Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

XUNG QUANH BÀI BÁO TRÊN TRANG ĐIỆN TỬ DẢNG CSVN: "SAI LẦM" CÓ HỆ THỐNG

Hà Văn Thịnh – Đại học Khoa học Huế
Thứ sáu ngày 11 tháng 9 năm 2009 9:57 PM

Việc báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đăng tin Hải quân Trung Quốc tập trận ở Trường Sa mà không hề phản đối, dù chỉ là một câu bình luận chung chung là không thể chấp nhận được, dù biện minh với bất kỳ lý do nào.

Tại sao biển trời của mình mà người ta đến ngang nhiên tập trận (gián tiếp công khai xâm lược) mà lại có thể viết: “Phát biểu với binh lính trên đảo (Chữ Thập – TQ gọi là Vĩnh Thử)[…], Phó tư lệnh Hạm đội Nam Hải nhấn mạnh […] sứ mệnh đó là bảo vệ lợi ích quốc gia […], để bảo vệ tốt biên cương trên biển phía Nam của Tổ quốc […]”(?!)

Đăng tin nguyên xi của báo chí nước ngoài mà không bày tỏ quan điểm, tức là mặc nhiên thừa nhận. Như thế chẳng khác gì từ bỏ chủ quyền của đất nước mình. Đây là nguyên tắc mà bất kỳ một nhà chính trị hay một nhà sử học nghiệp dư nào cũng biết. Mặt khác, tờ báo quan trọng nhất của một nước, của một đảng cầm quyền không thể cho phép bất kỳ một “nhầm lẫn” nào như thế. Vậy thì, người dân có quyền đặt câu hỏi là phải chăng đang có cả một chuỗi các động thái nhằm hướng tới sự hợp thức hóa chủ quyền bất hợp pháp của Trung Quốc ở Trường Sa và Hoàng Sa? Vấn đề ở đây là ai có mưu đồ đó?

Vấn đề trên đây không hề là võ đoán bởi nếu chúng ta lật lại một số báo, sách trong thời gian qua sẽ thấy ngay tính chất nghiêm trọng của sự kiện trên. Tại sao có thể ngang nhiên cho xuất bản Ma chiến hữu trong khi rành rành là cuốn sách đó khẳng định Việt Nam xâm lược Trung Quốc năm 1979? Trang 137 của cuốn sách do NXB Văn học ấn hành tháng 2.2008 là giới hạn tột cùng của sự chịu đựng: “Các anh em! Vì an ninh tổ quốc, vì hạnh phúc nhân dân, thề quét sạch bọn xâm lược! Cạn chén!” Viết như thế, hiểu như thế, có khác gì nói rằng Việt Nam đã xâm lược chứ không phải là Việt Nam bị xâm lược? Tại sao NXB Văn học không biết điều đó? Các ông ở NXB văn học không xứng đáng làm văn; thậm chí, làm người!

Kẻ thù vu khống hay bôi đen chúng ta là chuyện đương nhiên. Nhưng tiếp tay cho sự bôi đen đó, quả là chuyện lạ mà ta chưa hề thấy, bao giờ. Nếu đọc tiếp, (những người yếu tim có lẽ là không nên đọc thêm một chút nào) sẽ càng xót xa hơn khi ở trang 170 viết rằng, “Trui rèn bản lĩnh cho cuộc chiến. Không đánh gục phái phản động không là hảo hán. Đánh cho chúng phải giương mắt mà nhìn…”. Cuốn sách của Mạc Ngôn viết năm 1992. Hai từ “giương mắt” thật giống với câu: “Dạy cho Việt Nam một bài học” của Đặng Tiểu Bình, năm 1979.

Năm ngoái báo Hà Nội mới đã đăng bài ca ngợi Hứa Thế Hữu – viên tướng chỉ huy cuộc chiến tranh năm 1979. Không ít sách báo cũng được xuất bản, viết theo “nguyên tắc” (?) ca ngợi Đặng Tiểu Bình – kẻ đã phát động cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam chỉ hai tuần lễ sau khi được phục hồi chức vụ…

Những sai lầm (tạm, buộc phải coi là vậy) phải bị trừng phạt nghiêm khắc. Dư luận đòi hỏi sự công khai hóa tất cả những sai phạm trên là do ai, vì cái gì, từ động cơ nào? Tại sao những người khác chỉ nói sai, viết sai một chút là bị quy chụp ngay tức thì; còn những sai phạm trầm trọng thì lại không có ai phải chịu trách nhiệm? Những sai phạm nghiêm trọng tạo ra những tội ác nghiêm trọng và, nhất thiết phải có tội phạm nghiêm trọng.

Huế, Trùng cửu 2009

HVT

HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập.