Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỚI BÀI HỌC GIÁO DỤC RÈN LUYỆN CÁN BỘ

Ngô Minh Thuyên
Thứ ba ngày 25 tháng 8 năm 2009 6:17 AM
Nói đến vai trò của người cán bộ trong phong trào cách mạng quần chúng, Bác Hồ đã từng khẳng định “cán bộ là cái gốc của mọi thắng lợi”, cán bộ nào phong trào ấy” . Vì vậy, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác luôn dành thời gian tâm sức cho công tác đào tạo bồi dưỡng, giáo dục cán bộ để họ thực sự là “công bộc”, là “người đầy tớ thật trung thành của nhân”. Ngay từ năm 1925 khi từ Liên Xô về Quảng Châu(Trung Quốc), chuẩn bị điều kiện để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Người đã mỡ nhiều lớp huấn luyện chính trị để đào tạo cán bộ cho Đảng sau này. Trong tác phẩm “Đường Kách Mệnh”(tập hợp những bài giảng của Bác), Bác đã đặt lên hàng đầu tư cách người cán bộ cách mạng “...Tự mình phải cần kiệm, hoà mà không tư, cẩn thận mà không nhút nhát,nhẫn nai, hay nghiên cứu xem xét, vị công vong tư, không hiếu danh, không kiêu ngạo, nói đi dôi với làm, giữ chủ nghĩa cho vững,...ít lòng về ham muốn vật chất...”    Những lời dạy tâm huyết của Bác đã thực sự trở thành mục tiêu phấn đấu của nhiều thế hệ cách mạng tiền thân của Đảng. Nhờ vậy trong những thời điểm khó khăn nhất của cách mạng, nhiều cán bộ đảng viên bị bắt bị tù đày, tra tấn, hy sinh vẫn một lòng trung kiên nêu cao phẩm chất trong sạch, khí tiết bất khuất của người cộng sản, như Trần Phú, Nguyễn Văn Cừ, Lê Hồng Phong, Nguyễn thị Minh Khai, Tô Hiệu, Hà Huy Tập... Sau thắng lợi Cách mạng tháng tám năm 1945, chính quyền về tay nhân dân, Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền thì yêu cầu về phẩm chất năng lực của người cán bộ đảng viên đòi hỏi ngày càng cao và bức thiết hơn. Chính vì vậy ngay sau khi cách mạng thành công, ngày 14-11-1945, trên Báo Cứu Quốc, Bác đã viết bài “Nhân tài và kiến quốc” kêu gọi người có tài, có đức ra giúp nước. Tiếp đến trong lễ ra mắt Hội liên hiệp quốc dân Việt Nam(gọi tắt là Liên Việt) ngày 28-5-1946, đề cập đến công tác cán bộ Bác khẳng định: “...Những công việc của nước, của dân không thể giao cho những kẻ bất tài, thất đức. Vì vậy phải tập hợp được những người tài đức, những nhân tài để gánh vác việc chung...” Tiếp đến ngày 20-11-1946, trên Báo Cứu Quốc, Bác viết bài “Tìm người tài đức” kêu gọi các địa phương trong cả nước giới thiệu những người tài đức có thể làm được những việc ích nước, lợi dân “...Trong 20 triệu đồng bào, chắc không thiếu người tài đức, e vì chính phủnghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những người tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin nhận...”.
