Trang chủ » Truyện

LƯƠNG NHÂN

Hoàng Thiềng
Thứ năm ngày 27 tháng 5 năm 2010 6:31 PM
Truyện ngắn:    

  Nhiều người biết Lương Nhân là một làng quê trù phú ở vùng ven thành phố, trong số họ có người thích chơi với lão Ngộ, có người thích chơi với lão Bào, có người lại rất thích lão Sét. Ba lão Ngộ, Bào, Sét mà ngồi với nhau thì chuyện các lão nói ra chả ai hiểu được những chuyện ấy sẽ đi đến đâu. Những người thích chơi với mỗi lão chỉ còn biết ý cái lão mà mình thích chơi nói ra là đúng. ấy là xét về đại thể chứ còn thực tế họ cũng chả dám bảo nói như thế là đúng. Chỉ biết sau mỗi cuộc trò chuyện bất phân đúng sai, cả ba lão và đám người ngồi chầu hẫu đều cười váng    Nhà lão Ngộ nằm ở ven sông. Căn nhà tràn trề gió. Gió bốn mùa thả giàn ngoáy đảo trong nhà lão. Lắm bữa sự ngoáy đảo của gió khiến nhiều đồ vật trong nhà lão quyện lấy nhau, có những đồ vật nhờ đó mà thỏa cơn tức với nhau để được sứt đầu mẻ trán mới hả. Vợ con lão thì tả hỏa lên vì tiếc của có vì lại phải lai lưng ra gỡ sự âu yếm thái quá của chúng. Riêng lão, gương mặt tịnh không một cảm giác để hiểu thái độ lão theo hướng nào. Những lúc ấy chỉ thấy lão khi quay mặt nhìn ra dòng sông, khi  ngửa mặt nhìn lên giời. Nhìn giời, nhìn sông chán mắt, lão rảo bước ngược hướng gió đi ra phía bờ sông. Bước chân của lão đi phăm phăm tựa như người được ma vày. Nhìn dáng đi của lão Ngộ ai đó có muốn cản cũng hãi, bởi với những bước đi như vậy chỉ có ở người có sức mạnh phi phàm. Đi ngược gió, bước phăm phăm, mặt thẳng đưỡn nhìn như muốn nuốt chửng cơn gió đang thốc tháo thổi vào nhà lão. Gió thổi vào nhà lão có khác chi gió thổi vào làng Lương Nhân của lão. Cái làng Lương Nhân nơi chôn nhau cắt rốn mười tám đời nhà lão. Mà đâu chỉ của dòng tộc nhà lão, còn của cả hai mươi bảy dòng tộc khác đang hiện hữu ở trong làng nữa chứ. Người ta có lý để nghĩ tới việc thương làng của lão Ngộ. Chả là đã có không ít lần người trong làng khuyên lão nên di nhà vào trong làng để tránh những bất ưng của thời tiết. Thời tiết ở rẻo sông này tai quái lắm. Đôi khi bất ưng sầm sập mưa, Đôi khi bất ưng động cỡn lên nổi giông cuốn tung mọi thứ rác rưởi từ đâu đó rải ra khắp làng. ấy là chưa kể thời gian gần đây nổi lên cái bọn cờ bạc, nghiện hút gì đó chuyên đi quấy đảo thiên hạ. Ai cũng lo cho nhà lão ở quạnh quẽo ven sông sảy ra chuyện bất ưng mà làng nước không giúp kịp. Mọi người nói với lão những điều ấy, lão dướn mắt lên nhìn giời rồi thủng thẳng nói :” Tôi cũng muốn đứng mũi chịu sào xem giời đất và bọn bất nhân nổi đóa kiểu cách ra làm sao. Âu cũng là để làng nước hiểu giời, hiểu lũ bất nhân mà tĩnh tâm khuyên con bảo cháu giữ mình để đạt điều nhân đức”. Nghe lão Ngộ nói vậy, người làng chỉ còn biết ngửa mặt lên hít khí giời.
