Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

BẢN HÙNG CA VỀ NHỮNG NGƯỜI LÍNH VÔ DANH BẤT TỬ

Mai Vũ
Thứ bẩy ngày 27 tháng 6 năm 2015 8:20 PM

( Đọc “ Ký ức gã ăn mày” tiểu thuyết của Tôn Ái Nhân )

Trong các nhà văn Việt Nam, Tôn Ái Nhân là một trong những nhà văn công an hay viết về đề tài an ninh. Anh thường khai thác vấn đề tội ác, tội phạm và những oan khuất của số phận con người để rồi tha thiết chỉ ra: Muốn chấm dứt mọi khổ đau cho con người trên thế gian này thì trước hết quyền lực phải hướng thiện. Phải chăng đó là những cánh buồm đón gió chạy ngược, một tiếng nói bên lề của dòng chảy quen thuộc lâu nay. Tuy chẳng làm suy yếu cái dòng chảy thác lũ kia nhưng lấp lánh ánh sáng của một vệt cắt, khiến người đọc phải trầm ngâm, suy tưởng về nhân tình thế thái, giật mình nhìn thấy những cọng rác ô uế của một hồ nước tù phủ hoa hồng.
Tôn Ái Nhân chưa có dũng khí đứng hẳn bên lề trái để phán xét, nhưng tiếng nói của anh dù còn khiêm tốn nhưng cũng góp phần nhỏ vào bản dân ca: Tôi lại hát những khúc ca ngược chiều gió thổi. Nói như A-ra-gông.
Trong lịch sử, dù lịch sử triều đại, lịch sử ngành, lịch sử văn học, kẻ đi tiên phong bao giờ cũng dễ bị hy sinh, những viên đạn cướp cò có khi còn hạ sát ngay chủ nhân của nó.
Từ Oan tráiđến Hành quyết không pháp trường, Tôn Ái Nhân đã chọn cho mình một cách nhìn cuộc sống, lý giải cuộc sống theo cách đáng yêu của nghề nghiệp công an. Đằng sau cái đó là cái gì?
Một tiểu đội suốt năm chỉ làm có mỗi một công việc là: Hành quyết những án tử tù. Công việc ghê rợn ấy nếu đối với những kẻ công cụ của chính quyền, chắc chẳng hề bận tâm. Đôi khi còn hãnh diện vì góp phần làm trong sạch xã hội. Nhưng với Tôn Ái Nhân, đằng sau những hành động công cụ chính quyền kia, đằng sau những bộ mặt giả vờ chai lỳ kia, là những tấm lòng, là những khuôn mặt người lên tiếng. Và nhà văn ngậm ngùi kiến giải làm sao cho cuộc sống này không còn những án tử hình lấy cái ác trừng phạt cái ác nữa hoặc có thể sử dụng hình thức nào đó để những người hành quyết không phải nhằm bắn vào những mặt người vốn không gây hằn thù gì với họ.
Sự đau đớn của người đi hành quyết còn đau đớn hơn người bị hành quyết và đó chính là hành quyết không pháp trường đối với họ.
Một tiếng nói nhân văn, tha thiết kêu gọi : Quyền lực hướng thiện rất dũng cảm và đáng khích lệ. Vậy mà... Cuộc hành quyết không pháp trường đã ập đến  với nhà văn. Cuốn sách đã in ra nhưng ngay sau đó đã quay về kiếp luân hồi thành bột giấy như cũ và không bao giờ đến tay người đọc !..
Còn tác giả bị cú sốc quá mạnh đã chìm vào im lặng, tưởng như đã gác bút, nhưng rồi 8 năm sau, cuốn tiểu thuyết « Ký ức gã ăn mày » ra đời như một sự bùng nổ.
Phải nói ngay rằng, đây là một cuốn tiểu thuyết được viết dưới ánh sáng của tư tưởng chính thống. Tôn Ái Nhân đã tước bỏ những khám phá, tìm tòi cái mới lạ của mình để trở thành một nhà văn hoàn toàn khác.
Cuộc hành trình này tiến lên hay thụt lùi còn tùy thuộc vào đánh giá của người đọc và xét soi của lịch sử.
Bản tụng ca người lính được viết ra ở thế kỷ 21, nghĩa là đã gần 40 năm sau khi cuộc chiến đã trôi qua, mà vẫn y nguyên chất hùng ca của nó, tuy chất bi tráng cũng không phải là ít.
Chuyện kể về một gã ăn mày lạ có hành tung mờ ám bị công an theo dõi và tạm giữ ba ngày. Do sơ hở gã trốn mất để lại bức thư và một tập bản thảo mang tên “Ký ức đời tôi”.
