Tôi năm nay vừa tròn 70 tuổi, cái tuồi mà ông Đỗ Phủ xưa đã gọi là “xưa nay hiếm” như thơ ông từng viết : “Nhân sinh thất thập cổ lai hề!”. Nhìn lên các vị bề trên ra đời trước mình cả một vài thập kỷ, tôi vẫn thấy mình còn “trẻ” quá, song khi nhìn lại các lớp học trò, em, cháu sinh sau, trong đó có những em, những cháu đã lìa trần, mình lại thấy mình đã quá già, quá sống lâu trong cõi đời chật chội.
70 năm có mặt trong đời, với hơn 14 năm đi dạy học, 30 năm viết văn, làm báo…tôi cũng giống bao “chàng trai thế hệ” của Thăng Long - Hà Nội hào hoa đã nếm trải biết bao giông bão của cuộc đời từ Cách Mạng Tháng Tám mùa Thu năm 1945 tới hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc cho tới những mùa Xuân đại thắng Điện Biên Phủ và giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước…Một nửa đầu đời tôi sống ở miền Bắc, còn một nửa đời sau tôi sống trọn vẹn với miền Nam. Tuy nhiên nếu nói cho thật trúng, thì từ năm 1962, khi trở thành thày giáo dạy Văn tại trường Cấp 3 Học sinh Miền Nam số 24 Chương Mỹ - Hà Đông, phần lớn cuộc đời tôi đã gắn với miền Nam Thành đồng Tổ quốc. Sống với cả một tập thể lớn của miền Nam, ăn cơm kiểu Nam, nói giọng Nam cùng các thày cô, các CBVC nhà trường, cùng với hàng ngàn học sinh các lứa tuổi từ miền Nam tập kết ra Bắc, tôi tự thấy mình như đã biến thành một người miền Nam thật sự. Bởi vậy không có gì là khó hiểu khi sau này tôi đã chọn Sài Gòn làm nơi sinh sống trọn đời. Hít thở cái không khí Sài Gòn, hòa giọng nói mình với giọng Sài Gòn là một niềm thích thú và vinh dự xiết bao. Và làm việc cho thành phố Hồ Chí Minh trọn vẹn tới lúc nghỉ hưu cũng là một niềm kiêu hãnh lớn của tôi, một chàng trai Hà Nội gốc nhưng lại là một công dân Sài Gòn đích thực.
Lại nói thêm về 14 năm dạy học của tôi kể từ sau khi tốt nghiệp khoa Văn trường Đại học Sư Phạm Hà Nội năm 1962. Sau những năm dạy tại Trường cấp 3 HSMN số 24 ( Hà Đông ) và trường Cấp 3 HSMN Đông Triều, trong nhiều năm tiếp sau tôi đã dạy học tại trường PTC3 Hà Nội B và Trường Sư phạm 10+2, 10+3 Hà Nội. Tại các trường này tôi đã có nhiều ấn tượng đẹp về các học trò thông minh và tài hoa mang đậm chất Hà Nội qua các lớp mình từng dạy. Rất nhiều em trong số này về sau đã trở thành các trí thức có tài, có học vị cao, có nhiều đóng góp tốt cho đất nước. Một số em đã trở thành những cán bộ quản lý giỏi, thành cán bộ lãnh đạo tài năng ở các cấp chính quyền thành phố và Trung Ương. Thế nhưng từ góc độ của một người thày giáo dạy văn và từng cầm bút viết báo, viết văn, những học trò mà tôi nhớ nhất vẫn là những nhà thơ, nhà văn sớm thành đạt, sớm bộc lộ tài năng nhưng buồn thay lại “vắn số” vì đã sớm mắc bạo bệnh, phải từ giã cuộc đời khi mộng ước chưa thành, sự nghiệp văn chương còn dang dở…
Nhớ Thảo Phương, một nhà thơ nữ tài hoa - vắn số.
Người mà tôi muốn nhắc tới đầu tiên là một cô học sinh Hà Nội nhỏ bé rất thông minh và nghịch ngầm song rất yêu Thơ, rồi trở thành một nhà thơ nữ tài hoa mang bút hiệu Thảo Phương. Thơ của cô ngay từ buổi ban đầu sáng tác đã rất gan ruột, tài tình và dự báo một cái gì mong manh, tội nghiệp đầy trắc ẩn. Những tín hiệu lờ mờ kia cứ hiện rõ dần và trở nên một thứ “vận áo xám” nào đó ám ảnh suốt cuộc đời của cô, một “người đàn bà do đàn ông sinh ra” hay “người đàn bà chờ đợi – đi một mình trên lằn rạch hoàng hôn”….
