Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

GIAI TỬ, TRÁI TIM ĐAU ĐÁU NỖI NIỀM

Dương Hướng giới thiệu
Thứ tư ngày 9 tháng 9 năm 2009 9:35 PM
   
Tác giả trẻ Giai Tử thuộc thế hệ 8x (1984) tên khai sinh là Nguyễn Duy Hùng hiện đang sống ở phường Bắc Sơn thị xã Uông Bí. Năm 2004 vừa được vào làm viêc tại công ty than Uông Bí  được một tháng thì chẳng may bị tai nạn giao thông phải nằm liệt giường không được hưởng chế độ đãi ngộ gì. Có lẽ do hoàn cảnh đặc biệt rủi ro đến với mình giữa tuổi đời còn trai trẻ đang tràn đầy sức sống cộng với niềm đam mê văn học đã đưa chàng trai Giai Tử đến với văn chương mà có lẽ chính bản thân cháu cũng không ngờ tới.
   Ngày đầu tiên tôi về làm biên tập văn xuôi cho báo Hạ Long, lục trong đống bản thảo chất chồng từ bao năm, tôi thấy có một bản thảo truyện ngắn viết tay với những con chữ dày di dít kín cả hai mặt giấy với cai tên “Giai Tử” lạ hoắc. Nếu là người biên tập khó tính sẽ chẳng bao giờ ngó đến. Tôi căng mắt đọc lướt vài trang và buộc phải thay đổi ý thức của mình và đọc lại từ đầu. Càng đọc trong tôi càng nảy ra nhiều nhận định: Tôi không nghĩ đây lại là tác giả trẻ bởi văn rất “già” Tôi quyết định đưa đánh máy lại bản thảo và cho in. Hóa ra cả giới văn nghệ Quảng Ninh không ai biết Giai Tử là ai. Khi biết được hoàn cảnh đặc biệt của Giai Tử tôi và nhà thơ Nguyễn Châu thực sự xúc động. Trong thời gian có một năm báo Hạ Long đã nhận được từ tác giả Giai tử 5 truyện ngắn và đã in tới 4 truyện, truyện nào cũng khá. Là người biên tập tôi thực sự thấy quý mến tác giả Giai tử ở mọi phương diện. Văn Giai Tử không thể đọc nhanh, mộc mạc chân chất, mọi nỗi niềm cứ lắng đọng vào trong, không phô trương mà sâu kín chất chứa nỗi niềm đáu đáu trong tim và cứ từ từ tỏa ra sự ấm áp bao dung đầy tính nhân văn cao cả. Tôi cho đây là một tác giả trẻ có triển vọng nhất ở Quảng Ninh, rất cần được sự quan tâm động viên giúp đỡ trước hết là của cơ quan văn nghệ, các tổ chức đoàn thể và cá nhân có lòng yêu quý văn chương, yêu quý tài năng và sự vượt khó của tác giả Giai Tử. Câu chuyện về tác giả Giai Tử đã làm xúc động cánh văn nghệ sỹ và những người quan tâm tới văn học nghệ thuật. Ngày 7/9/2009 Nhà thơ Mai Phương, chủ tịch chi hội nhà văn Việt Nam tại Quảng Ninh và tôi cùng tác giả Vũ Thảo Ngọc đã đến thăm gia đình tác giả Giai Tử. Tôi đã từ lâu phấp phỏng mường tượng ra cảnh Giai tử phải khó khăn lắm trong cuộc sống nhưng vẫn bị bất ngờ khi đứng trước gian nhà lụp sụp được chồng lên bằng những viên gạch sỉ sần sùi không trát vữa rộng chỉ chừng 6 m2. Và càng bất ngờ hơn khi tôi bước vào trong cái “Lầu văn” nhỏ bé nhìn thấy thân hình Giai Tử cởi trần nằm trên chiếc giường cạnh màn vi tính cũ kỹ mà bà mẹ Giai Tử vừa mới cố gắng mua được để động viên con mình trong công việc sáng tác khó nhọc. Nhà thơ Mai Phương và tôi đều xúc động ngồi bên cạnh Giai Tử với những lời thăm hỏi chân tình. Khi nắm đôi bàn tay run rẩy của tác giả, tôi xúc động và thầm hy vọng mong em vượt qua được mọi khó khăn để được như những tác giả đàn anh cùng cảnh ngộ như nhà thơ Đỗ Trọng Khơi, nhà văn Trần Văn Thước ở Thái Bình.  Dưới đây là những dòng đối thoại giữa nhà thơ Mai Phương và Giai Tử:
- Cháu đã có vợ chưa?
- Chưa? Cháu như thế này, ai lấy?
- Cháu đến với văn học bằng con đường nào?
- Cháu chẳng có quyển sách văn học nào để đọc! Có lần nhà văn Dương Hướng điện hỏi cháu đã đọc “Đêm trắng” của ông “Đốt” ở Nga chưa? ( tôi cảm nhận văn cháu mang hơi hướng văn ông Đốt) Thú thật cháu chưa biết ông “Đốt” là ai.
- Thề thì làm sao viết được?
- Cháu cứ nằm và tưởng tượng ra...Cháu chỉ có duy nhất chiếc đài bán dẫn. Từ ngày cháu bị tai nạn, ngày nào cháu cũng mở đài, nghe thời sự, nghe buổi đọc truyện đêm khuya....
- Cháu viết văn bằng cách nào?
- Trước đây cháu chỉ nằm viết trên vở học sinh, bây giờ cháu đã viết được trên màn vi tính.
- Cháu nằm thế này thì ai đi lĩnh nhuận bút cho cháu?
- Nhà cháu chỉ có hai mẹ con, nên mọi việc trong nhà đều do mẹ cháu!
Cả đoàn chúng tôi đều xúc động khi nhà thơ Mai Phương trao món quà nhỏ mọn là hai triệu đồng của chi hội nhà văn Việt Nam tại Quảng Ninh cho Giai Tử và tuyển tập truyện ngắn Quảng Ninh 40 năm, trong đó có truyện ngắn “Quả đêm” của Giai Tử với hi vọng động viên tinh thần tác giả vượt qua mọi khó khăn để cống hiến cho bạn đọc yêu văn chương cả nước những tác phẩm xuất sắc hơn nữa. Ai đã từng đọc những truyện ngắn của Giai Tử Như “Hanh phúc đánh rơi” “Quả đêm”. “Dự mưu”...đều có chung một cảm nhận tác giả đã viết bằng cả trái tim đầy ắp nhân hậu, với những câu chuyện rất đời thường gần gũi quanh ta mà sao cuốn hút lạ kỳ.
    Khi tôi đang viết những dòng này thì nhận được thông tin tác giả Trương văn Hoành ở Thị xã Cẩm Phả đã liên hệ với một doanh nghiêp hứa sẽ đến thăm Giai Tử và nhà báo Ngô Mai Phong (báo lao động) Nhà thơ Nguyễn Châu (báo Hạ Long) cũng hẹn có dịp đến Thăm động viên Giai Tử, một tác giả truyện ngắn đau đáu nỗi niềm, giản dị mà nhân ái vô cùng.
