Trang chủ » Truyện

CHIA LÌA

Nguyễn Khắc Phục
Thứ bẩy ngày 17 tháng 4 năm 2010 10:28 PM
 
Vậy là đã 35 năm, cái cuộc binh lửa dữ dội mà tất cả chúng ta đã trải qua. Người còn kẻ mất, chẳng biết ai đau đớn, mất mát hơn ai nhưng chắc là chẳng ai có thể quên những năm tháng ấy. Hôm nay tình cờ giở lại bản thảo cũ, thấy truyện ngắn này viết năm 1973 trên chiến trường Tây Nguyên, tôi nhờ trannhuong.com gửi tới Quý Bạn như một chút gợi nhớ...
Nguyễn Khắc Phục
 
Tuốt lúa xong, các làng dọc sông Ba bước vào ăn lễ “bỏ mả”, cái lễ vui nhất trong năm của người Banar. Ngày lễ kéo dài suốt quãng thời gian lá đỏ rụng xuống, nước sông thì nóng. Cỏ lông heo tàn lụi dần để lộ ra những vạt đất đỏ úa. Mặt trời đến sớm hơn và mãi đến lúc tắt rồi, nó vẫn còn sáng trên những chiếc lá khộp to, nặng và dày.
 Các cô gái ngực nở đầy đặn, ướm thử những chiếc váy vừa ra khỏi khung gỗ. Các cô đi, vai liền vai, váy cọ vào nhau kêu sột soạt. Những đốm lửa gỗ rái gặp gió đồng cỏ thổi về bốc lên ngùn ngụt, soi rõ gương mặt rám nâu của những người đánh chiêng túk, đàn goong… Những đêm như thế, em thử cố nhớ lại những gì đã xảy ra giữa em và người con trai đầu tiên ngỏ lời yêu em, em đã từ chối và đã không có gì phải làm em hối tiếc. Những khi Sipli hát lại những bài dân ca Bahnar em mới thuộc, tất cả những cố gắng của em trở nên rời rạc lộn xộn. Em hiểu chuyện đó đã xa xôi đến nỗi em đâm ra nghi ngờ sự có thực của nó, nó giống một điều ta thêm thắt. Em lẩm nhẩm hát theo, cô gái biết thế nhìn em và hát chậm lại. Cầm lấy tay em, cô gái hát rằng.
 Thương anh không nói đâu
 Em thêu vào “dồ” của cha
 Em đan vào áo mẹ
 Bạn trai em đánh chiêng thương anh
 Bạn gái em múa chuyện thương anh
 Em thương anh ngực đầy tiếng nói…
 Em và cô gái chèo thuyền qua sông về thăm làng Chơ Liêu. Ông già thợ rèn Ynao dành cho em một chỗ ngồi bên ngọn lửa run rẩy trong lều. Chung quanh lều ngổn ngang mảnh bom, đuôi đạn cối, thùng đạn đại liên. Em ngồi nhìn những thứ đó chậm rãi biến thành rựa phát rẩy, mũi chông, vòng đeo tai cho người già… sau mỗi lần vào lửa, ra lửa và bẹp dí dưới những nhát búa. Già âm thầm kể chuyện anh, để quên thanh sắt cháy trong lò than, bụi sắt bắn ra trắng rực. Giật mình, già rút vội nó ném vào vũng nước, hơi nước bốc lên mờ mịt và khét ấm. Thẫn thờ nhìn em, con mắt già ướt đẫm.
Núi cao chân mình đã đi khắp, đất bằng mình qua đã nhiều, chuyện dở chuyện hay mình đã từng … Ngày mai, theo tục lệ ông bà, làng mình ăn lễ “bỏ mả”, quên cái buồn cũ đi, ăn từ sáng tới chiều, từ chiều tới sáng nữa, ăn từ ngày hôm nay tới ngày mai, nhưng mồ của anh Minh làng mình không bỏ đâu. Minh sống với làng mình hôm nay tới ngày mai, ngày mai tới ngày mốt… Ngày trước, mình a khan ( hát kể chuyện) cho anh Minh nghe những khan ( hình thức trường ca Tây Nguyên) hay nhất của người Bahnar. Còn từ nay mình khan chuyện anh Minh cho con cháu mình nghe, con cháu mình truyền lại cho con cháu mình nữa… Sông Ba còn chảy về đất bằng, thác Bà Tơi còn sôi, người già người nhỏ làng mình còn nhớ!