“Ký ức đời tôi” là một tự truyện khá ly kỳ, hấp dẫn về cuộc đời một người lính chiến đấu bị lạc rừng hơn ba mươi năm, khi trở về đã đóng giả ăn mày để đi tìm gia đình.Với nhân vật tôi xuyên suốt toàn truyện người lính đã tự bạch về bí mật cuộc đời mình, ngay từ nhỏ đã có những mối tình éo le, ngang trái với cô em họ như “ chơi trò vợ chồng” và vụng trộm với chị hàng xóm lớn tuổi xa chồng đầy tội lỗi, dẫn đến kết cục vô cùng bi thảm đối với cuộc đời chị!
Thế nhưng, khi vào lính anh ta đã trở thành một chiến sĩ mưu trí, gan dạ và chiến đấu rất dũng cảm, ngoan cường. Anh ta đã tham gia hàng chục trận đánh vô cùng ác liệt như trận Tết Mậu thân ở Đà Nẵng, trận huyết chiến ở Thành cổ Quảng Trị và hàng chục năm chiến đấu ở rừng Trường Sơn nhiều lần bị thương cận kề cái chết nhưng vẫn vượt qua, thậm chí có lần bị sốt rét ác tính chết đi, đồng đội khiêng đi chôn bất ngờ anh sống lại. Một may mắm nữa là anh đang đi săn thì cả đơn vị bị bom chết hết, còn lại một mình bơ vơ đi tìm đồng đội và lạc rừng suốt ba mươi năm. Ở đây, nhiều chuyện ly kỳ đã xảy ra như chiến đấu với muông thú rất bạo liệt để tồn tại... Và cũng ở đây những mối tình đầy mông muội, hoang dã nhưng rất mãnh liệt và đắm say đã bất ngờ mang tới... 
       Toàn bộ cuốn tự truyện còn hiện lên thân phận cuộc đời của năm cô gái đẹp và bốn người lính. Cũng thông qua số phận của họ mà cuộc chiến tranh cách mang của cả dân tộc chống ngoại xâm từ thời xa xưa cho đến thời kỳ chống Mỹ đã nổi lên khá đậm đặc, bên cạnh đó là những hình ảnh rất sâu sắc, đẹp đẽ và đầy ấn tượng về tình bạn, tình yêu, và tình đội đội sẵn sàng hy sinh vì nhau vô cùng xuc động, khiến người đọc thấy đây chính là cuốn sử thi ghi lại một cách khá đầy đủ và trung thực về cuộc sống chiến đấu của quân dân ta trong những tháng năm vô cùng gian khổ, hy sinh để giành thắng lợi vĩ đại cho dân tộc là: độc lập thống nhất Tổ quốc!
         Ký ức gã ăn mày - cuộc hành trình người lính đầy thân phận. Trải qua tất cả các cung bậc tình cảm, các trạng thái cảm xúc ái, ố, hỷ, nộ. Người lính trong Tôn Ái Nhân rất người. Anh ta va vấp tất cả những thói hư tật xấu của con người, từ việc ăn nằm với cô em họ từ rất sớm đến việc hủ hóa với vợ bộ đội đi chiến trường xa là hành động vô đạo đức tối kỵ thời bấy giờ . Tất cả những cái đó vẫn không làm xấu đi tư tưởng chủ đạo và chính thống của nhân vật này là người lính sẵn sàng hy sinh quên mình chiến đấu giành độc tự do cho đất nước.
Với lời đề từ ngay ở đầu cuốn sách:
    Chiến trường ai khóc chia phôi
Khải hoàn ai nhớ đến người hôm qua

đã khiến người đọc không thể bỏ qua mà vùi đầu vào đọc ngay. Người đọc đã hy vọng tìm thấy ở đây: Những thế thái nhân tình, những lòng chung thủy và sự bội bạc vô ơn, những ân oán giang hồ, những đọa đày và mộng tưởng, tất cả nằm trong một tấn bi kịch vô cùng thảm đạm có tên là: Chiến tranh... và ít nhiều Tôn Ái Nhân đã làm  thỏa mãn chúng ta.
Anh lính Vũ Trung Bồng rời làng quê Thủy Nguyên, một làng quê đẹp như mơ, nằm bên bờ sông Bạch Đằng, nơi có dãy núi Đông Triều tím mờ phía xa và bãi biển phù sa màu mỡ ngập tràn chạy dài ra cửa Nam Triệu.
Cái làng quê êm đềm ấy của anh đang sống yên vui, trẻ thơ chơi trò đánh đáo, đánh bi, bắn súng chun, trai thanh gái lịch hẹn hò nhau những đêm trăng để hát giao duyên, hát đúm. Làng quê trữ tình đã sản sinh ra những câu ca, ví, trăm loài cá, trăm loài chim, trăm loài hoa, trăm loài lá để đời.