                  Lâu nay dân làng Lương Nhân vẫn kháo với nhau về tâm tính lạ hoắc của lão Ngộ. Ngày trẻ Ngộ đâu có thế, về già lão mới đổ đốn ra như vậy. Giữa lúc cả làng đang chìm sâu vào giấc ngủ thì lão Ngộ lại ngất ngưởng tắm sương gió ở khắp đồng trên đồng dưới. Nhiều đêm lão tha thẩn đi trong làng. Lũ chó trong làng quen hơi bén tiếng lão nên tuyệt nhiên chả có con nào lên tiếng. Chuyện chó làng thì biết rồi đấy, chỉ một con lên tiếng là trăm con trong làng đồng thanh tương ứng ngay tắp lự. Mà lão đi làm gì vào cái giấc cả làng đã tắt đèn đi ngủ. Giấc đi của lão cũng lạ,  chả đòng nhất tý nào, bữa thì đầu giờ Tý, lúc thì giữa giờ Sửu, đận thì cuối giờ Dần sang giờ Mão. Ai đó hỏi lão có chuyện chi phải đàymình như thế, lão chỉ cười. Ngày đầu nghe tin lão đi như vậy ối người đã nghĩ chắc lão say rượu. Dần dà tới bây giờ họ bán tín bán nghi cho rằng chuyện thay đổi tâm tính như lão chỉ có ở người điên. Ngẫm ra bảo lão điên cũng chả phải. Lão vẫn sống bình thường với mọi người như dăm chục năm nay. Chuyện gì ai đó chưa rành rẽ hỏi lão, lão biết lão vẫn nói một cách gọn gàng khúc triết như bản tính vốn có của lão. Ngay như chuyện giữa lão với lão Bào và lão Sét vẫn sôm chuyện ra phết. Ba lão ấy mà ngồi với nhau chuyện vẫn như pháo rang. Những người thích ngồi chầu hẫu nghe ba lão phiễu chuyện với nhau vẫn có được những trận cười luyếnh loáng. Nhiều người trong làng còn nhớ bữa nghe ba lão ngồi dóc chuyện với nhau bỗng dưng lão Ngộ hỏi Bào với Sét có biết vì sao làng mình lại có tên là Lương Nhân. Ai nấy đều ớ ra. Lúc sau lão Sét mới ậm ọe nói :” Các cụ đặt vậy, có thế mà cũng hỏi!”. “ Nói như lão Sét là phải tội với các cụ đấy!”. Ngộ thủng thẳng nói. “ Lão bảo phải tội có nghĩa là làm sao?”. Bào hỏi.   “Đúng là các cụ đặt tên cho làng, nhưng phận con, phận cháu phải hiểu ý tứ các cụ để răn mình về lẽ sống chứ!”. Ngộ vẫn thủng thẳng nói. “ Này lão Ngộ, dạo này lão bị ngộ hay sao mà sinh ra hay rách chuyện thế!”. Sét gay gắt. “ Tôi chả đôi co với lão Sét làm chi cho mệt. Nhưng chuyện tên làng mình là phận con cháu các cụ thì nên biết. Ngày về lập làng mấy cụ bô lão trong làng nâng lên dật xuống mãi. Đâu như phải vài năm sau các cụ mới thỏa thuận đặt tên làng là Lương Nhân. Theo những gì tôi tìm hiẻu, cộng với những cảm nhận bấy lâu, chữ Lương có ý làng này là làng của người bên Lương để phân biệt với làng bên Giáo. Còn chữ Nhân, ý tứ các cụ thật sâu xa. Chữ Nhân các cụ chọn với nhiều nghĩa lắm, nhân nghĩa này, nhân đức này, nhân hậu này,nhân ái, nhân tình, nhân tâm…Cái chữ lương nhân đi với nhau ý tứ các cụ gửi lời răn dạy con cháu thật sâu xa. ấy là tôi nghĩ vậy các ông ạ!. Từ bấy đến nay làng Lương Nhân mình nứt tiếng khắp vùng. Không tin các ông ngẫm cứ mà xem?”. Lão Ngộ nói liền một hơi. Chưa bao giờ lão sợ ai đó cướp lời như lần này. Chuyện lão Ngộ nói bữa đó loang ra khắp làng. Mọi người đều bảo đúng là lão đang ngộ ra những điều gì nữa chỉ có giời mới biết.
