Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VĂN HỌC THỊ TRƯỜNG: SÁCH HAY VÀ SÁCH BÁN CHẠY- TỪ GÓC NHÌN VĂN HÓA

Bùi Việt Thắng
Thứ ba ngày 25 tháng 10 năm 2016 6:20 AM




Kết quả hình ảnh cho Sách văn học

DẪN NHẬP

Đọc (hiểu là sự cụ thể hóa sự tiếp nhận) là một hành động sáng tạo, nó là một “tương liên” giữa người sáng tác và người tiếp nhận. Đang có những thay đổi quan trọng trong “cấu trúc người đọc”. Theo chúng tôi đó là sự phân tầng, hay gọi khác đi là có nhiều lớp/nhóm độc giả (họ chính là những fan trung thành với tác giả này hay khác trong một thời gian dài). Mỗi lớp/nhóm người đọc gần nhau về những điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội, tâm lý, thậm chí là thói quen sinh hoạt thường ngày. Có nhà nghiên cứu đã phân chia ra độc giả cổ điển - người đứng ngoài tác phẩm - và độc giả hiện đại - người đứng trong tác phẩm (Đỗ Lai Thúy: Khi người đọc xuất hiện, trong sách Người đọc và công chúng nghệ thuật đương đại, Nxb ĐHQG-HN, 2011, tr.17). Thật ra quan điểm này không phản ánh được đặc tính của người đọc văn chương từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây. Người đọc bao giờ cũng đóng vai trò đồng sáng tạo trên cơ sở đồng cảm, dẫu cho là tự phát hay tự giác. Tuy nhiên sự đọc cũng không phải là một phạm trù bất biến. Nó có thể thay đổi theo những điều kiện khách quan và chủ quan. Bây giờ khi bàn về sự đọc nhất thiết chúng ta phải quan tâm đến vấn đề cạnh tranh giữa văn hóa đọc và văn hóa nghe nhìn. Thứ nữa, sự đọc cần thiết được đặt trong bầu khí quyển của cơ chế kinh tế thị trường. Văn hóa đọc có trước, bền vững trong khi văn hóa nghe nhìn có sau nhưng có sức áp đảo, cạnh tranh quyết liệt, ngày càng chiếm lĩnh thị phần tinh thần không chỉ ở Việt Nam mà hiện diện khắp nơi trên thế giới. Sáng tác văn chương từ chỗ vô tư, không vụ lợi đến có tính đến hiệu quả lao động nghệ thuật (nhuận bút, giải thưởng).

Văn học trong cơ chế thị trường không thể không ảnh hưởng đến sự đọc của công chúng nghệ thuật. Văn học trong cơ chế thị trường cuối cùng không tránh khỏi ảnh hưởng của cái gọi là “văn hóa đại chúng” (gắn với sự phát triển của các phương tiện truyền thông, gắn với nhu cầu giải trí chính đáng, đến trình độ kinh tế của quảng đại công chúng nghệ thuật). Văn hóa đại chúng trong cơ chế kinh tế thị trường không hề cào bằng các giá trị như ai đó lầm tưởng. Nó vẫn dành một khoảng rộng cho các giá trị tinh tuyển trong khi ưu tiên cho văn hóa bình dân, phổ thông. “Văn hóa đại chúng” là một nền văn hóa “cho mọi nhà, cho mọi người”. Chúng ta hãy học hỏi kinh nghiệm của người Mỹ làm thương mại nghệ thuật, phục vụ văn hóa đại chúng, tiêu biểu là Kinh đô Điện ảnh Hollywood.

Thực tiễn văn chương đương đại Việt Nam (từ sau năm 1975, đặc biệt những năm đầu thế kỷ XXI) gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ về tình trạng sách văn chương cổ điển lại bị ngưng đọng trên các giá sách trong khi nhiều loại sách “tầm tầm” khác lại xuất hiện như nấm mọc sau mưa, nhảy múa và bá chủ thị trường sách. Vì sao? Từ đâu? Ít khi chúng ta chịu khó suy ngẫm, lại đi lật lại vấn đề. Hoặc giả chúng ta chấp nhận theo lối lập luận “thị trường có thể điều tiết tất cả”. Một dẫn chứng chung nhất làm minh họa: Hồi ký và tự truyện đang rất “bắt mắt” người đọc, số lượng in rất lớn, thị phần rất rộng. Vì sao? Chúng ta không thể lảng tránh thực tế, lại càng không thể tỏ thái độ như con cáo trong truyện ngụ ngôn Con cáo và chùm nho của Ezop. Nhu cầu thể hiện cái “tôi” trong đời sống xã hội đang trở nên bức thiết. Thậm chí có tác giả như Đoàn Cầm Thi còn cố giật tít sách Đọc tôi bên bến lạ (Nxb Hội Nhà văn, 2016). Nếu nhìn theo con mắt của nhà kinh tế thì sách văn chương, suy cho cùng, cũng là một thứ hàng hóa. Nhưng là một hàng hóa đặc biệt - hàng hóa tinh thần. Nhưng dẫu sao cũng phải tuân thủ quy luật thị trường (liên quan đến chuyện giá cả, bán - mua).

Có một thực tế là sách hay thường không bán chạy, trái lại sách bán chạy thường không phải là sách hay. Nhưng thực tế cho thấy không loại trừ hiện tượng sách hay là sách bán chạy cũng như sách bán chạy là sách hay. Nhưng những trường hợp như thế tỏ ra hiếm hoi trên văn đàn và thị trường sách hiện nay.

QUAN NIỆM SÁCH HAY

Có rất nhiều cách nói về sách hay. Nói theo cách của các nhà lý luận thì sách hay trước hết thuộc các giá trị cổ điển - những kiệt tác, những cuốn sách “gối đầu giường”. Đó là những kiệt tác. Người đọc cả thế giới đã từng say mê như nuốt từng trang sách tiểu thuyết Don Quixote (Đông Ky Sôt) của văn hào Cervantes người Tây Ban Nha. Đó là cuốn tiểu thuyết hay nhất mọi thời đại. Trong văn chương Việt Nam đó là thơ Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Tú Xương…Và đặc biệt là kiệt tác Truyện Kiều bất hủ của đại thi hào Nguyễn Du. Sang thời hiện đại là những kiệt tác của Vũ Trọng Phụng (Số đỏ), Nam Cao (Chí Phèo), Nguyễn Tuân (Vang bóng một thời), Nguyên Hồng (Bỉ vỏ), Thơ mới (1932-1945)….Trong văn chương đương đại Việt Nam những truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu (người được tấn phong là “người mở đường tinh anh” cho phong trào đổi mới văn chương Việt Nam sau năm 1975) như Cỏ lau, Bến quê, Chiếc thuyền ngoài xa, Khách ở quê ra, Bức tranh…Sinh thời nhà văn Nguyễn Kiên có lần, vào giữa những năm chín mươi thế kỷ trước, nói đại ý, sáng tác của Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp có thể chuyển giao cho độc giả thế kỷ hai mốt. Sách hay luôn đáp ứng được các tiêu chí Chân - Thiện - Mỹ bền vững. Nó là sách đọc liên thế hệ - liên thời đại. Nó không nhất thời (không có “thời”), không thời trang, thời thượng, thời vụ. Sách hay là những “món ăn tinh thần” bổ dưỡng tăng thêm sức mạnh cho con người, ngày càng nhân ái hơn, cao thượng hơn, hào hiệp hơn. Sách hay là người bạn đường, tri âm tri kỷ của độc giả không phân chia sắc tộc, biên giới. Nhưng có một thực tế đáng buồn là hiện nay sách hay thường không bán chạy, số lượng in ra mỗi lần không quá 1.000 bản. Nhưng cần phải hiểu sách hay là các giá trị “tinh tuyển”. Một dân tộc cần có những “tinh hoa” như thế trên các lĩnh vực nghệ thuật, trong đó có văn chương.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa trong một lần trả lời phỏng vấn “Thế nào là một cuốn sách hay?” đã nhấn mạnh thuộc tính của một cuốn sách hay là “giản dị - xúc động - ám ảnh. Là bởi cái Đẹp chính là sự giản dị. Cái Đẹp không chấp nhận màu mè, nước sơn theo lối hoa mỹ, bề ngoài. Quy luật của văn học nghệ thuật là quy luật tình cảm. Tác phẩm nghệ thuật thành công có thể làm cho người ta có thể khóc, cười cùng nhân vật và cảnh ngộ. Một tác phẩm hay ám ảnh khiến người đọc khó thoát khỏi nó. Những ám ảnh nghệ thuật mà nó gieo vào tâm trí người đọc có thể neo lại dài lâu trong ký ức nhiều thế hệ. Nỗi buồn chiến tranh (Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, 1991, với tên ban đầu Thân phận của tình yêu) của Bảo Ninh là một minh chứng về một cuốn sách hay. Cuốn sách đã “đổ bộ” vào Mỹ, Nhật Bản, Thụy Điển, Hàn Quốc, Trung Quốc… (vốn được coi là những thị trường văn chương khó tính nhất). Thông tin mới nhất: năm 2015, Nỗi buồn chiến tranh đã được dịch sang tiếng Trung Quốc bởi nhà văn Hạ Lộ, và phổ biến ở lục địa hơn 1,3 tỷ dân. Nhà văn Diêm Liên Khoa trong bài Tầm cao của văn học chiến tranh phương Đông (Về Bảo Ninh và “Nỗi buồn chiến tranh”) đã xác quyết: “Nghiền ngẫm Nỗi buồn chiến tranh với tư cách là một tiểu thuyết chiến tranh phương Đông trong bối cảnh văn học thế giới, không nghi ngờ rằng, so với dòng văn học chiến tranh mà chúng ta có thể đọc được ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ; Nỗi buồn chiến tranh đánh dấu một tầm cao của một thứ văn học mới. Một tác phẩm cực hiếm của một nhà văn châu Á phương Đông, hiếm có trong những miêu tả, nhận thức, phê phán thẩm mỹ đối với chiến tranh, hiếm có trong những lý giải và tình yêu đối với con người, những suy tư về nhân tình, hiếm cả trong biểu đạt nghệ thuật - một phương diện cá tính nhất, quan trọng nhất đối với nhà văn” (Nhiều tác giả: Thế hệ nhà văn sau 1975, Nxb Hội Nhà văn, 2016, tr. 433). Viết hay về chiến tranh chính là chạm đến được “mẫu số chung của nhân loại”. Như thế, thêm một nhận thức của chúng ta về sách hay - chạm được đến “cái nhân loại”. Vì những nỗi đau khổ này không của riêng ai. Tính đến nay, sau 25 năm nhận giải thưởng, Nỗi buồn chiến tranh đã được tái bản nhiều lần tại các nhà xuất bản trong nước, được in bằng nhiều thứ tiếng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Một cuốn sách hay thuộc hàng “đỉnh cao” như thế là còn hiếm trong văn chương Việt Nam. Và nó bán chạy. Cũng là một hiện tượng hi hữu.

