Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

"NẾU TRÓT LÀM THƠ, ĐỪNG LẤY CHỒNG THI SĨ"

Hiền Nguyễn thực hiện
Thứ ba ngày 9 tháng 3 năm 2010 5:39 AM
 (Toquoc)-“Theo tôi thì phụ nữ lấy nhà thơ cũng được, nhưng với một điều kiện là… phụ nữ đừng làm thơ. Vì dòng sông có lở thì còn một bên bồi. Nếu hai vợ chồng cùng làm thơ thì dòng sông lở cả hai bờ” - đó là lời tâm sự của nhà thơ Bùi Hoàng Tám nhân chủ đề 8/3 với báo điện tử Tổ Quốc.

PV: Với nhà thơ, để tặng vợ ngày 8-3 một bài thơ do chính mình sáng tác có phải là món quà có ý nghĩa nhất mà cô ấy mong đợi không?

vspace=7Nhà thơ Bùi Hoàng Tám: Thơ viết về tình yêu, viết về sự tan vỡ thì có rất nhiều nhưng viết về vợ thì đúng là các nhà thơ thật có lỗi với các bà vợ vì quá ít. Có thể kể tên các nhà thơ từng viết về vợ như Tú Xương, Nguyễn Bùi Vợi, Vương Trọng… Thường thì ngày còn yêu nhau, người ta làm nhiều thơ tặng nhưng khi về sống với nhau rồi thì thơ viết về nhau ít đi, đúng như cái tâm trạng “Từ ngày xác pháo đỏ đường/ Anh không viết những lời thương tặng mình” trong trong một bài thơ viết về vợ.

Vợ tôi là một nhà báo và cô ấy có ưu điểm là không đọc thơ, nhất là thơ của chồng. Nếu  các nhà thơ bị thơ ám thì vợ các nhà thơ là những người bị giời đày. Thời nào cũng thế, lấy nhà thơ đã là một bi kịch, sống với nhà thơ là đại bi kịch.

PV: Không phải là món quà thơ, vậy vợ ông thích được tặng quà gì trong những dịp như 8-3?

Nhà thơ Bùi Hoàng Tám: Cách đây khoảng 2,3 năm, khi ấy tôi mua một chậu địa lan giá mấy trăm ngàn. Bằng hết sự can đảm của mình, tôi đã bần thần đi hết 6 hàng hoa và dừng lại ở hàng hoa thứ 7 quyết tâm mua một chậu địa lan màu xanh rất đẹp về tặng vợ. Khi nhận món quà này bà xã tôi đã xúc động... hết cả tháng 4. Bà xã mình sinh ngày 17/2, và khi nhận hoa lan vào ngày 8/3 thì cô ấy nói: giá như anh mua trước từ hôm 17/2 thì có phải mồng 8/3 đỡ phải mua, bớt được khoản tiền.

PV: Một ngày 8/3 của nhà thơ có khác so với ngày bình thường không? Bởi vì tôi thấy nhiều người đàn ông trong ngày này truyền tai nhau rằng hãy đi chợ, vào bếp… tóm lại là làm thay vợ những việc mà hàng ngày người phụ nữ phải làm?

Nhà thơ Bùi Hoàng Tám: Ngày 8/3 ngoài nhớ đến vợ, đến con gái thì tôi còn nhớ nhiều đến mẹ. Bây giờ mẹ tôi mất rồi tôi mới thấy đáng lẽ khi còn sống phải dành nhiều hơn cho mẹ và tôi thấm thía rằng mồ côi không có tuổi. Đứa trẻ một hai tuổi mồ côi cũng như cụ già bảy tám mươi tuổi mồ côi.

Thế hệ chúng tôi khi trẻ, còn mơ mộng, lãng mạn thì những ngày như 8/3 ít được để ý vì cơm áo nó đè lên quá nặng. Mấy năm gần đây cuộc sống khấm khá lên, những ngày như ngày tình yêu, ngày 8/3, ngày 20/10… mới được chú trọng thì nhìn lại bản thân, tôi cũng đã trên 50 tuổi rồi nên thực sự những ngày này không thấy có nhiều thay đổi so với những ngày bình thường.

PV: Đã từng đọc nhiều bài thơ ông viết về vợ bằng giọng hóm hỉnh, nhưng đặt địa vị là người trong cuộc, đôi chỗ tôi thấy hơi quá. Vậy hỏi thật, khi vợ ông đọc được thì phản ứng của cô ấy thế nào?

Nhà thơ Bùi Hoàng Tám: Khi đã chấp nhận lấy nhà thơ, cô gái ấy phải chuẩn bị sẵn tâm lý vừa phải vị tha, vừa độ lượng và vừa phải chịu đựng. Mà chịu đựng cái anh nhà thơ thì thật khó,. Tính khí vừa người lớn, vừa trẻ con, vừa tinh tế, lại vừa hồn nhiên đến vô tâm, vô tình. Tôi thấy những người làm văn chương hình như tí tinh tế nào họ dồn hết cho câu chữ, còn đời thường thì nhìn chung là nhạt. Với lại đã chấp nhận lấy nhà thơ mà cứ “mổ xẻ” nhau trên thơ thì chỉ có mà cãi nhau suốt ngày. Vẫn biết là vậy và nhiều khi vợ tôi cũng không thoát ra khỏi điều ấy nhưng rồi nó lại qua đi.

PV: Nghĩa là nhà thơ chỉ đem lại cho phụ nữ sự chịu đựng?

Nhà thơ Bùi Hoàng Tám: Không, không hoàn toàn như thế. Có lúc nhà thơ đem lại niềm vui cho vợ con chứ. Nhưng hình như điều ấy lại không nhiều. Đành rằng cái danh “nhà thơ” hình như là cái danh vô thưởng vô phạt. Nhưng chắc hẳn nhiều bà vợ sẽ vui nếu chồng mình thành đạt trên con đường văn chương, được nhiều người quý mến, kính trọng. Hay là khi thấy chồng say mê với sự nghiệp của mình. Tôi cho rằng không riêng gì nhà thơ mà đàn ông nói chung muốn chinh phục phụ nữ, khiến phụ nữ ngưỡng mộ là những người đàn ông có lý tưởng và giàu ý chí để thực hiện bằng được những ước nguyện của mình. Có thể ước nguyện ấy không mang lại giá trị vật chất.          

PV: Có vẻ ông cứ nói quá vấn đề phụ nữ lấy nhà văn, nhà thơ chứ tôi thấy có nhà thơ “có tiếng” nào “ế vợ” đâu nếu không muốn nói ngược lại?

Nhà thơ Bùi Hoàng Tám: Theo tôi thì phụ nữ lấy nhà thơ cũng được, nhưng với một điều kiện llà khi trót dây vào thì đừng làm thơ. Vì dòng sông có lở thì còn một bên bồi. Nếu hai vợ chồng cùng làm thơ thì như dòng sông lở cả hai bờ. Với lại một người làm thơ là đủ rồi, để đến ngày 8/3 còn thơ tặng nhau, còn háo hức mà đọc thơ tặng chứ.

PV: Thực tế vẫn có những gia đình mà cả hai vợ chồng làm văn thơ, ví dụ vợ chồng Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ, Lâm Thị Mỹ Dạ - Hoàng Phủ Ngọc Tường…

Nhà thơ Bùi Hoàng Tám: Lưu Quang Vũ trước khi lấy Xuân Quỳnh là nhà thơ, nhưng lấy Xuân Quỳnh liền chuyển ngay sang viết kịch. Còn Hoàng Phủ Ngọc Tường sau khi lấy Lâm Thị Mỹ Dạ thì viết thơ ít đi, chủ yếu viết ký và nhiều tập văn xuôi khác. Thế nên theo tôi, nếu đã trót hai vợ chồng làm thơ thì tốt nhất một người nên chuyển sang thể loại khác như văn xuôi chẳng hạn.

PV: Đấy có phải là lời “cảnh báo” của nhà thơ Bùi Hoàng Tám cho những ai đang và sẽ trót làm thơ rồi còn lấy nhà thơ không?

Nhà thơ Bùi Hoàng Tám: Cảnh báo thì không dám, tôi chỉ chia sẻ thôi. Nhà thơ Nguyễn Bính cũng từng viết “Con ơi đừng lấy chồng thi sĩ” đấy thôi.          

PV: Vợ ông, hay những người đàn bà ông từng gặp trong đời sống, từng được biết qua nhiều kênh thông tin là nguyên mẫu, là nguồn cảm hứng cho ông viết những bài thơ về họ hay chỉ là những hoàn cảnh mà nhà thơ tưởng tượng?

Nhà thơ Bùi Hoàng Tám: Với ai thì tôi không biết, nhưng với bản thân tôi thì phải “có bột mới gột nên hồ”. Nhưng cái “bột” của văn chương ấy chỉ là cái cớ, nếu viết một cách giản đơn thì nó chỉ dừng lại ở bài báo. Ví dụ như bài thơ “Đi ăn cưới vợ cũ” tôi đọc hôm ngày thơ Việt Nam tại sân thơ trẻ nó cũng chứa một phần sự thật khi viết về người vợ cũ. Nhưng có cái không thật là cô ấy chưa lấy chồng và không có đám cưới ấy. Và ngày cưới của cô ấy là mong ước, là khát vọng của người làm thơ. Tôi cầu mong cho cô ấy tìm đến một bến bờ mới, hạnh phúc hơn. Cả bài thơ nó như một câu chuyện, thậm chí chẳng thấy thơ chút nào, chẳng thấy một câu nào hay mà chỉ là kể lại một tình huống mà mình tưởng tượng. Bài thơ được nhiều người thích, tôi cho rằng vì nó nói được khát vọng nhân ái của con người với con người hơn là chính câu chuyện hay như bạn nói là có chất hóm hỉnh.

* Cảm ơn ông!
Nguồn:http://www.toquoc.gov.vn/Thongtin/Cua-So-Van-Hoa/Neu-Trot-Lam-Tho-Dung-Lay-Chong-Thi-Si.html