 
 
DỰ MƯU
Truyện ngắn của Giai Tử
 
Chuyến xe khách liên tỉnh chạy vèo vèo trên con đường quốc lộ trải nhựa phẳng lì, mỗi lần có xe chạy ngược chiều vụt qua lại có tiếng gió tạt cùng tiếng động cơ lao đến như thể đâm sầm vào người Việt rồi vút đi, tựa hồ âm thanh ấy chỉ muốn hù doạ Việt. Quang cảnh hai bên đường đẹp mê hồn. Cứ một quãng nhà cửa tấp lập, người xe đông đúc thể hiện những bộ mặt của đô thị phố phường thì gặp tiếp một quãng nông thôn yên bình, với từng cánh đồng lúa hoặc rau màu xanh mướt kéo dài tít tắp. Thấp thoáng từng cụm xóm làng ẩn mình dưới những chỏm cây to lớn xum xuê tỏa bóng, khói lam chiều bay lãng đãng dưới nắng thu dìu dịu mơ màng. Có lúc xe đi qua một cây cầu dây văng khổng lồ, bắc ngang con sông Bạch Đằng rộng mênh mông, chất chứa vô vàn tâm tình lịch sử, dưới cầu thuyền thong thả xuôi ngược rẽ từng lớp sóng lô nhô tan ra mãi, phong cảnh hai bên tuyến hành trình đẹp nhường vậy, nhưng Việt còn đầu óc nào mà chú tâm thưởng thức nữa. Bình thường, tư tưởng Việt cũng lãng mạn bay bướm lắm. Tuy nhiên từ lần về quê bà mẹ kế, Việt không thể thư thái như trước, mọi sự thật trớ trêu và cay đắng. Hôm nay là lần thứ hai Việt tìm về quê bà ta, lần thứ hai Việt đến quê hương năm tấn Thái Bình. Vừa thấy cái cột mốc báo địa giới, màu trắng, người Việt sôi lên sùng sục, lửa giận dữ căm thù bùng cháy dữ dội. Hôm nay Việt quyết phải giết chết con mụ tráo trở khốn nạn kia, con mụ, Việt  từng gọi là mẹ suốt cả năm trời, và rồi chính mụ đang tâm phá nát cái mái ấm nhỏ bé của Việt, đồ đĩ thoã đó, Việt phải giết để trả mối hận. Việt móc con dao nhỏ sáng loáng trong túi áo nhìn nó nằm gọn trong lòng bàn tay, mắt Việt vằn những tia máu đỏ căm hận bố ơi ! con sẽ cho kẻ gieo gió phải gặp bão. Nghĩ tới bố, Việt càng đau đớn tan nát và càng muốn mau chóng trừng phạt kẻ thù. Chưa bao giờ Việt hung tợn lạnh lùng đến vậy.
*******************
Năm mươi sáu tuổi, người mẹ thân yêu của Việt đã bỏ hai anh em Việt và bố Việt để đi về cõi vĩnh hằng, mẹ cậu bị một thứ bệnh tai ác dai dẳng không hề có phương thuốc nào cứu chữa. Ngày đưa tang, đứa em nhỏ dại cứ ngẩn ngơ nhìn Việt và bố khóc thảm thiết hết nước mắt, Việt lao vào giằng xé gào thét ngăn cản từng xẻng đất đang rơi bầm bập xuống nắp quan tài, bố Việt cứ nhào xuống muốn được chôn cùng với vợ, phải khó khăn lắm họ hàng làng xóm mới lôi bố con cậu ra xa mà hoàn tất công việc cuối cùng cho người quá cố. Người ta làm gấp gáp hối hả rồi dìu hai bố con Việt về, chứng kiến cảnh hai bố con cậu dùng tay cào bới đất tuyệt vọng chẳng ai có thể cầm lòng nổi. Vừa quay lưng vài bước Việt ngất lịm đi bất tỉnh, cậu đã vĩnh viễn mất hẳn người mẹ yêu dấu tần tảo, điều đó thật ngoài sức chịu đựng của cậu.
Từ ngày thiếu vắng mẹ, cuộc sống ba bố con Việt buồn bã hẳn. Gia đình đã nghèo, đã tùng càng trở lên bí bách đủ đường. Bố Việt quần quật đội than thuê ở một cảng tư nhân ven sông Uuông, trước ông làm công nhân, nhưng vì Công ty giải thể nên ông buộc phải làm cửu vạn kiếm sống qua ngày và nuôi anh em Việt ăn học. Sáng nào ông cũng dậy sớm nấu cơm cho hai con ăn xong rồi đi học, sau đó ông vội vàng hớt hả đạp xe ra  cảng làm việc. Đầu chụp cái nón lá rách bên trong lót miếng vải cũ, ông đội từng thúng than đầy tràn ngọn từ trên bãi xuống xà lan. Tấm ván gỗ bắc ở mép bờ nối với mạn tàu cứ rung nhún nhéo khi ông cùng những người khác bước lên. Cái nón bẹp dúm dó vì sức nặng của thúng than, than cám vung vãi bám khắp mình mẩy. Dưới nắng chang chang oi ả, ông vẫn chẳng hề được ngơi nghỉ. Mồ hôi chảy ướt khắp mặt khắp cổ, làm ướt cả manh áo bạc màu, đôi chân mỏi rã rời vậy mà ông vẫn luôn chịu đựng hết. Thương hai đứa con ông không quản mọi nề hà vất vả. Trưa ông lại vỗi về rẽ qua chợ mua mớ rau con tép để mang về lo cơm nước. Thấy bố dựng xe ở sân dáng gầy gò khắc kổ, Việt ngồi nấu cơm giúp ông trong bếp nhìn ra bống ứa nước mắt, bố Việt tiều tuỵ quá. Một thân một mình gà trống nuôi con, chật vật xoay xở hoài, nào được ngơi tay ngày nào. Thấy cậu, ông cười thấm mệt:
- Đã thổi rồi hả con? Bố mua rau và thức ăn rồi đây. Việt cuống nhận lấy việc cốt cho bố nghỉ.
- Bố để đấy con làm cho, bố vào nhà đi, mặt bố đỏ phừng phừng như sắp say nắng rồi.
- Không sao! Bố say nắng thì có mà loạn.
Xong bữa trưa ông tiếp tục đạp xe đi, tối mịt mới trở về. Có hôm xà lan cần xuất cảng, ông làm tận chín mười giờ đêm. Anh em Việt cố ngồi chờ ông cùng ăn. Lúc ông về, cả hai đứa ngủ lăn giữa chiếu, mâm cơm bên cạnh nguội ngắt.
Ban đêm Việt thức khuya học bài thấy bố trằn trọc giở mình, hẳn là bố không ngủ, cậu đoán vậy. Từ ngày mẹ mất bố cậu rơi vào trạng thái cô đơn thơ thẩn, thiếu hơi người phụ nữ quen thuộc nhiều khi ông bần thần chết lặng. Ông đứng mắt đờ đẫn như tìm lại quá khứ xa xôi xưa cũ, lúc gia đình ông còn có một người vợ và một không gian ấm cúng hạnh phúc. Việt chạnh lòng nhưng biết làm sao nổi, bàn tay người phụ nữ đâu thể thay thế bằng những đứa con, hai đứa trẻ thật khó khoả lấp khoảng trống của một người vợ để lại.  Do đó, bố cậu vẫn triền miên trong thảo não lẻ loi chăm sóc cậu và em cậu, chăm sóc bằng tình thương u sầu lầm lũi tựa hồ chẳng bao giờ dứt. Việt ao ước mình lớn nhanh hơn nữa, giá như bây giờ cậu hai mươi chứ không ở tuổi mười sáu, nếu thế thì cậu đỡ đần được cơ man là việc giúp bố, hai mươi hoặc mười tám có thể dùng sức kiếm tiền rồi, may ra khi ấy bố cậu mới bớt khổ phần nào. Nhưng mơ tưởng đâu phải hiện thực, mà bố cậu cũng chẳng muốn cậu đi làm giống ông. Ông bắt cậu phải học, học để thành người sống bằng trí tuệ, bằng kiến thức chứ không phải là lao động thủ công nặng nề như ông. Cậu chỉ còn cách cắm đầu học sớm học khuya, cậu đạt kết quả khá và bố cậu cũng hài lòng vì cậu lắm. Tuy nhiên ông vẫn buồn. Thằng em trai Việt bảy tuổi. Vắng mẹ nhiều đêm nó mơ ngủ khóc thét lên gọi mẹ, bố và Việt choàng dậy dỗ dành chấn an hồi lâu nó mới thiêm thiếp. Bị đám bạn hàng xóm bắt nạt nó cũng gọi mẹ. Bố bận đi làm nên hầu như công trông trông nom em Việt lo cả. Giặt rũ quần áo, dạy nó học bài, nó nghịch bẩn cậu lại tắm rửa cho nó. Chao ôi ! Việt làm những công việc đó mà nhơ mẹ da diết thế. Hồi còn sống, mẹ Việt hay vừa cưng cưng nựng em Việt nữa, mắng yêu nó !