Tôi biết Thảo Phương – Nguyễn Mai Hương từ khi về dạy tại Trường PT cấp 3 Hà Nội B, vào năm 1966- 1967. Khi đó chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ ở miền Bắc đã xô đẩy thày trò chúng tôi về sơ tán tại xã Tốt Động, huyện Chương Mỹ, Hà Đông. Lớp học của chúng tôi chỉ là những dãy nhà tranh mái lá dựng tạm ven xóm nghèo song lòng yêu nghề và sự hiếu học đã giúp thày trò chúng tôi có được những buổi dạy đầy hứng thú, những giờ học say mê và ngập tràn hạnh phúc. Tất cả những tiết dạy Văn tại Khối lớp 10, khối lớp cuối của trường Trung học thời ấy, người thày giáo trẻ mới có chừng 5 năm tuổi nghề là tôi như thể “nhập đồng”. Tôi cứ say sưa lên bổng xuống trầm thao giảng liên miên, muốn trút hết mọi kiến thức học được trong khoa Văn đại học cũng như những khám phá mới mẻ của mình khi tham khảo được qua các cuốn sách văn thơ cũ và mới của Thư viện quốc gia mà tôi được đọc. Các học sinh của tôi toàn tuổi 16 – 17 khi học các tiết Giảng Văn của thày thường chăm chú nghe như muốn nuốt lấy từng lời. Và những cánh tay cứ liên tiếp giơ lên xin phát biểu ý kiến tham gia bình giảng. Các em tung ra nhiều câu hỏi thật lắt léo và bất ngờ, các em nêu lên nhiều kiến giải thật thông minh và sáng tạo. Các tiết dạy Văn đó với tôi như những giờ phút thiêng liêng thày trò cùng dìu nhau bay bổng vào một thế giới cao siêu lý tưởng nào đó giống như những giấc mơ hoa…
Và trong một góc lớp 10A kia là một cô gái bé nhỏ mỏng manh có gương mặt xanh tái như thiếu máu đang chăm chú nghe tôi giảng. Mỗi khi tôi truyền đạt một ý gì mới mẻ thì đôi mắt to đen của em sáng bừng lên những tia sáng chói ngời. Em miệt mài ghi chép, em nghe giảng say sưa, nhưng rất ít khi chịu phát biểu ý kiến tham gia bình giảng… Chỉ có những buổi chiều nắng tắt em mới rón rén bước vào vuông sân ngôi nhà gạch tôi ở nhờ của một bác nông dân để xin thày giảng giải thêm đôi điều quanh bài giảng hoặc xin mượn thày mấy tập thơ văn về đọc thêm. Tôi thấy em hình như thích Thơ hơn Văn xuôi bởi em hay mượn của tôi nhiều tập thơ Việt và thơ dịch của các tác giả nước ngoài ( như thơ Sandor Petofi, thơ Alfred de Vigny, thơ Walt Whitman, thơ Edgar Poe, thơ AdAm Mickiewicz, thơ Paul Eluard…) về chép vào sổ tay rồi khoe với tôi nữa…
Cũng trong thời gian đó tôi đang yêu và luôn gắn bó với một cô giáo cùng trường. Chúng tôi thường đi cặp kè nhau từ lúc lên lớp tới giờ ăn trưa ăn chiều ở nhà ăn tập thể. Rồi những ngày cuối tuần chúng tôi lại ríu rít chở nhau bằng xe đạp về Hà Nội thăm gia đình, ngày chủ nhật cùng đi ăn sáng uống cà phê, đi hiệu sách …Thời ấy sách hay rất hiếm và mua được sách càng khó nhất là vì cả tuần chúng tôi phải ở nơi sơ tán. Thế là tôi đành phải lo tìm mượn sách hay của bạn bè, của Thư Viện…và về nhà xoay trần ra chép lại những đoạn Văn hay, những trang Thơ đẹp của các tác giả gần xa. Với người yêu của tôi, tôi có những cuốn chép Thơ của từng tác giả rồi gửi tặng. Tôi còn có những tập thơ mỏng do chính tôi sáng tác, nói đủ mọi tâm tư mình để riêng tặng “nàng thơ của tôi”, “người đẹp của riêng tôi”… Những cuốn sổ nhỏ ấy có đủ mọi kích cỡ, bìa do tôi tự vẽ hay trang trí, tôi thường dấu trong các tập giáo án, và cuối ngày thường lén trao cho nàng để rồi hôm sau được nhận lại những lời nhận xét động viên hay cái nhìn thiết tha âu yếm khiến tôi càng say sưa sáng tác.
