Trang chủ » Truyện

NGƯỜI LÊN ĐỒNG KHÔNG CẦN HƯƠNG

Trần Ngọc Dương
Thứ tư ngày 21 tháng 4 năm 2010 9:09 PM
     
Truyện ngắn
 
Vách núi sau đền Tâm bị sạt, làm lộ ra tấm bia đá lớn. Lúc thu dọn, mọi người ngạc nhiên thấy một thạch động huyền ảo dùng làm nơi thờ cúng. Sự kiện trên được thêu dệt truyền tụng khắp nơi.
Ngôi đền u tịch nằm dưới chân núi Tùng, soi bóng xuống mặt đầm trong xanh, chỉ vang tiếng chuông vào những ngày lễ hội. Giờ trở thành điểm hành hương của nhiều người. Nhất là từ ngày có con đường bê tông nhựa nối liền hai quốc lộ chạy ngang.
Ngày nào cũng vậy, lễ vật đầy ắp ban thờ, khói hương bay nghi ngút, vàng mã đủ loại từng mâm cao ngất. Đệ tử chen chúc, chắp tay cúi đầu cầu khấn.
Độ linh thiêng của đền tăng nhanh theo niềm tin của con người. Đa số khách viếng thăm với tấm lòng thành kính, mong muốn được biết thêm một di tích, danh lam thắng cảnh của đất nước. Song không ít người mong mỏi các ngài ở nơi cao xanh liếc mắt trông xuống.
Những kẻ ăn theo đèn nhang từ các nơi lục tục kéo đến hành nghề. Khu vực đền trở lên lộn xộn, mất vệ sinh, cảnh quan bị phá vỡ. Mùa mưa bão tới gần, đền từ lâu không được trùng tu có nguy cơ sập bất cứ lúc nào.
Trước tình hình đó, các cụ già trong làng xin phép chính quyền được thành lập ban quản lý tu bổ và cắt cử người coi đền 24/24 giờ.
Công việc tôn tạo tiến hành gấp rút, tất cả các hạng mục phải thi công xong trước ngày hội đền. Việc tu bổ gặp nhiều thuận lợi. Kinh phí một phần do chính quyền ưu tiên hỗ trợ, phần do nhân dân tự nguyện đóng góp công của. Hội đồng hương sống xa quê xin được tham gia. Còn các vị chức sắc và dân làm ăn trong vùng đua nhau ủng hộ, mong có tên trong bảng vàng công đức.
Duy nhất việc chọn cắt cử người coi đền là ì ạch. Các ông “Từ” lần lượt xin từ chức. Lý do đưa ra phù hợp đến mức khó ai có thể từ chối được: Người do hoàn cảnh gia đình neo bấn – Vì sức khoẻ chẳng được như ý, sợ mình đêm hôm trở bệnh – Kẻ không đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ.
Có một lý do chẳng chịu ai nói ra mà chỉ rì rầm bàn tán: "Đền thiêng lắm, các ngài liên tục báo mộng quở trách, không cho ở lại.”
Ban quản lý đang bế tắc thì Hạ giơ tay:
- Để tôi! Nếu làng không tìm được ai.
Khi biết Hạ nhận làm, dân làng xôn sao bàn tán:
- Sao lại giao công việc linh thiêng này cho lão Hạ.
- Ma quỉ không sợ, thần thánh chẳng tin, không khéo cả làng bị vạ lây vì lão.
- Chó nhà tôi dữ vậy, đang sủa ông ổng thấy bóng lão lập tức cụp đuôi, nen nép chui vào gầm chõng.
- Phúc nó lớn, không bị rụng răng khi ngoạm phải cái chân giả làm bằng đuya ra của lão là may. Mà cũng tại nó hay cắn trộm, lão Hạ trị tội bằng cách đi ngang giơ chân. Cu cậu tưởng ngon đớp vội.
Có kẻ mỉa mai:
- Ở cổng đền chỉ cần đắp tượng ông Thiện. Còn chổ ông Ác, cứ để lão Hạ đứng thế.
Cánh thanh niên nghịch ngợm ghi văn bản đề cử : “Nhất trí ủng hộ - Người lên đồng không cần thắp hương - Tức lão Hạ - Giữ chức tư ... huyền của làng.”