Nhưng liệu sách hay có thể đồng thời có thể là sách bán chạy? Rất có thể. Xin nêu vài ví dụ cụ thể để tránh việc “bình luận” chung chung. Tiểu thuyết tư liệu - lịch sử Biên bản chiến tranh 1.2.3.4-75 của nhà báo - nhà văn Trần Mai Hạnh, (Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, năm 2014; Giải thưởng văn học Đông Nam Á, năm 2015), trong vòng hơn 2 năm đã in đến lần thứ tư với số lượng 15.000 bản (lần gần nhất quý II/2016, in 5.000 bản). Lần đầu tiên nhà xuất bản Chính trị quốc gia in sách văn chương và thành công. Một cuốn sách khác có cái nhan đề rất gợi Quân khu Nam Đồng của tác giả Bình Ca, do nhà xuất bản Trẻ ấn hành, chỉ trong vòng 6 tháng đã in đến lần thứ ba với số lượng 2000 cuốn/lần. Đó là con số biết nói. Là niềm mơ ước của những người viết văn khi tác phẩm của mình được quảng bá. Mấy khi độc giả gặp được một cuốn sách hay “một cuốn sách khiến ta khó rời mắt trước khi lật đến trang cuối cùng”. Tiểu thuyết Hồ Quý Ly (Giải thưởng hạng A Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ I, 1998-2000, của Hội Nhà văn Việt Nam) của Nguyễn Xuân Khánh được in bởi nhà xuất bản Phụ nữ, đến nay đã tái bản 10 lần (mỗi lần 1.000 bản). Một cuốn sách dày gần 1.000 trang, giá không hề rẻ nhưng được tiêu thụ là một bằng chứng về sách hay có thể là sách bán chạy. Tiểu thuyết Thời xa vắng của Lê Lựu (Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, năm 1987) đã được tái bản nhiều lần ở các nhà xuất bản khác nhau. Một tác phẩm hay đến mức nhân vật chính Giang Minh Sài đã đi vào đời sống thành một cái tên để chỉ những người đàn ông yếu kém, lệ thuộc, méo mó và tha hóa. Trong văn chương hiện đại Việt Nam những cái tên có ý nghĩa biểu trưng vẫn còn rất hiếm như Chí Phèo, Thị Nở, Bá Kiến, Nghị Hách, Chị Dậu,…Mãi mấy chục năm sau mới bổ sung thêm chỉ được một Giang Minh Sài.

Nguyễn Huy Thiệp là một hiện tượng về “sách hay là sách bán chạy”. Ông viết đủ các thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch, chèo, phê bình. Nhưng thành tựu văn chương nổi bật của ông chính là truyện ngắn. Từ năm 1995 đến nay hầu như ông không viết truyện ngắn (chuyển tay viết kịch, tiểu thuyết, chèo). Các nhà xuất bản in đi in lại truyện ngắn của ông theo các tập khác nhau. Có một Công ty Văn hóa phía Nam đã mua bản quyền của nhà văn với mức giá 500 triệu đồng VN. Với đồng lương hưu èo uột nhưng nhà văn sống được nhờ nhuận bút tác phẩm (cả ở trong và ngoài nước). Cả trong nước và ngoài nước đang có một hội chứng “đi tìm Nguyễn Huy Thiệp”. Trong văn học Việt Nam đương đại hiếm có nhà nào mà hào quang đi kèm lợi ích văn chương lại lừng lẫy, thiết thực đến như thế.