Buổi sáng sau, em và Sipli từ biệt già Ynao. Rừng trầu lá đỏ ối, rừng khộp lá đen thẫm lại trong cái ánh sáng còn bàng hoàng thoáng mát đầy sương rơi mỏng tang. Lối mòn dần xuống bờ sông cát trắng sạch sẽ và dính nhau ướt rịn. Sipli để cả váy lội ào xuống nước, lội ra một quãng, cô gái ngó lại nhìn em. Em mỉm cười lội theo. Nước lạnh, em rùng mình. Khi Sipli bước lên bờ đá, em chợt như thấy nàng Hơ-bia Bơ-lao trong các trường ca cổ đại vụt hiện ra trước mắt. Em hấp tấp và bạo dạn ôm ghì lấy bộ ngực nóng hôi hổi của cô gái trong ngực em khi hai chị em nhìn quanh quất trước lúc thay quần áo sau bụi hoa truôn-giang. Em vuốt ve dấu diếm đuôi tóc đen thắm, mọng nước của cô gái. Sipli bẽn lẽn gỡ tay em. Em nhớ lại, ngày anh đưa Sipli đến cho em… Ngày hôm ấy bầu trời trong veo, gió thổi nhẹ nhàng, em không ngờ sập tối lại có một cơn giông mạnh đến như thế trên bầu trời đầy vẻ bất thường của cao nguyên. Cây cối xung quanh lều của em và Ypakhơ kêu lên răng rắc. Có lẽ chúng bị gió vít xuống xoắn lại như người ta vắt quần áo và bắt đầu gẫy. Anh còn nhớ Ypakhơ đấy chứ, những lúc như thế, bao giờ  Ypakhơ cũng lẩm bẩm :
- Giàng giận rồi… Giàng không ưng điều chi rồi. Phải cúng thôi…
Em nghe rõ cả tiếng thác nước mới hình thành trong mưa réo quẩn quanh và tiếng đá từ một sườn núi trẻ nào đó đang bị vữa ra và lao đầu xuống vực thẳm. Em xoay người ghì chặt lấy võng, như sợ bị một cơn gió bất thần hút ra khỏi căn lều. Có tiếng hú chen vào giữa những đợt gió, những đợt thác gào rú. Ypakhơ vùng dậy vồ lấy con rựa :
- Mai ( chị - tiếng Bana) Liên, nghe thấy đấy, đang có nhiều người tìm vào nhà ta !
Em rùng mình cuốn bọc võng sát ngực. Không lẽ bọn thám báo dám lặn rừng một đêm như đêm nay sao? Tiếng hú chập chờn, lúc có thực, lúc như bịa đặt giống tiếng động ta nghe trong giấc ngủ. Cơn mưa nhạt dần và đi xa lắc sang những khu rừng khác. Cuối cùng chỉ còn lại con thác, đứa con hung hãn của bão rừng ầm ầm trong đêm đang hồi lại. Ypakhơ vẫn chưa chịu đi ngủ.
- Những người ấy chưa đi xa. Họ vừa mất dấu đường mòn !
Em nhận ra anh ngay, nhưng mãi cho đến sau này, em chịu không sao hiểu nổi, tại sao chỉ gặp một lần, trong một đêm, giữa những người khác, người ta lại có thể trong im lặng tự hứa với lòng mình sẽ chờ đợi với bao nhiêu thương mến, hy vọng, tin yêu… Anh và những người đi cùng bước vào lều. Ypakhơ cời đống tro đã tàn, chất thêm mấy thanh gỗ thông bết nhựa, thổi phù phù, ngọn lửa phừng lên, bén vào nhựa cháy xèo xèo. Các anh chưa nhìn thấy em. Em ngồi thu lu sau mấy gùi lúa giống. Ypakhơ kêu lên :
- Giàng… Bộ đội K2 mà… Mình cứ lo bọn thám báo từ Đê Chơrương lội qua rừng Daklao...
- Mình biết Ypakhơ ở đầu suối cạn, lũ tràn qua ngập đường mòn, không biết lối nào quen nữa.
- Bộ đội sai đường rồi. Nghe tiếng hú mình biết mà. Bộ đội về Kon Lao sao lại vòng vo qua ngã Đê Chơliêu mình ?
- Mỹ chốt trên đỉnh Xi-tơ rồi. Đêm nay cho bộ đội ngủ lại đây nhé. Ypakhơ ?
- Hỏi Mai Liên, trạm trưởng mình chớ !
Em cảm động đến rân rấn nước mắt, trả lời những câu hỏi tíu tít của các chiến sĩ đi cùng anh: Quê quán ở đâu ? Nhà có mấy anh em ? Con thứ mấy ? Kỹ sư nông nghiệp à ? Trời ơi, xuống khỏi ga cuối cùng trên đất Bắc không khóc ư ? Sốt nhiều có rụng tóc không ? Đừng ăn bứa nghe chưa, sốt nó hành ngay đấy… Em nghe những chữ l, n  phát âm lẫn lộn, cả những câu hỏi đáng lẽ không bao giờ dùng để hỏi con gái lần gặp đầu tiên, mà bồi hồi mừng rỡ như một người ngã bệnh đang vịn thành giường lần từng bước một, bỗng có một bàn tay ấm áp và vững chãi đưa ra đỡ mình.
Rồi cuối cùng tất cả chúng ta đều nhận nhau là đồng hương một cách tự nhiêu. Anh lặng lẽ như lúc mới vào, nhưng không phải thứ lặng lẽ cố ý làm người khác nhận ra vẻ riêng biệt của mình. Em hiểu nó như là một cử chỉ, một tình cảm dung dị, xa lạ với mọi sự nông nổi… Em thèm kể cho anh nghe về thành phố của em chạy dọc theo hai triền núi thấp song song. Con đường liên tỉnh chạy qua đó, mang cái tươi trẻ của những cánh đồng vùng Thuỷ Nguyên trườn qua trong tâm trạng yên tĩnh thư thái ngược lên vùng Đông Bắc, nhiều bụi đen và máy móc lớn. Bãi cát ven sông mọc đầy thứ cây thân thẳng và khẳng khiu, chớm đông lá vàng như có một người hoạ sĩ tỉ mẩn quết bột màu lên, trôi dạt vào những hàng kè cũ kỹ. Các học viên sĩ quan hải quân trong doanh trại trên những mỏm đồi xung quanh ồn ào xuống phố những lúc được phép… Khó có thể hình dung ra thành phố nếu vắng mặt những chàng trai ấy. Mùa hè họ mặc đồng phục trắng, mũ cũng trắng, đằng sau mũ ấy phất phơ mấy cái giải xanh lam. Gió từ bờ sông thổi vào phồng  căng quần áo họ. Em nghĩ đến biển, nó cách nhà một tiếng đồng hồ chèo thuyền mà em cứ thèm khát như nghĩ đến một câu chuyện lạ lùng lắm… Nếu không có Sipli (lúc ấy em chưa biết tên nó) run cầm cập nép vào vai anh thì em đã buột miệng kể hết bằng ấy điều của một đứa con gái dễ cảm động. Sipli càng nép sát vào anh bao nhiêu em càng hiểu không nên kể những điều ấy bây giờ. Anh đặt tay Sipli vào tay em, con bé căm hờn nhìn em và bấu chặt lấy anh hơn. Đến lúc đó anh mới nói nhỏ, dường như anh sợ nó hiểu câu chuyện của anh.
- Chúng tôi vào làng khi bọn “sư 1 không vận” vừa rút. Làng cháy ngùn ngụt, hai xác phụ nữ còn lại mớ tóc ngún khói. Mỹ vào đúng lúc dân làng nấu cơm chiều. Em gái này, anh cúi xuống, Sipli đang cố hiểu những gì đã xảy ra mà anh đang thuật lại… đang bới tro tìm một cái gì đó. Chắc không phải tìm cái ăn, nó kinh hoàng trước tất cả, trước tai hoạ đột ngột và vô lý… Chúng tôi nhận ra nó, tất cả trẻ con các làng dưới chân núi Lơ-bơ chúng tôi đều quen thân. Tôi kêu tên: Sipli ! (Con bé mở mắt to hơn, em hiểu vì sao tên nó lại là Sipli – chim chèo bẻo, con chim mùa hè!). Con bé vùng chạy và cắn tay tôi khi tôi vừa chạm tới người nó. Cuối cùng, nó cũng nhớ ra tôi. Sipli không giẫy giụa nữa và chịu cầm vắt cơm chúng tôi vẫn dành cho thương binh. Nó không ăn, chỉ nhìn trân trân như nhìn một hòn đá. Chúng tôi định đưa nó theo đơn vị. Nhưng nội trong đêm mai, chúng tôi phải trở về phía Bắc đường 19… Đã hai tuần nay đường giao liên bị nghẽn. Mỹ và bọn Nam Hàn đổ quân chốt tất cả các đường ngang. Nếu trong chúng ta, có ai nằm lại vĩnh viễn phía Nam đường thì điều ấy hoàn toàn có thể hiểu được. Nhưng với nó, với em gái này… Nó cần bao nhiêu thứ, nó cần cái vòng bằng đồng, giọng nói của mẹ, ngay cả lúc mẹ nó gắt gỏng… Trong khi chính chúng tôi cũng đang thiếu những thứ đó.
Anh nhìn em khẩn thiết, hình như anh đắn đo trước khi có một quyết định nào đấy. Ngọn lửa làm Sipli đỡ lạnh, nó yên tâm ngủ ngoẹo đầu, trong tay còn cầm củ sắn Ypakhơ lùi cho nó. Anh khéo léo đặt cô bé nằm trên võng bạt. Nó quờ tay đụng vào vai anh. Anh thì thào :
- Ngủ đi nghe chim chèo bẻo. Sang mai thức dậy, các anh đi rồi không được khóc nhé. Bao giờ đồng Tà-băng có lúa mới các anh sẽ trở lại ăn cốm với em và Mai Liên. (Vâng, trong các anh đã có người y hẹn quay lại, chỉ có anh và Ypakhơ không bao giờ trở về…). Em lớn lên chắc xinh lắm, bấy giờ hết giặc rồi, em lại về làng Hà-le, làng không ở trong rừng sâu nữa, làng về chỗ cũ sát đường 19. Anh mỉm cười. Bấy giờ không gọi là vượt đường nữa mà là anh dẫn em qua đường để đến lớp.
Lều chỉ đủ chỗ cột hai võng. Các anh trải ny lông xuống đất ngủ ngon lành. Em sung sướng ngồi co ro cời lửa cháy to hơn. Pháo từ Kon–từng và Măng – giang bắn dọc sông Ba nổ ầm ầm suốt đêm. Lại mưa, gió ào ào vít cây xuống và thổi tạt ngọn lửa. Anh biết đấy, trong suốt những năm này giấc ngủ chúng ta hiếm hoi và chật vật lắm. Giống như những con nhím “ngủ đông” li bì trong hang chợt thức dậy khi tia nắng đầu tiên lọt qua cửa hang, quá vãng của em vừa được sưởi ấm sống dậy nhờ ngọn lửa…
Mùa hè, trường học đóng cửa, trên bảng đen các lớp nguệch ngoạc vòng chữ phấn : Tạm biệt ! Hẹn gặp lại vào ngày 2 – 9 ! Em không thích những chuyến ca-nô chở khách “màn” vào bến lúc giữa trưa một chiếc, lúc sẩm tối một chiếc. Không phải vì sự già nua của nó (anh có biết còi nó kêu khụt khịt như ngạt mũi không ?), già nua chỉ làm người ta thương hại thôi! Nhưng đằng này vì nó không bao giờ mang tới cho em một người bạn trong hàng trăm người nó đổ lên thành phố mỗi ngày. Em thật gàn dở quá, em hay nghiêng người nhìn chăm chú xuống cái giếng cạn cạnh nghĩa địa thành phố. Em vừa sợ vừa thích thú tưởng tượng ra bao nhiêu chuyện kỳ quặc về cây gươm đúc bằng gang cắm xuống đất thay cho cây thánh giá. Em phải quả quyết nhìn thấy một vật gì đó lóng lánh dưới đáy giếng, tụi bạn em mới chịu đi với em. Tụt xuống thật dễ dàng, nước chỉ tới mắt cá chân. Dĩ nhiên là chả có gì hết. Bạn con gái nhiếc em :
- Cậu chỉ được cái nói điêu là giỏi thôi !
Chúng giận dỗi bỏ đi vì tưởng là bị lừa gạt. Em vừa xấu hổ vừa sợ hãi. Dễ dàng nhất là khóc toáng lên để chúng thương hại quay lại. Em đã không làm thế, em mò mò tay dưới nước. Em vớt được một cái thánh giá bằng chì xám xịt, sứt sẹo. Và một hòn đá nhỏ. Trèo lên thật khó khăn. Cứ nhoài tới gần thành giếng, mỏi tay quá lại tuột thõng người xuống. Vừa lúc đó thì anh ấy đến. Anh ấy nhấc bổng em lên khỏi giếng. Lúc đó em không biết anh ấy bao nhiêu tuổi. Trong mắt em chỉ có hai loại tuổi : trẻ con và người lớn. Anh ấy rút khăn tay trong túi lau nước ướt trên đầu em và dịu dàng hỏi :
- Em tìm cái gì dưới giếng thế ? Hay là em đánh mất một cái gì, cái cặp tóc chẳng hạn?
Em lẳng lặng đưa cái thánh giá bằng chì cho anh ấy. Anh ấy cười :
- Cái này không đáng kể !
Em tin ngay. Em bạo dạn móc túi đưa cho anh ấy hòn đá nhỏ. Anh ấy đặt nó vào lòng bàn tay và kêu lên.
- Hòn đá có 7 màu.