Cô học sinh Mai Hương của tôi lại là một học sinh giỏi môn Sinh Vật của cô giáo tôi yêu. Hai cô rất thân thiết với nhau và về tuổi tác thì cũng không chênh nhau nhiều lắm: cô chừng 24, trò chừng 17. Họ cứ rủ rỉ tâm sự với nhau hoài và nhiều lúc Mai Hương còn nằm ngả trên chiếc giường đơn của cô giáo mà đọc sách hoặc ngâm thơ. Cô cũng biết rõ mối quan hệ của thày và cô giáo thế nào nên hay tự nguyện làm liên lạc nhắn tin cho hai người cũng như hay bày tỏ những sự tán đồng vun vén cho mối tình của chúng tôi khi đó.
Tuy nhiên gần tới kỳ thi tốt nghiệp của khối lớp 10, người yêu tôi phát hiện có những tập thơ bướm tôi chép tặng nàng bị thất lạc. Nàng băn khoăn nói với tôi : không biết em sơ hở để đâu mà làm rơi mất, thật buồn vì mất đi những kỷ vật quý và xấu hổ vì người ta sẽ đọc được những dòng anh viết tặng riêng em!
Phần tôi, nhiều học sinh mượn sách đọc cũng “quên không trả lại” và tôi cũng buồn vì mất đi vài tập thơ sáng tác ruột rà!
Rồi kỳ thi cũng trôi qua, các em học sinh ra trường phần lớn chuyển lên học đại học, một số được chọn đi du học nước ngoài. Nguyễn Mai Hương được chọn đi học tại trường Ngoại ngữ chuyên tu chuẩn bị đi học tiếp bên Đông Âu. Em tới chào tôi và cũng khoe một vài bài thơ mới tập viết. Tôi nói với em rằng phải dồn sức học cho tốt các môn khoa học cơ bản tại đại học mà mình yêu thích và chọn lựa, còn làm thơ chỉ là một phương cách để tự nâng đỡ tinh thần mình, người làm thơ hay đâu phải cứ lo học giỏi môn Văn và nhất thiết phải chọn sống chết với nghề Văn. Mai Hương nói em nhất quyết theo học môn Sinh học song em cũng sẽ gắn bó với Thơ như thày đã gắn bó. Rồi em lên đường lúc nào tôi cũng không nhớ rõ. Chỉ biết rằng vào mùa Xuân năm sau, khi tôi đã chuyển qua dạy học tại khoa Văn Trường Sư phạm 10+3 Hà Nội, tôi nhận được phong thư đầu tiên của học sinh cũ Nguyễn Mai Hương gửi từ thủ đô Buda-Pest của Hungary. Trong thư, sau những dòng thăm hỏi thày cô thông thường, em đã ngỏ lời xin lỗi chúng tôi vì “đã trót lấy trộm mấy cuốn sổ chép thơ tình rất ướt át của thày cô” năm trước. Rồi em cho hay em đang sung sướng, cảm động thế nào khi được đặt chân lên miền đất thiêng liêng của thi hào Petofi, được đứng giữa nhịp cầu nối thành phố cổ Buda và thành phố hiện đại Pest. Em còn gửi cho tôi cả một tấm hình chụp em khoác áo choàng cổ lông dày đứng trên chiếc cầu phủ tuyết trắng của thủ đô Budapest, một Paris thơ mộng ở Đông Âu…
Những lá thư sau em tâm sự rằng em cũng đang yêu và cũng đang làm những bài thơ gửi gắm nỗi niềm của một người con gái sống xa gia đình, thiếu thốn nhiều tình cảm nhưng quá dư thừa về vật chất nếu so với cuộc sống trong chiến tranh của người Hà Nội. Đọc những vần thơ đầu của Mai Hương, lòng tôi cứ xốn xang, bởi thơ em lấp lánh tài hoa song cũng xuất hiện những nét đau khổ đang dày vò tâm trí người con gái đó:
“Sương lơ đãng rơi vào đêm rỗng – cây lung linh ngàn mắt nai mềm – đêm u ẩn màu đêm viễn xứ - trăng trôi nghiêng trên sóng mây đưa.
Tôi ngửa mặt vào đêm hứng gió – những ngôi sao phiêu bạt phương nào ? Nghe thao thiết thời gian cuộn chảy – nghe chập chờn hoa lá hoang vu –
Ở đâu đó - ngoài thời gian
Có thể
Người chờ tôi hơn mọi nỗi mong chờ .” ( Với đêm )
Người con gái nhỏ bé và mong manh kia cứ ngơ ngác giữa cuộc đời và lẩn thẩn lạc vào cõi mộng :
“ Em đi tìm nơi mùa thu hoài vọng – khi lá lá lìa cành thảng thốt rung tiếng chuông vàng nhạt – và lững thững mây bay – mây bay…
Em đi tìm ly rượu nho nồng nàn – nơi bàng bạc sông Ngân ngưng chảy – xót xa những ngôi sao mồ côi – rụng…!
