Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TRUNG VIỆT - VIỆT TRUNG

Đỗ Quyên
Thứ hai ngày 29 tháng 6 năm 2015 3:38 PM
Trung-Việt Việt-Trung (4)
(Trích tiểu thuyết)
TNc: Trong hai tháng qua, tình hình biển Đông luôn căng thẳng ở mức độ quốc tế do hành vi bồi lấp, xây dựng bất hợp pháp đảo nhân tạo và quân sự hóa của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Cùng tháng ngày này năm ngoái từng xâm phạm thô bạo lãnh hải Việt Nam gây ra các chấn động chính trị, xã hội chưa từng có tại Việt Nam và các nước trong khu vực cũng như trên thế giới, hai tuần nay giàn khoan 981 lại đang mò ra biển Đông “kiếm ăn”.
Tiếp theo các trích đoạn
http://trannhuong.net/tin-tuc-19184/trung-viet-viet-trung.vhtm ;
http://trannhuong.net/tin-tuc-19286/trung-viet-viet-trung.vhtm ;
http://trannhuong.net/tin-tuc-19341/trung-viet-viet-trung-3.vhtm ;
http://trannhuong.com/tin-tuc-18345/chuyen-cai-mui-khoan-va-bom-di-bao.vhtm
trannhuong.net giới thiệu tiếp lược trích Hồi 3, Truyện 3 (“Chuyện ‘chiến tranh văn học’ bất thành”) từ bản thảo tiểu thuyết Trung-Việt Việt-Trung của tác giả Đỗ Quyên. Đây là các chương đoạn nói về sinh hoạt của làng văn nghệ trong binh tình giàn khoan 981.
3.1
Từ đầu tháng Năm, Cục Tình báo Hoa Nam có trong tay toàn bộ trao đổi điện thoại, điện thư giữa dịch giả Thiết Ngôn và thi sĩ Võ Thị Mỵ Châu. Sau khi hai truyện của Đỗ Quyên gây dư luận, tất cả sinh hoạt của hai người đều bị lọt vào tầm ngắm. Trong hồ sơ cơ quan an ninh Trung họ đều bị mang “mật danh đen”.
“Đuôi” không ai khác chính là phê bình gia Trương Duy - phó và cũng là nam nhân tình của người chủ tịch độc thân tài hoa lãng tử. Thật ra từ năm ngoái, họ Trương đã tự ý lập hồ sơ theo dõi sếp của mình. Lúc đó ghen là chính. Nhiệm vụ ư? Cái cớ viển vông. Viển vông hóa thật. Sáng ngày 2 tháng Tám, nội vụ đổ bể, vốn con nhà nòi lịch lãm sếp chỉ biết mắng vào mặt phó một câu: “Tài, tài đến thế là cùng!” Một câu mắng nhưng bằng bốn thứ tiếng: Việt, Nga, Anh và Trung. Vui ở chỗ đệ nhị khổ chủ - nhà thơ Võ Thị Mỵ Châu - vô tình nghe được chuỗi chửi rủa mang tính toàn cầu hiếm có. Chả là vì chàng nàng đang điện thoại nói lời chia tay lần chót thì “đuôi” ló mặt. Trắng trợn và khiêu khích.
Là con trai cưng của văn hào Tứ Kim, cố Chủ tịch Tổng hội Văn sĩ Trung, lại có sở thích và năng khiếu ngôn ngữ từ nhỏ Thiết Ngôn ra vào làng văn chương Trung và thế giới như cửa ngõ tư gia. Trung học rồi đại học ở Liên Xô. Làm luận án phó tiến sĩ tại Đại Việt. Tiến sĩ Harvard. Giáo sư thường niên Đại học Oxford. Hai bản dịch tiếng Trung của Truyện Kiều và Anna Karenina được xem là hai mẫu mực cho phản châm ngôn “Dịch là diệt” trong ngành dịch thuật thế giới đương đại. Ấy là nét chủ của đường học vấn và văn nghiệp. Đường tình duyên, khỏi nói. Còn đường công danh của Thiết Ngôn khá khó hiểu dưới con mắt người thường. Bị tổng hội toàn quốc phủ sóng mọi chuyện trong địa bàn thủ đô, Hội Văn sĩ Bắc Kinh có mà như không. Chức chủ tịch ế. Những năm gần đây, hai thủ đô kết nghĩa nối lại các giao lưu đằm thắm như thời chiến tranh Việt-Mỹ, Thiết Ngôn chịu ngồi vào. Chẳng thâm nho mà hữu tình. Ngồi không để ngồi không; để đi. Đi Hà Thành. Nơi chất chứa biết bao người đẹp - trai cũng như gái - của thời hoa niên tráng kiện mà chàng tận hiến tận hưởng. Hết mình hết tình, hết cả chữ nghĩa. Nay tuổi xế chiều, tìm lại hồn xưa, biết đâu nảy tình mới. Kêu gọi một bản dịch không hề diệt tuyệt vời khác ra đời? “Cơ duyên nào đã hết đâu vội gì?”
Việc Hoa Nam Tình báo xía vào một VIP như thế của Đặc khu thủ đô đã làm một dấu hỏi rất uốn lượn với các đồng nghiệp có thẩm quyền. Trong hồ sơ hành trình của Thiết Ngôn, người ta cũng chỉ thấy chàng trong đôi ba chuyến quá giang hội thảo quốc tế xuống Tứ Xuyên từ hàng chục năm trước. Thì cũng có lần nhà ngôn ngữ tài ba hoa lá tháp tùng một em văn sĩ Bạch Nga tóc vàng sợi nhỏ bốn ngày chiêm ngưỡng lâu đài cảnh quan xứ Ba Thục lừng danh. Chuyện tình văn trong sáng, chẳng có gì nên chuyện tình báo. Hồ sơ trở nên đầy đặn hơn kể từ khi đương sự giữ chức Chủ tịch Hội Văn sĩ Bắc Kinh kéo theo những chuyến hành phương Nam hứng khởi…
Đến lúc lâm sự, người ta giải thích rằng ngành an ninh Hoa Nam quả là viễn kiến, rằng Hồ sơ Thiết Ngôn - Mỵ Châu 2014 chỉ là một đứa con của Hồ sơ mẹ Hội nghị Thành Đô 1990. Vẽ chuyện, lưỡi an ninh nhiều đường lắt léo. Mà cũng đâu bằng lưỡi văn nghệ sĩ. Chẳng thế à? Chẳng thế làm sao sinh ra mớ ba mớ bảy trong vụ Thiết Ngôn - Mỵ Châu để biến thành ngòi nổ cuộc hải chiến bất thành Biển Đông 2014 giữa hai Liên quân quốc tế. Liên quân Đại Việt và Khối quân sự Đông Thái Bình Dương Mỹ-Nhật-Philippines-Singapore-Indonesia và Liên quân Trung-Miên. (Xem tiếp hồi sau mới rõ.)
Về nhân thân và lý lịch văn học của nữ sĩ Võ Thị Mỵ Châu, tôn trọng quý độc giả của mình, chúng tôi đâu nỡ lạm lời.
Có ai trong chúng ta thích thơ ca siêng cầm sách báo năng leo lên mạng ham nhìn ngó làng văn nghệ giải trí Hà Thành mà hàng tuần hàng tháng không thấy tên không nhận mặt nữ sĩ tài danh mang nét duyên thầm mê mẩn ấy?
Có ai trong chúng ta khi thả lòng chùng xuống hai bàn chân chầm chậm bước trên hè phố cổ nóng ẩm hay dọc bờ đê sông Hồng lộng gió mà không khẽ ngân nga các lời ca thương thiết phổ từ thơ Mỵ Châu? “Năm cửa ô” với “Hoa sữa dậy hương”; “Đuổi phát xít” rồi “Tiến về thủ đô”; “Hồ Gươm đọng nắng” cùng “Phố anh ngõ em”...
Có ai trong chúng ta yêu thương Hà Thành mà không nhớ về mái nhà Hội Văn nghệ sĩ Hà Thành - cái nôi tâm huyết của Tổng thư ký đương nhiệm Võ Thị Mỵ Châu từ khi cô gái Hàng Quạt ba đời hành nghề khuôn bánh nướng bánh dẻo đó chỉ là nữ tiếp vụ thường lén gửi thơ tình tới các tờ báo tỉnh lẻ?
Và có ai trong chúng ta luôn xốn xang nạo hồn theo mỗi vệt đa đoan nơi những nữ sĩ tài sắc mà không lặng đi trong những khoảng trống nhất của mình mỗi khi dù vô tình thảng nghĩ về các xì căng đan miệng người che phủ lên đời Mỵ Châu?
