Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

HÀM CHÂU, NGƯỜI KHẮC TẠC CHÂN DUNG TRÍ THỨC TINH HOA VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI

Thiên Sơn
Thứ tư ngày 24 tháng 6 năm 2015 6:24 AM



Đã 80 tuổi, nhà báo, nhà văn Hàm Châu giờ chỉ ở một mình trong căn hộ mới xây mà ông thuê tại khu tập thể Kim Liên. Người con gái lớn là Nguyễn Thị Thiều Hoa (từng đọat huy chương Bạc Olympic Toán Quốc tế ở Vienna, CH Áo, và là 1 trong 3 nữ tiến sĩ khoa học về toán học của Việt Nam hiện nay) đang định cư ở Mỹ. Người con trai thứ hai hiện công tác ở TP Hồ Chí Minh muốn mời ông vào sinh sống, nhưng ông chưa đồng ý, vì vẫn muốn lưu lại Hà Nội, mảnh đất “địa linh” mà ông đã gắn bó suốt 60 năm, và cũng để giữ một không gian riêng cho sáng tạo.

Nhiều lần đến thăm ông, tôi ngỡ ngàng vì sự bài trí gọn gàng. Ba giá sách to, với hàng nghìn cuốn sách xếp đều tăm tắp. Căn phòng sạch bóng, lúc nào cũng có hoa tươi. Ngoài kia, sau cánh cửa kính trong suốt là Hà Nội ồn ào, với những dòng người như nước đang tuôn chảy. Còn ở đây, toát lên sự thanh tao, bình lặng.

“Mình thích ở đây, đóng cánh cửa lại vẫn đủ yên tĩnh để làm việc, và lúc mở ra, nhìn thấy mọi người thì bớt cô đơn”.

Ông nói mà bàn tay vẫn mân mê trên bìa cuốn Từ điển Anh - Việt dày sụ. Rồi ông giới thiệu với tôi đủ loại từ điển tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung, chữ Nôm. Đó là những cuốn sách ông vẫn dùng hằng ngày phục vụ cho công việc.

Suốt cả đời mình, Hàm Châu tranh thủ từng khoảnh khắc để học tập và lao động. Nhưng đến tuổi này, ông lại càng thấy thời gian quý giá vô ngần. Hằng ngày, ông thức khuya, dậy sớm, tập khí công - thiền định, rồi dành hầu hết thời gian vào việc đọc và viết.

“Cuốn sách Những nẻo đường khoa học và nhân văn 350 trang, mình viết xong rồi”.

Tôi sửng sốt. Liệu mình có nghe nhầm không? Tôi hỏi lại:

“Bác đã viết xong?”

“Xong được hai hôm, nhưng còn phải sửa lại cho kỹ càng, rồi mới đưa cho nhà xuất bản”.

Từ khi ông thông báo với tôi việc bắt tay viết cuốn sách đến khi viết xong chỉ có 4 tuần. Đó là một kỷ lục. Nó cho thấy sức làm việc kỳ lạ của Hàm Châu. Đấy không phải là một đề tài dễ dàng, ông đang viết về những nhà vật lý siêu hạng của thế giới và những vấn đề nóng bỏng nhất trong thời sự khoa học của ngành này. Không tích lũy kiến thức và kinh nghiệm, không dành hết tâm huyết và đam mê, không thể làm được như vậy.

*

Trước khi trở thành một nhà văn chuyên viết về các trí thức tinh hoa (trong nhiều ngành khoa học, đặc biệt trong lĩnh vực toán, vật lý) Hàm Châu đã là một nhà báo lão luyện.

Ông xuất thân trong một gia đình thuộc loại danh gia vọng tộc ở làng Xuân Liễu, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Có lần trong hồi ký của mình, Hàm Châu cho biết: “Ông nội tôi, cụ Nguyễn Văn Chấn, đỗ phó bảng năm 1895; ông ngoại tôi, cụ Vương Đình Thụy tức Hữu Phu, đỗ tiến sĩ hội nguyên và đình nguyên năm 1910, dưới triều vua Duy Tân. Cha tôi, cụ Nguyễn Xuân Thụ, đỗ tú tài Nho học khi mới 19 tuổi, trong khoa thi Hương cuối cùng. Sinh ra, tôi đã được “thơm lây” nhờ dòng họ!”

Từ nhỏ, Hàm Châu đã học giỏi toàn diện. Do công việc của cha luôn bận rộn, phải di chuyển hết tỉnh này đến tỉnh khác, nên Hàm Châu được cha đưa về Huế, gửi trong nhà người bác ruột (quan thị lang triều Nguyễn) để thuận lợi việc học hành. Thời kỳ này Hàm Châu được tiếp thu nền giáo dục ở đất kinh kỳ và nhanh chóng có ý chí vượt lên mọi khó khăn, tiếp cận tri thức.

Sau Cách mạng Tháng Tám, ông theo gia đình trở về quê và học ở trường Huỳnh Thúc Kháng – một trường nổi tiếng bấy giờ ở xứ Nghệ. Tốt nghiệp phổ thông, năm 1955 ông vào học Trường đại học Nhân Dân Việt Nam, rồi Trường đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, và tốt nghiệp với tấm bằng đại học chuyên ngành kinh tế thương nghiệp.

Dù học về kinh tế, có năng khiếu về khoa học tự nhiên, nhưng Hàm Châu lại say mê viết. Ông đã trăn trở nhiều trong những năm tháng mới vào đời. Hàm Châu tự đào luyện mình, với mục đích trở thành một nhà báo, nhà văn chuyên nghiệp. Ông tự nhủ: “Mình phải chủ động trong nghề nghiệp của mình, phải làm đúng sở trường, chỉ như vậy mới có thể có niềm đam mê trong công việc và có cống hiến cho xã hội”.

Như một cơ duyên, qua sự gặp gỡ với nhà báo Đinh Nho Khôi, Tổng Biên tập Báo Thủ Đô (tiền thân của Báo Hà Nội Mới), Hàm Châu đã nhận lời về làm mảng tin tức và bình luận quốc tế, rồi sau đó chuyển dần sang các mảng về văn hóa, khoa học của tờ báo này.

Đến năm 1979 chuyển về Tạp chí Tổ Quốc (cơ quan ngôn luận của Đảng Xã Hội Việt Nam) và sau đó làm Tổng Biên tập trong gần 10 năm trước khi chuyển sang làm phóng viên cao cấp phụ trách Báo Nhân Dân Cuối Tuần. Từ khi nghỉ hưu ở báo Nhân

Dân, ông nhận lời làm Phó Chủ tịch Hội đồng Biên tập Tạp chí đối ngoại tiếng Anh Vietnam Cultural Window (Cửa sổ Văn hóa Việt Nam) và tiếp tục là cộng tác viên của rất nhiều tờ báo trong nước, nước ngoài.

Đến nay, Hàm Châu đã là tác giả của hơn 2.500 bài báo, 10 đầu sách in riêng, 23 đầu sách in chung. Trong số đó phải kể đến các tác phẩm như: Hiếu học và tài năng, Người trí thức quê hương, Trái tim trong tuyết trắng, Đất Việt cuối trời xa, Ngô Bảo Châu – một “Nobel toán học”, Những chân trời của tài năng, Trí thức tinh hoa Việt Nam đương đại – một số chân dung…

Để làm được điều đó, ông đã phải trang bị cho mình một vốn kiến thức toàn diện phong phú về mọi mặt. Bí quyết để có thể viết sâu sắc, bền bỉ được ông tiết lộ: “Tôi có thói quen, khi đi vào một đề tài nào đó, thì đào sâu đến cùng cực, không tiếc công sức, thời gian. Bên cạnh những bài báo phải viết ngay lập tức, tôi không quên “nung nấu” những tác phẩm dài hơi, về sau, có thể in thành những bộ sách dày dặn vài ba tập, ngót nghìn trang, may ra có giá trị... “để đời”!

Đầu những năm 1990, lúc đó Hàm Châu đã là một nhà báo lão luyện, sắp bước vào tuổi 60. Để có thể vượt qua “bão tố của thời đại @” khi cuộc cách mạng công nghệ thông tin bùng nổ một cách chóng mặt, và công cuộc hội nhập của nước ta với thế giới ngày càng sâu rộng, Hàm Châu đã chủ động trang bị lại kiến thức của mình. Vốn giỏi tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc từ khi còn trẻ, nhưng trong thời Đổi mới, tiếng Anh trở nên cực kỳ quan trọng. Suy nghĩ như vậy nên ông đăng ký học tại chức thêm một bằng đại học tiếng Anh. Ông học chăm chỉ, và luôn đứng đầu lớp. Khi đã có kiến thức cơ bản, hằng ngày ông vẫn nâng cao thêm trình độ tiếng Anh bằng cách nghe radio, xem TV nước ngoài và ôn luyện không ngừng.

Ông cũng đăng ký học một cách bài bản tại Trung tâm Đào tạo công nghệ thông tin của Viện Nghiên cứu Tin học, Điện tử và Tự động hoá với mục tiêu: “Ngay từ đầu, phải đánh máy đúng phương pháp mười ngón, và phải có hiểu biết chắc chắn về hệ điều hành Microsoft luôn thay đổi theo thời gian, từ các windows 95, 98, đến 2000, XP, Vista, rồi windows 07, windows 10”.

Có thể nói việc “không dấu dốt”, việc bám sát những chuyển biến mới của cuộc sống và chủ động trang bị cho mình kiến thức phù hợp với thời đại, tự làm mới mình là một trong những quyết định sáng suốt nhất của nhà văn Hàm Châu, nó biến ông thành người vượt qua được ranh giới của một thời kỳ lịch sử khắc nghiệt đề đồng hành với thời đại mới và tiếp tục cống hiến cho bạn đọc.

Giỏi ngoại ngữ và tin học, cộng với uy tín vượt trội trong mảng đề tài về khoa học và sự bền bỉ tiếp cận những vấn đề hóc búa nhất là trong lĩnh vực toán học và vật lý lý thuyết, Hàm Châu đã được mời tham dự nhiều hội nghị khoa học lớn của thế giới ở 22 nước, trong đó có những hội nghị quan trọng như: Gặp gỡ Blois về Sự ra đời của các thiên hà (Blois, Pháp, 1998), Hội nghị quốc tế Lepton - Photon (Fermilab, Mỹ, 2003), Hội nghị quốc tế lần thứ 32 về vật lý hạt (Bắc Kinh, Trung Quốc, 2004), Hội nghị quốc tế vật lý năng lượng cao (Daegu, Hàn Quốc, 2007)... Ông cũng là nhà báo Việt Nam đầu tiên có mặt tại Fermilab - trung tâm nghiên cứu vật lý năng lượng cao của Mỹ, lớn bậc nhất thế giới (nơi đặt cỗ máy gia tốc proton - phản proton mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ). Trước đó, ông đã thăm cỗ máy gia tốc của CERN (Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu) tại Geneva, Thụy Sĩ.

Trước khi tham dự các hội nghị về toán hoặc vật lý quốc tế, ông thường dành ra hàng tháng để đọc những báo cáo khoa học bằng tiếng Anh của những nhà khoa học hàng đầu thế giới và tìm cách chuyển ngữ, đưa thông tin ra cho báo chí. Đó quả thực không phải là một việc dễ dàng. Nguyên tắc của ông là đưa tin một cách nhanh chóng, chính xác, lột tả được những vấn đề bản chất trong một văn phong gọn gàng, đơn giản để người đọc có thể tiếp cận được những vấn đề mới mẻ, hóc búa đang đặt ra trong khoa học hiện đại.

Điều đáng nói là, Hàm Châu đã trở thành một nhà báo khoa học tầm quốc tế hoàn toàn bởi nỗ lực và uy tín cá nhân. Ông cho biết thêm: “Tôi ra nước ngoài thường không phải với tư cách quan chức nhà nước, mà chỉ là một “nhà báo tự do” trên danh nghĩa cá nhân, mang theo tấm hộ chiểu phổ thông màu xanh lục, một mình lặng lẽ ra đi, rồi trở về, không cậy nhờ ai phiên dịch…”.

Chính vì hết lòng hết sức phổ biến kiến thức khoa học ra công chúng, thường xuyên có mặt trong các hội nghị khoa học lớn và thường gặp gỡ, trao đổi phỏng vấn nên Hàm Châu quen biết nhiều nhà khoa học lớn tầm cỡ Nobel trên thế giới như: J. Steinberger (Mỹ), S. Glashow (Mỹ), J. Friedman (Mỹ), J. Cronin (Mỹ), G. Charpak (Pháp), C. Rubbia (Italy)... và không ít nhà khoa học xuất sắc người Việt Nam ở trong và ngoài nước.

*

Một trong những công trình đồ sộ nhất của Hàm Châu là cuốn Trí thức tinh hoa Việt Nam đương đại – một số chân dung với hơn 1.200 trang in cỡ lớn trong đó tập hợp 56 bài viết công phu về 56 nhân vật trí thức cỡ lớn của Việt Nam thế kỷ XX. Cuốn sách gồm 3 chương. Chương I là các bài viết về các trí thức thế hệ thứ nhất (từ Cách mạng Tháng Tám) gồm các nhân vật như: Tạ Quang Bửu, Hồ Đắc Di, Hoàng Minh Giám, Trần Đại Nghĩa, Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Phạm Ngọc Thạch, Đặng Văn Ngữ, Trần Hữu Tước, Đặng Thai Mai, Trần Đức Thảo, Nguyễn Khắc Viện, Nguyễn Xiển… Chương II nói về thế hệ trí thức xuất hiện sau năm 1954 như: Hoàng Tụy, Nguyễn Văn Hiệu, Nguyễn Tài Cẩn, Vũ Đình Cự, Nguyễn Văn Đạo, Đặng Hữu, Hà Văn Tấn, Đào Trọng Thi… Chương III nói về các trí thức Việt Nam ở nước ngoài như: Ngô Bảo Châu, Trịnh Xuân Thuận, Trần Thanh Vân, Đặng Thái Sơn, Lê Kim Ngọc, Bùi Huy Đường, Đàm Thanh Sơn, Lưu Lệ Hằng, Nguyễn Trọng Hiền, Vũ Hà Văn, Phạm Quang Hưng…