                   Hai lão Bào và Sét vẫn thường ra chuyện gẫu ở nhà lão Ngộ. Ngồi dóc chuyện lại được ngắm dòng sông về đêm có những con tàu lai dắt đôi ba cái xà lan chở than, chở củi, chở cái khỉ gió gì không biết, chỉ biết trên đó hắt ra ánh đèn đỏ quạch như mắt ma, thi thoảng có ai đó chả rõ đàn bà hay đàn ông bước ở bên hông con tàu ngồi thụp xuống hoặc đứng như kiểu chạng hạng ra. Các lão khoái chí chỉ chỏ, thách đố nhau xem đó là đàn bà hay đàn ông, họ đang làm gì. Chả có lão thắng,  chả có lão thua, vì cái lý của mỗi lão xem ra khó phân định. Nhưng lão Bào khăng khăng bảo rằng, cái đứa ngồi thụp đích thị là loại đàn bà bởi chỉ có lũ này mới không đái qua ngọn cỏ. Lão Sét bảo, chỉ có loại người cạn hiểu mới suy luận như vậy, khi ỉa dù là đàn bà hay đàn ông đều phải ngồi hết. Nghe hai lão gân cổ khẳng định cái lý của mình là đúng, lão Ngộ chả mảy may đoái hoài. Lão vẫn nhìn ra dòng
sông, cảm nhận vệt trắng thồi thụt bên thân tàu và những chiếc xà lan. Lão cảm rõ mùi nước tanh tanh thoảng gợn lên theo cơn gió đưa tới. Chỉ có lão mới cảm được sự khác biệt này. Nếu không có vật gì gỡ mặt sông thử hỏi mùi tanh thoang thoảng kia có bay lên cho ta thưởng thức trọn vẹn cái thi vị ẩn chứa trong lòng sông không.  Lão Ngộ lặng lẽ ngẫm ngợi về con sông theo cách riêng của lão. Trong con mắt của lão Ngộ, lão Bào và lão Sét mãi mãi đúng chỉ ở hạng cổ cày vai bừa. Lão tuy cũng chỉ là cái anh nông dân bán lưng cho giời gửi mặt cho đất, nhưng lão còn hiểu sông biết gió. Có ối đận lão Ngộ đã định thách đố lão Bào, lão Sét và cả những ai ở làng Lương Nhân nếu thích cùng dóc chuyện về mùi gió, vị sông xem ai dóc chuyện hay hơn ai. May mà lão kìm lại ý định đó nếu không sự thể sẽ ra sao, Cứ như chuyện cãi nhau của hai lão về đàn ông hay đàn bà trên con tàu và những chiếc xà lan kia là đủ hiểu kiến văn tậm tịt của Bào và Sét. Đang lúc vẩn vơ ngắm sông và hít gió, lão Ngộ giật mình choàng tỉnh vì tiếng hét của cả Bào và Sét cùng phát ra một lúc vào thẳng tai lão. “ Ngộ, ông nói xem đó là đàn ông hay đàn bà?”,lão Bào gay gắt hỏi. “ Đúng đấy , đàn ông hay đàn bà . Ông nói đi Ngộ!”. Lão Sét cũng gắt đế theo. Lão Ngộ đưa hai bàn tay lên xoa xoa vào tai, mắt vẫn nhìn về phía dòng sông và thoáng nở nụ cười. Vẫn bằng cái giọng nhiều mơ hồ, lão Ngộ thủng thẳng nói :
              - Đàn ông hay đàn bà thì liên quan gì tới các ông mà các ông phải tốn hơi tranh luận .
              - Đúng là Ngộ!. Đoán định phán xét làm cho con người ta lớn lên thế mà lại baỏ là người ta rỗi hơi. Sét nói.
              - Lão Sét nói chí phải. Cái hồi tôi với lão Sét ở bộ đội làm cái anh lính trinh sát là phải hay đoán định, rồi còn cả việc phải suy luận nữa chứ, có vậy thông tin mới được nhiều chiều cho chỉ huy bàn tính phương án chọi nhau với địch. ừ mà ông thì biết gì về lính mà hiểu trinh sát với trinh bò. Bào dấm dẳng nói bằng cái điệu giễu cợt.
              - Loại trinh sát như các ông tôi vơ cả nắm rồi tống cổ lên tận rừng sâu heo hút cho khuất mắt. Suy luận đoán định phải có cơ sở chứ. Cứ đứa ngồi thụp xuống là đàn bà à!. ối thằng đàn ông bây giờ cũng phải vạch buồi ngồi đái, ấy là vì hoàn cảnh nó vậy nên phải vậy. Muốn suy luận đoán định gì thì suy luận đoán định cũng phải biết kết hợp nhiều loại cảm nhận, tỷ như phải vận dụng cả khả năng ngửi, hít, kinh nghiệm thực tiễn của bản thân.
             - Thôi đi lão Ngộ. Nói như ông có chó nó nghe, phức tạp rối rắm, nhiêu khê. Ông mà có kinh nghiệm, ông mà biết ngửi hít, loại mũi thối vợ chạ biết cóc khô gì mà nói !. Bào tức khí sổ ra một tràng với giọng cay nghiệt.
               - Kể ra lão Bào nói hơi quá, nhưng xét tới cùng lão Ngộ biết cái cóc khô gì mà bàn về sự đoán định. Mà thôi kể ra cũng tốn hơi về cái chuyện không đâu, lão Ngộ có rượu mang ra đây cho mỗi người một chén rồi về. à mà này tôi phải nói luôn kẻo quên, ông chớ có được nghe người ta sui di nhà vào trong làng đấy nhé !.
               - Lão Sét khuyên không di nhà là đúng đấy. Lão mà di nhà chúng mình ngồi đâu mà dóc chuyện hay như ở đây. 
                Ngộ chả nói gì. Lão lặng lẽ vào xách chai rượu rót cho mỗi người một chén rồi chép miệng nuốt ngụm rượu cay chát vào ruột.
                Cả đời lão Ngộ gắn với con sông này. Ngộ tự cho mình là người duy nhất hiểu tới chân tơ kẽ tóc mọi chuyện về dòng sông. Lúc nào sông có chuyện buồn, lúc nào sông có chuyện vui, Ngộ biết chứ. Lão chỉ cần nhìn dòng sông, có khi chả  phải nhìn chỉ cần ngửi mùi nước sông được cơn gió đưa tới. Cũng chả cần phải ngửi mùi nước sông tự dưng cảm thấy trong ruột có chuyện chi đó Ngộ biết dòng sông đang trở mình. Chuyện vui buồn của con sông vận vào tâm trạng lão. Nhiều người ở làng Lương Nhân chứng kiến sự bất ưng tâm tính của lão chả sao hiểu nổi nguồn cơn chỉ còn mỗi cách lý giải ngộ ấy mà. Chính Ngộ cũng không tự lý giải được căn nguyên về sự giao hòa giữa tâm tính lão với dòng sông .
