Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

HOÀNG VIỆT QUÂN LÀM SÁCH NHƯ CHẠY CƠN DÔNG

Hà Lâm Kỳ
Thứ bẩy ngày 22 tháng 10 năm 2016 9:36 AM



Kết quả hình ảnh cho Nhà văn Hoàng Việt Quân Yên Bái



1. Nhớ năm 2005, bên quán cóc sau một chầu bia hơi, Hoàng Thế Sinh “cạch ” rồi xướng: Ba “cu” rời khỏi lý thường/ Mình kiệt ở lại văn chương nỗi gì. Đám bia hơi quán cóc cười phá lên. Ấy là hôm mấy anh em ngồi chụm chúc mừng Vũ Quý về giữ chân biên tập Tạp chí Văn nghệ Yên Bái. Ba “cu” chơi chữ của Hoàng Thế Sinh, đấy là ba văn hào hàng tỉnh: Hoàng Việt Quân, Nguyễn Thế Quynh (Thế Quynh), Vũ Quý, đều là giáo viên trường Phổ thông trung học Lý Thường Kiệt và là Hội viên Hội Văn học nghệ thuật Yên Bái. Hoàng Việt Quân về Hội Văn học từ năm 1992 rồi đến Quynh về Trang Văn nghệ của Báo Yên Bái. Và Quý – Tác giả Vũ Quý! Trường Phổ thông trung học Lý Thường Kiệt vốn nổi danh Văn nghệ (văn học). Khởi đầu có lẽ là nhà thơ Lò Ngân Sủn, thầy giáo dân tộc Giáy của những năm 80, sau là Phó chủ tịch Hội Văn nghệ Hoàng Liên Sơn, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Lào Cai. Cứ thế, có chân trong Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam và Chủ tịch Hội Văn nghệ các dân tộc thiểu số Việt Nam. Sau đấy mới đến …ba “cu”.
Nhưng Lý Thường Kiệt không chịu. Ngay trong lúc “gió đưa cành trúc”, lại xuất hiện Quang Bách, Lê Văn Lộc rồi Nguyễn Thúy Ngân…còn học trò thì một loạt cây bút nhỏ, thành tác giả của Tuổi Hồng, Tuổi Xanh, Nắng sân trường, Văn nghệ trẻ - những chuyên trang có tiếng trên văn đàn trong nước, trong tỉnh. Thế mới biết, văn chương không nằm trong luật thầy trò, nhưng anh trước, em sau, sự tác động, sự ảnh hưởng, làm nên tác giả văn chương, là rõ.
2. Hoàng Việt Quân từng là người lính chống Mỹ, là cán bộ tổ chức ở Trường Đại học Sư phạm, là thầy giáo nhà trường cấp III, rồi biên tập viên Văn học Tạp chí Văn nghệ, làm đến cả chức to: Phó chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. Nhưng trội hơn, và trong mắt cánh bạn văn, Hoàng Việt Quân không ra khỏi cái ô của một ông Đồ nho. Ông Đồ lãng mạn ấy chẳng những thủy chung với đồng nghiệp, cần mẫn, tận tụy với việc làm, nhẹ nhàng chậm rãi lúc ngôn văn mà còn chiêu sở thích độc thân, ngủ nhà, cơm quán. Thời a còng (@) rồi. Kệ. Người ta sắm xe sang đi tìm khoáng sản. Mặc kệ. Ông đồ Hoàng Việt Quân làm sách. Cứ làm sách như thể chạy cơn dông.
Im lặng trong quán cà phê Yến bên hồ Thanh Niên, lối ngõ vào cổng Hội Văn nghệ, tôi nhìn Quân. Tách nâu đá nhỏ từng giọt, từng giọt. Không quan tâm, Hoàng Việt Quân đang trầm tư về sách? Đang nghĩ về cái nghiệp chướng viết văn, biên soạn, xuất bản rồi…đem cho. Mà cho cũng phải biết cách, thiếu gì vị, nhà văn đến biếu sách, tác phẩm được giải hẳn hoi, có thiết thực như cốc bia chiều đâu? Nghĩ thế, nhưng khổ. Biếu sách, tặng sách – đứa con tinh thần của mình cho người khác vẫn vừa là sở thích, vừa là thứ vinh dự hóa của người có sách được in. Chả thế mà có lần Hoàng Thế Sinh cảnh báo: “Sách của mình in ra, như người bạn gái đẹp, gặp bạn bè cứ muốn giới thiệu”. Chao ôi! Kìa. Cà phê! Cà phê!. Tôi kêu. Quân giật mình. Nào. Cạch. Cạch!
3. Trước mặt tôi là chồng sách mà Hoàng Việt Quân đề tặng. Thông lệ, cứ có cuốn nào được xuất bản là đích thân anh đem đến nhà tặng tôi. Đem đến nhà chứ không ngang tắt nơi bàn trà công sở. Anh đi xe đạp…..cái đi – a – măng, có lẽ là tài sản vật chất lớn nhất của cá nhân anh hôm nay sau ngôi nhà anh đang ở vẫn sổ đỏ đứng tên ông cụ. Trời nắng, trời mưa, trời đêm, trời ngày; đến bạn tặng sách đã. Có lần sáng xuân, nhà văn Hoàng Thế Sinh đèo anh bằng xe máy đi chơi tết bạn bè. Quân đã không biết đi xe, đến cả ngồi xe máy cũng cứ nghiêng nghiêng. Hoàng Thế Sinh mải né tránh mấy chú tóc vàng rễ tre phi ngược chiều nên tuột qua cổng nhà tôi tới cả trăm mét. “- Ơ kìa! Ơ kìa!” Quân kêu. Hoàng Thế Sinh: “- Ơ kìa! Ơ kìa! Nghiêng xe!” Thế Sinh hét. Quân: “- Ờ, ờ, qua rồi, ngày tết, đừng quay lại!”. Hôm ấy, quyển “Địa danh Yên Bái sơ khảo” dầy 390 trang, bìa cứng, và tác giả của nó gặp “dông” năm mới.
Hoàng Việt Quân tuổi Sửu (1949). Ông “Trâu Quân” cày trên cánh đồng văn chương không bằng phẳng. Mà hình như ông “Trâu Quân” thích đâu cày đấy, nên trong chồng sách xếp trước tôi có đến năm, bảy “thửa ruộng”. Thửa truyện ngắn, thửa bút ký, thửa sơ sử, thửa thơ ca. Lại có cả mảnh đào lật chân dung nhân vật. Nói thật, riêng tôi, tôi thấy thửa ruộng văn chương nào ông (Trâu Quân) cày, “đường cày” cũng “đảm đang”. Chỉ tính năm năm trở lại đây, nghĩa là bằng một nhiệm kỳ của các quan chức, Hoàng Việt Quân đã viết (sáng tác), tự biên tập, tự lo in ấn, tự lo phát hành, có tới mười hai đầu sách với tổng số ba nghìn năm trăm (3500) trang in, không có bài nào, truyện nào in lại. Quyển bìa cứng, cuốn bìa bóng, vuông vức, khang trang. Đó là chưa kể phần việc làm công ăn lương, phần việc tù và hàng tổng. Khoản này, anh đã đón Bằng khen Thủ tướng. Một nhà văn dám phớt lờ chuyện gối đôi, quen với trọ nhà, cơm bụi như Hoàng Việt Quân, làm việc như thế, lượng, chất như thế, người bảo giỏi, kẻ bảo chưa. Nghiệp chướng có là động lực an ủi?
4. Tôi không dám lạm bàn về sách và nội dung, hình thức của nó. Nhưng cứ ngồi ngắm mấy gang tay sách của Hoàng Việt Quân cũng đủ hấp dẫn rồi. Những Kỷ yếu Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Yên Bái 635 trang. Địa danh Yên Bái 390 trang. Bạn hữu non ngàn 540 trang. Thành ngữ tục ngữ 200 trang. Chút lòng tri ân 620 trang. Tháng năm thương nhớ 420 trang. Vuông trời kỷ niệm 290 trang. Đường nghĩa 260 trang. Bốn tiên núi Hoàng Liên 347 trang. Rồi Lâm Quý, hoa của núi, rồi Cầm Hánh đánh giặc Cờ Vàng, rồi Nhà giáo, nhà văn Ma Văn Kháng, cả ba cũng ngót mấy trăm trang. Một “nhiệm kỳ” (2008 - 2013) viết văn và làm sách, lọt được vào mắt các Nhà xuất bản Trung ương trước khi họ trao cho cái giấy phép, với Hoàng Việt Quân, sức làm việc phải vào loại khủng. Ơ kìa. Sao bạn lại giả định với tôi: “ Thế chắc nhuận bút của lão “Trâu” Quân xúng xính lắm?”. Cái này thì tôi biết. Có quyển (ít thôi) Nhà xuất bản bao cấp. Có cuốn in nhờ tài trợ của các Hội Trung ương, địa phương. Có sách bạn bè, anh em trong gia đình lo giùm. Còn thì…Tóm lại, nhuận bút và tiền bán ba nghìn năm trăm trang chất xám của Hoàng Việt Quân tương đương với chiếc xe đạp anh đang đi. “- Thế thì viết văn làm cái quái gì?”. “- Biết được. Nghiệp chướng mà. Thể nào cũng góp phần cảm hóa xã hội, hay ít ra cũng tri ân, tôn vinh được đối với những người ngã xuống, những người đã về với ruộng vườn sau cả một đời tham gia cách mạng theo cách làm, cách nghĩ của anh ta”. Tôi làm cho một tràng, thế là anh bạn quán cà phê Yến ngồi yên bặt.
Tháng năm thương nhớ và Vuông trời kỷ niệm là những tập sách văn tự biên tự diễn. Ở đấy có truyện ngắn, truyện vừa, trích tiểu thuyết, bút ký, ghi chép và thơ. Cảm nhận của tôi là: đọc, cảm xúc, cảm hứng và cảm thấy…! Kỷ yếu về Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Yên Bái 1991 – 2005, Địa danh Yên Bái sơ khảo và Cầm Hánh đánh giặc Cờ Vàng. Cả ba trên một nghìn trang thực sự là khối tư liệu hiếm mà trước Hoàng Việt Quân chưa tác giả nào dám bỏ hơi sức sưu tầm, biên soạn, công bố (xuất bản). Đúng, sai, thừa, thiếu thì đính chính, thì chỉnh lý, bổ xung, tái bản. Có sao đâu. Việc này, các Nhà xuất bản Trung ương đã nhiều kinh nghiệm. Rồi nữa, các “cây” lớn trong làng văn Hoàng Liên Sơn – Yên Bái: Hoàng Hạc, Doãn Thanh, Minh Khương, Bùi Nguyên Khiết, Lâm Quý, Lò Ngân Sủn, Ma Văn Kháng… lần lượt hiện hữu và đóng đinh trong đầu sách của Quân. Dám chắc, cánh trẻ nếu làm luận văn Thạc sỹ, tiến sỹ về Văn nghệ Yên Bái, Lao Cai sẽ phải sục vào tổng kho Hoàng Việt Quân, ở đó người tổng kho luôn mở rộng cánh cửa mà không đòi lệ phí.
5. Nói là Hoàng Việt Quân làm sách nhưng thực ra là viết sách – sáng tác văn học, là sưu tầm và khảo cứu, nghiên cứu, là biên soạn, biên tập, chỉnh lý, thẩm định, là lập kế hoạch ngắn hạn, dài hạn. Cái nào làm trước, cái nào làm sau. Loại xin giấy phép Trung ương, loại xin giấy phép địa phương (tuyên truyền), và loại chỉ đóng tập, lưu hành nội bộ gia đình. Khối tài liệu, tư liệu A.B.C.D.E.F dàn ra giường, ra chiếu cứ như sắp chuyển thư viện. Tất thảy đều được chuẩn bị để đặt lên bàn bản thảo theo công thức kỹ thuật viết tay, viết tay và chép tay. Nhà anh ở, nhà hương hỏa của cha mẹ dài như cái ống tre, chạy từ mặt đường Thanh niên thành phố Yên Bái ra đến bờ sông Hồng xem ra cũng rộng rãi. Ấy thế mà vẫn cứ chật hẹp. Thời buổi hành chính một cổng, một cửa, với Quân, tự thêm khâu nữa vào cơ chế, là: một người. Vậy nên, vào nhà, chiếc tràng kỷ mòn, tiếp khách cũng đấy, ngủ trưa (có lúc cả ngủ đêm) cũng đấy. Thuốc lào, thuốc lá và viết văn làm sách…đều đấy cả. Mà hình như chỉ có sách vừa in xong là thứ đẹp nhất trong nhà. Hàng xóm, bạn bè đến chơi, anh em, họ mạc đến thăm, không mấy ai lộ vẻ ái ngại vì Quân luôn tỏ ra vui tươi, trò chuyện.
Bây giờ thì Hoàng Việt Quân vướng vào gút, người thêm phờ phạc. “Xóm ba nhà”: Nhà thơ Ngọc Bái, nhà văn Hoàng Thế Sinh, nhà viết sách kiêm làm sách Hoàng Việt Quân cùng trên con phố Hồng Hà, văn chương tung hoành là vậy, mà vẫn phải “bó tay chấm com” chịu để cái anh gút giam lỏng. Hoàng Việt Quân không được khỏe. Tôi đến thăm, liếc nhìn dự kiến nhiệm kỳ hai sau ngày nghỉ hưu của anh: Cuốn…quyển…tập…bộ…! Tôi chỉ biết ậm ừ trong miệng:
- Quân, anh làm sách như chạy cơn dông! Sức khỏe…(!)
Viết nhân Hoàng Việt Quân sang tuổi 65
Tháng 6/2014
HLK