[……]
Tiếp theo, dưới đây là một số trao đổi lẻ hoặc thành bài, từ trước ngày 2 tháng Năm đến ngày 2 tháng Tám - ngày cuối cùng trước khi hai người mất liên lạc.
Những trao đổi được đan xen nhau không hẳn theo thứ tự thời gian mà để bày tỏ nguyên lý âm dương (dấu “-“ là của Mỵ Châu; dấu “+” Thiết Ngôn):
[……]
3.4
+ “Tình anh, em viện hai chứng cớ khước từ. Cả hai đều không thuận thiên. Anh chịu cùng; chịu các vết đau cùng em.
Hãy kể cho kẻ thất tình biết thêm về nhân duyên huyền thoại không biên giới của nữ ký giả Pháp Madeleine Meilleur và phê bình gia Đại Việt Nguyễn Định Chi? Và diễn giải cho kẻ chậm hiểu văn học Việt về hai truyện đang gây sốt của nữ văn sĩ Đỗ Quyên; thật tình anh không sao lĩnh hội được cái mà em gọi là sự tình oan nghiệt giữa nữ đại úy tình báo Vương Thúy Kiều và ‘Tôn Ngộ Không’ Lưu Tiểu Tinh Đan?”
- “Đàn ông Trung thâm nho lắm cơ! Ôkê, kể thì kể… Gái nước Nam mà! À, vụ giàn khoan đã phá tan chuỗi mini phỏng vấn của chúng mình rồi. Sếp em vừa ra lệnh hủy, dù nhiều bài đã lên khuôn. Xin lỗi.
Về cặp đôi Vương Thúy Kiều và Lưu ‘Hầu vương’: sẽ đọc và hỏi lại chị Quyên rồi thảo một phóng bút cho anh tùy nghi. Lâu nay truyện Đỗ Quyên vốn không dễ nhá, riêng Chuyện cái mũi khoan và bom dị bào có thể sẽ sinh sự đấy. Khi lâm cảnh ‘chồng chị chồng em’, em mới hiểu chị ấy trong văn cùng ngoài đời.
Còn về Madeleine Meilleur - Nguyễn Định Chi: bài nghiêm túc, tin đồn thổi nhiều lắm và cũng không ít cái nhàm cái nhảm; nay để trung thành và nóng sốt, em dẫn lược bài vừa đăng sáng nay, ngày 19 tháng Bảy trên mạng của họa-văn sĩ Nhật Tuân, bạn hiền của thi sĩ Nguyễn Định Thính - trưởng nam của phê bình gia:
‘… Năm 1951 ông Chi sang dự Đại hội Văn sĩ Toàn cầu ở London, và bị ‘sét đánh’ ngay khi vừa gặp gỡ mỹ nhân tài danh Meilleur; đến 1954 chiến dịch Điện Biên Phủ sắp toàn thắng, bà đến chiến khu Việt Bắc xin chính thức làm dâu đất Việt. Về thủ tục bình thường thì không có vấn đề; họ đều là trai chưa vợ gái chưa chồng. Lãnh tụ tối cao của chúng ta khi đó là người đắc nhân tâm, có nhời rằng nếu vậy Đảng Cộng sản Pháp sẽ mất một cán bộ tốt và rất lo bà ăn ở làm việc lâu dài tại Đại Việt sẽ cơ cực. Dư luận cho rằng hai nhân tài Pháp-Việt dù không thành hôn nhưng vẫn là nhân tình. Tôi chỉ biết họ đi lại, thư giao đều đặn…
Di cảo của ông Chi trao cho tôi là hơn 2.000 lá thư của hai người viết cho nhau từ năm 1951 đến 2004. Sau khi ông Chi tạ thế, bà Meilleur viết ngay cho tôi phong thư dài lắm. Nó dài tới 15 trang giấy lớn, bày tỏ nỗi đau đớn lớn lao trước sự ra đi của ông Chi. Đáng kể, bà còn ngỏ ý như thể muốn xin nhận lại hết thảy ngàn ngàn lá thư thiên thu đó. Chắc bạn đọc muốn biết số phận của Di cảo? Một bạn văn có mẹ cũng là văn nhân lớn, hỏi tôi có theo ý muốn đó không; tôi đáp chỉ làm theo di chúc của ông Nguyễn Định Chi viết riêng cho Nguyễn Định Thính. Có thể bật mí: dự tính của tôi và cũng là thể theo di chúc của ông Chi, trong năm 2014 này toàn bộ di cảo (nguyên văn tiếng Pháp) sẽ được in. Sách hoặc trên mạng, cũng vậy. Và độc giả cũng đừng bất ngờ: có thể tôi sẽ cho thiêu cháy toàn bộ di cảo, bởi chính ông Chi cũng lại dặn tỉ mỉ, chính xác: ‘Nếu như Thính thấy nên đốt đi thì bố nghĩ cũng chớ tiếc một mồi lửa’.
Đừng trách tôi! Là người cầm bút, tôi xin bảo đảm những gì thuộc về giá trị văn học của nhà lý luận - phê bình Nguyễn Định Chi, tất cả đã in thành sách và được công nhận hay bị phê phán như đã từng. Với một tac gia chân chính chỉ những sáng tạo chữ nghĩa mới nên là di sản hậu thế. Di cảo của ông Chi ư? Đó là một kho ẩn mật ái tình của riêng ông thôi mà.’
Chưa ai được biết tâm sự hối lỗi của em. Anh có quyền giữ như của riêng hoặc làm tư liệu khi viết về một phê bình gia cổ thụ trong khuôn viên văn học Việt thế kỷ 20, một huynh đệ tình thâm giới văn nhân Việt-Trung. Phần em, không có nhu cầu thanh minh:
Với kẻ làm thơ hay ngó nghiêng sang phê bình như Mỵ Châu thì Nguyễn tiên sinh là một khối óc lý luận - phê bình không gặp may. Ở một thời đại hòa bình hay bình thường, tệ hơn là dưới thời Pháp thuộc, ông sẽ thành một Belinsky của cả cõi phương Đông mà ngay như đất Trung nguyên chắc cũng chưa có ai sánh ngang.
Em biết anh muốn biết nhiều về chuyện riêng giữa Võ Thị Mỵ Châu và Nguyễn Định Chi. Bình thường thôi. Sẽ kể dần. Tin là anh đã không tin lời bá tánh; chúng như cỏ, không hoa nào sống nổi. (Ừ mà em đâu chỉ là hoa. Là cỏ dại, khi cần.) Hôm nay, đọc bài của Nguyễn Định Thính trên mạng, em đã thắp hương lòng, ngắm ảnh người cố quá, xin tạ lỗi về ‘ly nước hắt thẳng vào mặt’ để đời tiếng xấu trong cuộc họp năm nào. ‘Đồ hèn mạt! Loại trí thức hèn mới tự nhận là ‘hạt bụi lóng lánh tư tưởng’ của người khác!”… Anh biết không? Phần quỷ trong người nổi lên giữa giây phút đen, vì em nhớ ngay đến tượng đài mình từng được mục kích khoảng 20 năm trước đấy.
Phải, 20 năm trước cuộc họp đó, em còn làm chân bưng nước pha trà cho Hội Văn nghệ sĩ Hà Thành. Vào một buổi chiều, phê bình gia đã đến… Cô bé ranh con đang viết những bài thơ tình đầu đời dĩ nhiên phải cảm kích, đến mức pha quá tay hai ba lần trà cho vị thượng khách hào hoa phong độ ngồi trước mặt như một huyền thoại sống.
Đó là buổi nói chuyện nội bộ với lãnh đạo Hội và một số Hội viên dưới trướng. Nguyễn Định Chi lúc đó là sếp của hai cơ quan văn học hàng đầu đất nước: Viện phó Viện Nghiên cứu Văn học kiêm Tổng biên tập tuần báo Văn Chương của Liên hội Nhà văn Đại Việt. Ngày xưa thế là to lắm lắm! Cả buổi sáng, mấy sếp Hội em cứ là lo xoắn đít dựng tóc. Còn em hoa cả mắt mà bóc ra dán vào các thông báo trong phòng khách và mọi xó xỉnh của Hội. Suốt năm ấy làng văn nghệ nước em sôi sùng sục với hai vở kịch của thi sĩ Trần Dân, chắc anh cũng nhớ, Con Nai Trắng và Nguyễn Trãi Ở Hà Thành. Trần quân từng dính đậm vụ Nhân Văn, sau hàng chục năm thủ khẩu như bình tựa tường nín thở, vừa được phục hồi là thi sĩ quăng luôn hai quả bom tấn! Nguyễn tiên sinh có nhiều bài ‘đánh Con nai, phang Nguyễn Trãi’ trên những báo chí lớn, và chọn buổi nói chuyện tại Hội em là diễn đàn bán công khai thổ lộ chất Người của mình. Văn giới ai cũng biết tính hai mặt mà ông sở hữu, mặt nào cũng trên cả tuyệt vời.
Có thể anh nghĩ rằng em mê mẩn trước mỹ học hình thể của một người đàn ông trung niên Việt lai hai đời với ông bà nội ngoại là Pháp và Ấn, rằng em choáng ngợt dưới ánh sáng thông tuệ trên mọi lĩnh vực khoa học nhân văn tỏa ra từ đó? Đúng, và chưa đủ. Hơn cả, em kính phục bản lĩnh văn đàn của người đó, anh ạ.
Phải tả kỹ, hơn là kể. Em mang ly nước chanh đá pha đường vào phòng họp… Ly nước vừa mới được pha chậm rãi, cẩn trọng với niềm mê mẩn cùng sự choáng ngợt. Chiếc thìa ghếch điệu đà trên một dĩa nhỏ riêng, xinh xẻo. Tất cả được xếp đặt hòa nhã trong khay tròn tráng men thanh lịch. Cuộc chuyện hình như đang ở cao trào gì đấy… Khi em quay nhẹ gót trở ra hành lang và, tới cửa, ngoái nhìn khay nước trên bục diễn giả như một thao tác kiểm tra lại công việc (mà thật ra để chiêm ngưỡng người sắp nâng ly nước lên uống). Thì người bỗng ngưng nói, nhìn chậm từng ánh mắt đang dõi lên; gương người mặt đanh lại rồi bừng sáng và cao giọng như thất thanh: ‘Làm nhà văn, mỗi chúng ta khi không thể nào viết theo bàn tay của mình, chỉ có thể dùng bàn tay còn lại mà… bẻ bút!’ Cả khán phòng đang im như chết bỗng hực lên. Không bởi những tiếng động hay lời nói, mà bởi những luồng hơi thở ra, những tiếng tim đập vào. Một khán phòng đang phục sinh. Rồi, người đột nhiên nhìn chăm chăm về phía em. Không, hai con mắt nâu nâu đau đáu đổ trọn vẹn vào hai mắt em (về sau khi đã thân tình, người bảo với em là ‘nhìn để xin lỗi đang làm điều thất thố trước món quà thơm thảo vừa được đôi bàn tay đẹp mang đến’); và rất nhanh người dùng bàn tay trái bóp cong chiếc thìa chộp được từ trước mặt! Nếu được làm đạo diễn phim về Nguyễn Định Chi, sau khuôn mặt và dáng vóc, em sẽ phải chọn diễn viên nào có đúng ‘đôi bàn tay Nguyễn Định Chi’. Thiết Ngôn, đã gặp gỡ ông nhiều lần, anh có hình dung nổi bàn tay trắng hồng tưởng chỉ vò nát biết bao búp tay nhỏ dưới mưa, trong khoảnh khắc đã bẻ cong queo chiếc thìa dài đura được làm từ xác máy bay B-52 Hoa Kỳ rơi trên hồ Trúc Bạch?
Nếu trí nhớ của một con đàn bà cô độc không phản Mỵ Châu thì lúc ấy từng có mặt khoảng 30 nhân vật với nhiều vị hiện nay đang là VIP; như văn sĩ Phong Đào, lý thuyết gia Nguyễn Huệ Tri, nhà Hán Nôm học Chương Đăng Dung, kịch tác gia Lại Nguyên Tình… Bất luận điều gì hay dở xảy ra với em và nhiều người khác, cũng như với cả di sản chữ nghĩa Việt hiện đại, Nguyễn Định Chi trong em nguyên vẹn tượng đài được dựng lên bằng bàn tay thẳng và chiếc thìa cong như nét đẹp nhất của một hình mẫu đa tài đa đoan trong đường văn nghiệp đời.
Cầu chúc người mãi thong dong áo sơ mi trắng cộc thả ngoài quần tây thẳng tắp đậm màu vè vè con xe máy Peugeot xanh dương lượn quanh như lạc hướng bên hồ Thiền Quang của thiên đàng và bàn tay đẹp mượt năng cử động vẫn cứ vung lên vuốt hờ mớ tóc ngược gió thiên đàng cầu chúc người mãi thong dong…”
3.5
“Tham kiến Thiết Ngôn tiên sinh.
Mỵ Châu viết tùy hứng; gửi anh, không bổ âm cũng bổ dương. Hãy đọc với con mắt Vũ Trọng Phụng! Em vốn ngu lâu về chính trị. Lại động chạm tới các đồng nghiệp, hầu hết là liền anh liền chị thân thiết bên các diễn đàn lề trái và lề giữa. Biết là không chuẩn cần phải chỉnh nhiều, nhưng vì muốn giải tỏa thắc mắc của hiền huynh về cuộc Thảo luận ‘Thoát Trung về văn hóa’ của Văn hội Độc lập Việt.
Thoát Trung? Theo em, vào lúc này cả đất nước của em thấy rõ rồi. Hàng trăm diễn đàn từ trái qua phải, từ giữa ra lề đã, đang và sẽ bàn thảo, thu hút hàng triệu nhân mạng. Sinh tử, không vớ vẩn viển vông. Hôm nay thoát chưa xong, ngày mai thoát nữa; đời mình không thoát nổi, trao lại con cháu thoát tiếp… Chuyện ngàn năm đâu dễ một sớm chiều, hở anh?
Thoát như thế nào? Câu hỏi khó cho mỗi người, mỗi nhóm người, mỗi cộng đồng; cho từng lãnh vực, từng cơ quan, từng đoàn thể.
Với riêng nữ sĩ Tổng thư ký Võ Thị Mỵ Châu, đã muốn ‘thoát’ cả năm nay, trước vụ giàn khoan từ lâu cơ (Anh còn nhớ hay anh đã quên?). Nay tái xác định: trước khi muốn thoát về văn hóa, về tư tưởng, về kinh tế hay về gì gì thì - tiên quyết - phải thoát về tình cảm tình ái cái đã! Mà thôi, chuyện hai chúng mình coi như xong.
Trên trang mạng Việt Văn cuộc thảo luận có 30 bài và khắp các trang khác tới 500 bài ngoài khuôn khổ của cuộc thảo luận. Mỵ Châu cố đọc hết những gì dính đến hai chữ ‘thoát Trung’. Chưa thể nào thấu hết. Cho hết vào kho. Vội vài ý vụn, phục vụ riêng cho sự lưu tâm của một công dân tốt, một văn sĩ giỏi đến từ nước Trung là Thiết Ngôn.
Ủng hộ tinh thần thảo luận trên Việt Văn, và như không ít độc giả khác, Mỵ Châu chỉ lăn tăn về hình thức, cách thức, tên gọi…
Một là, thật tình, lâu rồi, từ khi hiểu vụ Cách mạng văn hóa của bên anh, em thường rùng mình mỗi khi thấy có gì liên đới đến hai chữ ‘văn hóa’ như muốn đào bới, xáo trộn tất cả lên. Em nhạy cảm quá? Định nghĩa văn hóa thì vô vàn; Mỵ Châu coi văn hóa là mạch nước ngầm len lách, thẩm thấu vào từng cái giếng khơi trong mỗi làng mỗi nước. Động vào văn hóa, không chừng là tịt ngòi (tiệt nguồn nước)! Bỡn sao?
Hai là, có một cái tức mình. Hội mở đến kỳ thứ ba, ngày 26 tháng Sáu, chủ xị đã phải giương sáp pô thế vầy:
‘Sau khi lời mời gọi Thảo Luận Thoát Trung Về Văn Hoá được vietvan.com công bố, chúng tôi nhận được ‘bài’ (Em bình: sao lại nháy nháy ạ? Thế rồi tới buổi tọa đàm ở Trung tâm Văn hóa Đức, nhà phê bình Hoàn Hưng vẫn tỏ ý khen ‘bài nháy nháy’ này. Đó là lời xin lỗi, một thao tác bỏ nháy nháy phải không ạ?) sau đây của một cây bút không lạ lắm với cư dân mạng. Để tôn trọng ý kiến đa chiều, Việt Văn tính đăng ‘bài’ này mà không có ý định trả lời. Song vừa được đọc bài viết mới của Giáo sư Nguyễn Văn Tuân, thấy có thể giúp ta hiểu thêm vì sao phải ‘thoát Trung về Văn hoá’, Việt Văn quyết định đăng bài đó (Em chú: bài ‘Thảo luận kiểu chọc tiết vịt đằng đít’ của thi sĩ Phạm Thánh). Và từ nay chúng tôi xin phép không đăng những ý kiến gửi đến chỉ để bày tỏ không cần, không muốn thảo luận ‘Thoát Trung về Văn hoá’ vì bất cứ lý do gì.’
Nghe sao hao hao báo lề phải chúng em! Ngày mai, câu cuối cùng đó được dùng lại trên báo lề phải số 1 là Người Dân thì cụ Phạm Quỳnh sẽ tái sinh để phán: Lề trái - Lề phải đuề huề. Vui! Ô kê con gà đen, có điều nếu vậy tên của diễn đàn cần đổi Thảo Luận Thoát Trung Về Văn hoá thành Luận Thoát Trung Về Văn Hoá. Bởi nếu từ điển Thanh Nghị mà đúng thì ‘thảo’ là ‘tìm xét’ (cho cái cần ‘luận’). Thảo luận là cùng trao đổi ý kiến về một vấn đề, có phân tích lý lẽ. Đằng này các bác ứ chịu tìm cũng chả chịu xét các ý kiến không cần, không muốn ‘Thoát Trung về Văn hoá’. Tóm, ở đây định hướng chỉ luận việc phải ‘Thoát Trung về Văn hoá’ mà thôi.
Nói cho ngay, trong buổi thảo luận tại Trung tâm Văn hóa Đức, đại diện Văn hội Độc lập Việt và Ban biên tập Việt Văn, phê bình gia Hoàn Hưng cũng điểm xuyết 3 ý kiến không đồng tình với chủ đề, và mới nhất hôm qua Việt Văn còn tiến bộ sửa sai quất thẳng một bài của học giả Nguyễn Thanh Giảng ‘Có nên đặt vấn đề thoát Trung?’ với những câu đầy chất tái phản biện: ‘Dẫu sao, nêu cao nan đề Thoát Trung e không rõ ràng. Tôi thì tôi cho rằng, chẳng cần hô hoán thoát cái gì cả. Mà khẩn cấp hơn phải là chống Trung bành trướng, phá ách đô hộ từ xa của Trung, cản âm mưu xâm lược độc quyền Biển Đông của Trung.’
Ba là, Thiết Ngôn thấy thích thì xem tiếp nhé. Tiện nói leo một lèo. Cái này dường như không xảy ra trên vietvan.com mà ở nhiều mạng khác. Nhưng là một diễn đàn mới, kỳ vọng với trong và ngoài văn giới, thiển nghĩ Việt Văn nên chăng cũng chịu dính chút trách nhiệm? Nhân vụ giàn khoan…
Đàn bà con gái quần thâm không hiểu sự đời quá ngọn cỏ, em cứ nói liều. Các bác phản kháng, phản biện nhìn chung thì cũng phải thôi, có điều về cung cách thi thoảng chưa ổn thỏa đâu ạ. Ví như, nói thế nào cho phải phép… À từng làm con làm mẹ, em thấy giông giống chuyện trẻ nhỏ bị cha mẹ đánh chửi oan sai thì thích khóc dài khóc lâu khóc mọi nơi khóc mọi lúc. Em nhất trí màn ‘khóc dài khóc lâu’ cho đến khi lý tưởng của mình thành hiện thực (chứ đâu chỉ giải oan chiêu tuyết giải thưởng xong là hết khóc). Riêng màn ‘khóc mọi nơi khóc mọi lúc’, nên chăng tùy nghi cân nhắc lợi bất cập hại. Khóc giữa phòng khách: OK! Khóc khi đi lên tỉnh: cũng OK! Khóc giữa đám giỗ tết: cũng OK luôn! Thế nhưng - quan trọng! - khi nhà đang cháy, lúc trộm giơ dao cũng khóc sao? Chí ít không chạy đi bưng xô nước phụ mẹ (vừa nện mình nát đít) hay cắn vào tay trộm cứu cha (vừa phang mình vỡ đầu), thì cũng kêu la gọi hàng xóm hay phone hoặc email báo cảnh sát. Trường hợp đặc biệt, ghét cha giận mẹ chán nhà quá đỗi thì cũng tạm đứng im mà nhìn mà ngẫm.
Vâng, các bác sẽ phản kháng, phản biện: ‘Chính lúc đó phải tranh thủ khóc gào và thậm chí tận dụng cơ hội còn phải lên lớp thẳng thẳn (‘dạy cho cha mẹ một bài học!’), phân tích thấu đáo (‘nói phải củ… cha mẹ cũng nghe’!) vì sao nhà cháy, duyên cớ gì trộm vào thì họ mới tỉnh ngộ, tiếp thu. Vì có bao giờ chúng tao khóc gào, có lúc nào chúng tao phê phán mà họ chịu nghe đâu.’
OK, gái hàng Quạt cưa đứt đục suốt, vậy em xin hỏi thẳng, câu chót: ‘Văn nghệ sĩ với nhau một câu tới giời, nói thật lòng xem nào. Chính vào thời khắc cháy nhà, trộm đến thì các bác thấy phải cứu nhà, giữ của hay là thấy phải phản kháng, phản biện ạ? Nếu như các bác đáp ối a mày hỏi vậy chúng tao ngu gì giả nhời nhưng thế là mày giỏi đã biết phản kháng phản biện trước sự phản kháng phản biện thì con bé này chịu thua.’
Có câu thơ rất nghiêm túc từ thi sĩ Việt nọ ở hải ngoại: ‘Làm thơ khó bỏ mẹ’. Than ôi! Làm phản biện phản kháng khó bỏ mạng!
Đã nói là cạn lời. Trong gian nhà Việt đương đại có ba tấm ‘phản’ rất khó bày biện nhưng là đồ đạc gia đình, mà thời Giàn khoan này không thể quăng bỏ ra đường như thời trước Đổi mới: Đó là ‘phản biện’, ‘phản kháng’, và ‘phản bội’ [viết kỳ khu cho chắc ăn: ‘(bị cho là) phản bội (Tổ quốc)’]. Đúng sai tùy người đối thoại. Không lạm bàn. Tâm tầm Mỵ Châu còn lùn lắm. Chỉ bàn đền hai tấm đầu. Đụng đến tấm sau cùng là chết giữa hai làn đạn. Gái này chưa đủ gan.
Bốn là, anh ơi hết nhiệm kỳ này Trâu xin về hưu non. Bé Nghé Ọ (giờ thành ‘con gái Hàng Quạt’ rồi, nick gaihangquat trên phây, chú Thiết Ngôn vào xem nhận ra cháu không?) vừa trúng cả hai học bổng ở Singapore và Úc. Phúc ba đời nhà em! Bán thơ có ra đô cho con tự túc du học đâu? Mấy lần gọi người tính nhượng cái căn nhà hồi môn bé xíu mẹ để lại, Nghé Ọ chống. ‘Mẹ bán, con lao ngay ra cầu Long Biên trầm mình!’ - ‘Ấy đừng, đừng con! Cho mẹ xin, mẹ hiểu mà… Mẹ đã từng đùa với lửa, nay mẹ sẽ không đùa với bọn teen các con đâu!’ Con nhóc giỏi vặn vẹo, chịu nghiền ngẫm, ham sinh ngữ lại thêm tính lỳ; sẽ theo học ngành lý luận văn chương anh ạ. Thực hiện mộng của mẹ. Đường con cái, xong!
Xong là em sẽ chạy sang chơi sân Văn hội Độc lập Việt. Chắc các bác ấy cũng cho vào thôi? Là chú tiểu quét sân chùa cũng thích. Đâu dám làm sư ông sư bà. Cánh phản biện, phản kháng khó quản lắm. Ai còn lạ? Với nhiều bác dạo còn bên chính thống này, lắm khi em tức ói cả phở, không tranh biện nổi. Quốc gia hưng vong, Mỵ Châu hữu trách. ‘Sau Giàn khoan, người Việt còn có thể làm thơ tình hay không?’ - đó là dự phóng phỏng vấn hàng loạt văn thi sĩ trong tháng tới. Là một văn nghệ sĩ Trung yêu nước, Thiết Ngôn trả lời em đi! Em biết thơ mình cạn rồi. (Tình cạn theo; số anh đen nhỉ?). Cảm ơn giàn khoan đã cho Mỵ Châu làm thêm được chút gì với đời. Thật lòng, Hội em thì vẫn ô kê con gà đen, sống đủ viết đủ. Còn để sống đầy viết đầy, như em đang vương vào ba cái chuyện Trung-Việt Việt- Trung là vướng ngay ‘ông Cơ Văn Chế’. Anh rành quá mà! Thơ văn của chúng em không thể nào thành một nghề; như dịch thuật của anh, như lý luận phê bình của Nguyễn tiên sinh để còn tạo ra thế giới khác cho riêng mình mà vẫn có thể hiến đời. Văn chương là nghiệp, là đạo. Nhất biên đảo, văn thi sĩ không thể có hai gương mặt mà gương mặt nào cũng được coi là gương mặt.
