Trang chủ » Truyện

CHIẾC ĐIỆN THOẠI CHẾT TIỆT

Thu Hằng (Hội nhà văn Hải Phòng)
Thứ hai ngày 7 tháng 6 năm 2010 8:11 PM
 
Lão ức lắm, chiếc điện thoại của lão, rõ ràng nó réo ba hồi chuông, hiện lên hai chữ Diễm Lệ trên màn hình. Lão đã bụng bảo dạ phải quên phéng nàng, đúng rồi phải quên nàng, nhưng sao hôm nay nhìn thấy “ tên” nàng nhảy nhót trên màn hình lão lại thấy xôn xao, mồn một hình bóng năm qua, phải rồi mới mấy năm qua … Chuyện cũ hiện về trong trí nhớ của lão…
Đó là một ngày cuối xuân, trời không nắng cũng không một giọt mưa, chỉ hiu hiu chút heo may. Lão đi dự buổi giao lưu thơ ở một câu lạc bộ thơ trên đồi Thiên Văn. Đồi toàn thông… chỗ này chỗ kia những khối màu diệp lục có hình chiếc kim trải ngút ngát, lãng mạn có, mơ mộng có. Chính trái tim tưởng đã hoá thạch của lão còn nổi sóng trước những màu xanh đậm, nhạt như bức vẽ đang phân mầu của một hoạ sĩ vùng quê.  Buổi giao lưu thơ  phú hôm đó chỉ có lão là “Nhà thơ cấp thành phố”, còn toàn những ông bà hội viên Câu lạc bộ đã cao tuổi yêu thơ, làm thơ cho vui. Họ đưa ra những bản thảo viết tay dập dập, xoá xoá nhằng nhịt “Nhờ nhà thơ xem và sửa giúp”. Lão đã quen cảnh này từ mấy mươi năm, từ cái ngày mà câu lạc bộ thơ thành phố mới hình thành. Mỗi lần ra một tập “Biển hát” thì lão phải bỏ bao công sức lựa chọn bài vở, làm modat, biên tập… Ai cũng khen lão nhiệt huyết, chịu khó đúng là “được lời khen ho hen cả tuần”. Lão như người nông dân cần mẫn kéo cày thay trâu trên thửa ruộng khô nứt trong mùa hạn. Vất vả thế thôi nhưng những đứa con tinh thần ra đời lão đều rất nâng niu một cách hài lòng, rồi phát cho các hội viên, rồi làm quà tặng, anh em bè bạn thơ phú đến với nhau chỉ cần có quà thơ là sướng rồi; Chẳng biết món quà người đựơc tặng có trân trọng bằng người tặng? Ở câu lạc bộ của lão thơ phú của các hội viên viết chắc tay hơn nhiều bởi ở đó toàn những đàn anh, đàn chị có khả năng. Một số đã vào Hội nhà văn Trung ương, Hội nhà văn Thành phố… Còn cái mớ trên tay lão thì toàn những bài thơ chẳng ra thơ, lục bát, lục chén gì mà thất vận, á vận… thậm chí lỗi chính tả sai bét. Nếu có đụng bút chỉnh sửa không vào ý, phải những ông, bà khó tính thì còn nước... ôi thôi! Câu chữ có thừa thãi, lai thai cắt đi một tí họ đỏ mặt tía tai, đằng đằng sát khí như lão vừa là thủ phạm xẻo xén đi của họ một miếng thịt trên thân thể. Họ đâu hiểu đó chỉ là miếng thịt thừa cần cắt bỏ. Nhưng với họ nó đã mọc lâu niên quen rồi, để đó, cắt đi thấy hụt hẫng thiếu vắng. Lão xem qua tập bản thảo rồi gập cất đi với lời hứa như đã học thuộc từ lâu “Để tối về xem từ từ cảm nhận, và sẽ cho in vào tập  (Biển hát) số sau”. Hứa qua quýt cho xong việc chứ những tập bản thảo như thế này trên tầng 3 nhà lão xếp hàng kho (Biển hát) sức chứa  chỉ có hạn. Chỉ tính riêng hội viên thường xuyên sinh hoạt gửi bài vở đã gần trăm.
 Đang mải lâng lâng niềm vui vì ở mấy chốn này lão được tôn vinh, không như ở thành phố, toàn các nhà ngó nghiêng nhau chỗ ngồi rồi những câu nhuyện sau lưng chắng có tôn ti chút nào. Đôi lúc lão chán chường mệt mỏi muốn vứt hết, vứt hết cho nhẹ thân… “Cháu chào bác, nhờ bác xem giúp bài thơ cháu mới sáng tác, cháu là Hồng Châu, hội viên câu lạc bộ thơ “Hoa súng tím”. Lão kéo cặp kính trễ gần sống mũi lên cao để nhìn cho rõ, một cô gái, à không, một phụ nữ còn trẻ dáng người nhỏ nhắn, giọng nói trầm trầm, khuôn mặt khá xinh xắn chỉ tội cách ăn vận hơi… quê.
-         Đâu đưa bác xem…em (lão nhớ lúc đó lưỡi lão hình như bị nhịu, phải chăng cái tật của người già)
Hồng Châu đưa đôi bàn tay với những ngón tay mập, rắn, thô ráp chắc do lao động nặng nhiều, nàng đưa cho lão ba bốn tờ giấy kẻ ô được viết tay nắn nót mấy bài thơ. Lão đọc ngay bài đầu, thơ tình, khá lãng mạn, nhưng câu chữ chưa nhuần nhuyễn. Lão gật gụ bảo nàng:
-         Thơ cháu viết rất có triển vọng, nếu gặp người có kinh nghiệm bên cạnh nâng đỡ chắc sẽ tiến xa
Trời đất ơi! Lão đâu ngờ chỉ bằng từng ấy lời lẽ của lão đã làm Hồng Châu sướng đến thế, trái tim nàng đập rộn ràng niềm vui xen lẫn cảm kích. Nàng chớp chớp đôi hàng mi. Nàng vui trông đôi mắt nâu hạt nhãn cũng có nét buồn buồn quyến rũ. Lão chợt nhận ra điều đó.
 Hồng Châu vẫn thỏ thẻ.
-         Hôm nào cháu đưa mấy bài khác nữa nhờ bác xem và chỉnh sửa giúp cháu
-         Ừ đựơc quá đi chứ, rồi bác sẽ đăng tải lên các báo địa phương cho.
 Lão thấy lòng dạ xôn xang như mở cờ và lão không thể quên ghi lại số điện thoại cố định của nàng vào sổ tay và đưa cho nàng số di động của lão. Suốt buổi hôm đó nàng quấn quýt bên lão nói, cười hồn nhiên, hỏi chuyện vô tư làm mấy gã đàn ông quanh lão phát ghen. Vì nàng trẻ tuổi lại có duyên nhất ở đó bên cạnh mấy bà hết dat ngồn ngộn thân hình.
Suốt buổi đó lão thấy vui khó tả thế mà thời gian trôi nhanh vô cùng. Ánh chiều xập xuống, lão phải chia tay nàng rồi, chia tay Hồng Châu lão thấy bịn rịn nàng quá. Những câu thơ nàng đọc trong buổi giao lưu còn xô đẩy suy nghĩ trong đầu lão “…Khum tay thiếu nữ hứng xuân/ Long lanh mật ngọt trong ngần búp hoa/ Bên đông trải nắng vỡ oà/ Khoe màu cốm mới duyên tà áo em/ Bên tây ngọn gió làm quen/ Thiên Văn khởi sắc dâng niềm trời mây… Những câu thơ đó nàng viết rất trong sáng “ Người sao thơ vậy”. Lão nghĩ một mình và mỉm cười một mình. Suốt cả ngày hình bóng nàng cứ thường trực trong đầu lão. Đêm về còn trặn trọc chưa yên, định điện thoại cho nàng nhưng nghĩ đường đột quá, lão lại thôi…
Một ngày … hai ngày…. ba ngày không thể nhẫn nại được nữa lão vận hành bàn phím với một số máy lạ nhưng đựơc cái dễ nhớ. đầu dây bên kia một giọng trẻ con .
-         A lô ...cho… ông gặp mẹ… Hồng Châu
-         A lô. Mẹ cháu đi vắng. Ông gọi cho mẹ cháu có việc gì cần không ạ?
-         Ừ cháu ngoan lắm, thôi đựơc rồi ông cảm ơn cháu. À quên cháu về nhắc mẹ có ông Dựa nhà thơ thành phố gọi điện cho mẹ muốn xin mấy bài thơ đăng báo nhé! Lão nói như một chiếc máy đã cài đặt sẵn.
Xầm xập tối, lão nhận đựơc cú điện thoại:
-         A lô, tôi nghe – Lão hồi hộp như một đứa thanh niên
-         Dạ cháu chào bác ạ! Cháu Hồng Châu đây… hôm trứơc…
-         Ôi! Hồng Châu đấy ư?
-         Cháu muốn gặp bác để đưa thơ cho bác, nhờ bác sửa sang và đăng báo.
-         Được được 8h sáng mai đợi tôi ở cổng làng. Tôi xuống đó cũng có công việc kết hợp, nhớ 8h sáng mai nhé, đừng đánh rơi lời hẹn.
Chẳng phải đợi đến 8h, mà 7h30 lão đã có mặt ở điểm hẹn là cổng làng nơi có cây đa lụ khụ. Cổng làng, lão đứng ngây người quan sát, vẫn còn những đường nét rất phong kiến, rồng chầu hổ phục, mái nóc đầu đao có hình đôi chim phượng, kiến trúc không gian như thể chế hoá cấu trúc, nó như định hình luôn cả phong cách diện mạo của làng, hai bên tả, hữu đựơc khắc vẽ rất cầu kỳ phong cảnh làng quê, cũng con trâu, cái cày, luỹ tre… nhưng chất liệu chắc chắn bằng xi măng phết sơn trông cũng óng ả. Lão nhìn lên vọng cung và tưởng tượng mấy mươi vật đổi sao dời, bao nhiêu ông to, bà lớn đều phải răm rắp chui đầu qua, bên trong là một quần thể làng xóm tôn ti, trật tự với những mối quan hệ dây mơ, dễ mái. Còn Hồng Châu chắc chắn không phải đây là chôn nhau, cắt rồn vì nàng hôm trước tâm sự nàng ở tận Cát Hải lấy chồng đến đây lập nghiệp. Đang mải suy tư lão bỗng nghe thấy tiếng nói nhẹ như gió “Cháu chào bác”. Lão quay ra và người ngợm lão như ngây ngô, nàng nhìn lão cười tươi tắn.  Nàng cũng vừa đến nơi, hình như nàng cũng muốn gặp gỡ lão để được… sửa thơ và những vần thơ của nàng sẽ có mặt trên  báo, sẽ chắp cánh bay xa… Nàng ăn mặc giản dị, trang điểm  nhẹ đúng là “gió nội, hương đồng” lão nhủ thầm rồi nhét vội mấy bài thơ nàng đưa vào chiếc túi bằng da đen đang đu đưa ở cạnh sừơn. “Các nhà thơ ai chả có túi thơ để gom tháng nhặt ngày” Hồng Châu lầm rầm nói thế…. Lão cùng nàng rong ruổi khắp nơi, thăm thú mấy người bạn thơ. Đi đến đâu lão cũng giới thiệu nàng là nhà thơ trẻ có triển vọng, làm nàng sung sướng cười tít mắt. Trên đường về gặp một cơn mưa rào đầu mùa, mưa rất to. Cơn mưa ấy ông trời chắc tặng riêng lão. Chỉ khổ Hồng Châu, hai hàm răng va vào nhau cầm cập. Nàng đứng nép vào cây phượng già bên đường. Lão cố tình đứng sát bên nàng, nghĩ tội nghiệp quá. Lão muốn ôm nàng thật chặt, muốn ủ ấm cho nàng chỉ thế thôi. Vòng tay lão đã hơn thập kỷ thiếu vắng hơi ấm phụ nữ. Vợ lão bỏ lão đi đến nay đã hơn mười cái giỗ, những cuộc tình thoáng đến, thoáng đi… Nhưng hễ lão tiến lại gần nàng lại ý tứ lùi xa.
Sau buổi đi chơi cùng nàng lão cũng cho ra lò một bài thơ mà lão cho là rất được. Lão trích bốn câu tặng nàng:
…Vầng trăng chấp chới trong vòm lạnh
Rất gần thôi mà rất vời xa
Những tưởng giơ tay là chạm được
Sóng muôn trùng nên sóng mãi đơn côi…
Và cũng thật kỳ lạ, chỉ chưa đầy năm sau, sau cái trận mưa rào trời cho ấy nàng cũng trở thành “Nhà thơ”. Thơ nàng có mặt trên các báo. Báo Trung ương có, địa phương có, tạp chí văn nghệ có…
Hàng xóm của lão nhẵn mặt nàng. Con Lu Lu nhà lão đã thuộc hơi nàng. Còn lão thì “ em bỏ chồng về ở với tôi không?”. Có lúc lão đã nhớ đến câu thơ đó của cố nhà thơ họ Đồng… nhưng lại thôi. Với một người như nàng lão nghĩ kỹ rồi… không thể, vì nàng có quá nhiều điểm giống … lão, lão cũng thấy thương nàng chót sa chân phải cái nghiệp thơ phú để nó vật lộn, bị cái con vi rút thơ nó tra tấn.
Rồi lão cũng giới thiệu cho nàng vào làm việc ở một tờ báo. Công việc gian lao, áp lực cơ quan nàng lại tìm đến lão, kể ra thì cái sự bắt đầu của lão cũng chả hơn nàng là mấy, có điều lão may mắn hơn nàng, thông minh hơn nàng và giờ này thì lão dạn dầy kinh nghiệm gấp trăm lần nàng.
Một lần lão mở cuốn tử vi ra xem tuổi của nàng, tuổi con kê, mệnh hoả, trực phá. Đàn ông dính vào nàng chửa biết chừng sẽ toi mạng chứ đâu đùa. Lại nữa trong tử vi còn nói tuổi của lão và tuổi nàng xung khắc. hai mệnh hoả dễ có ngày thiêu cháy nhau, hai quả tim lửa sẽ huỷ diệt nhau! Lão sợ, sợ bị đốt cháy, bị huỷ diệt. Lão bắt đầu thấy hoang mang, cuộc sống như bị đảo điên, phải rồi đảo điên từ khi có nàng xuất hiện trong nhịp phập phồng của lão, trong căn nhà này. Nàng bồng bột sáng nắng, chiều mưa, còn lão sâu lắng thận trọng. Lão thì chẳng thể ngọt ngào âu ýêm dỗ dành nàng như một gã đàn ông xung mãn. Giả dụ nàng muốn cùng lão đi dạo trong mưa, nàng thì có thể chứ ở cái tuổi “Thất thập cổ lai ly” của lão không may cảm lạnh lăn quay ra chỉ tổ làm trò cười cho con cháu, đừng hòng tuổi già “Sức khoẻ là vàng”. Từ đầu năm đến nay mấy người bạn cùng tuổi lão đã thăng thiên… Lắm lúc lão ngồi nghĩ quẩn. Còn một điều này nữa không biết từ lâu nàng có nhận ra? Nàng ơi! Hầu bao của lão đã cạn kiệt rồi mặc dù những buổi đi chơi cùng nàng lão đã tính toán chi li hết cỡ… Cộng lại từng ấy lý do lần này lão quýêt liệt…
Lão còn nhớ mãi cái ngày quyết liệt đó, sau khi lão tiễn Hồng Châu ra cửa, lão quay lưng đi vào mặc nàng mệt nhọc xoay chuyển chiếc  mô tô đời cũ với trọng lượng gấp năm sáu lần cơ thể nàng mà mọi bận lão thường tỏ khí trí nam trang vần giúp nàng, chắc lúc ấy ở hai hố mắt nứơc bắn ra tung toé, lão đoán thế vì lúc nàng bước chân ra cửa hai cục nước ấy chực xối xả, nàng có nói nổi lão câu nào đâu? Tim lão rắn hẳn lên, gang sắt thì có thể nóng chảy chứ tim lão á, đừng có hòng!
Một tháng nhẹ bẫng… Mười bảy ngày tiếp theo… Ngày thứ mười tám lão có việc đi qua Thiên Văn, đồi thông lừng lững trước mặt, lão trốn sao nổi, nhịp đập lại không bình thường. Nàng đó mái tóc phủ vai, đôi mắt đượm buồn, kỷ niệm lồ lộ hiện về. Bất chợt tiếng chuông điện thoại reo “A lô tôi nghe đây”, đáp lại lời lão chỉ một thôi tiếng tít… tít… tít… Lão giận dữ, chưa bao giờ lão giận dữ đến thế. Đôi chữ Diễm Lệ cứ sóng nhau nhảy múa trên màn hình, và không kiềm chế nổi mình nữa, lão như gào lên “Chiếc điện thoại chết tiệt, chết tiệt này”… Lão ném nó xuống hồ.