Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nguyên TBT Nguyễn Văn Linh (1915-2015)
Ông chịu tận cùng nỗi đau của con người
Tuổi lên năm đã mồ côi cha mẹ,
Đứa con trai ông yêu thương đến thế
Tuổi thanh xuân bất chợt bỏ cha, đi...
Ông chịu tận cũng nỗi đau của dân ta
“Thân một cổ mà hai tròng nô lệ”
Mặt trời cách mạng dẫn ông đi từ bé
Tuổi mười lăm đã chịu án chung thân...
Nguyễn văn Linh
Hai lần Côn Đảo mười năm lòng dạ vẫn trung trinh
Tuổi trẻ của ông là lao tù đế quốc
Là dấu chân in khắp miền đất nước
Cỏ đồng Tháp và gió rừng Việt Bắc
Đất Nghệ An, trống Xô Viết còn ngân…
Đời cách mạng là biết mấy gian truân
Chưa một lần bàn chân ông chùn bước
“Tận hiếu với Dân, tận trung với Nước”
Suốt cuộc đời, là những cuộc trường chinh
Nhưng nếu chỉ thế thôi chưa phải Nguyễn văn Linh
Năm đất nước bao nhiêu người trăn trở
Đảng tin yêu bầu ông làm lãnh tụ
Hãy đưa đất nước thoát khỏi những phong ba...
Một con đường đổi mới mở ra
Những việc cần làm ngay, Nói và Làm tiếp nối
Nhảy vào lửa...cũng không hề e ngại
Nguyễn văn Linh-đấy mới chính là ông
Dám đổi mới, dám giã từ quá khứ
Dám cởi trói không chỉ văn nghệ sĩ
Cả một nền kinh tế, và lối cũ tư duy...
Tôi vẫn nghe sông Sài gòn đêm đêm thầm thì
Nguyễn văn Linh-Tổng Bí thư đổi mới
Đất nước vượt lên những tầm cao vời vợi
Bao người dân đã thoát khỏi đói nghèo
Tôi vẫn nghe trên đất nước thân yêu
Khúc tráng ca về một người lãnh tụ
Không muốn làm thánh thần chỉ muốn làm ngọn lửa
Lửa ấm no hạnh phúc mọi nhà...
Trương Nguyên Việt
Nói thay tấm lòng của nhân dân với Nguyễn văn Linh
(Nhân đọc bài thơ Khúc tráng ca về Nguyễn Văn Linh của Trương Nguyên Việt)
Trương Nguyên Việt (Châu La Việt) sáng tác từ mấy chục năm về trước. Từng trải qua đời lính chiến, rồi lại về làm sinh viên khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội I, cuộc đời từng trải khắp bốn phương trời. Làm giáo dục ở Tây Nguyên vài ba năm, rồi chuyên tâm vào báo chí, đến nay, anh vẫn sống ở Sài gòn. Viết báo, viết văn, làm thơ, viết kịch bản văn học...Với Thơ , cho đến KHÚC TRÁNG CA VỀ NGUYỄN VĂN LINH, vẫn thấy một vẻ thơ Trương Nguyên Việt như thuở nào: Giản dị, không hề thay đổi giọng điệu và cũng không thấy sự cách tân mới mẻ nào về hình thức thơ...
Không phải là một trường ca có nhiều lớp lang bài bản dài lê thê mấy ngàn câu như một số tác giả thường viết trường ca về một vị lãnh tụ nào đó, hay một nhân vật lỗi lạc nào đó. Chỉ là một bài thơ hơi dài, một KHÚC TRÁNG CA VỀ NGUYỄN VĂN LINH, Trương Nguyên Việt đã dựng lên chân dung một nhà cách mạng, một lãnh tụ chân chính của NHÂN DÂN, không cần phải tô vẽ gì thêm. Bài ca được tác giả kể, về cuộc đời, về số phận, về bản lĩnh trí tuệ và những đóng góp không hề nhỏ, nếu không muốn nói là vô cùng quan trọng của nhân vật trữ tình chủ thể, theo trật tự của thời quan, của tiến trình lịch sử, gắn với số phận của dân tộc Việt Nam...
Gánh nỗi đau trên mỗi chặng đường đời
Tuổi lên năm đã mồ côi cha mẹ...
Nguyên Văn Linh sinh ra ở quê nội Hưng Yên, mồ côi cha mẹ từ khi ông mới có 5 tuổi đời. Năm tuổi, nghĩa là đang còn ngơ ngác chả hiểu vì sao mình lại không còn mẹ, sau đó lại không còn cả cha nữa! Nguyễn văn Linh dần lớn lên từ gió bụi, sống trong mồ hôi và nước mắt cần lao. Chàng thiếu niên xuất thân nông dân đã sớm được giác ngộ, đã tìm thấy ánh sáng của lý tưởng mới, cứu mình, cứu dân cứu nước khỏi ách nô lệ lầm than...