Còn như các bác bên Việt Văn, vì lý do nào đó ta chẳng thèm biết, dứt khoát ứ chịu cho đàn bà hàng Quạt này nhập hội cùng, chưa biết chừng sẽ xuất hiện thêm một diễn đàn mạng, anh ạ.
Vị trí: Lề giữa (nếu tính theo Việt Văn: trang mạng ấy không là lề trái, mà lề trai trái. Chẳng trai trái sao bị cản phá nhiễu nhương tá lả như thấy trong dư luận và trên mặt báo? Nhiều nơi còn không vào được trang mạng này. Chứ mà lề trái thứ thiệt á, toi hẳn củ tỏi rồi!).
Nội dung: Chỉ có văn chương và chỉ có Biển Đông. Ngoại lệ: về lĩnh vực nhân văn có thể thêm lịch sử lúc cần thiết; về phạm vi địa lý còn có cả biên giới lãnh thổ khi thích hợp; và về trào lưu - tất nhiên chủ báo là đàn bà, phải bênh phe đờn bà! - cũng có dòng văn học nữ quyền gắn với cương vực lãnh thổ lãnh hải. (Chứ thân gái cô đơn, mạng Mỵ Châu không thể và không nên như mạng Việt Văn hầm bà lằng xáng cấu 1001 thứ về Việt về văn, lại thêm cả về Trung về triết về vân vân và vân vân).
Tên gọi: Đang chọn giữa ‘Văn Biển Đông’ cho mạnh mẽ, hoặc ‘Biển Đông, văn’ để điệu đà?
Motto: ‘Quốc gia hưng vong, quần thoa hữu trách’.
Phong cách: Đàn bà hơn nhau tiếng gáy. Không nói chàng cũng hay, lâu nay mỗi lần cờ-lích mạng của các nữ sĩ liền chị liền em như Gió Ù / Lê Thi Huê, Màu Da / Đăng Thơ Thơ chăm sóc chính, procontra.vn / Phạm Thi Hoài, Phong Diệp / Phong Diệp… là đàn bà hàng Quạt nóng hết cả mao (không phải lông đâu, nhà ngôn ngữ đôi khi chậm hiểu ạ: mouse! Mà mouse trong tiếng Việt vẫn là con chuột, ngôn ngữ gia lắm lúc thông minh đột xuất cũng đừng biến nó thành beaver/ con hải ly nha. Hi hi…
Anh thấy sao? Chắc chắn dịch giả - ngôn ngữ gia Thiết Ngôn sẽ phải là một cây bút đỉnh cho ‘Văn Biển Đông’ hoặc ‘Biển Đông, văn’. Văn lệnh như sơn! Bằng không, một dấu chấm vĩnh biệt to bằng núi Thái sẽ chính thức và không chậm trễ rơi xuống email này.
À, trước ngày đi Úc du học, Nghé Ọ bị Trâu dẫn dạo mấy vòng quanh Bờ Hồ. (Thời nay dân Hà Thành gốc không còn lệ đó.) Con bé khăng khăng không chịu nuôi giữ nghề gia truyền làm khuôn bánh anh ạ, dẫu là nghề phụ. Lạ thế? Lý do giống hệt em ngày trước: thiếu nữ ‘thanh lịch’ gì mà mồ hôi nhễ nhại, tay đục tay dùi, ghếch chân lên... Cuối cùng, em phải kể cho con nghe câu bà ngoại nó từng mắng mẹ nó: ‘Tiên sư bố nhà cô chứ. Mẹ cô không ghếch chân lên thì sao mà ra cô?’ Hai mẹ con ôm nhau khóc. Không nhớ con nó thế nào, chứ em lúc đó nước mắt đầm đẫm chẳng nhìn thấy Tháp Rùa trước mặt. Lại nhớ mẹ của em! Con thì khỏi lo. Thời nó chắc chắn không còn chịu đựng khổ đau như thời bà thời mẹ của nó đâu, anh nhỉ?
Chia sẻ riêng cùng anh. Có bị rò rỉ ra ngoài chắc các tiền bối cùng bạn văn chẳng nỡ trách. Thời đại của xì trét. Dân văn nghệ, sướng là dù buôn chuyện hay dở với đích văn chương và bằng lòng lành thì văn hữu chẳng ai rỗi hơi kết tội. Nhà thơ Đỗ Khờ năm ngoái trả lời phỏng vấn của Gái Hà Thành rằng đám văn thi sĩ chỉ nên là kẻ mua vui thiên hạ, như anh hề cung đình thuở xưa.”
Không ít đoạn trong những trao đổi trên được viết giữa các cú làm tình động đất cùng cuộc rượu ngất trời giữa Thiết Ngôn và người tình nam lý tưởng Trương Du. Những khi chủ nhân của bàn phím mê mị là thời cơ xọc vào của bàn tay lông lá từ Cục Tình báo Hoa Nam.
[……]
3.7
- “Mấy hôm trước Mỵ Châu còn so sánh ảnh hưởng thời cuộc của truyện Đỗ Quyên với thơ ca gì đó của một thi sĩ tên Tú…”
+ “Đàn ông Trung nhớ dai thế! Anh hết mệt chưa? Đừng thức khuya quá mà xấu giai. Ừ thì là Hồn Phàm, trường ca của Nguyễn Đinh Tú, nick trên mạng là Cậu Tú. Cuốn Hồn Phàm sắp là tác phẩm văn học đầu tiên mô tả trực diện và vỗ mặt không chỉ cuộc chiến tranh xâm lược Biên giới Trung-Việt 1979, mà cả hai trận cưỡng chiếm Hoàng Sa 1974 và Gạc Ma 1988. Trực diện: sự kiện, chiến sự của ba cuộc chiến. Vỗ mặt: tên tuổi, địa danh thật, không nói bóng nói trại. Đúng là văn học có chức năng dự báo. Anh nghe này: Sách thơ của cậu thiếu tá Cảnh sát biển chưa hề xung trận lại trùng với tinh thần của một kiến nghị do 20 cựu sĩ quan từ trung tướng đến đại tá quân đội, công an vừa gửi các vị lãnh đạo nhà nước và chính phủ, làm nức lòng dân tình trong các ngày qua:
‘Việc cố tình phớt lờ cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc 1979 và mấy trận chiến bảo vệ biển đảo không chỉ phủ nhận lịch sử, xúc phạm đồng bào và chiến sĩ đã hy sinh xương máu vì Tổ quốc, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới tinh thần và quyết tâm chiến đấu của Lực lượng vũ trang. Đó là sai lầm không được phép tái phạm.’
Đàn bà như em thích nhất câu cuối, hôm qua vừa đọc tới thì mắt nhòa lệ lúc nào không hay. Tướng thế mới xứng danh tướng Đại Việt chứ! Tổ quốc Trung nhà anh tha hồ mà chết với chúng em. Cậu Tú, thiếu tá Cảnh sát biển độc thân lênh đênh nhưng tham vọng và bút pháp văn chương đã nhà nghề ngang ngửa văn sĩ chuyên nghiệp sống trên cạn như chúng em. Đẹp trai kinh hồn! Nguyễn tiên sinh thời trẻ cũng không bì được nữa là Thiết Ngôn tiên sinh thời nay. May, con Nghé Ọ đi du học chứ ở nhà là khổ với ‘cậu’.
Cứ theo Mỵ Châu thì ý nghĩa ‘thơ đại dương’ của Hồn Phàm có thể tương đương với phong cách ‘thơ quảng trường’ trong trường ca Quay Trái của Maia. Sách đang còn trong nhà in của Hội em, anh ạ. Sắp ra lò. Nhiều người đoán nó có thể tạo chấn động hơn hai truyện của bà Quyên. À anh có nghe tin đồn hãng phim nào đó lớn lắm ở Bắc Mỹ tính mua bản quyền hai truyện đó không? Quả này thì nước Trung các anh mất mặt! Sách của Tú, anh biết không, em chạy giấy phép muốn đứt hơi. Khổ cho dân viết lách nhà em! Có còn ‘nhạy cảm’ e ấp nữa đâu cơ chứ. Sau giàn khoan 981, mọi sự già dơ tô hô ra cả như gái thập thành rồi.”
- “Mỵ Châu hẳn theo dõi kỹ các nhận xét về Hồn Phàm từ khi nó đăng rải rác trên mạng?”
+ “Tất nhiên! Nhưng dạo đó ít lắm ai dám động vào ‘nhạy cảm’. ‘Mùa thu nay khác rồi’, nên sách chưa in mà tác giả đã có ngay 9 bài mới toanh phê bình, giới thiệu, tựa, bạt... Em bảo: ‘Đưa hết đây chị mày tống hết vào Phụ lục. Tội vạ đâu chị chịu, mày đi tù!’. Làm sách già đời, ngán gì! Ở bên ấy anh chắc đã biết tên tuổi Tổng biên tập Phạm Sỹ Sau với câu ‘Thà hy sinh chứ nhất định không chịu chết trên bàn kiểm duyệt!’ Tú bảo: ‘Ôkie thằng em chỉ biết nghe bà chị. Dịp may. Mai kia nhỡ các bố ấy lại ‘treo cờ đỏ bỏ cờ xanh’.’
Tạm gửi anh coi trước vài thu hoạch của riêng em, lọc từ Phụ lục:
‘Với Hồn Phàm, thi sĩ Nguyễn Đinh Tú đã thực thi một ván bài lật ngửa của dân Việt với người láng giềng phương Bắc đúng lúc có sự kiện giàn khoan HD-981. Vô giá, chúng ta lấy lại tiếng nói dân tộc, tròn vành rõ chữ, đúng âm hưởng. Cũng với Hồn Phàm, lần đầu tiên trong văn học Việt hiện đại đã xuất hiện đàng hoàng một cuốn sách viết trực tiếp về các cuộc chiến đẫm máu bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải; đã xuất hiện kiêu hãnh bởi một nhà xuất bản đàng hoàng trong nước’. (Phê bình gia Nguyễn Quan Thiều)
‘Nguyễn Đinh Tú đã thành quả khi xử lý bằng thơ các chất liệu chiến tranh. Hồn Phàm là lời cảnh tỉnh với các tác giả viết tiếng Việt: không được phép quên quá khứ đau thương của dân tộc, nhất là khi quá khứ đó chỉ cách hiện tại ‘vài ba bước sau lưng’. Tôi đánh giá cực cao tác giả khi cậu ta nhanh nhạy chọn hình thức trường ca, dũng cảm ở đề tài Trung-Việt và tài hoa ở thi pháp nghệ thuật.’ (Nhà mỹ học Nguyễn Thị Thông Thái)
‘Một thách đố về lối viết trường ca; sử thi mà hiện đại, tự sự khốc liệt mà đau đáu trữ tình. Tính trường ca được thể hiện hài hòa: Qua thể tài mang tinh thần không chỉ của từng cá thể hay giữa các cá thể, mà thuộc về giá trị chung của dân tộc và nhân loại trong một chủ đề nhân văn có ý nghĩa xã hội rộng lớn. Qua cốt truyện có có không không. Qua chất liệu hiện thực về trạng thái nhân thế lẫn trạng thái sử thi. Qua cảm xúc đã chấn động lại mềm mại. Qua giọng điệu như cuộc tình tay ba của hùng ca, bi ai và hài ca. Qua tư duy mạnh nhanh với chủ đích lôi cuốn trong thái độ chủ quan. Qua cấu trúc và thủ pháp sử dụng hình thức kỹ thuật của trường ca chuẩn tắc (chương, khúc) và phi chuẩn tắc (đa ngữ điệu, cạnh tranh các mặt đối lập). Chúng tôi đang nói về cái gì đấy ạ? Thưa, Hồn Phàm của Nguyễn Đinh Tú, nhà xuất bản Người Hà Thành sẽ ra lò quý III năm nay!’ (Giáo sư Cao Giá và Nhà lý luận Phạm Ngân Xuyên)
‘Tôi bật cười khi đọc tập trường ca của Cậu Tú. Cuốn sách nói tới vấn đề và sự kiện mà người Việt hiện nay ai cũng biết nhưng không ai nói.’ (Nhà thơ - Họa sĩ Phan Huyền Thu)
Và đây là lời của chính tác giả Nguyễn Đinh Tú:
‘Tôi cho nhân vật Hồn Phàm phải lên cõi niết bàn để giải phẫu chuyển đổi giới tính: đó là hình thức và cũng là nội dung của câu chuyện thơ. Để kể về Chiến tranh Biên giới 1979, về hai cuộc Hải chiến 1974 và 1988: đó là chất liệu của trường ca.
Theo Giáo sư Lê Ngọc Trà, ông Hegel là người đầu tiên tìm hiểu rất hệ thống cặp phạm trù nội dung và hình thức để rồi kết luận:
Nội dung không phải là không có hình thức, trái lại, nó không chỉ có hình thức ở bên trong mà còn có hình thức như cái gì ở bên ngoài nó.
Do đó sự chuyển hóa qua lại của cái này thành cái kia, khiến nội dung không gì khác hơn là sự chuyển hóa của hình thức thành nội dung, và hình thức không gì khác hơn là sự chuyển hóa của nội dung thành hình thức.
Sự chuyển hóa này là mối quan hệ tuyệt đối giữa nội dung và hình thức.
Vì thế, một tác phẩm nghệ thuật thiếu hình thức thích đáng thì không thể được gọi là tác phẩm nghệ thuật.
Thừa thắng theo ông Hegel, ông Bakhtin đã xông lên với nhận định sắc hơn:
Hình thức nghệ thuật là hình thức của nội dung; Hình thức như là hình thức của nội dung và nội dung như là nội dung của hình thức.
Đặc biệt, với Bakhtin, chất liệu không phải là hình thức; chất liệu muốn trở thành hình thức phải được tổ chức lại trong một kết cấu; những hình thức kết cấu này được quy định bởi những hình thức kiến tạo là hình thức tồn tại của bản thân nội dung cái nhìn nghệ thuật hay nhãn quan thẩm mỹ.
Thôi quên đi các ông Hegel ông Bakhtin lằng nhằng rách việc. Tôi muốn nói nhanh cho sớm chợ. Thông điệp của trường ca Hồn Phàm là: dù ở biên giới Cao Bằng, Lạng Sơn hay ngoài biển đảo Gạc Ma thì câu chuyện chiến tranh Trung-Việt đã thành ẩn ức không dễ bày tỏ.
Cái đau cái nhục có cả máu và nước mắt mà không được nói ra. Phải chăng đó là một Việt tính, một bản sắc? Hay chỉ là tâm thức của một thời đại?’
(Trả lời phỏng vấn báo Văn Chương Trẻ).
‘Thời gian qua nhiều người hỏi nhà cháu Hồn Phàm có cái gì giấu trong đó mà báo chí nhòm ngó lắm thế. Bài tin đùng đùng, lời đồn đoàng đoàng cứ như thời anh Kim Đồng lên chiến khu. Các bạn nhà báo nhà đài mách hỏi nhau: ‘Sách vẫn còn bị gác ở trên bàn Tổng biên tập đấy?’; ‘Trường ca về chiến tranh biên giới phía Bắc à? Đã đọc chưa? Liệu có gì không?’; ‘Sao không? Còn dám mô tả hải chiến của ‘ngụy” nữa cơ đấy!’; ‘Thôi bảo bên truyền hình không nên đưa tin khi sách phát hành nhé, phiền phức lắm’. Ô hay, các bác các thím sợ Hồn Phàm của nhà cháu đến thế à? Nhà cháu tự ngoái sái cổ nhìn lại hành trình sáng tác 15 năm qua thấy mình tương tác ngon lành cành đào với bạn đọc nên chả cần phải gây sốt bằng chiêu trò này nọ. Nhà văn viết khi có sự trống vắng trong nội tâm của mình và của bạn đọc. Nhà cháu viết về các cuộc chiến tranh bị vắng bóng trên văn đàn. Năm ngoái nhà cháu cho ra tập truyện ngắn Hoang Tình, viết về biên giới Tây Nam hồi 1977-1978 mà cứ phải ẩn dụ hoán dụ đánh hỏa mù lung tung cả lên mới xin được giấy phép khống đấy. Năm nay, bám càng cái giàn khoan HD-981 Hồn Phàm thừa cơ xốc tới đàng hoàng hơn. Báo cáo hết ạ!’