                Ngót nửa tháng nay làng Lương Nhân rộ lên chuyện lấp giếng. Cái giếng có từ thời thượng cổ. Người trong làng đời nọ truyền đời kia, cách đây hơn hai trăm năm các cụ cố mời thầy địa lý về tìm long mạch để đào giếng làng. Giếng nằm giữa làng, nước trong vắt nhìn tới tận đáy sâu ba thước. Ngày hè nước trong leo lẻo mát thấu tới tận gan ruột. Giờ được gọi là thời văn minh nam thanh nữ tú trong làng không còn đoái hoài tới chuyện rủ nhau múc nước giếng lên uống chung, chứ ngày trước đi làm đồng về giai gái đua nhau uống cạn gàu nước giếng trong vắt. Có chăng chỉ còn các cụ ông, cụ bà vẫn ham vục mặt làm ngụm nước múc từ giếng lên mát rượi. Uống xong ngụm nước cụ nào cụ nấy rạng rỡ mặt mày thấy lại thủa thanh xuân của mình dạo nào. Trong ý thức của đa số dân làng, cái giếng là biểu tượng thần quyền của Lương Nhân. Đã có một dạo kéo dài tới chục năm, vào ngày mồng một, ngày rằm và ngày hội làng mọi người tới thắp hương, làm lễ bên thành giếng. Với dân làng, đó là chút lòng thành nghĩ tới ông địa cùng vị thủy tổ cai quản long mạch của làng. Chắc tấm lòng thành ấy thấu tới các ngài lên mới cho giếng làng lúc nào cũng ăm ắp nước. Hơn hai trăm năm ngấn nước ở giếng chẳng hề xê dịch. Như lời các cụ trưởng lão ở làng, chả một đứa trẻ nào ở làng này không tắm nước giếng khi cất tiếng khóc chào đời. Bằng cứ là người làng Lương Nhân nói năng rành rẽ, chữ nghĩa mạch lạc, không lẫn lộn âm tiết như người làng bên. Người làng bên chỉ cách Lương Nhân một vạt mương mà giọng nói nặng chịch, âm l và n, âm tr và ch cứ lộn tùng phèo cả lên. Nếu ngồi mà tính chả có chuyện gì của mỗi người, của mỗi nhà, của cả làng lại không chịu ảnh hưởng của giếng làng. Cái lý sự ai đó đưa ra lấp giếng làng vì thời buổi bây giờ con người văn minh dùng nước máy. Làng này có nước máy từ mấy năm rồi, có còn mấy nhà phải ra giếng quảy nước về. Đại bộ phận dân làng phản đối rầm rầm. Lấp giếng có khác gì lấp long mạch. Cái ý tứ về làng nước của Lương Nhân này không giống như ý về làng nước của dân tộc. Một làng có long mạch mà long mạch ấy đã thấm đẫm vào mọi thế hệ người của làng rồi. Có ai đó đã nói toáng ý nghĩ của mình ở bên giếng làng : Ai đụng tới giếng làng hãy bước qua xác tôi đây này!. Long mạch của làng bị đứt thử hỏi dân Lương Nhân có còn sống được không? .
              ấy là chuyện trong làng mới chỉ kháo nhau như vậy. Chỉ là chuyện khới kháo lên từ đâu đó mà cả làng đã râm ran. Thế mới biết thần quyền của giếng làng lớn cỡ nào. Lão Ngộ tuy không ở hẳn trong làng nhưng lão chả bỏ qua chuyện gì của làng. Đã có lần lão can ngăn một nhóm người ở làng hùn hùa với nhau lấp con mương của làng. Lão choảnh chọe đứng giữa những đám người đang lấp mương chỉ thắng vào mặt từng người, bảo rằng :” Mương làng không chỉ có việc dẫn nước từ sông về cho những gia đình có vườn, có ruộng bên con mương tưới tắm, mà còn là cái cống tháo nước của ối nhà ra đấy. Chưa kể nó còn ối những tiện ích khác nữa, tỷ như trong số các người ở đây tôi biết đi đêm ở đâu đó về thường xà xuống mương này khỏa cái chân lấm thối đó sao “. Cứ thế lão sa sả vừa nói tình lý, vừa quở trách những người đang làm