Tạm gọi đây là những mẩu truyện, những chi tiết lọc ra được từ lời kể của người dân đảo, hoặc là những thông tin lẩn khuất đâu đó trong báo chí-truyền thông lâu nay. Ngoài ra xen chút ít nhận xét, đánh giá riêng của người viết bài này.
… Đúng vào hôm sắp rời hòn đảo xinh đẹp, mấy anh em chúng tôi báo cho Trưởng đoàn sẽ không đi một bữa tắm biển nữa mà rủ nhau thuê xe máy đi “phượt” trên hòn đảo.
Với sự hướng dẫn của dân địa phương, tốp người cùng mấy chiếc xe máy lao nhanh xuyên qua đảo trên các tuyến đường mới, chúng đều đã được đổ bê-tông nên đi lại khá dễ dàng. Rồi chúng tôi vòng quanh đảo, cốt sao nhìn được, thấy thêm được một lượt diện mạo các nơi chốn mà cả đoàn cán bộ hưu trí Bộ Ngoại giao chúng tôi 2 ngày thăm vừa qua vì lý do sao đó mà chưa tới được…
Tôi ngồi sau tay lái một guide tour nghiệp dư, một cậu thanh niên người địa phương. 22 tuổi. Cậu đã cưới vợ và có một đứa con chưa được 2 tuổi. Đây đúng là một công dân đích thực và rất trẻ trung của hòn đảo Cô Tô này.
Ít tuổi đời nên tôi nghĩ rằng cậu ta cũng có thể ít biết chuyện xưa. Nhưng may mắn sao là cậu ta lại rất mau mồm mau miệng, vẫn biết vận dụng trí nhớ kể khá kỹ lưỡng cái đận gia đình nội ngoại nhà cậu ra đảo mấy chục năm xưa. Những chuyện sắp nói tới đây là do ông bà, cha mẹ cậu ta thường kể mỗi khi gia đình cậu có dịp đoàn tụ.
Chàng thanh niên làm guide đó hỏi tôi rằng, có phải bác có trông thấy 2 cái ao sen nằm không xa khu tưởng niệm có đặt tượng Bác Hồ và Nhà lưu niệm? Cậu ta bảo, chính nơi đó trước năm 1961 ông ngoại cậu kể ở đó chỉ là cánh đồng trồng khoai lang. “Ông cháu nói, cậu kể, khi Cụ Hồ rời chiếc trực thăng đưa Cụ ra đảo Cô Tô, Cụ tiến ngay lại phía khối người dân đảo rất đông ra đón là chỗ địa điểm cạnh bức tượng dựng bây giờ. Cụ Hồ có nói, cán bộ báo cáo rằng khoai trồng ngoài đảo to củ và ngon, thì nông dân ta hãy trồng nó thật nhiều, trước là giải quyết thêm cho lương thực tại chỗ, số dư ra có thể đưa vào đất liền trao đổi trong Cẩm Phả hay Vân Đồn (nhớ lại là giữa năm 1961, tức 56 năm trước đây, miền Bắc mới bước vào phong trào hợp tác hóa, lương thực thực phẩm luôn là vấn đề thiết yếu thời kỳ đó). Nhờ vậy mà dân ngoài đảo chúng cháu tính đến nay rất có truyền thống trồng lúa-ngô-khoai. Nhất sĩ nhì nông mà bác! Còn nghề đánh bắt hải sản thì phải đầu tư tầu bè, kỹ năng nên nghề đó chỉ sinh ra và phát triển các giai đoạn sau này”.
Tôi nhận ran gay cậu ta còn ít tuổi mà ăn nói khá là chững chạc. Bởi theo tìm hiểu thì lúc đầu dân ra đây thay thế người Hoa bỏ về Trung Quốc (vào các năm 1978 – 1979) thì chỉ có nông dân làm nông nghiệp tại các tỉnh ven biển đồng bằng và trung du Băc Bộ mà thôi…
Thoáng trông thấy những ngôi nhà đang làm dang dở ở các khu phố nằm xa trung tâm thị trấn, cậu ta nói: “Đấy bác thấy, cứ có đường bê-tông rải đến đâu là 2 bên đường mọc lên các ngôi nhà mới. Đất ở ngay chỗ này đã “có giá” lắm. Chả bù với trước đây, thời ông bà và bố mẹ cháu, dân vùng ven biển chúng cháu ra đây, hầu như ai muốn ở đâu thì ở; cứ thấy thửa ruộng nào đát cát màu mỡ là trồng lúa trồng khoai. Vài ba năm thấy chán lại báo với chính quyền cho di chuyển sang nơi khác... Đất đai hồi xưa không tính ra đồng tiền như thời chúng cháu bây giờ. Nhường nhau đất, cho nhau đất cứ như một câu chuyện hết sức bình thường”.
Chẳng hạn cậu kể, dì và các cậu của cậu sống mãi gần Quảng Yên, tới năm 1984 mới ra đây định cư sau một chuyến đi phà sang thăm anh chị là bố mẹ của cậu. Chỉ vừa mới có ý định ra làm ăn trên đảo, các cậu các dì của cậu đã được khuyến khích, rồi đón chào và nhận ngay được luôn hơn mẫu ruộng để cấy cày lập nghiệp. Năm sau người thân của cậu đã dựng được mấy căn nhà bằng tre nứa, lợp lá gồi mà hồi đó phải vào mãi trong Tiên Yên, Đầm Hà sâu đất liền mới mua được và chở ra đảo…
Sau hơn 1 giờ chạy xe gắn máy, cậu guide này đưa mấy chúng tôi ra bãi tắm Vàn Chảy. Đứng trên mô đất nhô ra phía biển, nơi có những cột điện bê-tông đã dựng lên cao với dây dợ tải điện cỡ lớn, cậu ta giải thích cho chúng tôi nghe về công trình cấp điện lưới quốc gia ra đảo. Khoát tay chỉ ra xa theo hướng Tây về phía đất liền, cậu thanh niên bảo, “… theo cháu được biết thì con đường cáp tải điện rải dưới lòng biển sâu này đã làm xong trong một thời gian kỷ lục, là chưa đến 1 năm…”.
Trở về Hà Nội, tôi lật các thông tin cũ trên mạng, được biết rằng dự án đưa điện lưới ra huyện đảo Cô Tô chính thức được khởi công ngày 4/11/2012. Tổng mức đầu tư hơn 1.100 tỷ đồng, do Tổng công ty điện lực miền Bắc làm chủ đầu tư. Đây là dự án đầu tiên trong cả nước được thi công với công nghệ chôn ngầm cáp 22 kV dưới đáy biển và rải dây điện 110 kV trên không bằng khinh khí cầu. Quy mô dự án gồm gần 24 km đường dây 110 kV 2 mạch; đường dây trên đảo là 22 kV bao gồm tới 18 trạm biến áp, với tổng công suất 3.730 kVA; tất cả có tới 40 cây số đường dây hạ áp; đã lắp đặt ban đầu gần 1.200 công-tơ để cấp điện cho gần như toàn bộ các khu vực trong huyện đảo Cô Tô. Chính thức là sau 350 ngày đêm khẩn trương thi công, công trình đã hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh. Đây là công trình đầu tiên của ngành điện lực cả nước được thi công đảm bảo cả về tiến độ, thời gian và chất lượng đã hoàn thành. Theo nhiều bài báo viết và trang điện tử khi đó, công trình này hoàn thành chắc chắn sẽ đưa lại những điều kiện mới làm thay đổi hoàn toàn và căn bản diện mạo của cả hòn đảo Cô Tô.
Đúng là những nhận xét trên đây là hoàn toàn chính xác. Chỉ với hơn 3 năm kể từ ngày này có điện lưới, cuộc sống người dân đã có những đổi thay lớn và căn bản.
Chỉ riếng về du lịch thì trước kia ít người dám đầu tư xây nhà nghỉ, khách sạn vì muốn có quạt điện, có máy điều hòa… thì công suất điện cấp từ các máy nổ, máy điện đi-ê-den chịu sao nổi? Có điện lưới thì các khâu sản xuất ngư nghiệp, nông nghiệp… đều được nhanh chóng cải thiện năng suất và chất lượng sản phẩm. Có điện thì nhu cầu thông tin, nguyện vọng được giải trí mới có điều kiện được đáp ứng. Từ vài ba năm nay nhà nhà trên đảo - ngay cả đến gia đình thu nhập trung bình và thấp chăng nữa cũng đều có thể sắm cái ti-vi loại thong dụng. Tất nhiên các nhà khá giả hơn sẽ sở hữu những ti-vi đời mới, được rinh về từ bên Vân Đồn, Cẩm Phả, Tp Hạ Long.
Đến nay một bến cảng đẹp đẽ và vững chắc đón được những con tầu cao tốc hơn 100 chỗ ngồi êm ái và lịch sự cho du khách; và cảng cũng đón được những con tàu vận tải hàng hóa có trọng tải lớn đều cập bến an toàn. Đôi khi những xà lan đặc chủng, trên đó chở theo xe – máy, những phương tiện chuyên dụng để làm đường, là những cần cầu, xe lu, máy húc và máy xúc đều thuộc loại khá lớn, chúng tôi đã quan sát thấy xuất hiện chỗ này chỗ kia trên hòn đảo này. Đương nhiên giá thành của vận tải hàng hóa (bao gồn vật liệu xây dựng để dựng nhà cửa, xây hotel nhà nghì… đều có giá cao). Nên cái việc xây nên một ngôi nhà ở đảo nó có giá thành cao hơn nhiều nếu xây trong đất liền.
Đi vòng quanh đảo, thấy một khung cảnh xây dựng và làm việc náo nhiệt. Công nhân làm đường hoặc gia cố thêm những con đường mới đều làm việc hết sức khẩn trương. Ngôi nhà này ngôi nhà khác đang được xây cất đây đó. Cảm thấy người dân, dân kinh doanh ở đây như thể muốn chờ đợi, để đón một luồng khách du lịch đông đảo sắp tới chăng?
Theo những số liệu công bố đầu năm nay, thì năm trước (2016), lượng khách du lịch đến với đảo Cô Tô đạt trên 180.000 lượt, gần gấp đôi năm 2014 và gấp gần 40 lần năm 2010 (!). Doanh thu từ các hoạt động du lịch, dịch vụ ước đạt gần 300 tỷ đồng, giải quyết nhu cầu việc làm cho khoảng 2.000 lao động địa phương và lao động từ nhiều tỉnh, thành trong nước đến Cô Tô làm ăn, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội cho huyện đảo.
Không nói về các thế mạnh biển đảo khác, chỉ riêng thế mạnh về du lịch của Cô Tô có những nét độc đáo, khác biệt. Nơi đây thiên nhiên ban tặng cho hòn đảo nhiều bãi biển rộng dài và đẹp đẽ là một thế mạnh. Nhưng có lẽ hàng nghìn ha rừng nguyên sinh ở đảo này mới chính là một thế mạnh hết sức đặc biệt cho phương hướng khai thác du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cao cấp sắp tới.
Tôi muốn dừng câu chuyện ở đây, nhưng lại muốn mở ra một câu chuyện mới. Đó là lời nhắn gửi của những người đã về hưu, đều làm chung một nghề là từng đã đi đến nhiều nơi nhiều nước trên thế giới. Bởi rất nhiều anh em trong đoàn chúng tôi là những cán bộ ngoại giao đã được đặt chân tới nhiều vùng đất. Có thể nói tóm lược rằng, sở dĩ những quốc gia nào đó làm giàu được về du lịch là do họ biết được, đón trước được những nhu cầu chính đáng của du khách. Từ đó họ biết triệt để khai thác các thế mạnh của vùng miền họ, của đất nước họ trong việc thu hút khách du lịch…
Với Cô Tô, hiện hòn đảo còn nhiều nơi chốn hoang sơ, đó lại là một thế rất mạnh trong thế giới hiện đại này. Cuộc sống công nghiệp hóa và đô thị hóa rất mạnh hiện nay luôn cần đến những không gian tự nhiên, môi trường trong lành để nghỉ ngơi, thư giãn. Cô Tô hãy biết chăm sóc tới những đồi sim mua. Tuyệt đối không được phá chúng đi để dựng nhà cửa bừa bãi không trong quy hoạch. Cũng cần phải mau chóng có một quy hoạch tổng thể nghiêm túc và rất chi tiết trong đó cần nhấn mạnh việc nuôi dưỡng và bảo trì những rừng cây nguyên sinh (thậm chí cả cây dại cũng cần giữ chúng, ví như cây dứa dại mọc rất tốt nơi đây, bởi quả dứa dại là một nguồn dược liệu quý…). Hãy biết bảo vệ từng mét vuông những bãi biển nằm quanh hòn đảo. Khai thác để du khách tới tắm táp, thu được tiền thì cũng rất cần thiết rồi, nhưng luôn cần giữ lại một phần tiền đó (thu thuế hoặc đóng góp quỹ môi trường...) để tu tạo, làm sạch đẹp các bãi tắm. Chớ để các dịch vụ, nhà hàng, nhà nghỉ dưỡng tư nhân mặc sức tự tung tự tác, mà cần thiết phải đưa vào các quy chế, quy hoạch để đừng cho họ tha hồ (hoặc lén lút) xả rác thải, xả nước bẩn làm ô nhiễm các bãi biển. Nếu buông lơi vấn đề cốt tử này sẽ là cách “đuổi” du khách một cách hữu hiệu nhất vậy!
Một việc nữa không kém quan trọng. Cùng với việc xây thêm, mở rộng và bê-tông hóa các con đường chạy ngang dọc hòn đảo, chính quyền và ngành du lịch ở đây phải sớm lên kế hoạch làm các tấm biển chỉ dẫn hướng lối đi lại. Hãy biết cách ghi các địa danh cần thiết lên các tấm biển chỉ đường. Và ghi cả khoảng cách đi đến các địa danh đó nữa. Tỉ mỉ như vậy sẽ là “ngòi nổ” thúc đẩy các loại hình du lịch tự do, du lịch các nhóm người, các ngành-giới có lứa tuổi khác nhau đi chơi tự do, đôi khi bùng nổ các chuyến đi chơi, đi phượt tự phát. Và nhóm du khách này sẽ cần các thông tin trên để với chiếc xe gắn máy thuê trên đảo (ưu tiên cho thuê nhiều xe đạp vì nó tránh gây ô nhiễm xăng dầu đốt cháy), họ có thể tự đi du lịch theo ý thích của họ. Phát triển cả nhà nghỉ, các hotel cao cấp, song cùng cần khích lệ cả du lịch homestay (du khách thuê trọ nhà dân).
Mấy ý kiến trên mong nó đến được tai ông chủ tịch huyện đảo, tới được địa chỉ ông bí thứ huyện ủy; hoặc là những người có vị trí thấp hơn (nhưng có khi lại quan trọng nhất) là tới các vị công cán trong các Phòng Ban du lịch tại huyện đảo này. Rất mong các quý vị có trách nhiệm cùng người dân Cô Tô gìn giữ được hòn đảo xanh, hòn đảo quý hóa đã được nhiều người ví như “hòn ngọc xanh” Cô Tô của đất nước chúng ta.
NV