(Trích Facebook Cậu Tú)
+ “Anh mới nghe nói tuần báo Văn Chương vừa ra mắt tuyển tập truyện và thơ mang tên Mặt Biển? Và cả vở kịch Họ Và Mình của đại tá - kịch tác gia Nguyễn Lập Phương đang tập vở tại Nhà hát kịch nói Quân đội?”
- “Sao anh ma xó thế? Sau vụ giàn khoan, chắc dịch giả Thiết Ngôn thành ký giả Thiết Ngôn mất thôi! Cũng tốt, bang giao văn chương Trung-Việt được nhờ.
Vâng, ngoài các tác giả, tác phẩm nói trên đang gây sóng gió, còn tập truyện ký Đến Đảo Sinh Tồn Đi Qua Gạc Ma của văn sĩ thủy quân Lê Hoài Lam ra mắt âm thầm đúng hôm giàn khoan 981 sôi sùng sục. Ôi! Gạc Ma bi hùng, Gạc Ma phẫn uất, Gạc Ma đau thương! Để dành thư sau ta sẽ ‘xơi’ nó anh ạ. Đâu như đang bị các sếp ‘soi’? Em nghiệm rồi, sách văn chương cũng như trái chín trên cành, trái nào vặn vẹo nổi u sâu cắn mới ngon ngọt.
Muốn hiểu thực tế của Hải quân ta, ý là quân Đại Việt nhà em ấy đâu phải Hải quân Trung nhà anh, sống chiến đấu lao động và học tập ra sao ngoài biển đảo, không được phép bỏ qua lớp tác giả thủy thủ. Hiển nhiên!
Như cựu văn sĩ hải quân, cựu thần đồng Trần Đặng Khoa với nhiều thơ văn chuyên trị biển đảo mà danh tác là tập truyện ký Biển Chìm từng được tái bản liên hồi kỳ trận từ năm 2000 tới nay; lần thứ 26, bản mới nhất cũng ăn theo cái giàn khoan. Phê bình gia tinh tường hàng đầu Đại Việt là Lê Lưu gọi Biển Chìm là một thần bút.
Song thế hệ ‘nhà văn trung úy’ xông xáo cỡ như Trần Đặng Khoa cũng không được xông vào vùng nhậy cảm trên cơ thể Trung-Việt. Phải đợi thế hệ ‘nhà văn trung tá’ xông xáo và phản biện như Nguyễn Lập Phương, Nguyễn Đinh Tú, Lê Hoài Lam… Nhiều năm trước Lê Hoài Lam lên hương nhờ tiểu thuyết Những Ngày Huyền Ảo với đa số chương viết về lính thủy đánh bộ trong chiến tranh biên giới Tây Nam 1979.
Thử nghe nhà văn cấp tá hải quân vừa tâm sự trên báo mạng Văn Chương Quê Nhà:
‘Hỏi: Nói về dòng văn học biển đảo, sự kiện giàn khoan từng khiến các tay bút cùng chĩa cả về Biển Đông. Nhưng giàn khoan đã được nhổ đi, liệu các sáng tác có lắng dịu không, và rồi lại chỉ còn các thủy thủ cầm bút như Trung tá là thủy chung với biển đảo?’
‘Đáp: Câu hỏi hay! Trước hết, phải nhất trí ngay với nhau một điều: đất nước và con người Việt không thể không dính liền với biển; tức là nhà văn không thể quay bút trước đề tài sống còn này. Với tôi, những sáng tác vừa có chất thời sự vừa mang giá trị nhân văn, đích thị đó là văn chương. Kỷ nguyên đại dương đã đến, văn nghệ sĩ Việt mà thờ ơ với đại dương thì có ngày mất nước! Nhất trí ngay chưa nào? Điều nữa cũng cần nhất trí, nhưng từ từ. Viết về biển đảo ta và Hải quân ta không dễ. Đâu phải văn sĩ, ký giả nào cũng đi biển được. Rồi tình tiết, tự sự, diễn ngôn hàng ngày trên biển cả trùng khơi nói chung là không ‘sóng gió’ trừ những khi sóng gió, nên văn sĩ khó bề hư cấu mắm muối như chuyện trên cạn hay đồng rừng. Nếu chưa kinh qua cuộc sống đại dương, các nhà văn đi thực tế, ngay cả dịp nóng giàn khoan vừa rồi, khi trở về đất liền thường chỉ viết được loại văn chương thoang thoáng hơi gió hâm hấp muối biển. Cũng là quý rồi. Chờ cho giàn khoan cút xéo đi, hãy là kẻ quý trọng biển đảo đau đáu, hãy là người yêu thương lính biển ngút trời thì may ra mới tiếp tục viết, viết cho hay cho đẹp cho đúng về biển đảo Đại Việt ta! Từ từ nhất trí nhé?’
Họ Và Mình? Ôkê! Sân khấu kịch là con khủng long cổ đại sống sót vào thời Phục hưng và đầu thai vào thế kỷ 20, tới đất Việt thì nhập thân kịch tác gia Lưu Quang Võ thời 1980. Dở là ở chỗ Mỵ Châu không thích kịch cọt anh ạ. Trong kịch ‘tốn’ người chết quá! Nhưng lần này phải phục Nguyễn Lập Phương khi chàng dẫn độ khá ngon lành cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc lên tới tận… sân khấu. Đến mức panô buổi công diễn dự tính giật tít ‘Không thể xóa nhòa lịch sử giữ nước!’ Độc giả phải chờ thêm, vì trong Họ Và Mình tác giả chỉ đang he hé đề tài nhạy cảm.
Này anh, cũng nên ghi nhớ bài bình của phê bình gia kiêm kịch tác gia đàn anh Bảo Linh vừa gửi cho báo Hội. Kịch diễn là em đăng.
‘Trên cả hay! Bản thảo kịch Họ Và Mình tôi được tác giả cho đọc từ khuya. Nhưng mãi không thấy được ra ngoài ánh sáng, dù là ánh sáng đèn pha sân khấu. Bây giờ sắp diễn rồi, ngẫm thấy ân hận mình đã vội nghĩ không phải về các ‘ông’ kiểm duyệt nước mình. (Có lẽ thua cả nước ‘họ’?). Theo lối đọc thành nếp hằn và tất nhiên già nua của tôi, kịch bản Việt sau năm 1986, bậc nhất là Nguyễn Huy Thiếp ở các vở Không Có Vương, Thương Nhớ Chân Quê, Những Bài Học Nông Dân, Sang Mương; rồi Nhật Tuân với kịch Đi Về Nơi Hoang Vắng, Lê Mận với Thời Xa Tít, đến Dương Hường với Bến Không Vợ, thì dừng lại. Cho tới giờ mới có vở này. [Thiết Ngôn cũng biết anh giai này ‘sĩ’, không dám nêu vở Nỗi Buồn Chiến Chinh của mình từng được đóng đinh vào bảng phong thần kịch Việt hiện đại. Hollywood đã có hợp đồng chuyển thể phim mà vì sao đó cứ lần khân? Ký giả nghe đồn gì không?] Ấy là tôi nghĩ thế, độc giả khác nghĩ khác. [Phê bình kiểu này có mà dụ dỗ độc giả ‘ma’? Em sẽ đục bỏ. Câu tiếp lại rất đạt.] Họ và mình là người bên mình với người bên kia biên cương, là người âm người dương, là người mất kẻ còn... Một trong những bi kịch lớn nhất của đất Việt kể từ năm 1979 mà thật ra từ ngàn xưa. Không phải bây giờ mới được nghe khen hết lời, mở lại tờ Văn Chương Trẻ số Tết 2010, độc giả sẽ thấy tôi nói thập thò về ‘một tuyệt tác của một nhà văn đàn em’’.
+ “Nguyễn Lập Phương thì anh cũng thích. Hơi văn ma ảo. Khí văn lồng lộng. Người Tàu bọn anh không đọc mà ‘ngửi’ văn, nên trọng hơi và khí. Bác này đâu như năm 2010-2011 gì đó cho in bên Pháp cuốn kịch bản Xe Xuống Xe Lên?”
