Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ỨNG XỬ TRƯỚC SAI LẦM

Nguyễn Vĩnh
Thứ năm ngày 10 tháng 9 năm 2009 7:17 PM
 
(NvtimesQT) - Hôm nay, ngày 10/9, đến lúc này gần sát với thời điểm ngày hôm qua post bài/thư ngỏ lên (trải qua đã 24 giờ), tôi nghĩ cũng nên có mấy dòng tiếp theo. Đó là nỗi ưu tư trước một thực trạng - người ta thì kêu gọi góp ý, nhưng góp xong rồi cũng bỏ đấy. Thôi thì người ta bỏ qua trong im lặng, thì tôi lại chuyện trò tiếp với bạn đọc của mình. Để không phụ lòng các bạn, trong một ngày-đêm, tới gần 1.500 lượt bạn vào đọc cái blog nhỏ bé của tôi (và chừng 2.086 lượt trên Web của nhà văn trannhuong.com - tính đến lúc này - 18g ngày 10/9). Xin tri ân các bạn.
 
Khi viết Thư ngỏ ngày 9/9/2009 (đăng trên Website của nhà văn trannhuong.com và trên Blog của tôi), gửi ông Tổng biên tập báo điện tử của Đảng, tôi cũng chẳng chờ đợi ở ông Đào Duy Quát sự hồi âm nhanh đâu (kể ra một tờ báo tầm cỡ như thế, lại là báo điện tử, thì phải thật nhanh - nếu không nói cố là phải “nhanh nhất” mới đúng).
Thế, tôi viết mà không đợi hồi âm, vậy tôi viết thư để làm gì? Lạ thật đấy nhỉ. Nhưng buồn thay, nó lại xảy ra hầu như thường xuyên ở nước ta. Cái chuyện phản ứng rất chậm chạp của những cơ quan, đơn vị công quyền trước những góp ý và thắc mắc của người dân - đại loại như lá thư của tôi - là một thực tế có thể kể mãi cũng không hết... Lại có những lá thư ngỏ, tác giả là những người nổi danh nổi tiếng khắp nước, gửi tới các địa chỉ rất cụ thể, ta thấy mấy khi có sự trả lời trước sau trọn vẹn. Đa phần còn rơi vào im lặng nữa. Nên tôi cũng chẳng thất vọng quá mà làm gì với lá thư không/chưa hồi âm này.
Tuy  nhiên cứ ngẫm nghĩ, cho là tôi góp ý và yêu cầu gì đó chưa đúng, thì người được nhắc đến cũng cần một lời, gọi là lên tiếng, là báo tin lại là đã “tới tai” mình, chẳng hạn. Bản thân người đó là quan chức cấp cao, do bận rộn, thì bộ máy giúp việc phải được quy định làm điều đó. Gọi tạm là phản hồi, là sẵn sàng cho một kênh đối thoại... Không vậy thì hóa ra lời người dân góp, sẽ như mấy viên đất ném xuống ao bèo hay sao? Thế thì không những đáng buồn mà còn là điềm hiểm nguy báo cho bộ máy đó.
Hằng ngày chúng ta đều nghe các cấp trong bộ máy nói “phê và tự phê” là cần thiết, quan trọng nhường này nhường kia, trong khi đi vào thực tế thực tiễn, lại thấy điều ngược lại. Cho nên những phản hồi của nhiều bạn đọc mạng internet về lá thư ngỏ của tôi là hoàn toàn hiểu được. Tức là người ta cũng chẳng trông chờ gì đâu, không tin tưởng gì đâu ở sự hồi đáp tích cực từ phía người và cơ quan sai sót đã nêu.
Tình trạng đã đến nước này chính là một báo động đỏ cho cả bộ máy, cho các cơ chế mà ta lập ra. Có thể chăng, chứng bệnh tự kiêu, tự mãn, luôn cho mình là đúng đã trở thành nan y, căn bệnh không chữa được mất rồi.
Con người chúng ta, trong giao tiếp, trong mọi việc làm và quyết định, có thể mắc phải sai lầm. Nhưng nếu cái sai lầm đưa tin này là ngớ ngẩn tức cười, thì ông Đào Duy Quát lại càng phải gánh trách nhiệm nặng hơn. Bởi ai cũng biết, cả một thời gian dài, và đến nay nữa, ông thường xuất hiện ở những nơi chốn được coi là top của công tác tư tưởng, tuyên giáo, khoa giáo - nghĩa là ông được giao tiếp nhiều với giới có học vấn và giới sáng tạo. Thậm chí nhiều lúc ông còn giảng giải, khẳng định điều này điều khác tại những nơi đó. Tôi nhớ mấy công trình lớn, nghiên cứu, biên soạn và xuất bản các cuốn sách về biển-đảo, về biên giới đất liền của nước ta, đều có tên ông trong ban chỉ đạo. Trên báo của mình, ai cũng biết, ông ký tên với chức danh PGS-TS. Ký như thế là đúng, thì càng phải làm cho trọn vẹn cái danh hiệu đúp ấy. Thế mà đến công việc của chính mình, ở chức danh tổng biên tập này, ông lại để một sai sót quá lớn và quá tai hại đến như thế trên mặt báo của ông.
Sai lầm thì đã rõ ràng và còn đấy cả. Cuộc sống tiếp diễn, người ta cũng có thể lại mắc sai lầm khác. Song vấn đề là có dám nhận mình sai lầm hay không? Để biết ra lẽ phải, để sửa chữa. Vậy cái nút không phải là vấn đề có sai lầm hay không mà là phép ứng xử đúng đắn với sai lầm, trước sai lầm. Trong vụ việc này thì rõ ràng ông Đào Duy Quát, người có trách nhiệm chính ở báo điện tử của Đảng, không những đã phạm sai lầm nghiêm trọng (cho đưa tin có hại với đất nước trên báo của mình), mà còn rất yếu trong cách ứng xử trước sai lầm.