Không những nước Anh mà thế giới cùng trầm trồ về người trẻ nhất từ gần 200 năm nay của nước này vừa lên làm thủ tướng. Ông David Cameron bước vào tuổi 43 đã đứng đầu một chính phủ của nhóm G7, tức các cường quốc công nghiệp thật sự, điều ấy không phải dễ.
Càng không đơn giản khi chúng ta biết rằng các đảng phái chính trị của nước này một khi tranh cử để giành quyền lực đều vô cùng quyết liệt, không ai nhường ai đâu. Nên Cameron đã trở thành một hiện tượng chính trị nổi bật của Vương quốc Anh.
Điều đáng nói hơn là ông thủ tướng Cameron chỉ mới là nghị sĩ quốc hội, bắt tay công việc lập pháp mới từ năm 2001. So với nhiều chính khách lão luyện khác khi bước được vào một chức vụ chủ chốt của quốc gia, ông Cameron mới như một anh lính trẻ trong nghề chính trị thực sự.
Dĩ nhiên trước đó ông đã gia nhập đảng Bảo thủ, tham gia mảng quan hệ công chúng của một công ty truyền hình Anh. Vậy thôi.
Thế mà qua tổng tuyển cử, đảng của ông đã về nhất nước Anh. Phe đảng đang cầm quyền không liên minh được với đảng về thứ ba để lập chính phủ mới trong khi đảng ông Cameron lại nhận được sự hợp lực này, nên ông đánh bật được thủ tướng đương nhiệm.
Một trò chơi chính trị, đúng là một trò chơi, nhưng cứ đúng luật là được tôn trọng.
Nhưng có thể điều đáng nói nhất ở ông Cameron là ông đã được “đào tạo rất cơ bản” để làm chính trị ở Anh - một quốc gia giàu mạnh và dân chủ.
Ngay từ nhỏ ông được học tại một trong những trường tư truyền thống nhất của Anh quốc rồi sau đó vào đại học Oxford lừng lẫy danh tiếng. Nhận được mảnh bằng loại ưu ngành chính trị, triết học và kinh tế ở đây.
Nên nhớ nhiều tổng thống, thủ tướng không những của Anh mà của nhiều nước trong Liên hiệp Anh (gọi là khối Commonwell-Thịnh vượng chung) như Ấn Độ, Úc Đại Lợi… thường là qua ngôi trường này học hành. Đủ thấy đấy là những điểm cộng điểm son của một nền giáo dục chuyên nghiệp và chất lượng cao “thật sự” chứ không phải loại các trường chỉ thích hô hào khẩu hiệu.
Biết đây là chuyện của nước người ta nhưng tôi cứ nghĩ ngợi vẩn vơ…
Những cơ hội cho người trẻ ở nước người ta là vậy. Ở Mỹ ở Anh và nhiều nước Tây Âu khác là như vậy. Giới tinh hoa được đào tạo rèn luyện trong những môi trường hoạt động đầy tính chuyên nghiệp. Và nhất là luôn cạnh tranh ghê gớm. Có như thế mới có thể xuất hiện được các hiện tượng đột xuất, không nói là kỳ lạ đến như vậy.
Những kẻ giỏi thật, là tinh chất thật của sự sàng lọc xã hội thì mới có cơ thắng trong cuộc ganh đua. Mà giỏi thật thì không hẹn ngày hẹn tuổi. Và nhất là không tính điểm về gốc gác xuất xứ giai cấp thành phần – trong khi thực chấtcác sự xếp sắp quy định này đến nay cũng khá là mờ nhạt, phân một ai rạch ròi là thành phần nguồn gốc này nọ e là khiên cưỡng trong một xã hội hiện đại và đang chuyển động dữ dội.
Như trường hợp Obama ở Mỹ, người tổng thống quyền lực nhất thế giới này thắng cử đâu có nguồn từ con nhà quyền thế. Trái lại ông chỉ là một người gốc da màu của cha ông từ châu Phi đen.
Có được những điều đó bởi bên các nước người ta là phổ thông đầu phiếu, là bầu cử tự do. Sự lựa chọn của người dân là công khai. Người thắng cử phải chịu sự sàng lọc khắt khe bằng lá phiếu của cử tri. Các xu hướng chính trị khác nhau không hề cản trở gì tới cách bầu và sự thắng cử của các ứng viên. Mà giành lá phiếu ở các quốc gia đó không hề dễ dàng, bởi mặt bằng dân trí của các nước họ đâu có tồi.
Còn ở chúng ta, như nhiều vị từng trong cơ chế quyền lực một thời đã nói và viết công khai trên các phương tiện truyền thông chính thức của ta cho thấy công tác tổ chức cán bộ vẫn còn ì ạch và theo lối mòn lối cũ. Nên ít khi xuất hiện những trường hợp nhân tài đột biến trong nghề hoạt động chính trị.
Cũng nên nghĩ một cách nghiêm túc qua những trường hợp thắng cử của Anh vừa rồi và các trường hợp thắng cử ở các nước khác trên thế giới.
Nghĩ để rút kinh nghiệm và cải tiến đổi mới trong các hoạt động của xã hội chúng ta chứ không vì mục đích gì khác.
Nguyễn Vĩnh
Nguồn: http://vn.360plus.yahoo.com/nguyenvinh-nguyenvinh/article?mid=1325&prev=-1&next=1319