TNc: Nhà văn Hoàng Thế Sinh (ảnh bên) hiện sống và làm việc tại Yên Bái, vùng đất cho ông vốn sông để viết nhiều tiểu thuyết nổi quả như Bụi Hồ, Xứ Mưa..và bây giờ là Ma Tiền. Tiểu thuyết của Hoàng đầy những dự báo, cảnh báo cho vùng đất bên bờ sông Thao bình lặng mà dông bão...
(Đọc tiểu thuyết Ma Tiền- Hoàng Thế Sinh- Nhà xuất bản Thanh niên, 8/2016) Đậm đặc tính ma muội và biến ảo của đồng tiền là ám ảnh nhức nhối khi đọc tiểu thuyết Ma Tiền của Hoàng Thế Sinh. Người ta có thể nói nào có lạ gì sự tha hóa của đồng tiền khi biến người thành ma quỷ, thành nô lệ mù quáng, thành tội ác trắng trợn, thành thân tàn ma dại, thành phán bội tính người..., nhất là trong cơ chế lấy đồng tiền làm mọi thứ thước đo. Bài học kinh điển nói về đồng tiền sách vở đề cập cả rồi! Đấy chỉ là những đúc kết mang tính khái niệm thông thường ai cũng biết. Nhưng đọc Ma Tiền mới thấy tác giả công phu đặt đồng tiền vào nhiều tình huống, chi phối tất cả, khuynh đảo tất cả, biến ma thành người, biến người thành ma. Những trang tiểu thuyết vừa thực vừa hư, vừa như thấy ở đâu đó, vừa như chuyện ở tận xứ nào, lại như chuyện ác mộng hoang tưởng! Đấy chính là dụng công của tác giả, trước những chuyện thật, nhỡn tiền, không chỉ trong tiểu thuyết mới có.
Có thể nói Ma Tiền quánh đặc chất tiểu thuyết đương đại, mang tính xã hội thời thượng, đọc lên chí ít người ta cũng phải giật mình vì thế thái nhân tình. Hư cấu là phẩm cách chủ đạo, chắp cánh cho tưởng tượng của tác giả. Tiểu thuyết sắp xếp theo chương hồi, mỗi chương lại xuất hiện những tình huống độc. Các nhân vật được tác giả nhào nặn trong một môi trường khá điển hình. Họ vừa ràng buộc lẫn nhau, vừa sẵn sàng cho nhau vào cạm bẫy của kim tiền.
Các nhân vật được Hoàng Thế Sinh đặt tên gần sát với tính cách nhân vật, mang tính phóng dụ, có dụng ý, dễ định dạng định danh, dễ nhận mặt trong muôn mặt người. Đó là chân dung của Lưu Bá Quan, khát vọng cháy bỏng là cả họ sẽ truyền đời làm quan. Cùng một dây nhân vật theo đóm ăn tàn, quây quanh sếp. Những Vũ Lé, Tất Phú, Sềnh, Vy Ten, Dã Miêu, Héc, May, Râu, Bôn, thám tử Ting, Meng, Sòn, Dy Mo, Lêu... Mỗi nhân vật một kiểu dáng dung nhan, tiêu biểu cho sự đa mưu, mẹo vặt, xoay sở, cơ hội, hợm hĩnh và biển thủ. Họ hội đủ đức tính ma quái của tham, sân, si.
Những câu chuyện xung quanh một miền quê có tên gọi khá kiểu cách hoa mĩ: thành phố Mã Sơn. Rồi Thác Mơ, Thác Bay, Nậm Sưa... mộng mơ và đầy điển tích. Miền quê thanh bình ấy liên tiếp có những sự kiện trớ trêu, nhói đau, thiếu lương thiện và gây bất bình. Sự vỡ lở của các dự án ma như “công trình chưa khai sinh đã báo tử” hoặc “dự án cá tiểu bạc Thác Bay” hoặc “cà phê catimo về mo” hoặc “buôn lậu gỗ pơ mu”, nạn phá rừng...bị báo chi phanh phui và nhiều nhiều các phi vụ khác gây tổn thất cho công quỹ mà các quan vẫn bình an thăng tiến là kết cục của bè cánh dung túng che đậy khôn ngoan. Tất cả cắt nghĩa vì sao những nhân vật trong Ma Tiền ngang nhiên đập phá, ngang nhiên thao túng một bộ phận xã hội.
Hoàng Thế Sinh đã chọn những tình huống rất kịch để đưa nhân vật vào ma trận của những mánh mung biến ảo. Cuộc chơi bài của mấy cô gái lấy tước vị của quan chức để đùa cợt lạ tai, dị thường, như là đã thấy đã gặp ở chốn nhàn nhã nào đó. Những câu đối thoại ỡm ờ của Lưu Bá Quan với Mai Ly (có chồng là trí thức lỗi mốt) đã báo hiệu một mối quan hệ có đi có lại dễ nhận biết giữa kẻ có quyền và người có sắc. Lớp người này sa đà vào thế giới của mê mụ bói toán và siêng năng lễ bái giải hạn, dù rất mù mờ về tâm linh.
Những chuyện chạy chọt ngầm, những mánh lới giao tiếp, cầu cạnh cậy nhờ đang diễn ra ở mọi xó xỉnh. Quan hệ ấy lạnh lùng sòng phẳng. Trích một đoạn suy ngẫm của Lưu Bá Quan để thấy sự tráo trở được ngụy trang khi cấp dưới nhờ vả: “Mình cho nó vay, người ta biết lại bảo mình lấy đâu ra mà lắm tiền thế, mang tiếng chết. Mới lại, đồng tiền liền khúc ruột, chả ai dại gì lại cắt ruột của mình đem cho người khác mượn, là ngu.” Chao ôi! Nhân cách của kẻ có quyền có tiền! Làm mưa làm gió một thời. Chỉ có điều con người ky cóp cả đời, thu vén cả đời như Lưu Bá Quan lại bị con giai con gái ruột “nghịch tử” thi nhau phá. Làm quan, nên Lưu Bá Quan hiểu rất rõ cái giá của thăng tiến. Nhà văn Hoàng Thế Sinh đã không ngần ngại miêu tả hành vi tất cả vì tiền của Lưu Bá Quan. “Buông vàng, Bá Quan cầm từng tệp tiền mới thơm nức mùi mật đưa lên mũi hít hít, tự thấy sướng, không hiểu sao tiền lại thơm thế cơ chứ. Bá Quan thầm rên rỉ. Ôi, tiền, vàng, đôla - từng khúc ruột của ta! Bao ngày tháng gian nan vất vả, bao nhiêu cơ mưu, còn chịu khổ, chịu nhục, chịu bao đắng cay mới có được cái kho báu quí giá này. Bây giờ phải đem đi đút lót sếp lớn và các cộng sự thì phí của, Tiếc lắm! Tiếc lắm!...” Kết cục bi thảm. Thằng Lưu Bá Nhất, đứa con quí tử thì chết đuối mất xác, đưa tang bằng quan tài rỗng. Đứa con Lưu Bá Gia Bảo kết quả thầm kín giữa Bá Quan với Mai Ly khi xe máy qua dốc Ô Quy Hồ đã bị lao xuống vực. Như kết cục được báo trước, Lưu Bá Quan đã bị trọng bệnh khi tới Thác Mơ nơi Lưu Bá Quan định xây lăng mộ cho mình sau này. Chỉ còn một người con bị bỏ rơi thời cùng cô thôn nữ Na, có tên Phù Sa sau này đến với Lưu Bá Quan khi đã gần đất xa trời.
Một nhân vật được tác giả chạm khắc chân dung khá nổi bật là Lồ Ty Bôn. Với lai lịch nhiều vết mờ, trốn bộ đội, nhưng tồn tại khá êm thắm. Bằng mẹo vặt, Bôn sẵn sàng đánh Vy Ten và cho Dy Mo phơi áo, để dành lấy chân giám đốc công ty truyền thông. Gốc gác làng Thổ Cầu - Hưng Yên, thoát khỏi cảnh nhà quê, với nhiều bằng cấp tại chức, dư thừa thủ đoạn và tráo trở. Và thủ đoạn đắc địa nhất là “phong bì nặng thật ấn tượng”. Hình ảnh Lồ Ty Bôn loay hoay tập ký tên mình hết cả tập giấy khổ A4 đến khi thật ưng ý mới thôi, hài hước và có chút lô lố bởi nhân vật quá say sưa khao khát làm lãnh đạo. Ở cơ quan nào cũng cảnh người nắm giữ chức vụ mới, sẵn sàng thay cửa sửa phòng, sắp xếp lại bàn tủ, mua sắm thiết bị hiện đại hơn, dù rằng những thứ vật dụng thải ra còn tốt nguyên. Lồ Ty Bôn cũng vậy. Cũng là người hăng hái quá đáng dùng tiền chùa để bồi đắp tô điểm cho chiếc ghế! Điều gì có lợi có danh, Bôn không từ. Điều gì có tỳ vết, Bôn tìm mọi cách che đậy dấu diếm. Lồ Ty Bôn được Lưu Bá Quan sủng ái nên việc gì cũng trót lọt. Khi có quyền Bôn tuyển mộ đồng hương chả cần chuyên môn vào cơ quan, tạo vây cánh. Người trung thực như Nam Hà thì đột nhiên ngã bệnh rồi chết, lí do thật đáng ngờ. Chỉ có Sềnh và By biết tất cả mọi chuyện, thậm chí nhiều khi bất bình, nhưng là thuộc cấp nên đành ngậm miệng làm ngơ, phải chịu bó tay trước ma trận của đồng tiền. Nhưng cuộc đời của Bôn cũng chả suôn sẻ gì, bồ nhí thì theo giai, lừa được vợ khi đi nhà nghỉ ở Hạ Long để đến với chân dài, thì lại bị chính chân dài ở quán karaoke lừa lại, mất cả ví tiền mà vẫn phải ngậm bồ hòn! Chỉ có người tình Điệp Xưa được Bôn xây dựng cơ ngơi đầy đủ đã đẻ cho hắn đứa con trai đặt tên Bảo Ngọc, khỏi mang tiếng toàn con gái. Nhưng cũng chỉ vì đến với người tình mà khi Bôn vào toilet đã ngã va đầu vào bệ xí phải đi cấp cứu. Sống như chết là gửi gắm của tác giả khi nói về nhân vật lật lọng, vô nhân tính. Khi Lưu Bá Quan hết thời, cũng là lúc Lồ Ty Bôn nghiêng sang Vũ Lé. Đấy cũng là kết cục của kẻ nịnh trên lừa dưới.
