Năm nào cũng vậy, cứ dịp kỷ niệm Giải phóng miền Nam 30/4/1975 là tôi lại thấy xốn xang nhớ lại những ngày sôi sục đầy cảm xúc của mình khi dạy môn lịch sử cho học sinh lớp 10 ( nay là lớp 12) thời gian ấy. Sách giáo khoa lịch sử lớp 10 viết về thời kỳ này chưa đề cập tới vì sự kiện chưa chưa xảy ra. Thời kỳ ấy, các phương tiện thông tin còn nghèo nàn, nhất là ở những nơi xa Thủ đô Hà Nội, chúng tôi cập nhật tình hình giải phóng miền nam qua đài truyền thanh, qua chiếc đài tự lắp, nghe rè rè, không rõ lắm nhưng nuốt từng lời và ghi lại để giờ giảng hôm sau truyền đạt cho học sinh.
Có một sự trùng hợp thích thú, những giờ giảng dạy về cách mạng miền Nam trong chương trình của học sinh lớp 10 đi cùng với những chiến thắng mang tính quyết định đang diễn ra nóng bỏng trong thời gian này. Chúng tôi đưa ngay vào bài giảng tin chiến thắng thần tốc từ chiến trường Nam Bộ. Hồi ấy, những năm 1970, giờ giảng lịch sử, giáo cụ trực quan chỉ có bản đồ giáo viên tự vẽ để lên lớp, những dẫn chứng để diễn giải bài giảng giáo viên tự soạn, tự tìm để giờ giảng sinh động. Những câu thơ, những đoạn văn đầy xúc cảm minh họa cho nội dung bài cũng như những bức tranh cắt từ họa báo, ảnh…giáo viên phải tự tìm lấy. Tôi đã từng mơ ước, những giờ dạy về chiến tranh thế giới học sinh được xem phim của Liên Xô minh họa thì hay quá ( vì lúc đó tivi chưa xuất hiện ở vùng xa xôi, ngoài Hà Nội, chỉ có phim của Liên Xô, Trung Quốc chiếu ngoài trời mà học sinh có thể xem được để hiểu về lịch sử). Giá như có nhiều phương tiện phục vụ giảng dạy hiện đại như ngày nay thì môn lịch sử cực kỳ hấp dẫn.
Mặc dù giáo cụ trực quan rất sơ sài, nhưng chúng tôi đã đưa vào bài giảng cuộc tiến công thần tốc của ta năm 1975 đầy hào khí qua lời giảng của mình. Thậm chí, có giờ tôi đưa chiếc đài bán dẫn đến lớp , tiếng đài phát như tiếng ve kim nhưng tất cả, cô trò- hơn 40 em chăm chú nghe, cả lớp không một tiếng động. Tiếng cô phát thanh viên rõ ràng háo hức. Từ cuộc tấn công táo bạo, bất ngờ giải phóng hoàn toàn thị xã Buôn Ma Thuôt (11/3) khiến cho địch rút quân, tháo chạy, khỏi Tây Nguyên . Đến ngày 24/3/1975 vùng chiến lược Tây nguyên giải phóng, 12 vạn quân địch bị tiêu diệt, 60 vạn đồng bào dân tộc được giải phóng. Sau thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên ( từ 10/3 đến 24/4/ 1975) đến chiến dịch Huế - Đà Nẵng (19/3 đến 29/3), và lần lượt nhiều tỉnh miền Nam đã được giải phóng. Chưa bao giờ giờ giảng lịch sử lại sinh động và được học sinh đón nhận một cách hào hứng như vậy.
Khi theo dõi chiến dịch giải phóng Sài Gòn ( từ 9/4 đến 30/4) thì cả thầy lẫn trò vừa hồi hộp vừa tự hào, xen lẫn sự lo lắng mỗi khi quân ta gặp phải sự chống đỡ quyết liệt của địch, như ở Xuân Lộc, cửa ngõ vào Sài Gòn. Rồi tất cả òa lên vui sướng, nước mắt trào ra khi ta làm chủ hoàn toàn Sài Gòn. Đến ngày 1/5/1975 cả miền Nam được giải phóng, Những lời bình luận về chiến thắng sau đó tôi cũng cho các em nghe. Những cái háo hức đón mừng tin chiến thắng tạm lắng đi sau những ngày dài đi cùng đoàn quân chiến thắng để các em chuẩn bị ôn tập thi tốt nghiệp phổ thông. Khí thế hào hùng của chiến tranh nhân dân mãi mãi in đậm trong trái tim của lứa học sinh năm đó. Kỳ thi tốt nghiệp cấp III năm ấy có môn lịch sử. Học sinh trường tôi dạy đạt kết quả xuất sắc về bộ môn này.
Tôi về hưu đã lâu. Mặc dù chỉ giảng dạy môn lịch sử ở cấp Phổ thông trung học 15 năm, sau đó vì lý do gia đình phải chuyển nghề nhưng tôi luôn nhớ về những ngày làm giáo viên dậy môn lịch sử. Hồi đó không có tivi, video, loa, đài…và những phương tiện hiện đại để dạy học sinh nhưng học sinh vẫn rất thích môn lịch sử.
Nghĩ lại, tôi thấy được học môn lịch sử và dạy môn lịch sử là điều rất thích thú. Bởi bộ môn này giúp chúng tôi hiểu khá toàn diện về xã hội, kinh tế, văn học nghệ thuật… Lịch sử không phải là bộ môn khô khan với những kiến thức lặt vặt khó nhớ như các em học sinh sợ học môn này nghĩ. Những giờ lịch sử, bức tranh về một dân tộc, về một đất nước được tái hiện lại rất đáng tìm hiểu và ghi nhớ. Lúc mới ra trường, lên lớp dạy, chúng tôi thấy mình còn non nớt. Kiến thức học ở trường đại học chưa đủ để chúng tôi truyền thụ cho học sinh. Nhưng ý thức nghề nghiệp và sự tự trọng cá nhân khiến cho chúng tôi luôn luôn tìm kiếm cách dạy để tạo sự chú ý của học sinh. Chúng tôi tìm tài liệu, tìm sách đọc, làm giáo cụ trực quan…. để có sự mới mẻ, hấp dẫn cho mỗi giờ lên lớp. Để học sinh lắng nghe bài giảng không dễ dàng chút nào bởi chúng rất hiếu động. Giọng thày cô không biểu cảm, không rõ ràng khó mà thu hút chúng. Việc giảng bài ở mỗi lớp cũng không thể dập khuôn. Chúng tôi hay bị ám ảnh về câu nói “ thầy giáo giảng bài giống như bò nhai lại” . Sợ nhất , khi có một lớp nào đó trống giờ giảng, trường không bố trí được giáo viên dạy thay, các em được tự do đi lại. Nhiều em tò mò đứng nghe giảng ở một lớp khác. Và rồi, chúng sẽ thốt lên, cô giáo giảng bài ở lớp này y hệt giảng cho lớp mình. Luôn luôn ý thức được điều đó nên chúng tôi không dám lặp lại những điều đã giảng cho tất cả các lớp. Môn lịch sử ở trường phổ thông được bố trí rất ít giờ trong thiết kế chương trình của bộ, có tuần, mỗi lớp chỉ có 1 tiết lịch sử nên chúng tôi phải dạy rất nhiều lớp.
Sách giáo khoa thời kỳ này viết cũng dễ hiểu, ngắn gọn, súc tích, học sinh dễ nhớ khi học bài. Nhưng giáo viên lên lớp không lệ thuộc sách giáo khoa, chúng tôi soạn bài rất kỹ lưỡng để có thể mở rộng bài giảng đem lại lý thú cho học sinh. Những phần nào có ở sách giáo khoa chúng tôi hướng dẫn học sinh sử dụng sách giáo khoa. Những kiến thức mang tính gợi mở chúng tôi đưa đến cho các em để các em dễ nhớ bài và có thể thuộc bài ngay tai lớp. Chúng tôi luôn hướng dẫn các em cách học như thế nào cho dễ nhớ, nên vừa học vừa ghi chép ngắn gọn kiến thức cơ bản để từ đó nhớ được sâu sắc kiến thức chứ không học vẹt.
Có thể sách giáo khoa lịch sử hiện nay phong phú hơn, nhiều kiến thức hơn nhưng đọc nó tôi thấy khó nhớ. Hiện tai, những thông tin về bộ môn này rất phong phú, học sinh có thể tra cứu rất nhanh và cụ thể qua Internet, cần sự kiện gì là tìm được ngay. Lên lớp lại đủ đầy các phương tiện giúp cho bài giảng hấp dẫn. Trước đây, những điều kiện này là niềm mơ ước của chúng tôi. Những năm ở thế kỷ trước, dạy học thiếu thốn đủ thứ nhưng học sinh vẫn được giáo viên truyền thụ bài giảng với niềm say mê của mình. Tôi còn nhớ, ngày mới ra trường, đi dự giờ của một đồng nghiệp, anh Nguyễn Như Cách ở trường cấp III Ngô Quyền- Hải Phòng dạy. Giờ học trôi đi nhẹ nhàng, lý thú. Mỗi sự kiện anh đưa ra lại được minh họa bằng hình ảnh anh sưu tầm hoặc một câu chuyện lịch sử ngắn gọn, súc tích. Hết giờ mà tôi, một giáo viên mới ra trường và cả lớp học vẫn còn thích thú muốn nghe anh giảng tiếp. Anh cười và nói với tôi: “ Tôi giảng bài mà thấy mắt cô cứ sáng lên !”. Tôi cười: “ Vì anh giảng tuyệt quá!”.
Hiện tại tôi cứ băn khoăn, tại sao một môn học hay như môn lịch sử mà học sinh lại không thích học. Phải chăng lỗi tại người truyền thụ, lỗi tại chương trình quá nặng hay là sự thờ ơ của lớp trẻ với những kiến thức mà chúng tưởng là chưa cần cho cuộc sống và sự mưu sinh sau này?
Năm 2015, môn lịch sử là môn ít học sinh lựa chọn nhất để thi tốt nghiệp phổ thông trung học .
Mặc dù môn lịch sử dạy ở trường phổ thông học sinh sợ học nhưng chúng lại rất thích xem những bộ phim về lịch sử của Trung Quốc, của Mỹ…chúng thuộc làu sử Tàu qua những bộ phim Tam Quốc, Thủy Hử, Võ Tắc Thiên…. Buồn thay, phim lịch sử của Việt Nam chưa nhiều và chưa hay nên học sinh của ta chưa thẩm thấu được lịch sử nước nhà. Phim lịch sử về nước nhà chưa phát huy được tác dụng, chưa đi sâu vào trái tim non trẻ của con cháu nước Nam.
Học sử mà được tổng hòa thưởng thức giờ giảng hay của giáo viên, được đọc sách hay viết về lịch sử, được minh họa bằng phim ảnh lịch sử hấp dẫn, chắc rằng “sử ta” và lịch sử nhân loại sẽ sống động trong tâm thức của tuổi hoa niên, tuổi học sinh đầy ước mơ và ham hiểu biết./.