- “Ma xó thành ‘khí gió” rồi, trời ạ! Đúng thế, Họ Và Mình chỉ là phiên bản công diễn của bản văn học Xe Xuống Xe Lên. In sách ở hải ngoại coi như ném đá xem tăm. Anh lạ gì! Các bác ở ngoài ấy người khôn văn khó, viết được cái gì hay cái đó; đâu còn sức bình bàn tác phẩm người khác. Thế nên ‘xe xuống xe lên’ cả ba năm mà ‘xe’ vẫn như mới toanh. Phí rượu! À quên, phí cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung lần đầu tiên đi vào văn học. Dư luận trong nước nay mới biết qua vở diễn.
Còn đây, mời ký giả Thiết Ngôn thẩm định lời bình của học giả Thụy Khê viết giới thiệu sách. Hơi dài đấy, nhưng có vấn đề:
‘Hơn 20 năm trước, Bảo Linh diễn tả chiến tranh như cỗ máy nghiến vụn tất cả, trừ tình yêu. Nay Nguyễn Lập Phương tiến thêm một bước: chiến tranh nghiến vụn cả tình yêu, chỉ để lại tội ác, tức là chẳng cho con người hy vọng nào. Nguyễn Lập Phương đã rọi ống ngắm vào tội ác của một dân tộc được giáo dục thường trực trong bài học anh hùng và chiến thắng mà bản chất sâu xa chỉ là thổ phỉ. [Thổ phỉ? Thiết Ngôn thấy sao? Em ngứa tay biên tập quá!] Chiếu vào hậu quả từ các chiến thắng từ thời Lý tới thời Tây Sơn-Gia Long, thời Cách Mạng-Thổ Phỉ [Ngứa tay biên tập lắm rồi. Biên tập chứ không kiểm duyệt.] đến cuộc chiến Trung-Việt. Văn hoá ‘chặt chém’ đã thấm vào máu, nằm trong nồi cơm: dân ta mải chặt mải chém mà quên sinh quên sống. Dải đất biên giới anh hùng vắt trên dãy thây người. Những hệ gia đình thui chột như gia đình Hiếu là ví thế: ông ngoại trùm phỉ bị chặt đầu; mẹ buôn lậu vào tù; chú ngớ ngẩn; anh bộ đội đánh Tàu sau chết vì điên, bị chuột gặm hai cánh mũi và mắt; em trùm phỉ bị phục kích chết trên đỉnh Tà Vần… Sự giáo huấn chiến thắng chỉ sinh ra thánh nhân, nhưng không có bà mẹ nào muốn con là thánh. Cơ sở đầu tiên của con người là gia đình đã bị hủy hoại. Hệ thống cầu vồng phủ lên trọn lãnh thổ, khiến con người ta không thể vùng ra khỏi vòng ánh sáng đó đi đến chân trời mới. Nam thanh nữ tú chìm lặn trong đất thánh của tội ác, bị rình rập, vừa chạy lên đỉnh đã bị sập lưới, đẩy xuống đáy vực. Họ chưa được ý thức về khái niệm tội ác đã lìa đời.’ [Vừa diễn kịch vừa đọc lời bình này, trẻ con hết dám khóc.].
Thôi bỏ kịch cọt đi. Trong kịch ‘tốn’ người chết quá! Đã bảo là Mỵ Châu này dị ứng kịch mà! Văn thơ sướng hơn…
Vâng, tập sách Mặt Biển em cũng dính vào nhiều; Phụ trách biên tập phần truyện. Trừ vài trường hợp còn thì biên tập dễ như ăn cơm sườn. Sách gồm toàn tác giả gạo cội và đang phất. Bài vở hầu hết đã in ngon lành trên báo Văn Chương trong 4-5 năm qua, thậm chí mươi năm trước.”
+ “Cụ thể hơn nữa nào, nữ Phụ trách biên tập phần truyện?”
- “Mặt Biển hơn 500 trang gồm 30 truyện ngắn và 100 bài thơ của 80 tác giả, nhà xuất bản Nữ Nước Nam ấn hành. Các tác phẩm tạo dư luận ư? Như truyện ngắn Mộ Sóng của tác giả trẻ Lê Mạnh Thương từng được chuyển thể thành phim truyện cùng tên, sắp đi dự Liên hoan điện ảnh quốc tế Toronto. Như truyện dài Những Cánh Thư Gửi Từ Biển của nhà văn Vũ Thị Xuân Hà được hoàn thành nhanh nhất ngay giữa biển khơi Trường Sa tháng trước. Như trích đoạn tiểu thuyết của đại tá - văn sĩ Khuất Quan Thụy. Như thơ của đại tá - thi sĩ Nguyễn Hữu Quy, trung tá thủy quân - văn sĩ Lê Hoài Lam, thi sĩ cựu phi công Nguyễn Trọng Võ. Rồi ba truyện liên hoàn của một cây bút xứ Huế là Nhuỵ Uyên nữa cơ…
Em còn đoán giới văn nghệ sĩ Trung sẽ phát sợ trước tiền đồ của nền văn học Việt khi nghe lời phát biểu của phê bình gia - dịch giả Nguyễn Quan Thiều, Viện phó Viện Văn học Quốc gia kiêm Giám đốc Trung tâm Truyền bá Văn học Việt ra Ngoại quốc: ‘Mặt Biển có 3 điều đã nổi lên: Một, tình yêu biển đảo và ý thức chủ quyền Tổ quốc đã được nghệ thuật hóa bằng ngôn ngữ văn chương. Hai, sứ mệnh của văn học không gì khác hơn là thiết lập một Nhà nước của ngôn ngữ’…
+ “Cũng không mới. Từ thập niên 1950 Mai Thao và nhóm Sáng Tạo đã đòi lập Cộng hòa văn chương thế kỷ 21. Rồi Asturuas trong diễn từ Nobel 1967 từng bàn tới việc ‘giành chỗ đứng trong Nước cộng hòa văn chương’. Gần hơn, mươi năm trước đây, báo mạng Tiến Về cũng khẳng định sẽ góp phần xây dựng một khối Thịnh Vượng Chung của văn học nghệ thuật Đại Việt. Thì ra làng văn Đông-Tây đều tỏ vẻ sính tuyên ngôn?”
- “Anh nói tức như bò đá ấy! Phải, ai chẳng biết Thiết Ngôn giỏi! Chỉ giỏi nói leo bới bèo ra bọ. Hôm nao qua đây đấu khẩu xem mèo nào cắn mỉu nào: Thiết Ngôn ‘bắn’ tiếng Việt, Quan Thiều ‘nã’ tiếng Trung. Mới hay không mới, Đại Việt chúng em lúc này không cần, đúng ra là chưa cần. Miễn sao phục vụ tình hình mới.”
+ “Ừ thôi nỉ xin lỗi ngộ. Sợ gái nước Nam quá! Hảo… hảo.... Thế Nguyễn Quan Thiều phát biểu gì nữa?”
- “Làm mất cả hứng. Đang nói đến đâu rồi? À may cho em. Đúng buổi Ban biên tập họp đột xuất bàn về truyện chị Quyên gửi vào quá giang trên tập Mặt Biển thì mẹ Trâu phải ra sân bay tiễn con Nghé Ọ đi Úc. Kể riêng anh biết tin này nghe xong bỏ đó nhé; lộ ra là em chết đấy! Truyện của bà chị được một vị có chân trong ‘Bộ to nhất của các Bộ’ bảo lãnh với ‘chỉ đạo miệng’: ‘Về tư tưởng truyện mang thiện ý sâu sắc, dù về nghệ thuật tự sự hơi khó tiếp cập; đặc biệt về tác dụng thời cuộc lúc này thì bất khả tranh nghị nên truyện nhận được sự thu hút từ dư luận và bạn bè quốc tế’. To nhất thì to nhất, có cho kẹo sếp của cả nhà xuất bản Nữ Nước Nam lẫn báo Văn Chương cũng phải ‘em chã… em chã…’ May, không thì bà chị và làng văn Vũ Đại này lại đổ tội oan là Trâu ghen tình tức văn, không cho truyện ấy vào. Nhưng thật tiếc, nếu in trong Mặt Biển thì truyện Đỗ Quyên sẽ nổi như giàn khoan 981 giữa Biển Đông, anh nhỉ?”
Không ít đoạn trong những trao đổi trên được viết giữa các cú làm tình động đất cùng cuộc rượu ngất trời giữa Thiết Ngôn và người tình nam Trương Du. Những khi chủ nhân của bàn phím mê mị là thời cơ xọc vào của bàn tay lông lá từ Cục Tình báo Hoa Nam.
Vancouver (16/5/2014 - 17/2/2015)
Đỗ Quyên