Một lần kỵ sĩ Don Quijote có lời hứa với người đồng hành Sancho Panza-một nông dân chỉ biết ăn no vác nặng (trong tiểu thuyết nổi tiếng “El Ingenioso hidalgo Don Quijote de la Mancha” của nhà văn Tây Ban Nha Miguel de Cervantes y Saavedra (1547-1616)), rằng sau khi chinh phục xong một hòn đảo sẽ để anh ta làm chúa đảo. Ồ như thế thì bu nó, tức vợ anh ta-một mụ nông dân chân đất mắt toét sẽ đi hài với áo mũ lộng lẫy, để biến thành một mệnh phụ phu nhân của một chúa đảo (!) Anh ta tưởng tượng như vậy và cảm thấy không ổn một chút nào. Nhưng thiên hạ có bao nhiêu người nghĩ được như Sancho Panza?
Tạo hóa thường cũng khéo bịt mắt thế gian, để các trò của Người có được lắm kẻ say chơi. Chẳng thế mà cái cảnh các cô thôn nữ đua nhau đi thử chiếc hài, hy vọng vận may được làm hoàng hậu trong truyện Tấm Cám, đâu chỉ có diễn ra trong truyện Cổ tích.
Quả thật cũng đã có một thời, những kẻ dám ăn gian nói dối, một phút có thể trở thành ông nọ bà kia, được lên mặt đe dọa người khác. Rồi cả một thời kỳ dài, dường như người giỏi hay không giỏi cũng như nhau, vì người ta không cần người làm, mà cần người chấp hành và biết báo cáo lọt tai các cấp trên. Nhất là nếu kiếm được một mảnh bằng, thì cơ hội được một chân sang trọng trong nhà nước là rất lớn. Những tấm gương thành đạt trong những thời kỳ như vậy, cũng góp phần để lại di chứng cho đến ngày nay.
“Thấy người ăn khoai thì vác mai đi đào”, cũng là một trong những chứng bệnh của không ít người. Vì vậy người ta đã đua nhau chạy theo những chân dung thành đạt của một thời như vừa nhắc ở trên, góp phần làm cho đất nước suy thoái. Còn trong thời hiện đại thì sao? Đã có ngôi trường người ta tranh nhau đệ đơn cho con trẻ thi vào, đến mức làm đổ cả tường bao, chỉ vì khi biết có một danh nhân ngày xưa đã từng học ở trường đó. Rồi căn bệnh “thấy người ăn khoai thì vác mai đi đào” chuyển hóa thành đại dịch “con nhà khác giỏi thì con mình cũng phải giỏi”, bởi vậy mà đâu đó nghe đồn có trung tâm, có thầy-cô dạy với những phương pháp đặc biệt, làm cho những đứa trẻ trở thành giỏi như thần đồng ở môn này môn kia, là người ta ẵm con lao vào, “tầm sư học đạo”(!)
Trước những thành quả đạt được của người khác, nhiều người rất muốn biết, muốn học, muốn “chiếm đoạt” cái bí quyết để dẫn đến những thành công đó. Nhưng khốn thay, cái “bí quyết của thành công”, của ngay cả những người đã thành công, đã thành danh, thì đa phần chính họ cũng không có, hoặc giả nếu có cái gọi là cái bí quyết đó, thì người khác cũng khó mà học được. Mặt khác lại không ít những thành công của một cá nhân, hay quốc gia, chỉ là hệ quả tất yếu của một quy trình tự nhiên, không khó nhận ra, ấy vậy mà người ta không muốn theo, không chịu học. Cũng có lẽ vì thế, mà bức tranh tổng thể của xã hội loài người, dường như mãi mãi đa sắc màu, mãi mãi mới mẻ, ngẫu nhiên và bất ngờ.
Thời trẻ một lần François Jean Dominique Arago (1786-1853), gặp một toán người già lao động nặng nhọc dưới sự sai bảo của một viên chỉ huy trẻ tuổi ăn mặc sang trọng. Arago mon men đến chỗ người chỉ huy kia và hỏi: Ông làm thế nào mà được chỉ huy những người kia và họ răm rắp nghe theo ông? Ồ, bởi vì tôi là một kỹ sư tốt nghiệp trường Bách khoa Pari-viên chỉ huy trả lời. Thế rồi chàng trai trẻ Arago đã ra công tự ôn luyện, để rồi ngay kỳ thi năm ấy cậu đã đỗ thủ khoa vào trường đó. Câu chuyện thú vị này, thường được gắn liền với tên tuổi của một nhà toán học, nhà vật lý học, nhà thiên văn học người Pháp xuất chúng Dominique Arago. Người cũng còn là thủ tướng thời đệ Nhị cộng hòa Pháp. Vâng! đó là Arago, và cuộc gặp gỡ viên chỉ huy trẻ tuổi, có vẻ như một cú hích đầu đời với ông. Tất nhiên thiên tài như ông, thì dẫu không có cú hích đó, và ông có thể không thi vào trường Bách khoa Pari, thì rồi ông cũng sẽ gặp một cú hích khác, để rồi vẫn làm nên một sự nghiệp nào đó, niềm tự hào của nước Pháp. Và nếu không phải là ông, thì chắc gì cảnh tượng đó đã gây được cú hích, và dẫu có cú hích thì chắc gì đã đủ khả năng thi đậu, còn làm nên một sự nghiệp như ông, thì thật là hy hữu.
Mong muốn có được một quy trình, mà theo đúng lộ trình đó, mỗi cá nhân bình thường có thể trở thành xuất sắc ở một lĩnh vực, hay ngành nghề nào đó, chắc chắn là một điều không tưởng. Đành rằng thế gian cũng có nhiều điều kỳ diệu, nhưng để được một kẻ trúng số độc đắc, thì đương nhiên phải có hàng vạn hàng triệu kẻ xôi hỏng bỏng không. “Một phút lên tiên”, hay ham muốn nắm bắt được một quy trình đi đến thành công, thành đạt, thường chỉ là tham vọng của những kẻ thiếu vắng khát vọng.
__________
Đã đăng trong tạp chí VHNA: Tham vọng của những kẻ thiếu khát vọng