Em đi tìm – đốm hoa vàng run rẩy mùa thu xưa - chốn nào nơi nào … ta qua ?
Em đi tìm … những ngôi sao lặng lẽ khóc – và đêm đêm lá vẫn lìa cành buông tiếng chuông vàng nhạt trên những dấu chân ta đã dìu nhau đi…
Em đi tìm nơi con tim không ngủ
Trong mùa thu mơ” ( Em đi tìm)
Càng đọc thơ Mai Hương tôi càng thấy sợ…Sợ một sự say mơ nào đó sẽ dẫn em đi tới chỗ mê cuồng và xa lánh thực tế hay trốn chạy thực tế, sợ một sự mơ mộng viển vông sẽ đi em đi lạc nhịp đời. Có lý nào chỉ đứng bên một dòng sông thơ mộng Danube, một dòng sông xanh êm đềm trôi nhẹ trong nhạc của Johan Strauss, mà em cứ tưởng tượng ra những chuyện nghịch lý đâu đâu:
“… Dòng sông đang chảy lên trời
Dòng sông đang tuôn từ đất
Những vì sao xa có thật
Và tôi cũng thật –
Và tôi..!
Thuyền trôi không người chèo lái
Tim tôi vụng dại đưa đường
Ngoài tôi vô tình lực hút
Trò chơi tạo hóa khôn lường
Dòng sông – dòng đời mê mải
Tôi cười tôi khóc thơ ngây
Tin vào con tim vụng dại
Chuếnh choáng – nào sông – ta say..! (Dòng sông)
Người thiếu nữ đang yêu kia vì sao lại có những dự cảm khổ đau khi tự xét : “ Ta tuổi Sửu – cầm tinh con trâu, sinh ra để kéo cày…”?! Và thật mơ mộng bay bổng sao cái sự “đi cày” ấy của nhà thơ trẻ :
“ Ta kéo chiếc cày bằng vàng trên cánh đồng trăng
Những hạt cườm từ vai ta lăn vào lòng đất
Và ánh trăng bỗng dưng xanh biếc
Những hạt cườm bật lá –
Lá đong trăng
Và sao băng vụt tỏa ánh hào quang
Và ngọn gió khoan thai đưa nhạc
Ta gối đầu trên chiếc cày bằng vàng
Mơ gặt lúa một lần trên cung Quảng” ( Sinh nhật)
Đọc những dòng thơ ấy tôi cứ nhớ lại những hoài niệm của em về cuộc đời ngắn ngủi của mình. Chính em đã viết rằng: “ Tôi sinh ra ở Việt Bắc, lớn lên nơi một đường phố yên tĩnh trông ra đê sông Hồng , bên cạnh Nhà hát lớn Hà Nội… Mùa đông, mây xám lặng lẽ trôi qua những cành bàng khẳng khiu run rẩy – và tôi : yếu đuối cùng hờn giận, chảy những giọt nước mắt vô cớ…Giờ đây, tôi vẫn thấy mình đứng lặng trên đê sông Hồng – Bác Cổ, giữa đám nồi niêu chăn chiếu và những người chạy lụt…Dưới kia vài mét, dòng nước đỏ ngầu cuồng nộ đã nhấn chìm và xô đổ bao mái nhà bình yên lam lũ ngoài đê. Phải đây là dòng nước hiền hòa làm nên bãi bồi từng in dấu chân tôi bé bỏng bên những mầm ngô xanh biếc…? Phải. Và đó cũng là cuộc sống. Không trong, không đục. Không thiện, không ác. Và luôn bị chi phối bởi những dòng ngầm mạnh mẽ và bất ngờ. Tôi yêu sông Hồng như nó vốn thế. Như yêu cuộc sống mà tôi khôn dứt được nợ…” ( trích Chân dung tự họa của Thảo Phương)
Thôi rồi! Người con gái học trò bé bỏng của tôi nay đã vướng vào món nợ tiền kiếp nào của những kẻ tự nhận gánh trên vai sứ mạng “đau nỗi đau trần thế” của một kiếp người khổ nạn – những nhà thơ tiên tri - và vác “nặng trên vai Thập giá đời mình” như cô đã từng viết lời bộc bạch “Với Jésus” sau này :
“ Thiên niên kỷ máu loang trên thập giá
Con muộn màng chiêm nghiệm nỗi đau đời
Vẫn xao xuyến vẫn mơ hồ sợ hãi
Vẫn nhiệt cuồng khao khát khôn nguôi.”