Sống độc thân ở nông thôn với mức lương hưu đại uý, Hạ chẳng phải lo nghĩ  gì về kinh tế.  Còn một thương binh hạng ba, lại trải qua nhà tù Phú Quốc chuyện giảm sút sức khoẻ là lẽ thường. Những lần vết thương tái phát, Hạ gồng lên ôm chặt lấy cột nhà, nghiến răng chịu đựng qua cơn. Bất đắc dĩ lắm mới dùng đến thuốc giảm đau.
Một lần nửa đêm vết thương trở chứng, thuốc hết, Hạ nhào từ trên giường xuống đất. Gần trưa hôm sau, đứa cháu họ rẽ qua mượn xe đạp đi chợ huyện thấy Hạ nằm mê mệt dưới gầm giường. Bên cạnh là hai chiếc thang giường bị gãy.
Thì ra lúc lên cơn, Hạ lăn lộn, bò lê bò càng, ghì chặt bất cứ vật gì vơ được mong giảm cơn đau.
Mấy bà bán “dưa lê" khúc khích: “Lão Hạ nhớ vợ, đêm lên cơn bẻ gãy cả thang giường.”
Hạ đi khám được các bác sĩ cho biết: “Do lúc phẫu thuật lấy mảnh bom, dây thần kinh bị ảnh hưởng.”
Làng mời một nhà sư am hiểu Hán Nôm về tra cứu văn bia của đền. Gặp lúc Hạ lên cơn đau, sư cụ bày cho phương pháp bấm huyệt khống chế,  bài thuốc nam với cách ngồi thiền chữa bệnh.
Từ đó mỗi lần có triệu chứng Hạ tự bấm huyệt, tập trung tinh thần ngồi thiền. Phương pháp ứng nghiệm trông thấy, chu kỳ đau giảm dần.
Người khác ngồi thiền thì lặng im như tượng, còn Hạ lại lắc lư chao đảo theo cơn đau hệt như người lên đồng. Khi mồ hôi vã ra như tắm, Hạ ngồi lặng im được cũng là lúc cơn đau dứt. Hạ có biệt danh: “Người lên đồng không cần hương" từ đấy.
Hôm đầu nhận chức, Hạ mang ba lô ra đền ở. Chẳng biết Hạ nói những gì mà mấy ông bạn đồng ngũ ùa theo, tự nguyện đứng ra lập lại vệ sinh trật tự  toàn khu vực.
Mọi phương tiện ra vào đỗ đúng nơi qui định, bất kể đó là xe cộ của ai. Người bán hàng rong phải ngồi yên vị. Không được chạy lăng xăng mời chào níu kéo khách. Còn những kẻ ăn theo đèn nhang thì cấm tiệt.
Khu vệ sinh có bảng hướng dẫn chi tiết, nằm ở nơi cách biệt. Rác sinh hoạt được thu gom thiêu huỷ trong ngày.
Khi đền trùng tu sắp xong, mọi người mới ngớ ra việc cần làm là phải đúc một quả chuông mới cho phù hợp với tầm vóc của đền. Quả chuông cũ bé quá, âm lượng kém.
Kinh phí không có cho việc này. Dân làng mới nghe phong thanh phải đóng thêm đã kêu ca. Hạ rủ rỉ: "Ai tham gia sẽ được khắc tên trên vòm chuông. Vị trí trang trọng giành cho người góp nhiều. Tu cả đời không bằng một lần hiến của đúc chuông, mình sẽ sống mãi cùng tiếng chuông ngân."
Kết quả mĩ mãn, danh sách dài dằng dặc, ai cũng muốn lưu lại dấu ấn thời gian.
Vậy mà khi ban quyên góp đến, Hạ lắc đầu quâỳ quậy. Mặc dù Hạ là một trong những người có trách nhiệm mang vật liệu đi thuê đúc. Sở dĩ Hạ được cử vì là người duy nhất trong vùng am hiểu việc này. Ngoài ra còn do mối quan hệ mật thiết giữa Hạ với người thợ cả của làng nghề.
Chuông đúc  xong, nhiều người ca cẩm khi không thấy tên mình. Hạ giải thích:
- Diện tích nhỏ quá, chẳng đủ chỗ cho tất cả mọi người, tôi đã mời thày làm lễ nhập danh sách vào cốt. Cứ yên tâm, tên của các vị sẽ mãi mãi vang cùng tiếng chuông.
Thực ra kinh phí có hạn, lấy đâu tiền làm một cái khuôn có khắc tên từng người. Mà có đủ cũng chẳng ai làm như vậy.
Thấy có kẻ còn bực bội Hạ bâng quơ:
- Trong tiếng chuông ngân ta thấy các thiên thần ca hát, tiếng quỉ dữ thét gào. Không khí ấm áp nơi thiên đường, hơi lạnh của chín tầng địa ngục. Lời đất trời thì thầm ngợi ca những con người dám hy sinh vì nghĩa cả, sự phán quyết của toà án lương tâm với kẻ từng làm việc xấu. Còn  những ai góp công cuả cho việc đúc chuông không xuất phát từ  chữ  “Tâm”, sẽ chẳng bao giờ tìm được sự   yên bình.
Đầu tiên Hạ định nằm  nghỉ một lúc cho giãn xương cốt, không ngờ ngủ thiếp đi lúc nào chẳng hay.
Những đám mây bay ngang bầu trời làm vầng trăng lúc khuất, lúc tỏ. Cảnh vật quanh Hạ thoắt ẩn, thoắt hiện. Một cơn mưa bóng mây làm Hạ tỉnh giấc. Hạ xoay người  với chiếc mũ tai bèo rách che lên mặt định ngủ tiếp. Ánh trăng vô tình rọi qua lỗ thủng làm Hạ chói mắt. Trong trạng thái lơ mơ Hạ bắt gặp hai người song song dạo bước. Lão dụi mắt. Ai đêm hôm khuya khoắt đi lại tự do thế. Đền bây giờ có nhiều vật quí, hay kẻ gian rình mò ăn trộm. Lão định kêu toáng lên. Mà ai trông quen quá, phải lặng im xem họ làm gì, chờ bắt quả tang.
Hai người ngó nghiêng quanh đền rồi xoay người tiến thẳng về phía Hạ. Bầu trời không một gợn mây trả lại cho mặt đất ánh trăng vằng vặc. Họ đứng nhìn Hạ đang vờ ngủ, vung tay tranh luận. Hạ hé mắt, lão giật mình nổi giận. Kẻ nào to gan thật, dám cải trang thành hai ông Hộ pháp doạ ta. Cái lũ trộm một mùa, đi làm ăn lại bàn bạc ầm ĩ. Mà chúng cũng tài thật, hoá trang y hệt. Hạ giỏng tai nghe.
Ông ác lên tiếng:
- Tại sao ông lại đứng về phía Hạ. Hay lão đã cúng riêng gì cho ông.
Ông Thiện phân bua:
- Ông ở cạnh tôi như hình với bóng mà còn nghi ngờ. Thảo nào độ này dân chúng hay kêu ca: Các ngài chỉ phù hộ cho kẻ lắm tiền, lễ vật của họ nhiều mà. Cả tôi và ông đâu có muốn cảnh người đi đền bạ chỗ nào cũng nhét tiền. May mà quần áo của hai ta không vén được. Cũng có lúc tôi tự hỏi: Liệu mấy đồng tiền lẻ giắt trên thanh long đao của ông có làm ảnh hưởng tới độ chính xác lúc vung.
- Tiền bạc đâu mà lắm! Nếu ai cũng như lão Hạ tự động vơ vét lấy hết tiền cúng lễ chia cho mọi người.
- Lần đó, chính quyền tổ chức đưa những người ăn xin về quê. Hạ bỏ tiền túi cho mỗi người một ngày ăn đường. Vì vội, lại do không mang theo, phần chẳng có tiền lẻ, Hạ vay của đền. Trước khi lấy Hạ khấn: Vay nay, mai trả. Hôm sau, Hạ hoàn lại quĩ đền cả tháng trợ cấp thương tật của mình. Vay gần một trăm nghìn,  trả hơn hai trăm. Chẳng ai có thể chê được Hạ.
- Rất nhiều người bất bình về việc lão Hạ không giữ chữ tín, lừa dối mọi người trong việc đúc chuông.
- Hạ dồn nhiều tâm huyết cho việc này, bất đắc dĩ lắm mới phải làm như vậy.  Chẳng qua cũng muốn công việc phát triển tốt đẹp. Không ai biết ngoài việc Hạ bám sát trong quá trình đúc chuông, lão còn bí mật cho vào lò nấu cả hộp trang sức đựng đầy vàng ròng.