   Nhờ vậy chỉ trong một thời gian ngắn, Bác đã tập hợp quanh mình nhiều nhân tài của đất nước, không phân biệt thành phần xuất thân, nhưng đều hết lòng vì Tổ quốc, vì nhân dân như, Chí sỹ Huỳnh Thúc Kháng, thượng thư triều Nguyễn Bùi Bằng Đoàn, Phan Kế Toại, đổng lý văn phòng Phạm Khắc Hoè... và các nhân sỹ trí thức như Phan Anh, Phạm Quang Lễ, Tôn Thất Tùng, Trần Hữu Tước, Tạ Quang Bữu...Và thực tế trong thời điểm gay go nhất của lịch sử, vận mệnh dân tộc đang nghìn cân treo sợi tóc, chính quyền non trẻ phải đương đầu với trùng điệp khó khăn thù trong, giặc ngoài, đại bộ phận cán bộ thấm nhuần lời dạy của Bác vẫn chung sức chung lòng chiến đấu quên mình trên các mặt trận kháng chiến, kiến quốc. Nhưng cũng không ít cán bộ đảng viên bắt đầu sa sút phẩm chất đạo đức, chuyên quyền độc đoán, xa rời quần chúng nhân dân. Để chặn đứng biểu hiện này, tháng 10-1947, tại Chiến khu Việt Bắc, trong khi cuộc kháng chiến của nhân dân ta đang ở giai đoạn quyết liệt, Bác Hồ đã viết cuốn “Sữa đổi lối làm việc”, trong đó người chỉ ra nhiều căn bệnh đang gặm nhấm dần tư cách đạo đức của không ít  cán bộ đảng viên.
        Đó là: Bệnh: lợi dụng chức quyền “...Dùng của công làm việc tư,lợi dụng thế lực của Đảng để theo đuổi mục đích riêng của mình, sinh hoạt xa hoa tiêu xài bừa bãi. Tiền bạc đó ở đâu ra? Không xoay của Đảng thì xoay của đồng bào...”
                 Bệnh; dấu dốt “...biếng học hỏi, biếng suy nghĩ, việc dể tranh lấy cho mình, việc khó đẩy cho người khác, không chịu học hỏi quần chúng, không muốn cho người ta phê bình, việc gì cũng muốn làm thầy người khác...”
                Bệnh; háo danh “...Chỉ chịu được sướng không chịu được khổ, chỉ ham làm chủ tịch này, uỷ viên nọ, chứ không ham làm các công tác thiết thực...”
               Bệnh: bè phái “...Ai không hợp với mình thì tốt cũng cho là xấu, hay cũng cho là dỡ rồi tìm cách gièm pha nói xấu, dìm người đó xuống...”
               Bệnh: quan liêu công thần “...Luôn tự cho mình là cách mạng già, cách mạng củ, việc to không làm nổi, việc nhỏ không chịu làm...”
   Những căn bệnh này Bác gọi là kẻ địch bên trong của cách mạng, và Người chỉ ra liều thuốc tốt nhất để khắc phục những căn bệnh này là mỗi cán bộ đảng viên phải giữ vững nguyên tắc phê và tự phê bình trong Đảng. “...Phê và tự phê bình cốt giúp nhâu sữa chữa, tiến bộ, cốt để sữa đổi cách làm việc cho tốt hơn, cốt để đoàn kết thống nhất nội bộ...”
    Mặc dù đã hơn 60 năm trôi qua, nhưng những căn bệnh ấy đến nay vẫn còn hiện hữu trong đội ngũ cán bộ, đảng viên từ Trung ương đến cơ sở., Vẫn còn nóng hổi tính thời sự trong việc đào tạo, tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ hiện nay. Đây chính là nỗi lo thường xuyên của Bác đối với cán bộ, đảng viên của một Đảng cầm quyền. Vì thế, trước lúc đi xa, trong Di chúc thiêng liêng, Bác vẫn không ngừng trăn trở niềm mong mỏi “...Mỗi cán bộ đảng viên phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính chí công vô tư, phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân...”.
  Niềm mong mỏi ấy của chủ tịch Hồ Chí Minh có trở thành hiện thực hay không? Trước thực trạng những “căn bệnh” mà Người nêu lên từ hơn 60 năm trước ngày càng nảy nòi  với cấp số nhân từ trung ương xuống cơ sở, tham nhũng, quan liêu, hủ bại đang tràn lan trong bộ máy công quyền. Có lẽ, với cơ chế tuyển dụng, đào tạo, sử dụng nhân tài như hiện nay thì những bài học về dào tạo rèn luyện cán bộ của Bác Hồ chỉ còn là di sản của quá khứ.

 Ngô Minh Thuyên
(Khánh Mỹ-Thị trấn Phong Điền-TT-Huế)
ĐT: 054.3751598