Và :
“ Con lại bước trên Đồi xưa đá sỏi
Nặng trên vai cây Thập giá đời mình
Bỗng khao khát được ăn mày các phép
Mong chết lành và rỗi phần Linh…
Phải chính con đã dọn mình để được đóng đinh câu rút
Cho – sự - bình – an – những – sinh – linh – ngoài – Nước – Trời”
Rồi một thời gian sau tôi biết nhà thơ nhỏ bé kia đã Yêu cuồng Yêu vội và dính dáng vào những chuyện lôi thôi do sự quy định của các tổ chức quan liêu chuyên quản lý lưu học sinh Việt Nam ở các xứ xa. Thời gian ấy em không hay gửi thư và Thơ về cho tôi nữa. Tôi cũng nghĩ thế là may. Có vậy em mới dốc tâm học hành.
Thế rồi chuyện tình riêng của tôi cũng tan vỡ vì những sự việc nhỏ bé không đâu. Tôi chuyển qua trường khác dạy, còn người yêu của tôi cũng đổi qua trường khác. Ít lâu sau tôi nghe nói đã có một kẻ khác chen vào thay thế tôi trong trái tim cô giáo nhỏ tôi yêu. Tôi buồn rũ và thất vọng. Tôi tự kết án tôi và ra quyết định nhất thiết từ bỏ Thơ để viết truyện viết văn, không thể tiếp tục “thả hồn trai trong lả lướt đau buồn”. Cô học sinh Mai Hương dường như biết chuyện và đã ngả về phe cô giáo cũ. Tôi hơi giận em và xấu hổ vì không biết nén lòng, nhân nhượng làm hòa với cô giáo của em.
Thế rồi ở nơi trường mới tôi lại phát hiện ra Nàng Thơ đích thực của mình, một cô giáo trẻ có tâm hồn đồng điệu. Tiếng sét ái tình lại nổ và bầu trời thơ tôi lại rực ánh hào quang…Tôi say sưa lao vào tình yêu mới và chóng quên đi những chuyện cũ sầu buồn. Cả cô giáo cũ và cô học trò Mai Hương như giận tôi và ngưng mọi liên hệ.
Một năm sau tôi chúng tôi cưới nhau và cũng chỉ sau đó ít lâu vì say sáng tác, vì muốn được lăn mình vào thực tiễn để tích lũy vốn sống và viết nên những tác phẩm lớn để đời… tôi đã tình nguyện xin chuyển qua làm phóng viên một tờ tuần báo ở Hà Nội. Cuộc đời đã mở ra một ngã rẽ bất ngờ và lại đưa đẩy tôi trở về với “miền Nam thân yêu” như những ngày xưa.
Chúng tôi chuyển hẳn vào thành phố Hồ Chí Minh sau ngày Sài Gòn được giải phóng. Và tôi sung sướng vì được giữ chân biên tập viên trang Văn Nghệ của tờ báo hàng ngày lớn nhất ở phương Nam, tờ báo Sài Gòn giải phóng, cơ quan ngôn luận của Thành Ủy Đảng CSVN Thành phố Hồ Chí Minh. Tại đây tôi lại được sống hòa vào trong đại gia đình thân yêu của các bạn giáo viên, công nhân viên trường HSMN trên đất Bắc xưa và gặp lại thật nhiều học trò cũ. Một cuộc sống mới ngập tràn niềm vui và hứng khởi, một “dòng lũ mới mẻ” của nghề báo cuốn tôi băng băng chạy theo các sự kiện thời sự. Làm báo ngày thật vất vả mà vui, nhất là được sống và chứng kiến các diễn biến từng phút từng giờ đầy năng động của một đô thị trung tâm nhiều mặt nhộn nhịp vào bậc nhất của cả nước.
Thế rồi vào một ngày tháng Năm năm 1985, khi tôi đang ngồi viết bài trên lầu của tòa soạn báo thì nhận được phone của cô thường trực báo tin có một học trò cũ tới thăm. Tôi xuống nhà và vui sướng nhận ra cô học trò nhỏ Mai Hương say Thơ ngày trước. Cô báo tin đang làm thủ tục chuyển vào làm việc ở Sài Gòn. Và khi hỏi thăm về tình hình con cái gia đình, Mai Hương ngượng ngùng cho hay đã có 5 con, “ hơn hẳn thày cô chỉ có 2 công chúa nhé!”. Tôi vội mời cô học trò cũ lên căn tin ngồi uống cà phê và chuyện lai rai. Cô cho hay cô vẫn làm thơ đều đều và tính chuyện gửi đăng các báo hoặc cho in từng tập. Tôi sợ cô lại đắm chìm vào Thơ mà quên chăm lo đời sống gia đình. Tôi nhắc nhở Mai Hương nên dành thời gian lo tìm hiểu cẩn thận để hòa nhập vào môi trường mới và cũng để tìm ra phương cách kiếm tiền sao cho có thể cải thiện được cuộc sống của một gia đình quá đông con… Cô chỉ im lặng lắng nghe mà không nói gì. Tôi cũng lẳng lặng ngắm “người đàn bà đa đoan còn trẻ dại”trước mắt và thầm so sánh với cô trò nhỏ mê Văn Thơ ngày trước của tôi.