Trong các trang tiểu thuyết của Hoàng Thế Sinh nhân vật Vũ Lé cũng là một kẻ đa mưu túc kế. Vũ Lé - Giám đốc Sở Giao thông vận tải, xuất hiện không nhiều trong tiểu thuyết. Nhưng cũng khá nhiều mưu kế. Vũ khí của Vũ Lé là nhằm vào sự non yếu chuyên môn của Lưu Bá Quan, dùng báo chí tuyên truyền để hạ bệ. Vũ Lé chủ mưu làm nổi bật vai trò của mình để ngoi lên vị trí cao hơn. Vụ thất thoát trăm tỷ đường đông hồ Thác Bay đã làm ảnh hưởng phần nào con đường hoan lộ của Vũ Lé, dù rằng là người quan hệ rộng với tỉnh, với trung ương, mạnh cánh dài dây, mạnh tiền nữa!
Hoàng Thế Sinh đã đặt hàng loạt câu hỏi nhức nhối: “Thợ may ăn giẻ. Thợ vẽ ăn hồ. Mà mình đã ăn gì nhỉ? Hừ! Ăn hối lộ? Ăn đút lót? Ăn biếu xén? Ăn chức tước? Ăn dự án? Ăn mỏ? Ăn rừng? Ăn đất? Ăn đường xá? Ăn cầu cống? Ăn xi măng? Ăn sắt thép? Ăn gạch ngói? Ăn? Ăn? Ăn?...” Câu hỏi đó thật dễ trả lời nhưng cũng thật khó trả lời cho minh bạch. Trận đồ bát quái những quan hệ thời @ chi phối cuộc sống của một bộ phận xã hội chà đạp lên đạo đức. Tác giả tiểu thuyết vin vào thần thánh và giá trị truyền thống của các bậc tiền bối để điều chỉnh hành vi của đám cháu con vô đạo, đâu có được? Câu đối thoại trong mơ của Thành hoàng làng với Lưu Bá Quan thật ám ảnh người đọc: “- Cháu làm quan mà không tích đức, lại tích tiền xây lăng mộ thì quá lắm! “- Thưa cụ tổ! Vua quan xưa nay người ta đều đua nhau xây lăng mộ cả, có sao? “- Vua quan thời xưa khác. Thời nay làm quan mà không lo cho dân, chỉ vun vén cho riêng mình thì khác gì làm cướp ngày!”.
Nhân vật con Vẹt nhại tiếng người trong tiểu thuyết như sự nhấn nhá về một loài Vẹt chỉ biết nói leo, ngay cả khi bị chửi.
Tiểu thuyết của Hoàng Thế Sinh miêu tả rất nhiều giấc mơ. Lành ít dữ nhiều. Tác giả lấy giấc mơ chuyển tải ý đồ hiện thực, chuyển tải những điều tế nhị chưa tiện nói. Tạo cảm giác hư hư thực thực, mờ mờ sương khói. Hoàng Thế Sinh còn miêu tả nhiều cuộc tiêu tiền chùa không thương tiếc, những bữa tiệc tùng say sưa, những cuộc truy hoan của sếp. Hoàng Thế Sinh không né tránh khi miêu tả những thủ đoạn làm ăn, mánh mung, của quan tham với cánh đại gia nhiểu tiền ít chữ, những cách vòi vĩnh của kẻ có chức quyền.
“Cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng thật nhiều tiền”, đấy là triết lý của những người dùng “văn hóa phong bì” để chạy chức chạy quyền chạy bằng cấp, mua quan bán tước và thao túng bằng tiền, cái ác, cái vô lương tâm có đất ngự trị. Đồng tiền không gắn với mồ hôi nước mắt của người lao động, tiền do móc túi, tiền bẩn, tiền do cướp giật luôn gắn với hành xử của quan tham. Ma Tiền như tấm kính chiếu yêu để người đọc tự soi vào đó!
Khép lại tiểu thuyết Ma Tiền, xin được nhắc lại lời giới thiệu của nhà xuất bản Thanh niên: “Ma Tiền đã phơi bày những bi kịch của những thân phận con người mà đồng tiền đã làm tha hóa nhân cách của họ. Những nếp nhà bình yên hạnh phúc bị phá vỡ, những đứa con bị đồng tiền làm cho điên đảo, những kẻ quyền cao chức trọng chạy theo những tham vọng khôn cùng, cuối cùng đều thân bại danh liệt. Cái giá mà họ phải trả chính là lời cảnh tỉnh đối với xã hội, với những kẻ xem trọng đồng tiền hơn tình nghĩa con người.”
N B
2/10/