cái việc rồ dại lấp mương. Thực ra lão Ngộ biết tỏng cái việc lấp mương của bọn người kia định làm cái việc đã rồi, sau đó để ắng đi một thời gian sẽ cùng nhau chia khoảnh để làm nhà hoặc làm thành vườn tược chi đó. Ngay lúc ấy lão Ngộ không sổ toẹt ra điều đó, một là sợ họ bẽ mặt không có lỗ nẻ để trốn, hai là để dân làng khỏi kiềng mặt bọn người đó. Gì thì gì cùng là người trong làng cả , biết đóng cửa dạy nhau vẫn hơn. Tối hôm đó lão Ngộ đi đến từng nhà nói thẳng ý đồ của họ cho họ nghe. Nghe thấu tình lý của lão ai cũng van xin lão đừng nói cho làng biết điều đó. Lão cười và hứa sẽ không làm điều dại dột là kể cho dân làng nghe tâm địa của bọn họ. Từ đó tới giờ con mương của làng vẫn yên ả đón nước vào và nhả nước ra. Đâu như người trong làng đang tính chuyện làm kè, rồi trồng cây bên con mương y như kiểu ở trên phố có bờ hồ với hàng cây thơ mộng. Chuyện ấy rồi chưa biết sẽ đi đến đâu, nếu có chuyện đó thật lão Ngộ này sẽ giơ cả hai chân hai tay lên ủng hộ. Là lão tính vậy khi chuyện về giếng làng đang lẩn quất trong tâm trí lão. Bữa rồi lão đánh tiếng mời lão Bào và lão Sét ra nhà lão đón gió, ngắm trăng và uống rượu đố nhau chuyện giai gái trên những con thuyền trôi trên dòng sông qua nhà lão. Hai lão Bào và Sét đã bàn tính sẽ không tranh cãi với nhau làm gì cho mệt xác, phải hợp lực lại cho lão Ngộ trắng bụng lấm lưng để được phạt vạ lão Ngộ phải xuống sông bắt cá lên uống rượu ngay trong đêm. Khi trời còn đang nhập nhọa tranh tối tranh sáng, lão Bào và lão Sét đã kẻ trước người sau dạng chân bước, vung vẩy tay làm điệu ra nhà lão Ngộ. Từ xa lão Ngộ đã nhìn thấy điệu bộ của hai lão Bào và Sét. Lúc hai lão cất tiếng chào, lão Ngộ làm ra vẻ bất ngờ với sự có mặt khí sớm của hai lão. Lão Ngộ cười rõ tươi, điệu bộ vồn vã nói :
               - Sự có mặt của hai lão khiến Ngộ này lấy làm cảm kích lắm lắm! .
               - Ngộ đã đánh tiếng gọi đâu có phải chuyện đùa nên anh em tôi đâu giám thất lễ, phải vậy không ông Bào? .
                - Đúng thế, đúng thế !. Lão Bào gật gù, đưa tay rút chiếc tăm trên miệng ném vung ra phía bờ sông .     
                - Nói hay lắm !. Nói hay lắm !. Nhất hô bá ứng, cả cái làng Lương Nhân này chỉ có hai lão Bào, Sét mới đối ứng được như vậy!. Lão Ngộ vừa vỗ tay đôm đốp vừa hào hứng khen.
                Ba lão ngồi ngỏng mặt ra hướng sông hóng gió.Trời tối sẫm được một chặp thì trăng mười tám ngất ngơ hắt sáng. ánh trăng vẫn trong ngọt, rười rượi mát như đêm tròn lẻ. Mặt sông tĩnh lặng. Gió vẫn chỉ the thắt từng chặp từng chặp ngược dòng. Mỗi lão đang mải đeo đuổi những ý nghĩ của riêng mình. Bào nghĩ về nước giếng làng trong đến lạ. Chả bù cho dòng sông nước sao cứ đùng đục, chưa kể có khi còn đỏ ngầu quặn xiết nhìn đã thấy tội. Sét nghĩ về những đận ra sông oàm uộp ngụp lặn. Những hôm nước sông đùng đục mắt đã cay cay, đúng vào ngày nước sông đỏ ngầu mắt không chỉ cay xè mà còn chảy cả nước mũi ra. Lũ bạn trong làng thừa nhận Sét giỏi bơi lặn và lên tiếng thách Sét lặn xuống giếng làng nhặt đồng xu mà chúng ném xuống. Đôi bận Sét rắp tâm thực hiện lời thách để cho lũ bạn kính nể thực sự. Định vậy mà Sét chưa bao giờ làm được chuyện ấy. Mỗi lần định bụng nhảy xuống giếng Sét lại cảm thấy có điều gì đó khiến trong ruột bỗng dưng trống huếch trống hoác nên lại thôi không nhảy nữa. Lời thách đố ấy chắc chắn sẽ là dấu hỏi đi cùng Sét xuống dưới mồ. Ngộ cũng nghĩ về dòng sông. Không biết đã có bao nhiêu lần trong đời, khi thì nửa đêm, khi thì chớm lúc gà gáy nhịp đầu, khi thì trời đang chạng vạng sáng Ngộ oằn mình dưới sông. Lần nào cũng vậy, sau khi đã hít căng lồng ngực Ngộ cong người chúi đầu tìm đáy sông. Bao giờ Ngộ cũng vùi mặt một chặp xuống đám bùn ở đáy sông rồi mới chịu ngóc lên mặt nước. Ngấm ngáp được hương vị của con sông, Ngộ soải người lúc trườn xuôi, lúc trườn ngược dòng nước để được hả hê cùng trời đất. Ngộ nghĩ tới bảy người đàn bà với bảy cảnh ngộ khác nhau đã trầm mình xuống con sông này. Mỗi lần một khác, lần thì Ngộ đang ở trong làng quai đất đóng cối, lần thì Ngộ đang ở ngoài đồng quơ rạ lên bờ, lần thì Ngộ đang xuống tấn ra ràng chuẩn bị cho keo vật. Cả bảy lần đều ở trong trạng thái cần chú tâm cho công việc, thế mà Ngộ vẫn nhận ra có tiếng gào riết của dòng sông hối thúc. Ngộ không thể cưỡng lại sự hối thúc của dòng sông. Ngộ bỏ lại tất cả những gì đang diễn ra và lao nhanh về phía dòng sông. Bảy người đàn bà được Ngộ đưa trở lại với cuộc đời, lúc đầu ai cũng ca thán trách cứ Ngộ không cho họ được toại nguyện, cho đến bây giờ cả bảy người đều nhớ ngày được Ngộ hoàn sinh đem lễ vật đến tạ ơn. Cả bảy người đàn bà đều tha thiết xin Ngộ ôm chặt họ vào lòng đúng ngày họ được hoàn sinh. Ngộ nhớ, có tới cả chục năm vậy mà mỗi người vẫn còn giữ nguyên hương vị của dòng sông như ngày nào Ngộ nhào ra ôm họ lên bờ. Vợ con Ngộ lúc đầu không đồng ý với nguyện vọng của những người đàn bà nọ. Phải mất hai năm, bảy người đàn bà luân phiên nhau thuyết phục, có cả những người trong làng nói hộ cho những người đàn bà kia, vợ con Ngộ mới thuận ý cho họ được toại nguyện. Mỗi lần gặp lại nhau Ngộ và những người đàn bà lại đưa nhau đến bờ sông nơi mà họ đã có lúc quẫn chí, dại dột đi quyên sinh.Trong số họ mỗi người đều có những cảnh ngộ khác nhau, Ngộ đứng ra xâu chuỗi họ đi lại với nhau như một gia đình, người nọ tìm cách giúp đỡ người kia để có cuộc sống tốt hơn lên. Gương mặt của những người đàn bà nọ thấp thoáng ẩn hiện trên dòng sông. Ngộ se sẽ nén tiếng thở dài. Chỉ cần một trong hai lão mà nghe thấy tiếng thở dài của Ngộ thể nào Ngộ cũng bị cật vấn. Hai lão mà căn vặn Ngộ khó lòng chống đỡ nổi. Ngộ lặng lẽ đưa mắt nhìn hai lão. Bào và Sét vẫn đang chìm đắm vào những suy nghĩ miên man của riêng mình. Ngộ cười thầm với ý nghĩ chợt đến. Ngộ hắng giọng xua tan cái không khí yên lặng của mọi người, nói rổn rảng ;
               -Tôi mời các lão ra đây dóc chuyện, uống rượu chứ có mời các lão ra đây tụng kinh niệm phật đâu!.
               - ừ nhỉ !. Thế ra bọn tôi cũng ngộ à!. Khỉ thật!. Bào đứng dậy vừa vươn vai vừa nói đãi.
               - Cũng chỉ tại cái lão Ngộ chả khơi mào dóc chuyện ngay từ đầu. Xét tới cu ty củ tỷ lỗi này thuộc về lão Ngộ. Lão nhắn nhe chúng tôi tới đây là vì chuyện gì vậy. Kiểu này Ngộ lại quên chuyện mình ngộ ra rồi hử!.
              - Sét nói chí phải!.
              - Tôi ới các lão ra là vì chuyện cái giếng làng mình. Đứa nào động rồ lên đòi lấp. Lấp cái lỗ nẻ sinh ra nó còn khả dĩ nghe lọt lỗ tai, còn cái giếng …
              - Khỏi bực đi lão Ngộ. Chuyện đâu có đó. Giếng làng mình không khéo lại được công nhận là công trình văn hóa đấy. Sét lớn giọng .
              - Thú thực với hai lão, từ bữa nghe có chuyện về cái giếng làng mình tôi đã đi tới nhiều làng ở thành phố mình mới biết chả mấy nơi có được cái giếng đẹp như giếng làng mình. Tôi tự hào về làng ta lắm. Giếng làng mình không chỉ to, không chỉ có từ lâu đời, không chỉ ở địa thế trung tâm của làng mà còn là cái giếng có nguồn nước trong xanh đến kỳ lạ. Các lão thử ngẫm mà xem, dẫu vật đổi sao giời, dẫu mưa thối đất thối cát, dẫu khô hanh nắng hạn đến đâu đi chăng nữa, nước giếng làng mình vẫn chẳng hề suy chuyển. Mực nước giếng làng vẫn vậy. Nước giếng làng vẫn cứ xanh ngăn ngắt. Chả rõ hai lão thế nào, từ đận nghe chuyện giếng làng tôi đã có dăm đêm thức cùng giếng làng. Có đêm tôi ngồi bên giếng làng ngắm không chán mắt nước giếng trong như chiếc gương trời. Có đêm tôi ngồi tận đằng xa ngắm nhìn giếng làng ẩn hiện trong màn đêm khi trăng tỏ, lúc trăng mờ mà cảm thêm nhiều điều thi vị về chiếc giếng làng mình. Tôi cũng nói điều này để các ông tỏ thêm mọi nhẽ, có làng tôi đến họ bảo làng họ trước cũng có giếng nhưng dạo làng vận động dùng nước máy cái giếng bị san lấp ngay tắp lự. Có điều như nhời người làng ấy kể, từ ngày lấp giếng đến nay trong làng hay xảy ra những chuyện chả ra làm sao cả.Tỷ như cái chuyện cũng là người trong làng cả mà lại nảy nòi ra cái thói hiềm khích, ganh ghé nhau, không ít gia đình bắt đầu có chuyện bất hòa. Tôi ngẫm thế này các lão nghe có lọt tai không. Giếng làng mình còn là báu vật chắn tai ương cho làng nữa đấy. Vì làng có chuyện tôi đâm ra nghĩ ngợi, đi đây đi đó nên mới ngộ ra nhiều điều lý thú về cái giếng làng ta.
                 Lão Ngộ nói mạch lạc. Giọng lão như gãi gan gãi ruột mình ra khiến hai lão Bào và Sét nghe ớn lạnh cả sống lưng. Lão Ngộ dứt lời đã lâu mà hai lão Bào và Sét mặt ngỏng ra phía dòng sông, ngồi bất động. Cứ như lời lão Ngộ quả quyết, khi nào làng họp bàn về chuyện giếng làng nhất định lão sẽ nói hết những điều tâm nguyện của lão. Lão tin chuyện lấp giếng sẽ không thành. Có một câu lão Ngộ kìm lại không nói, chỉ có kẻ rồ dại mới phá bỏ vật linh thiêng thuộc cõi người!.
                  Sau khi đã nói với nhau mọi nhẽ về chuyện giếng làng, ba lão rủ nhau tồng ngồng sải cánh bơi ngược dòng một khúc để tâm hồn dược thư thái.
 Mới rồi những người đàn bà được Ngộ hoàn sinh đưa cả gia đình về thăm nhà Ngộ. Dòng sông bữa đó lặng lẽ trôi. Gió bữa đó mềm hơn giải lụa trải rộng khắp vùng. Dân làng bữa đó được chứng kiến chuyện tình người có một không hai từ ngày lập làng đến nay. Với Ngộ lão ngộ ra điều cốt tử của kiếp người ./.
                                                             
 12-2007