Trang chủ » Tản văn

VỢ ƠI !

Phạm Minh Giang
Thứ tư ngày 13 tháng 1 năm 2010 10:43 AM
 
 Tuỳ bút  

“Đời là bể dâu, đời là bể khổ”. Ấy thế mà chẳng ai chối bỏ cuộc sống. Ai cũng muốn sống, ai cũng yêu cuộc đời, bởi trên đời có những người đàn bà tuyệt vời, những phụ nữ tuyệt vời - người bạn đời, người vợ yêu quý của cánh mày râu chúng ta.
Vợ, đó là người bạn đặc biệt. Có thể là cô bạn hàng xóm vẫn chơi xếp đồ hàng, đánh khăng, đánh đáo, đánh chắt, đánh chuyền cùng lũ bạn của ta từ ngày còn để chỏm. Có thể là cô bạn cùng ta qua cây cầu tre lắt lẻo cắp sách tới trường thời mực tím ngày xưa. Có thể là cô bạn chăn trâu cắt cỏ ven đê thuở bé. Có thể là cô bé tóc đuôi gà vẫn ngồi xem ta câu con đòng đong, cân cấn bên cầu ao có dàn mướp hoa vàng thời ta chưa đi bộ đội. Có thể là cô gái mắt to tròn trong sáng vẫy ta trước lúc ta lên đường nhập ngũ năm nao… Vâng, các “nàng” ấy không có dây mơ rễ má, họ hàng gì với ta cả, thế mà lại thành ra thân thiết đến lạ lùng?
Vâng, trời đã xe duyên cho ta với người ấy. Trời đã lấy sợi tơ hồng buộc người ấy với ta. Thế rồi niềm vui sinh ra từ đấy, nhớ nhung sinh ra từ đấy, giận hờn sinh ra từ đấy, hạnh phúc sinh ra từ đầy… mà bể khổ trăm năm cũng từ đấy đeo bám ta dai dẳng suốt cả cuộc đời…
Nhưng không! Không! Không! Trăm ngàn lần không ai chối từ “cái bề khổ trăm năm” ấy! Dù cái “bể khổ” ấy có rộng bao nhiếu, sâu bao nhiêu, có sâu rộng đến vô cùng đi nữa, ta vẫn cam lòng!
Ồ ! Sao lại lạ lùng đến vậy? Là “người dưng nước lã”, không họ hàng thân quen gì, ấy thế mà chỉ sau một “tiếng sét ái tình” nào đấy được bắt đầu từ một đôi mắt, từ một giọng nói, một dáng đi hay một cái gì gì đó…thế là hai người khác giới ấy về ăn chung một mâm, ở chung một mái nhà với nhau đến suốt cả cuộc đời.  Cũng có khi cứ mỗi buổi một ít, mỗi ngày một ít, có một chất keo kỳ diệu nào đấy nó gắn hai người lại với nhau mỗi ngày một gần hơn, bền hơn…rồi đến một ngày nào đó ai đó có muốn rứt ra cũng không rứt được. Thế là hai người khác giới ấy về ở chung với nhau, ăn chung với nhau, lo chung một mối lo, vui chung một niềm vui, buồn chung một nỗi buồn, nhớ chung một nỗi nhớ, thương chung một niềm thương cho đến “răng long, đầu bạc”, cho đến trọn đời.
Ngay từ ngày đầu chưa quen còn thẹn thùng bỡ ngỡ, vợ đã là người bạn cùng ăn, cùng ở, cùng làm với ta. Từ việc nhỏ như nấu cơm, quét nhà đến việc to là tậu trâu, sắm xe máy, sắm công nông đầu ngang, sắm máy xát, rồi đến làm nhà dựng cửa, ta đã có vợ cùng chung vai gánh vác. Trồng ngô, trồng đỗ, tra lạc, tra vừng, cấy lúa, trồng khoai, khai hoang, làm rẫy hay lái công nông, chạy máy xay máy xát, ta đã có người cộng sự đắc lực là vợ ở bên mình. Thế rồi mùa màng đến. Ta có người sẻ chia niềm vui sướng được mùa, nỗi buồn thất bát, nỗi lo hạn hán, lũ lụt, bão giông… Thế rồi trong nhà có tiếng khóc chào đời của trẻ thơ. Tiếng ru tha thiết của người mẹ trẻ cho con ta mơ màng trong giấc ngủ và hình như cũng phần nào xoa dịu nỗi nhọc nhằn sương gió ở trong ta. Thế rồi trong căn nhà buổi đầu vắng lặng ấy nổi lên tiếng nói tiếng cười của con trẻ, tiếng gõ mâm gõ bát, tiếng que chắt, que chuyền, tiếng cù quay, tiếng con khăng hòn đáo, tiếng khóc mếu chí choé của trẻ con, tiếng quát tháo của mẹ chúng.
