Bình thơ
Bài thơ “ Đất nước thời gian lao” của Nguyễn Việt Chiến vừa được giải B cuộc thi thơ Tạp chí văn nghệ quân đội. Lê Thiếu Nhơn đã có hai bài đối sánh làm cho tôi đêm đêm cứ nằm mơ thấy tiếc cho thi sĩ tài hoa bị “tra khảo”. Tò mò, sau khi đọc hai bài viết về “Đất nước thời gian lao” của nhà phê bình Nguyễn Văn Thinh và nhà thơ Thanh Thảo trên Lethieunhon.com. Bỗng dưng tôi lại có sáng kiến “chơi thơ” để khẳng định trình độ thưởng thức của mình về bài thơ “Đất nước thời gian lao”. Thôi thì, mặc cho bao dòng suy luận về “Đất nước thời gian lao” có nhiều cảm thụ đối nghịch, cảm thông, khen chê, phê phán đánh giá tài trí tác giả cao thấp thế nào tôi không quan tâm. Tôi “…cúi đầu theo cách của tôi” trước một thi nhân đang được sự chú ý của công luận.
*
Tôi chưa gặp nhà thơ Nguyễn Việt Chiến bao giờ, cũng không cần tìm hiểu tiểu sử để biết ông thuộc trường phái thơ ca nào, vì mình đâu phải giới trí thức cao hay nhà phê bình văn học chuyên nghiệp hoặc là nhà chính trị chuyên quản lý thẩm tra tác phẩm văn học. Tôi chỉ là một độc giả yêu thích “thơ ca dân tộc Việt”, đọc thơ cảm thụ hay hoặc dở, thích hợp hoặc không thích hợp với nỗi niềm của mình thông qua tác phẩm để lưu giữ cảm xúc làm người lương thiện.
Tôi cũng không xao lòng với bao lời nhận định, bình luận bài thơ “lạ lùng” bởi chính tác giả của nó từ chối vinh quang mà nhiều người làm thơ ở đất nước mình “đang mơ…”!!!.
Tôi đọc xong bài thơ “Đất nước thời gian lao” rồi tập hợp giới bạn yêu thơ “hiện đại” của tôi ở xóm “Đàn Đúm” lấy ý kiến bình chọn. Khảo sát chỉ 10 ngườì đã có 11 đáp án. Cái vụ này ai mà dám chắc được. Quá rõ rồi không có đáp án nào trùng với đáp án của tôi. Nhưng dẫu sao tôi cũng rút ra được tỷ lệ phần trăm cách hiểu. Bài thơ mà được hiểu theo nhiều chiều cảm xúc là bài thơ này hay thật rồi còn phải tranh luận gì nữa! - Một người ngoại đạo nói như thế?!
Trên phương diện văn bản “Đất nước thời gian lao” tôi đã hoà nhập vào cảm nhận, tôi “lý luận” phân bua như sau:
-Bối cảnh “Đất nước thời gian lao” được xây dựng từ cảm xúc rất giản dị ở thời hiện tại “Những ngọn sóng đất đai lưu giữ mọi thăng trầm”. Đây là nguyên nhân của một tứ thơ hình thành vì suy nghĩ ấp ủ bao kỷ niệm “thời gian lao” mà tác giả ôm ấp sống nhớ về nguồn cội. “Bức ảnh thơ” lưu giữ trong ký ức đã làm nên cảm xúc mới để mở đầu cho những thăng trầm ở thì hiện tại:
Chúng đã ngủ cả rồi
những con hươu bị bóng đêm săn đuổi
chúng đang gác cặp sừng lên vầng trăng cuối tháng
rồi nằm mơ về một cánh rừng
không có thuốc đạn và súng săn
Họ đã ngủ cả rồi
những người lính bị chiến tranh săn đuổi
họ nằm mơ gặp lại bầy hươu
gác sừng lên người bạn vô danh
trên cánh rừng đã chết
Chỉ còn lại vầng trăng và giấc ngủ
chỉ còn lại dấu vết cuối cùng của bầy hươu bị săn đuổi
chỉ còn lại câu thơ thầm lặng
về những người đã ra đi.
Chỉ còn lại những gì không còn lại
bởi người đau đớn nhất sau chiến tranh
không ai khác ngoài mẹ của chúng ta
những đứa con không trở về
hoà bình dưới mưa phùn
được đắp bằng cỏ non và nước mắt.
Ý kiến khác cho rằng : Có thật hôm nay chỉ còn lại vầng trăng và giấc ngủ – chỉ còn lại dấu vết cuối cùng của bầy hươu bị săn đuổi – chỉ còn lại câu thơ thầm lặng về những người đã ra đi? Không! Một cuộc sống yên ổn ngời trên nét mặt, ròn trong tiếng cười, bụng bớt lép, da mặt bớt nhăn, trẻ thơ tròn giấc ngủ trong nôi, người già vững tâm có con cháu làm chỗ dựa, người bé lớn dễ dàng sự học và dám tính chuyện gần xa, mơ về một tương lai không vương cái chết… Biết rằng nỗi đau chỉ có thể dần tan theo mẹ. Biết rằng còn những cảnh khổ do con người gây ra bởi thói ích kỷ bản năng. Biết rằng còn những cảnh đời trớ trêu bất nhẫn, còn những nỗi bất bình… Nhưng đó là do những người đang sống gây nên và cũng không ai ngoài họ phải biết uốn nắn, điều chỉnh, xóa dần đi những điều ngang trái bất công. Sự tôn vinh sẽ là vô nghĩa khi thành quả được gây dựng từ mồ hôi xương máu của tiền nhân bị lớp người thừa hưởng phản bội, nghĩa là quyền được sống ấm no, tự do, dân chủ nhân dân không được hưởng, độc lập chủ quyền của tổ quốc không giữ được. Nhân dân nguyền rủa, lịch sử lên án và lớp hậu sinh sẽ biết phải làm gì!