Cuốn sách được viết kỳ công. Hệ thống tư liệu được tích cóp trong suốt 40 năm làm báo của tác giả. Trên hệ thống tư liệu đó, tác giả đã nhào nặn lại, và tái hiện các nhân vật của mình một cách sống động. Bước vào thế giới nhân vật của Hàm Châu trong cuốn sách này, là bước vào một thế giới của những tài năng đặc biệt, mỗi người mỗi vẻ, dù cống hiến ở những lĩnh vực khác nhau, nhưng đều toát lên tinh thần nhân văn, lòng yêu nước, nghị lực phi thường và sự lao động không ngừng nghỉ cho những mục tiêu cao đẹp của cuộc đời. Chính vì thế, cuốn sách có sức chuyển lay một cách mạnh mẽ và vô cùng bổ ích đối với người đọc. Mỗi nhân vật, mà cuộc đời của họ trở thành một tấm gương soi, khiến cho độc giả phải suy nghĩ về chính mình, mài sắc thêm tư duy và bồi đắp thêm nghị lực trên đường đời.

Về công việc việc viết chân dung đầy hứng thú và khó khăn của mình ông chia sẻ: “Như người hoạ sĩ dùng “toan”, bút lông mềm và màu dầu để vẽ nên bức chân dung đẹp của một thiếu nữ, người viết văn dùng giấy, bút - hoặc giờ đây là máy tính - và ngôn từ tinh tế, vừa chuẩn xác vừa uyển chuyển, có tính nghệ thuật, để “vẽ” nên “bức chân dung” ai đó sao cho thật hệt, thật đẹp, chẳng hạn chân dung một nhà khoa học, như trường hợp tôi làm. Công việc ấy đâu có phải dễ dàng, qua quýt được? Cũng có lúc may mắn gặp được trường hợp có thể vẽ nhanh, viết nhanh, nhưng không bao giờ làm qua quýt cả...”

 

Với sự trân trọng sâu sắc, khi đánh giá về cuốn Trí thức tinh hoa Việt Nam đương đại – một số chân dung, nhà nghiên cứu văn hóa nổi tiếng Hữu Ngọc cho rằng: “Có lẽ ngoài ý đồ của tác giả, tác phẩm hấp dẫn này - công phu một đời người - lại là một bích họa hoành tráng phản ánh giai đoạn lịch sử Việt Nam đương đại. Vì các vị trí thức đề cập trong sách này đều là chứng nhân và tác nhân của thời đại. Cuốn sách gây niềm tự hào và niềm tin vào dân tộc cho tất cả người Việt trong và ngoài nước, đồng thời nêu những gương sáng cho các thế hệ trẻ và cho mai sau. Bút pháp của Hàm Châu đầy cảm xúc khi kể về con người, lại chính xác, khoa học khi kể về những công trình và thành tựu - kết hợp đầu óc hình học (esprit de géométrie) và đầu óc tinh tế (esprit de finesse), nói theo Pascal”.

Cuốn Trí thức tinh hoa Việt Nam đương đại – một số chân dung cũng để lại một dấu ấn riêng trong nghệ thuật biểu đạt, thể hiện rõ nhất phong cách của Hàm Châu. Vì vậy, PGS.TS Vũ Quang Hào, giảng viên khoa báo chí - truyền thông Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), đã nhận định như sau: “Hàm Châu đã có những tác phẩm ký đẫm chất khoa học mà vẫn mượt mà chất văn chương. Sự kết hợp khéo léo và nhuần nhuyễn đó đã làm thành phong cách ngôn ngữ Hàm Châu, và nhờ đó Hàm Châu đã trở thành cây bút đi tiên phong, chuyên sâu và thành công về thể loại khó khăn này và hiện thời có lẽ chưa có nhà báo nào đứng được vào vị trí đó”.

T.S

Chú thích ảnh

1. Nhà báo, nhà văn Hàm Châu khi mới bước vào nghề, năm 1957.

2. Nhà báo, nhà văn Hàm Châu và GS Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam, năm 2014.