Ông Thiện trầm ngâm nói tiếp:
- Ông thấy không: Tiếng chuông đền làng ta mới ngân nga làm sao.
- Ông đừng mơ màng nữa, những việc Hạ làm luận ra vẫn có tội, phải bị trừng trị. Chưa kể việc hôm nay.
- Hôm nay làm sao?
Ông ác vung tay:
- Tại sao lão Hạ nhổ cây được người khác thuê chăm sóc, trồng thế vào chỗ đó cây của lão.
- Thế ông tưởng thằng cha Giám đốc dự án đó bỏ tiền túi ra chắc. Ông cứ thử đi đến các đền chùa trong vùng mà xem. Chỗ nào cũng thấy đồ vật đắt tiền đề tên ông ta cúng tế. Chẳng qua là lấy tiền bất minh mua danh thiên cổ, muốn giảm bớt tội lỗi mắc phải nơi trần thế. Tiền đâu nhiều thế? Tậu những mấy ha đất, dăm cái biệt thự ở Hà Nội. Lo cho mai sau có lô đất  đẹp nhất nghĩa trang! Lại còn...
Ông Ác chen ngang:
- Nhưng cây cối có tội tình gì! Mà loài cây nào cũng làm xanh đẹp cho cuộc đời này cả. Lão Hạ vì ghen tỵ mới làm như vậy. Quang minh chính đại sao chẳng nói thẳng khi người ta thuê. Lại dấm dúi đợi đến đêm hôm mới làm . Giờ mệt quá ngủ lăn như chết.
Ông Thiện cười khùng khục:
- Ông lại nhầm, chuyên môn quan trọng hoá sự việc. Lúc đó Hạ nói cây bị dị tật, người bán chắc chắn bị trả lại. Mất toi một trăm nghìn đồng. Cả nhà họ laị chưa có gì đổ vào nồi. Mà để nguyên cây cũ, chăm sóc nó. Nay mai lớn lên gặp bão gió không trụ nổi. Đổ. Có khi đè cả vào làm chúng ta bị sứt mẻ.
Ông Thiện thủ thỉ nói tiếp:
- Cây của lão Hạ trồng thế chỗ hệt như cây của ông Giám đốc. Chỉ khác cái nó được ươm trồng tự nhiên, không bón thuốc kích thích, tăng trưởng, chẳng có dị tật bẩm sinh. Vả lại cái biển đề tên người trồng không hề thay đổi.
Ông ác khăng khăng:
- So với “ba rem” lão Hạ vẫn bị trừng trị. Trong cuộc sống lão ngang phè phè, hay chẹn ngang việc người khác làm. Khiến người ta bực mình. Khác chi hạt sạn trong oản sôi cúng, có tác dụng gì đâu. Phải loại bỏ. Ném nó đi.
- Ném đi đâu.
- Cứ tung lên trời,  mặc gió đưa đẩy.
- Ông lại không đúng. Nếu hạt sạn văng vào mắt người khác, hậu quả khôn lường. Còn nếu như rơi ra biển, vào miệng loài trai, thời gian sau ta sẽ có được một viên ngọc quí. Mà tượng của tôi và ông được những viên ngọc như thế làm mắt, chúng ta sẽ trông có hồn hơn.
Nằm mãi một tư thế làm Hạ tê cứng cả bên người. Ông nhẹ nhàng co chân. Rầm! Cái chân giả tháo ra lúc ngủ đổ đập mạnh xuống sân gạch. Một trận cuồng phong nổi bất chợt, cát bụi bay mù mịt. Chiếc mũ tai bèo bị gió cuốn mất, Hạ nhắm tịt mắt. Lúc gió ngừng mở được mắt, hai ông Hộ pháp biến mất tự lúc nào.
Vành tai Hạ giật giật. Thôi chết rồi, cơn đau sắp đến. Hạ vội bấm các huyệt, rồi ngồi theo tư thế  “Hoa sen”,  mồ hôi ra ướt chân tóc.
Chợt Hạ bật cười thành tiếng. Lần đầu tiên dưới ánh trăng ông nhìn thấy bóng mình lắc lư chao đảo.