Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

QUA TÁM KÌ ĐẠI HỘI

Trần Thanh Giao
Thứ hai ngày 29 tháng 6 năm 2015 5:28 PM


Hướng tới Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần IX:


NVTPHCM- Năm 2015, Hội Nhà văn Việt Nam họp Đại hội lần IX. Tôi may mắn được dự tám kỳ đại hội.

Đại hội I được tổ chức tại Câu lạc bộ Đoàn kết ở Hà Nội từ ngày 1-4 đến ngày 5-4 năm 1957. Lúc đó, tôi chưa là hội viên, mới có vài bài thơ văn đăng báo, nhưng ham mê văn chương, và rất ngưỡng mộ các nhà văn, ngưỡng mộ đại hội cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Vì lúc đó cơ quan tôi công tác là Nhà in báo Nhân Dân ở phố Tràng Tiền, sát bên cạnh nơi diễn ra đại hội nên tôi đi qua lại nhìn vào hội trường, hồi hộp chờ nhìn mặt các nhà văn mà mình ngưỡng mộ, lòng thầm mong ước... Tôi theo dõi báo và sớm biết kết quả đại hội (tôi sửa mo-rát báo Nhân Dân ban đêm, sáng ra bạn đọc mới đọc báo). Chủ tịch hội là nhà văn Nguyễn Công Hoan, tôi đã từng đọc và rất mê một số tác phẩm của ông khi còn đi học. Trong ban chấp hành còn có nhà văn Đoàn Giỏi tôi từng gặp trong bưng biền Khu IX ở một hội nghị văn nghệ diễn ra tại một xã gần đầm Bà Tường ở Cà Mau, lúc đó ông là trưởng Ban văn của Chi hội Văn nghệ Nam bộ...

Đại hội II diễn ra từ ngày 10-1 đến 12-1-1963, cũng tại Câu lạc bộ Đoàn kết. Tôi rất vinh dự được có mặt ở đại hội này với tư cách là đại biểu... mời dự thính, vì lúc đó tôi đã có vài truyện ngắn được đăng báo, đã là đại biểu dự Hội nghị Những người viết văn trẻ lần I ở ấp Thái Hà. Đại hội bầu nhà văn Nguyễn Đình Thi làm Tổng thư ký. Từ đó, nhiều lần tôi được dự một số hoạt động của Hội Nhà văn Việt Nam, gần gũi và rất kính phục nhà văn Nguyễn Đình Thi, thỉnh thoảng thầm nghĩ: mình là "con trai" mà còn "mê" anh Thi, huống chi... Tôi nhớ từ đại hội đó cho tới Đại hội VI, Hội Nhà văn Việt Nam chỉ có chức danh cao nhất là Tổng thư ký.

Đại hội III từ ngày 26-9 đến ngày 28-9-1983 tại Hội trường Ba Đình Hà Nội, sau một nhiệm kỳ dài 20 năm, trải qua cả thời kỳ chống Mỹ ở hai miền Nam Bắc và sau ngày nước nhà thống nhất. Đây là đại hội đại biểu, có 150 người, trong tổng số 370 hội viên. Lúc này, tôi đã vào Hội, đang là Thư ký thường trực của Hội Nhà văn TP.HCM nên được "cơ cấu" vào ban thư ký đại hội do nhà thơ Hữu Thỉnh làm trưởng ban. Tôi nhớ ban thư ký lúc đó chưa được ngồi trên "sân khấu" mà ngồi ở hàng ghế đầu bên phải từ trên nhìn xuống. Đại hội diễn ra suôn sẻ, vui vầy trong tinh thần Nam Bắc sum họp một nhà. Nhà văn Nguyễn Đình Thi được bầu lại làm Tổng thư ký Hội và đọc bài diễn văn bế mạc làm tôi và nhiều đại biểu rất xúc động. Buổi liên hoan bế mạc làm ở khách sạn Thắng Lợi bên bờ hồ Tây thơ mộng...

Nhà văn Trần Thanh Giao

Đại hội IV cũng diễn ra tại Hội trường Ba Đình từ ngày 28-10 đến 1-11-1989. Đây là đại hội toàn thể đầu tiên, với 396 hội viên, dài 5 ngày (có một ngày chủ nhật). Có lẽ đây là đại hội "sóng gió" nhất trong các đại hội vừa qua. Chủ tịch đoàn chủ tịch là nhà văn Trần Bạch Đằng, trưởng đoàn thư ký là Trần Thanh Giao, đều là dân Sài Gòn, không vướng những chuyện "tế nhị"... Có việc đọc thư của tướng Trần Độ (không có trong chương trình đại hội), có việc chất vấn và thảo luận sôi nổi về báo cáo chính trị do Tổng thư ký khóa trước đọc, có việc "vận động hành lang", v.v... đến nỗi Ban Bí thư phải triệu tập cuộc họp đảng viên trong ngày chủ nhật để "ổn định tư tưởng", nhưng sau đó thì... "sóng gió" vẫn tiếp diễn... Tôi nhớ buổi họp cuối của đoàn chủ tịch chuẩn bị nghị quyết đại hội (trưởng đoàn thư ký cũng dự họp để ghi chép và chuẩn bị lịch làm việc hôm sau bế mạc). Đêm khá khuya, cuộc họp căng thẳng, vài ủy viên đoàn chủ tịch nhất định không đồng ý ghi câu "đại hội thông qua báo cáo chính trị" trong nghị quyết, Tổng thư ký Nguyễn Đình Thi (cũng trong đoàn chủ tịch, người viết và đọc báo cáo) thì nhất định không đồng ý ghi câu "đại hội chưa thông qua báo cáo"; chủ tịch Trần Bạch Đằng cố gắng hòa giải nhưng hai bên không ai chịu nhân nhượng. Tôi xin phép nói: "Tôi đề nghị ghi vào nghị quyết thế này có được không: Đại hội đã nghe báo cáo chính trị, góp nhiều ý kiến sôi nổi, và giao cho Ban chấp hành khóa tới chỉnh sửa báo cáo theo hướng đã được đại hội đóng góp và thông qua..." Nhà văn Bàn Tài Đoàn nói "vậy được rồi", vài người nữa tán thành; và chủ tịch kết luận ghi câu đó vào nghị quyết... Đại hội bầu nhà văn Vũ Tú Nam làm Tổng thư ký.

Đại hội V cũng là đại hội toàn thể diễn ra tại Hội trường Ba Đình từ ngày 12-3 đến 14-3-1995, có 496 đại biểu trong tổng số 551 hội viên. Đại hội chỉ bầu được 5 ủy viên ban chấp hành (năm 1996 bổ sung thêm 2 người nữa là 7), do nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm làm Tổng thư ký và nhà thơ Hữu Thỉnh làm Phó tổng thư ký thường trực. Đại hội này có một sự cố lớn: phiếu bầu ban chấp hành thiếu mất tên một người được đại hội đưa vào danh sách đề cử, nên phải bỏ phiếu lại. Đây là thiếu sót của đoàn thư ký, cụ thể là của người phụ trách lập danh sách bầu cử đưa cho ban tổ chức đại hội in phiếu bầu, nhưng trưởng đoàn thư ký, vì trách nhiệm, suốt đêm đó dằn vặt, không ngủ được, hôm sau mệt quá mất cả tiếng. Tôi cũng trong đoàn thư ký phụ trách phần tham luận, may mắn không dính tới chuyện phiếu bầu sót tên nên trưởng đoàn nhờ tôi thay anh đọc nghị quyết trước đại hội...

Đại hội VI là đại hội đại biểu có 423 nhà văn trên tổng số 597, cũng họp tại Hội trường Ba Đình từ ngày 17-4 đến ngày 18-4-2000, bầu ra 9 ủy viên ban chấp hành, do nhà thơ Hữu Thỉnh làm Tổng thư ký. Đại hội diễn ra suôn sẻ. Tôi lại được cử làm trưởng đoàn thư ký Đại hội VI, vì "anh có kinh nghiệm làm thư ký". Tôi nhận nhiệm vụ nhưng xin "tôi đã làm thư ký bốn đại hội liền, từ đại hội sau xin được nghỉ", vì làm thư ký đại hội là trách nhiệm và vinh dự nhưng cũng... "cực" lắm... Trưởng đoàn thư ký phải bao quát công việc của đoàn, của đại hội, phải phân công cụ thể cho từng thành viên: người chuyên ghi biên bản cập nhật mọi diễn tiến trong đại hội, người chuyên tiếp nhận các đăng ký phát biểu và ghi chép lại đầy đủ ý kiến phát biểu, người lo đọc và xếp loại các tham luận, người phối hợp với ban tổ chức nắm số lượng đại biếu có mặt, các khách mời, hoa mừng, điện mừng... và lo theo dõi đề cử ứng cử, lên danh sách phiếu bầu... Trưởng đoàn còn phải giúp chủ tịch đoàn xếp lịch làm việc các buổi, trình các đăng ký phát biểu, tham luận, thảo và đọc nghị quyết đại hội; nghị quyết phải viết súc tích, đầy đủ nội dung đại hội, vừa là nghị quyết lại phải có văn (đại hội nhà văn mà)... Nhiều hôm, đại biểu đã lên xe về nhà khách ăn tối và đi ngủ rồi, hết xe đưa đón, mình còn lóc cóc cuốc bộ về khuya, co ro trong gió rét...

Đại hội VII họp từ ngày 23-4 đến 25-4-2005, cũng tại Hội trường Ba Đình. Đây là đại hội đại biểu, có 557 trong tổng số 848 hội viên, bầu cử hai vòng, vòng một được 4 người (quá bán), vòng hai thêm 2 người nữa, tổng số được 6 ủy viên ban chấp hành, do nhà thơ Hữu Thỉnh làm Chủ tịch. Kể từ đại hội này, hội lập lại chức Chủ tịch hội.

Đại hội VIII là đại hội toàn thể từ ngày 4-8 đến 6-8-2010 tại Hội trường Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh với danh sách mời là 862 người, bầu được 15 ủy viên ban chấp hành do nhà thơ Hữu Thỉnh làm Chủ tịch. Hội viên các tỉnh về Hà Nội đông quá nên phải chia ra ở bốn nơi: nhà khách Hùng Vương, nhà khách Chu Văn An, khách sạn Kim Liên, khách sạn Bàn Cờ. Chủ tịch đoàn cũng rất đông, ngồi kín mấy dãy ghế trên sân khấu. Đồng nghiệp cả nước gặp nhau tay bắt mặt mừng, hàn huyên mọi nỗi, nhưng không khí đại hội thì loãng vì có lúc ngồi ngoài hội trường thoải mái, vui vẻ hơn trong hội trường... Trong hội trường thì ít người muốn nghe tham luận, hầu hết người lên đọc tham luận đều được vỗ tay mời xuống, có người thấy vậy từ chối đọc tham luận... Nhiều người làm thơ ca hò vè vịnh đại hội như bài "Thuở trời đất nổi cơn gió bụi / Khách làng văn nhiều nỗi truân chuyên..." hay nhẩm hát cùng nhau "... chưa có bao giờ mệt như hôm nay/ mấy chai mè đen còn chưa hồi sức/ mấy trăm người ta ngồi lâu càng bức..."

Sắp đến Đại hội IX, nhìn lại tám đại hội qua để thấy rằng yêu cầu gặp gỡ bạn bè đồng nghiệp là có thật và chính đáng nhưng yêu cầu tiến hành một đại hội nghiêm chỉnh cũng là kỳ vọng của hội viên và của toàn xã hội...