Nguyễn Nhật Ánh là một hiện tượng của cái gọi là “sách hay” là “sách bán chạy”. Tác phẩm mới nhất của ông Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng in lần đầu 100.000 bản, nhuận bút tác giả nhận được lên tới 1 tỷ đồng. Đó là một kỷ lục “xưa nay hiếm”. Bí quyết nào với Nguyễn Nhật Ánh? Theo tôi, nhà văn đã xông vào một trận địa để trống - sách viết cho thiếu nhi bởi nhà văn Việt Nam - ở đó ông làm chủ, không có đối thủ cạnh tranh (hay nói cách khác có nhưng không đủ mạnh). Thứ hai ông nắm vững tâm lý trẻ nhỏ. Ai đó nói đúng, càng cao tuổi càng dễ chiêm nghiệm về tuổi thơ hơn khi còn đầu xanh tuổi trẻ. Thứ ba là kỹ xảo văn chương. Ai đó nói rằng chỉ cần một tấm lòng với trẻ thơ là không đủ. Vẫn cần cái ta gọi là hình thức: giản dị, trong sáng, văn phong hoạt, vui tươi và dí dỏm, chơi mà học, thấm thía nhẹ nhàng. Kinh nghiệm của Nguyễn Nhật Ánh viết cho thiếu nhi thành công là tránh xa giáo huấn, giáo điều, giáo khoa. Viết theo phương châm “chơi mà học học mà chơi”.

Người ta vẫn nói về “cái chết của thơ ca” trong cơn bão kinh tế thị trường và văn hóa đại chúng. Nhưng trong thực tế không đáng bi quan như thế. Năm 2015 nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã ra mắt trường ca Biển mặn (do nxb Hội Nhà văn ấn hành) với số lượng 5.000 bản, đến nay đã bán hết. Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến một năm 2015 in liền hai tập thơ Tổ quốc nhìn từ biển và Hoa hồng không vỡ (do nxb Phụ nữ ấn hành) vẫn bán chạy. Vì sao? Những trường ca, tập thơ này đã chạm được vào “mẫu số chung” của dân tộc, đất nước, nhân dân - lòng tự hào, tự cường về chủ quyền thiêng liêng, tình cảm dâng tràn với đồng bào cùng con Rồng cháu Tiên. Xưa chúng ta tựa vào Trường Sơn đánh giặc, nay lại hướng ra biển để giữ gìn cương giới.

QUAN NIỆM SÁCH BÁN CHẠY (Best-seller)

Sách bán chạy phù hợp với cơ chế thị trường. Thị trường có “cung” và “cầu”. Thị trường tuân theo quy luật hàng hóa. Thị trường đề cao người tiêu dùng, ở đây là công chúng nghệ thuật, những “khách hàng là Thượng Đế”. Sách bán chạy được hiểu trước hết là sách đáp ứng nhu cầu giải trí của quảng đại công chúng. Trước đây do cái nhìn hạn hẹp và khô cứng chúng ta chỉ dồn ép văn học nghệ thuật nói chung, văn chương nói riêng, vào 3 chức năng đóng băng (nhận thức, giáo dục và thẩm mỹ). Nay chức năng giải trí được coi là quan trọng. Sách bán chạy còn thường là sách chạm đến những vấn đề thuộc phạm vi “nhạy cảm” trong đời sống xã hội trên tất cả các lĩnh vực chính trị, xã hội cũng như đời sống cá nhân con người. Những vấn đề nhạy cảm này trước đây thuộc về vùng cấm, kiêng kỵ, thậm chí húy kỵ.

Gần đây sách bán chạy là những sách nhạy cảm về những vấn đề chính trị - xã hội như Chiều chiều, Ba người khác của Tô Hoài, Thượng Đế thì cười của Nguyễn Khải, Ác mộng của Ngô Ngọc Bội, Nước mắt một thời của Nguyễn Khoa Đăng, Ly thân của Trần Mạnh Hảo, Thời của thánh thần của Hoàng Minh Tường, Những mảnh đời đen trắng của Nguyễn Quang Lập, Thiên sứ của Phạm Thị Hoài, Sóng lừng của Triệu Xuân, Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu. Gần đây hơn là những Đại gia của Thiên Sơn,… Những cuốn sách này được viết theo cách mà nhà văn gọi là “nhúng tay vào sự thật”. Độc giả có cái tâm lý muốn được qua văn chương lật lại cái sự thật mà lâu nay có thế vì rất nhiều lý do khác nhau nên thiếu thông tin. Nói cách khác là độc giả thiếu thông tin sự thật. Sách bán chạy “điểm huyệt” đúng nhu cầu nhận biết sự thật trong tính toàn vẹn của nó. Ở đây có một tâm điểm xã hội chính trị - Cải cách ruộng đất, dẫu đã lùi xa hơn nửa thế kỷ nhưng dường như chưa có tác phẩm nào làm vừa lòng độc giả hôm nay vốn có nguyện vọng tìm về sự thật. Trong khi chưa có những tài năng văn chương lớn thì nếu nhà văn chỉ cần tiếp cận được sự thật, viết trung thành về sự thật thì coi như đã đảm bảo cho tác phẩm thành công. Và sẽ tạo nên một cuốn sách bán chạy. Và nếu có cơ duyên thì sẽ là một cuốn sách hay.

Những sách viết về đời sống tình dục, về đời sống bản năng, về tất cả những gì thuộc về “bản thể” (đồng tính nam/nữ, chuyển giới, thế giới thứ ba,…). Đã trở nên “xôm trò” là những Sợi xích của Lê Kiều Như, Bóng của Nguyễn Văn Dũng, Không lạc loài của Nguyễn Thành Trung, Song song của Vũ Đình Giang, Thân xác của A Sáng, Lạc giới của Thủy Anna,..Vì sao những sách này bán chạy? Có thể nó đáp ứng một nhu cầu tự nhiên của độc giả muôn khám phá những vùng miền chấp chới sáng tối trong bản năng con người theo cái triết lý “tất cả những gì gần gũi với con người đề không xa lạ với tôi” chăng? Cũng có thể nó đáp ứng một tâm lý “tự sướng” của con người thời hiện đại, khi cái “tôi” được đề cao, phát huy, bành trướng. Khi con người muốn sống hết cái bản năng của mính thì những loại sách như thế vẫn còn ‘chợ”.

Hồi ký, tự truyện “bạch hóa” đời tư của các văn nghệ sỹ như Lê Vân yêu và sống (Lê Vân kể, Bùi Mai Hạnh chấp bút), in lần đầu 8.000 bản. Một đời giông bão (Thương Tín kể, Đinh Thu Hiền chấp bút), in lần đầu 10.000 bản, Ái Vân với Để gió cuốn đi,…đang là những cuốn sách rất “bắt mắt” với “phổ” độc giả rất rộng. Có thể công chúng thời nay thích những chuyện hậu trường, thậm chí phòng the của các nhân vật, những người của công chúng (đa số là các nghệ sỹ). Đó là một nét tâm lý tò mò của con người nói chung, đặc biệt mạnh ở người Việt Nam thời nay.

Sách văn chương trinh thám đang “tái xuất giang hồ” và trở thành “sách bán chạy”. Vì sao? Độc giả thích đọc những sách giải trí nghiêng về những chuyện gây cấn, hồi hộp, li kỳ và hấp dẫn. Sách truyện trinh thám trước đây bị xếp vào ô “cận văn học”, thậm chí có khi bị coi là thấp kém. Thật là oan uổng cho sách văn chương trinh thám. Lâu nay ta vẫn phải nhập khẩu loại này để thỏa mãn độc giả từ E. Poe (Mỹ) đến Conan Đoilơ (Anh). Nay đã có một lớp nhà văn trẻ Việt Nam dấn thân vào văn chương trinh thám như Dili với Trại hoa đỏ và Câu lạc bộ số 7, Nguyễn Đình Tú với Phiên bản, Hoang tâm, Nguyễn Xuân Thủy với Sát thủ online, Có tiếng người trong gió, Trần Nhã Thụy với Những đứa trẻ mắc zịch, Phong Điệp với Vực gió, Tống Ngọc Hân vơi Huyết ngọc, Đào Trung Hiếu với Bão ngầm,…Không phải vô cớ mà có cái gọi là Hiệp hội các nhà văn thế giới viết truyện trinh thám được thành lập năm 1989 tại Mexico. Hữu Mai, tác giả Ông cố vấn, là người đầu tiên trong số các nhà văn Việt Nam trở thành thành viên của Hiệp hội Quốc tế này. Sách văn chương trinh thám là có tiền đồ. Vì sao? Công chúng hiện đại có nhu cầu cao, phong phú, đa dang về các món ăn tinh thần. Hơn thế trong cuộc sống hiện đại, con người chịu quá nhiều áp lực và kết quả là stret gia tăng. Để giải tỏa stret, cần có giải trí, trong đó trinh thám là một phương cách. Cũng tương tự thể loại phim hành đông (tỷ như Điệp viên 007) rất bắt mắt khán giả, đặc biệt là những “bộ phim bom tấn”. Không lạ gì khi gần đây trên màn ảnh nhỏ công chiếu những bộ phim thuộc seri “Cảnh sát hình sự” lại thu hút khán giả.

Sách bán chạy của tác giả trẻ hướng tới độc giả trẻ. Nói theo cách của giới lý luận, phê bình văn học thì mỗi thế hệ cần có nhà văn - người phát ngôn - của mình. Có lẽ các tác giả trẻ ngày nay rất ít khi đọc Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Tô Hoài, Nguyên Hồng,…dẫu cho họ là những nhà văn lớn trên văn đàn dân tộc thời hiện đại (nếu có đọc, theo tôi, thì họ đọc chỉ để thi hồi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông). Theo tư liệu của nhà nghiên cứu văn học Võ Văn Nhơn –Nguyễn Thị Phương Thúy (công bố trong bài viết Văn học thị trường ở TP. Hồ Chí Minh, in trên tạp chí Nghiên cứu văn học, số tháng 9 năm 2015), ta biết các tác giả trẻ nói chung, đặc biệt ở TP. HCM đang chiếm lĩnh thị trường sách văn học (theo cách nói dân dã thì đó là những “chợ sách”?!). Theo đó chúng ta biết đến một số “hiện tượng xuất bản” có thể gọi là “xưa nay hiếm”. Chẳng hạn tác giả trẻ Anh Khang với tác phẩm đầu tay Ngày trôi về phía cũ, được tái bản 1 tuần ngay sau khi phát hành, đã in đến lần thứ tư với tổng cộng 20.000 bản. Tác phẩm thứ hai Đường hai ngả, người thương thành lạ được đặt hàng 10.000 bản trước khi phát hành. Tác phẩm thứ ba Buồn làm sao buông đứng đầu danh sách bán chạy nhất Hội sách TP. HCM lần thứ VIII, với 40.000 bản tiêu thụ hết trong vòng 1 tuần. Sau đó gấp rút in thêm 15.000 đến 20.000 bản. Cuốn thứ tư sẽ phát hành Đi đâu cũng nhớ về Sài Gòn và…em, dự kiến ngay lần đầu là 50.000 bản. Không kém cạnh Anh Khang là Dương Thụy. Cây bút này một trong số không nhiều tác giả trẻ hiện nay có sách bán chạy. Oxford thương yêu đã tái bản 11 lần, tổng số phát hành là 44.500 bản. Tiếp đến Nhắm mắt thấy Paris tái bản 4 lần, tổng số phát hành là 22.000 bản. Cuốn thứ ba Venise và những cuộc tình gondola tái bản 5 lần với tổng số phát hành là 17.000 bản. Cuốn thứ tư Cáo già, gái già và tiểu thuyết diễm tình tái bản 2 lần với tổng số phát hành là 11.000 bản. Hai trong nhiều ví dụ cho thấy “sách bán chạy” có cơ hội vùng vẫy trong cơ chế thị trường và không gian văn hóa đại chúng. Nên nhớ TP.HCM là thành phố có số dân đông nhất Việt Nam (khoảng 10 triệu người). Là thành phố năng động nhất về kinh tế. Cũng là một thị trường sách tiềm năng. Không vô cớ mà nhà thơ Phan Hoàng viết cả một cuốn sách Sài Gòn đất lành chim đậu.

Nhưng đáng tiếc là, nếu bình chọn sách hay ngày hôm nay thì những tác phẩm của Anh Khang, Dương Thụy chẳng hạn, khó lọt vào “top” 100 chứ đừng nói 10, 20. Viết đến đây tôi lại nhớ đến ý kiến của một đạo diễn phim truyền hình có tiếng, nói thẳng băng đầy tự tin - nhưng thái quá - cách đây chưa lâu “phim hay là phim nhiều người xem” !? Nếu thế thì phim Hàn Quốc (chiếu dày đặc trên tivi trung ương và địa phương) là phim hay vì rất nhiều các em, các chị, các bà xem rồi sướt mướt, não nùng. Hiện tượng sách bán chạy gần đây đốt nóng dư luận là cuốn sách Quà cho con của tác giả Nguyễn Huy Hoàng (chuyên viên ở Bộ VH,TT&DL). Tựa sách ghi là: 100 bài thơ, 100 kỹ năng sống. Số lượng in lần đầu 10.000 bản. Lại có chuyện một Công ty TNHH về TT-VH đã chi trả tác giả 550 triệu đồng để ký kết quyền sử dụng tác phẩm. Nói như quảng cáo trên tivi là “ngạc nhiên chưa?”. Thôi thì đủ các ý kiến trái chiều khen chê, một phía thì cho đây là “thảm họa của thơ ca”, một phía thì nâng đỡ nhiệt thành ghi nhận tấm lòng của tác giả đối với trẻ thơ. Theo tôi, cần thật bình tĩnh thì có thể chấp nhận một món quà như thế nếu ta xem đó là “quà bình dân”, là “vần vè”, là “kỹ năng sống” được thể hiện trong một hình thức dân dã. Nó thuộc phạm trù “văn hóa đại chúng”. Tại sao lại có thể khắt khe với nó?! Nên trên tinh thần “có hoa mừng hoa có nụ mừng nụ”.

Sự bùng nổ và bành trướng của sách bán chạy (best - seller) đặt ra một vấn đề quan thiết cho các nhà quản lý văn nghệ, các nhà xuất bản và công chúng một vấn đề nóng: liệu văn hóa đọc đang đi về đâu? Để có một kết luận thuyết phục, cần thiết phải có những cuộc điều tra khoa học trên quy mô lớn của các nhà xã hội học nghệ thuật. Cho đến nay đáng tiếc chúng ta chưa có những con số thống kê đầy đủ, chính xác về vấn đề này. Những kết luận cơ bản chỉ dựa trên cảm xúc, cảm tính, phán đoán đôi khi mơ hồ.

VĂN HÓA ĐỌC VÀ NGƯỜI ĐỌC

Bàn về “sách hay” và “sách bán chạy” không thể không bàn về công chúng - người đọc - nghĩa là bàn về mối quan hệ giữa nhà văn và bạn đọc. Trước đây mối quan hệ này ít được quan tâm vì nhiều lý do. Trước hết là do bị chi phối bởi thuyết “phản ánh luận”. Nghĩa là người ta chỉ quan tâm trước hết đến mối quan hệ giữa văn học/nhà văn và đời sống (đã có cuộc tranh luận văn học “ phản ánh” hiện thực hay “nghiền ngẫm” hiện thực?). Tác giả J.P. Sartre trong cuốn sách Văn học là gì? Đã viết: “Như vậy không đúng là người ta viết cho mình: sẽ là thất bại tồi tệ nhất; phóng chiếu các cảm xúc của mình trên giấy, ta chỉ mới đem lại cho chúng một độ kéo dài tàn lụi dần. Hành vi sáng tạo chỉ là một hành vi dở dang và trừu tượng của việc làm ra một tác phẩm; nếu tác giả chỉ tồn tại có một mình, anh tha hồ viết bao nhiêu tùy thích, tác phẩm như là một vật thể chẳng bao giờ ra đời và anh sẽ phải buông bút xuống hay tuyệt vọng. Nhưng hành động viết bao hàm hành động đọc như tương liên biện chứng của nó và hai hành vi có liên quan chặt chẽ với nhau đó cần có hai tác nhân khác nhau. Chính sự hợp lực của tác giả và độc giả sẽ làm nẩy sinh ra vật thể cụ thể và tưởng tượng, là cái công trình trí tuệ. Chỉ có nghệ thuật cho người khác và bởi người khác” (J.P. Sartre: Văn học là gì?, Nxb Hội Nhà văn, 1999, tr.58).

Nhà văn Nguyễn Minh Châu sinh thời cũng nhấn mạnh đến thị hiếu người đọc, coi đó là một nhân tố kích thích sáng tác: “Đừng bao giờ nên coi nhẹ tầm quan trọng của thị hiếu người đọc, vì chính đó là cái nôi để cho tác phẩm thế này hoặc thế khác ra đời và sống được. Bằng những cái đã viết, những người cầm bút chúng ta đang góp phần nâng cao hay hạ thấp thị hiếu độc giả. Những người viết vừa giáo dục nó, vừa phải khuất phục nó. Thường thường những mối “nguy hiểm” gây ra cho người cầm bút cũng do từ đây, nhất là các tác phẩm viết về chiến tranh. Mỗi tác phẩm ra đời được là kết quả của một sự “thỏa hiệp” giữa tư tưởng người viết và thị hiếu người đọc” (Nguyễn Minh Châu - Tác phẩm chọn lọc, Nxb Giáo dục Việt nam, 2009, tr.431).

Từ những quan niệm trên thiết nghĩ chúng ta cần quan tâm nghiên cứu công chúng nghệ thuật, trong trường hợp này là độc giả văn chương, liên quan đến phạm trù “sách hay” và “sách bán chạy”. Như cách diễn đạt của nhà văn Nguyễn Minh Châu thì trong thực tế đời sống văn chương có hiện tượng “thỏa hiệp” giữa nhà văn và thị hiếu người đọc. Bây giờ thì có lẽ nhà văn của chúng ta đã thấm nhuần câu nói đầu cửa miệng “viết cái công chúng cần chứ không phải cái chúng ta muốn”. “Cái chúng ta muốn” là xét trên phương diện lý tưởng, tuyệ đối. Mà thế giới thì vận hành theo “thuyết tương đối”. Dường như trrong cơ chế thị trường “sách hay” muốn thành “sách bán chạy” thì tác giả có thể phải một lúc nào đó “thỏa hiệp” với độc giả. Thỏa hiệp trong trường hợp này không hàm nghĩa xấu (có thể là phương châm “lùi một bước để tiến ba bước” chăng?). Ngược lại “sách bán chạy” cũng có thể trở thành sách hay.

VAI TRÒ CỦA PR

Trước hết cần đặt vấn đề có cần thiết phải PR cho sách văn chương? Ngày trước các cụ vẫn đinh ninh “hữu xạ tự nhiên hương”. Đúng thế. Nhưng là trong bối cảnh văn hóa trung đại/phong kiến, khi mà văn chương là trung tâm, nếu không nói là tất cả của văn hóa. Khi đó là những “tao nhân mặc khách” thưởng trà và thưởng văn, tao nhã trong thư nhàn. Văn chương khi đó vô tư, không vụ lợi (chưa hề biết đến số lượng in, nhuận bút, giải thưởng). Trong bối cảnh kinh tế thị trường và “văn hóa đại chúng” ngày nay, thiết nghĩ chúng ta phải từ bỏ lối tư duy cũ xưa. Thời bây giờ không thể thúc thủ, ngồi đợi “hữu xạ tự nhiên hương”. Là bởi giữa một biển sách, người đọc bị ngợp, bị nhiễu loạn thông tin. Đôi khi sự đọc thật là ngẫu nhiên, ngẫu hứng, thậm chí có thể nói là tùy tiện. Nhà văn bây giờ không chỉ sáng tác hay mà còn phải biết PR cho tác phẩm của mình. Nhà văn trẻ Dili đã viết hẳn một cuốn sách đọc rất hấp dẫn và bổ ích Tôi PR cho PR (Nxb Văn hóa - Thông tin, 2014). Cô xác quyết “Biến công chúng thành Fan hâm mộ”, “Bằng cách chiếm cảm tình của công chúng”, “PR không phải xì căng đan”, “PR không phải quảng cáo’. Dili cũng là tác giả của sách Kỹ năng viết trong Quan hệ công chúng (Nxb Dân trí, 2011). Mới xuất hiện trên văn đàn chưa lâu nhưng nhà văn trẻ này đã có một số lượng “fan” (độc giả) đáng nể. Sách của cô bán chạy. Lý do chính là sách hay. Nhưng đồng thời tác giả là người biết cách (nghệ thuật) PR cho sản phẩm của mình làm ra. Chị biết cách tổ chức những buổi ra mắt sách gọn nhẹ, hiệu quả (không gian, khách mời, MC,…đều được tính toán kỹ lưỡng). Lại còn biết cách tổ chức dịch thuật sang tiếng Anh để “xuất khẩu” ra nước ngoài. Ai đó nói Dili là nhà văn nữ “đam mê đến từng chi tiết” trong nghề văn là đúng, theo tôi. Hãy liên hệ với những đại gia trong lĩnh vực bán lẻ từ nước ngoài đến mua đứt các siêu thị ở ta như Metro, Bigci. Ta đã thua ngay trên sân nhà. Đừng nói đến chuyện “mang chuông đi đánh nước người”. Tôi ủng hộ quan điểm “sách hay” muốn trở thành “sách bán chạy” phải có chiến dịch PR. Các nhà văn đừng chủ quan tự mãn cho rằng mình chỉ cần viết ra những cuốn sách hay. Còn lại thì tùy…nhà xuất bản, nhà phát hành,Thượng Đế (là khách hàng).

Nói về “sách hay” và “sách bán chạy” trong bối cảnh kinh tế thị trường và văn hóa đại chúng, thiết nghĩ phải nói đến vai trò của phê bình (phê bình báo chí và phê bình hàn lâm). Trên báo Văn nghệ (Hội NVVN), tạp chí VNQĐ - 2 cơ quan báo chí văn nghệ được coi là chính thống hiện nay thường xuyên duy trì các trang phê bình văn chương trong nhiều năm qua (lịch sử Văn nghệ từ năm 1948, VNQĐ từ 1957). Ngoài ra các báo, tạp chí của các Hội VHNT địa phương 63 tỉnh thành cũng duy trì thường xuyên mục phê bình văn chương. Xem ra thì rộng khắp, đều đặn nhưng vẫn mang tính nghiệp dư, thiếu tính chuyên nghiệp, đôi khi không tránh khỏi tình trạng ngẫu hứng và thậm chí “ăn đong”. Nhiều người biết ở Pháp có hẳn một ấn phẩm gọi là Tạp chí đọc (Lire). Đó là một cách đọc hộ, ngắn gọn, toát yếu những cuốn sách đáng đọc, cập nhật sách mới trong một tháng. Độc giả văn chương đỡ tốn kém thời gian khi lạc giữa núi sách xuất bản hàng tháng, hàng năm. Đó là một cách phê bình thiết thực, chúng ta cần học hỏi. Nhà văn Võ Thị Xuân Hà cũng đã có sáng kiến xây dựng Tủ sách nhà văn (giới thiệu các sáng tác mới trên http/tonvinhvanhoadoc.vn). Cách đây chưa lâu cũng có những người tâm huyết muốn tập hợp nhau lại để cổ xúy và xúc tiến thành lập Hiệp hội phê bình văn chương và ra hẳn một tạp chí chỉ chuyên tâm phê bình văn chương. Đáng tiếc là ở ta cái thiện ý này sa vào tình trạng lực bất tòng tâm. Nhưng biết đâu đấy trong tương lai (gần và xa) sẽ có được những tổ chức và ấn phẩm có tính chuyên biệt như thế. Khởi sự thì đã thấy trang website Phê bình văn học do Trần Thiện Khanh và đồng sự chủ trương mấy năm nay hoạt động khá hiệu quả. Gần đây tạp chí Nhà văn & Tác phẩm (của Hội NVVN) cũng đã chú ý dành cho phê bình văn chương một số trang thích đáng. Nhưng so với yêu cầu thì vẫn còn hạn hẹp. Hội NVVN đã tổ chức đến 4 Hội nghị LLPBVH (từ năm 2003 đến nay). Nhiều vấn đề có vẻ “vĩ mô” được đem ra mổ xẻ, luận bàn. Nhưng vấn đề thiết thân làm thế nào để “sách hay” có thể đến tay độc giả, trở thành “sách bán chạy” lại chưa được quan tâm thấu đáo. Đôi khi các nhà văn ta có vẻ như thích bàn những vấn đề “trên trời”./.

Hà Nội - tháng 7, năm 2016 B.V.T

Tham luận đọc tại Hội thảo Quốc gia “Văn học thị trường và thị trường văn học - Lý luận và thực tiễn” do Viện Văn học (Viện HLKHXHVN) tổ chức, ngày 29-8-2016, tại Hà Nội.