)

Tuyến chuyện “ Em chưa 18 tuổi” tiếp tục chạy. Hoàng định rũ bỏ Linh Đan thì Linh Đan trả đũa lại khi cho công khai người tình cũ của mình. Rồi Hoàng cũng có một người đàn bà khác say mê. Độn vào câu chuyện là cảnh giàu sang của gia đình Hoàng, gia đình Linh Đan, là các mốt mét trang phục và thú ăn chơi rất “ thời thượng”của đám học sinh con nhà giàu. Rồi Hoàng trở lại yêu Linh Đan. Tới đây để né đao búa dư luận, các tác giả đã cho Linh Đan tổ chức sinh nhật và thế là cô gái bước qua tuổi 18 !

Ngồi trong rạp, giữa các cô các cậu choai choai thấy họ hét hú, vỗ tay thích thú vì những chiêu trò ăn chơi của đám trẻ; vì những câu thoại nhạt thếch ( kiểu, lời bố Hoàng: Ngày xưa tao yêu mẹ mày cũng làm bà bầu bì sớm, sợ phát khiếp nên định cho hút nạo…Hoàng: Rồi ba dẫn má đi phá ? Bố: Thằng ngu! Phá thì còn mày hôm nay sao? );vì những chiếc xe hơi đời mới choáng lộn, những gian phòng khách, phòng ngủ sang trọng, rộng thênh hệt như quảng cáo trên tivi của các khu resort …

Tào lao, nhăng nhít vậy nhưng phim “ Em chưa 18 tuổi” dễ xem, dễ cuốn hút vì phim quay đẹp, diễn viên vào vai khá “ ngọt” ( dĩ nhiên với các chiêu trò vênh váo, nhăn nhở, liếc mắt đưa tình..); phim chịu đổi cảnh; âm nhạc thích hợp và không thừa…

Đặc biệt là các tác giả thiết kế một câu chuyện rành rõ, mạch lạc.Diễn tiến của phim trôi theo dòng hiện tại. Không cần tới những hồi tưởng để phải có những cảnh phục hiện. Mối quan hệ giữa các nhân vật cũng giản dị và rành rõ. Ngoài “trục” chính Linh Đan-Hoàng được tôn cao ngay từ đầu, bộ phim quy tụ thêm một, hai chuyện tình khác, thêm vài trò của bố Hoàng, bố Linh Đan. Và cũng chỉ liều lượng đến vậy.

Còn vì sao, khi đám khán giả trẻ của thành phố này tưởng như đã no chán đã các bộ phim làm theo công thức có sẵn mà lại kéo đến rạp đông như thế để xem phim “ Em chưa 18 tuổi” thì quả là một dấu hỏi. Phim do Hãng Chánh Phương sản xuất. Liệu có cần nhắc lại không, cách đây hơn mười năm chính Hãng Chánh Phương đã ra mắt chào hàng với bộ phim “ Dòng máu anh hùng”. Dạo ấy dư luận báo chí Sài gòn đã rung hồi chuông hân hoan báo tin đó là bộ phim được làm kỹ càng, chu đáo kết hợp nhuần nhuyễn, đầy sức thuyết phục, cũng đấy hiệu quả giữa hai yêu cầu nghệ thuật và thương mại. Đáng tiếc, sau “ Dòng máu anh hùng” Chánh Phương không muốn hay không thể có một bộ phim như thế lần thứ 2, lần thứ 3…

Sang phim “ Có ngôi nhà nằm nghe nắng mưa”…Trước hết hãy tởi cuộn len rối này ra để tìm tới cái lõi của cốt truyện phim. Có hai cậu học sinh trung học phổ thông cùng sống trong căn chung cư. Một bữa nổi hứng rủ nhau say sỉn bên một bờ sông hay bờ kè nào đó. Rồi một cậu rơi tòm xuống sông trong cơn say và như từ hay dùng hiện nay là…đuối nước. Cậu kia quá sợ hãi bị liên lụy. Bà mẹ cậu ta ( nghệ sỹ Kim Xuân trong vai ) súi con đi trốn ở một nơi nào đó. Một người đàn ông sống cùng chung cư chứng kiến cậu thiếu niên kia bỏ nhà ra đi liền đuổi theo. Trong cơn hoảng loạn cậu ta bỏ chạy , bị xe tông chết. Bà mẹ không tin cậu đã chết để ngày nọ tháng kia võ võ chờ cậu ta trở về…

Đằng thẳng, chuyện chỉ có vậy, chuyện là như thế. Nhưng muốn tỏ ra có chất “cinema” phần đầu bộ phim vòng vo xa hơn. Một văn phòng của một công ty sang trọng. Một nhóm chuyên viên ăn vận lịch lãm, gương mặt sáng sủa bên những chiếc máy vi tính bàn. Một chàng trong số đó chào đồng nghiệp ra về. Anh phóng xe trên đường và xe anh đụng phải ô tô. Từ đây, một nhân vật ra đời ( Diễn viên trẻ Khắc Minh ). Thoạt đầu anh ta sắm vai trò như một linh hồn ( kiểu vai nam trong phim “Hồn ma” của Mỹ) để về gặp bà mẹ tội nghiệp đang hy vọng gặp con kia. Câu chuyện bắt đầu rối tinh khi người con trai của bà mẹ đã mất tích từ 30 năm trước. Còn chàng thanh niên điển trai gặp tai nạn ô tô ở khoảng thời gian nào trong 30 năm chờ đợi của bà mẹ đây? Chàng trai này làm cách nào mà tìm tới khu chung cư để gặp được bà mẹ bất hạnh? Phim thể hiện tiếp một số cảnh, một số sinh hoạt của bà con lao động nghèo sinh sống tại chung cư: Người về khuya cũng là lúc người khác thức dạy đi làm. Những chuyện xì xầm của các bà xồn xồn lắm chuyện. Khoảng hành lang tầng 2, hay tầng 3 khu chung cư biến thành sân chơi chung lúc thì diễn ra một bữa nhậu, lúc thì là nơi tụ họp đàn ca tài tử… Ta gặp tại đây gương mặt nhiều nghệ sỹ tài năng của sân khấu và điện ảnh Sài gòn. Ngoài nghệ sỹ Kim Xuân, còn có các nghệ sỹ Ngọc Giàu, Lê Bình, Mai Trần, Tấn Thi, Hồng Nhất…

Rất dễ dàng nhận ra chỗ non yếu của tay nghề đạo diễn ở việc không biết tổ chức cốt truyện phim, xây dựng các tuyến nhân vật- hay nói cách khác, là cách kể một câu chuyện từ màn ảnh. Người xem căng thẳng và mệt mỏi, vừa chăm chú nhìn lên màn ảnh, vừa tự hỏi nhân vật này, nhân vật kia là ai; họ tham gia gì vào đường giây câu chuyện?

Càng rồi, càng mệt hơn khi chàng trai văn phòng ăn vận lịch lãm, sang trọng kia từ một “ Hồn Ma” bỗng hồi phục, tỉnh táo, khỏe mạnh cùng vợ tự giác đến chăm nom, săn sóc bà mẹ mất con. Sau dần dà cũng tự giác nhận là đứa con mất tích của bà. Từ những gì thấp thoáng “ cóp “ được ở phim “ Hồn Ma”, tới đoạn này phim như gợi nhớ tới nhân vật của Brad Pitt trong bộ phim “ Dị nhân Benjamin” cũng của Mỹ. Liệu có nên nói thêm, tổ chức được thời gian, không gian, gày dựng nên các tuyến nhân vật chính, phụ một cách khúc triết, rành rõ, mạch lạc như trong “ Dị nhân Benjamin” là một việc cực khó, người đạo diễn phải hết sức cứng tay..

Phim càng về sau càng đuối và như để níu kéo khán giả, cái kết phim đi theo một lối mòn: Bà mẹ nhận ra con trai mình đã chết và liền ca một bài ca não nề, thê lương !

Ở bộ phim “ Có ngôi nhà nằm nghe nắng mưa” chẳng có nắng mà cũng chẳng có mưa. Chỉ tìm được một căn hộ chung cư lở lói, rêu phong, cũ nát rất xứng đáng cho những bộ phim theo trường phái Tân hiện thực Italy của những năm 1960. Một kịch bản văn học còn ngổn ngang, lổn nhổn. Một tay nghề đạo diễn chưa thuần thục, chưa có bản lĩnh. Càng thiếu vắng những cặp mắt biên tập để nắn chỉnh, nâng cấp.

Trong “ Có ngôi nhà nằm nghe nắng mưa” có một sự đáng tiếc. Đáng tiếc vì các anh chị nghệ sỹ sân khấu-điện ảnh tài năng của Sài gòn không tìm được đất diễn, vai diễn khi trong một bộ phim thực sự chưa có cốt truyện và cũng chưa có những nhân vật mang xương cốt, hình hài.

GHI CHÚ:

- Cảnh từ phim “ Em chưa 18 tuổi”

- Cảnh từ phim “ Có ngôi nhà nằm nghe nắng mưa”