- Nô đùa ít thôi, kẻo mẹ đánh đòn đó nghe chưa?
Những hôm cậu ngồi khâu áo sứt chỉ của ba bố con, cậu nhớ mẹ vẫn thường ngồi dưới bóng cây nhãn trước sân đưa đi đưa lại tỉ mẫn từng mũi kim, giờ Việt khâu quen tay rồi, nhưng không khéo và đẹp như mẹ, với bàn tay gầy nhỏ ốm yếu của mẹ, tất cả nhẹ nhàng đơn giản một cách lạ lùng, còn bố con cậu thắng thấy rắc rối như đánh vật. Tuy nhiên cậu vẫn cố quán xuyến việc nhà ngoài giờ học để bố cậu thảnh thơi dôi chút, làm nhiều thành quen dù chưa hoàn hảo gọn gàng tựa lúc mẹ cậu ở đây. Dẫu vậy cậu chẳng thể thay mẹ mình tạo lên một không khí gia đình, một không khí gia đình thật sự đúng nghĩa. Thiếu người phụ nữ, bất cứ thứ gì trong một tổ ấm cũng như ngổn ngang tạm bợ, nó  trống trải và cơ hồ khó diễn tả. Từ cái bộ quần áo nhàu nhĩ hơn thường lệ, cái bánh xà phòng không đặt đúng chỗ, bát đĩa vứt đầy chậu chưa kịp rửa, khoảng góc vườn ngập ngụa cỏ dại, góc sân lá rụng từng lớp mà cái chổi tre cất thế nào lại bị con vàng cắn hỏng tan. Đến những hôm anh em Việt đi học cùng mái tóc rối bù vì hớt ha hớt hải sợ muộn giờ, đồ dùng trong nhà dưới bếp cứ mỗi thứ một nơi dù đã sắp xếp cẩn thận, bàn thờ tổ tiên phủ đầy bụi bởi chẳng có ai có thời gian để ý dọn dẹp. Việt đã cố gắng vô cùng, nhưng không hiểu tại sao cơ sự tiếp diễn như vậy mãi, chả thay đổi được. Cậu biết ngày trước có mẹ, bố con cậu sinh hoạt nhì nhằng, vứt mọi thứ lung tung bừa bãi thì lập tức mẹ đi sau dọn ngay, mẹ cậu sắp xếp ngăn nắp chỉnh chu hết thảy. Giờ thì ai đi sau vun vén lại nữa, cho nên căn nhà cứ tuềnh toàng bừa bộn.
Cách đây hơn một năm, vào buổi chớm đầu thu như thế này, bố Việt đi làm về rất muộn. Việt bảo em trai ăn trước rồi đi ngủ, riêng cậu chờ đợi một mình. Việt thấp thỏm ngóng ra ngoài cổng mà bố vẫn chưa về. Ruột gan cậu nóng bất thường, tiềm thức mách như điều đó chẳng lành khiến cậu phấp phỏng không yên.
Gần mười một giờ đêm rút cục bố cậu cũng về trong tình trạng say khướt. Chưa bao giờ Việt thấy bố cậu say rượu cả, bên cạnh ông còn có một người đàn bà dáng vẻ bần hàn đang gắng sức dìu ông bước từng bước. Hai người nghiêng bên nọ bên kia, người đan xem chừng không đỡ nổi thân hình xiêu xẹo kề cạnh. Sau phút ngạc nhiên, Việt vội chạy tới phụ người lạ đưa bố vào giường nghỉ. Bố cậu say quá, miệng ông phả ra toàn mùi rượu nồng nặc, ông nằm còng kheo, tay chân vung vẩy giãy đạp nói lảm nhảm vô hồi. Việt lúng túng không biết phải làm sao, đang lục tìm trí nhớ xem cách nào giúp bố tỉnh thì người đàn bà lạ giục:
- Cháu mau lấy khăn ướt đắp cho bố. Xong rồi lấy cái gì chua chua cho bố uống giải rượu.
Việt hối hả làm theo lời chỉ dẫn. Tạm ổn bà ta lại dặn thêm !
- Nhớ giữ ấm cho bố cháu kẻo trúng gió thì hại lắm đấy !
- Cảm ơn cô đã đưa bố cháu về. Cô là bạn bố cháu ạ? Sao bỗng dưng bố cháu uống nhiều rượu thế hả cô?
- Cô là bạn làm cùng với bố cháu ngoài cảng.
Người phụ nữ đáp hơi ngượng nghịu.
- Chả hiểu sao bố cháu say. Cô gặp ông ấy chệnh chạng giữa đường thì đưa ông ấy về, may mà ông ấy chỉ được hướng về nhà. Thôi !cô về đây.
Nói dứt lời người phụ nữ đi luôn. Việt vừa cảm ơn lần nữa, vừa tiễn chân bà ta ra cổng rồi quay vào khép màn cho bố. Trong phòng thoang thoảng có mùi nước hoa hay mùi mỹ phẩm trang điểm của phụ nữ, Việt thấy hơi lạ. Người đàn bà kia chăng? Cũng có thể. Nghĩ vậy nên Việt buông nhẹ màn xuống, chợt cậu nghe thấy bố cậu nói đứt đoạn trong cơn say.
- Không chê bẩn... nữa à? Đồ gái đứng đường... Đồ điếm... dám chê thằng này bẩn thỉu à?... Thấy tiền là mắt sáng lên... Đồ điếm.... Việt chột dạ. Lẽ nào bố vừa đi với ả ca ve nào đó. Không phải ! Người đàn bà ban nãy đã già hơn những cô gái bán thân kiếm tiền, phần khác bà ta nhếch nhác, ăn mặc vá víu thế đâu giống. Việt vẫn hay gặp những cô gái hư hỏng kia, cô nào quá lắm cũng chỉ kém năm hai sáu tuổi là cùng, ăn mặc thường hở hang khêu gợi cơ. Vậy thì tại bố say mà nói linh tinh rồi, cậu thở phào nhẹ nhóm. Tiếng đứa em trai thức giấc ú ớ gọi, Việt định sang chỗ nó thì bố cậu đột ngột ngồi dậy hất tung màn vừa nói vừa khóc:
- Việt ơi ! bố buồn lắm, buồn lắm con ạ. Cực nhọc gian khổ bố chịu được hết.
Ông nấc nghẹn mặt ỉu xìu chán nản, hai tay chống xuống giường người ngả ra phía sau.
- Nhưng từ ngày mẹ con mất bố buồn lắm, cô đơn làm sao mà quen được hả con?
Ông nói từng đó rồi nằm vật xuống im lặng không nói nữa, hai bên thái dương nước mắt chảy giàn giụa. Việt thương bố sau sắc, thử hỏi trên thế gian này có mấy người đàn ông khổ hơn bố cậu, ông uống rượu vì ông cô quả quạnh quẽ quá, ong không chứa đựng nổi. Việt kéo tấm chăn mỏng ngang ngực bố, nước mắt rơi tự bao giờ:
- Bố nghỉ đi kẻo mệt. Bố còn chúng con mà.
Suốt đêm Việt chẳng ngủ bởi nghĩ đến bố. Bố cậu yêu và nhớ mẹ cậu nhiều quá, nhiều tới mức suy sụp mà không gượng dậy được thăng bằng. Một người chồng chỉ có thể yêu vợ nhường ấy. Cậu cũng nhớ mẹ, nhưng nỗi nhớ cảu cậu khác hẳn bố.  Cậu dìm sâu nó vào đáy lòng để thi thoảng nó mới bùng lên dữ dội, những khi đó tâm hồn cậu dùng biện pháp thông thưởng để xoa dịu, để quên bớt. Nhưng có lẽ ông đã thất bại. Trong men say chất ngất, ông vẫn buồn và vẫn nhắc đến vợ. Việt thổn thức hờn trách mẹ: Mẹ ơi ! Sao mẹ lỡ bỏ bố con con mà đi kia chứ? Bố nhớ mẹ quay quắt, bố buồn lắm mẹ có biết không? Rồi những ngày sau bố sẽ thế nào đây hả mẹ?
Sáng hôm sau Việt dậy thì bố cậu vẫn nằm trên giường. Cậu muốn ông ngủ thêm nhưng ông tỉnh giấc rồi. Ông nói uể oải đuối sức:
- Hôm nay bố nghỉ làm thôi, toàn thân nóng bức rã rời. Chắc là bị ốm, chẳng tài nào nhấc mình được. bực thật, mất công mất việc.
Việt lo lắng, bố cậu rất ít khi ốm, chắc tại bữa rượu tối qua.
- Bố ốm thì nghỉ ngơi cho khoẻ.
- Hôm qua bố say rượu phải không?
- Vâng
Việt cố đáp tự nhiên để bố đỡ áy náy ngại ngùng. Ngưng giây lát như khoảnh khắc hối hận ông lại hỏi.
- Thế bố tự về hay ai đưa bố về? Xe đạp đâu?
- Có cô nào bảo làm cùng bố gặp bố say nên đưa về. Còn xe đạp bố nhớ xem đã uống rượu ở đâu, có khi bố vẫn để xe ở đó cũng nên? Bố nhắc Việt mới chú ý chiếc xe đạp. Cậu thoảng thốt ngó nghiêng khắp lượt nhưng không hề thấy. Nằm trên giường, bố cậu gõ gõ tay lên trán lục lọi túi:
- Bố mang máng nhớ hình như có gặp cô Lê, hẳn là cô ấy đưa bố về. Cái xe chắc bố bỏ quên thật, chờ khoẻ bố ra hỏi, mà nếu mất cũng chả tiếc, chiếc xe cũ nát đáng mấy chục nghìn.
Sẩm trưa, Việt đang lui cúi trong bếp sắc thuốc thì người đàn bà tên Lê tối qua đến. Hoá ra chiếc xe đạp cô gửi ở một nhà ven đường, giờ cầm đến trả. Thấy bố Việt ốm, cô chẳng hỏi han động viên nữa mắng luôn:
- Say rượu đã sướng chưa? Đáng thân !
Bố Việt cười chừ giấu sự xấu hổ. Người đàn bà xuống bếp nhanh nhảu:
- Cháu phải cho bố ăn gì sau đó mới thuốc chứ? Để cô chạy ù ra chợ mua ít xương về nấu cháo.
Cứ thế cô Lê làm việc chăm sóc người ốm rất chu đáo cẩn thận, Việt ngỡ mẹ cậu đang hiện hữu như ngày trước để lo toan mọi bề. Có bàn tay phụ nữ có khác, nếu không mình cậu chẳng biết phải xoay sở thế nào. Bố Việt cũng vui vẻ lên nhiều. Cậu quan sát kĩ hơn. Cô Lê độ ngoài ba mươi ba năm tuổi, gầy gò thấp bé, gương mặt chẳng đẹp lắm và nước da thì đen xạm nắng gió. Bù lại cô nói chuyện hoạt bát dễ nghe, tác phong tháo vát gọn gẽ. Nói chung cô không ưa nhìn, nhưng tiếp xúc rồi thì cô là người dễ gần. Bố cậu cho hay, quê cô ở Thái Bình, nhà nghèo lắm. Lý do cô phiêu bạt ra đây làm là bởi hai vợ chồng cô sắp li dị, hai người không có con nên chia tay. Nghe vậy Việt xúc động một mối đồng cảm trìu mến. Cô Lê cũng là người khổ cực, chẳng sung sướng hơn bố con cậu bao nhiêu. Trên cuộc đời này số phận con người có muôn hình vạn trạng, người khổ điều này, người khổ chuyện khác, chả đặc điểm nào giống nhau. Và do đó, Việt thấy người phụ nữ này thân thiết với gia đình cậu, dựa trên niềm tin cùng cơ sở cảnh ngộ.
Những này kế tiếp, cô Lê vẫn đến phụ giúp Việt và em chữa trị cho bố cậu, anh em cậu quý mến cô như người thân từ sự nhân hậu chất phác của cô. Đặc biệt, có cô bầu bạn bố Việt phấn chấn rõ rệt. Ông cười nhiều hơn, tinh thần bớt bải hoải. Ông rất hăng hái với công việc, tươi tắn và thường tươm tất hơn trước sau trận ốm. Cô Lê thi thoảng lại lui tới nấu nướng dọn dẹp hộ bố con Việt, những hôm ấy bố bộc lộ đầy vẻ hạnh phúc mãn nguyện. Cậu linh cảm rằng giữa bố và cô đã nảy sinh tình cảm với nhau, điều đó thể hiện rõ trên khuôn mặt cả hai. Nếu nó xảy ra thì Việt cũng chấp nhận dù cậu rất thương mẹ. Nhưng em cậu thì sao? Cậu do dự ướm hỏi thử nói:
- Nếu giờ xuất hiện mẹ mới, em có đồng ý không?
- Nhưng mẹ chết rồi làm sao sống lại được?
Nó ngước lên hỏi rất chăm chú. Việt giải thích.
- Không phải mẹ chúng mình sống lại, mà nếu bố lấy vợ thì anh em ta sẽ có một mới hiểu chưa?
Nó tần ngần nhăn nhó suy nghĩ vẻ rất người lớn. Lát sau nó quả quyết chắc nịch !
- Nếu giống như cô Lê thì cũng được, lần nào gặp em cô ấy cũng cho em quà. Toàn thứ em thích.
Ôi! đúng là trẻ con. Việt cốc cốc vào đầu em mỉm cười, vài cái kẹo đã làm nó xiêu lòng. Tuy nhiên chắc hẳn nó cũng thích cô Lê, giác quan trẻ con nhạy bén lắm, đã quý ai thì cực kỳ quý, đã ai thì phỏi phải nói, dẫu dụ dỗ thế nào cũng chẳng suy chuyển. Chúng yêu ghét rạch ròi chứ không nửa chừng lẫn lộn như người lớn. Việt nghĩ ngợi rằng mọi chuyện phụ thuộc vào bố nữa thôi, cậu và thằng em trai không phản đối. Với Việt miễn bố được vui là ắt cậu bằng lòng.
Điều gì đến cuối cùng cũng đến. Sau một tâm sự dãi bày tỏ nỗi lòng và nguyện vọng, bố Việt chính thức thông báo cô Lê đến ở với gia đình, nhà cậu sẽ thêm một thành viên. Anh em Việt gật đầu tán thành và cô Lê chính thức là mẹ của anh em Việt, là vợ của bố cậu, là người thay thế vị trí mà mẹ đẻ đã mất của cậu để lại. Mọi sự diễn ra nhanh chóng trong không khí tươi vui, ấm cúng, một bữa liên hoan nhỏ chào đón mẹ Lê, Việt và mọi người đều hồ hởi hy vọng tương lai sáng ngời đẹp đẽ sắp đến và đang đến rất gần.