Một ý kiến trong khảo sát của tôi trả lời: Biết rồi mà còn hỏi? Tự lý, tự luận là người thông minh. Này nhé, do vậy nên nhà thơ Nguyễn Việt Chiến mới “chụp được bức ảnh” làm kỷ niệm rồi trăn trở với nó mà làm nên bài thơ này chớ. Nhà thơ Bùi Minh Quốc có câu có khi nào trên đường đời tấp nập. Ta vô tình đi lướt qua nhau... . Người vô tình quá. Thơ hay thế còn phải “ní nuận”!
*
Một thời của đất nước Việt Nam gian lao vì chiến tranh, giờ còn lại “đau đớn nhất sau chiến tranh”, hậu quả chiến tranh nằm sâu trong máu của những con người mà trái tim nhạy cảm luôn rung lên mỗi ngày của thời hoà bình. Và nỗi đau ấy “không ai khác ngoài mẹ của chúng ta”. Vâng, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến không lấy cái tôi bé nhỏ nói về riêng tư một thời của “mẹ”.
-Chữ “Mẹ” suốt chặng đường dài lịch sử trong bài “Đất nước thời gian lao” nhọc nhằn “được-mất” là “đất nước” của chúng ta đó ông ạ!” - Người ngoại đạo bảo thế. Ý này tôi đồng tình vỗ đùi “cái đét” liền. Tôi lấy chứng minh và đọc:
“Mẹ lại thấy chúng con về
như cánh cò tuổi thơ lưu lạc”
…
“Mẹ đã sống dưới mưa phùn ảm đạm
những ngày dài nghèo đói quắt quay
Mẹ thiếu sữa sinh đứa con thiếu tháng
Tổ quốc xanh xaoTổ quốc hao gầy
Mẹ có mặt trong dòng người nhẫn nại
lặng lẽ xếp hàng từ mờ sớm tới đêm hôm
Mẹ lần hồi thời cơm tem gạo phiếu
nuôi lớn những người con
rồi gửi tới chiến trường
Mẹ đã khóc lúc rời ga Hàng Cỏ
những đoàn tầu hun hút tuổi hai mươi
một thế hệ hồn nhiên không biết chết
chưa từng yêu khi gục ngã cuối trời
Mẹ ở lại với sông Hồng tần tảo
áo phù sa lam lũ tháng ngày
câu quan họ cất trong bồ thóc cũ
sông Cầu trôi như một tiếng thở dài…”
Thời của con thì sao? Ở đây chữ “Con” đắt giá lắm. Thời nào cũng là đạo làm con nên thơ không cũ. Câu chuyện kể “Đất nước thời gian lao” không phân biệt “con” một chiều ở thì quá khứ hay hiện tại. Phật bảo dó là kiếp luân hồi mà.
“những người con ngỡ đã đi thật xa
đang lặng lẽ trở về
họ lẫn vào gió vào sương đêm
không cần an ủi
họ chẳng ồn ào như lời ca sôi sục ngày ra đi
Họ còn nguyên tuổi trẻ
những người lính chưa tiêu phí một xu mơ ước
chưa tiêu hoài một đồng thanh xuân
Họ trở về tìm lại
trang sách học trò đêm đêm còn thao thức
trên cánh đồng tiếng Việt ngàn năm.”
…
“Và mưa gió Trường Sơn
mùa này vẫn tắm gội
những người con nằm lại
thời đất nước gian lao.”
Tranh luận hoài rồi cũng đến hồi “gut”. Các bạn yêu thơ không ai chịu thua ai, tôi đưa ra ý kiến kết luận luôn:
-Bài thơ “Đất nước thời gian lao” hay như một bản tình ca “mẹ và con”, ngày hôm nay khi đọc luôn thấy nhắc nhở chúng ta không thể quên trách nhiệm, trách nhiệm của người cầm viết quan trọng lắm “cuối cùng thì anh làm được cái gì”?
“Những cánh rừngcuối thu ngủ dưới mưa phùn
đất nước tôi những người nằm trong đất
chất phác như bùn hồn nhiên như cỏ
buồn đau không còn thở than
Những ngọn sóng đất đai lưu giữ mọi thăng trầm
người chép sử ngàn năm là bùn đất
kiên trì và nhẫn nại
máu của người là mực viết thời gian”
Nhưng ý kiến trong số người khảo sát mà tôi đã làm đều không đồng tình với tôi cảm nhận như trên. Có 90% tiếc nuối về giải thưởng, mặc dầu trong số này phản đối nhà thơ Nguyễn Việt Chiến viết ‘Đất nước thời gian lao” quá dỡ. Thơ bao giờ cũng có số phận như vậy biết nói sao giờ. Chợt nhìn thấy bức ảnh nhà thơ Việt Chiến cười, tôi cũng cười theo. Huề nha!
Ai có cảm nhận khác thì cứ giữ quan điểm của mình đừng đánh mất niềm tin về Thơ Việt. Người ngoài đạo lại nói: “Thơ có nhiều cảm nhận không giống nhau là trường phái siêu hiện thực hậu hiện đại, là thơ hay nhất bây giờ”. Tôi mù tịt, chả biết thế nào mà lần./.
Võ Tấn