Vài năm sau thơ Thảo Phương xuất hiện đều đều trên các mặt báo trung ương và thành phố. Rồi một số bài thơ của cô được phổ nhạc và càng được phổ biến rộng, được chào đón say mê. Thơ Thảo Phương còn được Giải Ba cuộc thi thơ 1989-1990 của tuần báo Văn Nghệ - Hội Nhà Văn Việt Nam. Thảo Phương cũng trở thành hội viên của Hội Nhà Văn TP Hồ Chí Minh và Hội Nhà Văn Việt Nam. Năm 1990, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn VN xuất bản tập Thơ Thảo Phương; năm 1992, NXB Văn Nghệ TP HCM xuất bản cho cô tập thơ Bài ca buồn; năm 1993, cũng NXB này lại in tiếp tập thơ Người đàn bà do đàn ông sinh ra của Thảo Phương. Những bài thơ hay của cô được lan truyền khắp nước và Thảo Phương cũng đã chiếm được một chỗ nhỏ ấm áp trong lòng bạn đọc gần xa. Cứ mỗi lần ra sách cô lại trịnh trọng tới tìm tôi và lấy bút đề tặng thày cô những trang viết gan ruột nhất của mình. Tôi thầm kiêu hãnh về tài thơ của học trò mình song lại cố nhắc cô đừng lận đận vì thơ mà quên chăm lo con cái khi tình cảm vợ chồng đổ vỡ, hoàn cảnh kinh tế gia đình có nhiều lúc lao đao. Thảo Phương cứ còng lưng và so đôi vai gầy gánh vác cái món nợ đời của mình với sự nhẫn nhục đầy cam chịu. Lúc cô nhận làm thêm công việc ở bệnh viện này hay Phòng thí nghiệm kia, lúc theo Đoàn làm phim đi quay tận các tỉnh xa, lúc lại mở quầy bán sách báo ở sân Nhà hát nọ để kiếm thêm thu nhập từng đồng lẻ…
Thế nhưng cô vẫn say mê sáng tác thơ… Và Thơ với cô trở nên một sự Cứu rỗi, một lý do để tồn tại trong đời.
“ Thơ đến với tôi thật bất ngờ. Đó cũng là lúc tôi tưởng hết một kiếp sống. Cũng là lúc tôi đã biết yêu môn khoa học của sự sống: Sinh học – và luôn khao khát truyền đạt được tình yêu đó bằng những ngôn từ chính xác và sinh động nhất…
Tôi biết chắc : mình là kẻ may mắn khi gặp được Thơ – phương cách mà tôi muốn thể hiện được tình yêu, nỗi đau, những trăn trở trước cuộc sống và nhân tình.” ( trích Chân dung tự họa của Thảo Phương)
Càng khổ cực, càng đau đời, thơ Thảo Phương càng như bốc lửa thăng hoa :
“ Ta là biển đông – thả Người khỏi lồng ngực – Mặt trời ơi …còn lại những bụi vàng…! Ta không khóc mà suốt đời muối đọng – nhìn Người rong chơi rạng rỡ tầng không.
…Mặt trời ơi …hãy hồn nhiên mãi mãi..!
Ta là biển đông - kiêu hãnh – côi đơn
Ta là biển đông –
Yêu Người đến xanh rờn…” ( Gửi mặt trời)
Và người đàn bà câm lặng, người đàn bà côi đơn kia trong cuộc sống ngổn ngang oan trái và khốn khổ cứ thu mình vào để phát hiện ra những điều sâu thẳm rờn rợn của thiên nhiên :
“… Tiếng chuông vàng nhạt
Khẽ buông
Nhẹ như chiếc lá mặt đường đậu êm…
Thôi ..!