Quả nhiên gia đình sống rất hạnh phúc, người mẹ mới tựa cơn gió lạ mang hơi thở nồng nàn của mùa xuân đến với bố con Việt. Đứa em trai cậu quấn quýt mẹ Lê suốt ngày, lúc nào cũng nheo nhéo tung tăng quanh bà. Việt cũng mật thiết và thương yêu bà. Hai anh em cậu đến gọi bà là mẹ mà không chút đắn đo ngượng ngập. Thời gian đầu chưa quen nên hơi lúng túng, nhưng dần dà đã trơn tru quen miệng. Riêng bố Việt thì vui lắm. Ông chẳng phải rầu rĩ ủ dột như trước, mắt ông lúc naà cũng long lanh của con người sung sướng nhất thế gian, cô Lê đã thay đổi  đời ông. Cô dịu dàng đằm thắm và hết sức đảm đang, cô quán xuyến  làm ngôi nhà nhỏ đích thực trở thành một gia đình đúng nghĩa, đậm đà ấm áp tình thương, cô thay thế hoàn hảo người phụ nữ yểu mệnh từng sống trong ngôi nhà này. Cô đã là vợ của bố Việt, là mẹ của anh em cậu với đúng nghĩa người mẹ.
Sống cùng bố con Việt, mẹ kế có vẻ mãn nguyện bằng lòng. Dẫu vậy đôi khi bà ngồi buồn lặng lẽ nhìn về phía mơ hồ xa xăm khó hiểu. Trong một lần như thế, Việt mạnh dạn hỏi:
- Hình như có việc gì đó khiến mẹ phiền lòng đúng không ạ?
Mẹ cậu cố nở nụ cười đáp.
- à ! chẳng có gì đâu. Mẹ nghĩ vẩn vơ ấy mà.
Việt nghĩ hoặc !
- Mẹ đừng dối con ! có gì thì mẹ cứ nói cho con nghe, con xin mẹ đấy.
Thoáng ngẫm nghĩ hồi lâu mẹ cậu mới thở dài thành thật:
- Mẹ đến ở cùng các con mẹ rất vui mừng. Nhưng chỉ tạm bợ thôi, không có gì chắc chắn cả.
- Tại sao ạ? Việt giật thót- Tại sao lại tạm thời? Mẹ cứ ở đây với chúng con, có ai bắt mẹ làm khác ạ? Hay là bố...
Mẹ cậu xua tay.
- Không phải tại bố. Con không nhớ à? Mẹ và chồng cũ đã li dị hẳn đâu. Mẹ luôn phấp phỏng sợ ông ta kiện cáo làm ảnh hưởng đến bố và các con, mẹ đang làm trái pháp luật mà.
- Vậy thì mẹ về quê li dị cắt đứt với ông ta đi.
- ừ ! mẹ cũng định thế trước sau rồi cũng phải một lần.
Ba bố con Việt ủng hộ mẹ Lê về quê hoàn thành thủ tục để vĩnh viễn ở chung cùng bố con cậu. Bố Việt muốn về với mẹ nhân tiện ra mắt họ hàng nhà vợ, nhưng đúng lúc đó thì em trai Việt ốm do vậy ông đành phải ở nhà. Mẹ Lê về quê một mình.
Gần một tuần trôi qua Mẹ Lê chưa lên, bố con Việt thấp thỏm bồn chồn. Không biết ở quê có xảy ra chuyện bất chắc không, đi đường xe cộ có bình an không, vô vàn câu hỏi mà chẳng có đáp án hồi âm. Bố Việt hễ đi làm về là hỏi ngay !
- Mẹ lên chưa con.
Việt lắc đầu vô vọng.
Ngày thứ mười thì mẹ Lê lên. Cả nhà hồ hởi chạy ra đón, thằng em trai Việt lăng xăng hỏi quà. Nhưng nó sớm bị thất vọng. Ba bố con Việt sững lại nhìn người phụ nữ, bà nín thinh mặt ngây ngây lộ vẻ chán nản vào nhà ngồi phịch xuống chiếc ghế nhựa. Bố Việt vội hỏi nhẹ nhàng từ tốn:
- Có chuyện gì  thế em ? ở nhà có người mất hay ốm đau à ?
Mẹ Việt thẫn thờ lắc đầu:
- Không ! Tại cái vụ li dị thôi anh ạ.
- Thế là làm sao ?
- Em về tiến hành li di. Nhưng không ngờ trước đó hắn ta ở nhà vay hơn chục triệu của ngân hàng, bảo là làm ăn nhung làm ăn nỗi gì hắn. Hắn tiêu phung phí hết. Toà án cho đây là món nợ chung của  hai vợ chồng, phải trả xong mới được li hôn. Em uất ức lắm. Đất vườn ngày xưa đã cầm cố hết rồi, lấy gì của chung mà trả.
Mẹ Lê oà khóc, cả nhà im lặng không ai biết nói gì an ủi bà. Hồi lâu bố Việt mới lên tiếng chấn tĩnh vợ.
- Em đừng lo, hơn chục triệu mình cố nhặt nhạnh thì cũng chả khó lắm, gắng lên là được.
- Nhưng mà đây là việc riêng của em và hắn. Em muốn tự giải quyết.
- Việc của em thì không phải việc của bố con anh sao ? Anh muốn em hoàn toàn thuộc về bố con anh, không vướng víu gì với chồng cũ nữa. Việt và em trai đồng thanh:
- Chúng con muốn mẹ ở với chúng con mãi mãi.
- ừ ! Mẹ sẽ ở đây mãi mãi cùng các con.
Mẹ Lê nghẹn ngào xúc đọng ôm anh Việt vào lòng, Việt thấy dễ chịu êm ái quá, càng ngày sợi dây tình cảm của gia đình cậu càng gắn bó chặt chẽ, điều đó thật diệu kì. Ôi hạnh phúc làm sao, Việt muốn gia đình mình mãi hoà thuận vững trãi như khoảnh khắc hiện tại.
Bố Việt gấp gáp thu xếp tiền cho mẹ trả nợ. Gom góp hết tiền trong nhà, bán một vài thứ có giá trị, sau cuối vay tạm mỗi nơi  một ít. Mẹ Lê luôn miệng can ngăn vì theo bà không cần thiết, nhưng ý ông đã quyết, chẳng ai có thể chen ngang. Vả lại chính anh Việt cũng mang muốn vậy. Khi tiền đủ, mẹ cầm tiền lưu luyến chào bố con Việt, tất cả mừng rỡ hẹn vài ngày nữa đón mẹ về. Việt thấy bố thở phào thanh thản như vừa trút được một gánh nặng quá lớn, chưa bao giờ ông có cảm giác khoan khoái giống vậy.
Bố con Việt lại thêm một lần chờ đợ Mẹ Lê. Hơn tuần trôi qua cả nhà vẫn vững tâm, thời gian bằng lần trước. Ai cũng chắc mẩn hai ba ngày nữa mẹ Lê sẽ lên. Nhưng hai tuần kế tiếp vẫn không có tin tức nào, Việt và bố hơi lo, tuy nhiên cả hai cố động viên nhau rằngchỉ mãi là mẹ Lê xuất hiện. Rồi tuần thứ ba, tuần thứ tư trôi qua mà mẹ Lê vẫn bật vô âm tín. Bố con Việt lo lắng thực sự, hết đoán già đoán non lại đặt giả thuyết này hoặc giả thuyết khác. Tuy nhiên chẳng ai có phương thuốc hiệu nghiệm cứu vãn tình hình. Đến hôm người làm ở bãi than cùng quê với mẹ Lê bảo bố rằng: Ly dị đâu mà ly dị Anh bị bà ta lừa rồi. Trước hai người họ cũng định chia tay, nhưng giờ thì thôi rồi. Bà ta đang sống ở quê cùng chồng đấy Bố Việt choáng váng rụng rời, mặt đất  ngả nghiêng bầu trời đảo lộn. Ông bị sốc một cú sốc kinh hoàng đau đớn, niềm tin của ông đã bị phản bộ phũ phàng. Ông bỏ dở công việc không làm, ông muốn về nhà. Bố Việt đạp xe như kẻ mộng du trên đường, trái tim ông nhói buốt, ruột gan quặn thắt vì hờn tủi.Người cùng làm kia mới ở quê ra, nhà lại ngay sát nhà vợ ông. Làm sao họ có thể nhầm lẫn. Mắt ông nhoà lệ mờ đi. Đúng cái giây phút thất thần ấy, một tai hoạ khủng khiếp khác kéo đến. Bố Việt đang chệnh choạng  lảo đảo đạp xe thì đột ngộtbị chiếc ô tô khách đâm vào. Thân người ông bay lên ngã nhào lăn lộn mấy vòng trên đường, ông xỉu lim chẳng biết gì, chiếc xe đạp gãy mục nó thành cục sắt vụn. Người đi đường hối hả đưa ông vào bệnh viện cấp cứu.
Tai hoạ vào chấm dứt ngay. Việt và em trai được báo liền tức tốc vào viện. Lúc cậu đến bộ cậu đang trong phòng phẫu thuật. Việt lo lắng tột độ, sao mọi thứ trớ trêu quái ác lại đổ ập lên đồ bố cậu, trí óc cậu căng thẳng rối bời. Hai anh em ngóng trông tưởng chừng thời gian ngừng trôi, cứ dài đằng đẵn bất tận.
Bốn tiếng đồng hồ mòn mỏi chờ, cuối cùng bố Việt được đưa ra. Ông vẫn chìm trong cơn hôn mê. Anh em Việt thất đảm kêu rú lên khi thấy một chân bố bị cưa đến gần háng quấn băng trắng toát. Bố cậu thành người tàn phế, thành người tật nguyền rồi. Hai anh em ôm trầm lấy bố nằm trên cáng khóc nức nở vật vã. Các y tá bác sĩ khuyên nhủ nhưng hết thảy đều vô hiệu, anh em cậu mê man khóc. Khi thuốc gây mê tác dụng, bố Việt mở mắt lờ đờ nhìn các con, biết tình trạng của mình mà dường như ông chẳng còn hơi sức đau khổ. Hai tay xoa đầu anh em Việt nói thều thào.
- Thôi nín đi hai đứa. Mọi chuyện sẽ qua thôi. Bố vẫn sống cùng các con đây mà.
Vừa lúc đó một vị bác sĩ trung tuổi bước và nhã nhặn từ chối.
- Anh tỉnh rồi à ? Chỉ có các cháu thôi sao ? Thế chị nhà đâu ? Bố Việt ngoảnh mặt lau khoé mắt.
- Vợ tôi... vợ tôi mất lâu rồi bác sĩ ạ.
- à, ra vậy...
Vị bác sĩ gật gù đắn đo có vẻ gì như khó xử ? Ông hỏi thăm cuộc sống của bố và nhiều chuyện về gia đình Việt một cách ân cần. Sau lúc trò chuyện thân tình, ông làm công tác tư tưởng cho bố Việt xong mới tiếp:
- Tôi phải nói với anh điều này, nhưng anh đừng quá xúc động, cũng là để các cháu nó biết cách chăm sóc anh. Khi phẫu thuật chúng tôi đã xét nghiệm máu anh, an cần truyền nhiều máu mà, chúng tôi thấy trong máu anh có vi rút HIV.
Việt  kêu lên thảng thốt.
- Có thật không bác sĩ ? Bố cháu... bố cháu bị nhiễm thật ư ? Có đúng không ạ ? Không thể nào ! Không thể nào có điều đó.
- Chính xác đấy cháu, các bác thử ba lần mới dám khẳng định. Các cháu đừng buồn. Tuy bị nhiễm nhưng nếu được chăm sóc tốt, bố cháu sẽ vẫn mạnh khoẻ  như người bình thường. Đừng quá lo.
Vỗ về một lúc ông bác sĩ đi. Bố Việt nín thinh câm lặng nhìn lạc lõng vô định lên trần nhà, cái nhìn trống rỗng tuyệt vọng. Phần Việt, cậu như chết đi bên cạnh bố, cậu không thể tin nổi tai hoạ dồn dập kéo đến hành hạ người bố của cậu, cậu những muốn gào thét, thét lên rằng tại sao lại khốn nạn thế này ? Tại sao chứ ? Tại sao gia đình cậu rơi xuống tận cùng sợ khủng khiếp hơn vạn lần các cơn ác mộng.
Về nhà, bố Việt suy sụp tinh thần hoàn toàn. Hàng ngày ông luẩn quẩn chống lạng ra ngoài sân rồi lại đi vào, mặt mày rũ rượi chán chường. Ông chẳng đi làm được nữa, cả nhà không có tiền mua gạo, mua thức ăn, vì bố Việt là lao động chính, nay bố cậu bị tổn thương nặng nhà thành bí bách tiền nong. Việt đành bỏ học xuống cảng đội than thay bố. Thương bố bao nhiêu Việt àng ức bà mẹ kế tráo trở kia bấy nhiêu. Chính tại bà ta khiến bố bị tai nạn, bà ta đổ căn bệnh chết người vô phương cứu chữa cho bố. Bây giờ lưỡi hái của tử thần đã treo lơ lửng trên đầu ông, thử hỏi sao ông không u uất ngã gụ. Rồi mai đây anh em Việt sẽ phải mồ côi bố, phải bơ vơ không người che chở và không nơi nương tựa. Bà ta đã gieo mầm tưởng tượng một ảo vọng hão huyền về tương lai sáng lạng trong đầu bố con cậu, rồi phút chốc bà ta thả ba người từ thiên đường xuống địa ngục, cay độc và tàn nhẫn lắm thay. Gia đình Việt đã dang tay chào đón bà ta, cưu mang bà ta bằng tình cảm nhiệt thành mộc mạc. Thế mà bà ta đền đáp bằng mưu toan nham hiểm, lừa dối tiền bạc vật chất và ăn cắp trái tim của ba con người thật lòng quá đỗi. Bà ta đang tâm giết chết linh hồn cùng thể xác bố cậu, huỷ hoại toàn diện tương lai anh em cậu. Sau này bố cậu, anh em cậu sẽ ra sao ? Viễn cảnh ấy thật bi đát thảm đạm. Rồi Việt nảy sinh ý định xả mối hờn căm xuống đầu kẻ reo rắc tai ương cho gia đình cậu, quyết tâm đó mãnh liệt khi chứng kiến bố cậu toan tự tử. Hôm cậu đi làm về thấy em trai lao ra kêu hoảng loạn.
- Bố bị làm sao ấy ! Hình như bố sắp chết !
Việc thốc vào nhà. Trên giường bố cậu mắt trợn ngược co giật từng hồi, tóc tai rũ rượi, bọt mép trào khỏi miệng, hai tay ông ôm bụng quằn quại.Việt thấy dưới nền nhà có chiếc vỏ chai thuốc sâu đã cạn sạch, cậu gào lạc giọng.
- Tại sao bố lại làm thế này ? Bố muốn bỏ anh em chúng con ư ?
- Đằng nào thì bố cũng chết, bố không muốn các con phải khổ sở vì một người bệnh tật vô dụng...
Bố Việt cắn răng vật vã nói. Không để bố nói thêm lời nào, cậu bế sốc ông tới ngay bệnh viện. May mà nhà gần bệnh viện sau khi rửa ruột bố cậu được cứu thoát khỏi cơn nguy kịch. Cơn thịnh nộ tới cực điểm chua xót, Việt nghỉ làm một ngày tìm về quê mụ Lê trả thù, cậu phải trả món ân hận này.
Về đến nơi với con dao sắc nhọn nhỏ trong túi, Việt hỏi thăm nhà mụ ta. Bà hàng xóm kể lể về những thành tích bất hảo của vợ chồng mụ Lê. Nào là cờ bạc trai gái, nào là vay nợ lung tung, rồi bịp bợm tính cách ăn quỵt. Mụ Lê thường xuyên cặp hết người nọ người kia hòng moi móc kiếm trác, nhiều người, ông khờ khạo đã mắc lừa mụ ta. Phải khó khăn lắm Việt mới làm người hàng xóm hiểu mục đích  của cậu, cậu cần tìm mụ Lê. Bà hàng xóm kéo giọng dài thườn thượt.
Ôi giào ơi ! Nhà đất này bị ngân hàng tịch biên rồi, hai vợ chồng ấy đang sống ở nơi khác.
Việt xin địa chỉ mới của mụ Lê, bà hàng xóm ham chuyện cho ngay Việt đùng đùng đến địa chỉ ghi trong tờ giấy. Hỏi thăm chán chê rồi cũng thấy. Nhưng đen đủ sao căn phòng trọ vắng ngơ vắng ngắt, cánh cửa gỗ khoá chặt. Việt đoán hai vợ chồng mụ Lê không có nhà, cậu phừng phừng lửa giận đứng khuất một góc rình rập kẻ đốn mạt trở về.. Hơn hai tiếng đồng hồ mụ ta vẫn chẳng xuất hiện. Việt định bỏ dở công việc như dự kiến, ở nhà chỉ có bố và thằng em, không ai cơm nước, không ai trông nom bố, nhỡ đâu ông làm liều thì nguy. Việt hậm hực bắt xe xuống Quảng Ninh. Vài ngày nữa Việt sẽ quay lại hành động. Mọi sự rõ ràng quá rồi, láng giềng gần gũi đã nói thì sai sao được. Bố Việt chỉ là một trong vô số nạn nhân của mụ Lê, mụ ta là quân bất lương, quân kẻ cướp, quân giặc cái. Việt phải đâm chết mụ ta vì bố và vì những người khác sắp bị mụ ta hại.
**************
Xe ô tô dừng, Việt xuống đi xe ôm đến khu nhà trọ tiêu điều nơi mụ Lê trú ẩn. Giây phút này Việt liều lĩnh rợn người. Nghĩ về mối thù đắng chát nhục nhã mặt cậu hoằm hoằm ánh mắt rực lửa, sự điên đảo trong cậu như một cơn cuồng nộ đã cuốn phăng đi tất cả lí trí, cái sáng suốt và phần lương thiện hiện lành của cậu bị bóng mây hận thù che lấp. Điều đó khiến bác tài xế xe ôm tuy giữa ban ngày ban mặt, nhưng cũng chờn chợn đôi khi tưởng tượng Việt là người có chủ ý mưu hại các tài xế xe ôm nhằm cướp bóc trấn lột, bởi vậy bác chăm chăm đề phòng cẩn thận, lúc Việt xuống xe ở chỗ đầu con hẻm bác mới nhẹ nhõm an tâm.
Tổ quỷ kia rồi, Việt đứng đúng chỗ góc khuất lần trước quan sát kĩ lưỡng. Căn phòng trọ mở cửa nhưng im ắng chẳng động tĩnh, cậu đoán mụ Lê đang ở bên trong. Việt sờ lại con dao trong túi để chắc chắn nó còn và sẵn sàng làm nhiệm vụ. Bất chợt khí tiết Việt hơi chùng xuống. Cậu chưa từng phạm vào một chuyện ác nào. Thế mà giờ cậu sắp đâm dao giết chết một con người, chưa từng hại một sinh vật sống. Chưa từng cắt cổ một con gà, giờ cậu sắp chấm dứt một cuộc đời. Cậu hơi run rẩy. Nhưng nghĩ đến người bố tội nghiệp Việt dũng cảm kiên định hơn. Cậu lừ lừ tiến với phương án đã chuẩn bị.
Căn phòng ngổn ngang bừa bộn như vừa xảy ra một cuộc hỗn chiến, mảnh vỡ bát đĩa và đồ đạc quần áo vung vãi khắp nơi. Trên chiếc giường nhỏ ọp ẹp, một người đàn ông tóc tai bù xù khuôn mặt lơ láo ngồi mê mải tính toán gì đó, ông ta nhìn tờ giấy vẻ giễu cợt, khinh bỉ. Việt đứng sững trước cửa quan sát lướt nhanh, không thấy người cậu tìm cậu định quay ra chỗ cũ chờ đợi mụ Lê về, nhưng người đàn ông liền ngẩng lên hỏi ngay:
- Cậu cần tìm ai ?
Việt bối rối giây lát ấp úng không đáp được. Trấn tĩnh lại, cậu nghĩ mình đã đến với chủ đích giết người thì còn sợ gì nữa, cậu trả lời người đàn ông kia hỏi lại:
- Cháu đến tìm cô Lê.
- Đi rồi !
Người đàn ông buông thõng. Việt ngạc nhiên:
- Đi đâu cơ ạ ?
- Làm sao tôi biết. Sáng nay xong thủ tục ly dị cô ta đi luôn, giấy của toà đây này. Nghe nói cô ta vớ được thằng nào đó nên theo nó. Thế cậu tìm cô ta có việc gì ? Nợ nần hả ?
- Vâng ! Chú biết cô ấy đi đâu không ạ ?
- Biết thế quái nào được, mà biết làm đếch gì. Thế cô ta nợ nhiều không ?
Việt chưng hửng như rơi vào một hố sâu không cùng. Cậu buồn bã đáp.
- Cô ta nợ rất nhiều, một món nợ lớn khủng khiếp.
- Giờ thì lên trời mà đòi thôi.
Việt quay bước chẳng còn nghe rõ câu nói của người đàn ông kia. Mụ vợ ông ta đã biệt tăm rồi, cậu chẳng thể tìm ra. Thế làhết, dự định báo thù của cậu đã bị phá sản vô phương cứu chữa, trời không thương và không chiều lòng cậu. Cậu trở về trong tâm trạng bải hoải, nỗi thất vọng xâm chiếm từng thớ gân mạch máu. Lẽ nào số phận bất công vậy chứ, kẻ ác thì nhở nhơ tung hoành, người lương thiện thì cắn răng chịu khổ sở, kẻ ác thì nhở nhơ tung hoành, người lương thiện thì cắn răng chịu khổ sở. Việt thấy mình giống như đang bị hàng trăm tảng đá đè lên, cậu muốn thoát mà không sao cựa quậy. Không rửa sạch mối hận này cậu đã  có lỗi với bố. Bố ơi, con không trừng phạt kẻ làm  hại bố được, con chẳng trả thù được bố ạ. Xin bố hãy tha thứ cho đứa con kém cỏi này. Con có tội với bố. Con là một thằng bất hiếu. Con chẳng xứng đáng là con của bố. Việt nghiến chặt hàm bóp mạnh hai tay vào nhau, đầu cậu cúi gằm hai bên khoé ươn ướt. Khách cùng xe ngó nghiêng nhìn cậu, họ tò mò không hiểu cậu bị làm sao.
Về đến nhà Việt chấp nhận buông xuôi theo định mệnh, cậu sẽ không tìm kiếm mụ Lê để trả thù cho bằng được, thời gian đó dành để chăm sóc bố, ông tiều tuỵ lắm. Nhưng nếu có cơ hội Việt sẽ trả thù ngay lập tức.
Vào sân Việt gạt sang bên cảm giác bẽ bàng của mình, cậu cần giấu bố mọi chuyện. Cố lấy tự nhiên cậu vồn vã cất tiếng gọi:
- Bố ơi ! Con đã về rồi đây. Em con đâu hả bố ?
- Việt đã về đấy ư con ? Em con nó sang hàng xóm chơi. Nghe tiếng phụ nữ đáp, Việt như chẳng dám tin ở tai mình. Thế này là thế nào. Người trong nhà bước ra tươi cười kia chả phải là mụ Lê sao. Ông trời đùa giỡn cậu, trong khi cậu về nhà mụ ta săn lùng thì mụ ta ở trong chính ngôi nhà cậu. Vừa trông thấy mụ mặt Việt biến sắc tái nhợt. Cậu giận dữ quát:
- Bà làm gì trong nhà tôi ? Bà còn dám vác mặt lên đây à ? Người đàn bà kinh ngạc vì câu nói bất ngờ của Việt. Niềm vui tắt ngấm trên khuôn mặt, miệng bà lắp bắp ngỡ ngàng:
- Kìa... Việt ! Con nói... gì thế ?
- Bà đừng xưng mẹ và gọi tôi là con. Bà chưa đủ tư cách.
Máu Việt sôi lên, mặt cậu đỏ phừng phừng. Cậu gằn từng tiếng rành rọt. Người đàn bà thút thít khóc:
- Trời ơi ! Con đã ghét mẹ, đã chán mẹ rồi sao ?
- Tôi nhắc lại ! Chẳng mẹ con gì hết. Đúng ! Tôi ghét bà, chính xác hơn là tôi căm thù, tôi khinh bỉ bà đến tận xương tuỷ. Tôi hận bà bà nghe rõ chưa ?
Người đàn bà thảng thốt rũ rượi đau khổ.
- Tại sao thế ? Mẹ đã làm gì sai mà...
- Bà im đi !
Việt cắt ngang tức tối.
- Bà không được gọi tôi là con, với tôi người mẹ tên Lê chưa từng tồn tại. Tại sao ư ? Vì bà lừa dối tình cảm của bố con tôi, phụ bạc lòng tốt của gia đình tôi. Bà nhăm nhe có dịp là bà ôm số tiền mà bố tôi tích cóp vay mượn trốn thẳng, bà phản bộ chúng tôi. Thật khốn nạn đểu cáng. Đồ rắn độc.
- Không phải mẹ trốn đâu con.
Người đàn bà vội giải thích, nhưng bà ta dừng lại ngay bởi Việt vừa  ngẩng phắt lên quắc mắt nhìn dữ tợn. Bà ta chợt nhỡ liền ấp úng.
- Mẹ... à cô. Cô xin lỗi. Sự thật cô không trốn bố con Việt, không lừa bố con Việt. Cô mang tiền về quê thì bị tay chồng cũ ăn trộm mất lúc nửa đêm. Mất tiền đó cô còn mặt mũi nào lên gặp bố con Việt. Cô phải ở lại kiếm cho đủ tiền trả nợ rồi ly dị hắn ta. Sáng nay xong xuôi, cô lên đây ngay với sự hân hoan sung sướng được trở về nhà, vậy mà...
- Bà nói dối. Tôi chẳng thèm tin.
Việt tin mụ ta à. Không bao giờ ! Mụ ta đã gây ra một thảm hoạ đau đớn cho gia đình cậu, mụ ta đem lời phán quyết của thần chết của địa ngục đến với bố cậu. Nhớ tới bố câu như bình tỉnh, cậu phải báo thù, phải tiêu diệt ngay cái mầm tai hoạ này khỏi xã hội. Việt thò tay vào trong túi áo nơi có con dao. Cậu hỏi câu hỏi cuối cùng tựa lời tuyên án lạnh lùng đầy sát khí.
- Ai đã mang căn bệnh thế kỉ cho bố tôi. Nếu không là bà thì ai. Hôm nay bà sẽ phải trả giá, một cái giá rất đắt.
- Chính bố tự mang nó vào mình !
- Việt quay lại đằng sau. Bố cậu đang tập tễnh lò cò chống nạng đi vào, theo sau là thằng em cậu. Ông nói lớn như ra lệnh.
- Con dám hỗn với mẹ con. Mau xin lỗi mẹ ngay.
Việt khăng khăng phản đối.
- Sao bố lại bênh vực bà ta ? Bà ta đã lừa dối chúng con, huy hoại sức khoẻ bố.
- Im ngay ! Đừng ăn nói xẫng xược nghe chưa ?
Bố cậu nổi nóng định vung một chiếc nạng lên đánh cậu, ông lảo đảo suýt nữa thì ngã. Người đàn bà Việt căm thù vội chạy đến đỡ ông. Bố Việt xuống giọng bùi ngùi:
- Chính bố tự giết mình sau một lần vấp ngã không giữ gìn, các hôm bố say rượu ấy. Rồi chính bố lây bệnh cho mẹ con, bố đã làm hại con chứ không phải mẹ làm hại bố. Bố có tội với mẹ và bố đã xin mẹ tha thứ.
- Kìa anh ! Anh đừng nói nữa.
Lê oà khóc ngăn lời bố Việt. Còn cậu đứng choáng váng cứng đờ như một bức tượng gỗ, trời đất cứ xoay tròn dưới chân cậu. Cậu hiểm nhầm mẹ Lê rồi, tay cậu buông thõng, con dao nhỏ rơi phịch xuống đúng túi áo. Cậu ngu dại quá, cậu mất rí khôn rồi. Việt có quyền gì mà cậu căm thù người đàn bà trước mặt. Đáng lí ra bà mới là người cần oán thán bố con cậu. Vậy mà trông kìa, bà đứng bên bố lặng lẽ ân cần đầy lòng chắc ẩn vị tha. Việt hối hận, cậu ăn năn vì sự ngốc nghếch ngu dại, giữa những suy nghĩ non nớt. Cậu muốn tự hành hạ và không ngớt nguyền rủa bản thân. Đôi chân Việt khuỵ xuống, cậu mấp máy môi run run nghẹn ngào.
- Mẹ ! Mẹ ! Xin mẹ hãy tha lỗi cho con, con ngốc nghếch quá. Con cứ tưởng mẹ bỏ chúng con.
Bà Lê đỡ Việt dậy nức nở xúc động:
- Đứng lên đi con, mẹ cho qua hết. Cũng chỉ tại con thương bố, mà thương ngươờ thì làm gì có tội. Từ giờ mẹ ở cùng các con mãi mãi. Việt quay sang phía bố chờ đợi sự tha thứ, ông rơm rớm gật đầu. Cậu ôm choàng lấy hai bố mẹ rối rít cảm ơn. Từ đây mái ấm của cậu có đủ như cũ, sẽ lại thương yêu nhau, đùm bọc nhau vượt qua những sóng gió phía trước, chẳng biết ngày mai ra sao, bố mẹ cậu sẽ sống được cùng anh em cậu ba lâu. Nhưng ngôi nhà này cứ hạnh phúc xum vầy ngày nào thì quý giá ngày ấy. Với niềm vui sống tất cả gian truân u ám sắp tới sẽ không là gì cả với Việt và người thân. Cậu tin tưởng chắc chắn như vậy. Phía cuối chân trời đằng tây, ánh sáng của hoàng hôn vẫn le lói xuyên thủng lớp mây dày đặc dồn ứ lại tựa hồ muốn ngăn cản nó chiếu rọi xuống mặt đất. Việt nhìn bầu trời kỳ vĩ đó và hy vọng. Thằng em trai cậu đứng ngẩn ngơ từ nãy chẳng hiểu chuyện gì vừa dĩen ra, người lớn thật phức tạp. Cãi nhau ầm ĩ rồi giảng hoà nhanh hơn lũ trẻ con chúng nó. Nó bực mình nói bô bô:
- Sao mọi người lại khóc ?
Việt và bố mẹ nhìn nó mỉm cười. Mẹ Lê âu yếm bế nó lên:
- Tại bụi rơi vào mắt bố mẹ và anh. Thế con không bị à ?
- Không ! Chả có hạt bụi nào bay vào mắt con cả.
- Hết-
Truyện ngắn của Nguyễn Duy Hùng - Tổ 18C - khu 9 - Bắc Sơn - Uông Bí - Quảng Ninh
ĐT: 0168.742.7125 ( Bút danh: Giai Tử)