Thế rồi, cái làng quê vùng cửa sông, cửa biển này cũng như bao làng quê của miền bắc Việt Nam những năm ấy, chiến tranh ập đến như một trận cuồng phong, xáo trộn, quăng quật đời sống người dân quê, làm chìm nổi bao kiếp người. Các cô gái ngoan hiền bỗng trở thành những người cầm súng gang thép. Các chàng trai lần lượt theo nhau ra trận, để lại sau họ cái làng quê êm đềm đang tứa máu vì chiến tranh.
Chàng trai Vũ Trung Bống dù đang học cấp 3, cũng sẵn sàng lên đường nhập ngũ, mang theo trái tim mình mối tình với nhiều cô gái như Thơ, như Hoa và đặc biệt mối tình vụng trộm, đầy ngang trái với chị Thảnh - người vợ bộ đội đi chiến đấu xa, làm cửa hàng trưởng, hơn anh nhiều tuổi, người đàn bà có khát vọng sống và muốn phá rào đạo lý truyền thống. Là con em gia đình cách mạng, bố liệt sĩ, anh là sĩ quan công an, anh lính Vũ Trung Bồng không khắc khoải lo âu, sợ sệt hay phân tâm khi vào cuộc chiến, mà xác định rất rõ: đi đánh Mỹ là hạnh phúc lớn nhất của thanh niên lúc bấy giờ.
Và từ đây, hành trình của người lính đã bắt đầu. Từ tập huấn ở hậu phương  ở vùng núi Yên Tử, sau vượt Trường Sơn vào Nam đánh Mỹ. Trân đầu tập kích đánh trại lính Quảng Trị, tiếp theo là tham gia cuộc Tổng tấn công Tết Mậu thân ở Đà Nẵng đến trận huyết chiến ở Thành cổ Quảng trị. Nhiều trận chết đi sống lại cho đến khi bị lạc rừng suốt 30 năm. Tan cuộc chiến trở về thì quê hương đã bước sang thời kỳ kinh tế thị trường. Anh lính Vũ Trung Bồng hụt hẫng. ngơ ngác, ngỡ ngàng đi giữa quê hương mà như đi trên xứ lạ, không còn luỹ tre, mái rạ, ngôi đình mọi thứ đều đổi thay hết, văn hóa làng trầm tích hàng trăm năm bây giờ đã cuốn theo chiều gió, còn gia đình thì ly tán phiêu bạt khắp nõi...
Thất vọng, anh theo người tình cũ sang Hải Phòng sống. Vô tình gặp lại ca sĩ La-ờ, một trong bốn người bạn thân của anh ở chiến trường sống sót trở về, giờ là phế binh và cuộc sống quá nghèo ở trong một góc phố. Vũ Trung Bồng cho tiền La-ờ, rồi lên Hà Nội giả làm ăn mày đi các nhà ăn xin để tìm gia đình, vợ con. Anh bị Trung tá đồn trưởng Lê An nghi ngờ, tạm giữ để thẩm vấn... và do đó biết được sự thật về kẻ ăn mày kỳ lạ đầy nghi vấn này. Nhưng rồi lại có nghi ngờ mới, khi xuất hiện một lão ăn mày thật tự tử ở hồ Thanh Mai khiến anh hụt hẫng và để cho người đọc phải bâng khuâng đầy sự xót xa lảng vảng mãi. 
Cuốn tiểu thuyết dày 907 trang khổ to, chữ nhỏ và theo những ghi dấu ở cuối trang sách thì anh đã phải viết nó đến 5 năm trời.
Quả là một cuốn sách dày dặn, chứa đựng rất nhiều tâm huyết của tác giả. Anh đã gửi gắm, ký thác vào đứa con tinh thần này rất nhiều hoài bão coi đây như một cuốn sử thi tri ân người lính trong cuộc kháng chiến đầy máu và nước mắt vừa qua. Mong nó xứng đáng là tác phẩm của anh, đứa con tinh thần vạm vỡ và sáng ngời, làm nên tên tuổi mình.
Ở một chừng mực nào đó, cần ghi nhận anh đã thành công. Tôn Ái Nhân có trong tay một cục vàng chất liệu về đời sống làng quê, về người lính và nhất là  về cuộc chiến ở chiến trường Trường Sơn quả là rất phong phú, sâu đậm hiếm thấy. Nhưng khi đọc xong, gấp trang sách lại, ta chợt thấy hơi tiêng tiếc, bởi vì anh kể về chiến tranh ngồn ngộn những chi tiết rất mới mẻ về cuôc sống chiến đấu của người lính còn sù sì, thô ráp, chứ chưa thật tinh luyện để nó tới đỉnh cao triết lý về chiến tranh để người đọc buộc phải suy ngẫm, day dứt về nó...  Tôn Ái Nhân chỉ mải chạy theo dòng chảy ầm ào của tình tiết câu chuyện mà quên không chú ý đến cấu trúc tiểu thuyết, không dùng thủ pháp đồng đại, đồng hiện, không đẩy cao trào các tình huống và khắc họa tính cách, do đó các tính cách điển hình của nhân vật cứ bị chìm trong các dòng thác của các chi tiết mới lạ cuồn cuộn ập tới. Theo mạch lịch đại, chuyện tình ngang trái với chị Thảnh và bi kịch của chị Thảnh giữa một làng quê đầy nghi kỵ, phong kiến, đang tự chết trong cái quan tài do chính họ tạo ra. Chị Thảnh là một phụ nữ khao khát sống, khao khát yêu muốn đấu tranh, muốn vượt lên khẳng định kiểu sống, kiểu yêu của mình, nhưng không thắng được, cuối cùng buộc phải uống thuốc sâu tự tử. Chỉ riêng chuyện Vũ Trung Bống với chị Thành đã đủ là một tiểu thuyết đầy những bi kịch dữ dội rất hay, nhưng anh đã hời hợt lướt qua bằng một giọng kể theo hồi ức của Thơ.
Rồi cu Bom, một người đáng yêu và đáng thương, một công cụ bạo lực, sản phẩm của chính quyền. Một kẻ vô thức thi hành mệnh lệnh. Một kiểu trưởng tuần mới ở nông thôn, đi phá đình theo lệnh của trên, cuối đời ngã gục vì chính viên đạn của con mình. Đều có thể khắc họa để đẩy lên cao trào đầy bi kịch rất hay...
Anh lính Vũ Trung Bống đi vào cuộc chiến nhiều suy tưởng, nhưng những triết lý của anh chưa đạt đến sự thâm thúy. Hơn nữa, đối thoại đôi chỗ hơi dài dòng và ý tứ thiếu độ cao thâm. Sau nữa, cuộc hành trình của người lính Vũ Trung Bống thật đa đoan, thật thân phận. Các cung bậc anh trải qua đầy ái, ố, hỷ, nộ. Chiến tranh đã biến dạng con người và tâm hồn anh, cái chết của đồng đội đã khơi dậy tính dã thú trong con người anh. Anh sống gấp, trụy lạc với các cô gái thanh tniên xung phong và ủng hộ đồng đội sát nhân, giết 2 người lính  trẻ đối phương bằng xọc lưỡi lê. Và nhất là sau khi nhìn sáu xác lính Mỹ trong đó có hai nữ y tá chết thảm bị phơi thây giữa rừng già vô cùng ghê rợn do chính anh bắn hạ, khiến anh lại day dứt ân hận, nhưng rồi lại tự bào chữa là do chiến tranh với câu nói của nhà kinh điển: sống trong môi trường man rợ, buộc ta phải ứng xử một cách man rợ, để tiến tới xoá bỏ man rợ. Rõ ràng đây là tác phẩm của Tôn Ái Nhân, câu chuyện của Tôn Ái Nhân, nhưng ta cứ thấy hình như thấp thoáng ở đâu đây trong cuộc sống đầy bi kịch của chúng ta đã xảy ra vào những tháng năm đánh Mỹ  vừa qua...
Với tiểu thuyết « Ký ức gã ăn mày » còn rất nhiều điều cần bàn. Rất mong sẽ có một cuộc hội thảo về tác phẩm này. Những góp ý trên chỉ là nét vằn xám nhỏ trong viên ngọc.
Dù sao,  « Ký ức gã ăn mày » là một thành công của Tôn Ái Nhân. Nó là viên gạch hồng xây lâu đài văn học đương đại, làm phong phú kho tàng văn học chiến tranh của chúng ta. Nó là một cửa sổ riêng của Tôn Ái Nhân mở ra để cho người đọc nhận biết thêm một giai điệu người lính về phần còn khuất lấp của chiến tranh. Tất cả những nhân vật trong truyện đều rất đáng thương. Tuy hình hài đã biến dạng đi nhưng lòng yêu quê hương, yêu con người, yêu đồng đội vẫn bỏng cháy. Đó cũng là một thành công của Tôn Ái Nhân. Ký ức gã ăn mày là một tác phẩm mang đậm nét sử thi về người lính đáng để chúng ta đọc.

                                                Mai Vũ
                                                      Chi hội Nhà văn Công an