Đừng nhặt lên –
Để yên chiếc lá với niềm ưu tư
Tiếng chuông tan tự bao giờ
Bàn tay níu giữ sững sờ -
Bàn tay…
Ta quỳ bên chiếc lá này
Nghe trong run rẩy những ngày xa xưa…” ( Lá thu )
Những câu thơ Thảo Phương cứ tự nhiên vụt hiện, và cô đã trở thành một nữ phù thủy tài hoa và điêu luyện biết thật nhiều ngón nghề xử lý các câu chữ thần kỳ. Tôi thật lòng tin rằng tài năng Thơ của cô đã tới độ chín khiến tiếng lòng cô cứ rung ngân như hồi chuông nhà thờ gọi con chiên về với Chúa những buổi chiều buông. Tôi nghe cô tâm sự chẳng khác nào một thi hào phương Tây trong Thời kỳ Phục Hưng đầy Ánh Sáng :
“ Mỗi bài thơ là một khoảnh khắc vụt đến . Là điểm ngưng kết của những gì xa xưa và sâu thẳm – có thể vốn rất ngẫu nhiên và rởi rạc. Và thơ được quy định bởi một mặt bằng trí thức và văn hóa mà ta đã góp nhặt với nhu cầu tự nhiên cho tới phút đó. Cộng với “một chút gì nữa” – thật huyền diệu – và ngoài ta… Nó cho ta câu đầu và dắt ta tới câu cuối , không cho ta cưỡng lại.”
Tuyên ngôn này của Thảo Phương khiến tôi nhớ tới những nhận xét về THI HỨNG của Max Jacob, một nhà thơ Pháp gốc Do thái sống trong nửa cuối thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20, ông đã viết như sau : “ Thi hứng là sự dịch chuyển, từ thế giới này sang thế giới khác, từ đất lên trời, hoặc từ vùng trời này tới vùng trời khác. Thi hứng không phải là nguồn hơi nóng của tinh thần : một đàng sinh ra sự xảo ngôn hùng biện, một đàng là một sức mạnh lạnh lùng tự chuyển dịch…”
Tôi nghĩ rằng cô học trò xưa của mình nay đã trưởng thành, cất cánh bay cao, vươn tới được tới nơi chót đỉnh của tâm hồn và trí tuệ của những tài năng thơ thiên phú… Tôi còn nghe các học trò cũ của mình từ Hà Nội báo tin vào rằng “nhà thơ Thảo Phương” đã ngất ngây trong hạnh phúc khi Thơ cô được chuyển ngữ nhiều bài và được xuất bản thành tập thơ song ngữ nhằm vươn xa khỏi biên giới Việt Nam. Rồi lại có tin cô “võng lọng vinh quy” quê cũ Hà Nội và bỏ tiền lo tổ chức cả một đêm đọc thơ, ngâm thơ và ca hát thơ mình (với những bài được các nhạc sĩ tài hoa phổ nhạc) tại Nhà hát lớn thành phố… Trong cơn say chuếnh choáng với thành công, cô học trò khốn khổ của tôi đã hầu như vung hết số tiền dành dụm được rất có hạn của mình, một số tiền mà gia đình cô có thể rất cần để chi tiêu trong lúc đó!
Tôi biết cái “máu nghệ sĩ” trong cô lại đang bừng dậy. Cô lao vào thơ say đắm khôn cùng. Còn cuộc sống gia đình cô thì dường như cứ lụn bại dần vì Thơ không giúp đẻ ra tiền và thực tiễn hàng ngày khắc nghiệt “cơm áo không đùa với khách Thơ”!
Trong cơn quay cuồng chóng mặt của cả nước giã từ nếp sống cũ với thói quen bao cấp và coi trọng tinh thần hơn vật chất, một cuộc ganh đua mới để chiếm lĩnh thị trường, để chụp giựt làm giàu…đã khiến mọi giá trị bị đảo lộn. Các tập thơ in ra trở thành những “con họa mi im tiếng hót” xếp hàng trên giá sách đầy bụi của các cửa hàng không mong chờ trông gì ở đám độc giả thờ ơ. Người ta chỉ sôi sục tìm đọc những tập truyện huê tình ướt át, những chuyện cọ xát xác thịt, những cuốn sách dạy yêu đương, làm giàu, coi tướng số, những chuyện võ hiệp, quỷ ma hay những truyện trinh thám, điều tra hình sự…
Cả một đất nước cứ nôn nao kiếm tiền, bày đặt các lễ hội mê tín dị đoan và phơi bày bao dục vọng trơ trẽn trong khi cô gái - nhà thơ Thảo Phương vẫn sống trong nghèo nàn đơn sơ và mơ mộng cao xa. Cô đã đi lạc trước cuộc đời này:
“ Những trái táo chín hoài – không rụng
Thơm vào đêm –
Từ một bài ca…
Tiếng còi tầu ra đi - chập choạng
Còn lại đêm
Còn lại
Mình đêm…” ( Đêm)
Và Thảo Phương thật sự đã trở thành một “nàng Scarlett bị bỏ lại giữa rừng” trong cái xã hội đang chuyển mình theo cơ chế thị trường một cách thật “rừng rú” :
“Nàng Scarlett bị bỏ lại giữa rừng
Nhấc tà váy đung đưa bước một
Đất cô đơn lắng tiếng chân nàng bước
Về cội nguồn
Nàng Scarlett bị bỏ lại
Lắc mái đầu cho bông tai leng keng
Vâng –
hãy mặc em…
Dẫu đường về xa lắm...!