Ông đã chịu tận cùng nỗi đau của dân ta
“Thân một cổ mà hai tròng nô lệ”
Đường cách mạng gian nan từ tấm bé
Tuổi mười lăm đã chịu án chung thân”.
Rồi thì
“Hai lần Côn Đảo mười năm lòng dạ vẫn trung trinh
Tuổi trẻ của ông là là lao tù đế quốc
Là dấu chân in khắp Nam Trung Bắc...
Tuy nhiên:
Đời cách mạnh biết mấy gian truân
Chưa một lần làm ông chùn bước
Tận hiếu với dân, tận trung với nước,
Suốt cuộc đời, những cuộc trường chinh...
Khổ ải, vào sống ra chết, tận trung tận hiếu, kiên trung bất khuất, những phẩm chất đáng quý ấy thì rất nhiều chiến sĩ đi theo lý tưởng cách mạng đều đã làm được. Nhà cách mạng Nguyễn văn Linh cũng đã thể hiện được phảm chất đó một cách hoàn hảo.
Nhưng nếu chỉ thế thôi chưa phải Nguyễn văn Linh !
Nhà thơ khẳng định như thế. Và khẳng định một cách chắc chắn. Có ai đó từng nói đại khái rằng: “Dành được chính quyền đã khó, nhưng giữ được chính quyền còn khó hơn nhiều!”. Quả là có thế thật. Những năm sau giải phóng miền Nam, đất nước đã được quy về một mối, nhưng khó khăn chống chất khó khăn. Nguồn viện trợ từ nước ngoài đã bị cắt, lại thêm bị Mĩ cấm vận, kẻ thù từ mọi phía tiếp tục khoét sâu vào chỗ yếu của ta, ra sức phá hoại, thậm chí chúng còn tiến công xâm lược ở cả hai đầu đất nước. Sự nghiệp cách mạng và cả dân tộc đang đứng trên bờ vực hết sức nguy hiểm. Nhưng làm như thế nào đây, bắt đầu từ chỗ nào đây? Đó chính là câu hỏi lớn của lịch sử. Trọng trách đặt lên vai những người cầm quyền lãnh đạo đất nước. Và chính ông, Nguyễn văn Linh đã được NHÂN DÂN và LỊCH SỬ trao cho trọng trách ấy, để ông cầm lái con thuyền đất nước đang chao đảo, ngả nghiêng trước phong ba bão táp bủa vây từ mọi phía. Và thế là:
Một con đường đổi mới đã mở ra,
Những việc cần làm ngay, Nói và Làm tiếp nối
Nhảy vào lửa, cũng không hề e ngại
Nguyễn văn Linh, đấy mới chính là ông!...
Trong những năm trực tiếp cầm lái con thuyền dân tộc, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã thực sự thể hiện được vai trò tiên phong, mở ra con đường đổi mới, mà trước hết là đổi mới tư duy, dám cởi bỏ ra những điều cũ kỹ, lạc hậu, giờ đây đã không còn phù hợp trong bối cảnh mới nữa. Điều ấy, cũng chính là sự tiếp tục một bản lính kiên cường, sáng tạo, chân thành nhìn nhận lại chính mình, quyết tìm ra hướng đi mới cho cả một dân tộc vốn có truyền thống yêu nước thiết tha, anh hùng bất khuất. Mỗi người dân phải tự cứu lấy chính mình, trước khi trời cứu. Thế rồi trời đất sáng sủa dần ra. Việt Nam đang vững mạnh dần lên, tươi sáng dần lên trong con mắt của bạn bè khắp năm châu bốn biển...
Nhưng Nguyễn Văn Linh không còn nữa trên đời. Dân tộc đã mất đi một nhà cách mạng chân chính, một người con tận hiếu, tận trung. Tuy vậy, sự nghiệp và tấm gương Nguyễn Văn Linh thì mãi mãi trường tồn cùng non sông Đại Việt. Vẫn còn nghe đêm đêm sông Sài gòn thầm thĩ hát về ông. Vẫn mãi còn nghe KHÚC TRÁNG CA VỀ NGUYỄN VĂN LINH, bất tử!
Bài thơ được viết bằng một tấm lòng chân thành ngưỡng mộ một bậc tiền bối tài danh của nhà thơ Trương Nguyên Việt. Câu chữ mộc mạc, nhưng tình thơ thì đậm đà sâu lắng. Tác giả chẳng phải đã nói thay tấm lòng của NHÂN DÂN với Nguyên văn Linh rồi đó hay sao?...
Hà Nội 4-2015
Vũ Bình .Lục
(Hội viên hội nhà văn VN)