Một đời biết bao nhiêu là thăng trầm, biến cố. Vợ đã một đời chung số phận với ta, đã một đời sẻ chia cùng ta bao nhiêu nỗi niềm buồn vui, sướng khổ, đắng cay, tủi nhục… bao lần? Thế rồi bao nhiêu năm trời ta đi chiến đấu hoặc đi công tác xa, vợ đã chờ đợi ta đằng đẵng bấy nhiêu năm trời. Bấy nhiêu năm trời là bấy nhiêu nhớ nhung, đớn đau, buồn khổ, bấy nhiêu sóng gió sụt sùi, ấy thế mà vợ ta vẫn vững vàng, vẫn trung trinh chung thuỷ. Vợ là người bạn lâu dài, tin cậy và chung tình nhất của ta. Trong cuộc đời dài dằng dặc sáu mươi, bảy mươi, tám mươi, chín mươi xuân (mà cũng có khi ngắn ngủi vô cùng) của đời người, ai cũng phải sống, không phải chỉ sống cho riêng mình, vì mình, mà còn phải sống cho người khác, vì người khác. Đó là bố mẹ, anh chị em, là vợ chồng con cháu mình, là bè bạn, họ hàng, đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp, đồng hương, đồng môn, đồng loại, là bà con xóm làng khối phố của mình. Phải ăn ở sao cho có thuỷ, có chung, có nghĩa, có tình. Vợ là người bạn đời, vợ cũng là tham mưu, là cố vấn đặc biệt của ta. Những khi ta đuểnh đoảng “suýt quên”, vô ý, vô tình, suýt gây nên lầm lỗi, vợ đã khéo léo “giật dây” ta, nhờ thế có thể ta không mắc phải những sai lầm khuyết điểm. Hơn thế nữa, trong cuộc đời dài dằng dặc này có biết bao nhiêu “trận chiến đấu” giữa cái đúng và cái sai, cái tốt và cái xấu, cái thiện và cái ác, cái khoẻ mạnh và cái yếu ớt… Vợ đã là đồng đội cùng ăn, cùng ở, cùng lo nghĩ, vui buồn, cùng chiến đấu một chiến hào với ta. Có những khi vợ đã “cứu nguy” cho ta nhiều “bàn thua” trông thấy. Có vợ ở bên ta, nhiều khi ta đã chiến thắng rất đỗi hào hùng!
Dẫu là cô thôn nữ, sơn nữ, dẫu là cô thợ may, thợ thêu, thợ dệt, thợ hồ, dẫu là nhà báo, nhà giáo, nhà văn, nhà thơ, nhà chính khách, dẫu là kỹ sư, bác sĩ, kiến trúc sư, hay tiến sĩ, giáo sư gì đi nữa… thì Vợ cũng là người phụ nữ tuyệt vời, là quản gia trong một gia đình. Có vợ là ta được chăm sóc chu đáo, ăn no mặc lành rồi ăn ngon, mặc đẹp. Có vợ ta có một chốn đi về, một mái ấm bình yên. Ta chẳng bao giờ bị bỏ đói, bỏ rét. Ta cũng chẳng bao giờ thừa mứa, hoang tàng, bởi rằng ta có vợ - kế toán trưởng - quản gia. Ta chẳng bao giờ bị rơi vào cảnh “bóc ngắn, cắn dài” bởi vì ta có vợ “cầm dây cương” cảnh báo. Vợ là người nắm giữ sự bình yên và no ấm của đời ta. Khi đi chơi, đi hội, vợ là người tình. Khi ta yếu đau, vợ là bác sĩ kiêm hộ lý “hết lòng chăm sóc cứu chữa”. Vợ dịu hiền như người em gái, chu đáo như người chị, nhân từ độ lượng như một phần đức tính của người mẹ kính yêu.
Khi cái máu táo tợn tự nhiên của ta nổi lên mà gây gổ với ai, vợ là người giải hoà tốt nhất. Có thể nói: hoà bình trong tay vợ! Hoà bình thế giới trong tay những người đàn bà tuyệt vời - những người vợ yêu quý của chúng ta!
Không có vợ thì thế giới này sẽ ngừng sinh sôi, ước mơ sẽ ngừng bay bổng, trăm ngàn đoá hoa tươi thắm và ngạt ngào hương thơm sẽ chỉ là vô vị, mùa xuân sẽ vĩnh viễn không về …
 
PHẠM MINH GIANG
số 19, tổ 50, phường Quang Trung
thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình