Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

MẢNH TRĂNG CONG NHƯ MÌNH CÁ

Vân Long
Thứ năm ngày 10 tháng 9 năm 2009 3:25 PM
 
            Nhà thơ Nguyễn Xuân Thâm dùng tên thật làm bút danh. Sinh ngày 11-1-1936. Quê quán: thôn An Thuận, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên- Huế. Tiến sĩ, phó giáo sư, từng dạy học 40 năm tại Đại học Bách Khoa Hà Nội và 4 năm làm chuyên gia giáo dục ở Angola. Hội viên Hội nhà văn từ 1974. Tác phẩm: Đồng xanh (thơ, in chung, 1964), Tiếng ong bay (thơ, 1972), Nắng bên sông (thơ, in chung, 1985), Con gà đất bẩy màu (thơ, in chung 1998), Tìm trầm (thơ, 2001), Chợt nhớ sâm cầm (thơ, 2009).
Giải thưởng văn học: Giải nhất thơ báo Lao Động năm 1964 với bài Đảo Con gián, Giải B (không có A) Con gà đất bẩy màu (NXB Kim Đồng. Giải thưởng văn học Hội Nhà văn Việt Nam 2001: tập thơ Tìm trầm.                                      
 Cuộc đời từng trải của nhà thơ Nguyễn Xuân Thâm đã chuẩn bị hành trang cho anh khá nhiều thuận lợi với nghề viết: Quê gốc Thừa-Thiên- Huế và sinh ra ở Huế, nhưng anh lại có một tuổi thơ  theo gia đình sống ở  thị xã Sông Cầu, Phú Yên. Mười tuổi quay lại học ở Huế, đến hết tú tài bán phần ở trường Quốc học Huế thì lên chiến khu Hòa Mỹ (Thừa Thiên) rồi ra Nghệ An học trường Huỳnh Thúc Kháng một thời gian, sau Hoà bình 1954 mới về Hà Nội. Thi vào và tốt nghiệp Đại học Bách khoa, khoa Hoá 1956-1959, được giữ lại làm cán bộ giảng dạy. Anh còn có 4 năm làm chuyên gia giáo dục (1989-1993)  ở Angola, nơi ngày đêm vẫn không dứt tiếng đại bác gần xa của cuộc nội chiến kéo dài…Có thể thấy anh tận dụng được vốn sống đa dạng của anh, nhào nhuyễn hoặc điểm xuyết chúng qua những trang thơ.
Tôi quen biết anh vào thời điểm anh hay dẫn các nhóm sinh viên đi thực địa, thực tập ở vùng biển về nghề cá, chế biến hải sản. Anh viết về  biển bằng cả tâm hồn thơ và kiến thức khoa học, điều mà những nhà thơ trước đó (và cả sau này) thường viết về biển chỉ bằng mỹ cảm…Chúng tôi phục anh về những hiểu biết dưới mấy tầng “thuỷ phủ”: loài cá nào ăn nổi, ăn chìm, tập tính ra sao dưới bao nhiêu mét nước, loài cá nào một vòng đời đi giáp vòng Địa trung Hải, những hạt muối thì …lung linh sáu  mặt. Chúng tôi vẫn thường trêu anh: Thơ gì mà đọc lên như đấm vào tai người nghe: Cá úc kêu ùng ục dưới thuyền, Le le nghe động vội bay lên…Nhưng nhờ tận dụng được thế mạnh ấy mà anh có nhiều câu thơ thật hay:
                              Đảo trầm ngâm dưới ánh hoang sơ
                              Mảnh trăng xanh cong như mình cá 
Đó là hai câu trong bài Đảo Con gián  giải nhất báo Lao Động năm nào, bài duy nhất của anh vào Tuyển Thơ Việt Nam 1945-1975 (NXB Tác Phẩm Mới)
(Ở Tuyển thơ này phần lớn các nhà thơ trẻ lúc ấy như Nguyễn Duy, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh…cũng chỉ một bài!)   
Hồi đó, giai đoạn 1954-1965  thực tế đời sống xây dựng CNXH rất được coi trọng, nhiều anh em mới viết được chú ý, được in bài nhiều khi vì nội dung bài phản ánh được những đặc điểm riêng biệt từng vùng đất, ngành nghề. Một mảng vốn sống nữa của Nguyễn Xuân Thâm, mà ở Hà Nội, lứa tuổi chúng tôi chỉ riêng anh có, là người và cảnh sắc miền Nam.  Bài thơ Rông chiêng của anh có chỗ đứng riêng trong tuyển Thơ chống Mỹ cứu nước 1965-1967, với hào khí của Tây Nguyên đầy bí ẩn:  Trống và lửa/ Tiếng nứa nổ, tiếng ché vàng đổ vỡ/… 
Căn gác nhỏ phố Lê Văn Hưu của nhà văn Băng Sơn có thời gian là nơi quy tụ những bạn thơ quanh khu vực Hồ Gươm: Tô Hà có thể nói chuyện thơ say mê quên cả bữa ăn, Tạ Vũ mỗi lần ở đội đặt đường sắt Thái Nguyên về thì đọc thơ cả đêm không cần ngủ, tảng sáng lại nhẩy tàu lên Thái. Tuân Nguyễn hấp háy đôi kính trắng đọc thơ Nga (do anh dịch) bằng giọng Huế. Chỉ Nguyễn Xuân Thâm thì xuất hiện bất kỳ, không có thói quen, quy luật nào. Đặc biệt, anh rất giản dị, dễ tính. Có lần gần 12 giờ đêm mới thấy anh tự mở cửa, không cần bấm chuông, lên thang chưa hết bậc đã hối hả “Các cậu ơi! Còn gì ăn không? “  Thì ra anh mải chấm bài, làm thơ gì không biết, khi xong việc thì đói quá, lục ví cũng không còn đồng nào. Bà nội trợ của Băng Sơn lục chạn, chỉ còn lưng bát cơm nguội, Thâm vẫn ăn ngon lành. Chúng tôi gọi vui Nguyễn Xuân Thâm là ông kỹ sư “cơm nguội”.  Nguyễn Xuân Thâm có giọng cười hề hề rất bộc trực.
Tưởng đã biết hết về nhân thân của anh, nhưng gần đây, đọc                                                                tạp chí Thơ số 5-2006, qua bài anh viết, tôi mới rõ anh chính là  Dao Ca, bút danh quen thuộc một thời tôi vẫn đọc trên mấy tập san in khá đẹp ở Sài Gòn là Đời Mới, Nhân Lọai và Thẩm Mỹ. Đó là khoảng thời gian trước 1954, anh đang học trường Quốc học Huế, mới in những bài thơ đầu tiên, nhưng đã rất chững chạc, báo hiệu một tài năng còn đi xa. (Lúc đó tôi là học sinh trường Văn Lang, cũng vài lần có thơ in chung trên mấy tập san trên với Dao Ca. Chỉ khác tôi vẫn ký bút danh như hiện nay, còn Dao Ca khi ra Hà Nội sau 1954 mới ký tên thật Nguyễn Xuân Thâm). Nếu tờ Thẩm Mỹ nghiêng về sử dụng những dạng thơ mềm yếu tiểu tư sản, thì tờ Đời Mới lại trọng hiện thực, thơ về núi sông, những dặm dài đất nước, gợi nhớ những cánh rừng, đoàn người tản cư ra vùng kháng chiến…  
Những bài thơ có khuynh hướng hiện thực gân guốc pha chút lãng mạn như của Quang Dũng, Hữu Loan là loại thơ cánh học sinh từng học ở vùng kháng chiến chúng tôi thích nhất, nó gửi gắm được nỗi nhớ  rừng, nhớ vùng đất tự do phóng khoáng vừa rời xa chưa lâu. Chúng tôi chép và chuyền tay nhau Tây Tiến và Màu tím hoa sim…Dao Ca độ ấy có nhiều câu thơ làm tôi nao lòng:
                                Nắng ngút đường dài hoa gạo bay
                                Rừng sâu mấy bữa lạc sau ngày
                                Đường xa nắng lửa chiều hun hút
                                Quán đứng lưng đèo núi tiếp mây
                                                             ( Nắng ngút đường dài)
Mặc dầu đây đó trong bài ta còn thấy phảng phất cách viết của một tác giả nào thời Thơ Mới, nhưng cảm nhận thì vẫn riêng của Dao Ca:
                                 Đã lâu trăng cứ vàng hiu hắt
                                 Mây cứ sầu tuôn núi võ vàng
                                 Lá vẫn pha chàm trên sắc áo
                                 Mưa nguồn thác đổ đá mù sương
                                                                 (Rừng)…
Đọc những câu thơ này, tôi như gặp được người đồng điệu, có lúc tự hỏi: Trời Nam đất Bắc đang tơi bời khói lửa, đến bao giờ ta được gặp người viết những dòng  thơ gợi cảm này ? Mà Dao Ca là con trai hay con gái nhỉ?
 Khi biết đích thực Nguyễn Xuân Thâm là Dao Ca ngày ấy, tôi mới gặp anh, tìm hiểu thêm. Thì ra…vào cữ tháng Ba năm ấy, ở căn nhà nhỏ bờ sông Hương, nhà thơ trẻ Dao Ca - Nguyễn Xuân Thâm tiếp một người: bạn thơ Như Trị nguyên chủ bút tờ báo Trẻ (Sài Gòn), lại đang đeo lon thiếu úy sĩ quan Đà Lạt. Như Trị hẳn móc nối với cơ sở cách mạng tử trước. Họ rì rầm vạch con đường lên chiến khu Hoà Mỹ, chỉ cần về quê của Thâm (thôn An Thuận (làng Cốm), xã Hương Toàn, huyện Hương Trà) là có liên lạc đưa đi…Dao Ca lên chiến khu Hoà Mỹ, Như Trị ở lại nội đô. Sau Như Trị học luật, thành luật sư Bùi Chánh Thời, hoạt động trong lực lượng thứ ba nội đô Sài Gòn trước 1975. Còn Nguyễn Xuân Thâm sau đó được  ra học trường Huỳnh Thúc Kháng (Nghệ An), hàng ngày Thâm vẫn gánh nước cho pôpốt (tổ học tập) qua cái xóm có ngôi nhà của Cao Tiến Lê mà sau anh mới biết, đó là quê hương bản quán của nhà văn này!            
         Nhờ khúc dạo đầu 1950-54 đó, nhờ cái tâm người viết và cách viết trong sáng, hiện thực, hai chúng tôi hòa nhập nhanh chóng vào niềm vui và niềm tin của những ngày hoà bình đầu tiên trên nửa nước, cùng có mặt trên các báo xuất bản ở Hà nội, gia nhập nhóm nhà thơ trẻ lứa đầu của giai đoạn thơ xây dựng XHCN ở miền Bắc (1954-65).  
Trở lại bài báo của Nguyễn Xuân Thâm trên tạp chí Thơ nói trên: Anh kể lại thời điểm lần đầu tiếp xúc với thơ Hữu Loan, bài Đèo Cả lại in trên tạp chí Thế giới xuất bản ở Sài gòn năm 1950, dưới hình thức bài báo trích dẫn mục Tiếng Thơ của Xuân Diệu in ở tạp chí Văn Nghệ vùng kháng chiến Việt Bắc. Những ngày đầu kháng chiến, người dân trong vùng địch thường mong ngóng hướng về bưng biền, khiến các tờ báo hiểu tâm lý ấy, nên hễ bộ máy kiểm duyệt lơi lỏng là độc giả được đọc những bài như trên. Bài này nhà thơ Xuân Diệu giới thiệu và bình bài thơ Xuân của Đào Xuân Quý và Đèo Cả của Hữu Loan (mà tác giả chỉ ký mỗi chữ Hữu) Khi đọc Đèo Cả, Nguyễn Xuân Thâm cứ đinh ninh câu thơ của Hữu Loan Mây trời Ai Lao sâu đại dương (sâu không có dấu huyền) là đúng, có lẽ do tạp chí Văn Nghệ vùng kháng chiến in trên giấy thô làm bằng  tre nứa nên chữ dễ mất dấu. Báo Sài Gòn cứ thế in lại. Nhưng nhóm Chân trời mới ở Sài Gòn (gồm Thiên Giang, Tam Ích, Thê Húc, Dương Tử Giang…) lại rất khen, cho là mới mẻ, sáng tạo nhất trong bài là câu Mây trời Ai Lao sâu đại dương.
Hai mươi năm sau, gặp nhà thơ Hữu Loan, Nguyễn Xuân Thâm nhắc lại chuyện này. Hữu Loan nói : “Chữ sâu hay hơn chữ sầu. Chữ sâu làm cho câu thơ   hiện đại”. Hầu như những người đã làm thơ hay thường rất mẫn cảm khi cân nhắc “thôi xao” với một chữ dùng cho tinh xác!
 Tôi liên tưởng đến một trong những chuyến “giang hồ vặt” của tôi, sang ngôi đền cổ ở Bắc Biên, xã Ngọc Thụy, Gia Lâm, tôi bắt gặp chữ dùng hiện đại này trên cổng ngôi đền gạch vôi tróc lở rêu phong trong khuôn hình đôi câu đối chữ Hán như sau:
                                 Khúc kính, vân thâm, tăng lạp trọng
                                 Nhàn môn, hoa lạc, khách hài hương
mà nhà thơ Trần Lê Văn dịch là:
                                 Ngõ khuất, mây sâu, sư nặng nón
                                 Cửa nhàn, hoa rụng, khách thơm giầy
Tất nhiên ông Tú tây học Hữu Loan ở tận Nga Sơn Thanh Hoá chưa đọc hai câu này. Đôi câu đối không hề có lạc khoản, danh tính tác giả mà hiện đại đến hai lần: mây không chỉ sâu hút mà còn làm nặng nón nhà sư, và còn thêm cả tư thế phong lưu rất mực của khách nhàn du: hoa rụng làm thơm giầy khách!
 Những năm 80 thế kỷ trước “Cùng một lứa bên trời…”Bà Triệu, hai đứa chúng tôi ở cùng phố Bà Triệu, hay gặp nhau ở cà phê Hói. Uống cà phê xong, đi lang thang qua vài ngách phố lân cận rồi mới chia tay, bắt đầu ngày làm việc mới. Có một lần, tôi đưa Nguyễn Xuân Thâm vào ngõ Tràng An, cái ngõ nối phố Huế với phố Triệu Việt Vương, có một ngôi chùa cổ. Tôi kể: Thuở nhỏ, mình đã tập đi  trên cái ngõ này! Và kể sơ qua vài kỷ niệm. Chợt Thâm bảo: “Thế thì đêm nay chúng ta cùng làm thơ về  ngõ Tràng An! Sáng mai gặp nhau xem ai có bài trước!” Tôi không khỏi tự ái, định bật lại: “Ngõ Tràng An này của Hà nội, của tôi, không phải  xứ Huế của Thâm đâu!” Nhưng rồi lại nghĩ “ Ừ nhỉ! Với những kỷ niệm thân thiết ấy, sao không thể thành thơ?”  Câu nói khích của Nguyễn Xuân Thâm như giọt nước làm tràn cốc giúp tôi có bài thơ Ngõ Tràng An: Tôi thả bước lơ ngơ/ Trưa vàng ngõ cũ/ In một bước tình cờ/ Lên dấu chân ngày nhỏ… Rồi lại chính Nguyễn Xuân Thâm, khi đọc bản nháp bài tôi viết sáng hôm sau, đã ngoặc câu khá nhất đang ở giữa bài xuống làm câu kết, tạo độ dư vang cho cả bài:
                                 Hoa đại đầu thế kỷ
                                 rụng vào tôi-bây- giờ
Còn với Nguyễn Xuân Thâm, anh khỏi cần viết về ngõ Tràng An nữa, bởi anh đã khai sinh ra bài Ngõ Tràng An cho tôi, lại còn làm bà đỡ mát tay, hoàn thiện nó!
 Đó không phải bài thơ duy nhất chúng tôi chỉnh sửa giúp nhau hoàn thiện khi mỗi bài thơ còn ở dạng bản nháp. Cái cách chúng tôi giúp nhau thật dân chủ! Bản nháp của A được chép sạch, B sẽ thẩm định một cách khách quan, thẳng thắn. Gặp câu chữ hay có thể gạch bên lề để khen, động viên bạn. Gặp câu chữ nào còn sượng, chưa chín sẽ đánh dấu để bạn xem lại. Sau đó B có thể biên tập trực tiếp vào bài “ Nếu là  thơ của mình, mình sẽ sửa thế này! Còn chấp nhận hay không, hay có cách chỉnh sửa khác, tùy cậu!”.
 Điểm lại khoảng bốn thập kỷ quen biết Nguyễn Xuân Thâm, tôi cũng có nhiều bạn thơ thân thiết khác, nhưng chỉ với Thâm, chúng tôi mới đi sâu vào “bếp núc”, nghề thơ của nhau một cách thoải mái, không tự ái, tri âm tri kỷ đến từng con chữ. Có lẽ được như vậy, do hai chúng tôi cùng chung một xuất thân, một quan niệm thơ, một trình độ thẩm mỹ mà phong cách viết hai người  vẫn khác nhau, có thể bổ sung cho nhau một cách hài hoà.
 Đến hôm nay, lại được vui đón Tập thơ mới của Nguyễn Xuân Thâm: Chợt nhớ sâm cầm!   Đọc qua tập thơ, tôi cảm thấy anh không phải là người quá quan tâm đến đổi mới thơ . Có lẽ do anh sớm tạo được cách viết chân mộc, tìm thơ trong sự giản dị, không ngại đưa chất sống thô tháp vào thơ…nên rất ít bị vướng những cách viết sáo mòn, hoặc vụ thực hoặc duy mỹ ở từng giai đoạn thơ, nên không cần thiết phải thay đổi nhiều. Anh không tham viết nhiều, in nhiều tập (Chợt nhớ sâm cầm mới là tập thứ ba in riêng! ), nhưng kiên trì và chuyên tâm với nàng Thơ, không bị phân tán nhiều thể loại hay viết báo kiếm sống như nhiều nhà thơ khác.
 Dường như anh cứ lắng nghe, lắng nghe một hạt mầm nào đó trong lòng mình. Khi nó tách vỏ, anh mới khắc họa đúng nó với vài nét thưa thoáng. Lại có lúc cảm giác anh đang chi chút từng mi-li-gam hoá chất để pha cho đạt nồng độ cần thiết. Già tay hay non tay một chút đều cho một hiệu quả khác …Tình cảm, suy nghĩ anh không trực tiếp bộc lộ, anh bẻ vụn chúng, rắc vào những câu thơ cho chúng lấp lánh, lấp lánh, thế thôi!..Chuyện này có lẽ cần nói kỹ và dẫn chứng trong một bài viết khác!     
 V.L.        
(nguồn: báo Văn Nghệ số 37 (12/9/2009)