Trong báo cáo của Chính phủ trước kỳ họp Quốc hội đang diễn ra tại Hà Nội, khi đề cập đến an ninh quốc gia, có đoạn viết: “…chủ quyền được giữ vững…” . 5 chữ này cũng đã được lặp đi lặp lại nhiều lần trong các báo cáo quan trọng khác ở nhiều cấp, nhiều ngành.
Chúng ta đều biết, trong hoạch định chính sách, nếu nhận định tình hình sai thì không thể có giải pháp đúng. Và ai cũng biết tình hình ngày càng nóng bỏng ở Biển Đông, nhất là từ khi Trung Quốc ngang ngược bồi đắp các đảo chiếm giữ trái phép của Việt Nam ở Trường Sa để xây sân bay và các công trình kiên cố, coi khinh mọi lời phản đối của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam. Gần đây, họ còn trắng trợn ra lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông và chuyển cả pháo lên các “đảo” mà họ vừa bồi đắp một cách trái phép.
Chúng ta cũng đều biết, Đảng và Nhà nước ta - từ các vị lãnh đạo cao nhất cho đến các cơ quan chuyên môn - luôn khẳng định “Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam”, chứ không có một ai chấp thuận nhượng (bán) hai quần đảo đó cho Trung Quốc. Và như vậy, trước tình hình nói trên, khi đề cập đến vấn đề bảo vệ chủ quyền của đất nước, thì cần phải viết như sau mới chính xác: … “chủ quyền của đất nước tiếp tục bị xâm phạm một cách trắng trợn…”
Viết như thế là đúng với tinh thần mà Đảng đã khởi xướng từ Đại hội VI: “Phải nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật…”. Mà đây là một sự thật liên quan đến vấn đề thiêng liêng đối với tất cả những người dân yêu nước, chứ không phải là chuyện ngôn từ, nên không thể tránh né. Có nói đúng sự thật, mới quyết định được đối sách thích hợp. Trách nhiệm giải bài toán “hóc búa” này, trước hết thuộc về các vị lãnh đạo cao nhất và các cơ quan có quyền lực cao nhất nước đã long trọng nhận nhiệm vụ trước toàn dân. Tuy vậy, khi người dân thấy các “đối sách” đang thực thi vô hiệu quả thì có quyền đòi hỏi Chính phủ, Quốc hội phải tìm đối sách khác.
Mọi người đã biết, những năm qua, với tinh thần hòa hiếu, coi trọng tình hữu nghị giữa hai nước láng giềng, Đảng và Nhà nước ta đã tìm mọi cách giải quyết vấn đề phức tạp nói trên bằng con đường ngoại giao, bằng các cuộc tiếp xúc cấp cao…, nhưng một sự thật ai cũng biết là Trung Quốc cậy thế nước lớn, đã coi khinh tất cả mọi cố gắng đầy thiện chí của Việt Nam. Tình hình cũng tương tự như hồi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến: “…Chúng ta càng nhân nhượng, kẻ dịch càng lấn tới…” Nói là “tương tự” vì có điều khác là trước mặt chúng ta chưa hẳn đã là “kẻ địch”, thậm chí không ít người còn cho là “đồng chí, anh em” và thời đại ngày nay, cả ta và Trung Quốc đều không muốn chiến tranh.
Cho dù vậy, một sự thật khác cũng phải thấy rõ: trên trường quốc tế cũng như trong nước, tuy là “đồng chí, anh em” vẫn xảy ra không ít “vụ” đánh nhau sứt đầu mẻ trán, hoặc phải kiện nhau ra tòa. Vì chủ quyền đất nước là thiêng liêng, chúng ta không thể bó tay, thì nhất định phải tìm đối sách khác. Trước sự bức xúc của cử tri mà Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân vừa báo cáo trước Quốc hội, thiết nghĩ, trước hết, Quốc hội tại kỳ họp này cần ra tuyên bố một cách thắng thắn, kiên quyết đề nghị Trung Quốc đình chỉ các hành động phi pháp trên Biển Đông, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ quyền lợi hợp pháp của Việt Nam bằng những phương thức thích hợp. Cử tri cả nước hy vọng sau phiên “họp kín” về tình hình Biển Đông tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, Quốc hội Việt Nam sẽ sớm lên tiếng chính thức về vấn đề hệ trọng nói trên, đáp ứng được ý nguyện và sự trông đợi của nhân dân. Đây cũng là dịp để thêm một lần nữa, chúng ta khẳng định các cơ sở pháp lý về chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, bác bỏ và làm rõ những luận điệu sai trái, xuyên tạc những sự kiện liên quan đến vấn đề trên trong các giai đoạn lịch sử đã qua. Tuyên bố chính thức của cơ quan quyền lực cao nhất nước, chắc chắn có hiệu quả hơn nhiều những lời lẽ lặp đi lặp lại của người phát ngôn Bộ Ngoai giao vừa qua và như thế cộng đồng quốc tế sẽ có thêm cơ sở để ủng hộ Việt Nam một cách mạnh mẽ hơn nữa. Một điều thật dễ hiểu: Khi ngôi nhà đang bị một đội quân đông đúc, hung bạo dí lửa sát mái, chủ nhà có khẩn thiết kêu cứu thì hàng xóm mới chạy đến cứu! Ta kêu cứu vì sự sống còn của cả gia đình ta mà cũng không để lửa cháy lan cả xóm; và láng giềng cùng ta dập lửa cũng vì không muốn lửa thiêu cháy nhà họ. Nhân loại vừa long trọng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Phát xít Đức. Bài học chiến tranh thế giới lần thứ hai dù đã qua hơn nửa thế kỷ vẫn còn nóng bỏng: Tham vọng của những kẻ vĩ cuồng là không giới hạn, nếu không sớm ngăn chặn, chúng có thể đốt cháy cả thế giới!
Mặc dù vậy, chúng ta vẫn hy vọng, trong thời đại hiện nay, khi nhân loại đã có kho vũ khí nguyên tử đủ sức hủy hoại cả địa cầu, các nước có chân trong Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, đóng vai trò cường quốc có trách nhiệm với thế giới, sẽ tỉnh táo, biết dừng lại trước những bước đi nguy hiểm, nhất là khi hầu như cả thế giới đã lên tiếng cảnh báo những hành động phi pháp đó.
Việt Nam, trong vị thế éo le trên bàn cờ quốc tế hiện nay, khi “chủ quyền đất nước liên tục bị xâm phạm một cách trắng trợn”, không có con đường nào khác là phải dựa vào cộng đồng quốc tế, mạnh mẽ lên tiếng đấu tranh, dựa trên những cơ sở pháp lý đã được thế giới công nhận. Có thiện chí và chính nghĩa, không e sợ trước cường quyền, sức mạnh Việt Nam sẽ tăng lên gấp bội. Đó chính là bài học của Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ. Bài học đó vẫn có ý nghĩa trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước bằng các phương pháp hòa bình hiện nay…