Chàng giang hồ khuất bóng hoàng hôn” ( Nàng Scarlett)
Mệt mỏi trong cuộc sống, vất vả và cô đơn gánh vác cả một gia đình không có người đàn ông hỗ trợ, Thảo Phương càng quay quắt buồn chờ đợi và càng chìm ngập vào nỗi đau đến tận cùng. Cô nhìn cuộc đời mệt nhoài mà ngao ngán :
“ Người đàn bà chờ đợi – những cơn mưa không làm dịu cõi lòng – mặt trời lên chậm chạp – nắng mệt nhoài trong nỗi chờ mong.
Người đàn bà chờ đợi – những bước chân chập choạng lối mòn – gió bỗng thành xa lạ - thổi điên cuồng trên những ngón tay thon.
Người đàn bà chờ đợi – đi một mình trên lằn rạch hoàng hôn – hoàng hôn hồn hoang vắng – trắng chân mây một tiếng vọng trầm buồn…” ( Người đàn bà chờ đợi)
Trong đau khổ ngập tràn, trong bơ vơ khắc khoải, trong nỗi chờ đợi mơ hồ và tuyệt vọng, Thơ của Thảo Phương đã thống thiết dự báo lên những kết thúc bất ngờ :
“ Ta đã chết và tan cùng số phận
Chút hình hài tuyệt vọng xa xưa
Ta đã chết và lẽ ra – hạnh phúc
Hết khổ đau…
Nhẹ bỗng – nhởn nhơ ! ( Người đàn bà do đàn ông sinh ra)
Cái điều dự báo oan nghiệt kia đã trở thành hiện thực cũng không ngờ. Trong một dịp cả gia đình chúng tôi đang vui vẻ quây quần nghỉ mát bên bờ biển Sanur của hòn đảo Bali “thiên đường du lịch” của thế giới, tôi bỗng nhận được hung tin Mai Hương – Thảo Phương đã đột ngột đi xa. Cái tin đến bất ngờ làm tôi choáng váng! Có lẽ nào cô học trò mảnh mai bé nhỏ của tôi, người đàn bà đa đoan và đau khổ mỏi mòn trong chờ đợi kia đã mất? Một vì sao thơ vụt hiện và vụt tắt, cớ gì Thượng đế lại đối xử quá bất công khi bầu trời thơ Việt Nam ngày càng thiếu vắng những ngôi sao?!
“ Dường như ai đi ngang cửa
Hay là ngọn gió mải chơi
Chút nắng thu vàng se nhẹ
Chiều nay –
Cũng bỏ ta rồi
Làm sao về được mùa đông
Chiều thu – cây cầu
Đã gẫy…”
Những lời thơ của em trong bài thơ “ Không đề gửi mùa đông” được Phú Quang phổ nhạc vẫn cất lên trong dàn máy của tôi trên bãi cát mịn biển Bali thơ mộng chiều nay. Thế nhưng cô học trò nhỏ và nhà thơ tài hoa kia đã bỏ tất cả mọi người thương yêu và mến phục để đi tới Nước Trời. Tôi chợt cay cay mắt và rơi những giọt lệ khóc em, một cô gái tự nguyện mang trên vai Thập giá. Và tôi đã về lại thành phố Hồ Chí Minh để lẳng lặng thắp một nén nhang cho cô học trò tài hoa, đau khổ.
Mai Hương ơi, Thảo Phương ơi ! Thấm thoắt em ra đi đã gần hai năm rồi. Thơ em vẫn còn đang in hằn nóng hổi trong lòng người đọc Việt Nam. Và những dòng viết này cũng chính là một bó nhang trầm thơm nhất mà thày giáo cũ của em đang mồi lửa để thắp lên tặng riêng em, người học trò tài hoa và vắn số yêu quý nhất của Thày…
( TP.HCM tháng 5/2010)
Lại nhớ về Nguyễn Mạnh Hùng – Hòa Vang, nhà văn giàu trí tưởng tượng và rất hoạt ngôn.
Bút tích của Mai Hương – Thảo Phương