Mắt em bỗng giống kính vạn hoa, ánh sáng phản chiếu vào hòn đá hiển hiện như thể một phép lạ sẽ xảy ra sau câu chuyện này. Phép lạ không hề xảy ra sau đó. Mọi việc đơn giản hơn nhiều, anh ấy ở rất gần nhà em. Anh ấy chỉ còn một bà mẹ. Những ngày hè anh ấy rời thủ đô về thành phố hẻo lánh này sống với mẹ. Bà cụ chiều chuộng con hết lòng. Từ đấy suốt trong ba tháng hè, anh ấy kể cho em nghe không biết bao nhiêu là chuyện, đến bây giờ em chỉ nhớ đại khái là cuối cùng thì rồi hạnh phúc sẽ đến với ai có một mơ ước táo bạo và hãy chờ đợi… Em học lên dần từng lớp, anh ấy cứ dần dần có vẻ không tự nhiên mỗi khi trở về nghỉ hè như trước kia. Em cứ mang máng là sắp có điều gì xảy ra cho cả hai người. Nhưng em không nghĩ lại đến nhanh thế. Em học xong lớp 10 đúng vào năm Mỹ bắt đầu ném bom miền Bắc. Một thành phố ở gần thị xã của em đã bị ném bom hai lần. Còn chỗ em vẫn yên tĩnh. Nếu không có những chuyến tầu chở đầy các tân binh vùng mỏ hối hả nổi hiệu còi xin vào bến thì chẳng ai cảm thấy chiến tranh đang đến gần. Em biết đã đến lúc em phải ra đi… Nhận bức điện báo tin anh ấy đã về nước và sẽ trở về thành phố bằng chuyến tàu 6 giờ sáng… Em ngỡ ngàng và cảm thấy xa lạ với sự có mặt của con người này trong chính những ngày này. Trí tưởng tượng không làm cho em hào hứng nữa. Nhưng em vẫn cùng bà mẹ anh ấy ra bến… khi anh ấy lao từ trên cabin tàu thuỷ nhảy xuống mặt “ke” bối rối chào em, em bỗng thấy khó chịu. Nào anh ấy có lỗi gì ? Nhưng chính những câu chuyện bịa đặt của anh ấy đã làm em thất vọng. Buổi tối anh ấy dẫn em ra chỗ giếng cạn, em nhủ thầm là anh ấy chớ nói đến điều ấy. Nhưng anh ấy lại không nghĩ thế. Anh ấy cầm lấy tay em và thì thào những gì em không nhớ nhưng chắc chắn là những lời âu yếm lắm. Em sửng sốt và nói gần như giận dữ : em không nghĩ gì hết và em bỏ đi… Chắc anh ấy giận lắm, dẫu sao em thật là trẻ con phải không anh – Em có thể từ chối khéo léo hơn. Làm thế để làm gì hả anh ?
Sau hàng ngàn cây số đường gian khổ thần thánh, những vùng rừng bị bom B52 vỡ toác, ngay ở miền Tây Nam Gia Lai này, em biết những ý nghĩ ở đầu đoạn đường bên kia của em vẫn đúng, dĩ nhiên bây giờ nó trong sáng hơn và giản dị hơn. Cho nên khi đọc những dòng chữ nguệch ngoạc của anh trên một mảnh giấy chống ẩm cho mìn, em biết là em đã tìm ra thứ hạnh phúc mà con người có quyền được hưởng. Mặc dù trong lá thư đó anh không nói gì đến anh cũng như không nói gì đến em, anh nói về đất đai say sưa và kiêu hãnh, được nghĩ đến tương lai…
Cuối cùng thì đêm cũng phải hết, mưa rơi lộp độp trong đám lá. Các anh trút tất cả những hạt gạo ít ỏi trong ruột nghé để lại cho trạm… Em nói thế nào các anh cũng không nghe. Sipli ghì chặt lấy anh, nó khóc làm em cũng chảy nước mắt. Anh tha lỗi cho em, lẽ ra em phải cứng rắn hơn. Anh bỏ đi như chạy trốn, anh cố không quay lại nhìn Sipli. Con bé giẫy giụa trong tay Ypakhơ. Tiếng kêu của nó giống tiếng con chim non bị dứt ra khỏi tổ ấm. Em đi bên cạnh anh, em định nói với anh những dự định em sẽ làm trên mảnh ruộng thí nghiệm của em và Ypakhơ, về những bài học đầu tiên em sẽ dạy cho Sipli. Nhưng đáng chán cho em chưa, anh thì lại vội quá. Em cứ nghĩ bao giờ đến lễ Xamak – Kơchăm ( ăn cốm giữa sân theo phong tục của đồng Bahnar) anh quay lại như anh đã hứa, nhất định em  sẽ nói hết tất cả dù anh có giận em hấp tấp đi nữa. Nhất định phải kể cho anh về Sipli thủa thiếu thời của anh.
Trước khi rời tay em, anh nói :
- Liên, vội quá chưa kịp nói gì. Thôi để dịp khác. À, Sipli tiếng Bahnar có nghĩa là con chim mùa hè. Liên hãy săn sóc con chim non nhé !
Em gật đầu, anh hãy tin em. Từ nay có Sipli em sẽ càng gắn bó với nơi này hơn. Sipli nhắc nhở hình bóng các anh đêm cuối cùng ấy. Các anh đi rồi em đánh vật với chiếc võng ka ki các anh để lại may cho Sipli một chiếc váy. Con bé vừa khóc vừa ướm thử vào tấm thân gầy gò của nó. Nó nhớ anh. Em đưa nó ra sông Ba, hai chị em nhào xuống nước…
Mùa khô đến với miền đất bằng này của phía Nam Gia Lai thật gian khổ. Cây cối trụi lá, chỉ còn độc những rừng gai ngành ngạnh ương bướng. Những bụi cỏ rứt-pêu-pêu còi cọc mọc lan khắp mặt đất. Cả một phi đoàn hoá học của Mỹ rải thảm chất độc xuống những vạt đất nuôi sống con người. Em gặp những trái chuối trổ gai trổ bướu quái gở vì bị nhiễm độc. Nền đất đen này nguyên là huyền vũ nham do phún xuất thạch của những ngọn núi lửa đã bị tắt vào cuối những thế kỷ đã qua nguôi lạnh đi. Thứ đất lý tưởng cho những nông trường lớn trồng cà phê đang có nguy cơ bị đá ong hoá, hoang vắng và đầy sâu bọ, rằng chỉ còn lại những bụi cây dây leo; sống trên đất ấy, con  người sẽ đói khát và tuyệt vọng, thoái hoá theo đất đai.
Mảnh ruộng thí nghiệm đầu tiên của em và Ypakhơ lọt thỏm giữa những hố bom, những cây lúa thân thẳng chật vật nhoi lên giữa khoảng không gian nắng cháy khét cả áo quần và những đám mây chất độc trắng đục như sương mù. Một cô kỹ sư nông hoá ngờ nghệch như em đơn thân dộc mã trên mảnh đất ấy thì chắc chắn bị ngã rụi và chỉ còn biết khóc to nữa mà thôi. Nhưng Ypakhơ lặng lẽ một cách vững chãi trước bao nhiêu tai biến làm em vững lòng hơn và ngượng nghịu biết bao khi em suýt nữa oà lên khóc khi đã gieo đến lần thứ tư những hạt giống quý giá thì những cơn mưa chất độc lại nhào đến. Ypakhơ không bao giờ rời tay khỏi con rựa, miệng anh như gắn chặt vào chiếc ống điếu nặng nề có chạm nổi hình một chú bò tót vạm vỡ, lúc nào bận phát rẫy anh ấy cạo ống điếu lấy ra một thứ tro đặc quánh bôi lên môi cho đỡ thèm. Những lúc đó nhìn Ypakhơ em nghĩ đến một “keo đa” ( tượng nhà mồ Tây Nguyên) phỏng theo dáng dấp một tráng sĩ thời xa xưa trong các trường ca mà Ypakhơ thường hát  kể cho em nghe suốt những đêm dài khó khăn nhất. Sipli trở lại với cái bản chất hồn nhiên vốn chảy trong máu của dân tộc kỳ lạ này. Mỗi ngày Sipli càng xinh xắn, nhanh nhẹn và giọng hát của nó mới trong trẻo tha thiết biết bao. Sipli diễn tả cuộc đời theo con mắt nó bằng những lời ca thô sơ nhiều khi đến sững sờ vì cái giản dị say đắm. Chúng em gieo những hạt giống quý và vận động bà con các làng dọc sông Ba làm ruộng làm nà.
Tất cả các suối cạn trắng chỉ còn lại những khe đá nóng bỏng. Muốn có nước ăn phải khoét sâu xuống nền đá và kiên nhẫn chờ nước chảy rỉ rả và trong lắng lại. Pháo của bọn Hà-tam, Adun ngày đên “căn” dọc sông Ba và các khe nước hiếm hoi đó. Những cánh rừng bằng nghiến, những cây khộp mọc thưa thớt. Xe tăng địch từ đường 19 có thể tập kích vào bất cứ chỗ nào. Tiếng gió mạnh những đêm cuối mùa mưa và những thác nước nuốt hết tiếng động cơ của chúng. Giữa miền đất trơ trọi ấy một mái lá đủ làm mục tiêu dòm ngó của bọn giặc lái “tầu rọ”. Thành thử trạm chúng em sống theo lối của những người du mục. Mỗi ngày chúng em chuyển chỗ nhiều lần. Gần tối chúng em dựng nhà tăng. Một ngọn lửa nhỏ được được nhóm lên, Ypakhơ ghì bầu đàn goong vào ngực. Nét nhạc của Ypakhơ uyển chuyển dịu dàng thật trái ngược với vẻ mặt khắc khổ của anh. Khuôn mặt Sipli sáng rực nhờ ngọn lửa, cô hát và như đam mê một thứ tình yêu mà cô chưa hay biết.
Sipli đã 16 tuổi!
Sipli ngừng hát thì thầm với em: Nhâng ( anh) Minh không biết nói dối phải không ? Bao giờ trên cánh đồng Tà- băng có lúa mới thì Nhâng Minh sẽ về thôi, lúc đó Sipli sẽ làm “mai dong” ( bà mối) cho Mai Liên.
Ôi nếu có anh lúc đó sẽ hay biết bao nhiêu, em ôm Sipli trong lòng dạt dào niềm biết ơn. Phải, em cứ nghĩ là mùa hè tới không phải Sipli nói mà chính anh sẽ nói với em : “Liên à, anh nghĩ chúng ta thương nhau, trên mảnh đất này chúng ta sẽ cùng mọi người xây dựng lại. Hạnh phúc là thế phải không em ?”.
Ypakhơ không bao giờ đụng đến “ăng-gô” cơm ít ỏi nấu cho ba người. Anh ấy ăn sắn vui vẻ và dùng mắt khẩn khoản em đừng bắt anh ấy ăn cơm. Anh ấy thương em như thương con gái Hơven của anh ấy mà rất lâu rồi Ypakhơ chưa biết tin tức gì. Hơven bị địch bắt vào khu đồn Đê Chơrương cùng với mẹ.
Những trận sốt kéo dài hành hạ em. Khi em mười hai tuổi tóc em đã dài và dày đến nỗi mẹ em phải quở : con gái tóc dài rồi ra vất vả đấy con ạ ! (Chắc bây giờ mẹ em lại càng đinh ninh với cái định mệnh của con gái mẹ !). Bây giờ lắm lúc gội đầu ở suối em không dám chải mạnh, tóc rụng nhiều, gãy lưng chừng. Nhớ tới anh và nhìn vạt lúa đang lên xanh, lá lúa phổng phao như những ngón tay, em không buồn lo gì nữa. Trong buổi chiều chóng hết của sông Ba, những con đường cát trắng lên sáng chói như thuỷ tinh. Những chồi trắng nhỏ xíu cứng cỏi mọc ra ở những cây dẻ gai cho em biết không bao lâu nữa mùa xuân dễ chịu sẽ đến. Nghĩa là sẽ có mưa rào và những tiếng sấm vang động. Thiên nhiên sẽ sống lại tươi trẻ và phóng túng, những đêm đốt lửa săn bắn sẽ đến và anh sẽ trở lại. Em và Sipli sẽ mời các anh bữa cơm gạo nương thơm dẻo và béo ngậy.
Mấy hôm nay em sốt ruột lạ lùng, ngoài mặt đường vọng về nhiều tiếng súng, máy bay trong này vắng hắn chắc là chúng đang bâu lại những cái chốt cắt đường của các anh.
Cơn sốt đầu mùa khô đã quật ngã em. Em nằm mê man trên võng và nằm mơ về anh, trong giấc mơ em thấy một cánh đồng và các anh đi lại trên những gốc rạ vừa trơ ra sau vụ gặt. Nhưng em không được mơ hết giấc mơ ấy, hàng trăm xe tăng chúng nó tập kích đúng nơi chúng em đóng trại. Cách chỗ em chừng trăm thước, chúng mới bật đèn pha và bắn như điên vào rừng. Khu đất ấy trống trải quá. Ypakhơ xốc em lên vai và thét :
- Sipli, kà tầu( chạy)!
Một tràng 20 li quét là là mặt đất, em choáng váng. Những cành cây trúng đạn gãy rớt ngay trên lưng em. Ypakhơ không chạy thẳng người được nữa. Anh ấy chệnh choạng dựa lưng vào một hòn đá lớn. Bọn lính trên xe nhảy xuống, xả súng theo những vệt đèn pha sáng trắng. Bóng của Sipli hằn rõ trước lằn đạn. Tiếng xích xe tăng nghiến lên cây cối ngã rạp rờn rợn. Một cuộc săn đuổi thật khủng khiếp và dã man.  Ypakhơ đẩy em và Sipli xuống hốc đá rồi rội vã quơ những cành cây mới bị đạn phạt ngang che miệng hố. Thấy Ypakhơ đang định chạy tiếp em ghì lấy vạt áo anh ấy. Ypakhơ gạt mạnh tay em và thét lên :
- Nằm im.
Bỗng nhiên phía trước em một loạt đạn bắn và em nghe thấy một tiếng gào lên đắc thắng :
- Đây rồi, thằng mọi ấy chạy hướng bụi gai kia!
Tiếng đạn nổ thưa dần. Khu rừng trở lại yên tĩnh. Em xót xa nhớ lại giọng nói hân hoan của Ypakhơ.
- Lúa tốt lắm đây, mình thương bộ đội anh Minh quá, chốt đường mà ăn toàn sắn, bao giờ anh Minh trở về Mai Liên ? Trại mình sẽ nấu thật nhiều cơm mời bộ đội ăn đoàn kết. Mình sẽ đi săn, mình săn không trật bao giờ đâu.
Đến nửa đêm anh ấy bới lá và thều thào :
- Chúng nó đi rồi. Mai Liên có sao không hả Sipli.
Em mừng rỡ chui lên khỏi hốc đá lạnh. Ypakhơ nắm lấy tay em. Em kinh hãi, tay Ypakhơ ướt đẫm thứ nước dính nhơm nhớp. Phải, chính là máu đã ướt cả lưng Ypakhơ. Một tràng sấm nhói lên và mưa ào đến. Em luống cuống phủ tấm áo  mưa lên người Ypakhơ. Có lẽ anh ấy mỉm cười, mớ tóc ướt đẫm của Ypakhơ lả dần trong tay em. Ypakhơ cố nhỏm đầu dậy, em nghe rõ cả hơi thở hổn hển của Ypakhơ. Anh nuốt từng giọt nước vừa rớt bên miệng.
- Trận mưa cuối cùng của năm nay đấy Mai Liên ạ. Sắp đến lễ Xamak – Kơchăm rồi. Hơven, Hơven sẽ giận mình không kiếm đủ sợi cho nó tập dệt hà bành ( váy) như mọi đứa con gái khác có  mẹ, có cha…
Sáng hôm sau em và Sipli đưa Ypakhơ lên đỉnh dốc đá Sitơ. Một tuần trăng nữa lúa sẽ chín, màu vàng của lúa sẽ làm mắt Ypakhơ dịu lại. Ngày mai em tin tưởng mãnh liệt mọi nỗi đau khổ sẽ dịu đi như ngọn núi Đăklao đã tắt lửa, chỉ còn lại âm nhạc của Ypakhơ làm nền cho giọng hát của Sipli, thứ âm nhạc đem lại cỏ non cho súc vật, đem lại đức tin cho những người đang hy vọng vào một tình yêu xa cách…
Các chiến sĩ cùng tiểu đội với anh đã đến tìm em. Họ đưa cho em bức thư thứ hai của anh, bức thư cuối cùng! Một người trong số họ ngồi xuống bên cạnh ngọn lửa và kể cho em nghe về anh một  cách điềm tĩnh :
- Thế này, chị Liên ạ, mỗi lần vượt đường, tổ trinh sát chúng tôi thay nhau bám trước. Sau lượt tôi thì đến lượt anh Minh. Anh ấy bình thản gửi lại chúng tôi cái “gùi” của anh ấy và xốc lại quai súng, kiểm tra khoá an toàn, đi lên trước. Mọi cái đều có thể xảy ra, bao giờ chúng tôi cũng nghĩ thế khi đến lượt mình. Khi chúng tôi tới gần làng Chơ Liêu của già Ynao thì có tiếng mìn clây-mo nổ chói tai, sau đó có tiếng AK bắn trả từng hai phát một. Chúng tôi tản ra và chia thành hai mũi khép dần đến chỗ tiếng nổ. Đến sẩm tối, chúng tôi đánh bọn thám báo bật ra khỏi chỗ phục kích và cõng anh Minh vào làng, Anh ấy chết lúc 8 giờ tối… Đơn giản quá, phải không nào ? Mọi chuyện đã xảy ra như thế đấy chị Liên ạ, súng của anh ấy chúng tôi giữ lại, còn các thứ khác theo yêu cầu của người đã khuất, chúng tôi trao cho chị…
Bức thư thứ hai này viết cho em, anh đã để rất lâu trong ba lô và có lẽ anh đã chắt chiu từng chữ một :
“Liên, tha thiết mong sao bao giờ Liên ra Bắc, Liên hãy ghé thăm mẹ tôi, bà Nguyễn Thị Vang thôn Lũng Quý, xã Kiến Quốc, Ninh Giang, Hải Dương. Nhà tôi tiện đường lắm, đến bến Vẽ thì Liên rẽ xuống tay phải, đi theo một con mương là tới… Mẹ tôi chắc sẽ hỏi rất nhiều chuyện về đứa con duy nhất của cụ. Liên hãy nói, hãy kể tất cả những gì Liên biết, Liên nghĩ…. Thế nhé, tôi biết chắc chắn là Liên sẽ giúp tôi… Thân mến, tạm biệt Liên. Minh”
Anh thân yêu của em, bây giờ em còn phải khóc giấu khóc giếm vì Sipli cạnh em đây, em khóc thì nó biết ngay chuyện gì đã xảy ra với anh. Chắc nó sẽ gào đứt cuống họng. Nhưng bao giờ gục đầu vào lòng mẹ Vang ở thôn Lũng Quý, em sẽ khóc òa với mẹ, khóc cho bao đau thương, chia biệt mãi mãi...
Anh có trông thấy Sipli đi trước mắt em đó không ? Bóng cô gái mềm mại ẩn hiện trong đám lá đỏ rực. Đấy chính là đứa con của Ypakhơ, của anh, của thời gian lớn lao gian khổ đang trôi qua này. Sipli là bóng dáng anh mãi mãi trong ký ức máu thịt em. Ký ức tốt đẹp nhất, sâu lắng nhất về cuộc đời của chim mùa hè mới ra ràng đã gặp ngay giông bão và chết chóc chia lìa...
Gia Lai,  tháng 1 – 1973
NGUYỄN KHẮC PHỤC