Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VĂN HÓA PHI VẬT THỂ ĐANG BỊ BIẾN DẠNG?

Nhà văn Hà Lâm Kỳ
Thứ sáu ngày 26 tháng 6 năm 2015 2:12 PM
Năm 1997 tôi có bài viết nhỏ: "Đừng làm biến dạng sắc thái văn hóa", đăng trên báo Nhân dân cuối tuần số 8, ra ngày 23 tháng 2. Ngay sau báo đăng, Đài truyền hình Việt Nam đã chọn, trích đọc trong chuyên mục điểm báo.
Từ đó đến nay, điều mà tôi nêu trên báo, xem ra, ngày càng trầm trọng, mặc dù có Nghị quyết Trung ương 5 khóa 8, Nghị quyết Trung ương 9 khóa 11, và cả loạt văn bản Nhà nước ban hành, lại có đủ các cấp, các ngành, cơ quan chức năng, cơ quan chuyên quản, rồi Ban chỉ đạo nọ, Hội đồng tư vấn kia... Tất cả chỉ nhằm mục tiêu Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ hội nhập. Ấy vậy mà văn hóa phi vật thể, cụ thể là sắc thái văn hóa việt, trong đó có các dân tộc thiểu số, vẫn luôn bị lạm dụng, thậm chí bị bẻ quẹo một cách công khai. Điều này, nếu ai đó hiểu biết thì sẽ nhận thấy ngay, vì nó vẫn được báo chí đưa lên màn hình, lên trang mạng, lên mặt giấy, lên sóng phát thanh ngày ngày đấy thôi. Bé nhỏ như một cuộc vui ở làng ở xã, to lớn như ngày Hội văn hóa các dân tộc ở Đồng Mô, Hội diễn ở khu vực, ở các tỉnh, thành phố. Tại các cuộc ấy, người ta cho các diễn viên không chuyên mặc trang phục mô phỏng! Người ta chắp vá đoạn nhạc dân tộc này vào điệu múa dân tộc kia bảo đấy là nâng cao! Người ta bịa ra chuyện nhân vật lịch sử (chỉ sống ở đồng bằng) đem lắp vào địa phương miền núi! Rồi người ta xào đi xào lại, cả quay cóp nữa một phong tục, một mĩ tục, một sự tích... rồi đưa lên báo chí, đưa vào nghị trường trong các dịp tết nhất, lễ hội, du lịch quảng bá mà không cần biết đến nguồn gốc, bản chất đích thực của sự việc đó, càng không biết đến lòng tự trọng của dân tộc trong cuộc, và của chính ngòi bút mà họ đang cần. Sự lạm dụng "bản sắc văn hóa" có đang là một hội chứng? Mỗi năm cả nước có trên 8000 lễ hội, ở đó có bao nhiêu giá trị văn hóa dân gian, gá trị văn học dân gian. Ở đó có bao nhiêu tâm tư, tình cảm, niềm tin, làm nên bản sắc văn hóa người Việt. Nếu bị bộ phận quyền lực nào đó vô tình hay cố ý làm biến dạng thì văn hóa Việt chẳng những không được bồi đắp mà còn bị co kéo làm dị dạng theo kiểu "đầu Ngô mình Sở", làm cho công chúng Việt và người nước ngoài ngộ nhận, sự am hiểu sai lệch các thành tố Văn hóa Việt Nam.
Nguyên nhân nào đưa đến những tệ hại này? Kinh phí nhà nước ư? Không phải! Do kinh tế thị trường ư? Chưa thật đúng! Trình độ người (cơ quan) quản lý và bệnh thành tích của chính họ? Trình độ người (cơ quan) quản lý và bệnh thành tích ở một số cấp chính quyền, ở ngành chuyên quản, và ở nhiều đơn vị tổ chức. Đấy là câu trả lời xác thực nhất. Xem ra, càng đem Nghị quyết Trung ương 5 khóa 8 vào đời sống, thì bệnh càng có xu hướng nảy sinh và khó trị.
Những năm gần đây, nhiều di sản văn hóa phi vật thể được tổ chức Unesco và Nhà nước ta vinh danh. Công đó trước hết thuộc về các thế hệ nghệ nhân - những người rất nghèo về gia sản, mà đầy ắp tâm hồn và bản lĩnh. Công đó thuộc về Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, người sớm đặt nền móng cho sự vinh danh những di sản văn hóa phi vật thể của đất nước; và cũng là tổ chức hội kiên nhẫn nhất, đấu tranh bảo vệ giá trị đích thực của Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Tiếc thay, cả hai chỉ có quyền năng mà không có quyền lực.
Không phủ nhận vai trò và sự đóng góp quan trọng của một số bộ phận chức năng ở cơ quan quản lý nhà nước thuộc Bộ và thuộc tỉnh. Song khi một tổ chức nào đó vốn không tâm huyết với di sản văn hóa, lại có quyền và có lực, thì dễ dẫn đến, hoặc là thờ ơ vô trách nhiệm, hoặc "bật đèn xanh" cho kẻ tặc làm liều. Những vụ việc diễn ra gần đây ở Đền Hùng đất Tổ, ở Đền Trần đất Thánh, và hàng chục nơi khác là biểu hiện của sự cố ý làm biến dạng di sản văn hóa ấy.Trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể, thì văn học dân gian chiếm phần quan trọng, có thể nói đó là bộ phận tinh túy: ca dao, dân ca, tục ngữ, câu đó, truyện cổ, truyện ngụ ngôn, truyện cười... Những năm 60, 70, 80 của thế kỷ XX, văn học dân gian được xem như động lực tinh thần của công chúng, một phần, nhờ nó được các nhà xuất bản, cơ quan báo chí, cơ quan văn hóa, cơ quan giáo dục đào tạo chú trọng. Từ những năm 90 trở lại đây, thưa bóng các vị ấy, dường như chỉ còn Hội văn nghệ dân gian và những người tâm huyết vẫn âm thầm ghi chép, in ấn. Cũng chỉ để chiêm nghiệm chứ không dám đặt ra phổ biến, phát huy, quảng bá như tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa 8. Nó đang được các loại hình tâm linh dần dần thế chỗ. Đây có phải là biểu hiện của một sự làm biến dạng văn hóa phi vật thể? Sự biến dạng không phải tạo ra những dị bản, mà ở chỗ định hướng của nhiều cơ quan quyền lực thiếu độ tin cậy.
Biến dạng của văn hóa phi vật thể còn nhiều: Trong trang phục, trong ẩm thực, trong bày trí nhà ở, trong mô tả tộc người, thậm chí có cả trong... chế độ chính sách nhà nước.
Kinh tế thị trường và hội nhập, tất yếu sẽ xuất hiện sự giao thoa văn hóa, và văn hóa phi vật thể (trong đó có văn hóa dân gian - Folklor) cũng được chọn lọc hoặc hình thành mới. Điều đó đúng với quy luật. Nhưng nhân thời chuyển đổi này mà nhiều người có ý làm sai lệch bản chất của văn hóa truyền thống, thì đấy là kẻ vô văn hóa, cần lên án.
Tại diễn đàn trang trọng và khắt khe này, tôi đề nghị trong nhiệm kỳ tới, Hội văn nghệ dân gian Việt Nam, cùng các cơ quan chức năng nào đó đặt ra một giải pháp chặt chẽ, hữu hiệu, nhằm cứu vãn sự lạm dụng của văn hóa phi vật thể nói trên, đang có xu hướng lan nhanh, lan rộng trong cả nước.
Yên Bái, tháng 5 năm 2015